Hàng triệu người đã vượt biển.
Hàng triệu người đã bỏ đi.
Miền Nam đất nước sáng chói những chân trời tự
do. Đây, Hố Nai, đây Dốc Mơ, đây Gia Kiệm. Và đây nữa, những trung tâm định cư
Tiền Giang Lục Tỉnh. Những đại hội của đời sống tự do bát ngát hiện lên trong
cái hình ảnh tin tưởng nhất của đất mới.
Câu chuvện dưới đây là câu chuyện của một Tin
tưởng.
Hàng triệu người như chị Ngự.
Hàng triệu tâm tình như chị Ngự.
Tập thể rộng lớn điển hình từ những nếp sống
rất cá nhân này.
oOo
Chiều tối hôm qua, có người bạn
chị Ngự xuống thăm đường đất đặt cửa hàng thực phẩm dưới Ô Cấp, về làm quà cho
Chị Ngự ba con cua gạch. Chị cảm ơn rối rít vì từ ngày vào Nam đến hôm nay, chị
mới có được thứ quà miền bể này.
Chị Ngự ra sau lều, hái cỏ rừng
buộc những con cua chắc mẩy thả xuống vũng cỏ, đoạn chị tắt đèn đi ngủ.
Đêm hôm ấy, chị Ngự không tài
nào nhắm mắt được. Phần thao thức vì lạ giường lạ chiếu, phần vì sự khuấy động
của một mớ kỷ niệm xa khuất vừa nổi dậy. Mấy con cua của người bạn và cái cửa
hàng thực phẩm dưới Ô Cấp làm chị Ngự động lòng nhớ đến một vùng biển hiền lành
nơi quê cũ. Quê chị Ngự ở gần Phát Diệm, chỗ con sông Hồng suôi chảy qua một
vùng đất bồi bát ngát rồi đổ thẳng vào đại dương.
Chị Ngự nằm nghiêng, đầu gối lên
cánh tay. Luyến nhớ bắt nguồn gửi về một miền đồng bể bây giờ đã nằm dưới bóng
tối bàn tay Cộng Sản. Lòng người đàn bà lắng đọng xuống. Đêm rừng hoang phất
phơ những hình bóng sông biển của một miền bỏ lại cho địch, nhưng kỷ niệm còn
đi theo người vào chuyến đi, và đã nói nhiều với chị Ngự đêm nay, dưới mái lều
tạm trú.
Đêm miền Nam rộng thoáng, những
vì sao sáng lấp lánh qua những phiến lá đẫm tối. Cửa lều nhỏ hẹp, một hướng gió
đằm lạnh qua lại. Mái lều nghiêng đi như thấp hẳn xuống. Chị Ngự cảm thấy mình
bé nhỏ lạ. Người ta vẫn thế, vẫn cứ trẻ thơ, cứ bé nhỏ, khi ở thật xa một đêm
bỗng nhớ đến quê hương xóm làng. Làng xóm cũ trong nội giới người ly hương là
những hình ảnh tuổi nhỏ. Là những bông lúa mới. Là những ngã đường cỏ non.
Những bụi tre la đà hình lá bay múa như những ngón tay thon dài. Con người lạc
về khung cảnh ấu thơ cũ, bé nhỏ và hiền hành hẳn lại. Kỷ niệm sâu nặng còn đưa
người xa hơn hình ảnh. Xa hơn thì đến tình yêu. Yêu bông lúa hạt thóc, yêu mảnh
vườn, những buổi nắng, những ngày mưa, những người hành xóm láng giềng và trên
tất cả, cuộc sống phẳng lặng chung quanh những sự kiện thân yêu dài hạn.
Tình yêu của người gửi về mảnh
đất cũ, chị Ngự trở mình, cảm thấy nó thắm thiết bừng cháy trong người chị như
một ngọn lửa . Sự trạng mới lạ này làm cho người đàn bà đơn giản thao thức rất
lâu trong đêm đồng rừng. Từ hàng ngàn cây số, cái thôn xóm bé nhỏ gần hẳn lại.
Hình ảnh mầu sắc của một miền quê bên kia vĩ tuyến tác động xuống một giấc ngủ
càng thêm sâu sắc trong tĩnh mịch.
Chị Ngự không biết đấy ! Đó
chính là sức mạnh. Đó chính là niềm tin. Đó chính là lẽ sống của người đi.
Những người như chị Ngự, gần một triệu người như chị Ngự, những đêm miền Nam
đầu tiên, cũng có những đêm như thế, không ngủ để mà đối chiếu thái độ mình với
đất cũ bỏ lại cho Cộng Sản ở bên kia.
Con người đấu tranh cho tự do
phải có những đêm không ngủ như thế. Để mà nhớ lại. Để mà định đoạt thái độ cho
ngày tới, cho hướng đi, cho mục tiêu cuộc chiến đấu khởi dựng ở bên này. Nhớ
cho một ngày trở về. Lực lượng của người tự do nằm rất nhiều trong cái lĩnh vực
không thể lay chuyển được của một niềm tin. Cả đến những tâm trạng thao thức,
luyến nhớ đau buồn ở đây cũng là một khía cạnh của niềm tin.
Đã ba hôm nay, chị Ngự cùng gia
đình dọn đến ở khu định cư này. Một khoảng đất đồi gần rừng. Chẳng có đêm nào
là chị Ngự ngủ được. Lòng đêm ở người đàn bà cũng ngập đầy nhớ thương.
Chị Ngự nhớ biển.
Câu chuyện của người bạn sắp lập
nghiệp ngoài mé biển, càng làm cho chị Ngự ngậm ngùi khi lòng chị vượt đường về
nghe một tiếng sóng đập vào bờ bãi của vùng biển cũ. Tiếng chuông giáo đường
trả lại tiếng sóng ngân của thủy triều vừa dâng lên. Đêm hôm nay, tiếng chuông
tiếng sóng đã nổi lên giữa đêm đồng rừng, trong những âm thanh sao động gần
gũi.
Chị Ngự nghiêng mãi đầu đi mà
nghe theo một tiếng vọng ảo tưởng dồn đổ vào một đêm đồng rừng. Đời chị Ngự gắn
bó với biển từ thuở nhỏ. Như con người gắn bó với tự do. Tự do và đại dương ở
nơi này là bạn của người, là sự sống là máu huyết, là tất cả. Câu chuyện của
chị Ngự là câu chuyện của người đi theo đường biển để ra ngoài xa khơi của vùng
tự do biếc xanh. Nó đơn giản như thế. Nhưng nó cũng vĩ đại đến thế là cùng.
Trái đất này là của con người chính là vì trên cái địa đồ bát ngát của cuộc
sống vẫn còn có những hướng đi về đại dương như thế. vẫn có những con người như
thế. Và vẫn có những hướng đi như thế.
Đêm khuya dần. Đã lâu lắm mới
lại có một đêm mà bóng tối và yên lặng không làm chị Ngự kinh hoảng. Chị thở
dài nhẹ :
Không biết đêm nay ở ngoài ấy ra
sao ?
Ý chị Ngự muốn hỏi thầm một mình
đến làng cũ. Cái mé biển xa khuất một vùng đồng bể Bắc Việt. Chị đoán thấy biển
tối mênh mông ngập chìm bãi cát câm nín. Tiếng sóng ầm ầm ỳ ỳ. Làng xóm không
lửa. Những chiếc bè mảng vợt vờ đong đưa. Những tấm lưới chài phơi trên những
mải tranh khô sác. Gió thổi mịt mùng trong bóng tối bao la.
Nhớ về đất cũ, sao những đêm dĩ
vãng lại tối tăm đến thế ! Cũng tối tăm như đêm chị lên đường. Phải rồi, đúng
như đêm vợ chồng chị bế con bồng khăn gói, cùng một số hàng xóm láng giềng vượt
bể ra khơi. Thế kỷ làm cho một đêm ra khơi đánh cá của những người miền bể Bắc
Việt thành một đêm đi tìm tự do trên mặt sóng biếc. Nhớ lại, chị Ngự còn thấy
hồi hộp choáng váng. Đêm thoát vây Cộng Sản đã đánh một cái dấu kinh khủng đẫm
nét vào ký ức người bỏ đi.
Chị Ngự nhớ y nguyên những phút
giây đằng đẵng chị ngồi ôm con trên bãi cát. Thủy triều lên từ từ. Đứa trẻ ngủ
thiếp trong tay người mẹ. Anh Ngự đã dặn chị phải ngồi thật yên một chỗ đừng
nói năng ồn ào. Đoạn anh bỏ đi với mấy người bạn hàng xóm. Họ đi kéo mảng ra
bãi. Mấy chục con người vượt biển, lúc đợi chờ trên bãi cát phút được rời bỏ
đất liền, cúi đầu nín thở trong đêm tối. Tự do của cả một đời người nằm trong
giây phút yên lặng đợi chờ. Chị Ngự ôm chặt con vào lòng, nghe tiếng sóng đập
vào bãi tối. Đêm hôm đó, chị nhìn lên rừng sao trên đầu và chị đã cầu nguyện
thầm.
Phía sau lưng, trong cái thôn
xóm yên lặng, đã có những ánh đuốc lửa của Cộng Sản chập chờn trên những đầu
ngõ. Bọn chúng ngăn giữ người vượt biên. Từ ngày ký hiệp định, đêm nào chúng
cũng đốt lửa rồi kéo nhau ra bãi đón bắt người như thế ! Một số người đi không
thoát bị chúng bắt được rồi mang đi biệt tích. Trong số, có em ruột anh Ngự.
Nhưng rồi những chiếc mảng cũng
được kéo ra bãi. Chị Ngự ẵm con lên ngồi thu mình một góc mảng. Vừa lo hoảng,
vừa ướt sũng nước biển dâng lên, chị Ngự run rẩy cả người. Tiếng sóng chao chao
bồng bềnh. Bọn anh Ngự rời đất liền.
Đi khỏi bờ được một quãng thì
bãi cát đã rực lên những ánh đuốc và tiếng hò hét của bọn Cộng Sản.
Anh Ngự hét bảo bạn hữu chèo
thật mau tay.
Cả bọn cúi rạp xuống những mái
chèo.
Chị Ngự ôm chặt lấy con. Chiếc
mảng tự do băng đi. Thoát rồi. Bốn phía chỉ có là biển tối mênh mông, lẫn lộn
sao biển với sao trời. Bình minh hôm sau, cả bọn được một chiếc tầu nhà binh
kéo lên. Cã bọn đã mệt lả.
Bốn hôm sau, gia đình chị Ngự đã
ở Miền Nam.
Nhưng mà ở cái thôn xóm chài
lưới ngoài kia, máu huyết của một số người xấu số ngã gục trên đường tự do đã
thấm xuống đất cát. Một vài người. Dăm bảy người. Hàng trăm hàng ngàn người.
Trong chuyến đi vượt ngục Cộng Sản, họ đã nằm xuống trên đất quê hương. Cái
chết anh dũng này cũng là một khía cạnh của tự do. Sau người nằm xuống, lại có
những nguời khác đi tới.
Nằm mãi không ngủ được, Chị Ngự
trở dậy. Chiếc giường ken tre tươi gỗ rừng rung lên trong tối. Một mùi đất ẩm
ngai ngái bốc lên. Đi ra khỏi lều, đêm rừng lạnh hẳn đi như một đêm tháng mười
ngoài Bắc. Trước mặt chị Ngự chạy dài những dẫy lều vải.Trời sao lưa thưa trên
đầu. Một mùi tro than tàn lụi vương vất dấy lên bãi đất vừa dẫy cỏ. Rừng vây
chung quanh. Rừng. Chị Ngự vấn lại tóc, vịn tay vào cửa lều mà nhìn vào rừng
đêm. Sự sống rì rào gửi tới chị Ngự những âm thanh của hoa cỏ không ngủ. Từ
những tiếng sóng hoàng hôn của vũng biển cũ đến tiếng cỏ lá sao động trong đêm
rừng, vẫn chỉ là một hình thái của thiên nhiên bên cạnh những tâm tình rộng lớn
của người tự do. Bên kia vĩ tuyến, đất Cộng Sản không có tiếng động. Biển Cộng
Sản không có tiếng sóng. Rừng Cộng Sản không có tiếng lá. Đời sống Cộng Sản
không có tiếng người. Chỉ có những hình người. Không có những con người. Đất
bên ấy ngập ngụa những đồng chí, những cán bộ, những anh hùng. Nhưng con người
thì không có nữa.
Chị Ngự thong thả đi về phía dẫy
lều. Chị nhìn vào : Bóng tối nhờ nhờ. Hình dáng những người nằm ngủ ngang dọc
hỗn độn. Chị Ngự quen biết tất cả. Toàn là những người cùng một thôn xóm vượt
bể đến đây trước hoặc sau chị Ngự độ dăm ba ngày. Một thời gian ngắn, rồi một
thôn xóm tự do sẽ được lập ở đây. Xóm tự do dựng lên trên rừng cỏ hoang rồi
cũng sẽ có chợ búa, có trường học, có nhà thờ. Cũng sẽ có những con đường cỏ
non, những vệ khói cơm lên xanh rừng hoàng hôn. Rồi sẽ có tất cả : có con
người, có sự sống, có tình yêu.
Lòng chị Ngự thấy ấm lại. Tâm
trạng của người thoát lưới Cộng Sản, lúc mưu toan bắt tay làm lại từ đầu,
thường vẫn đi từ những lẻ loi trống vắng đến cái tin tưởng ngày lại ngày, thêm
sâu nặng đằm thắm gửi đến cái tập thể có chung cảnh ngộ với mình.
Đứng một lúc nữa, chị Ngự thong
thả trở về lều. Nằm xuống chỗ cũ, trong bóng tối, chị Ngự chạm phải đứa con nằm
bên cạnh. Thang bé ngủ say, nhịp thở đều hòa. Chị vòng tay ôm chặt lấy con. Lát
sau ngươi mẹ cũng ngủ theo.
oOo
Buổi sáng hôm sau, chị Ngự đem
ba con cua gạch xuống suối rửa. Lúc trở về lửa bếp đã cháy đỏ một góc lều. Mấy
người bạn chị ùa sang làm bữa giúp chị. Một thoáng, họ đã dọn dẹp giường chiếu,
tay nải lại một góc, lấy chỗ cho bốn năm người ngồi. Bóng lửa bóng khói thấp
thoáng. Họ ngồi vây lấy nhau. Cả một cái lều rộng tiu tít tiếng cười tiếng nói.
Chỉ có đàn bà trẻ con, đàn ông đã ra khỏi lều từ sáng sớm.
Anh Ngự đi vắng từ chiều hôm
qua. Anh lên thăm đường đất trên vùng cao nguyên, tính chuyện làm ăn cho gia
đình anh và dăm bảy gia đình bạn hữu khác nữa.
Từ ngày bí mật quyết định rời bỏ
khu vực Cộng Sản, đến cuộc sửa soạn vượt biển,cho tới khi kéo nhau lên miền
định cư này, mấy chục gia đình đều đồng lòng bầu anh Ngự lên làm trưởng đoàn.
Anh Ngự vẫn được tiếng là tháo vát, lại có sức, có chữ nghĩa, công việc sốc vác
không hề biết mỏi mệt. Cuộc vượt biển thành tựu một phần lớn do sự tổ chức chu
đáo của anh Ngự. Anh được tin cậy, giao phó hết thảy. Vào đến đồng đất nước
người, việc lớn việc nhỏ, làng xóm lại nhờ vả vào anh.Thành ra anh cứ phải đi
luôn. Đôi khi về khu định cư thăm vợ thăm con một vài bữa rồi anh lại đi.
Chuyến này anh lên mãi trên cao nguyên. Nghe đồn trên ấy có những xưởng cưa,
những đồn điền mới mở, người ta cần nhiều nhân công lắm. Anh Ngự lên tận nơi
thăm hỏi đích xác. Có gì anh sẽ đưa tất cả đoàn thể lên trên ấy làm ăn.
Được cái anh Ngự có đi vắng, ở
nhà đã có bà con săn sóc đến mẹ con chị Ngự. Cuộc sống của lớp người vượt biển
vậy là đã đặt định được những nền tảng đầu tiên. Những nền tảng này bắt nguồn
từ một niềm tin, từ những tình thương yêu. Niềm tin và tình yêu thương này
chính là những tính chất căn bản của đời sống mới dựng. Chính là những bản sác
vĩnh viển của những con người những cuộc sống ở bên này vĩ tuyến. Bên kia, là
ngở vực là căm thù.
Một người, bạn chị Ngự ngừng tay
nhặt rau, ngẩng lên hỏi :
-Này chị Ngự, bao giờ anh ấy về
đấy ?
-Nhà tôi hẹn đến chiều nay,
nhưng đường đất xa lạ chẳng biết thế nào được.
-Thôi thì hôm nào anh ấy về thi
về, miễn là được việc cho bọn mình. Đi đâu có nhau cả, bửa no bữa đói cũng
không ngại.
Chị Ngự nghĩ đến chồng. Chồng
chị lên rừng. Những người khác, người xuống thủ đô, người xuống biển. Lên rừng,
xuống bể, những con người đi xây dựng cuộc sống cho tập thể đang ngày đêm
chuyển dịch tự do trên những ngả đường đất nước tự do. Cuộc sống chứa đựng,
phong phú, bao la. Cuộc sống thật là cuộc sống của người. Nó không phản bội cải
ý nghĩa cao đẹp của danh từ. Nó không toàn bích, không kết thành những giáo
điều mà còn nguyên vẹn chất tươi xanh của máu huyết của hoa cỏ đang vươn lên.
Ngày tháng tự do chói lóa ánh sáng một niềm tin và con người thì phát huy bằng
hết được cái bản sắc cá nhân cùng là nhưng năng lực sáng tạo của mình, chỗ suy
yếu của thế giới tự do là ở đó, nhưng sức mạnh cũng là ở đó.
Những chiếc chả nem đã vớt khỏi
lòng chảo, vàng một mầu vàng mở màng óng ánh. Trông ngon lạ. Những lá rau sếp
thành đống. Chị Ngự lau mồ hôi trán, vấn lại tóc, cao giọng mời mọi người. Da
chị hồng hào ảnh lửa. Mấy tấm gỗ thùng được ghép lại làm những chiếc mâm cho
bữa ăn đoàn kết. Năm bảy người xúm sít. Trẻ con cũng ngồi len vào. Vui lạ.
Người ta mời nhau ồn lên.
Chị Ngự buông đủa nhìn mọi người
ăn ngon Iành. Những miếng chả nem đỏ tươi gạch cua bể, vẫn còn làm chị Ngự nhớ
thật nhiều đến một góc biển cũ. Từ một hạt muối kết tinh trong nắng đến những
buổi chiều muộn, xóm trên xóm dưới kéo nhau ra bãi đón đoàn bè mảng ghé bến.
Năm được mùa, những thùng cá đầy ắp lấp lánh vẩy bạc, những con cua bể chắc mẩy
đổ đầy ngoài bãi. Buổi tối, lân tinh sáng ngời trên những lối đi.Tiếng trẻ cười
nói, âm thanh hòa vào tiếng bể động. Những hình ảnh. Những hình ảnh. Những kỷ
niệm. Làng xóm bị chiếm đóng đến với chị Ngự qua một cái gì thật buồn thảm của
xa khuất, lại qua một cái gì thật vui ấm gây nên bởi niềm tin. Trong đêm tương
lai mênh mông vẫn lấp lánh sáng lên những, vì sao của ngày trở về.
Trở về cũng đông đảo như ngày bỏ
đi. Hàng triệu người bỏ đi. Hàng triệu người trở về. Hai lần đi qua vĩ tuyến,
họ sẽ kết thúc vinh quang cho cuộc phấn đấu anh dũng và cho một chuyến đi vĩ
đại nhất của thế kỷ này.
Tâm tình chị Ngự ngừng lại ở đây,
Tâm tình của người đi nhớ về một vũng biển cũ.
Vậy mà còn hàng nghìn hàng vạn tâm tình như thế nữa. Chúng ta đang sống tự do
và đang tưởng nhớ lại nhiều điều ở những vĩ tuyến bên kia. Những biển lúa chói
lòa. Những buổi đầu mùa hương đồng thơm ngát. Những làng xóm. Những phố phường.
Bên kia. Bên kia của chúng ta. Gần một triệu con người ra đi, những phút dồn đổ
bằng hết năng lực vào cái đương mùa Kiến Thiết Xây Dựng ở bên này, chỉ cần một
bông lúa để nhớ về làng xóm cũ, một ánh lửa để nhớ lại những phố phường, một
mầu xanh trời để nhớ những đại dương. Chỉ cần có những sự kiện bé nhỏ ấy để nhớ
đến một ngày trở lại. Vi chúng ta đã thề nguyền rằng chúng ta sẽ trở lụi. Hẹn
với những vĩ tuyến miền ngoài, người bỏ đi sẽ trở về. Trở về trên những lối đại
dương của người tự do. Chị Ngự ở câu chuyện trên đây cũng sẽ trở về vùng biển
cũ của chị trên những lối đi này.
Những chị Ngự khác nữa.
Những người tự do khác nữa.
Những Chị Ngự và những con người của thế giới
tự do.
Mai Thảo
Trích ” Đêm Giã Từ Hà Nội”
Từ trang DĐQGHCUC
No comments:
Post a Comment