ĐỌC LẠI BÀI THƠ " NGUYỆN CẦU" CỦA VŨ HOÀNG CHƯƠNG
Ta còn để lại gì không?
Kìa non đá lở, này sông cát bồi
Lang thang từ độ luân hồi
U minh nẻo trước xa xôi dặm về
Trông ra bến hoặc, bờ mê
Nghìn thu nửa chớp, bốn bề một phương
Ta van cát bụi bên đường
Dù nhơ, dù sạch đừng vương gót này
Ðể ta tròn một kiếp say
Cao xanh liều một cánh tay níu trời
Nói chi thua được với đời
Quản chi những tiếng ma cười đêm sâu
Tâm hương đốt nén linh sầu
Nhớ quê dằng dặc ta cầu đó thôi
Ðêm nào ta trở về ngôi
Hồn thơ sẽ hết luân hồi thế gian
Một phen đã nín cung đàn
Nghĩ chi còn mất, hơi tàn thanh âm.
Vũ Hoàng Chương
Trước hết xin tóm tắt tiểu sử thi sĩ Vũ Hoàng Chương:
Ông sinh năm 1915 tại
Nam Định. Cha mẹ ông đều là những người hay chữ, yêu thơ văn và âm nhạc. Ông
học chữ Hán ở nhà rồi lên học Tiểu học ở Nam Định. Sau đó ông học tiếp tiếng
Pháp để vào trung học. Năm 1931, ông nhập học trường Albert Sarraut Hà Nội, đậu
tú tài năm 1937. Năm 1938 ông vào học trường luật nhưng không lâu thì bỏ trường
đi làm phó kiểm soát Sở Hỏa Xa Đông Dương.
Năm 1941 ông lại bỏ Sở Hỏa Xa để đi học cử nhân toán ở Hà Nội ,
rồi lại bỏ dở một lần nữa để đi dạy học. Cũng trong suốt thời gian nầy ông sáng
tác nhiều thơ và kịch. Ông lập ra ban kịch nói, đi trình diễn tại Nhà Hát Lớn
Hà Nội năm 1942. Cũng chính trong thời gian nầy ông gặp Đinh Thục Oanh là chị
ruột nhà thơ Đinh Hùng và thành hôn với bà nầy. Sau tháng 8/1945 ông về Nam
Định cho trình diễn vở kịch Lên Đường của Hoàng Cầm. Có một thời gian ông theo
kháng chiến, nhưng khi kháng chiến nổ ra ác liệt, ông bỏ hàng ngũ, tản cư về
Thái Bình. Đến năm 1950, thấy tình hình không ổn vì Pháp hành quân ruồng bố
khắp vùng quê hẻo lánh , bắt người trong gia đình, nên ông bỏ về Hà Nội .
Năm 1954 ông di cư vào Nam làm nghề dạy học và tiếp tục sáng tác
thơ văn cho tới 30/4/1975. Sống tại miền Nam tự do, ông sáng tác không ngừng,
đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật toàn quốc năm 1959, sau đó sang dự hội nghị Thi Ca
Quốc Tế tại Bỉ. Ông cũng từng dự Hội Nghị Văn Bút Á Châu (1964)tại Bangkok Thái
Lan. Năm 1965 dự hội nghị Văn Bút Quốc Tế tại Nam Tư. Năm 1967 dự Hộ Nghị Văn
Bút Quốc Tế tại Cote d,Ivoire.
Từ năm 1969-1973 ông giữ chức vụ chủ tịch Trung Tâm Văn Bút Việt
Nam. Năm 1972 ông lại đoạt giải thưởng Văn chương toàn quốc lần thứ hai, và
được vinh danh là "thi bá" Việt Nam. Sau khi miền Nam Việt Nam sụp đổ,
ông bị bắt giam tại khám Chí Hòa. Được một năm, ông bị bệnh nặng, được đưa về
nhà, năm ngày sau thì mất (6/9/1976) tại Sài Gòn, chấm dứt cuộc đời của một nhà thơ lớn Việt
Nam mà suốt đời chỉ làm cái việc dạy học và sáng tác thơ văn. Bài "Nguyện
Cầu" được viết nhiều năm trước đó, phải chăng là điềm
báo trước nó sẽ vận vào mệnh số của ông năm 1975?
Bài thơ Nguyện Cầu được sáng tác trong trường hợp nào? Sau đây ta
thử đi tìm xuất xứ của nó. Tập thơ "Mây" xuất bản năm 1943 làm rúng
động giới thưởng ngoạn thơ văn bởi những bài thơ trữ tình lãng mạn đầy đau
thương của tác giả. Vũ Hoàng Chương bị bế tắc trong cuộc sống và trong tình
yêu. Ông đau đớn xót xa cho những mối tình tan vỡ nên đăm ra tuyệt vọng. Tư
tưởng yếm thế bị dồn nén tối đa làm tim ông đau nhói. Đến khi đất nước bị chia
hai (1954), như vết dao cắt đôi cơ thể con người, làm ông đau đớn và hoang
mang. Từ đó ông trở nên bi quan cho cuộc sống, cho thân phận con người nên tinh
thần dao động cực độ. Ông không còn say sưa với rượu, vũ trường để lẫn trốn,
hoặc làm nơi trú ngụ tinh thần. Chính trong hoàn cảnh đất nước chia đôi, tâm
trạng bàng hoàng mà bài thơ Nguyện Cầu được sáng tác. Nguyện Cầu là thi phẩm
đầu tiên in trong tập thơ Rừng Phong, xuất bản năm 1954. Tôi cho rằng đây là
bài thơ hay nhất trong tập thơ và cũng là thi phẩm hay nhất trong sự nghiệp văn
chương của Vũ Hoàng Chương.
Bài thơ mang hương vị thiền của thể lục bát. Lúc trẻ tuổi, ông
thường ăn chơi, say sưa trụy lạc nhưng càng lớn tuổi ông quay về tu học, thiền
định. Khi sáng tác bài thơ nầy Vũ Hoàng Chương muốn trút bỏ hết tham sân si, để
huớng về cửa Phật nên thơ cũng mang âm hưởng triết lý Phật giáo sâu xa.
Cả bài thơ như lời nhắn gởi để răn mình, răn người và răn đời.
Ta còn để
lại gì không?
Kìa non đá
lở, này sông cát bồi.
Mở đầu bằng một câu hỏi tu từ nghe ngậm ngùi thê thiết, xót xa,
thương cho thân phận bọt bèo, khi mất đi rồi ta còn để lại gì cho hậu thế? Với
một thủ pháp đặc biệt, tác giả gợi lên tánh tò mò nơi người đọc, muốn biết nhà
thơ sẽ để lại gì cho đời sau khi mất đi? Câu hỏi không có lời giải đáp dứt
khoát. Tác giả đặt câu hỏi cho chính mình mà không cần trả lời, nhưng theo quan
niệm đông phương thì khi chết, ta cần để lại một cái gì cho đời, cho thế gian,
cho con cháu. Ta để lại gì ? Cho ai? Như trong bài thơ "Chí nam nhi"
của Nguyễn Công Trứ, ông muốn tạo công danh và để lại tiếng tăm cho đời:
"Trong vũ trụ đã đành phận sự/Phải có danh gì với núi sông", hay Cao
Bá Quát, trái lại, chán cảnh bon chen danh lợi, tức nhiên ông không bận tâm
việc để lại tài sản gì cho mai sau:
Cổ lai danh
lợi nhân,
Bôn tẩu lộ
đồ trung;
Phong tiền
tửu điếm hữu mỹ tửu,
Tỉnh giả
thường thiểu, túy giả đồng.
(Xưa nay
phường danh lợi,
Bôn tẩu trên
đường đời;
Gió thoảng
hơi men trong quán rượu,
Say cả hỏi
tỉnh được mấy người ?)
Suy luận theo hướng nầy thì khi mất đi người ta muốn để lại nhà
của, ruộng vườn, tài sản, tiếng tăm, danh vọng... còn Vũ Hoàng Chương chỉ để
lại kho tàng thơ văn nghệ thuật, tức tiếng nói của con tim mà thôi. Mặt khác,
đây có thể là ý của tác giả bài nầy, người ta quan niệm đời người như giấc
chiêm bao mà thế gian nầy là cõi tạm, khi chết đi là trở về với các bụi. Thân
xác nầy không đáng kể: Thành trụ hoại
diệt, được áp dụng vào đời sống con người vì đó là định luật của vũ trụ
tự nhiên.
Câu thơ:"Kìa non đá lở, này sông cát bồi", nói lên đời
sống vô thường của một kiếp người hay của một vị "Trích tiên", lấy
giới hạn là một trăm năm, rồi cũng đi về cõi vĩnh hằng, nó bay vèo như một giấc
mộng. Sông còn có thể cạn đá còn có thể mòn do tác động của thiên nhiên, và
khi thời gian kéo dài thì con người làm
sao tồn tại vĩnh viễn cho được? Điều nầy hơi khác với cảm xúc của bà Huyện
Thanh Quan, khi đứng trước thành Thăng Long xưa, cho rằng thời gian có thể tàn
phá mọi thứ nhưng sông núi thì vẫn trơ trơ đứng vững như thách đố với thời
gian:
Đá vẫn trơ
gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau
mặt với tang thương.
Ta có thể cảm thông được ý nghĩ của bà vì khi trở lại thăm thành
Thăng Long, thời gian xa cách không lâu lắm, nên cảnh vật chưa kịp thay đổi.
Câu thơ tuyệt vời đầy
cảm xúc của Vũ Hoàng Chương còn gợi lên hình ảnh của một cuộc đổi thay khôn
lường: "Thương hải tang điền"(Ruộng dâu biến thành biển xanh, hay
ngược lại) là đề tài muôn thuở cùa các thi nhân Việt Nam. Điều nầy cho thấy mọi
sự vật trên đời đều chịu sự chi phối của lực "vô thường" nghĩa là
không có gì là vĩnh cữu. Ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo ăn sâu vào văn học cổ
điển Việt Nam nên trong Cung Oán Ngâm Khúc, tác giả Nguyễn Gia Thiều cũng đã
than lên rằng:"Phong trần đến cả sơn khê/ Tang thương đến cả hoa kia cỏ
nầy" để diễn tả nỗi đau thương bất hạnh của người cung nữ tưởng rằng nàng
sống vui trong nhung lụa tràn đầy hạnh phúc, nhưng không! Cho nên cuộc đời được
mất là lẽ thường. Nhà thơ Tú Xương cũng
có những suy nghĩ như thế khi dừng chân ngủ đêm cạnh bờ sông cũ ở Nam Định. Con sông Vị Hoàng giờ không còn nữa nó đã bị lấp lâu rồi! ( chỉ
sự thay đổi bất ngờ). Trong đêm thanh vắng ông lắng nghe tiếng ếch kêu như có
tiếng ai gọi đò bên kia sông (tưởng như tiếng kêu gọi của nghĩa quân nổi lên
chống Pháp: ẩn dụ) khiến ông giật mình tĩnh giấc, lòng bàng hoàng thương cho
thân phận người dân mất nước (Pháp đô hộ, chỉ một sự mất mát). Không kìm được
xúc cảm, ông bèn sáng tác ngay 4 câu thơ tuyệt vời:
Sông kia rầy đã lên đồng
Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai
Đêm nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
Xưa nay, núi cao
nhưng đá lở do gió thổi bào mòn, do chấn
động địa chất, do con người khai thác... còn sông thì sâu nhưng bị bồi lấp mãi cũng cạn dần nên câu nói "sông cạn đá
mòn" thật hữu lý!
Trần gian là bể khổ mà đường về thì xa xôi. Ông xúc động cất tiếng
than:
Lang thang
từ độ luân hồi
U minh nẻo
trước xa xôi dặm về.
Chữ "Luân hồi" thường dùng trong kinh Phật theo đó người
ta ở thế gian nầy chịu chi phối bởi luật luân hồi, hết kiếp nầy đến kiếp khác
liên tiếp. Tùy theo các hành vi đã làm trong đời nầy mà con người sẽ do nghiệp
quả chi phối, tái sinh vào một trong sáu nơi (lục đạo). Người ta bị xoay vần
trong lục đạo hết kiếp nầy sang kiếp khác như một bánh xe quay mãi không ngừng.
Chỉ có sự tu hành đắc đạo mới chấm dứt được luật luân hồi mà thôi ( theo tự điển Tiếng Việt, nhà xuất
bản Hồng Đức, Việt Nam, năm 2011). Ngày sanh xuống trần thế cũng gọi là luân
hồi. Ngày xưa ở Đông phương, những người có tài năng thường tự cho mình có tiền
kiếp là vị tiên trên trời, do phạm một lỗi lầm gì đó mà bị Trời đày xuống thế
gian, sau khi trả nợ xong thì được trở về thượng giới. Luân hồi cũng còn có
nghĩa là trôi nổi bồng bềnh như bánh xe quay tròn. Từ độ luân hồi xuống trần
gian nên phải lang thang tìm cuôc sống mới. Từ ngữ "lang thang" nói
lên sự khó khăn đó. Lang thang là đi không nhất định nơi nào, đi không có muc
đích ( ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu? Lời bài hát). Khi đi lang thang
trong cuộc đời mà không thấy con đường tươi sáng, tác giả tự soi lấy thân cho
rằng do kiếp trước làm điều sai trái nên kiếp nầy phải chịu khổ sở đắng cay.
"U minh nẻo trước" là trước mặt không có đuốc sáng không có đẻn soi,
không có người hướng dẫn mà chỉ có mù mịt khói sương, mờ mờ ảo ảo nên
không biết chọn con đường nào mà đi. U
minh là tối tăm, mù mịt. Than ôi! cứ mải mê theo đuổi cảnh sắc tạm nầy mà tưởng
như chắc chắn, vững bền lúc nào cũng tràn đầy hạnh phúc , ai ngờ chốn trần gian
không dễ sống mà trước mắt toàn là sương giăng khói phủ mịt mù, bít lối đi,
không còn biết đường nào đúng hứơng để chọn. Hình ảnh nầy cũng giống như trong
Văn cảnh sách của Thiền sư Quy Sơn Linh
Hựu đã nói ra: "Tiền lộ mang mang, vị tri hà vãng" nghĩa là con đường
phía trước mịt mờ mà mình chưa biết phải về đâu.
Tác giả , lão "trích tiên", sau một thời gian lặn hụp trong cõi trần ai đầy
khổ lụy, nay muốn quay về để quên đi những ngao ngán của cưộc đời. Nhưng quay
về đâu? Đâu là chốn cũ quê nhà? Đó là thượng giới nơi mà mình đã rời bỏ từ lúc bị đày. Về tiên cảnh đâu có dễ một khi
thời gian bị đày chưa hết hạn! "Xa
xôi dặm về" ý nói: đường về xa lắt xa lơ không biết bao giờ mới tới, một
khó khăn không vượt nổi! Từ "xa xôi" vừa chỉ khoảng cách thật xa vừa
chỉ trở ngại vô cùng to lớn.
Ông bâng khuâng cho cuộc sống đầy hư ảo:
Trông ra bến
hoặc bờ mê
Nghìn thu
nửa chớp, bốn bề một phương.
Nhìn ra chỉ thấy bến bờ của sự mê hoặc. Mê là vô minh là tăm tối;
hoặc là phiền não, mê loạn. Như vậy trước mắt ta là chốn u minh phiền não, lừa
dối; nó làm ta bị mê hoặc không còn biết lối ra tức là ta thiếu tuệ giác nên
không biết đâu là bờ giác ngộ bến an vui. Trong kinh điển Phật giáo cũng có câu
khuyên người hãy quay về với cái thiện, cái tâm giác ngộ để tìm thấy sự bình an
trong lòng :"Khổ hải mang mang, hồi đầu thị ngạn" nghĩa là bể khổ
mênh mông, quay đầu là bờ. Bờ đây là bờ giác ngộ, bờ tịnh độ, bờ giải thoát.
Một khi đã "kiến đạo" rồi thì mình sẽ biết con đường nào trở về, mình
không còn hoang mang sợ sệt nữa.
"Nghìn thu" là một ngàn năm; nửa chớp: chỉ thời gian
thật nhanh như tia chớp, như tiếng tít tắc kim đồng hồ. Một tia chớp đã là cực
nhanh mà ông lại cho rằng một ngàn năm đi qua chỉ bằng nửa tia chớp, thì thật
là lạ lùng đối với nhận thức thông thường của chúng ta.
Đời người lấy tuổi thọ cao nhất là trăm năm, đến khi sắp chết mới
nhận ra đời là cõi tạm, là mộng ảo. Tuy nói là trăm năm nhưng nó đi qua nhanh
lắm, Nguyễn Công Trứ ví nó như bóng đèn (dễ vỡ), như mây trôi (tan biến rất
nhanh), như gió thổi (cái vèo), giấc mộng (qua mau):
Ôi nhân sinh
là thế!
Như bóng
đèn, như mây nổi
Như gió thổi
như chiêm bao
Ba mươi năm
hưởng thụ biết chừng nào
Sực tỉnh
giấc nồi kê chưa chín.
Vậy mà cũng không nhanh bằng nhận thức của nhà thơ họ Vũ.
Tác giả dùng chữ nghĩa thật cao siêu chứng tỏ ông đã
"ngộ" được lẽ trời, hiểu được triết lý sâu xa của đạo Phật và đạo
thiền.
"Nghìn thu" đem đặt vào nửa tia chớp. Câu thơ có yếu tố
tuệ giác, là tinh thần của kinh Hoa Nghiêm, và ngược lại , một sét-na cũng chứa
đựng cái vô cùng! Trăm năm cũng chỉ bằng một giấc mộng, ngàn năm cũng chỉ có
thế. Ta thấy được giá trị của thời gian. Còn không gian thì sao? "Bốn bề
một phương", là cái không gian mênh mông, nhưng bốn phương cũng có thể gom lại thành một
phương! Một ý tưởng thật cao siêu của nhà thơ họ Vũ. Mặt khá, nhìn hạt bụi ta
có thể thấy nó chứa cả đất trời trong đó. Xin được chia xẻ ý nầy qua câu nói
của nhà sư Khánh Hỷ (1067-1142) ở Việt nam vào thời Lý thật thâm sâu, khó hiểu:
Càn khôn tận
thị mao đầu thượng
Nhật nguyệt
bao hàm giới tử trung.
(乾坤盡是毛頭上
日月包含芥子中)
(Càn khôn ở
trên đầu một sợi lông
Cả nhật
nguyệt chứa trong lòng hạt cải).
Theo tài liệu văn học , vua Trần Thái Tông (1218-1277) có viết
trong bài tựa quyển Khóa Hư Lục , như sau:
"Chư nhân đẳng! xứ xứ đại quang minh tạng; cơ cơ bất nhị pháp
môn"(Hỡi các ngươi! Nếu biết cách học đạo thì chốn chốn là tạng đại quang
minh, mọi vật là pháp môn bất nhị).
Như vậy ta hiểu được "bất nhị pháp môn" là pháp môn
không "hai", sẽ thấy thiên sai vạn biệt thống nhất làm một (nhất thể)
trong một cái nhìn sâu thẳm! Muốn đạt được lý lẽ nầy người ta phải tu luyện để
thấy được đàng sau hiện tượng của sự vật tức bản chất thực của nó mà thiền gọi
là "chân không" và trong kinh Phật gọi là "ngộ"(giác ngộ),
lúc đó người ta nhìn thấy tất cã mọi thứ đều là "một" từ con người
cho tới cỏ cây.
Vậy "bốn bề một phương" bao hàm ý nghĩa nầy.
Cụm từ nầy còn có thể diễn
tả theo một cách khác là: giữa cảnh trời đất mênh mông, chỉ còn một phương duy
nhât mà ta phải bước tới, hiểu theo đạo Phật là con đường giác ngộ tìm
về với chính mình.
Tiếp theo nhà thơ khẩn khoản:
Ta van cát
bụi bên đường
Dù nhơ dù
sạch đừng vương gót nầy.
Thơ văn Trung Quốc nhất là đời Đường có nhiều vị tự cho
mình là "trích tiên" như Tô Đông Pha, Đào
Tiềm, Lý Bạch...còn ở Việt nam thì có Vũ Hoàng Chương. Danh hiệu "trích
tiên" làm cho họ có một lối sống khá đặc biệt là chẳng màng vật chất, chẳng muốn vướng bận vào chốn bụi trần hay bon
chen danh lợi, dầu danh lợi nầy chứa đựng điều tốt hay xấu. Tác giả đã vượt lên trên cái phạm trù
được/mất,vinh /nhục,sống/ chết... khiến ông an bần lạc đạo, chẳng bận tâm gì
tiếng đời thị phi. Được hay mất chẳng làm cho ông lo lắng. Nhưng đã lỡ bước
chân vào chốn trần ai bể khổ thì không ít thì nhiều cũng phải tiếp xúc, liên
kết, gắn bó với tha nhân, chắc chắn ông
cũng bị vướng vào những hệ lụy. Ông chỉ xin những hệ lụy đó dù trong hay đục,
tốt hay xấu cũng đừng vướng vào chân ông, để ông giữ được sự thanh cao trong
sạch mãi mãi.
Chữ "van" có nghĩa là van xin, cầu xin một việc gì, lời
lẽ thống thiết, tác giả sử dụng rất tài tình và chính xác, nói lên nỗi đau đớn
, tuyẽt vọng của mình.
Ông trở nên tiêu cực :
Để ta tròn
một kiếp say
Cao xanh
liều một cánh tay níu trời.
Giữa những ngổn ngang của cuộc đời, tâm hồn tác giả hoang mang,
mất định hướng, cảm thấy mình bất lực . Tranh chấp nội tâm giày xéo hình hài,
ông như đang treo lơ lững giữa hai thực thể đối lập nhau: ước muốn giải thoát
linh hồn và thực tế đắm chìm trong bể khổ luân hồi; ước muốn vươn tới thiện mỹ
và thực tế cám dỗ vây quanh. Chán nản, mệt mỏi, tâm thức rối loạn vì khổ lụy
nên nhà thơ muốn tìm sự yên ổn tinh thần trong men cay hơi rượu, chỉ có say sưa
mới mong thoát khỏi vòng nghiệp chướng đang vây hãm ông.
Một mặt tác giả van xin cái xấu đừng vướng bước chân một mặt ông
đánh liều níu trời bằng cánh tay xương xẩu để mong Trời kéo ông lên tiên giới.
Trời cao xanh, ta muốn với tay lên níu lấy để trở về quê hương chốn cũ, vì chân
ta đã dẫm lên trần gian ô trọc lẫn phiền não, nên không muốn vướng vào nữa, chỉ
có trời xanh mới cứu ta ra khỏi chốn trần ai bễ khổ nầy mà thôi.
Từ "níu" dùng rất đắt , gợi lên hình ảnh một người níu
tay một người để xin cứu vớt, hoặc giữ không cho đi...
Trong bài "đánh cờ" Hồ Xuân Huơng dùng chữ
"níu" rất đặc sắc, nó gợi hình ảnh hai người đánh cờ, nàng thua nhưng
vẫn muốn níu ( giữ chặt) con cờ trong tay chàng không cho chàng nhấc tay lên!
Chàng bảo
chịu, thiếp rằng chẳng chịu
Thua thì
thua quyết níu lấy con.
Khi vui nước
nước non non,
Khi buồn lại
giở bàn son quân ngà.
Tiếp theo ông ngao ngán :
Nói chi thua
được với đời
Quản chi
những tiếng ma cười đêm sâu.
Cuộc tranh chấp nào cũng có kẻ thắng người bại, mà đời người như
một canh bạc, ai cũng muốn thắng chẳng ai muốn thua, kẻ thắng thì vui sướng kẻ
thua thì bị tổn thương, ta đây đã chán cảnh bon chen nầy nên không muốn vướng
vào chuyện: được /mất, hơn /thua, thành/ bại.Ta muốn đứng ngoài vòng cương tỏa.
Danh vọng chỉ là mộng ảo, phù du, thấy đó rồi mất đó. Khổ nỗi ta chịu kiếp luân
hồi ở trần gian nên phải làm bạn, kết thân với đủ hạng người, rồi tranh sống,
va chạm với bọn người ma quỉ, ti tiện, không có lương tâm nên ta phải chịu cảnh
u buồn, để rồi ta tìm an ủi trong men rượu. Mỉa mai thay họ cũng là những thi
nhân như ta, nay trở thành kẻ ác tâm. Thôi, sá chi những hạng người nầy!
Tứ thơ trong nhóm từ ngữ
"Ma cười đêm thâu" rất sống động, gợi tả cảnh đêm thâu có
tiếng ma cười thật rùng rợn! Ma đây cũng chính là người thua cuộc trong canh
bạc đời và cũng có thể là hạng người xấu xa trong xã hội. Câu thơ có ý thật đẹp
mà tứ cũng hay qua cách diễn đạt thật tài tình, sâu sắc. Phép ẩn dụ, so sánh
ngầm được triệt để áp dụng làm tăng thêm sức biểu cảm nơi người đọc. Tác giả so
sánh hạng người gian trá như loài ma quỉ chuyên lường gạt, làm việc mờ ám, chúng đắc
thắng vui cười trong đêm sâu thẳm.
Lúc nầy tác giả không còn
thiết tha gì với cuộc sống hiện tại mà chỉ muốn "về quê" thôi:
Tâm hương
đốt nén linh sầu
Nhớ quê dằng
dặc ta cầu đấy thôi.
Ông dùng lời thơ, câu văn
để gói ghém tâm sự của mình, chỉ mong được bày tỏ, gởi gắm như một lời cầu
nguyện đến cao xanh. Sống ở trần gian đầy phiền não ông muốn quay về chốn cũ
nơi tiên giới. Nỗi nhớ càng ngày càng tăng, nó ray rức như xé con tim. Ta có
cảm tưởng tác giả không còn có thể chịu đựng lâu hơn nữa, ông phải cầu cứu tới
thượng đế thôi. Giống như Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, chán cảnh trần gian nên than
với chị Hằng, xin lên cung trăng ngồi
chơi với chị:
"Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi".
Vũ Hoàng Chương đêm ngày nhớ quê, mong sớm trở về để hưởng thú vui
tao nhã chốn thần tiên, nên đánh bạo "nguyện cầu", giống như những
người tịnh độ chay trường niệm Phật để cầu mong sau nầy mãn phần, được tái sinh
về miền Tây phương cực lạc, nơi đó mới chính là chốn bình yên vĩnh viễn.
Ông thao thức đợi chờ :
Đêm nào ta
trở về ngôi
Hồn thơ sẽ
hết luân hồi thế gian.
Thế gian nầy là cõi tạm, ta ngủ trọ một đêm, sáng ra ta sẽ trở về
chốn xưa. Nơi tiên cảnh là chốn bình yên của ta, vì ta là trích tiên nên ngôi
vị vẫn còn đó, đang chờ ta trở về. Một khi chán cảnh trần gian và cuộc phiêu
lưu chấm dứt thì ta sẽ quay về ngay, lúc đó hồn thơ trong thi nhân mới hết luân
hồi trên cõi trần nầy, tức là ta hết dong ruỗi. Về đi thôi ! không còn gì lưu
luyến nữa. Tâm sự nầy cũng giống như nỗi ưu tư của nhà thơ Đào Tiềm trong bài
Quy khứ lai từ (Chữ Hán: 歸去來辭, Lời từ biệt khi về) là bài phú
hay và rất nổi tiếng của Đào Tiềm (陶潛, 365 - 427), một danh sĩ cuối
đời Đông Tấn, (Trung Quốc). Nhưng nơi về của hai người Đào Tiềm và Vũ Hoàng
Chương thì khác nhau:
Quy khứ lai
hề, điền viên tương vu, hồ bất quy!
Ký tự dĩ tâm
vi hình dịch, hề trù trướng nhi độc bi ?
Ngộ dĩ vãng
chi bất gián, tri lai giả khả truy.
Thực mê đồ
kỳ vị viễn, giác kim thị nhi tạc phi.
(Quy khứ lai
từ/Đào Tiềm)
Về đi thôi
hề, ruộng vườn sắp hoang vu, sao không về ?
Đã tự đem
lòng cho hình sai khiến, sao còn một mình buồn bã, đau thương ?
Hiểu dĩ vãng
không can nổi, biết tương lai có thể theo.
Chưa thực đi
xa trên đường mê, thấy hôm nay phải còn hôm qua trái.
(Bản dịch
của Trần Trọng San).
Sau cùng ông buông tất cả :
Một phen đã
nín cung đàn
Nghĩ chi còn
mất hơi tàn thanh âm.
Một khi phận sự đã xong và trách nhiệm đã hoàn thành thì ta có
quyền trở về chốn cũ căn nhà xưa. Sự trở về nầy là điều tất yếu không có gì
phải lưu luyến vấn vương, hay nuối tiếc ân hận. Khi cung đàn đã tắt thì âm thanh cũng im luôn. Hơn nủa đời
người, tác giả chỉ làm thơ viết văn cống hiến cho đời món ăn tinh thần, nay
nghiệp thi ca đã hết thì nguồn thơ cũng cạn dòng, ông phủi tay reo mừng vì mình
không còn vướng bận chuyện thế gian thì sá chi chuyện còn mất, được thua,
chuyện để lại cái gì cho đời? bởi theo định luật tạo hóa hễ có sinh thì có diệt
nên ông không cần biết, không cần quan tâm gì hết.
Điều cần lưu ý là từ câu mở
đầu:"Ta còn để lại gì không", tác giả tỏ ra xuất sấc khi đặt câu hỏi
để chúng ta tìm hiểu trả lời chứ bản thân ông, ông cho rằng chả để lại gì hết.
Đến khi đọc hai câu kết ta mới thấy lóe lên ý nghĩ rằng ông có để lại cho đời
cái gia tài thơ văn đáng giá. Trong câu:"Nghĩ chi còn mất hơi tàn thanh
âm" thì từ ngữ "còn mất" đã nói lên điều đó.
Về mặt nghệ thuật, trong phần trên ta đã nói cánh sử dụng từ ngữ
của tác giả: thật đắt, chính xác, truyền cảm. Bây giờ xin nói qua về tiết tấu
bài thơ. Tiết tấu chỉ nhịp điệu bài thơ,
dựa vào chỗ ngắt đoạn. Trong âm nhạc có nhịp 2,3,4..thì trong thơ cũng có tiết tấu
như vậỵ, nó làm cho nhịp thơ lên cao xuống thấp tạo thành
âm điệu bổng trầm. Tiết tấu có
khi thay đổi bất chợt goi là biến tấu, mục đích làm cho người đọc chú ý hơn.
Ngắt nhịp, làm cho bài thơ có tiết tấu nhịp nhàng. Một bài thơ hay không thể
thiếu nhịp điệu và tiết tấu. Nhịp điệu trở thành một ngôn ngữ đặc biệt của thơ,
nó biểu đạt bao ý tình mà từ ngữ không thể nói hết được. Ta thử xét 6 câu đầu
của bài thơ:
Ta còn để
lại gì không? (4/2)
Kìa non đá
lở, này sông cát bồi (4/4)
Lang thang
từ độ luân hồi (2/2/2)
U minh nẻo
trước xa xôi dặm về (4/4)
Trông ra bến
hoặc, bờ mê (4/2)
Nghìn thu
nửa chớp, bốn bề một phương(4/4)
Trong cặp câu (lục, bát) thứ nhất, nhịp (4/2) câu lục, nhịp (4/4) câu
bát. Nhưng đến cặp (lục, bát) thứ hai thì nhịp thay đổi (2/2/2) câu lục và
(4/4) câu bát. Cặp (lục, bát) thứ 3 có câu lục ngắt nhịp (4/2 ) như lúc đầu.. Trong 6 câu nầy chỉ câu lục là
thay đổi còn câu bát thì không. Lời thơ trong toàn bài mang giai điệu buồn miên man thích hợp với
thể thơ lục bát, tuy nhiên nó không đơn điệu, nhàm chán trái lại nó biến thiên
theo nhip điệu câu thơ. Cách ngắt câu ngắn dài làm thay đổi cảm nhận nơi người
đọc:
Lang thang
từ độ luân hồi (2/2/2)
U minh nẻo
trước xa xôi dặm về (4/4)
Nhịp ngắn, câu lục trên cho ta thấy nỗi buồn như ngừng lại, đứt
khoảng , nghèn nghẹn trong lòng. Câu hai, nhịp dài nên nỗi buồn như hơi thở ra,
buông trôi, thất vọng, tan vào cõi xa xôi vô định.
Ở đây phép đối cũng được áp dụng một cách khéo léo, liên tục, nhất
là trong câu bát. Xét câu: "Kìa non đá lỡ /nầy sông cát bồi" : tiểu
đối gồm hai vế đối nhau trong một câu; ngoài ra còn có đối "từ" thật điêu luyện: kìa/nầy,
non/sông, đá/cát, lỡ/bồi (danh từ đối danh từ, tĩnh từ đối tĩnh từ...). Đến câu
bát thứ hai cũng vậy, có hai vế đối nhau và "từ" đối nhau: U minh nẻo
trước/xa xôi dặm về. Đến câu bát thứ ba cũng có đối: Nghìn thu nửa chớp/bốn bề
một phương v.v.
Vấn đề thưởng thức thơ: Nhiều nhà phê bình cho rằng thơ Vũ Hoàng
Chương rất kén người đọc, vì thơ ông không giản dị như những bài ca dao, trái
lại nó ẩn chứa sâu xa về tư tưởng và triết lý Phật giáo xen lẫn Thiền định.
Trong bài thơ nầy có nhiều câu mới đọc lên nghe rất hay nhưng nghĩa thì khó
hiểu khiến hạn chế một phần cảm hứng người đọc, ví dụ:
"Nghìn
thu nửa chớp, bốn bề một phương".
Hoặc câu: "Ta van cát bụi bên đường" v.v.
Bài thơ Nguyện Cầu đối với tôi có một ma lực khó giải thích nhất
là thi tứ và từ ngữ thi ca. Tôi cố diễn tả ý nghĩa của những câu thơ nầy, nhưng cũng chưa
thấy đủ. Bên cạnh đó còn có nhiều nhà biên khảo giải nghĩa khác nhau tùy theo
sự hiểu biết của mỗi người. Xem ra thơ Vũ Hoàng Chương rất kén người đọc là
vậy, tôi cũng đồng ý với nhận xét nầy của các nhà phê bình văn học. Và cho tới
giờ người ta vẫn không ngừng đi tìm hiểu về thơ văn của ông.
Đọc xong bài thơ Nguyện
Cầu ta hiểu thêm những bài thơ siêu thoát (Lữa từ bi, Nguyện Cầu...) trên ý
niệm tuệ giác, luân hồi, vô thường cao siêu của Phật giáo mà trong giây phút
xuất thần ông đã sáng tác dược những bài thơ thật hay, trong đó phải kể bài
Nguyện Cầu nầy. Thơ hay về tứ, ý, lời và cả nghệ thuật xử dụng từ ngữ trong thi
ca nữa. Thơ Vũ Hoàng Chương có nhiều thể loại khác nhau như thơ tình thơ triết
lý thơ hoài cổ... nhưng mỗi thể loại đều có riêng phong cách của nó. Đặc điểm
chung là lời thơ mang âm huởng đông phương của thể thơ Đường mặc dù ông sống
giữa thời đại "thơ Mới" lên ngôi. Thơ ông có màu sắc sang trọng, giàu
nhạc tính, dầu có cách tân nhưng vẫn mang tính hoài cổ, xử dụng nhiều từ ngữ
mới, táo bạo, đạt tới mức toàn bích. Tuy bị ảnh hưởng của thơ Đường nhưng lời
thơ không cỗ lỗ, xơ cứng trái lại nó hết sức truyền cảm đi sâu vào lòng người
một cách tự nhiên, sâu lắng.
Nguyễn Cang
(17/8/2016)
No comments:
Post a Comment