Chiều hôm, một người khách lạ
Chiều hôm, một người khách lạ tới bên kia
đường.
Đó là đoạn Lê Đại Hành chạy qua Bình Thới,
giữa hai hàng phượng cao rợp mát. Trong ngõ hẻm đối diện có dãy hàng hoa nằm
khuất sau những hàng quán khác. Người đàn ông trung niên tiêu biểu cho thời đại
mình: gầy gò, đen đúa, sẵn sàng biến mất vào đám đông. Ông ta băng qua dòng xe
cộ, bước vào hẻm, bắt chuyện với thằng bé đang bày trò chơi với hai đứa nhỏ
chừng như em nó. Bọn trẻ đã quen, đưa mắt tò mò nhưng không ác cảm, nhìn người
đàn ông. Cuộc trò chuyện dăm bảy phút, có khi ông ta lôi từ trong túi ra một thứ
gì như bánh kẹo. Con hẻm lụp xụp, mái bạt đầy nước mưa trĩu xuống, trẻ con cười
đùa khắp nơi, đuổi nhau, bụi bay mù những kệ quần áo sida, những bó hoa
tươi. Nhìn người lạ vui vẻ đi ngược ra đường, bạn nghĩ, những cuộc gặp ấy sẽ
không dừng lại.
Khi tôi trở về nhiều năm sau, ngõ hẻm không
có nhiều thay đổi, dù hàng quán tấp nập hơn và ngôi nhà dì Ba tôi có phần khang
trang hơn trước. Trên bậc hiên thấp nơi những đứa trẻ ngồi nghỉ mệt giữa hai
cuộc chơi, tôi lắng nghe câu chuyện của dì, trong tiếng chim hót râm ran trên
hàng cây me, sấu, trứng cá trái chín mọng. Dì Ba tôi thời trẻ không đẹp nhưng
xinh xắn, học giỏi. Ra trường sư phạm Quy nhơn, lấy chồng sĩ quan, sinh con đầu
lòng chưa đầy năm khi miền Nam sụp đổ. Dượng Hiền, chồng dì, trình diện, lập
tức bị chuyển ra Bắc xa tít, khó thăm nuôi. Không ai hiểu tại sao, cấp bậc
dượng chỉ là thiếu úy không quân. Thiếu úy Nguyễn S. Hiền không phải phi công
mà chuyên về kỹ thuật, gọi là sĩ quan an phi. Đến trại tập trung, bị hỏi cung
lên hỏi cung xuống, chuyển thẳng tới trại khác trên Sơn La, vài tháng sau dượng
mới biết nguyên nhân. Thì ra viên cán bộ thẩm vấn khi đọc chức vụ, không chịu
hỏi lại. Có lẽ anh ta đoán mò chữ an phi gần với an ninh, công an chi đây, vì
vậy xếp dượng vào diện nguy hiểm. Dượng biết chuyện nhờ gặp một người cùng hoàn
cảnh, cũng thuộc loại sĩ quan an phi như dượng. Bất mãn với cái án, bị
hành hạ, dượng tôi cùng vài người trốn trại. Đêm vượt rào, bị bắn, chết gần
hết, chỉ một chạy thoát, dượng bị bắt lại. Chuyển trại. Đòn thù. Biệt giam. Bỏ đói.
Gãy xương ống chân. Sốt rét. Chuyển trại khi quân Tàu đánh qua biên giới. Nhiều
người cải tạo đã chết, không bia mộ, rải rác biên cương, nhưng dượng
không chết, như có phép lạ, ở trong trại cho đến khi mãn hạn tù hơn mười năm
sau.
Ở nhà, dì Ba nghe phong thanh vụ vượt ngục,
tất tả lên biên giới tìm chồng. Hai ngày đi tàu, hai ngày bám càng xe đò chạy
than, khói lửa mù mịt, như ngày trước người Sài gòn bám càng trực thăng chen
nhau di tản qua Mỹ, một ngày đi bộ từ ngoài ga xe lửa qua đường rừng nổi tiếng
cọp dữ, vừa đi tim vừa đập thình thịch. Dì nhận được câu trả lời của cán bộ
quản giáo. Chồng chị bị bắn chết vì tội vượt ngục, xác chôn giữa rừng sâu,
không vào được. Chị hãy trở về, an tâm sản xuất, nuôi con. Dì tôi không khóc,
quay mặt đi, im lặng. Người cán bộ tỏ ra ái ngại, muốn nói một điều gì, lại
thôi. Dì cắp nón đứng lên, không chào, đi thẳng một mạch xuống núi. Đó là tính
cách của dì. Đi suốt đêm, đi một mình, không sợ cọp, sợ rắn, không sợ hãi gì
nữa. Ra hết núi, ra tới bìa rừng, gặp con suối nước chảy rì rào, rì rào, trong
vắt. Dì cúi xuống đưa tay vốc nước uống, nhìn thấy một khuôn mặt dưới làn nước
trong biếc như gương. Khuôn mặt còn quá trẻ, làn da sáng như ngọc, của một cuộc
đời tuyệt đẹp đã xa tít mù, thuộc một xứ sở đã mất, dì tôi khóc òa lên, khóc
như mưa, chưa bao giờ được khóc. Rồi dì ngất đi.
Khi tỉnh lại, người phụ nữ ngẩng đầu, gặp
vành trăng sơ huyền buổi sớm treo lơ lửng trước mặt, giữa mấy điểm nhấp nháy
tinh đẩu. Mùi cỏ tươi, mùi lá rừng rã mục, tiếng ve kêu xuyên qua tảng đá vôi,
sương mù tụ lại tan đi, mặt trời lên. Tất cả làm dì hồi tỉnh. Lấy lại sức lực.
Những chuyện bất hạnh, bạn nghĩ, có thể xảy ra cho một người nào đó, đáng
thương, ở một nơi nào đó, nhưng không thể xảy ra cho mình, cũng như lịch sử có
thể xảy ra một nơi nào đó, Phi châu chẳng hạn, nhưng không thể xảy ra cho quê
hương mình, cuối cùng đã xảy ra. Tất cả nước mắt của dì lặn hết vào lòng đất
gần biên giới Sơn La. Trở lại nhà ga, đáp chuyến tàu sớm nhất về quê.
Buôn bán xuôi ngược không khấm khá, bên
ngoại bên nội lưu lạc không nhờ vả ai được, dì tôi một mình bồng con nhỏ mới
hơn tuổi vào Biên Hòa, rồi qua Biển Hồ, rồi tới Siem Riep. Một mẹ một con, dầm
sương dãi nắng, tạo cơ nghiệp là cái quán tạp hóa, ít bánh kẹo, ít quần áo.
Chẳng bao lâu, chính quyền Khơ – me đỏ xua đuổi Việt kiều, quét sạch thành phố,
thảm sát trẻ con, cướp tài sản nhà giàu nhưng không chia cho người nghèo mà
chia cho nhau, mùa mưa tới, mẹ con dì Ba bị lùa vào nơi tập trung. Mỗi người
được phát khẩu phần một chén cháo trộn khoai sắn mỗi buổi, làm việc trên đồng
mười mấy giờ một ngày, nắng mưa không áo tơi áo ấm. Những đứa nhỏ gầy rộc như
nắm xương, bụng ỏng giun sán, thiếu máu xanh mét. Nhưng bọn chỉ huy vẫn chờ
chúng lớn lên, hy vọng chỉ năm mười năm nữa có thể bổ sung vào đạo quân cách
mạng, mới mười hai mười ba tuổi biết ném lựu đạn ào ào, theo lời kêu gọi của
Mao đi làm chiến tranh giải phóng nhân loại.
Ở giữa những bức tượng bằng đá thời Angkor,
khắc hoa văn tỉ mỉ xinh đẹp, giữa những cánh đồng khi ngập nước khi khô hạn,
giữa những chiếc sọ người lăn long lóc, chúng không còn làm ai giật mình sợ
hãi, vì cái chết không đáng sợ bằng sự sống, đã có lúc dì toan thắt cổ bằng sợi
dây vải gai. Nghĩ đến đứa con trai duy nhất của người chồng xấu số qua đời, dì
lấy lại can đảm, cất sợi dây đi, để dành. Nỗi khổ đau, nỗi nhục nhã của dân tộc
Kampuchia, của đồng bào Việt kiều tha hương lớn hơn hạn hán, lớn hơn mưa bão,
đủ sức bào mòn những tượng đá trong các đền thờ. Cái đói ác liệt từ từ quật ngã
họ. Dưới mắt dì, hàng trăm người, hàng ngàn người chết đói, đến lượt hai mẹ
con. Bọn angka quyết định tàn sát những người đã mất sức lao động, gồm
dân Kamphuchia và người Việt, chúng chuẩn bị đào sẵn những cái hố, cạn cợt. Thì
bộ đội Việt Nam tới. Người đích thân cứu dì và đưa hai mẹ con về phía sau là
một chỉ huy trẻ tuổi, nói giọng Bắc.
Nhiều năm trời lăn lộn trên chiến trường,
thẻ đảng viên, vài ba vết thương thành sẹo lồi rải rác, trở trời đau nhức, vẫn
không cứu được dượng Ba tôi, một tình nhân trẻ tuổi, trước cánh cung giương lên
của nữ thần tình ái. Có lẽ vì nhan sắc? Nhưng dì tôi không đẹp, chỉ thùy mị,
lại lớn hơn dượng ba tuổi. Mà dượng không phải người xấu xa, một chàng trai độc
thân khỏe mạnh. Mặc kệ cấp trên ngăn cản, dượng phải lòng dì. Bộ đội chiến đấu
ở Kampuchia thời ấy bị cấm yêu đương và kết hôn với dân địa phương. Là người
gan dạ, dượng tôi lại bướng bỉnh. Dượng vẫn cầu hôn. Vì vậy bị kỷ luật, tước
thẻ đảng, lột lon, xuất ngũ sớm. Dì Ba nhận lời, phần cảm động, phần mang ơn,
rồi hai người dắt díu nhau trở lại Việt Nam. Dượng vốn lính đặc công, bề ngoài
lầm lì, khắc khổ, nhưng bên trong hiền, vui tính, thật bụng, có lẽ vì mang
trong người dòng máu nông dân chân lấm tay bùn từ một làng nghèo ở Thái Bình
nhiều ruộng lúa, quê của thằng Vũ của Duyên Anh. Khi về làm rể nhà tôi, với
giọng Bắc khó nghe, thói quen lính chiến, hàm răng sún nặng mùi thuốc lào,
dượng gặp vài rắc rối, nhưng mau chóng phá vỡ hàng rào thành kiến, nghi ngại,
chẳng bao lâu chinh phục cảm tình của mọi người. Bọn trẻ mê nghe dượng kể
chuyện ngoài Thái bình, chuyện chiến trường, Polpot. Dượng suốt ngày ngồi ở
cửa, vừa coi hàng cho vợ, canh chừng bọn trẻ, vừa rủ bạn đánh cờ tướng. Không
nhậu nhẹt, nhưng thích uống trà Tân Cương, hút thuốc lào, miệng hát ư ử con
đường gánh gạo muỗi bay cùng với con đường xưa em đi dù hai con
đường ấy khó gặp nhau.
Khi nhận lời cầu hôn, dì Ba có một điều
kiện, phải cho dì thờ phụng người chồng quá cố. Dượng chấp nhận. Tưởng đâu qua
chuyện, ai ngờ dượng là người chấp hành nghiêm chỉnh, ngày nào cũng thắp hương
trên chiếc bàn thờ kín đáo trên gác xép, ngày rằm còn có huệ hay glaieul đỏ,
trắng. Dì gượng dậy từ những chấn thương, gạt bỏ nỗi buồn, nuôi con. Cảm động
vì sự săn sóc của người lính, quả thực mới đầu dì không cảm thấy tình yêu là
thứ tưởng đã chết. Bắt đầu cuộc sống mới, hai vợ chồng long đong giữa Sài Gòn.
Vốn giỏi tảo tần, có sở thích cắm hoa từ nhỏ, dì học nghề bán hàng hoa, mới đầu
phụ việc cho gian hàng ở chợ hoa Hồ Thị Kỷ, cuối cùng về an cư lạc nghiệp giữa
xóm bình dân lao động quanh Bình Thới. Đồng bào miền Bắc di cư được dân địa
phương kính trọng, họ vốn yêu Chúa kính Phật. Bốn mùa những bông hoa sắp tàn
được dượng mang đi, thay vào những cành hoa mới, thơm mùi mặt trời phương Nam,
như cuộc sống dân dã nay đã thành quen thuộc. Yêu nghề vực dậy một tâm hồn
tưởng đã chết. Rồi năm tháng qua, hạnh phúc mới đầu mong manh ngày càng vun
đắp. Dượng Ba tính vui vẻ, chinh phục cảm tình hàng xóm. Hai đứa con một gái
một trai ra đời liên tiếp, ba đứa trẻ thương yêu nhau, làm sợi dây ràng buộc vợ
chồng thắt chặt. Chẳng biết từ bao giờ mọi người quên mất tên tục của dượng, và
gọi dượng theo tên người vợ. Nhờ lý lịch đi bộ đội nhiều năm, tuy không còn
sinh hoạt chính thức, dượng Ba vẫn có cái mác làm chính quyền phường xã kính
nể. Vì vậy việc buôn bán làm ăn của họ cũng thuận lợi.
Có hai con đường để đi đến nhà dì Ba, một
là từ con hẻm lớn nơi những đứa trẻ chơi đùa, và lối đi khác vòng quanh sau các
dãy nhà, len lỏi giữa những bức tường gạch xám xịt, bong nhiều mảng, chật hẹp,
ít người biết. Một buổi chiều như thế, dượng Ba tôi đã dùng lối ấy mà xuất hiện,
bất ngờ.
- Anh kia lại đây.
Giọng ra lệnh nhưng nhỏ vừa đủ hai người
nghe. Người đàn ông giật mình quay lại, dượng đứng ngay sau lưng. Một thoáng
tái mặt, ông ta lấy lại bình tĩnh, gượng cười.
- Anh hỏi gì tôi?
- Anh cứ đi theo.
Người đàn ông im lặng, ngẫm nghĩ.
- Tôi không đi. Tôi chẳng có tội gì. Mà anh
là ai?
Dượng Ba lấy bàn tay phải đập khẽ lên ngực
trái, tôi là chính quyền ở đây, bộ anh đui à. Mà quả thật nhìn bộ điệu dượng
cũng rõ, ông mặc đồ bộ đội xanh đã cũ. Nhiều người sau khi giải ngũ vẫn mặc
đồng phục, nhưng dượng tôi không có thói quen ấy. Ra mắt bên nhà vợ xong, dượng
cởi phăng bộ quân phục, không phải vì ông ghét bỏ mà vì ngại. Ngày ngày ngồi
tỉa hoa, cắt nhánh, lăn lộn với cư dân lao động, dượng biết bộ quân phục gây
nghi ngại, không có lợi cho việc buôn bán. Trừ vài trường hợp đặc biệt, như hôm
nay. Vì lâu không mặc, dượng Ba quên mất trên ngực áo không còn huy chương.
Những tấm huy chương về thành tích chiến đấu, hy sinh ở chiến trường bị lột
sạch vì kỷ luật. Nhưng người đàn ông kia không biết. Chỉ riêng áo quần bộ đội
và giọng nói Thái Bình đủ làm ông ta tin tưởng.
- Tốt nhất anh đi theo tôi.
- Nhưng tôi có tội gì?
- Nhìn tướng anh là biết tù cải tạo vượt
ngục. Lại còn tìm cách dụ dỗ con nít để bắt cóc.
- Oan cho tôi. Tôi có giấy ra trại.
- Nhưng trên giấy ghi trả anh về quê cũ.
Đúng không? Quê quán của anh không phải ở đây. Nếu anh không đi theo, tôi sẽ
bắt anh về trụ sở phường.
Hai người đàn ông đứng im nhìn nhau. Dò
xét, sợ hãi, nghi ngại. Những đứa trẻ chơi đùa xung quanh bị dượng Ba xua tay
đuổi đi. Người lạ hơi nghiêng người, trong một động tác gần như muốn bỏ chạy,
thật ra chỉ để liếc nhìn mấy đứa bé lần nữa. Không khí căng thẳng, im lìm. Một
tờ báo dưới chân bị gió lật lên, xoay vòng. Ông ta đảo mắt nhanh, thu cái nhìn
lại, dừng đăm đăm trên mặt dượng Ba. Khuôn mặt sạm nắng ấy trông khắc khổ nhưng
không bần tiện hay nham hiểm, một biểu hiện kỳ bí, không có câu trả lời.
Dượng Ba quan sát đối phương, nói nhỏ nhưng
cứng rắn.
-Anh không được bỏ chạy, không có lợi cho
anh đâu.
Ông ta không phản đối, ra dấu sẽ nghe lời.
Dượng Ba quay người đi thẳng, không nhìn lại. Ông ta bám theo, đưa mắt tò mò
nhìn cái khuỷu tay trái của dượng, thỉnh thoảng co giật. Họ đi vòng qua ngõ hẻm
thứ hai, vắng, kín đáo, bằng lối ấy dượng tôi đã xuất hiện. Người đàn ông không
hỏi gì thêm.
Bên tường gạch, gần cửa sau có cái bến rửa,
dượng Ba dừng lại mở vòi nước, bảo người đàn ông bước tới rửa chân tay, rửa
mặt. Ông ta làm theo. Dượng lặng lẽ tra chìa khóa. Đi trước dẫn đường, rút từ
trên vách xuống một chiếc đèn pin, thật ra dượng chẳng cần đèn, chỉ là thói
quen, nhưng ngọn đèn ấy giúp người lạ vào nhà an tâm. Hai người leo lên căn gác
hẹp, thang gác bẻ góc ba lần. Chui khỏi cầu thang, ánh sáng hắt lên, dượng dẫn
người khách lạ đến một góc khuất. Hai người đàn ông đứng im lặng một lúc, không
nhìn nhau, trước một bức rèm nhựa xanh cũ, in hình con chim phụng màu vàng có
cái đuôi cong vút.
Chậm chạp, dượng Ba tiến lại, đưa tay vén
rèm. Phía sau, lộ ra một cái bàn thờ nhỏ. Trên bàn, bát hương cắm đầy nhang, chứng
tỏ được thắp đều, sau bát nhang là bức ảnh trắng đen trong khung kính, một
chàng trai trẻ, mặt trắng trẻo, mặc quân phục. Bức ảnh trắng đen chụp đã lâu,
nhạt màu, nhưng vẫn nhìn rõ cặp mắt tinh anh của người trong ảnh. Người đàn ông
bưới tới gần, sững người, lùi lại, không giấu được vẻ bối rối, xúc động.
-Anh có biết ảnh của ai không?
-Tôi biết.
-Vậy anh có thể tin được lời tôi. Bao nhiêu
năm nay, Ba và tôi vẫn chưng tấm ảnh này, vì cô ấy nghĩ rằng anh đã mất. Còn
tôi thì không có bằng chứng nào khác, cũng phải tin vậy. Nhưng đôi khi tôi có
linh cảm kỳ lạ, linh cảm của lính đặc công, là anh vẫn sống, người chồng cũ của
vợ tôi vẫn còn sống đâu đó.
Có một bức ảnh của hai vợ chồng dì Ba, tôi
từng được thấy, chụp lúc họ mới cưới nhau. Trong ảnh, dựa đầu lên vai chồng,
một người phụ nữ trẻ mảnh mai, mặt bầu bĩnh, miệng như cười, có hai răng khểnh
cả hai bên, da mặt hơi sạm nắng, tóc uốn phi dê thời trang kiểu bà Trần Lệ Xuân
những năm sáu mươi. Ngay sau năm 1975 tôi gặp dì một lần, lúc dượng Hiền đã đi
học tập cải tạo, mà gặp vội vã ở trạm xe lam gần ngã ba chợ Sặt, Biên hòa, phía
trước quán bún mộc ngon nổi tiếng, tay xách nách mang, đi buôn trà từ Bảo Lộc
về Sài Gòn. Tôi nhớ ánh mắt của dì đẹp, mở to mỗi khi ngạc nhiên, mà nụ cười
thì héo hắt. Tuổi còn trẻ mà tóc rụng xác xơ, khớp cổ tay, đầu gối, cổ chân
sưng đau khi trời trở lạnh.
Nhiều năm sau khi tôi gặp lại, dì đã có hai
con với dượng Ba. Nhiều người tưởng dì đã quên chuyện cũ, nhưng không, trong
đáy sâu thẳm của tâm hồn người đàn bà, căn gác thuê của hai vợ chồng mới cưới
ngày trước, trên bán đảo Sơn Trà, vẫn còn đó, tiếng sóng từ vũng Tiên Sa đêm
đêm vẫn vỗ về gềnh đá, vầng trăng lưỡi liềm xanh biếc của tuần trăng mật vẫn
chiếu sáng. Hôn nhân đầu và mối tình đầu ở Đà Nẵng ở lại trong ký ức, trong một
góc khuất kín đáo như chiếc bàn thờ nhỏ kia, ẩn sau bức rèm nhựa xanh có in
hình con chim phụng xòe đuôi kim tuyến. Tấm ảnh thờ trắng đen mờ ảo, tuy có
nhòa đi sau hương khói được thắp ngày rằm, vẫn còn đó, đăm đăm, nghiêm nghị,
nửa thắc mắc nghi ngờ, nửa dịu dàng, an ủi.
Dượng Ba lục đục xuống bếp mang lên nồi cơm
nóng, bát canh, dĩa cá kho đặt xuống giữa sàn nhà, so đũa. Không khách sáo,
người đàn ông, tức dượng Hiền chồng cũ của dì tôi, ngồi xuống, lặng lẽ ăn.
Dượng Ba ngồi đối diện, khẽ rít thuốc lào. Trong ngõ hẻm, ngoài đường, ba đứa
trẻ chơi đùa với nhau, đứa con trai lớn nhất, con của dượng Hiền và dì tôi, khi
dượng khăn gói lên đường vào trại cải tạo hãy còn bú mẹ, đang bầy trò nghịch
cho mấy đứa em và trẻ con hàng xóm. Dượng Ba, nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, cử
động thong thả, thỉnh thoảng khuỷu tay trái co giật nhẹ, như người bị động kinh
do thương tật cũ, trên má phải có nốt ruồi với sợi râu, khi cười phô hết hàm
răng vàng sún của người hút thuốc lâu năm, lại ra ngồi ở bậc cửa, phụ giúp vợ.
Trước mặt dượng có chiếc bàn trà nhỏ, bày
bộ cờ tướng bằng gỗ mun đen nhánh, thiếu một con mã phải thay bằng quân cờ nhựa
trắng đục, xấu xí. Mỗi khi có khách đánh cờ, dượng giành lấy bên khuyết, tức
bên có quân cờ bằng nhựa. Riết rồi mọi người đều biết và ai cũng đòi đổi phía,
tin đó là may mắn. Phía sau lưng, chất những kệ hàng tạp hóa, kẹo bánh, vì dì
tôi tranh thủ bán thêm lặt vặt. Trên sàn nhà lót gỗ trải những chiếc chiếu dày
trông như thảm Ba Tư, đến bữa cả nhà lại quây quần bên mâm cơm, nồi canh chua,
soạn ngay giữa nhà, khói nghi ngút. Nhà chật, mọi người đều ăn ngủ sinh hoạt
chung. Dì tôi kém dượng Hiền một tuổi, và lớn hơn người chồng mới ba tuổi,
nhưng mưa nắng tảo tần, già quá sớm. Dượng Hiền gốc gác con nhà giàu, dì thường
tự an ủi thế, có khi dượng mất đi lại đỡ khổ hơn so với cảnh sống hiện tại. Dì
xuất thân nhà nghèo nên quen với cảnh cơ cực, vì vậy sau ngày đổi đời, đối phó
với hoàn cảnh cũng dễ hơn. Khi cả một xã hội đói khát, khi tiếng súng vẫn còn
vang rền biên giới những năm bảy mươi, tám mươi, hạnh phúc lứa đôi đâm ra nhỏ
mọn. Dì Ba nhớ người chồng cũ nhưng cũng yêu thương dượng Ba, cảm phục vì đức
độ, nhớ ơn cứu sống, hợp tính hợp tình, nên vết thương cũ nguôi ngoai. Đám cưới
của hai người đơn sơ, chỉ có một chỉ vàng chia đôi làm nhẫn cưới, không khăn
voan, không đầm trắng, không lễ rước dâu, không confetti bay rợp đất, một phần
vì quê chồng ngoài Bắc xa xôi, phần nữa cuộc hôn nhân mới đầu chẳng được bao
người tán đồng.
Lấy nhau xong, dì tế nhị cất biệt những
hình ảnh cũ. Ảnh đám cưới xưa rực rỡ của họ, căn gác nghèo nhưng xinh xắn bên
bờ biển Tiên Sa, bức ảnh ra trường sĩ quan, bộ đồng phục không quân đứng bên
máy bay, những hình ảnh ấy dì giấu tận đáy va li, vì bất tiện trong xã hội mới.
Không ai biết có khi nào người đàn bà ấy mang chúng ra ngồi coi lại một mình,
hay chẳng bao giờ làm thế? Liệu những người mất đi quá khứ, đã trải qua thời
vàng son không quay lại, có còn tha thiết lưu giữ ký ức? Mà để làm gì? Ký ức
nào có ích cho ai trong buổi hỗn loạn, cho tương lai, cho thế hệ khác. Những
thế hệ trẻ sau này, trừ những người thực xuất sắc, chẳng mấy ai biết mở tung
cánh cửa của lịch sử mà tìm đường đi tới.
- Em đi lên đây với anh.
Nhìn vẻ mặt nghiêm trang của chồng, dì tôi
lật bật đi thẳng từ ngoài cửa băng qua sàn nhà tới thang gác. Dượng Ba không
nói thêm, dì không hỏi, hai người đứng im một lúc, dượng đứng phía trên, dì
phía dưới, ở chân cầu thang.
- Em đã khóa chặt cửa chưa?
- Em thấy anh khóa rồi mà, dì tôi hỏi lại.
- Đã bảo đừng nói lớn tiếng, dượng Ba nói
nhỏ, nhưng gắt.
Dì ngạc nhiên, vì vốn quen với tính khí dịu
dàng của chồng. Trong vùng nửa sáng nửa tối, hai vợ chồng đứng nhìn nhau một
lúc, như họ chưa bao giờ thực sự nhìn nhau. Rồi dượng Ba quay người bước lên
trước, có phần nặng nhọc, như một người tìm cách chen ra khỏi đám đông. Hết cầu
thang, dượng đứng lại, để vợ đi một mình. Linh cảm người đàn bà báo cho dì tôi
biết, khi lên gác sẽ gặp chuyện bất ngờ. Khuôn mặt người đàn ông lạ trong bóng
tối quả nhiên mới đầu làm dì khiếp đảm, cuống lên, chân tay run lẩy bẩy. Người
đàn ông bước chậm chạp tới gần, ra khỏi vùng tối.
Những cú đánh của số phận đã liên tiếp
giáng lên đời người, ngoài Trung, trong Nam, ngoài Bắc, tận Kampuchia, chúng cứ
chờ dì sau những cánh cửa, cứ nắm lấy bàn tay nhỏ bé của người phụ nữ mỏng manh
mà kẹp chặt, vặn xoắn, làm dì chúi xuống, bật ngửa người, lăn đi. Nhưng dì
không ngã hẳn sóng soài, mà gượng dậy được. Dì ít khóc có lẽ vì vậy. Khi gặp
lại người chồng cũ, trước mặt người chồng mới, dì im lặng nhiều hơn nói, và đã
nói những lời thận trọng, dành lấy sự xúc động cho mình, để khóc một mình thật
kỹ trong chăn, như con trăng giấu sau vầng mây đục, như nụ chồi của cây thược
dược mà dì ủ trong tàn tro bên bếp, âm thầm chờ hết mùa đông.
Những điều dì Ba kể lại cho tôi nghe, có
bao nhiêu là sự thực, bao nhiêu là nỗi niềm riêng của người đàn bà, những hồi
ức nào bị xuyên lệch đi qua lăng kính phân kỳ của thời gian, tôi không biết.
Tối hôm đó, họ có cuộc trò chuyện, khi những đứa trẻ đã buông mùng ngủ ngáy
vang trong chăn. Đèn trần lơ lửng một ngọn, ngoài đường vẳng tiếng xe lam thưa
thớt, họ ngồi đó, đầu cúi xuống. Ba người, người vợ, người chồng cũ, cưới dì
ngoài hai mươi lúc xuân thì, người chồng mới, lấy khi đã có con, chồng chết,
lưu lạc xứ người nơi hang hùm miệng cọp. Tôi không biết đêm ngủ trong ngôi nhà
lạ, dưới bàn thờ của chính mình, dượng Hiền có chợp mắt không. Sau buổi gặp đầu
tiên, dượng Ba nằng nặc bắt vợ vào ngồi trò chuyện với chồng cũ và ngủ lại qua
đêm chỗ ấy. Dượng khóa cửa không cho vợ trở về phòng ngủ, có ý để hai người tự
do tâm sự. Dì tôi, mặc dù một đời rông dài chợ búa, có con với hai đời chồng,
vẫn giữ vẻ e thẹn gia phong, ngượng nghịu, ngồi thấp tha thấp thỏm một đầu góc
chiếu. Hai người rì rầm trò chuyện một lúc thì im lặng. Cảm giác tự do của một
người độc thân, không gia đình, không bè bạn, cảm giác ấy làm người ta vừa đau
khổ tự thương thân, vừa nâng người ta lên bằng sự kiêu hãnh ngấm ngầm. Người ta
sống với thực tại mà cũng sống như giấc mơ. Mỗi buổi sáng khi mặt trời lên trên
thành phố mới, nơi dượng Hiền không được phép sống, kỷ niệm ngày càng vắng, lớp
trẻ lớn lên ngày càng bị chặt đứt với gia tộc, cũng như sương mù tụ lại rồi tan
đi ở bìa rừng Sơn La ngày nọ, khuôn mặt đẹp như ngọc trong lòng suối trong vắt,
tất cả mờ đi, sẽ tan đi. Thế thì cái gì còn lại, không ai biết. Sự thức giấc
của một cuộc đời cũng tựa như sự thức giấc của một thành phố lúc rạng đông, mới
đầu bạn nghe tiếng lọc cọc ngoài đường của xe ba gác, xe xích lô, xe lam, xe
thổ mộ, rồi bạn tưởng như nghe tiếng của mặt trời lên, rồi bạn nghe tiếng chim
hót đâu đó, tiếng rao hàng ngoài đường dưới cửa sổ, những thứ tiếng động ấy lúc
xa lúc gần, nhưng lúc nào cũng tới vào một giờ nhất định, lúc nào cũng làm
dượng nghĩ đến một ngày mới, bận rộn, làm việc, đi lại, và lúc nào cũng làm
người ta nghĩ tới một ngày đã qua, lúc trẻ. Ở xứ sở của mất mát, sự khởi đầu
bao giờ cũng từ quá khứ, một ngày bao giờ cũng ra đi từ bóng tối, rất lâu trước
khi mặt trời lên. Dượng Hiền nửa đêm đứng dậy khêu bấc sáng ngọn đèn trên bàn
thờ, vì thuở ấy thành phố hay mất điện. Dượng thao thức hết nhìn căn gác nhỏ
đơn sơ lại nhìn xuống chiếc chiếu đang nằm, những ngăn tủ khép hờ, lối đi chật
chội, thang gác sâu và tối, không ngớt pha trà vào ấm nước, chế trà ra chén.
Dượng không hút thuốc, dù trong trại nhiều người quen hút thuốc lào, nhưng cũng
đâm ghiền món trà Tân Cương của người chủ nhà. Đêm chậm chạp trôi, chỉ chòm sao
ngoài cửa sổ và cây me lá đầy bụi nghe được cuộc chuyện trò của hai vợ chồng
cũ. Đêm yên tĩnh, không thư loãng mà nén chặt. Dì Ba thỉnh thoảng hỏi nhỏ một
câu, lúng túng, cân nhắc cảnh khó xử. Cuộc sống với quá nhiều lo toan chật vật,
vết thương dù đã lành thỉnh thoảng trở trời đau nhức. Trong tâm hồn người đàn
bà, sự đầu hàng, thất vọng, buồn rầu, sự thua cuộc, sự thỏa hiệp với cuộc đời,
những nhục nhã và chịu đựng, nỗi hy vọng mơ hồ vào tương lai, nỗi nhớ thương
vui vui buồn buồn đã trở thành một phần của đời sống.
Có lúc dì cúi đầu úp mặt lên hai lòng bàn
tay, giữa hai đầu gối, tiếng tim đập rộn trong ngực. Hai người đàn ông khẽ trò
chuyện. Bữa cơm chiều dọn sẵn ít ai đụng đũa. Họ ngồi với nhau vài ngày vài đêm
như thế. Rồi dì tôi lại tất tả ra vào, vì khách hàng gõ cửa, vì trẻ con khóc
đòi ăn, vì chuyện ngày thường tấp nập, nhưng có lẽ cũng vì dì lấy công việc để
nén xuống nỗi xúc động. Dượng Ba cố giữ dượng Hiền ở lại thêm nhiều ngày, tìm
dịp chơi với bọn trẻ. Hai cha con được gặp nhau. Thằng bé nằm ngủ qua đêm với
người cha ruột vài lần. Nhưng đến ngày thứ năm, người khách nằng nặc đòi đi.
Suốt ngày dượng ngủ trên gác nhỏ, cửa đóng, bọn trẻ lẩn quẩn quanh bếp. Dượng
Hiền bảo: tôi mới được tha, trả về quê cũ, không đăng ký tạm trú ở Sài Gòn
được, không thể ở lâu trong nhà anh. Dượng Ba trả lời: anh an tâm, tôi là bộ
đội phục viên, địa phương không mấy khi khó dễ, miễn không ai nói ra ngoài.
Người đàn ông kia phản đối: không được anh à. Im lặng một lát, thêm: chúng ta
không thể như thế này mãi. Dượng Ba không biết trả lời thế nào, lại đem ống
thuốc lào ra, hút liền một hơi say ngất. Thời gian trôi chậm, trong mấy ngày
con nhện đã kịp giăng xong tấm mạng từ bên cửa sổ này qua cửa sổ kia, tấm mạng
nhện chắc, dày, rải ngang phòng, bắt giữ được một con ruồi, như dòng thời gian
dừng lại, cố tình bắt giữ giây phút rối bời của số phận.
Một ngày, dượng Ba bảo, anh ăn uống xong cứ
đi nghỉ trước, vì tôi có việc đi đây một lát. Dượng Hiền ngồi một mình, lặng lẽ
nhìn bức ảnh của người đàn ông trẻ tuổi tuy mới chụp mười mấy năm mà tươi tỉnh
sáng láng như cậu học trò tạm thời khoác áo lính, rồi một ngày sẽ cắp sách tới
trường trở lại khi hòa bình, đã thuộc một thế giới nào khác, xa vĩnh viễn. Sau
lưng anh ta ngày ấy, trên phi trường, bãi cỏ xanh rờn, không biết trong mỗi
cọng lá hạnh phúc có một hạt giống hủy diệt. Tối hôm ấy dượng Ba về muộn, có
phần mệt vì đi đường, không ăn uống gì ngoài một bánh đường đen, ngọt lịm, gói
trong rơm, mua ở bến xe, những sợi rơm dính chặt vào đường, dượng ngồi nhai với
cốc nước trà bốc khói, mời người kia một miếng, rồi ra ngồi ở cửa hút thuốc một
mình. Sau một ngày đi và về mệt mỏi, dượng Ba nằm ngửa ra chiếu, đánh luôn một
giấc, để nguyên quần áo không kịp thay.
Ban ngày thằng bé được phép lên gác chơi
suốt buổi với cha nó. Hai người nói gì với nhau, dì không biết. Duy một lần
tình cờ mang thức ăn lên gác, thấy hai cha con nằm ôm nhau lim dim ngủ, dì đã
gạt nước mắt quay người đi xuống. Cũng trên căn gác nhỏ ấy, hai vợ chồng cũ đã
trải qua đêm, nhưng mỗi người một góc chiếu. Khi mắt đã quen với bóng tối,
dượng Hiền nằm im tò mò nhìn những vách tường ám khói, bức tranh đám cưới mộc
mạc lần thứ hai của người phụ nữ, những cái móc áo cong lại dưới mái tôn hâm
hấp nóng, bàn ghế lau chùi sạch sẽ như còn hơi ấm của người ngồi, chiếc chiếu
ấm áp của một thứ tình vợ chồng tuy không lãng mạn nhưng ý vị và êm ấm. Có khi
nào sự thèm muốn, sự ghen tuông, nỗi giận dữ, đã vang lên trong trái tim của
dượng, không ai biết.
Dì Ba ngồi co đầu gối lại, ngủ gật. Chỉ một
lần, choàng tỉnh khỏi giấc mơ, nhìn qua chiếc chiếu hoa, dì kêu khẽ:
- Mình ơi.
Nhưng chỉ một lần đó thôi. Trong giây phút
chập chờn, có lẽ hình ảnh bất động của người đàn ông nằm kia chỉ còn là hình
ảnh, là quá khứ đã chết, hay ở đó vẫn còn rạo rực hơi nóng của sự sống, của bầu
ngực ấm lại, trái tim hồi sinh?
Trong những giờ khắc như thế, những điều
đúng đắn nhất không bao giờ hiện ra trong ánh sáng, bay lơ lửng đâu đó giữa sàn
nhà và trần nhà, đậu xuống tay bạn khi bạn vừa quay đi, có khi hiện ra như tia
chớp, có khi nhẹ như cánh bướm. Đời sống là chuỗi những phép thử bạn không được
quyền chọn lựa, những phép thử ấy làm bạn mê đắm. Cứ như thế ba người sống
chung trong ngôi nhà, bề ngoài lặng lẽ, để tránh sự nghi ngờ, hàng ngày dì
dượng tôi vẫn cố gắng mở cửa đón khách. Dì tôi có khi đi đâu vắng vài giờ,
dượng Ba ngồi đánh cờ trông chừng, những đứa trẻ vẫn chạy nhảy ngoài đường chỉ
đến bữa ăn mới về. Bạn không thể nhìn thấy đầu nguồn hay cuối nguồn của dòng
sông, bạn chỉ nhìn thấy một khúc gợn sóng. Thế giới gồm những mảnh vỡ xếp chồng
nhau, những vải dệt đứt đoạn, giữa chúng là khe hở của ký ức, bao nhiêu sự thật
được ghi chép và bao nhiêu đã quên lãng. Dì Ba không bao giờ ngủ, chỉ chập chờn
nửa thức, sống như cơn mộng. Thật ra có ai trong chúng ta chưa từng sống như
cơn mộng, đi qua cuộc đời như trong một ngày mưa, tầm nhìn tù mù, tai nghe
tiếng động hỗn tạp, đời sống là mớ chỉ rối, tấm mạng nhện không thể gỡ ra,
không biết bắt đầu từ đâu. Trong một ngõ hẻm được bao bọc bởi hai dãy nhà kín
bưng, gió lọt vào không ra được, bạn có thể nghĩ số phận mỗi người đã được sắp
đặt từ trước, nhưng thật ra mọi chuyện rắc rối hơn. Đôi vợ chồng cũ xa nhau,
lặng lẽ, buồn bã, không phải qua những hàng rào thép gai của cuộc chiến tranh,
mà qua một khung cửa nhỏ, ít ánh sáng vì ngày chưa tới, dưới tàn một cây me và
một cây trứng cá. Cuộc chia tay ấy sẽ còn lặp lại nhiều lần, nơi khác. Tất cả
cuộc đời, lớp sóng phế hưng đã xô dì Ba tôi tới đây, bên rìa mép chiếc chiếu
hoa cũ này. Dì khóc, hơn mười năm trước đã khóc một lần như thế trước ngọn suối
rì rào gần biên giới. Sau đó, không còn nước mắt nữa. Thế rồi cuộc đời khác như
con sóng khác dạt tới, đẩy ta đi, va đập, bẻ gãy, nối kết, xóa đi, làm lại. Như
thể những người đàn ông rồi sẽ trở về, những người đàn bà sẽ mãi đứng chờ bên
cửa. Nhưng nếu vặn ngược đồng hồ, bạn thấy họ không làm được, ngày sẽ rạng, mặt
trời lên, gió sẽ thổi vàng những mùa xuân cũ, chiều hôm sẽ có người khách lạ.
Và khi trời chạng vạng, người đàn bà kia sẽ đóng cửa sạp, cất gánh hàng hoa,
gọi trẻ con, la mắng chúng, chuẩn bị bữa ăn tối. Không một người đàn bà nào
muốn nồi cơm cháy khét vì quá lửa, soong canh khổ qua cạn nước, dĩa thịt kho để
ăn với dưa giá trở nên khô rông rốc, hay bữa cơm dọn ra cho chồng con giữa nhà
nguội lạnh. Họ muốn bữa ăn ấy ngon miệng và ấm nóng mãi.
Gần sáng khi mọi người ngủ say, dượng Ba
choàng tỉnh. Linh tính xui dượng chạy lên gác, gác vắng lặng, không bóng người.
Trên bàn thờ có cây đèn dầu ngày trước dượng vẫn thắp, cháy tù mù, nay lạnh tanh,
một tờ giấy học trò gấp lại, đặt trên bàn. Dượng mở ra, cúi thấp đầu xuống,
đọc. Thư viết: Anh Ba, tôi xin lỗi anh. Tôi ra đi không báo cho anh biết. Tôi
thiệt biết ơn anh vì nhiều ngày qua cất giấu tôi, mặc dù đã được lệnh tha,
nhưng tôi không có tạm trú hay hộ khẩu, ở lâu nguy hiểm cho anh chị. Với lại
tôi với Ba có tình nghĩa vợ chồng, nhưng nay người cũ đã có hạnh phúc mới, lại
có hai con với anh. Tôi nghĩ mãi thấy số phận đã an bài. Tôi quyết định ra đi,
cũng có chút bất ngờ nên không kịp thưa gởi, lấy làm ái ngại. Nhờ anh nói với
Ba rằng tôi suốt đời ghi nhớ tấm lòng chân thật. Nhờ anh từ nay nuôi nấng chăm
sóc thằng Hiệp, con trai tôi, đứa con duy nhứt của hai chúng tôi. Tôi xin ghi
lòng tạc dạ ơn nghĩa nầy. Mấy hôm nay tôi được gặp nó lòng vui sướng như sống
lại. Mỗi khi nhắm mắt, tôi nhìn thấy khuôn mặt thơ ngây của con trai. Thế là
đủ. Đúng rồi, tôi đã sống lại. Vì tôi đã chết. Tôi đã chết một lần. Thì nay
cuộc đời này đối với tôi như một thế giới khác. Tôi biết anh chuẩn bị bỏ nhà,
về lại Thái Bình. Tôi biết anh giữ kín việc ấy, không cho Ba biết, nhưng anh
đừng. Nếu Phật Chúa phù hộ, tôi sẽ đến bến bờ tự do mới. Dù có gian lao nguy
hiểm cũng phải đi, vì đó là con đường sống duy nhất của tôi. Còn hơn việc anh
từ bỏ vợ con, mà về quê cũ, anh sống làm sao được. Anh đã bỏ tất cả để đi theo
cô ấy, nhờ thế mà vợ con tôi được bảo bọc. Anh đi làm sao được, quê hương không
che chở chúng ta. Nhưng đã là quê hương thì chúng mãi nằm trong đáy lòng tụi
mình đây. Phải không, thưa anh.
Dượng Ba thẫn thờ quay đi, nhìn ra cửa sổ,
nơi có tàn cây me che phủ. Vầng trăng bạc dây dưa một lúc trên nền trời phớt
hồng. Dượng bồi hồi nhớ lại ngày mới dọn về nhà này, gốc me ấy ai trồng còn
nhỏ, mà nay đã cao bằng mái nhà, như một đứa trẻ ngày nào bồng ẵm trên tay mà nay
lớn khôn. Ở gần cửa sổ, dượng nhìn kỹ, thấy một nhành cây mới gãy ngang, chỗ
gãy hãy còn rất tươi, ra nhựa trắng, chùm lá xanh non lay động trong gió sớm.
N. Đ. T.
Nguyễn Đức Tùng
304Đen - Llttm
No comments:
Post a Comment