MẶt trỜi tháng Tư
Trời lúc này nóng quá, mỡ anh có chảy ra không?
Tiếng cười bật ra từ chiếc miệng hầu như bị mất hút giữa khuôn mặt nhiều
thịt. Cả thân thể người đàn ông rung lên tưởng như phát ra tiếng chuông kêu
leng keng – tiếng chuông cà-rem của những người đi bán dạo giữa trời nắng.
Vậy mình vào trong phòng tôi nói chuyện. Có máy lạnh.
Ồ, tôi ghét máy lạnh. Thật ra trước hết vì tôi ghét sự bít bùng của nó. Tôi
không than phiền trời nóng. Tôi chỉ nhận xét. Tôi thích nó là đàng khác. Tôi
muốn nói thật ra chưa có năm nào tôi ý thức là trời nóng bằng năm nay…
Người con gái muốn nói khác: Thực ra chưa có năm nào tôi ý thức là tôi thèm
muốn bằng mùa nóng năm nay – thèm muốn một thân thể đàn ông trẻ, rắn chắc, đầy
sinh lực và bền bỉ, nhất là bền bỉ.
Nàng kìm giữ lại kịp câu nói. Chẳng ích gì khi nói với người đàn ông ngồi
trước mặt về điều đó. Chỉ khơi dậy cuộc tranh luận mà nàng không thú vị gì khi
cặp mắt gã nhìn nàng say đắm. Nàng không ưa cái thân thể mập mạp của gã. Nàng
sẽ chết mất, nàng thầm nhủ. Nhưng mỗi lần thấy muốn tâm sự, nàng thường đến gặp
gã. Nàng thường gọi đùa gã là nhà phân tâm học và tự nhận mình là một bệnh nhân
mắc bệnh tâm trí. Dầu sao gã cũng hơn nàng trên mười tuổi. Dầu sao gã cũng là
đàn ông, gã bảo thế. Tôi mê tất cả mọi cái ở cô. Nhưng nàng, nàng chỉ muốn gã
đóng trọn vẹn vai trò nhà phân tâm học. Điều đó có vẻ tàn nhẫn. Nhưng không
phải chính gã yêu cầu được gặp nàng, nói chuyện với nàng đấy ư? Không phải
chính gã bảo mỗi lần gặp nàng gã cảm thấy tươi mát thoải mái hẳn lên đấy ư?
Cô biết nhiệt độ hôm nay bao nhiêu không?
Ồ, lại những con số. Người xứ các anh lúc nào cũng chỉ nói đến con số. Tôi
không ngạc nhiên khi mỗi buổi sáng đều có mục tin tức khí tượng trên đài phát
thanh và truyền hình ở xứ anh. Tôi cũng không ngạc nhiên ở mỗi toà nhà cao, mỗi
góc phố ở xứ anh đều có một cái đồng hồ ghi nhiệt độ trong ngày và giờ giấc.
Các anh bị con số tỏa vây. Các anh có biết rằng các anh đã tri thức sự nóng
lạnh hơn là cảm thấy bằng xúc giác không? Tôi có cảm tưởng đôi khi các anh lạnh
không vì cảm giác các anh bảo thế mà vì những con số bảo các anh như thế, và
như vậy nữa với sức nóng. Tôi cóc cần đến con số. Và đôi khi, tôi thích cảm
thấy lạnh hoặc nóng hơn cả những con số của các anh bảo tôi.
Nhưng cô bạn nhỏ của tôi ơi, cô cũng phải thông cảm cho xứ tôi, ở đó, thời
tiết thay đổi bất thường, cô đã sống hẳn biết, mới ấm áp đấy mà đã trở lạnh rồi
tuyết rơi lúc nào… và ngược lại. Còn ở đây thời tiết giống nhau quanh năm…
Tôi không nghĩ như vậy. Thời tiết ở đây cũng có thay đổi đấy chứ, sao không?
Có một sự thay đổi thời tiết từ mười bốn, mười lăm năm nay… Nói theo tâm tình
người xứ tôi thì có sự thay đổi thời tiết vì sự hiện diện của những người di
cư, của chiến tranh, của bom đạn, của biến cố… Sao không nhỉ?
Tuy nhiên nàng vẫn nghe một cái gì ngậm ngùi tiếc nuối thế nào về một miền
quê hương xa xôi có mùa xuân mưa phơi phới, có mùa hè đi tắm hồ sen và lăn mình
trong đám cánh sen mẹ tước bỏ lấy nhụy ướp trà, có mùa thu gió hiu hắt và có
tiết lập đông lục tìm áo năm trước mặc để thấy mình lớn hơn một chút với tấm áo
ngắn cũn cỡn. Hơn mười năm sống trong thành phố nhiệt đới này, sức nóng của
nắng lửa vờn phủ lấy da thịt con gái dậy thì rồi đàn bà, cái sức nóng ấy như
tiếp thêm sinh lực cho những khát vọng sôi sục bên trong. Những ngày cũ lùi xa,
thật xa, cùng với cô bé tóc thắt bím suốt ngày chỉ nhảy lò cò, chơi nhảy dây và
đọc những chuyện thần thoại cổ tích. Cả những ảnh chụp ngày xưa cũng chẳng được
lưu giữ để đôi khi giúp cho trí nhớ trôi về thuở ấu thời trong cái quê hương
bốn mùa. Như những câu chuyện thần thoại thường được nghĩ đến, mơ về, hơn là có
thể kể ra.
Dầu vậy cái nhìn của gã vẫn làm nàng hơi khó chịu. Nhưng nàng vẫn đến đây.
Dường như trong sâu xa của tiềm thức, mỗi lần đến gặp gã, nàng tưởng như xa
lánh được phần nào những người bạn đồng hương, đồng mối lo âu, đồng sự mệt mỏi.
Nàng thường nói thẳng những gì nàng nghĩ với gã, những điều làm nàng đau đớn
ray rứt và cả những tuyệt vọng tin tưởng – những điều đôi khi làm các bạn nàng
nghĩ là nàng đang cố gắng một cách vô ích. Họ dường như yêu mến sự buông xuôi,
thích thú với sự chán nản. Nàng thì nàng mơ hồ thấy còn có một cái gì khác kia.
“Tại sao cô ngồi thừ ra thế?”
“Tôi suy nghĩ”.
“Cô suy nghĩ gì vậy?”
Nàng chợt bật cười: “Về câu chuyện thời tiết vừa rồi giữa anh và tôi. Làm
như anh và tôi vừa quen nhau không bằng”.
Họ cùng bật cười. Nàng lại có cảm tưởng có người bán cà-rem dạo đâu đó
quanh đây. Leng keng. Leng keng. Những buổi trưa nồng nực với giấc ngủ đứt
quãng, tiếng leng keng nghe dường như một tiếng gọi có phần nào tức tưởi. Nàng
thường thức giấc và nằm nghe trong im lặng với một thèm khát thoát ra từ một
giấc mơ nào đó, người ướt đẫm mồ hôi và hơi nóng hoả lò đổ xuống từ mái nhà, từ
chiếc quạt điện, từ dưới tấm nệm cao-su nàng nằm tỏa vây lấy nàng như người xứ
gã bị tỏa vây bởi những con số tiện nghi, những máy móc, những xa lộ mà một khi
bước vào bắt buộc phải đi đến cuối đường không thể bỏ cuộc…
Gã con trai chỉ hơn nàng một tuổi. Nàng không ngạc nhiên về điều đó. Nhưng
nàng ngạc nhiên vì cái cảm tưởng mình còn quá trẻ cách đây bốn, năm năm bây giờ
vẫn còn ám ảnh nàng. Chợt thấy mình đã sống qua một phần tư thế kỷ – nghe cũng
nhiều đấy chứ. Nhưng nàng tự cảm thấy một niềm kiêu hãnh ngầm về tuổi trẻ của
mình. Nàng yêu nó. Lạ kỳ là đôi khi nàng thấy rõ ràng đó là một báu vật. Như
biển cả. Như trời cao. Như gió lộng. Như mặt trời. Như trăng sao. Như cây cỏ.
Nàng nhớ đã gặp gã trong một phòng trà vào một ngày cuối năm. Giữa sự bít
bùng vì hơi người, vì tiếng nhạc, vì khói thuốc, vì dĩ vãng của nàng, của người
đàn ông nàng đi chung tối hôm ấy. Gã là bạn của người đàn ông ấy. Những trao
đổi không có gì đặc sắc. Gã có vẻ thoải mái làm một kẻ cô độc. Nhiều lúc nàng
cũng thích như vậy.
Rồi đột ngột vào một buổi sáng tháng Tư – tại sao lại là tháng Tư nhỉ? – gã
đến tìm nàng. Gã bảo tôi đọc bài người ta phỏng vấn bà – gã gọi bà, một cách
xưng hô thông thường giữa những người bạn trẻ, thay vì gọi tên, gọi em, gọi
chị, gọi cô thôi ấy mà – trên báo. À, cái cuộc phỏng vấn mắc dịch ấy, nhưng
cũng thú vị lắm đấy chứ. Người ta phỏng vấn tôi như người ta có thể phỏng vấn
bất cứ ai, việc đó người ta đã làm, về quan niệm đối với cái liên hệ giữa những
đàn ông và người đàn bà.
Tôi đọc bài đó do một sự tình cờ, bà biết không. Tôi ghét đọc sách báo lắm.
Thật đấy. Nhưng điều đó không ngăn cản việc tôi đến tìm bà, thay vì có thể viết
thư. Vì viết thư tôi cũng ghét lắm.
Vậy ông yêu cái gì? – Nàng cũng xưng hô như gã, một cách giản dị, thay vì
gọi anh, gọi tên (thực ra nàng quên khuấy tên gã), vậy thôi mà – Nghề đi thả
bom thiên hạ của anh, chắc?
Nói thế cũng được. Mỗi người phải có một việc làm. Điều cần là yêu cái việc
làm đó. Đam mê nó – như bà vẫn thích dùng chữ đó. Đam mê. Và hồn nhiên – dường
như đó cũng là một chữ nữa mà bà hay dùng.
Chính nàng đưa ra đề nghị đi chơi buổi tối. Gã đến trước giờ hẹn năm phút.
Bên trong cửa kính văn phòng nàng thấy gã đi xe qua rồi vòng trở lại và đậu xe
đợi nàng. Nàng thu xếp vật dụng rồi ra gặp gã. Nàng nghĩ trong đầu trông gã có
vẻ một sinh viên hơn là một phi công. Và nàng chợt thấy kỳ cục vì cái việc gã
đến tìm nàng chỉ vì cái quan niệm sinh lý mà nàng trả lời trên báo trong một
cuộc phỏng vấn tập thể. Liệu có người đàn ông nào khác tìm đến những người đã
trả lời khác nàng (những câu trả lời chẳng hạn như: “Câu hỏi gì mà kỳ cục?!”;
“Tôi chẳng bao giờ nghĩ về chuyện đó hết!”; “Cần phải có hôn nhân như một cái
bỏ bao bọc chuyện đó, nếu không nó chỉ là một cái tội lỗi, ghê tởm!”; “Giêsu Ma
lạy Chúa tôi! Tại sao ông có thể đặt một câu hỏi như vậy với một người tu hành
như tôi?!”; “Nam mô A di đà Phật. Tôi chỉ nghĩ đến việc diệt dục!”; v.v.)?
Anh đến sớm năm phút.
Tôi thường đến sớm hơn giờ hẹn vì bị ảnh hưởng ông già tôi. Mỗi lần mời
khách đến nhà, ông bắt chúng tôi phải xong xuôi mọi thứ từ nửa giờ trước. Riết
rồi quen.
Tôi không bị ảnh hưởng gia đình, nhưng thường khi cũng đúng giờ. Nàng nói.
Tôi ghét bị thúc hối, ghét sự vội vã.
Họ đi ra một quán ăn ngoài xa lộ. Trời cao. Gió lộng. Sao lấp lánh. Và trời
vẫn cao, gió vẫn lộng, sao vẫn lấp lánh, khi gã và nàng nằm dài trên bãi cỏ
trước cửa nhà của cha mẹ gã. Nhưng dường như trời cao hơn, gió lộng hơn, sao
lấp lánh hơn khi nàng vừa từ khung trời hẹp, gió nóng, sao mờ vì khói xe của
thành phố, thoát ra đây. Cũng vẫn nụ hôn nàng trao đổi với những người con trai
khác. Cũng vẫn niềm rạo rực cơ thể ấy bên dưới những vuốt ve. Nàng ngạc nhiên
về chính vẻ không ngạc nhiên gì của mình, về cái liên hệ thật xa lạ và thật
thân thiết đó. Nàng cũng ngạc nhiên về cái cảm giác bao giờ cũng sẵn sàng sống
dậy và được gọi tên, được lặp lại nhiều lần. Và nàng ngạc nhiên về sự giống
nhau của thân thể những người đàn ông đã đến với nàng. Nàng chỉ không chịu được
sự hung bạo quá đáng, và ngược lại, sự vụng về, sự thiếu tế nhị quá đáng. Thế
thôi.
Nửa đêm nàng thức giấc. Căn phòng bít bùng, tối đặc. Nàng chợt hiểu nàng
không đang nằm trong căn phòng quen thuộc mọi hôm. Nàng hiểu nàng đang nằm bên
cạnh gã phi công trẻ. Tiếng thở đều đặn của gã hòa với tiếng u u của chiếc máy
lạnh gắn ngay phía trên chỗ nàng nằm. Vậy mà mồ hôi vẫn ra ướt hết tóc nàng. Da
thịt nàng sâm sấp nóng. Nàng thấy nhớ căn phòng ở nhà, với những đêm chợt thức
giấc nhận thấy căn phòng được chiếu sáng lờ mờ bởi ngọn đèn đường rọi qua song
cửa sổ mở rộng để đón khí mát ban đêm, hoặc một đôi khi để lọt ánh trăng màu
ngà quái dị gợi một cuộc viễn mơ…
Buổi sáng gã phi công đưa nàng về thật sớm. Đường phố ngập những người vội
vã tất tả vẻ mặt còn ngái ngủ. Nàng bật cười thầm với ý nghĩ mình đang đóng vai
người vợ được chồng đưa đi làm trước khi về đi bay. Nàng nghĩ đến những buổi
sáng nhàn tản bên bờ một bãi biển hay dưới một ngọn đồi thông nào đó. Rồi nàng
lại thấy mình chìm đi giữa những tiếng động cơ nóng nảy. Phía trước gã phi công
chợt văng tục vì một ông già luýnh quýnh giữa đường không biết tránh xe bên
nào. Gã có vẻ mệt. Tối hôm qua gã kể cho nàng nghe câu chuyện một gã phi công
bạn gã đã bỏ mình trong một chuyến bay vì đêm trước làm ái tình hơi nhiều. Nàng
bảo tôi cũng đã nghe chuyện đó. Tôi nghĩ cái thành phố chúng ta đang sống khá
nhỏ để một người có thể nghe kể nhiều lần về một đề tài. Đôi khi sự quen thuộc
đó thật dễ thương. Đôi khi đó là một ám ảnh. Dù sao mình đã sống ở đây. Nàng bỏ
lửng câu nói. Thực ra gã hôn nàng để nàng đừng nói nữa. Khi gã ngưng hôn nàng,
nàng cười nhỏ trong ngực gã khi xô nhẹ gã ra. Tôi đâu muốn anh chết trong
chuyến bay ngày mai. Gã phì lên cười coi như chuyện đó không thể xảy ra với
mình. Buổi sáng gã kêu mệt dù họ đã hạn chế đến mức tối đa. Gã bảo đêm qua lúc
bà thức tôi biết chớ nhưng tôi không chiều bà được, tôi xin lỗi. Nàng cười nhẹ,
thực ra đêm qua khi thức giấc tôi hơi ngạc nhiên vì thấy mình nằm bên cạnh bạn.
Tôi muốn xác định cái thực tại đó, vậy thôi.
Con hẻm nhỏ ngập nắng bụi và người. Những người đàn ông đàn bà trẻ con lao
xao đứng thành vòng tròn xung quanh ngôi nhà lầu hai tầng. Một vài nhân viên
cảnh sát đứng phía trước giữ trật tự. Một trong những nhân viên cảnh sát tay
cầm một khúc gỗ sơn loang lổ bị mọt ăn một đầu có lẽ vừa rút ra từ một hàng rào
cũ nào đó sẵn sàng phang mạnh kẻ nào tò mò muốn đến sát trước cửa căn nhà đang
bị vây kín. Những khuôn mặt vừa tới vòng ngoài ngơ ngác không biết chuyện gì đã
xảy ra. Nét hãi hùng lẫn tò mò hằn trên nét mặt những người vòng trong.
Căn nhà hai tầng ở sát bên căn nhà đối diện với nhà nàng. Không thể đưa xe
vào nhà, nàng đem xe đến gửi trước cửa căn nhà trong ngõ có gã con trai mỗi lúc
nàng đi qua trước nhà đều ngó nàng chằm chặp. Gã có vẻ một sinh viên với cặp
kính trắng dày cộm và thường mặc pi-da-ma đứng ở cửa. Lần đầu tiên, từ ngày
nàng đến ngụ tại xóm này nàng hỏi gã chuyện gì đã xảy ra. Gã đáp trong miệng
như chính gã cũng không hiểu rõ chuyện gì đã xảy ra. Dường như có người vừa bị
giết chết. Nàng hỏi ai giết ai. Gã lắc đầu. Người đàn bà có lẽ là mẹ gã cũng
không hiểu gì hơn. Nàng nghe tiếng lao xao của mấy đứa nhỏ mình trần sạm đen vì
nắng chạy tới chạy lui miệng kêu máu đó máu đó. Nàng rẽ đám đông chạy về nhà,
băng qua khoảng trống trước căn nhà hai tầng bị gác trước cửa vương vãi vài
miếng vải bị rách màu đỏ. Những tiếng bàn tán không rõ rệt. Mặc cho trời nắng
nẩy đom đóm mắt, bọn người hiếu kỳ tới bu quanh mỗi lúc một đông. Bụi mù quấn
lấy những thân thể nhễ nhại mồ hôi và hơi người. Chiếc xe Honda của người chị
buổi trưa đi làm ghé nhà ăn cơm được đem vào bên trong hàng rào. Đẩy được cánh
cửa hàng rào sắp bải ra vì bị sử dụng nhiều, nàng vào nhà đụng mặt với những
khuôn mặt thân nhân bàng hoàng. Chị người làm kêu lớn đóng cửa lại mau, đóng
cửa lại mau. Như thể kẻ sát nhân còn lẩn quất đâu đây có thể lọt vào nhà không
bằng.
Bữa cơm trưa nguội ngắt tẻ nhạt với tiếng ồn ào bàn tán phía trước. Nàng uể
oải ăn. Chị người làm đi ra phía trước nghe ngóng rồi trở vào nhà ngồi bệt
xuống bên cơi trầu.
Thằng đó hay thiệt. Nó vào nhà vặn bích-cớp thiệt lớn rồi giết hai người.
Cái nhà bà Tàu mập mạp trước bán bánh cuốn ngoài chợ đó. Chết rồi. Thấy mà ghê.
Sợ thiệt.
Chị ta nhét miếng trầu vào miệng nhai rắc rắc, con mắt còn lại nhướng lên
ngóng ra ngoài, con mắt chột dường như cũng cố mở lớn hơn dù đã bị díp chặt
lại, do một cơn bệnh đậu mùa từ hồi chị ta còn nhỏ.
“Nhưng mà ai giết mới được chớ?”
“Thằng bận đồ lính”.
“Bắt được không?”
“Đâu bắt được”.
“Sao bảo hai người bị giết?”
“Thì hai người. Với con cháu gái nữa”.
“Bao lớn?”
“Mười hai, mười ba tuổi gì đó. Hai dì cháu vẫn ngồi chơi trước nhà mỗi buổi
chiều đó”.
“Đâu nhớ mặt. Bị giết bằng gì?”
“Súng”.
“Bộ không ai nghe có tiếng nổ sao?”
“Ai mà để ý. Nó để bích-cớp lớn quá xá cỡ. Bà ấy còn rót nước cho nó uống
nữa cơ mà. Chắc quen. Cái cốc giấy còn liệng ngoài kia”.
“Mà sao giết mới được chớ?”
“Ai biết được”.
“Giết hồi nào?”
“Hồi mười hai giờ hay gì đó”.
Những câu trao đổi đứt quãng không gợi nổi hình ảnh người đàn bà Tàu và đứa
cháu gái vẫn ngồi hóng mát trước cửa nhà mỗi buổi chiều.
“Chị vặn giùm cái quạt cái. Sao tắt đi vậy?”
“Tắt hồi nào đâu hay. Chắc mất điện”.
“Tủ lạnh còn chạy mà. Nóng quá. Họ còn tụ họp trước nhà làm chi vậy?”
Chị người làm cắm quạt xong lại bỏ ra cửa ngóng.
Ăn cơm xong, nàng ra trước cửa đứng nhìn đám đông bên ngoài hàng rào. Nàng
nghĩ đến chiếc xe gửi trước nhà gã sinh viên. Nàng thấy cần phải đem gửi nhà
một người quen gần đó hơn là bỏ trước cửa nhà đó. Nàng vào nhà lấy chìa khóa,
mở cửa hàng rào băng qua đám đông lóng ngóng trước nhà người đàn bà Tàu. Nàng
vẫn không hiểu bọn người tụ họp trước cửa nhà người đàn bà Tàu để làm gì. Dường
như xác của hai người đã được đem vào nhà thương theo lời chị người làm rồi mà.
Nàng lên lầu nằm. Căn gác nóng hầm hập. Chiếc quạt của cô em gái nhờ mua
trong P.X. để lại cũng không đủ xua hết hơi nóng. Chị người làm bỏ bát đĩa chưa
rửa lên ban-công đứng nhìn xuống cho rõ. Nàng nằm mắt rảo hoảnh. Bỗng dưng hình
ảnh người đàn bà một buổi trưa cách đây mấy hôm đứng nhìn cột khói đen lùi lũi
từ phía sau ngôi nhà đối diện nhà họ bốc lên, miệng van cho gió đừng thổi cột
khói đó về phía nhà họ, hình ảnh đó hiện ra trong đầu nàng. Chị người làm trở
vào nhà nói ghê thiệt, nó lại biết cả vặn bích-cớp thiệt lớn để đừng ai nghe
tiếng súng. Kinh khủng quá.
Trời nóng người ta dễ nổi khùng. Nàng nói. Chuyện đó thật giản dị. Vụ án
mạng thứ ba trong cái tháng này. Nàng nói câu sau này như thể nhẩm tính một
mình.
Nàng chợt ngạc nhiên khi bắt gặp mình suy nghĩ về sức nóng. Nàng biết trời
cũng sắp mưa rồi mà.
Có tiếng xe lùi vào hẻm và tiếng ồn ào dữ dội bên dưới.
Nàng rời giường nằm ra ban-công nhìn xuống. Bọn người bị đẩy dạt về một
phía, cửa phía sau xe cứu thương được mở ra để lộ một chiếc hòm sắt đen rỉ sét.
Cánh cửa chiếc hòm bằng sắt cuối cùng được mở ra và một chiếc băng-ca bằng sắt
được hạ xuống có hai người khiêng vào trong nhà người đàn bà Tàu. Trên ban-công
nhà người đàn bà Tàu, một bên cánh mành mành bị gió hất lên để lộ một khoảng
ban-công có mền gối bừa bãi và một chiếc đèn lồng bị gió đung đưa. Một lát,
chiếc băng-ca bằng sắt được khiêng ra, trên đặt xác cô bé mặc áo hoa quần đen,
đầu tóc bết rối, trên bụng đắp một miếng vải đen ướt, máu chảy dài dường như đã
khô trên cánh tay, trên má, trên chân. Cánh cửa xe cứu thương được khép lại.
Người tài xế vội vã chạy lên phía trước mở cửa xe. Chiếc mành mành trên
ban-công nhà người đàn bà Tàu một bên cánh vẫn bị mắc vào sợi dây và gió vẫn
đung đưa chiếc đèn lồng treo lủng lẳng giữa khoảng ban-công hẹp.
Nàng trở vào nhà ngồi vào bàn viết. Vài tờ giấy bị vo tròn vất trên sàn
gác. Chị người làm khép cửa lại, hai tay khoanh tròn vai co lại như người bị
lạnh, mồ hôi lấm tấm hai bên thái dương.
Gã phi công đến tìm nàng khi tiếng kèn đám nổi lên từng chặp ở căn nhà
người đàn bà Tàu. Lúc ấy nàng vừa bỏ dở cuộc đi chơi nhạt nhẽo với mấy người
cùng sở mà nàng tưởng có thể tìm được một cuộc vui cho một buổi tối quá nóng
nực ở nhà.
“Bà sắp đi đâu hả?”
“Không, vừa đi về”.
Họ đứng nói chuyện ngoài cửa nhà nàng. Nàng kể về vụ án mạng mà chính nàng
cũng chẳng hiểu nguyên do ra sao. Gã ghé mắt nhìn sang ngôi nhà có đám tang. Gã
không hỏi gì cả. Dường như gã cũng chẳng mấy ngạc nhiên. Nàng đề nghị đi uống
cái gì.
Buổi tối hôm nay chắc là khó ngủ. Tiếng kèn đám. Rồi có thể nửa đêm, khi
người viếng vãn, họ sẽ mở kèn hát cho người chết nghe lần cuối cùng.
Khi gã chở nàng qua những phố, nàng bảo tưởng không gặp lại ông nữa và tôi
muốn đinh ninh là không gặp nữa.
“Bà sợ cái gì?”
“Một sự đi sâu vào. Những ray rứt nhớ mong do thói quen. Đại khái thế”.
Quán nước nằm tại một bến xe mà cách đây năm năm, nếu nàng không nhầm, đột
nhiên có những lần nàng thấy cấp bách phải rời khỏi thành phố tù ngạt này, để
đi đến một cái tỉnh có đồi cao và thông reo, để rồi trở về với một tâm hồn thơ
thới và bình tĩnh hơn và nàng đã ra đây, mua vé, leo lên xe, buông xuôi mình
cho một cuộc hành trình không mục đích.
Bây giờ đôi khi tôi thấy sự cấp bách muốn rời thành phố trong ít hôm thường
thường lại bị những níu kéo này khác, phải thu xếp cái này, phải sắp đặt cái
kia, xong xuôi, cái ý muốn đi nguội mất. Mình đã qua cái tuổi
muốn-gì-phải-làm-ngay-không-cần-suy-nghĩ-đắn-đo-về-những-hậu-quả.
Họ ngồi trong quán một lát. Gã phi công gọi người tính tiền và nói phải rời
khỏi đây, tôi bắt đầu thấy ngột. Nàng đi theo gã không băn khoăn. Vẫn khu bến
xe ngưng hoạt động. Nàng trỏ tay ra phía sau lưng dãy nhà lầu bên kia đường bảo
hôm nọ ở đây có xảy ra hoả hoạn. Gã đáp thế à rồi đạp xe cho máy nổ.
Hôm xảy ra án mạng gần nhà thoạt về tôi tưởng có hoả hoạn. Nàng hớt hải
thật tình, lúc đó.
Gã im lặng lái xe. Nàng vòng tay ôm lấy người gã, khép hai cánh tay lại,
ngả đầu trên lưng gã nghe gió lùa qua mái tóc bắt đầu mọc dài. Mình nhất định
nuôi tóc dài dù trời có nóng, nhất định không nghe lời dụ dỗ của mấy cô thợ uốn
tóc ngại gội những mái tóc dài để cắt tóc nữa. Nàng vẫn thích có mái tóc dài.
Nàng cũng muốn thử xem sức chịu đựng sự nóng nực của nàng tới đâu. Bàn tay trái
của gã vỗ vỗ trên phần cánh tay đặt ngang bụng gã của nàng.
Vẫn căn nhà đó, nhưng lần này gã đưa nàng lên căn phòng trên lầu của ông
anh. Cánh cửa sổ mở ra không đủ thu hút gió vào.
Sau đó họ nằm dài theo dõi vở tuồng cải lương trên ti-vi. Gã kép hát vừa
nói vừa ca cải lương lẫn tân nhạc. Cô đào đóng chung với gã thỉnh thoảng cúi
mặt xuống cười vụng. Ánh sáng của màn ảnh truyền hình dọi trên khuôn mặt còn
trẻ thơ của gã. Một lát, gã quay về phía nàng. Họ dường như không có gì nhiều
để nói với nhau, nhưng họ không cảm thấy gượng gạo. Cuối cùng, nàng chợt cười
nhỏ. Gã bảo:
“Thực tình tôi muốn giữ bà lại đêm nay”.
Rồi gã bỗng thở ra:
“Nhiều lúc mình mong có một căn nhà nhỏ của mình mà không được. Tôi muốn
nằm với bà và sáng dậy mình đưa nhau đi ăn sáng”.
“Nhưng cứ sáng nào ông rảnh thì tôi lại bận. Vả lại mình không có một không
gian riêng cho mình”.
Nàng ngưng nói, chợt cười nhẹ, và tiếp:
“Ngày xưa khi mình còn đi học, không có tiền thì lại đầy dẫy nhà cửa cho
thuê với một giá vừa phải. Bây giờ mình đi làm, có tiền, lại không kiếm ra được
căn phòng hay căn nhà nào cả”.
Khi họ rời khỏi căn phòng của ông anh gã, nàng đứng ngoài hành lang đợi gã
khóa cửa. Gió mơn man má nàng khi nàng thò đầu ra khỏi khung cửa sổ nhìn những
ngọn đèn viền con đường bên dưới. Gã chợt hỏi bà có giận tôi không? Nàng thoáng
ngạc nhiên.
Lúc đưa nàng về, gã giải thích:
“Thay vì tôi hỏi bà có thấy sung sướng hoặc thay vì tôi xin lỗi bà nếu tôi
vụng về làm bà mất thú, thì tôi hỏi bà có giận không. Vậy thôi”.
Nàng chợt hiểu… Nàng cười trên lưng gã. Gió thổi làm khô những sợi tóc bết
mồ hôi của nàng. Nàng thầm nhủ mai phải đi gội đầu. Mỗi sáng thức dậy nàng đều
phải hong tóc mình trước quạt và nhất là sau giấc ngủ buổi trưa. Dầu sao nàng
cũng thấy thoải mái. Tuy nhiên nếu đừng có cái ý tưởng ngại ông anh của gã về
nhà bất ngờ, và nếu họ có thể ở bên nhau để sáng mai dậy đưa nhau đi ăn sáng,
có lẽ thú vị hơn.
Khi nàng về đến nhà, những người đến viếng đám tang người đàn bà Tàu và cô
cháu gái thưa dần. Người đàn ông mất vợ ngồi ủ rũ bên nhóm nhạc công im lặng.
Nàng không biết là lúc đêm về người ta có vặn kèn hát cho người chết nghe lần
cuối hay không. Nàng ngủ thiếp đi vì mệt. Và hơi nóng tháng Tư phủ lấy thân thể
bừng bừng sức sống của nàng, như tiếp thêm sinh lực. Những đêm những ngày như
thế này, nàng chỉ muốn không phải mặc quần áo gì cả – nếu nàng có một không
gian riêng cho mình.
Đám tang người đàn bà Tàu và cô cháu gái được cử hành ngay ngày hôm sau.
Miếng vải nhựa được căng lên che nắng hôm trước được gỡ xuống. Căn nhà người
đàn bà Tàu thường xuyên đóng cửa như che giấu niềm đau đớn của những người còn
lại. Nàng cũng chẳng buồn hỏi xem ở nhà có cử người sang viếng quan tài người
chết và chia buồn với thân nhân người chết không. Câu chuyện án mạng cũng nhạt
dần trên miệng chị người làm. Và đêm đến, chị ta lại ngủ ngon lành lại. Nàng
vẫn chưa hình dung ra khuôn mặt người đàn bà Tàu vẫn chiều chiều bắc ghế ngồi
chơi ngoài cửa. Dường như sức nóng đã làm tan nhòa hình ảnh bà ta trong trí nhớ
nàng. Nàng không cố gắng nhưng một cách không tự kềm chế, nàng hình dung thấy
bà ta ở mỗi người đàn bà Tàu mập mạp có giọng nói tiếng Việt lơ lớ mà nàng tình
cờ gặp trên phố trong tiệm ăn chẳng hạn.
Nàng cảm thấy uể oải. Mặc dù nóng nàng vẫn thường ngủ li bì, nhất là về
sáng. Gã đã đến quá tự nhiên khiến nàng nghĩ nếu gã không đến nữa cũng vậy
thôi. Nàng không ân hận vì đã thành thật trong những lời những cử chỉ trao đổi
với gã. Có lẽ nàng sẽ tìm thêm việc để làm. Có lẽ nàng sẽ vẫn tiếp tục nhận lời
đi với những người bạn trai cũ để vui, để trút đi sức sống chảy cuồng nhiệt
trong cơ thể, để đợi cho qua tháng Tư này, để đợi mùa mưa đến dù chẳng biết để
làm gì cả. Đôi khi nàng thầm hỏi nếu mùa mưa đến thì sao? Mọi người có vẻ mong
mưa. Chị người làm, mẹ nàng, bà chị, cô em gái. Một buổi trưa thức giấc, sờ
không còn một giọt nước trong tủ lạnh, không còn một giọt nước uống trong bất
cứ món đồ đựng nước nào, nàng gắt gỏng cau có. Cơn khát như xé cổ họng, nàng
hỏi mẹ có còn giọt nước mưa nào. Bà cụ cười khan đáp làm quái gì còn giọt nào.
Và bà lẩm bẩm phải sắp sẵn phi chứa nước mưa. Bà ngóng trời. Bà chỉ thích uống
nước mưa thôi. Còn chị người làm mong mưa vì khỏi phải canh lấy nước mỗi ngày
từ nhà bên cạnh. Bà chị, cô em hy vọng mưa sẽ bớt nực nội hơn. Còn nàng, nàng
cảm thấy mình đợi mà không mong. Dường như nàng thích thú một cách hơi cuồng
bạo cái sức nóng đang tỏa vây lấy nàng, đang tiếp thêm sinh lực cho nàng. Nàng
đồng tình với nó. Nàng kêu trời nóng như khi khát uống nước vậy thôi. Nhưng
nàng không thù ghét tên đồng lõa đó được.
Vậy mà nàng lại mong mưa khi nằm với gã trong căn lều bỏ hoang ở cuối ngôi
vườn xơ xác cỏ cháy trong căn biệt thự của bố mẹ gã. Nàng bảo thế và gã cười
lớn:
“Tôi biết bà sẽ nói vậy”.
“Vì mưa sẽ phong tỏa chúng mình với xung quanh, với những người trong gia
đình anh có thể tình cờ xuống đây”.
Thực tình trước đó nàng không cảm thấy muốn làm gì cả. Nhưng nàng muốn ngồi
gần gã nói chuyện với gã. Vả lại, nàng cảm thấy mỗi lần gần gã xong, trở về nhà
tắm rửa rồi nàng chỉ muốn đi ngủ. Công việc chất đống. Những cuốn sách chưa kịp
rọc ra đọc. Gã đề nghị đưa nàng về khi hai người ở quán nước. Nàng chợt giận
gã. Có lẽ nàng buồn nhiều hơn, gã gặng hỏi. Nàng thẳng thắn đáp tôi có cảm
tưởng cuộc sống dường như nghèo nàn vì ngoài chuyện đó ra người ta không biết
làm gì với nhau nữa. Thực tình nàng có cảm tưởng như vậy. Và nàng khăng khăng
đòi về. Gã dừng xe lại và bảo nếu bà thực tình muốn về tôi đưa bà về, phần tôi
tôi muốn đưa bà đến một nơi có gió có cây và nói chuyện với bà. Nàng không đáp.
Nàng không thể nói nàng muốn về trong khi thực sự nàng không muốn về. Và họ đến
nhà bố mẹ gã, căn nhà gã đã lớn lên và hiện cũng đang sống ở đó mỗi khi được về
thành phố.
Nàng thấy mình ngồi thật lâu nơi hàng hiên nhìn ra chiếc hồ cạn nước rêu
bám đầy và vườn cây nghiêng ngã khô cỏ cháy. Gã từ phòng khách bước ra sau một
cuộc đối thoại qua máy điện thoại với một người nào đó ở đầu dây bên kia, và
đến ngồi xuống chiếc ghế mây bên nàng. Gã hỏi nàng có nghe cuộc đối thoại vừa
rồi. Nàng đáp:
“Anh nói gần như thét lên, sao không nghe. Về một cuộc xem mắt vợ tương lai
phải không?”
Gã cười vô tình. Nàng hỏi bao giờ thì cưới. Gã bảo nhưng thằng đó nó có
bằng lòng đâu mà cưới. Chả là bà cụ tôi muốn làm mai cho nó. Bây giờ mẹ nó gọi
lại để bảo bà cụ thôi vì nó không muốn lấy vợ nữa.
“Hắn bao nhiêu tuổi?”
“Ba mươi hay trên ba mươi gì đó. Hắn mới ở ngoại quốc về để đi lính”.
Nàng cũng chẳng buồn kể cho gã nghe là nàng đã hiểu lầm vì tưởng gã đi hỏi
vợ. Nàng nghĩ những chuyện mai mối dường như xa lạ với nàng. Ở mỗi người con
gái đều ôm cái ước vọng có được một đám cưới linh đình. Nàng bận tâm với chính
nàng hơn là một thứ đám cưới cho-người-ta-nhìn-vào như vậy. Và nàng nghĩ đến
vấn đề chính là hạnh phúc, là sự cảm mến, sự thông cảm và kính phục do cá nhân
hai người trong cuộc, hơn là do những hình thức đồ sộ mà xã hội đòi hỏi bắt
buộc phải có. Nàng nghĩ như thế trong khi nhận ra gã đã gài lộn một chiếc khuy
làm hai vạt áo lệch hẳn đi mười phân. Nàng bảo gã anh cài lệch một cái khuy. Gã
nhìn xuống áo mình và thong thả cởi khuy ra cài lại. Có lẽ gã đã mặc như vậy
khi đến tìm nàng và không để ý khi vào tiệm nước. Sao bây giờ nàng mới nhận ra?
Có lẽ lúc nãy áo gã nhét trong quần. Gã cài khuy lại và chợt nhận ra chiếc khuy
dưới cũng bị sút mất từ hồi nào. Có lẽ gã bắt đầu cài khuy từ dưới lên trên nên
không để ý là thừa một cái khuyết trên cùng. Nàng muốn bảo gã đi kiếm kim chỉ
và khuy để nàng khâu lại cho gã. Nhưng gã đã kéo tay nàng đứng lên rủ đi thăm
đàn gà của gã.
“Anh mà cũng nuôi gà? Buồn cười nhỉ”.
“Không, tôi bỏ vốn và người ta nuôi hộ”.
“Gà Mỹ hay Việt?”
“Mỹ”.
Nàng định nói từ hôm gà Mỹ được nuôi nhiều đến nay tôi mất thú ăn thịt gà
và đớp trứng ốp-la mỗi sáng. Nhưng nàng thấy mình im lặng theo gã đi ra xem gà.
Nàng không thấy thú chuyện gà, như nàng vẫn lơ đãng mỗi khi nghe các bạn tranh
luận về xì phé, mạt chược hay cá ngựa. Nàng rời tay gã đi về phía hồ nước cạn
giữa vườn. Nàng bảo cỏ cháy cả, phí quá.
Ngày xưa khi bọn Mỹ chưa sang đây thì cỏ còn xanh tươi, cây còn um tùm ngay
cả trong mùa nắng.
“Họ dùng thuốc khai quang ngay cả ở đây sao?”
“Không phải vậy. Tại công nhân bỏ đi cả, không có ai coi sóc nữa”.
Gã trỏ túp lều lợp tôn ở cuối vườn bảo: Tháp ngà của tôi đó.
Nàng đợi gã nói tiếp. Nhưng gã im lặng đi về phía đó. Túp lều thấp, vách
ván tơi tả, ngăn làm hai, một bên chứa đồ phế thải gồm giường ghế tủ, một bên
có vách và cửa che phía trước, tất cả đã tơi tả. Bên trong có một chiếc đi-văng
khá sạch và những thùng giấy, rương cũ chồng chất trên một chiếc xe trẻ con han
rỉ cũ kỹ đầy bụi. Gã lục lọi trong một chiếc thùng giấy lôi ra một bộ đồ bay
trong có lót thêm một lần vải dày, giơ lên ngắm rồi lại bỏ vào thùng. Nàng ngồi
xuống đi-văng lật xem cuốn Thế giới tự
do vất trên đó. Gã đến ngồi xuống đối diện nàng đầu cúi xuống để
trán mình đụng vào vầng trán lòa xòa tóc của nàng. Nàng không ngẩng lên, hỏi
trên trang giấy đầy hình ảnh:
“Tại sao anh lại làm hòa?”
“Tại không muốn để mất một cách vô lý như vậy”.
Nàng đẩy cuốn Thế giới tự
do sang một bên, ôm lấy đầu gối gã và gục vào đó. “Tôi nhớ hôm mới
gặp lại anh lần thứ hai nhưng kể như là lần thứ nhất, anh bảo: Mình thường sợ
mất nên thường cả khi chưa có đã lo mất. Tôi cũng vậy”.
Gã đáp nhỏ như nàng nói:
“Nhưng lần này tôi không muốn mất, dù chưa biết đã có hay chưa có thật sự.
Tôi không muốn để mất vì biết sẽ khó kiếm lại một vật tương tự như vậy”.
Một lát nàng hỏi:
“Bao giờ anh đi?”
“Mai. Chưa biết sáng hay chiều. Phải chi bà có xe hơi để thỉnh thoảng lên
thăm tôi. Cách đây có ba mươi cây số thôi mà”.
Nàng cười nhẹ:
“Vài năm nữa hoạ may. Bây giờ một cái phòng riêng cũng không có được nữa là
xe hơi. Dầu sao…”
Nàng bỏ lửng câu nói. Một lát nàng hỏi trong khi gã ôm nàng vào lòng, đầu
nàng đặt trên vai gã và mắt nàng chợt nhìn chiếc xe đẩy của trẻ con dưới đống
thùng giấy và rương cũ:
“Ngày xưa anh ngồi trên cái xe này đấy à?”
Gã bật cười khi quay lại nhìn thấy cái xe.
“Ồ, không đâu”.
“Tôi đùa”. Nàng nói vội.
Và nàng nói sang chuyện khác sau vài phút im lặng:
“Mình vẫn chưa đi ăn sáng với nhau được. Đêm nọ ở bên nhau thì sáng sớm hôm
sau anh lại phải đi sớm”.
Bỗng dưng nàng có cảm tưởng gã sắp đi xa, không phải chỉ đến một cái nơi
cách chỗ nàng ở có ba mươi cây số mà là một nơi xa lắm. Xa lắm, nàng thì thầm.
Sau khi gần gã, nàng nằm im nhìn ánh nắng buổi chiều sơn vàng trên những
chiếc lá vú sữa ở sát bờ giậu xuyên qua song gỗ sát mái lều. Gã biết nàng không
được đầy đủ như mấy lần trước. Gã nói xin lỗi. Nàng mỉm cười. Và nàng khép đôi
mắt lại. Trong khoảnh khắc ấy nàng thấy mình mong mỏi thật sự một cơn mưa sẽ ập
xuống, không phải để trời bớt nóng – điều này nàng không thấy là cần thiết chút
nào – cũng không phải để có nước mưa uống, mà để cho họ, gã và nàng, được phong
tỏa trong túp lều thô sơ hoang phế này, như trong câu chuyện về một thuở hồng
hoang nào đó xa xưa, thật xa xưa.
Trùng Dương – 1972
No comments:
Post a Comment