Wednesday, September 20, 2017

Tôi Đi Ăn Cướp - Võ Tòng Đánh Mèo



Tôi đi ăn cướp…
 
 

Ruộng dưa chuột nhà tôi năm nay được mùa, quả nào quả nấy đều dài, to, cong, đầu nhẵn mọng, cấu nhẹ phát là nhựa trắng chảy ra rin rỉn. Thế nhưng đành vứt ngoài ruộng cho mấy con bò cái nó ngậm, chả thèm thu hoạch, nguyên nhân vì bọn thương lái mất dạy, bỏ dưa chạy lấy người; vì các nhóm từ thiện đã khôn ra, không thèm qua giải cứu; và cả vì mấy cái đồ sextoy của Tàu vừa rẻ, vừa nhiều tính năng được rao bán nhan nhản, freeship tận giường…

Không bán được dưa, tôi lâm vào cảnh túng thiếu, ăn dưa trừ bữa. Ăn nhiều quá, tôi đâm ra ỉa chảy. Nhưng thật may, trong lúc ngồi ỉa, rảnh quá, tôi vô tình đọc được bài viết trên cái mảnh báo mà tôi đã vò nhàu để chuẩn bị chùi đít. Bài báo nói rằng mỗi người đều có thế mạnh của riêng mình, và ai tìm được công việc phù hợp nhất với thế mạnh của mình thì kẻ đó sẽ thành công.

Bài báo còn khuyên rằng: nếu bạn đã thất bại với một công việc nào đó, thì hãy thử làm một công việc có tính chất trái ngược lại, khi ấy, cơ hội thành công của bạn sẽ cao hơn. Bài báo lấy dẫn chứng về trường hợp một anh làm kiểm lâm, thu nhập thấp, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, sau đó, anh bỏ nghề, chuyển qua làm lâm tặc thì cuộc sống đã ổn định, giàu lên nhanh chóng. Rồi cả một chị làm bác sĩ thú y, mở một trung tâm chuyên khám và chữa bệnh cho chó, tuy nhiên vì không có bệnh nhân, à nhầm, không có bệnh cẩu, nên chỉ vài bữa là trung tâm của chị phải đóng cửa. Chị quyết định chuyển nghề, sử dụng ngay mặt bằng ấy mở quán thịt chó, chuyên giết mổ và cung cấp thịt chó cho các đám cưới, đám ma, hội nghị, tiệc sinh nhật. Mới đây, quán của chị đã được WDO – Tổ chức Chó Thế giới – bầu chọn là một trong những quán thịt chó ngon và đông khách nhất Châu Á…

Tôi đọc bài báo ấy say mê đến quên cả ỉa, rồi tự nhìn lại bản thân: phải chăng tôi cũng đang chọn lầm nghề? Tôi làm ăn lương thiện, chăm chỉ, bán ngực cho đất bán mông cho giời, để rồi cuối cùng vẫn không thoát được cảnh nghèo đói. Chi bằng tôi chuyển nghề, chọn nghề nào đó thật khốn nạn, có khi lại thành công. Phải rồi! Ăn cướp! Biết đâu tôi có tố chất ăn cướp, và sẽ phát triển sự nghiệp được bằng nghề ăn cướp thì sao?

Nghĩ vậy và tôi bắt tay vào thử ngay. Sau vài vòng lượn lờ thám thính, tôi quyết định sẽ đột nhập vào cướp ở một căn nhà nhỏ cuối phố. Căn nhà này ở ngõ khuất, ít người qua lại, không thấy bóng đàn ông, chỉ có một chị mập ú đang ngồi cho con bú…

Vừa xông vào, tôi đã quăng cái bao tải xuống đất, chĩa con dao sáng lóa về phía chị mập ú, quát to: “Tao là cướp đây! Có bao nhiêu tiền vàng mang hết ra đây!”

Tưởng chị mập ú sẽ rú lên rồi quỳ xuống khóc lóc, van xin, nhưng không, chị ngồi im, chẳng thèm ngước lên, tay chị ép ép đầu ti cho sữa phun vào mồm thằng con đang háu ăn, giọng bình thản: “Trông chú có vẻ lương thiện, chắc mới đi cướp lần đầu hả?”. “Dạ vâng!” – tôi đáp vẻ ngượng nghịu. Chị vẫn ân cần: “Chú cướp kiểu nhỏ lẻ thế này không ổn đâu! Muốn thành công, phải cướp đúng quy trình, và có tổ chức, có quy mô. Đừng ngu như chồng chị!”. “Chồng chị làm sao ạ?”. “Chồng chị cũng cướp vặt như chú. Đi tù rồi!”.

Nói đến đây, chị nghẹn lại, vẻ ngậm ngùi, rồi ngừng cho con bú, lấy tay cuộn ti nhét vào trong coóc-sê, uể oải mở tủ, lấy ra một nắm tiền, đưa cho tôi, bảo: “Chị chỉ còn có ngần này! Chú cầm lấy, coi như chị giúp chú khởi nghiệp”. Tôi run run đón xấp tiền từ tay chị, đếm sơ qua thấy được khoảng hơn 3 triệu. Tôi nhét vội mớ tiền vào túi, cúi chào chị rồi lao vụt đi…

Tôi chạy ra lấy xe ở phía bãi gửi xe đầu phố. Lúc nãy, tôi định phi xe vào tận cửa nhà chị để cướp, nhưng sợ nếu để xe ngoài cửa rồi lúc vào cướp xong quay ra lại bị trộm mất xe thì khổ, nên thôi, cứ gửi xe cho chắc ăn…

“Cho xin năm chục!” – thằng trông xe vừa cầm cái giẻ lau vết phấn trên yên xe, vừa cất giọng lè nhè. Tôi há mồm, chỉ vào cái vé xe quát lớn: “Ông trông xe hay là ăn cướp vậy hả? Giá niêm yết có 5 nghìn đồng/lượt mà ông thu hẳn 5 chục?”. Tay trông xe cười khùng khục: “Mày đã mua ô tô bao giờ chưa? Giá niêm yết là một chuyện, còn giá lăn bánh lại là chuyện khác. Bố mày thu đúng quy trình nhé! Thế giờ mày có chịu trả tiền để lăn bánh không, hay mày thích ngồi xe lăn?” Nghe thằng trông xe to tiếng, mấy tên xăm trổ đang lởn vởn gần đó đồng loạt gườm ghè tiến lại. Tôi thấy sự chẳng lành rồi thì đành rút số tiền vừa cướp được trong túi ra, đưa cho thằng trông xe 5 chục và phóng đi luôn…

Chợt nhìn kim xăng, tôi nghĩ tới cu hàng xóm nhà tôi, nó hay mượn xe tôi rồi thắc mắc là có phải xe tôi bị hỏng kim xăng không mà lúc nào cũng thấy cái kim nằm ở vạch đỏ. Chả mấy khi có tiền, tôi ghé luôn vào cây xăng bên đường, mở nắp bình xăng và hô rất to cái câu mà rất lâu rồi tôi không được hô: “Cho đầy bình em ơi!”. Xong tôi lại nhớ đến nhân vật bà lão trong truyện “Một bữa no” của Nam Cao: bà lão chịu đói bao ngày không sao hết, lúc được ăn một bữa no quá thì lại lăn ra chết. Chả biết con xe của tôi có giống bà lão không?

Em gái bán xăng cầm cái đầu bơm xăng cứng ngắc, tròn tròn, dài dài, cong cong chọc thẳng vào cái lỗ đen ngòm trên bình xăng, tới khi nước trào ra từ hai bên mép lỗ và chiếc đầu bơm giật giật, em gái mới rút đầu bơm ra: “Tròn 8 chục anh ạ!”. “Sao nhiều thế nhỉ?” “Dạ, xăng mới tăng nhẹ thêm 1 nghìn đồng/lít mà anh!” “Lại tăng? Sao tăng lắm thế?” “Đâu mà lắm hả anh? Trước khi tăng nhẹ 1 nghìn đồng/lít thì xăng đã có tới 3 đợt giảm mạnh, mỗi đợt 2 trăm đồng/lít, thế là đúng quy trình rồi còn gì!”. Vậy là tôi lại rút số tiền vừa cướp được trong túi ra, ngậm ngùi đưa cho em bán xăng 8 chục…

“Toét!!!” – Vừa phóng xe qua chỗ ngã ba thì gặp ngay anh công an từ gốc cây lao ra thổi còi và chặn xe tôi lại. Tôi xuống xe, hỏi rụt rè: “Dạ, em bị lỗi gì ạ?” “Anh đi vào đường cấm” “Ngày nào em cũng đi qua đoạn này, có thấy cái biển cấm nào đâu?” “Anh không thấy là đúng rồi, vì chúng tôi vừa cắm sáng nay, và cắm khuất ngay sau gốc cây! Lỗi này giữ xe chục ngày, và phạt một triệu đấy!”. Xong, giọng anh công an đột nhiên trầm xuống, giống hệt giọng MC Lại Văn Sâm trong chương trình “Ai là triệu phú?”: “Thế giờ anh chọn phương án nào?”.

Tôi ngẫm ngợi: “Hỏi ý kiến khán giả trường quay” thì không được rồi, vì nãy giờ tôi quên không lấy điện thoại ra quay. Hay là dùng trợ giúp “Gọi điện thoại cho người thân”? Nhưng nghĩ lại, tôi chỉ có mỗi người thân là vợ, mà vợ tôi lại đang đi chăn bò, có lẽ không mang điện thoại theo, mà kể cả có mang theo thì vợ tôi cũng ngu như bò, làm sao trợ giúp tôi được. Nên tôi thở dài, nói với anh công an: “Dạ! Có lẽ em xin dừng cuộc chơi tại đây để bảo toàn số tiền của mình ạ”.

Anh công an nhìn tôi cười: “Mới câu hỏi đầu tiên, sao mà dừng cuộc chơi được hả em!” Tôi cúi gằm: “Vâng, thế em xin chọn phương án 50/50”. Nói rồi, tôi lại rút số tiền vừa cướp được trong túi ra, đưa cho anh công an 5 lít. Anh công an cười tít và dặn dò tôi một câu rất đúng quy trình: “Lần sau đi đường nhớ quan sát cẩn thận em nhé!”.

Chào tạm biệt anh công an, tôi thẫn thờ , một tay lái xe, tay kia kiểm lại số tiền còn trong túi mà lòng tiếc ngẩn tiếc ngơ, đến nỗi tôi suýt tông phải một cái thanh gì đó chắn ngang đường, may mà tôi phanh lại kịp…

“Cái quái gì thế này?” – tôi quát um lên, và một thằng cha mặt lạnh như tiền thò đầu ra từ cái chòi vuông vuông như cái chuồng chim, bảo: “Trạm BOT thu phí đường cao tốc ra nghĩa trang đấy anh! Mời anh nộp phí!”. “Sao mọc lên nhanh thế? Sáng nãy tôi đi còn chưa thấy gì?” “Thì mọc lên nhanh, nhưng bù lại, lúc dỡ bỏ sẽ lâu, vậy là công bằng còn gì”. “Nhưng BOT cao tốc ra nghĩa trang thì phải đặt ở nghĩa trang chứ. Sao lại đặt ở đây?” “Anh cứ đùa! Đặt ở nghĩa trang thì ma nó nộp phí à?”

Biết đôi co chỉ tổ mất thì giờ, tôi rút tiền ra trả phí cho xong để còn về. Qua cái trạm BOT này là rẽ xuống thôn tôi, là về đất của tôi, toàn người quen thân rồi, tôi chả còn lo gì nữa. Tới cổng nhà mình, tôi thở phù nhẹ nhõm: vậy là thoát! Nhưng vừa kịp mở cổng, toan bước vào, tôi đã nghe giọng ai đó gọi sau lưng: “Chú về rồi đấy à! Tôi chờ chú nãy giờ!” Tôi quay lại: ra là bác trưởng thôn…

“Em chào bác! Có chuyện gì vậy bác?” – tôi hỏi lễ phép. Bác trưởng thôn tay cầm quyển sổ, tay cầm cái bút, đáp: “Thôn ta chuẩn bị xây cái miếu thờ thành hoàng làng. Thôn quyết định thu mỗi nhà 5 trăm nghìn, còn thừa thiếu bao nhiêu thôn sẽ bú, à nhầm, thôn sẽ bù”. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Thành hoàng làng mình là thằng nào vậy bác?”. Bác trưởng thôn ngỡ ngàng: “Chết thật! Chú không biết thành hoàng làng mình là ai à? Để tôi kể cho chú nghe nhé, chú có biết cái gốc đa cổ thụ chỗ cuối làng mình không? Đó chính là nơi thành hoàng làng mình đã hi sinh đấy. Tôi đã được chứng kiến tận mắt cái đêm kinh hoàng nhưng mang đầy ý nghĩa lịch sử ấy!”

Bác trưởng thôn nói đến đó thì lặng đi, khẽ rùng mình, có vẻ như những ký ức đầy ám ảnh của cái đêm xa xưa đó lại hiện về. Tôi giục: “Bác kể cho cháu nghe đi!”. Bác trưởng thôn hít một hơi thật sâu, ánh mắt đau đáu, giọng nghèn nghẹn, và tiếp tục kể: “Đó là một đêm cuối hè, cả làng đang say giấc nồng thì chợt bừng tỉnh bởi tiếng chân người chạy rầm rập, tiếng la hét, gào thét huyên náo ngoài đường. Chẳng ai bảo ai, cả làng đồng loạt túa ra xem, thì thấy một toán người hung hãn, gươm kiếm, gậy gộc nhoang nhoáng, đang đuổi theo một người đàn ông áo trắng. Người đàn ông áo trắng ấy chạy rất nhanh, nhưng có lẽ vì đã bị kẻ thù truy đuổi một quãng đường khá dài, nên ông ta kiệt sức, và đến chỗ gốc đa cổ thụ cuối làng thì đã phải dừng lại”.

“Người đàn ông áo trắng ấy chính là ông thành hoàng làng mình đúng không bác?” – nghe tôi hỏi, bác trưởng thôn gật đầu: “Phải!” “Thế còn kẻ thù truy đuổi ông ấy là bọn giặc phương nào?” “Giặc gì đâu, chúng là mấy thằng đầu gấu chuyên cho vay nặng lãi” “Ủa, vậy thành hoàng làng mình là…?” “Là một thằng vô công rồi nghề, đi vay lãi để chơi lô đề. Đến lúc không có tiền trả thì bỏ trốn rồi bị chủ nợ nó truy đuổi thôi”. “Thế rồi sao nữa bác?” “À, khi bị bọn chủ nợ với đầy dao kiếm, gậy gộc dồn vào gốc đa, thì thành hoàng làng ta mới hét lên rằng: “Tuy tao không cao, nhưng chúng mày sẽ phải ngước nhìn”, nói rồi, thành hoàng làng trèo lên cây đa, lôi sợi dây thừng trong túi ra, thắt cổ chết luôn. Đúng như lời thành hoàng nói, bọn chủ nợ đồng loạt ngước nhìn thành hoàng giẫy giụa trên cành đa, đến khi ông chết hẳn thì bọn chúng mới bỏ đi”.

“Nghe chuyện xong rồi, giờ nộp tiền đi nhỉ! 5 trăm nghìn!” – Câu nói của bác trưởng thôn làm tôi khẽ giật mình trở về với thực tại. Tôi ngập ngừng, nhưng cũng chả còn cách nào, đành rút ra 5 lít nộp cho bác trưởng thôn…

Khi bóng bác trưởng thôn còn chưa kịp khuất sau bụi chuối, tôi đã đóng cổng cái rầm, cài then, khóa chặt. Xong, giờ số tiền trong túi này là của ông mày! Ông đố thằng nào con nào cướp được của ông một xu, một hào…

Tôi vào, ngồi bệt giữa nhà, lôi nắm tiền ra kiểm lại. Xem nào: mình cướp được của chị mập ú cho con bú ấy 3 triệu, xong bị thằng trông xe cướp mất 5 chục, xăng mất 8 chục, BOT 1 chục, công an 5 lít, thành hoàng làng 5 lít, vậy là mình còn lại chưa đầy 2 triệu. Với 2 triệu này, mình…

“Bố ơi!” – nghe tiếng con gái gọi, tôi mừng rỡ quay ra, dang tay chực ôm con vào lòng, nhưng rồi tôi khựng lại, vì trên tay con bé hình như đang cầm tờ giấy gì, giọng nó lí nhí: “Cô giáo con gửi bố! Đây là các khoản thu đầu năm học của con”.

Tôi chụp lấy tờ giấy, và mắt nhòe đi: Ôi má ơi! Học phí, học thêm, quỹ lớp quỹ trường, quỹ đoàn quỹ hội… Gì nữa thế này? Tiền bán trú nửa triệu bạc, bằng đúng số tiền hôm vừa rồi tôi bán chó; Tiền giấy vệ sinh mà gần trăm nghìn: chả hiểu con mình đến trường để học hay để ỉa nữa đây. Rồi, còn cả tiền xây thêm nhà vệ sinh trường: khoản này phải thu là đúng rồi: ăn lắm thế mà không xây thêm nhà vệ sinh thì lấy đâu chỗ ỉa?

Phía bên dưới cùng, theo đúng quy trình, là chữ ký và dấu đỏ của trường kèm theo dòng ghi chú: các khoản thu đều dựa trên tinh thần tự nguyện, phụ huynh nào không nộp thì đừng trách nhà trường nhiều chuyện…

Thế là xong, tôi như sắp khóc, tôi lại trắng tay rồi, lại trở về là tôi lúc xưa, như chưa hề có cuộc cướp bóc. Tôi nằm vật ra nhà, rồi ngẫm lại lời dặn của cái chị mập ú cho con bú ấy mà thấy đúng quá: “Chú cướp kiểu nhỏ lẻ thế này không ổn đâu! Muốn thành công, phải cướp đúng quy trình, và có tổ chức, có quy mô…”

Võ Tòng Đánh Mèo

Theo FB Võ Tòng Đánh Mèo

Người chuyển bài  - HNTN

No comments: