Sài Gòn bây giờ có nhiều nhà sách lớn,
luôn luôn đông khách. Sách đủ thể loại, phong phú, đa dạng. Đó là địa chỉ thường
đến của những người nhận sách là bạn đồng hành của mình – từ em bé đến người
già, người của thành phố hay khách vãng lai, người Việt sống ở nước ngoài về
thăm quê hương, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam hay chỉ là khách du lịch…
Những nhà sách lớn ở trung tâm thành phố còn là nơi dành cho khách dạo chơi một
vòng, hưởng chút hơi lạnh cho thư thái tâm hồn khi bị cái nóng ở nhà hay đường
phố làm mệt người, khó chịu.
Xưa nay, tôi có thú vui đến nhà sách
để nhìn ngắm và chọn mua những quyển sách văn học mới xuất bản mà mình ưa thích
được bày bán trang trọng trên kệ. Bắt gặp một quyển sách trình bày đẹp từ bìa đến
ruột, nội dung hợp với sở thích của mình, tôi luôn có cảm giác như vừa gặp người
bạn tri âm, không thể cầm lòng mà không mời về nhà để hàn huyên tâm sự.
Nhưng cái quyến rủ tôi hơn chính là
mùi colophan của những trang sách mới ngày trước. Mỗi lần vào Nhà sách Khai Trí
(bây giờ là Nhà sách Sài Gòn 2) hay Nhà sách Liên Châu (bên hông Nhà thờ Đức
Bà, đối diện với Bưu Điện Thành phố) chuyên bán loại sách livre de poche, là
tôi cầm ngay quyển sách mới đưa trước mũi hít một hơi thật sâu để tận hưởng mùi
hương của sách như tận hưởng mùi hương của người tình.
Nhà xuất bản bây giờ thì nhiều và những
người làm sách tư nhân hay các Công ty Văn hóa liên kết với nhà xuất bản nhiều
gấp bội. Nhưng liệu có mấy nhà xuất bản (nhà nước) – nơi biên tập và cấp giấy
phép xuất bản “bảo đảm bằng vàng” được thương hiệu của mình? Thỉnh thoảng báo
chí lại phát hiện ra một hai quyển sách trông rất sang và rất đẹp của một nhà
xuất bản tầm cỡ nhưng “hồn Trương Ba da hàng thịt”! Sách mà cũng có đồ giả, đồ
dõm như rượu bia, thuốc lá, bột giặt trong nền kinh tế thị trường thì đáng buồn
nôn thật!
Trước 1975 ở Miền Nam, mỗi lần bước
vào hiệu sách, chỉ cần nhìn thấy tên nhà xuất bản như Yễm Yễm Thư trang, Thanh
Tâm, Nam Chi tùng thư, Khai Trí, Cảo Thơm, Thời Mới, Tuổi Hoa, Nguyễn Đình Vượng,
Lá Bối, An Tiêm, Trình Bày… là người mua an tâm, không sợ mua lầm hàng kém chất
lượng. Mỗi nhà xuất bản đều có mục đích và tôn chỉ hoạt động, không có chuyện
vàng thau lẫn lộn. Đặc biệt sách của nhà Cảo Thơm còn nguyên tay (cahier) để
người mua về nhà tự rọc, âu cũng là cái thú.
Theo tôi, hai nhà xuất bản hoạt động
mạnh có tiếng vang, gây được nhiều thiện cảm và uy tín nhiều nhất với người đọc,
người viết, người dịch là Lá Bối và An Tiêm. Người điều hành hai nhà xuất bản
này lại là hai tu sĩ Phật giáo. Những người mê sách nào chẳng có những quyển
sách giá trị như: Xứ Trầm hương (Quách Tấn), Sử ký Tư Mã Thiên (Giản Chi và
Nguyễn Hiến Lê dịch), Anna Karénnine (Léon Tolstoi – Nguyễn Minh Hoàng dịch),
Chiến tranh và Hòa bình (Léon Tolstoi – Nguyễn Hiến Lê dịch) và những tác phẩm
khác của các nhà văn như Võ Hồng, Nguyễn Văn Xuân… của nhà Lá Bối. An Tiêm thì
xuất bản “sách đời” nhiều hơn, đa số là những kiệt tác văn học nước ngoài với
những dịch giả uy tín, như Anh em nhà Karamazov (Dostoievski, Trương Đình Cử dịch),
Kim Các Tự (Yukio Mishima, Đỗ Khánh Hoan dịch), Câu Chuyện Dòng Sông (Hermann
Hesse, Phùng Khánh dịch), Người Đàn Bà Trong Cồn Cát (Kobo Abé, Trùng Dương dịch),
Tố Như Thi (thơ chữ Hán của Nguyễn Du, Quách Tấn dịch)… và những tác phẩm của Đại
sư Suzuki mà nổi tiếng là bộ Thiền Luận (ba tập).
An Tiêm
Sách thời đó xếp chữ chì, in typô. Thợ
xếp chữ ở các nhà in thường chỉ có trình độ văn hóa cấp 2 bây giờ, học ở trường
nửa buổi, học việc nửa buổi, nên những trang bài vỗ bản đầu tiên luôn luôn bị bỏ
dòng, nhảy chữ và chi chít lỗi chính tả (morasse), vì thế nhà in nào cũng có
“thầy cò” (corresteur). Thầy cò là một nghề được các nhà in trọng vọng. Nhờ vậy
sách của nhà xuất bản uy tín hiếm có lỗi chính tả, nếu có thì luôn luôn có bản
đính chính kèm theo lời xin lỗi tác giả và bạn đọc. Điều này không những thể hiện
tính nghiêm cẩn mà còn là đạo đức của người làm sách.
Nhà in có kiểu chữ đẹp nhất hồi đó là
Kim Lai Ấn quán, mà chủ nhân chẳng ai khác chính là cụ Lãng Nhân Phùng Tất Đắc.
Bây giờ, tuy rất quen thuộc với những kiểu chữ vi tính, nhưng khi xem lại những
quyển sách in ở nhà in này, chẳng hạn như cuốn Giai Thoại Làng Nho của chính cụ
Lãng Nhân, tôi vẫn còn mê kiểu chữ đó.
Một trong những người nổi tiếng làm
sách đẹp, sách giá trị ở Sài Gòn trước 1975 là ông Thanh Tuệ, chủ Nhà xuất bản
An Tiêm. Ông là một “con người chịu chơi” như chàng Alexis Zorba trong lãnh vực
làm sách, là người đầu tiên xuất bản tập thơ Mưa nguồn của “trung niên thi sĩ”
Bùi Giáng và Đêm nguyệt động của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn (Sao Trên Rừng).
Tôi nhớ vào khoảng 1964, khi ông
Thanh Tuệ đang trên đường đi đến nhà in chăm sóc tập thơ Đêm nguyệt động thì bị
tai nạn xe phải nằm bệnh viện. Sau đó, xuất hiện một mẩu tin trên tạp chí Văn với
cái tít thật hay: “Đêm nguyệt động… động thầy Thanh Tuệ”. Nếu ai có cơ duyên đọc
tập thơ này sẽ biết thầy Thanh Tuệ “chịu chơi” đến cỡ nào!
Sau 1975 ông Thanh Tuệ hoàn tục và lập
gia đình. Năm 1981 ông cùng gia đình sang Pháp định cư, nhưng cái máu mê làm
sách đẹp sách hay vẫn không thay đổi được. Đần năm 1990, sau khi ổn định cuộc sống
gia đình, ông làm sách trở lại. Làm sách Việt bên Tây ít người đọc, ông sang Mỹ
hợp tác với những người Việt làm sách có uy tín, in và phát hành ngay trên đất
Mỹ. Mới đây, trung tuần tháng 8, ông lại sang Mỹ để gặp các thân hữu bàn việc kỷ
niệm 40 năm ngày thành lập Nhà xuất bản An Tiêm, không ngờ bệnh siêu vi gan C
tái phát và mất ngay tại bệnh viện bang California. Vĩnh biệt một người tài hoa
mê làm sách đẹp!
Tôi đã từng mê sách của An Tiêm. Cách
đây hai năm, tôi và vài người bạn có dịp gặp lại ông Thanh Tuệ khi ông về Việt
Nam thăm người thân. Gặp nhau, ông chỉ toàn nói chuyện sách đẹp, sách hay. Với
ông, việc xuất bản một quyển sách cũng đồng nghĩa với việc tạo ra một tác phẩm
mỹ thuật.
Nói đến một quyển sách đẹp, thiết
nghĩ phải kể đến tài của người trình bày bìa. Câu thành ngữ “tốt gỗ hơn tốt nước
sơn” có lẽ không thể buột vào một quyển sách được. Trước 1975, ở Sài Gòn có những
họa sĩ trình bày bìa sách nổi tiếng như Đinh Cường, Nguyễn Trung, Hoàng Ngọc
Biên, Hồ Thành Đức… Họa sĩ Đinh Cường chuyên trình bày bìa cho các nhà xuất bản
Lá Bối và An Tiêm. Họa sĩ Hoàng Ngọc Biên là người đầu tiên ở Miền Nam được cử
đi học ngành đồ họa ở Mỹ, làm việc ở Trung tâm Học liệu, chuyên trình bày bìa sách
của cơ quan này và Nhà xuất bản Trình Bày. Mỗi họa sĩ đều có style trình bày
riêng, nhìn vào bìa sách là ta biết ngay, không lẫn được.
Hơn mười năm qua, công nghệ chế bản
và in thâm nghập vào nước ta, cụ thể là Sài Gòn – cái nôi của ngành này – ngày
càng hiện đại hơn, nên các phương tiện này đã hổ trợ cho các ấn phẩm mang tính
mỹ thuật cao. So với một quyển sách in bây giờ với một quyển sách in trước “thời
mở cửa” khác nhau khá xa. Nhiều tác phẩm, nhất là tác phẩm văn học dịch, được
tái bản trông hết sức “quyền quí cao sang”. Ngẫm ra vẫn “con người đó”, vẫn
mang tâm hồn đó, nhưng được “make up” có nghề, có lương tâm, làm tôn vẻ đẹp thì
dễ lay động trái tim của đối tượng hơn là “mặc áo vải thô, đi chân đất”.
Nhiều người quan tâm đến sách có tâm
trạng băn khoăn chỉ sợ trong thế giới nghe nhìn ngày nay, e rằng sách in một
ngày nào đó không còn chỗ đứng. Nhưng tôi không nghĩ mối lo đó sẽ thành sự thực
khi mà thế giới vẫn còn có người mê sách in đẹp và những người làm sách đẹp.
Sài Gòn, 2005
Lê Ký Thương
Nguồn: Văn Học Nghệ Thuật
No comments:
Post a Comment