Tuesday, July 23, 2024

Vạn Giã Mưa Núi - Trần Công Khanh

 

VẠN GIÃ MƯA NÚI

 

Mùa bắp đầu đời, đầu tiên, đầu tay mà tôi vừa học vừa tập trồng là mùa bắp năm 1976. Nỗi nhớ đọng lại, gắn liền với đoạn ca mà thằng em ruột, đã cỡi hạc, lảm nhảm suốt con đường leo núi hái củi: “Lội bùn nhơ băng lau lách xuyên đêm. Sương trắng rơi vai tôi ướt lạnh mềm. Chim muông buồn rủ nhau bay về đâu. Ngẩn ngơ lũ vượn gọi nhau…

Trần Công Khanh

 


Nó ca bản Sương trắng miền quê ngoại này suốt lúc băng rừng vượt suối đi hái củi khi rẫy nhàn – mới trỉa bắp. Mùa bắp ấy khởi đầu từ cơn mưa tháng bảy âm lịch. Đất ướt, đủ để trỉa bắp và nuôi bắp con. Mùa hè năm trước – năm 1975, tôi vừa hoàn thành năm thứ nhất Đại học Cộng đồng (college) Duyên Hải, ban Sư phạm, ngành Pháp văn. Cuối hè 1975, trở lại trường không thấy tên mình đâu. Biết là số phận của thằng con một sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hoà.

*

*     *

Ngẫm lại đời mình, số mạng không cho học cái gì tới nơi tới bến. Học trường dòng thì ngày 19.3.1973 bị đuổi khỏi trường vì tội làm báo học trò và in nhạc phản chiến chui. Học đại học mới năm thứ nhất, sau 1975, bị đuổi. Rồi học đại học lại lần hai, hết năm thứ tư tới 1997 bị cấm thi. Hồi đó, tôi đóng tiền đi học chớ không theo ân sủng từ hệ công lập nhà nước ban xuống; nhưng cấm thi mà không có lấy một cái thông báo chánh thức gởi cho đương sự. Đó là tà trị chớ chánh trị gì!

Từ đấy tôi “bị” ở lại quê nhà Vạn Giã. Nói Vạn Giã là nói ăn theo thuở ở theo thì một cách nào đó. Chứ ngay tại nhà tôi, xứ quê nội mới của tôi chỉ là xứ Giã. Xác định địa danh như thế vì nhà tôi nằm xế đối diện với sân “Ga Giã” trên hệ thống thiết lộ xuyên Việt. Thiết lộ là từ hành chánh dùng trước năm 1975, sau đó đổi thành đường sắt, lấy lẽ là làm “trong sáng tiếng Việt”. Kiểu trong sáng này rơi vào trường hợp tỉnh lộ đổi thành đường tỉnh, nhưng sang đến quốc lộ không dịch thành “đường nước” – đớ lưỡi vẫn giữ là “quốc lộ” thành ra nguyên tắc thống nhất trong ngôn ngữ bị hiếp dâm.

Ga Giã được xây dựng đâu khoảng vài năm trước ngày vua Bảo Đại và Toàn quyền René Robin dự lễ hợp long đường sắt tại Hảo Sơn ngày 2.9.1936. Trước đó một, hai năm gì đó hỏa xa được cho chạy thử từ Nha Trang ra Đại Lãnh rồi quay đầu lại. Trang web của Ga Giã viết rằng: “Ga Giã được xây dựng vào năm 1903, cùng thời điểm với tuyến đường sắt Bắc Nam. Ga có quy mô vừa phải, với diện tích khoảng một hectare gồm nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa”.

Về sau, cái xứ huyện lỵ của huyện Vạn Ninh nằm gọn ở xã Tân Mỹ rộng lên tới thiết lộ giáp ranh xã Vạn Phú, lại đèo thêm chữ “Vạn” vào tên. Ông Quách Tấn giải thích, sở dĩ đặt tên Vạn Giã là do cái xứ nằm kẹp giữa cửa Vạn và cửa Giã. Cửa Vạn, Pháp gọi là Port Royal ở tại Đầm Môn, dưới chân bán đảo Bàn Sơn. Trước cửa có một hòn đảo lớn, tục gọi là Hòn Lớn, tên chữ là Ðại Dự, đứng che. Cho nên cửa rất kín đáo. Đây chính là nơi tàu bè núp bão tố. Vào ra cửa có hai lạch ở giữa Hòn Lớn và hai nhánh núi của bán đảo Bàn Sơn. Lạch phía Ðông gọi là Lạch Cửa Bé, lạch phía Tây gọi là Lạch Cửa Lớn hay Lạch Cổ Cò. Cửa Giã nằm tại Vạn Giã. Nước sông Hậu chảy ra cửa này. Cửa Giã là nơi ghe thuyền buôn bán ra vào. Cá tôm ở các vũng phần nhiều cũng dồn về Cửa để phân phối đi các nơi nên dân cư đông đúc. Tên Vạn Giã là do tên hai cửa biển ghép lại.

Ông bạn chuyên nghiên cứu về sử học cho rằng Quách Tấn nói tào lao. Vạn Giã không phải từ nguyên của thị trấn Vạn Giã. Vạn tiếng Việt còn có nghĩa là một xóm làm nghề sông biển nào đó. Đã từng có những từ “vạn chài”, “vạn đò”… Huyện lỵ của Vạn Ninh từng có trụ sở huyện nằm ở ngay lối vào thôn Quảng Hội, xã Vạn Thắng. Cây cầu sát ủy ban từ đó mới có tên cầu Huyện còn tồn tại đến nay. Cùng với thôn Phú Hội, hai nơi này là hai xóm chuyên làm nghề lưới dã cào. Có thuyết nói rằng huyện lỵ Vạn Ninh từ đó thành tên Vạn Giã. Tên này có sau tên Giã – địa danh mà Pháp dùng đặt tên nhà ga ở đây, khá lâu.

Trước mùa mưa năm 1975, tôi được một người bạn cà phê, lính Việt Nam Cộng Hoà, dạy cho học cưa cây. Bấy giờ cách cưa cây của người miền Nam khá là phức tạp. Cưa xẻ. Khúc súc hay pi gỗ được đặt lên ngựa/giàn sao cho một đầu nằm dưới đất, một đầu nhổng lên trời. Một thợ đứng trên cao, một thợ đứng dưới đất. Cưa quá nửa khúc súc/pi, phải bấy cho đầu cây còn lại nhổng lên trời. Cách cưa cây của miền Bắc tiện hơn. Họ chuyển lực trên xuống thành lực ngang. Không phải làm giàn. Hai thợ ngồi hai bên khúc súc, trên mặt đất, chếch nhau, cưa cho đến khi bứt khúc súc/pi cây. Gọi là cưa líu.

Là kẻ đi học cưa, kẻ chịu ơn, vì ông thầy Hải cưa chia đều tiền công, tôi luôn luôn bị bắt đứng trên. Đứng trên mệt hơn ngồi ở dưới nhiều, do phải làm công việc ngược với trọng lực trái đất – kéo lưỡi cưa lên. Kẻ dưới đất chỉ việc trì lưỡi cưa xuống… Nó luôn miệng nói: “Ông học việc, phải đứng trên mới mau thạo việc”. Sức thư sinh, kéo hết một đường cưa, thở hồng hộc như heo. Đành phải chửi thề trong bụng. Giờ thầy Hải, cựu lính quèn thủy quân lục chiến đã chết mất xác giữa muôn trùng biển khơi. Xin lỗi người đã khuất.

Khi đã rành cưa “sáu câu” rồi, tôi được rủ lên núi Hòn Chảo cưa huỳnh đàn. Ban đầu, huỳnh đàn không được đánh giá ngang gỗ hương nhưng về sau quý hơn gỗ hương nhiều. Loại gỗ này dân thợ rừng sau 1975 nói với tôi chỉ có Hòn Chảo có thôi. Hòn Chảo là ngọn núi cao có khi mây phủ nằm phía sau nhà tôi. Huỳnh đàn lại chỉ mọc ở sau lưng hòn núi này. Muốn đi lên núi, từ ba giờ sáng phải đi theo đường xe lửa, bọc qua cánh đồng lớn của xã Vạn Lương, đi hết đồng mới tới chân núi. Có nhiều lối vào núi. Chúng tôi những con ma ngơ ngác, kẻ từ giã lính về, kẻ thì giã trường về. Phải có một đàn anh thợ rừng làm bầu trưởng và đồng ý cho theo, mới có cơ mà lên tới đỉnh Hòn Chảo. Khi vào núi, bầu trưởng dặn theo sát ông, khi nào qua cầu Huỳnh là sắp tới. Đến cầu Huỳnh, tôi mới biết đó là một khe núi, thợ rừng đi trước dùng một súc huỳnh đàn bị tét đầu bắc qua.

Trong khi đó gỗ hương ở núi nào cũng có. Huỳnh đàn sau 1975, thợ rừng nhiều quá, khai thác nhiều quá, cạn kiệt rất nhanh. Thời gian này, thất nghiệp về quê đầy dẫy, họ chỉ có một chọn lựa duy nhất là phá sơn lâm, vì không cần vốn gì lớn. Chỉ cần một cái rìu để hạ cây, dọn lối đi. Một cái cưa lớn hai người hùn. Thêm đá mài, dũa lưỡi cưa, là xong.

Hồi trước hương hiếm hơn huỳnh đàn, vì những người có tiền xây nhà đều chọn hương. Ông nội tôi khi xây nhà ở Diêm Điền, cách Vạn Giã chừng bảy, tám cây số về hướng Bắc, thợ tìm gỗ hương không có, bí quá thay bằng huỳnh đàn mà ông không hay biết. Đến thời bác tôi thừa kế, có một chiến dịch săn lùng huỳnh đàn. Thế là ông tháo cửa ra bán, thâu bộn tiền. Cả một tài sản nho nhỏ. Sau đợt săn lùng này, bộ bàn mặt tám mươi và sáu chiếc ghế bằng gỗ huỳnh đàn một ngày tôi về quê mới hay đã biến thành bàn inox. Buồn cho nhiều chuyện xưa lận vào bộ bàn cũng ra đi!

Những chuyến đi cưa huỳnh đàn của tôi hay lâm vào những chiều mưa núi. Con đường mòn, thợ rừng lên xuống nhiều, mặt đường nhão nhoét. Đàn anh dặn, muốn khỏi trợt, khi bước tới phải dậm gót chân xuống trước thật mạnh rồi bấm ngón chân theo sau. Thử tưởng tượng những chiếc gót thư sanh vừa bỏ giày dép đi chân trần làm sao chịu nổi những cú dậm gót suốt đường núi đằng đẵng cả vài cây số.  

Đã vậy hễ trợt là phải hy sanh thân mà giữ lấy cái súc như “quả pháo ơi sao mà yêu như đứa trẻ…” kẻo tuột tay súc rơi xuống dốc tét đầu, là coi như chỉ còn nước làm củi. Mới thấy lấp ló cái ác của giới tiểu tư sản đầu nậu chèn ép người thợ rừng như thế nào, vì rằng súc tét đầu thì bớt giá dùng vào chuyện đóng tủ table de nuit như các ông từng đóng loại tủ này bằng rễ cây huỳnh. Nhưng không! Họ ra vẻ ông nội thợ rừng!

Gót chân không cứng đất mềm mà vẫn đau thốn. Ngày đầu tôi ngồi tuột xuống dốc kiểu tuột cầu tuột thời học ấu trĩ viên. Cái quần treillis chỉ một chyến đi núi là mông te tua như những tàu lá chuối bị gió Vạn Ninh cuối năm dập vùi.

Lần sau, xổ dốc bằng cách chạy lúp xúp. Gia tốc tăng lên thì thắng gấp bằng cách nắm lấy một thân cây nhỏ mọc ven đường. Trời mưa núi mịt mùng, bóng tối trùm lên như lính Đại Hàn trùm poncho cho thằng bạn làm ngựa. Số là họ thường đi hành quân cặp đôi lên núi, lấy cớ trời mưa, người này cõng người kia trùm poncho kín mít ông lính làm ngựa. Phe ta trên núi đếm số lính hành quân lên để lúc địch về ta dễ tính sổ. Không ngờ địch về quân số tăng gấp đôi. Mèo nào cắn mỉu nào biết liền.

Cái ác độc của việc thắng gấp là trời tối, nắm phải cây có gai. Ráng chịu! Thả thì coi như rơi dốc gần tự do. Mà thứ tự do này chẳng ai thưởng thức cho đặng như thứ tự do vốn được hô hào là quý không thua gì độc lập. Được hai chuyến, tôi không dám đi huỳnh đàn nữa dầu rằng một súc huỳnh giá mười sáu đồng so với một gánh củi giá một đồng.

*     *

Làm thợ rừng sáng đi chiều về, núi thì gần, chỉ cần một rìu, một rựa; cưa giấu trong núi với hai mo cau cơm. Có ông thợ rừng tên Mô cùng xóm, tướng to con, mặt vuông, vai u. Một hôm, có lẽ do nhà cạn gạo, ông xách mo cơm ra đến sân, cằn nhằn với vợ: “Cái mo bi lớn đây tao ăn sao đủ hử?” Bà vợ trong nhà nói vọng ra: “Ăn cơm chớ ăn mo hay sao mà đủ hay thiếu!” Ông Mô ngậm đắng lên núi.

Ngày đó luật rừng còn tôn nghiêm lắm. Luật đó những thằng bạch diện thư sinh như tôi phải học. Đầu năm muốn lên núi, phải chờ cúng mở rừng, mới được đi. Không ai vi phạm. Từ xưa mãi tới 1975, luật mới bắt đầu bị chà đạp dần, lấy cớ là dị đoan. Đi lạc trong núi, khi tìm thấy đường ra, đói quá, thấy mo cơm của ai treo, chỉ được ăn một nửa. Khúc súc cây hoặc thân cột của ai để dưới đất dựng đứng dựa vào một cây còn sống khác, không được lấy, vì chủ nó chưa kịp chuyển về. Cây bỏ nằm dưới đất được lấy. Vậy nên, người dân Vạn Giã xưa dùng từ rất “môi trường”: đi hái củi. Nghĩa là chỉ “hái” những nhánh cây bị bỏ lâu ngày đã khô, những nhánh cây chết khô trên cành. Củi tươi không gánh nổi.

Sau 1975, đói quá, nên “tiều phu” bắt đắc dĩ không còn hái củi nữa mà chặt tàn chặt mạt. Kẻ chặt cây to bằng cái đầu đốt than. Kẻ chặt củi thì lựa cây nhẹ bằng bắp tay. Kẻ vừa đốt than vừa chặt củi v.v… cả tuần mới chín. Củi ngày nào cũng phải có một gánh để về nhà đong gạo.

Trần Công Khanh

304Đen – Llttm - sgtc

No comments: