Thursday, July 4, 2024

Trự Thứ Mười - Bình Nguyên Lộc

TRỰ THỨ MƯỜI




 

Ông Xếp vừa móc máy nói lại xong liền ra lịnh cho xe bịt bùng chở một người khán hộ và hai người “cu-li” lại kho bạc.

Anh Sáu phập phồng bước lên xe. Được thâu nạp vào sở Vệ sinh địa phương hai ngày rồi, anh chưa làm gì hết, và không được biết phận sự anh có những gì.

Anh ngây ngô hỏi anh Tư Phèn:

-Mình đi đâu chớ?

-Thì thầy Ba nói ông Xếp biểu xuống Kho bạc.

Anh Sáu nhìn thầy Ba khán hộ, nhìn anh Tư Phèn, bụng băn khoăn không hiểu rõ Kho bạc là sở nào và xuống đó làm gì.

Xe quẹo xuống đường Kinh lấp, chạy một phút thì tới cửa một tòa nhà đồ sộ.

Anh Sáu đoán đó là Kho bạc. Thầy khán hộ chạy vào nhà đó một lát rồi chạy ra biểu xe lui lại đường Vannier:

-Trong Kho bạc nói nó nằm phía trong hàng bông bụp ờ Vannier.

Xe từ từ quẹo thụt đít qua bên mặt rồi ngừng lại sát lề vắng.

Đó là một con đường kỳ dị, một bên thì buôn bán ồn ào, một bên thì vắng teo như ở ngoại ô.

Một hàng bông bụp cao và xanh um, điểm những hoa đỏ tươi ôm sát một hàng rào sắt thấp, phân biệt miếng đất Kho bạc với cái vỉa hè vắng lót gạch xi măng ấy.

Thầy khán hộ nhảy xuống xe. Anh Sáu bắt chước Tư Phèn nhảy theo xuống.

Nền Kho bạc cao lắm. Anh Sáu thấy vài thầy ký đứng dựa cửa sổ nhìn ra, tưởng họ đứng trên lầu.

Họ chỉ xuống đất, ngay dưới cửa sổ:

-Đây, va nằm đây.

Cả ba đều nhìn theo ngón tay của mấy thầy đứng trên kia.

Qua những gốc cây bông bụp cằn cỗi, họ thấy một người đờn ông nằm yên như ngủ, trên hè hẹp, giữa hàng rào và vách Kho bạc.

Bước sấn tới nhìn kỹ, thì đó là một ông già, héo lép như con khô hố. Người nầy không có vẻ gì chết cả. Có lẽ ông ta cứ khô lần đến phút cuối cùng. Ông có vẻ bình tĩmh đến anh Sáu tưởng thoáng thấy ngực ông còn phồng lên, xẹp xuống.

-Đi vô khiêng !

Lời thầy khán hộ như tát nước lạnh vào lưng anh Sáu. À, ra công việc của anh là khiêng thây ma.

Hồi ớ nhà quê anh cũng thường giúp đỡ chòm xóm trong việc tẩn liệm. Nhưng thây ma chết đường, chết chợ sao thấy ghê hơn, và nghĩ mình từ đây cứ khiêng thây ma như vầy hoài, anh Sáu nghe ớn nơi xương sống. Sau vài giây do dự, anh vạch rào chun vô với anh Tư Phèn.

Thây ma nhẹ hếu mà lòng anh Sáu nặng những ý nghĩ lạ. Anh thấy rằng ở đời, mình làm cái gì là do sự tình cờ. Như mấy bữa trước đây anh còn lấy làm lạ sao có người đồng nghiệp của anh lại lựa chi cái sở thùng mà làm. Bây giờ anh chợt thấy rằng không chắc gì mấy người ấy họ lựa như vậy. Như anh đây, nào có biết mô tê gì đâu lúc xin vào làm !

Nhưng còn một điều nầy lạ lắm mà anh hiểu không ra, là tại sao những người như anh cứ bị tình cờ đưa vào những chỗ như vậy. Không xe rác, thì cũng sở Thùng, không sở Thùng thì khiêng thây ma như anh đây.

oOo

Từ đó về sau, anh Sáu không phải chỉ khiêng thây ma như anh tưởng. Thây ma thỉnh thoảng mới có, thường thì anh đi tưới dầu hôi dưới lỗ cống, đi bắt chuột v.v. cùng với một đội phu địa phương.

Có một năm trời nóng lắm, thây ma gần như ngày nào cũng có, bắt anh Sáu suy nghĩ nhiều hơn. Anh tưởng tượng đến một ngày kia, anh hết làm việc được nữa, con cháu lại không, thì anh cũng chết đường như vầy.

Nhưng khiêng thây ma thét rồi anh ngấy lên, không còn nghĩ gì nữa, y như là khiêng khúc cây, cái thùng. Anh lại còn đùa được khi làm công việc ấy.

Thây ma thì bất cứ ớ góc đường, xó hẻm nào cũng có thể có, nhưng hình như năm nào ở cái hàng rào bông bụp Kho bạc cũng có một người, mà chắc chắn là người già.

Mỗi năm, khiêng một lão ở đó, anh Sáu đếm: “Đây là trự thứ năm”. Rồi năm sau: “Đây là trự thứ sáu”.

Anh tìm mãi mới hiểu rằng người già, giành chỗ tốt ở các mái hiên, góc ngõ hẻm không được, phải đành chọn cái hè gió đó. Vả lại chỗ đó kín đáo, già cả bịnh hoạn, ban ngày có thể nằm được. Lính đâu có để ý mà đuổi đi.

oOo

Năm đó anh Sáu khiêng cái thây ma thứ chín, chỗ hàng rào bông bụp, thì đùng một cái, cuộc khởi nghĩa nổi lên.

Tản cư, bị thương què chơn và hồi cư, đó là ba đoạn phim chớp mau quá, anh chán mà cứ phải xem. Là cái cảnh anh Sáu một giò đi xin ở Sài Gòn.

Như một con vật theo bản năng, về sào huyệt cũ, anh mò lại hàng rào bông bụp và sung sướng thấy nơi đó chưa ai giành.

Anh Sáu định cư nơi đó, mỉm cười nói trong bụng rằng mình sẽ là “trự thứ mười” đây. Anh tự hỏi không biết Tư Phèn có trở vô làm hay không và nếu có, anh ta sẽ nghĩ thế nào khi thấy mình nằm chết nơi đó. Va sẽ thương chăng ? Va sẽ lo cho số phận va chăng ? Va sẽ đếm mình là trự thứ mười chăng ?

 

Nhưng anh Sáu chưa già, và ngoài cái chơn cụt, sức khỏe anh vẫn như thường.

Như thế thì anh khó lòng làm trự thứ mười lắm. Và sự thoát ly êm ái trên “băn-ca” của chiếc xe bịt bùng, khó lòng mong được.

“Con người ta sao khó chết thế, anh nghĩ. Như cái thằng cha ở bên hè đường Phú Kiết, thật là cựa không nổi. Vậy mà nó vẫn sống nhăn, để mà khổ vì nó không có được một cái chơn cụt như anh đặng gợi lòng thương của người qua đường.

Chết không được thì phải tổ chức mà sống vậy.

oOo

Anh Sáu bắt đầu lượm lá khô, quét đất nhét trong kẹt gạch xi-măng và giấu của cải dưới cái sàn nhà vòm bằng gỗ để lính canh gác ban đêm. Giang san anh tất cả có một cái mà xưa kia người ta gọi là mền, một bộ đồ bà ba chưa nát lắm và chén, đũa để ăn cơm.

Làm công việc dọn nhà ngoài trời, anh Sáu nhớ lại cái thú có của riêng hồi còn nhỏ, thuở anh còn chơi cất nhà ngoài ranh, ở quê.

Anh xem cái bờ hè hẹp ấy là nhà riêng anh, mặc dầu những chiều mưa dầm, co ro dưới bệ cửa sổ Kho bạc, qua hàng cây bông bụp, anh thường nhìn cảnh đèn sáng múa men trên các thứ lụa màu, các thứ nữ trang trong tủ kiếng phía bên kia đường.

Phía bên kia đường là sáng, là ấm, là no, tất cả thứ ấy cứ mỗi ngày quay cuồng đi qua, không biết có một bên này đang rình mình, một bên này đói rách, cho dẫu bên này là một Kho bạc.

oOo

Trưa hôm đó, một người đờn bà, con tay ẵm, tay dắt, bước qua hàng rào sắt một cách tự nhiên, như người ta đi chợ về, xâm lăng nhà anh Sáu mà không có lấy một lời.

Chị ta xách thằng nhỏ biết đi lên khỏi hàng rào rồi liệng nó xuống cùng với gói đồ. Thằng bé chắc đã quen bị liệng rồi nên không khóc một tiếng và nó đi hái bông liền, y như là ở một nơi quen thuộc lắm.

Mặc dầu bất bình, anh Sáu cũng nghe vui vui, vì lâu lắm rồi, anh chưa được nói chuyện với ai.

-Thím đi đâu đó vậy ?

Không ngó anh Sáu, chị đờn bà ngồi xề xuống, vén áo cho con bú:

-Không đi đâu hết. Chị ta vừa đáp vừa đẩy gói đồ bọc bằng chăn tắm vào sát vách tường.

– Chớ chị lợi đây có chuyện gì ?

-Anh nầy hỏi lạ. Thì tôi lại đây ở, như anh vậy chớ gì.

-Ở đây ?

-Chớ ở đâu ?

Anh Sáu muốn nói điều gì nhưng không dám nói. Anh nhìn lại người đàn bà. Chị nầy vuốt mớ tóc con trên trán với một bàn tay không xấu như tay của những người đờn bà anh quen biết hồi trước. Có phần không kém những bàn tay đã bỏ tiền vào nón anh.

-Thím ở chung một nhà với tôi cho vui. Anh Sáu rất bằng lòng đã tìm ra được cách nói khéo cho chị kia biết đây là nhà của anh.

Chị đờn bà bấy giờ day lại nhìn anh Sáu rồi cười ngất:

-Anh nói nhà đây là nhà riêng của anh. Anh ở đâu lại đây? Tôi nói cho anh biết, trước kia tôi ở đây ba năm.

Anh Sáu không dám cãi lại. Nhưng anh nghe là người đàn bà này nói bậy và bướng lắm.

-Thím làm gì ?

– Trước kia cha sắp nhỏ vá xe máy ở đầu đường nầy. Giờ va chết rồi.

-Ai nuôi thím ?

– Tôi nuôi tôi.

-Mấy tháng nay thím ở đâu ?

-Ở đằng kia.

Anh Sáu thở ra một giọng nhẫn nại. Anh không hỏi gì thêm cái người kỳ cục nầy.

Sự ở chung chạ làm anh Sáu khó chịu vô cùng. Không phải vì nhà chật. Cũng không phải người đờn bà làm quyền. Mà vì hai đứa nhỏ nó khóc, la và xả rác. Cái đó là tối ky. Anh Cu-ly trong Kho bạc đã căn dặn là phải im và sạch, không khéo bị đuổi ngay.

Chị đờn bà lại hay có khách. Không biết đờn bà ở đâu mà tới ngày một, nói chuyện bô bô lên.

Có một lần họ bắt chí nối cho nhau, bắt rồi đưa lên miệng cắn. Một người Tây trong Kho bạc nhìn thấy cảnh tượng ấy, rủ Tây khác đến cửa sổ dòm xuống rất đông làm anh Sáu phải một phen hết hồn.

Nhưng anh không hề dám phản kháng vì người đờn bà nầy ghê gớm lắm. Chị ta đọc nhựt trình chạy vanh vách, và chị ta đã có lần khinh anh làm nghề đi xin.

-Anh coi tôi đây, phận đờn bà, có hai con, mà còn làm được để nuôi thân, còn anh là đờn ông- cho dẫu là một chơn- lại ngửa tay hứng của bố thí.

Mà chị ta giỏi thật. Chị bán bài ca sao mà chạy dữ vậy. Ai muốn nghe bài ca gì, chị cũng ca được. Chị biết cả những bài ca chị không có bán. Thiên hạ bu nghe, rồi thế nào cũng có người mua.

Không, bản lĩnh anh Sáu kém chị ta nhiều. Anh không làm gì được chị ta hết.

Một hôm anh thỏ thẻ nói, y như một anh sợ vợ, xin tiền:

-Thím à, tôi lo quá. Mấy đứa nhỏ nó khóc la, tôi sợ bị đuổi quá. Hay là thím đi chỗ khác.

Chị Hai Len, đó là tên chị nầy, lại ngó anh mà cười ngất:

-Đến nước nầy mà anh còn giành chỗ nữa à. Đây có riêng gì của ai đâu. Anh sợ bị đuổi ? Đuổi thì đi chỗ khác. Mà ai đuổi mình được chớ. Đuổi thì mình không đi.

-Không đi được sao ?

-Sao lại không.

-Rồi có sao không ?

-Thì họ khiêng mình đi chớ có gì đâu. Ở đây, hồi trước, lâu lâu họ có khiêng đi một người.

-Khiêng đi đâu ?

-Khiêng vô nhà xác để khám nghiệm.

-À, khiêng người chết. Anh Sáu cười xòa. “Cái nầy mình còn sống mà”.

– Thì chết là bỏ đi rồi mà họ còn khiêng, thì mình sống nhăn, còn xài được sao họ lại không khiêng chớ. Với lại, anh đừng sợ cái mình chưa biết lắm. Thấy một cái hang tối – tôi nói theo tích một tuồng hát – thì mình hay sợ, không biết vô đó rồi có sao không. Nhưng biết đâu mình sẽ gặp kho vàng nếu mình cứ vô bừa. Còn không thì bất quá là mình gặp dơi là cùng chớ có gì đâu. Ma à ? Ma có dọa nạt thôi chớ có làm gì mình nổi đâu mà sợ.

Bướng, chị nầy thì bướng lắm. Nhưng sao anh Sáu nghe thích cái bướng ấy. Anh dạn ra, và thấy sự liều mạng ngồ ngộ.

“À, chết mình còn không sợ lại sợ bị khiêng. Làm “trự thứ mười” thây ma, hay “trự thứ nhứt” thằng người cũng đến thế thôi. Vậy nhứt định làm một “trự” ở đây, không sợ gì nữa”.

Từ bữa đó, anh Sáu thấy chị Hai Len dễ thương. Anh nghe vững dạ về mọi việc và như là chị Hai Len giải quyết dễ dàng cả trăm, cả vạn thứ bằng cách nói đùa và nói bướng.

Anh thỏ thẻ lai lịch mình cho chị Hai nghe. Chị Hai không phục nhưng cảm động, nhứt là về ba đoạn phim chớp mau trên kia, thì chị Hai chú ý lắm.

Vuốt tóc con Cầm đang bú, anh Sáu ngập ngừng nói nựng:

“Nữa con tôi bảnh lắm, y như là má nó bây giờ”.

-É, cái anh quỉ nầy ! Anh muốn làm cha nó thì phải thề đi.

-Thề làm sao ?

-Tôi nói sao anh nói lại vậy.

-Được, tôi chịu…

-Thề như vầy…

-Thề như vầy…

-Không đó là lời tôi dặn. Nói theo khúc sau thôi. Thề như vầy: “Tôi. thề không đi xin nữa. Không mong làm “trự thứ mười” chết nữa. Phải rán sao cho khỏi bị người ta đếm như đếm đầu cá”.

-Tôi thề không đi…

Bên kia đường, giàu sang thờ ơ đi qua.

Bình Nguyên Lộc

Nguồn: Ebook – Truyện Ngắn

 

  

No comments: