MỖI NĂM MỘT LẦN ĐÁNH ĐUỔI
THÀNH HOÀNG
Mới vắng mùa xuân bốn ngày, trời đất đã thấy khác hẳn. Hai tiếng
“lò cừ” của Cung oán ngâm khúc có lẽ chỉ để chỉ vào vũ trụ hôm nay. Hôm nay ông
thần Hạn bạt (1) đã báo thù trần gian một cách tàn nhẫn. Mới già nửa ngày thiêu
đốt, lá cây đều héo rũ như ngọn cờ tang, mặt đất tuy không chảy mỡ, nhưng hơi
khét bốc lên ngào ngạt.
Ngô
Tất Tố
Bãi cỏ vệ đường lúc này đã thành ra vật cần dùng cho khách bộ hành. Nhờ
nó, gót chân những người không dép không giày cũng bớt rát bỏng.
Chỉ mấy ông nông phu là đáng kính phục. Mắt họ đã không thể mở vì bồ hôi
tràn trụa chảy qua, miệng họ đã phải há ra để giữ lấy sợi quai nón, vai họ đã
phải ỏe xuống để đỡ lấy chiếc đòn gánh nặng nề, nhưng, đôi ống chân của họ vẫn
thay lượt nhau cất nhẹ nhàng và nhanh chóng.
Theo họ, đem hết năng lực, nghị lực chiến đấu với con quạ vàng, chúng
tôi đã tiến vào cổng thôn T. với sự sung sướng của một người qua bể cát.
Cái làng nhà quê vùng bể dâu phải là thế giới vàng trong câu vịnh chùa
của Tống Huy Tông? Vậy mà trước mắt chúng tôi, ngọn tre, lá chuối, tường đất,
mái tranh, gì gì cũng vàng tất cả.
Sau nửa tiếng đồng hồ nấp dưới bóng rợp cây đa, để lau cho ráo bồ hôi,
và nghỉ cho tinh con mắt, ông P. – một người đưa đường của tôi – dẫn tôi vào
nhà người quen ông ấy. Chúng tôi chờ coi cảnh tượng buổi tối.
Mồng bốn tháng tư.
Tối nay, năm thôn của làng V.L. tề tập cả ở thôn T.
Để diễn một cuộc đánh đuổi thành hoàng. Thiên hạ đồn rằng vui lắm. Ai mà
không phải ngạc nhiên, khi nghe ở vùng nông thôn quê có chiến tranh kiểu
này.
Phải! Trong lũy tre xanh, thành hoàng làng nào tức là vua của làng ấy.
… (kiểm duyệt)…
“Không hình không bóng”, đó đều là những đấng thiêng liêng luôn luôn ngự
ở đầu họ, vai họ, có thể làm oai làm phúc cho họ. Vì vậy, họ đều thành thực
kính sợ, không dám dị nghị điều gì. Thì đến những con lợn ỷ nuôi để cúng những
đức vua ấy, họ còn kính trọng mà tôn làm ông làm người, huống chi bản thân các
ngài, khi nào họ dám động tới?
Thế thì cớ sao lại có cái làng dám đánh dám đuổi thành hoàng? Hay là
làng ấy đã cách mệnh với thần giới?
Các ngài sẽ hỏi như vậy.
Thưa không! Cuộc trị an của chư thần, đâu cũng như đâu, vẫn vững như núi
Thái Sơn, trận đánh đuổi đó chỉ là ván trò diễn lại ở một võ công oanh liệt của
đức thành hoàng làng ấy. Nhưng không phải là chuyện dẹp giặc dẹp cướp, cái võ
công này là võ công của… me – xừ Toóng.
Chúng ta đã thường thấy trong sách Tàu: Chú cai phu có thể làm vua nhà
Hán, anh bợm bạc có thể làm vua nhà Tống, thằng nhỏ của chùa Hoàng Giác có thể
làm vua nhà Minh, và vô số những ông cắn cơm không vỡ, chỉ nhờ cái thi đẻ vào
nhà vua mà nghiễm nhiên ngồi trên ngai vàng, cố nhiên chúng ta không lấy làm lạ
khi thấy những ông chết đói, chết rét, những ông ăn cướp ăn trộm ngang nhiên
được làm thượng đẳng phúc thần.
Nhưng đến cái ông “bốn cẳng” mà cũng được làm thành hoàng, thì thật là
việc gia ân rất đặc cách!
Là vì, nghề làm thành hoàng cũng phải có đủ điều kiện. Điều kiện cốt yếu
của các vị thành hoàng tức là bốn chữ “hộ quốc tý dân”, các sắc bách thần đều
thế, dù là sắc của những ông thành hoàng chết đói chết rét, ăn trộm, ăn cướp
mặc lòng.
Me-xừ Toóng có thể hộ quốc tý dân được chăng? Tôi đã tìm câu trả lời cho
câu hỏi ấy trong nhiều cuốn công đức lục của các đấng tiên liệt họ Toóng.
Nhân hậu hơn hết, chỉ có ngài Toóng trong truyện liêu trai.
Ngài ấy quán ở Triệu Thành bên Tàu. Vì trót ăn thịt con trai của một mụ
già vùng ấy, ngài ta mới bị quan huyện sở tại bắt làm con nuôi bà kia, để sớm
hôm nuôi cái thân già cô độc. Ngài ấy bằng lòng, và liền bắt hươu, bắt nai, ăn
trộm vàng bạc, gấm vóc tha về cho bà mẹ nuôi. Rồi khi bà lão tạ thế, ông con
nuôi này còn về tận mả gầm gào một hồi. Người ta bảo đó là ông cọp khóc mẹ. Vì
vậy, người ở miền ấy mới lập ngôi nhà thờ ngài, họ gọi là đền Nghĩa Hổ.
Ngoài đức Toóng ở liêu trai, loài Toóng chỉ có hạng hay ăn thịt người.
Thuở xưa mẫu quốc chưa biết lo về nạn nhân mãn, chắc rằng người ta không coi
việc đó là việc tý dân hộ quốc.
Vậy mà ông Toóng V.L. cứ được làm vua năm thôn! Thì ra trong nước Việt
Nam, cái gì cũng có đặc ân được cả.
Tôi không biết trong đạo thần sắc của ngài, phong ngài làm “gì đại
vương”. Chỉ biết người trong làng ấy đều kiêng tiếng “hổ”, họ gọi tránh đi là
“hể”, cũng có người gọi là ông Ba mươi, hay là quan tướng năm dinh…
Cái miếu để thờ vua Hổ ở đây nghiêm lắm, nghiêm như một nơi cung cấm.
Trừ ông thủ từ là kẻ cận thần của ngài, người làng không ai được ngó mắt vào.
Những người đi qua trước miếu đều phải ghé ô, ghé nón.
Nhờ có một ông đàn anh trong làng làm người hướng đạo, chúng tôi đã được
chiêm yết cái hành doanh của Hổ đại vương.
Nó là năm gian nhà gạch lối cổ nhiều bề rộng mà ít bề cao. Giữa tiết
trời hè, trong nhà vẫn tối om om và ẩm rờm rợp. Bước vào trong cửa, tôi tưởng
như bước vào trong hang núi. Dưới lớp mái ngói, đầu xà mối kẻ quanh những con
cốn, con trồng, long, ly, quy, phượng nằm chen nhau với cúc, trúc, thông, mai
để làm chỗ chứa đựng cát bụi. Mạng nhện chăng chít như những chiếc võng chăng
từ đầu cột nọ đến đầu cột kia. Cứt chim sẻ rơi xuống dưới sàn trắng xóa.
Lòng miếu chia làm ba ngăn. Hai ngăn bên đều có lát ván, chừng để làm
nơi dân làng họp hành, ăn uống.
Ngăn giữa tức là ngự doanh của Hổ đại vương.
Vì có bức mành hoa thườn thượt từ trên mái nhà buông xuống, chỗ này có
thể gọi là hai lớp. Lớp ngoài, không hiểu là để làm gì. Ngự tọa của Toóng đại
vương thì ở lớp trong, cái lớp bị bức mành mành che kín, người làng gọi là hậu
cung.
– Chết nỗi! Hậu cung là chỗ thâm nghiêm, ngoài tôi ra không ai dám bước
chân vào. Các ngài không nên coi thường. Đức thượng đẳng làng tôi thiêng lắm, người
nào vô ý sẽ bị Người vật chết tươi.
Ông thủ từ nghiêm nghị nói với chúng tôi như thế khi chúng tôi yêu cầu
ông ấy cho vào xem trong hậu cung.
Bằng một giọng khẩn khoản thiết tha, chúng tôi phải nói dối là rất thành
kính, rất thanh tịnh và cam đoan rằng nếu Người vật chết chúng tôi xin vui
lòng, bấy giờ ông ta mới chịu khúm núm thắp đèn đốt hương làm lễ, rồi rụt rè hé
bức mành mành cho vào.
Chúng tôi tưởng như mình đi xuống âm cung, vì cái hậu cung của Toóng đại
vương tối như hũ nút và hôi như tổ cú.
Nào có gì lạ đâu! Trước ánh sáng lù mù của ngọn đèn dầu, ta chỉ thấy một
cái bệ gạch sứt sở đột ngột nổi ở chính giữa. Trên bệ một cái bình hương, đầy ụ
chân hương. Và ở trước cái bình hương, một vật đỏ đỏ xanh xanh sùm sụp úp xuống
mặt bệ, coi chẳng khác cái đầu sư tử tháng tám.
– Đấy là lốt “bệt”.
Ông thủ từ cắt nghĩa như vậy trong lúc ông ta đã đưa chúng tôi ra ngoài
mành mành và lên trên sàn ngồi chơi. Chúng tôi không hiểu và cố hỏi cho
hiểu:
– Bệt là cái gì, thưa ông?
Ông thủ từ mỉm cười, ra bộ kiêu ngạo:
– Tôi tưởng các ông nhà báo thì biết nhiều tiếng. Té ra hai ông không
biết tiếng ấy ư? Lốt bệt tức là cái lốt bằng giấy làm giống hình người. Lát
nữa, coi dân làng tôi đuổi bệt các ông sẽ thấy.
Như sợ chúng tôi không nhận sự long trọng của cái lốt bệt, ông ấy nói
thêm:
– Tiếng rằng nó là đồ mã, nhưng cũng là vật sự thần, vì vậy, từ xưa đến
nay, không bao giờ làng dám mua bán bằng cách cẩu thả. Hàng năm cứ đến hai nhăm
tháng ba, cụ trưởng lễ và bốn ông hương trưởng làng tôi phải sửa trầu rượu ra
đình làm lễ, xin đi thửa bệt. Luôn trong bữa ấy, cả năm ông đó lại đem một trăm
quả cau đến nhà một người thợ ở làng bên cạnh, bảo họ làm lốt. Người thợ mã
nhận số cau ấy, liền phải đặt lên bàn thờ cúng tổ sư, rồi mới nhận lời các cụ
làng tôi. Trong lúc đan hom, dán giấy, người thợ mã phải tắm rửa sạch sẽ, ăn
chay, không được gần vợ, gần con. Nếu không thế, tất nhiên bị Người quở phạt.
Năm xưa, có người thợ mã đương làm công việc nhà thánh, thình lình thấy trời đổ
mưa, cả nhà đi vắng, anh ta phải chạy ra sân cất cái xống (2) nâu cho vợ. Đáng
lẽ, hắn dùng nước gừng tẩy uế cái tay thì không sao cả. Nhưng anh ta vội quá,
cứ để bàn tay uế tạp lại vào cắt giấy. Tức thì Người cho một trận đau bụng lăn
giường trên xuống giường dưới, tưởng như sắp chết đến nơi. May sao người vợ vừa
về. Chị ta vội vàng sắm sửa trầu rượu, thiết lập bàn thờ giữa sân, kêu khấn với
Người, bấy giờ anh ta mới khỏi. Các ông coi đó, việc quỷ thần có phải chuyện
chơi?
Nghe nói ông cọp luôn luôn ăn trầu uống rượu, chúng tôi đã suýt phì
cười, phải cố nhịn mãi mới giữ được vẻ mặt tự nhiên. Chờ cho ông thủ từ dứt
mạch, tôi lại hỏi tiếp:
– Thần tích làng ta ra sao? Ông có thể nói cho chúng tôi biết chăng? Ông
thủ từ lắc đầu một cách quả quyết:
– Cái đó không sao được! Bởi vì sự tích của Người vẫn cất ở trong hòm
sắc, cả làng tôi không ai được coi, chính tôi cũng không được biết ra sao. Vả
chăng, sự tích của Người, xưa nay làng tôi vẫn giữ bí mật, dù có biết nữa, tôi
cũng không dám nói ra.
Rồi ông ấy cáo từ chúng tôi, đứng dậy sắp sửa mũ áo, vì giờ đuổi bệt đã
đến.
Trời tối, trẻ con tấp nập chạy nháo quanh đình với những tiếng hò reo
vui vẻ.
Trong đình nổi một hồi trống cái, xen với hồi chiêng, ông thủ từ xúng
xính mũ áo thụp xuống lòng đình lễ đủ bốn lễ, rồi thụt vào trong hậu cung. Tám,
chín ông khác đứng ngoài đồng thời lạy vào. Kẻ đã ngay lưng đứng lên, người mới
cúi đầu gục xuống, cảnh tượng giống như lũ phu bổ củi.
Cánh đồng trước đình bỗng nghe có tiếng ầm ầm và thấy bóng lửa bốc lên
sáng rực.
Ánh lửa mỗi lúc mỗi rõ thêm, tiếng ầm ầm mỗi lúc mỗi gần lại.
Một lát sau, hàng trăm bó đuốc đùng đùng chiếu vào cổng làng với những
hàng gậy tre nghênh ngang ở trước ánh lửa.
Người đâu mà nhiều dữ vậy! Họ đi hàng ba, hàng tư, hàng năm, một lũ dài
kéo vào cửa đình, chẳng khác một đám quân chạy.
Trống cái trong đình thúc mau như trống hộ đê.
Tù và thổi liên thanh bất chỉ.
Đám người cầm đuốc tức thì rẽ ra hai hàng và đứng thẳng băng trước đình
như hai dãy cột đèn, làm cho sân đình thành một đoạn đường cái. Mấy trăm gậy
tre nhất tề vừa múa vừa theo đoạn đường giữa hai hàng đuốc nhảy vào cửa
đình.
Hình như những người múa gậy đều có luyện tập.
Nếu không làm sao bấy nhiêu chiếc gậy cùng múa mà không chiếc nào đụng
vào chiếc nào?
Đuốc vẫn cháy nỏ, trống cái vẫn thúc rền, tù và vẫn thổi dữ, đám gậy
hùng dũng xông vào lòng đình, tiếng người reo như xô mái ngói.
Bỗng như bị vật gì ngăn cản, mấy trăm người và mấy trăm gậy nhất tề chạy
ra chỗ cũ như một đàn vịt bị đuổi.
Trống cái, tù và lại thưa. Các gậy lại thi nhau múa.
Rồi, lại như trước, trống cái lại thúc mau, tù và lại thổi dồn. Đám gậy
lại sầm sập tiến vào lòng đình và lại ù té chạy ra giữa những tiếng hò reo vang
trời dậy đất.
Tôi đương lo rằng cái trò “thả chiến thả tẩu” (3) diễn đến bao giờ cho
rồi, thì đội quân đánh gậy đã lại hùng hổ xông vào phía trước hậu cung một lần
thứ tư.
Trước bóng lửa sáng, bức mành mành treo dưới cửa cấm tự nhiên lay
động.
Một vật xanh xanh đỏ đỏ từ trong hậu cung chồm chồm nhảy ra.
– Người ra! Người ra! Người ra kìa!
Theo với một hồi vỗ tay, tiếng la “Người ra” ầm ầm như đám chợ vỡ.
“Người” là cái mà người làng này vẫn gọi là “bệt”.
Đóng vai đội cái lốt bệt là ông thủ từ nói chuyện với chúng tôi vừa rồi.
Tuy rằng phải chạy, phải nhảy, có khi phải tế bằng kiểu bốn chân, ông ấy vẫn
giữ chiếc áo thụng lam xúng xính.
Đám người múa gậy đều dạt ra hai bên đường, đứng lộn với đám người cầm
đuốc, nhường quãng đất không cho bệt chạy ra.
Giống như người múa sư tử, bệt cứ chạy, vừa nhảy vừa tế bốn chân mà lồng
ra đường.
Đuốc gậy, tù và, trống cái nhất tề chạy theo với những tiếng reo rầm
rầm.
Lúc này quang cảnh mới càng náo nhiệt. Trên những ruộng đất cày lổm
chổm, lắm người ngã sấp ngã ngửa.
Chúng tôi đã sắp đứt hơi vì muốn theo đuổi trò lạ đời ấy cho đến cứu
cánh (4).
Trong ánh lửa sáng, một tòa đền cổ lù lù hiện dưới bóng cây với những
chiếc tréo đao cong rướn.
Đám đuốc vừa suỵt tới nơi, bệt liền thụt vào trong đền.
Một hồi vỗ tay chấm dấu hết cho một cuộc chiến đấu. Bọn người đuốc gậy
lẻ tẻ chia đi các ngả, ai về làng nấy. Chúng tôi vừa thở vừa theo người quen, –
ông P. trở về thôn T. Thì ra trong lúc mới rồi, chúng tôi cũng như những
người đuổi bệt đã vô tình mà chạy một mạch luôn bốn cây số.
Ngủ một đêm, hôm sau vẫn còn thấy mệt.
Trước khi từ biệt, ông chủ nhà căn dặn lại chúng tôi:
“Các ông đừng cười. Cái hèm (5) nhà thánh làng tôi như thế. Nếu mà bỏ
đi, trong làng sẽ không được yên, có khi sinh ra dịch tễ người chết như
rạ”.
Ngô
Tất Tố
Báo Con Ong, các số 20, 21, 22 Các ngày
18.10, 25.10 và 1.11.1939
Chú thích
(1) Thần Hạn bạt: Thần làm nắng.
(2) Xống: Cái váy.
(3) Thả chiến thả tẩu: Cho đánh, cho chạy.
(4) Cứu cánh: Đích cuối cùng. (5) Cái hèm: Trò diễn lại sinh hoạt,
sự tích của vị thần thờ trong làng, coi là một nghi tiết lúc mới vào đám.
304Đen – Llttm - sgtc