Friday, January 3, 2020

Trai Petrus Ký Gái Gia Long - Lê Văn Nghĩa


Trai Pétrus Ký, gái Gia Long
 



 

Ngày ấy, trên toàn miền nam, đồng phục cho nữ học sinh là áo dài trắng, quần trắng (hoặc đen), nam học sinh là quần xanh, áo trắng và đeo phù hiệu mang tên trường trên áo. Không có đồng phục cho riêng từng trường như bây giờ. Học sinh các trường trung học công lập học 7 năm (từ đệ thất lên đệ nhất- lớp 6 -12) không phải đóng học phí vì đã đậu kỳ thi tuyển vô cùng khó. Lúc ấy, chỉ có trường trung học công lập Mạc Đỉnh Chi nam sinh và nữ sinh học chung.

“Thiên đàng mơ mộng” của những cậu học trò tóc hớt ngắn, quần xanh áo trắng là… nơi các nữ thiên thần áo dài trắng túa ra như chim bồ câu sau giờ tan học của trường nữ Gia Long (nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai).

Bấy giờ, có cậu học sinh Pétrus Ký nào chẳng mơ được “mần quen” cùng một em Da Lợn nhỉ. Xin nói ngay, “Da Lợn” là cái biệt danh vui dành cho nữ sinh trường Gia Long, do học sinh các trường khi ấy tự đặt cho nhau bằng cách “đọc trại tên” dí dỏm, hoàn toàn không có ác ý hay xúc phạm gì cả. Thí dụ Petrus Ký là “Bê lắc Ký”, Chu Văn An là “Chết vì ăn”, Trưng Vương là “Trứng Vữa”, Võ Trường Toản là “Vỏ trứng thúi”, Mạc Đĩnh Chi là “Má đi chợ”…

Các trường gom biệt danh lại, có thể ghép thành câu vè “Má đi chợ, mua bê lắc ký, da lợn nhưng lại toàn trứng vữa và vỏ trứng thúi…”.

Trở lại với “thiên đàng mơ mộng” Da Lợn nhé. Phía bên hông cổng trường Gia Long, trước cổng chùa Xá Lợi, “cạnh tranh” với những chiếc xe bán bò bía, gỏi đu đủ là những chàng áo trắng Pétrus Ký “đang gửi hồn qua cánh cổng” thâm nghiêm có từ năm 1915 với cái tên thơ mộng “Trường nữ sinh Áo Tím”.

Nghe kể lại, trường được thành lập do sự đề nghị của Nghị viên Hội đồng quản hạt Nam kỳ Lê Văn Trung cùng vợ của Tổng đốc Phương và một số trí thức người Việt với chính quyền thực dân Pháp. Khóa đầu tiên (1915) trường tuyển 45 nữ sinh với đồng phục là áo dài tím tượng trưng cho sự tinh khiết của phụ nữ Việt.

Từ khi thành lập các đời hiệu trưởng toàn là người Pháp nhưng vào năm 1949 nữ sinh trường Áo Tím cùng nam sinh sinh trường Pétrus Ký tổ chức bãi khóa kỷ niệm ngày Nam Kỳ Khởi nghĩa nên chính quyền đã đóng cửa trường.

 
 
 


Năm 1950, sau một cuộc đấu tranh, biểu tình dài ngày với sự ủng hộ của phong trào học sinh lúc ấy trường được mở cửa lại. Và đánh dấu sự kiện quan trọng nầy, sau 7 đời hiệu trưởng trường là người Pháp, lần đầu tiên trường có nữ hiệu trưởng là người Việt: bà Nguyễn Thị Châu.

Năm 1953 trường Áo Tím đổi tên thành trường nữ trung học Gia Long. Áo dài tím được thay bằng áo dài trắng với phù hiệu là bông mai vàng. Chương trình giáo dục bằng tiếng Pháp được chuyển sang quốc ngữ.

Có phải “mối tình” gắn kết tranh đấu của Áo tím và sau đó Gia Long trong những năm về sau đã gắn kết “Trai Pétrus Ký, gái Gia Long” một cách mặc nhiên trong những mối tình thật và ảo của lứa tuổi học trò? Chỉ biết rằng những chàng trai Trai Pétrus Ký luôn mơ về “thiên đường” tuổi nhỏ dại của mình, đến bây giờ tóc gần bạc hết như tôi vẫn còn hoài nhớ.

Sài Gòn, cùng với những trường nữ trung học công lập Gia Long, Trưng Vương, Lê Văn Duyệt, Sương Nguyệt Anh cũng còn “trắng trời áo dài” với những trường nữ trung học tư khác như Thánh Linh, Hồng Đức… đã hốt hồn những chàng trai mặt nổi mụn trứng cá và vỡ giọng ngày xưa với những ước mơ “áo ai trắng quá, nhìn không ra”…

Những cô nữ sinh ở những ngôi trường ấy đã là một phần hồn của Sài Gòn. Cám ơn Sài Gòn đã có những ngôi trường “thiên đàng tuổi nhỏ” dành riêng cho chàng trai mơ về những mái tóc, những chiếc áo dài trắng vờn bay, vờn bay…

Nhiều thập niên trước ở Sài Gòn, mỗi năm đến gần dịp tết nguyên đán, học sinh các trường trung học đều làm một tờ báo xuân, in typo chữ chì hẳn hoi để bán cho học sinh trong trường xem như là kỷ niệm đời học sinh. Sau đó, Ban đại diện học sinh lập thành từng nhóm đi đến các trường bạn để bán báo xuân dạo.

Dưới đây là trích đoạn trong truyện Mùa Hè Năm Petrus của nhà văn Lê Văn Nghĩa viết về chuyện bán báo xuân của học trò nam trường Petrus Ký và trường nữ trung học Gia Long.

***

Đâu phải chỉ có mình thằng Dũng hồi hộp khi được bước vào ngôi trường nữ trung học Gia Long cổ kính đầy những tà áo dài trắng mà cả những anh lớn thuộc loại ăn nói hùng hồn, đầy tính triết học như anh Quân trưởng khối báo chí của trường.

Chị trưởng khối báo chí của trường Gia Long đón tiếp phái đoàn học sinh bán giai phẩm xuân của trường nam trung học Petrus Ký rất thân tình và trân trọng. Chị tên là Trâm, người mỏng manh, mái tóc dài bỏ lửng xuống bờ vai.
 
 

Ngồi trong phòng hiệu đoàn học sinh để chờ giờ ra chơi chị Trâm hỏi anh Quân:

– Nghe nói chủ đề báo xuân năm nay của trường Petrus rất hay… Hình như giáo sư hướng dẫn báo chí của các anh là giáo sư Vũ Ký…

Nó – người Petrus – cảm thấy tự hào. Phải tự hào chứ ngồi hội đàm cùng “địch quân” mà! Người Gia Long vẫn tiếp tục lịch sự hạ mình:

– Thật ra cái nghe viết văn làm thơ là của mấy anh thôi. Nhà thơ, nhà văn toàn là nam giới thôi chứ nhà thơ, nhà văn nữ thì đếm trên đầu ngón tay. Anh biết tại sao không?

– Chắc tại phái nam có tài hơn phái nữ.

– Hổng phải anh ơi. Tại phái nam toàn bị phái nữ cho leo cây không? Mấy ổng về, mấy ổng thất tình nên làm thơ hay vậy mà…

Tiếng chuông báo giờ ra chơi vang lên trong không khí im lặng, tĩnh mịch của ngôi trường rêu phong, mang đậm màu hoài cổ của thời gian , như cái kim nhọn chọc vỡ cái bong bóng.

Tiếng òa vỡ, rộn ràng trong ngôi trường mang tính đầm thắm dịu dàng và kỷ luật nghiêm nhặt cũng không khác gì tiếng reo vui của dân Petrus sau khi tiếng chuông báo hiệu giờ ra chơi.

Khác với học sinh tiểu học, giờ chơi của những học sinh trung học không có nhảy lò cò, đánh đáo, bắn đạn, tạt lon mà chỉ là những đôi bạn, những nhóm đứng nói chuyện, chạy xuống quày bán hàng trong trường để mua bánh, nước ngọt…

Quầy bán giai phẩm xuân được đặt chính giữa sân trường. Trên bàn là những chồng giai phẩm xuân được đặt ngay ngắn để giới thiệu cái bìa báo màu xanh da trời với màu cam tươi in đậm chữ giai phẩm xuân PetrusKý và một gương mặt cằn cỗi bị bao quanh bởi nhưng hàng gào giây kẽm gai, le lói từ xa là ánh mặt trời đỏ tía.

Trưởng Ban báo chí trường nữ trung học Gia Long phát biểu trước máy vi âm:

“Hôm nay học sinh trường nam trung học hiệu đoàn Petrus Ký…”

Cô mới nói tới đó thì tiếng vỗ tay vang lên rào rào, làm các cu cậu sướng tê người. Người Gia Long ái mộ người Petrus quá ! Bọn Chu Văn An đừng có tưởng bở. “Trai Petrus, gái Gia Long” vẫn là số dách.

“…đến trường ta để giới thiêu và bán giai phẩm xuân. Mong các bạn ủng hộ, trước mua vui, sau làm nghĩa. Giờ ra chơi sẽ kéo dài thêm 10 phút nữa để các bạn mua báo xuân…”.

Anh Quân hắng giọng, nói trước micro:

“Thưa các bạn, ông bà ta có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Báo chí xuân học sinh như là những miếng trầu thân ái, mở đầu những câu chuyện thân tình của những người bạn với nhau. Hôm nay, học sinh Petrus chúng tôi nhân mùa xuân về, đem miếng trầu cay đến để giới thiệu với những người bạn gái Gia Long những tình cảm chân thành.

Mai đây, rồi chúng ta sẽ rời bỏ ngôi trường yêu dấu của mình để tung bay vào vạn nẻo đường đời nhưng những kỷ niệm đời học sinh sẽ vẫn còn mãi vì nó được ghi đậm bằng những áng văn chương thời học sinh, lưu trên trang giấy…”

Tiếng vỗ tay, khen ngợi không ngớt. Các cô gái Gia Long bình phẩm:

“Anh này nói hay y như diễn giả vậy ta!”, “Nghe muốn rụng rún luôn”, “Coi cũng bô giai hé mấy bồ..”, “Y như “Alen đờ lá”, em của Alen-đờ-lông (Alain Delon) tụi bay ơi…”

Thằng Dũng không ngờ anh Quân nói hay như vậy. Giọng nói nhẹ nhàng, như ru ví tờ giai phẩm Xuân như miếng trầu để mở đầu câu chuyện với các em Gia Long .Tiếng chòng ghẹo vẫn vang lên sau lưng của Dũng:

 “Sao dân Bê-lắc-Ký mà ốm nhom như thằng ghiền vậy”.

Thằng Dũng nghe nóng ran lỗ tai. Nó biết rằng mấy “em” Gia Long đang chọc nó. Ai nói con gái hiền như “sương khói chiều giăng” đâu.

Từng cánh tay đưa ra với tờ 10 đồng để đón nhận tờ giai phẩm. Có cả những đồng tiền keng. Phải chăng đây là những đồng tiền nhịn ăn sáng, tiết kiệm để mua những món quà dành riêng cho nữ giới, bây giờ lại được dùng để ủng hộ tinh thần mùa xuân văn nghệ.

Bỗng có tiếng gọi: “Ơ… ơ… Dũng… Dũng cũng qua đây bán báo nữa hở?”

Lồng ngực nó rộn lên. Nó nghe nóng bừng mặt. Cuối cùng điều nó chờ đợi cho buổi bán báo này cũng đến. Nhưng để tỏ ra mình thuộc loại có tầm cỡ, nó im lặng, tiếp tục bán báo, coi như pha cú nhận người quen của con bé Xuân Chi.

“Dũng… Dũng có viết bài trong giai phẩm không… cho Chi xem với”.

Mặt nó như vênh lên, giọng nói bỗng dưng rất phiêu bồng: “Có. Trong giai phẩm có đăng của Dũng một bài thơ…”

Con bé Xuân Chi, lắc lắc hai bím tóc, lật lật mấy trang báo hỏi: “Đâu đâu, chỉ cho Chi xem với…”

Lúc này thì thằng Dũng không còn lo bán báo, không còn bận tâm đến những cô bé Gia Long đang chờ để mua báo. Nó đang tự chiêm ngưỡng kỳ công của nó là bài thơ Khói sương đang được Xuân Chi cắm cúi đọc.

Một cô bé khác, đang đứng cạnh Xuân Chi, cũng chúi mũi vào đọc ké, rồi phát biểu oang oang: “Đúng là thi sĩ …ròm”.

Xuân Chi móc tiền trong chiếc ví cầm tay nhỏ ra đưa cho nó: “Dũng bán cho mình tờ báo đi, nhớ ký tên ngay bài thơ nha…”

Dũng sốt sắng: “Ơ… ơ… Dũng tặng cho Chi tờ báo xuân… Chi không cần phải mua. Dũng ký tên ngay đây, ngay dưới bài thơ”.

Như vậy là chuyến đi vào trường Gia Long bán báo xuân, đối với Dũng là một thành công ngoài mong đợi. Trường Gia Long có Xuân Chi. Có một cô bé hàng xóm ngày ngày đi qua ngõ nhà của Dũng. Không chào nhau. Chỉ liếc nhìn.

Cả hai đang đọ sức lẫn nhau như trường Gia Long đang đọ sức với trường Petrus ký. Một cuộc đọ sức giữa những “địch quân” nhưng lại vô cùng tình thương mến thương âm thầm từ truyền thống “Trai Petrus, gái Gia Long”.

Tờ báo xuân – trong đó có bài thơ con cóc của Dũng – đã trở thành miếng trầu giao duyên giữa Dũng và cô tiểu thư trong cái xóm nghèo của nó.

Mặc dù buổi giao duyên trầu cau này có thể làm nó nhịn quà sáng. Mà như vậy vẫn còn quá rẻ. Nếu có thể tốn kém hơn, nó vẫn chấp nhận. Khi đã trở thành thi sĩ rồi thì nó chẳng màng đến chuyện ăn, nghe vô cùng phàm phu tục tử.

Theo Lê Văn Nghĩa (Tuổi Trẻ)

304Đen – Llttm -dsg

No comments: