Saturday, October 7, 2017

Không Tặc Và Tên Giặc Nguyễn Thành Trung - Võ Ý


Không tặc và tên giặc Nguyễn Thành Trung
 
 

Trong thập niên 60, có mấy vụ đánh cắp phi cơ xảy ra trong Không Lực VNCH. Tại phi trường Nha Trang, phi công bất ngờ lấy cắp chiếc trực thăng H34 của PÐ215 chở người yêu sang Miên lập tổ ấm. Tại phi trường Ban Mê Thuột xảy ra hai vụ. Một vụ đánh cắp phi cơ bay qua Miên trót lọt. Lý do: buồn vì chuyện gia đình. Viên phi công sau đó bị dày vò hối hận và đã làm đơn xin về cố hương. Một vụ khác không trót lọt, bởi cất cánh sớm, sương mù còn dày và bởi hấp tấp vội vàng khi làm điều gian tà nên phi cơ đã triệt nâng (stall) và rớt gần phi đạo. Phi công (đã có vợ) và người yêu đều bay về nơi chín suối.

Tại phi trường Cam Ly Ðà Lạt, một phi công bị kỷ luật ngưng bay, từ Biên Hòa trốn lên Ðà Lạt, ra phi trường Cam Ly, ăn cắp chiếc ph cơ L19 của biệt đội này bay thẳng sang Miên. Tại Tân Sơn Nhất, một phi công biệt phái cho Hàng Không Việt Nam, bay loại Cessna 6 chỗ ngồi, cũng buồn tình sao đó, bay thẳng sang Miên tị nạn! Những hành động liều lĩnh và quái gở nầy, một trăm phần trăm do tình và tiền chi phối. Thới đó, VNCH và Miên hục hặc với nhau, nên hễ có máy bay Việt Nam xin đáp tị nạn là ông Hoàng Shihanouk cho tiếp nhận ngay. Dĩ nhiên, mỗi lần như vậy là mất đứt phi cơ, còn phi công thì…tùy!

Cũng trong thập niên 60 này, có một phi vụ phản nghịch (danh từ này do chính quyền đương thời gán cho) mà cũng gọi là cách mạng (do chính quyền sau vụ lật đổ TT Ngô Ðình Diệm gán cho) do hai phi công khu trục Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc (đã qui tiên) lái hai chiếc khu trục cơ AD6 Skyrider oanh tạc Dinh Ðộc Lập rồi bay sang Miên. Phi công Nguyễn Văn Cử thoát, còn Phạm Phú Quốc bị phòng không của Hải Quân Việt Nam bắn rơi trên sông Bạch Ðằng, bị bắt cầm tù Côn Ðảo cho đến ngày lật đổ nền Ðệ I Cộng Hòa mới được giải thoát, được phong anh hùng, được thăng cấp và được bổ nhiệm chỉ huy trưởng Không Ðoàn 23 Chiến Thuật Biên Hòa.

Trong thập niên 70, chiến sự ác liệt, Không Quân VNCH cũng hai lần bị mất phi cơ. Một vụ ở Ðà Lạt, phi cơ trực thăng U1H trên đường hành quân về căn cứ Nha Trang, đáp bờ hồ Ðà Lạt, phi hành đoàn ra chợ mua sắm, một kẻ gian đã đánh cắp phi cơ bay về hướng Dakto vùng ba biên giới. Sau này được biết, kẻ gian là một phi công nghiện ma túy, bị kỷ luật giải ngũ, Việt Cộng chộp thời cơ mua chuộc và y đã làm điều phản nghịch!

Vụ thứ hai là trong những ngày sau cùng của miền Nam, Nguyễn Thành Trung, tên giặc lái Việt Cộng nằm vùng, đã nhân một phi vụ yểm trợ quân bạn, điên rồ oanh kích Dinh Ðộc Lập rồi đáp xuống phi trường Lộc Ninh, lúc bấy giờ đang là vùng kiểm soát của VC. Sau đó, Nguyễn Thành Trung huấn luyện bọn giặc lái VC khác sử dụng phản lực cơ A37 cướp được của ta, oanh kích phi trường Tân Sơn Nhất trong những ngày cuối của tháng 4 năm 1975. Do thành tích phản nghịch nầy, tên Trung được VC cho thăng cấp và hiện nay y là phi công của Hàng Không VC (bài viết từ năm 2003).

Nguyễn Thành Trung là ai? Lý lịch trích ngang của tên giặc này có gì đặc biệt? Hãy nghe anh D.V. B, nhà giáo, nguyên đại đội trưởng thuộc Sư Ðoàn 21 BB, hiện ở Chicago tiết lộ đôi điều về tên VC nằm vùng này, như sau:

“Phà Rạch Miễu thuộc xã Tân Thạnh, quận Trúc Giang, tỉnh Bến Tre. Từ Mỹ Tho lên phà Rạch Miễu về hướng Nam là đường đi Bến Tre. Ði về hướng Nam độ trăm thước, rẽ theo trái là đi Phú An Hòa, rẽ về phải là đi An Khánh Phú Túc. Ði thẳng đường sẽ đến thị xã Trúc Giang của tỉnh Bến Tre. Ði về hướng Nam độ hai trăm thước, bên trái sát mặt hương lộ là trường tiểu học Tân Thạch, từ lớp Năm (lớp 1 bây giờ) đến lớp tiếp liên. Ðường lộ đi An Khánh dài khoảng 5 cây số. Tuy lộ đất nhưng rất rộng, xe hơi, xe lam ba bánh, xe lôi có thể chạy được. Nhà họ Ðinh nằm sát mặt lộ bên phải, cách xa Tân Thạch độ 4 cây số, thuộc xã An Khánh. Tôi không biết rành về nhà họ Ðinh này. Tôi chỉ thường nghe hàng xóm gọi đó là nhà của thím Tư Dậu. Thím có hai đứa con trai là Ðinh Văn Bé Tư và Ðinh Văn Bé Năm. Cả hai cùng theo học trường tiểu học Tân Thạch. Bé Tư học lớp Nhất, Bé Năm và tôi cùng học lớp Nhì. Thời đó vào khoảng năm 1956. Tết năm 1957 là Tết Ðinh Dậu. Sau những ngày nghỉ Tết, tôi trở lại trường mới biết là chú Tư Dậu vừa chết trong dịp Tết. Lúc đó, tôi nghĩ là do kỵ tuổi, vì chú Tư tên Dậu cùng tuổi Dậu nên kỵ năm Dậu! Về sau mới biết là không phải vậy, mà như vầy: chú Tư tập kết ra Bắc năm 1954. Ba năm sau chú trở về Nam hoạt động. Ðược mật báo tin trên, trinh sát Sư Ðoàn 7 mới bao vây tập kích nhà huyện ủy Tư Thắng. Ba cận vệ và huyện ủy Tư Thắng tử thương tại trận. Tư Thắng tức Ðinh Văn Dậu. Sau đó hai anh em nhà họ Ðinh nghỉ học. Tôi không có dịp gặp họ nữa. Năm 1958, tôi về sống Mỹ Tho và theo học trường trung học Nguyễn Ðình Chiểu. Có dịp về An Khánh, bà ngoại tôi kể lại rằng, an ninh xã An Khánh mời thím Tư Dậu và Bé Tư về điều tra hết mấy ngày về sự vắng mặt của Ðinh Văn Bé Năm. Ðược biết, có tên Nguyễn Thành Trung người ở Bình Dương vào bưng theo VC nhưng giấy tờ để lại nhà. Tình báo VC liền gắn lý lịch này cho Ðinh Văn Bé Nam. Sau khi Tư Dậu chết, VC đã bí mật gửi Bé Năm lên Sài Gòn ăn học mang tên mới là Nguyễn Thành Trung với một lý lịch hết sức trong sạch. Bẵng đi một thời gian rất lâu, và sau biến cố 30 tháng 4, 1975, khi thấy hình ảnh Nguyễn Thành Trung (tức Ðinh Văn Bé Nam, bạn tiểu học với tôi) chiếu trên TV, tôi mới bật ngửa ra, thì đã quá muộn rồi” (Lời kể của anh D.V.B, trước 2000, sống ở Chicago, hiện nay di chuyển về San Jose, CA. Trích trong Lý Lịch Dọc Ngang Của Thảo, tap ghi của Võ Ý, XB 2003, CA)

Trong cuộc chiến vừa qua, VC đã cài người của chúng vào mọi cơ quan chính quyền cũng như trong quân đội. Vào những ngày hấp hối của nền Ðệ Nhị Cộng Hòa, nhiều tên VC nằm vùng trong quân đội và cơ quan dân sự lộ nguyên hình. Hiện nay, VC cũng đã và đang cài người của chúng trong khắp các cộng đồng người Việt tị nạn ở hải ngoại, mục đích của chúng là gây chia rẽ nghi kỵ và làm suy giảm ý chí quang phục quê hương. Thà rằng ra mặt theo giặc như Ðinh Văn Bé Năm kia thì dễ dàng cho chúng ta có thái độ, bởi vì bạn hay thù chỉ một con đường chọn lựa, chứ mập mờ cái kiểu trước mặt là chiến hữu, sau lưng lại trở mặt tiểu nhân, nói lời ác ý soi mói thêu dệt vô trách nhiệm… thì mức độ nguy hiểm của các “chiến hữu thù trong” này còn đáng ngại hơn bọn phản nghịch Nguyễn Thành Trung. Không Quân VNCH khi cất cánh là đánh đúng mục tiêu của địch, do Bộ chỉ huy Hành Quân cung cấp, dựa trên nhiều tin tức tình báo giá trị. Dù trong kiếp lưu đày, KQ Hải Ngoại cũng cần đánh chính xác kẻ địch nằm vùng để bảo vệ uy tín và khối đoàn kết trong nội bộ KQ, còn ngược lại thì không khác gì tên giặc Nguyễn Thành Trung mang bom đánh Dinh Ðộc Lập hay thả xuống phi trường Tân Sơn Nhất!

Võ Ý

(Ngày Không Lực 07/01/2014)

304Đen - llttm

 

No comments: