Nhà văn Lê Xuyên tên thật là Lê Bình Tăng, sinh năm
1927 tại Phong Điền - Tỉnh Cần Thơ.
Ông là tác giả của nhiều tiểu thuyết nổi danh tại
Sài Gòn, ngay từ tác phẩm đầu tay của ông là Chú Tư Cầu đã được độc giả đón
nhận nồng nhiệt.
Tác phẩm Chú Tư Cầu, tuy là tác phẩm đầu tay của
tác giả, nhưng vào thời điểm mà tác phẩm chưa in thành sách, chỉ đăng trên nhật
báo, dưới hình thức một tiểu thuyết nhiều kỳ đã tạo được một tiếng vang khiến
anh em văn nghệ sĩ sau đó ít ai gọi nhà văn bằng bút hiệu Lê Xuyên nữa mà đã
vui miệng gọi ông là "Chú Tư Cầu" hay "Chú Tư" thay cho cái
tên Lê Xuyên.
Sau ngày 30/4/1975 nhà văn Lê Xuyên bị CSVN bắt giữ
cùng chung khoảng trên dưới 100 văn nghệ sĩ ở miền nam với tội danh "văn
nghệ sĩ phản động".
Sau khi được CSVN trả tự do, nhiều năm ông sống lầm
than ở Sài Gòn, bán thuốc lá lẻ đầu phố, và cho đến nay vẫn chưa hề có thẻ căn
cước (Chứng minh Nhân Dân) và cũng chẳng có sổ gia đình (hộ khẩu).
Lúc
sinh tiền nhà văn Lê Xuyên là hình ảnh đậm nét của người gốc miền Nam với lối
sống bình dị, chân thật và lúc nào cũng yêu đời.
Nhà Văn Lê Xuyên – Những
ngày cuối đời
Gần 10 giờ đêm 2-3-2004, chị Lê Xuyên điện
thoại cho tôi thông báo tin anh vừa mất lúc 9 giờ 20, tức
là cách đó nửa giờ. Lời chị kèm theo rất chân tình:
- Tôi gọi cho anh trước khi gọi cho nhà đòn.
Tôi hiểu ý chị và phải nói hiểu
từ lâu mới đúng. Gia đình anh chị trong hoàn cảnh sinh sống
rất khó khăn chật vật, vì thế nên tôi đã dặn trước: nếu
có chuyện gì cần chị cứ gọi cho tôi. Tôi không tin vào tôi
mà tin vào tình yêu thương của bạn bè từ khắp nơi luôn sẵn sàng
giúp đỡ Lê Xuyên nên hứa ngay: Chị cứ lo mọi chuyện
cho tang lễ của anh, còn chuyện khác để anh em chúng tôi lo. Chị vui
vẻ:
- Nếu thế tôi an tâm rồi.
Buông điện thoại, tôi hoàn toàn không ngạc nhiên
trước cái tin buồn này. Từ hai năm nay, Lê Xuyên nằm một chỗ,
có thể nói thẳng nằm đó chờ ngày "về với ông
bà". Một năm trướcđây thôi, anh phải vào bệnh viện, chị cũng gọi cho
tôi rồi đến nhà mang theo cả giấy "nhập viện"
và số tiền phải trả.. Tôi cũng lại làm cái nhiệm vụ thông báo
cho một số anh em ở nước ngoài để kiếm tiền trả bệnh
viện. Không phải chỉ có riêng chúng tôi mà còn những người quen khác
của anh, những người bạn đồng hương, những người học cùng trường cùng lớp,
có cả những người không hề quen biết cũng xúm nhau vào chung lo.
Hầu như ai cũng hiểu rằng ngày "ra đi" của anh không xa.
Nhưng may mắn, anh vẫn còn qua được vài mùa Xuân.
Những lần sau này tôi đến thăm anh, anh nằm đó nhưng
tỉnh táo, không nói chuyện được song hỏi nhiều điều, anh vẫn nhớ, vẫn
hiểu. Khi anh gật đầu, thỉnh thoảng có được một nụ cười, đôi
mắt ánh lên một niềm vui.
Nhất là khi tôi cố gợi lại một vài câu chuyện vớ vẩn
từ hồi xa xưa chúng tôi gặp nhau ở ngoài đường hoặc ở toà soạn
một vài tờ báo.
TÍNH CÁCH LÊ XUYÊN:
Để cho anh được sống lại với những kỷ niệm
cũ, tôi kể lại một buổi sáng sớm vào khoảng năm 1971-72, sau một đêm đánh
chắn với vợ chồng ông chủ báo Kịch Ảnh đường Cống Quỳnh,
tôi lái xe về nhà. Qua đường Lê Lai, tôi thấy Lê Xuyên
cúi đầu đi trên hè phố.. Tôi đậu xe sát lại, Lê Xuyên
vẫn chưa thèm nhận ra là xe của ai. Tôi bóp còi, lúc đó anh mới
ngước lên nhìn và toét miệng cười. Ít khi ông Lê Xuyên cười
lắm. Tôi đẩy cửa xe, thò đầu ra hỏi:
- Ăn gì chưa?
- Chưa gì hết trọi, có tiền đâu
mà ăn.
- Lên đây, tôi đưa ông đi ăn
sáng.
Leo lên xe, anh hỏi thẳng:
- Đêm qua được hay thua?
- Được.
- Nhà không còn một xu, tui để tiền
trong túi cũng hết luôn.
Tôi cười và hiểu cái sự "hết tiền trong
túi" của anh dù mới lãnh lương. Móc trong cốp xe, tôi chia cho anh một
nửa số tiền được bạc đêm hôm qua và dặn dò rất kỹ:
- Mang về toà soạn cất vào ngăn kéo để tiêu
dần đấy.
- Ừ, tốt. Ông ăn sáng chưa, cho
tôi đi với. Lâu rồi khôngđược ăn đồ Tây.
Tôi cười:
- Ra Givral hay Brodard, ông thích chỗ nào.
- Đâu cũng được.
Chúng tôi ra Givral, sáng sớm tinh mơ chỉ có hai
bàn khách. Tôi gọi mì jambon là món "đặc sản" ở đây
còn Lê Xuyên gọi omelette jambon ngồi nhai bỏm bẻm lấy làm thú vị lắm. Ăn
xong tôi bảo ông có tiền rồi, lấy xe taxi về toà soạn, tôi phải
về nhà thay quần áo rồi còn phải vào sở chào cờ vì hôm
nay là thứ hai. Lê Xuyên cười hì hì:
- Cả đời tao chưa biết chào cờ là cái
gì. Tao chỉ chào ông chủ báo khi lần đầu tiên đến làm.
Ngô Quân cũng thế và Hồ Anh cũng thế..
Thỉnh thoảng tôi đưa bài đến báo Thời Thế, đôi
khi vào buổi trưa, tôi lại rủ Lê Xuyên đi ăn trưa, hôm
có tiền thì chui vào Chợ Lớn ăn cơm Tàu Bát Đạt.
Có lần tôi rủ:
- Chúng tớ có cái phòng thuê ở trên
lầu ba để thỉnh thoảng chơi phé, lấy tiền xâu gửi lại tay quản
lý nên bất cứ lúc nào cần phòng là có ngay. Ông
có muốn nằm lại đây một buổi không?
Bản tính anh hiền lành nên hỏi lại:
- Nằm làm gì, tôi phải về làm việc chứ.
- Ông ngây thơ thật hay ngây thơ cụ, ông
cứ lên với tôi làbiết ngay "nằm làm gì". Ông muốn Tàu cũng
có mà ta cũng có.
Dĩ nhiên đến nước này thì ông bạn tôi
phải hiểu, nhưng ông lắc đầu quầy quậy như thằng con nít bị mẹ bắt
lấy vợ sớm. Tôi đưa ông trở lại toà soạn và xác
nhận với anh em rằng "Lê Xuyên nó đứng đắn thật
các ông ạ". Một ông bạn tôi cãi: "Nó nhát chứ đứng đắn
cái gì". Thôi thì nhát cũng được, đứng đắn cũng được
nhưng nó không giống tụi mình. Và một điều ai cũng nhận thấy
là chưa bao giờ thấy mặt Lê Xuyên ở bất cứ cái phòng
trà tiệm nhảy nào, ngay cả chỗ đông người anh cũng tránh. Tôi cứ lẩm
cẩm ngồi nhắc lại từng chuyện khiến anh thú lắm, đó là lúc
anh được sống thêm.
MỘT BÍ MẬT BÂY GIỜ MỚI TIẾT LỘ:
Cũng vào khoảng thời gian đó, tờ báo Thời Thế có một
loạt bài điều tra phóng sự về một vụ tham nhũng của một ông
"tướng vùng". Ông tướng nhờ một đại tá và một
trung tá liên hệ với tôi để nhờ tôi can thiệp. Tôi chẳng
biết trắng đen ra sao, nhưng đã có lời nhờ và giải
thích thì tôi làm. Tôi gọi cho Lê Xuyên giải thích những
gì tôi được nghe và đề nghị"thông cảm" với phóng
viên cho ngưng loạt bài đó kẻo làm mất uy tín của một người chỉ huy
vùng chiến thuật. Lê Xuyên nói ngay:
- Ông nói thì tôi nghe, nhưng để tôi
thu xếp với anh em cho có đầu có đuôi.
Sau đó tôi điện thoại cho ông chủ báo
Hồ Anh, lúc đó tôi mới biết rằng đã có một
hai ông nghị sĩ dân biểu can thiệp, nhưng Lê Xuyên vẫn cứ tiếp
tục cho đăng loạt bài này. Ông Hồ Anh bảo tôi cứ nói chuyện
với Lê Xuyên, nếu anh ấy chịu thì không có gì trở ngại.
Chỉ có thế thôi. Rất bất ngờ, hôm sau tôi đọc được
hàng chữ trên trang nhất: "Vì có người bạn chúng tôi can
thiệp nên chúng tôi thấy cần phải chấm dứt loạt phóng sự này".
Quả thật đó là điều khiến tôi hết
sức cảm động và ngay lúc đó tôi trở nên áy náy
vì biết đâu đó là một sự thật mà công sức của
anh phóng viên trẻ đã bỏ ra bị tôi "kỳ đà cản
mũi". Tôi gọi lại cho Lê Xuyên, anh chỉ cười:
- Thông cảm với phóng viên rồi nó bảo ngưng
cũng được, viết thế đủ rồi.
Tôi rủ anh đi ăn trưa, anh nói:
- Tôi vừa ngưng phóng sự mà đi ăn với ông
thì khác gì đi ăn hối lộ. Thôi hôm nào ông được bạc mình lại đi ăn đồ Tây.
Hôm nay tôi bận quá ông ạ.
Lê Xuyên cúp máy và tôi thì cứ ân
hận, chẳng hiểu vì sao. Chuyện này còn có nhiều nhân chứng còn sống ở đâu đó,
may ra họ còn nhớ. Tôi thì chẳng bao giờ quên.
BỎ ĐI TÁM!
Hơn mười năm sau, khi tôi ở trại cải tạo ra,
Thanh Thương Hoàng dẫn tôi đến thăm Lê Xuyên. Anh ngồi bán thuốc lá lẻ ở một
góc phố. Chiếc quầy thuốc bé tẹo nhưng cũng đủche hết tấm thân gầy
gò của anh. Chúng tôi nhìn nhau và cùng cảm thông rất sâu sắc cái thân phận
mình lúc này. Anh chớp mau mắt nói như để an ủi hơn mười hai năm
tù của tôi:
- Trông ông vẫn cứ phong độ như ngày
nào.
Tôi thẳng thừng thương bạn:
- Còn ông, trông chán bỏ mẹ... Chỉ muốn
khóc!
Hai bàn tay bạn tôi run lên, lật bật đút chiếc
chìa khoá vào ngăn tủ kính để mấy gói ba số năm bán lẻ (hồi đó ba
số năm quý lắm):
- Hút thuốc lá không?
- Không, tớ hút thuốc lào quen rồi, về đây
hút thứ nặng hơn mới đủ đô.
Thanh Thương Hoàng rủ sang bên con hẻm phía trước ăn
sáng. Đó là con hẻm lối đi vào một ngôi chùa hay
ngôi đình gì đó. Không có hủ tíu, Lê Xuyên phải chạy đi
gọi ở một nơi nào quen bán chịu cho anh ở gần đó.
Lê Xuyên trở lại với con người thật của anh. Vẫn hiền
lành, cười tủm và chân quê. Phải nhìn thấy cái cười tủm của anh mới biết tại
sao anh viết về những cuộc tình của những đôi trai gái đồng ruộng
miền Nam hay đến như thế, láu cá đến như thế. Tôi nhủ thầm: “Thằng
cha này tâm ngẩm tầm ngầm mà ghê lắm đấy. Nó không nói
mà chỉ viết nên nó viết được nhiều hơn mình. Chỉ có nó mới
viết được những "dòng chảy ngầm" của trai gái thôn quê miền
Nam thật đến thế và hấp dẫn đến thế.” Lê Xuyên
khác với một số những cây bút hoàn toàn Nam Bộ như ông Bình
Nguyên Lộc và Sơn Nam ởchính cái "thật" của anh, không màu
mè, không lý luận, không làm một cái gì như nghiên cứu sưu tầm về phong
tục tập quán dưới hình thức này hoặc dáng vẻ khác. Từng động tác, từng
thái độ, từng lối ứng xử trong nhân vật của anh cứnhư con
người thật lồ lộ đang ở trước mặt chúng ta vậy.
Trước mặt tôi, ông già Lê Xuyên vẫn còn
cái hóm hỉnh riêng, nhưng bây giờ thì như anh nói: "đếch viết
nữa". Tôi hỏi không viết được hay không thích? Câu trả lời của
anh gọn lỏn: "bỏ đi tám". Tôi không thể hiểu nỗi ba chữ "bỏ đi
Tám" mà anh dùng.
Có một nỗi chua chát nào đó trong cái tâm sự thật
của anh? Đến cái chứng minh nhân dân anh cũng không muốn làm nên không
có hộ khẩu, cứ như ở lậu, công dân lậu. Thái độ đó có đồng
nghĩa với sự "bỏ đi Tám" của anh không? Chỉcó anh mới
hiểu và bây giờ anh mang theo.
Cách đây vài năm, tôi có viết về Lê Xuyên
và may mắn nhận được sự giúp đỡ thiết thực của
khá nhiều bạn bè. Trong đó có một vài tờ báo muốn đăng
lại những truyện dài của anh, tôi hỏi, anh chỉ lắc đầu: "chẳng
còn cuốn nào" và cả chị ấy cũng không kiếm được cuốn nào cả.
Ba năm sau cùng, anh không còn sức để bán
thuốc lá lẻ nữa. Thỉnh thoảng tôi và Nguyễn Thụỵ Long
kéo đến thăm, cố dìu anh ra quán cà phê cuối ngõ ngồi
lai rai tâm sự vặt. Tôi vẫn cho rằng chỉ có lúc đó Lê Xuyên
mới được sống thật. Hai năm sau này dù có cố lôi
anh đi cũng không nổi nữa rồi. Anh như cái bóng trong góc tối của
gian phòng chật chội vây quanh bởi hàng trăm thứ lỉnh kỉnh nào bàn ghế,
chai lọ, giường tủ. Chỉ có cô gái út săn sóc cho anh, vợ vàcác
con lớn của anh vất vả với công việc hàng ngày rất ít thì giờ trông
nom cho bố. Cái chết đến từ từ theo từng ngày giờ buồn tênh, dường
như anh chán cả cái sống cái chết, không thèm chú ýđến nó nữa.
Khi tôi đến với anh lần cuối là lúc các con
anh đang tắm rửa, thay quần áo cho anh trước khi nhập quan. Cái thân
hình gầy gò trần trụi của anh phơi ra, tất cả chỉ còn có thế.
Tôi chuyển ngay cho chị số tiền mà tôi mới gửi e- mail tối hôm
qua thông tin về sự ra đi của anh, nhanh chóng được đáp
ứng. Các bạn ở Virginia, San Jose, Santa Ana yêu cầu tôi chuyển ngay
khoảng 1.000 Mỹ kim đến lo tang lễ cho anh. Một người bạn đưa
ngay đến 2 triệu và mang đến vòng hoa đầu tiên của bạn
bè Sài Gòn. Hôm sau chị khoe với bà con đến phúng:
- Có bạn bè làm chỗ dựa nên tôi mạnh
tay làm đủ thứ việc cho anh ấy. Mạnh vì gạo bạo
vì tiền, có phải không các bác? Không có bạn bè, tôi chẳng còn
biết xoay dở ra sao.
Tôi nói với chị:
- Chắc sẽ còn nữa, có một số anh em
chưa gửi kịp, xin chịan tâm đi tiếp con đường ai cũng phải đi.
Buổi chiều ngày 5-3, đúng hai giờ lễ động
quan bắt đầu, giữa trời nắng chang chang, chúng tôi đưa anh đến
Bình Hưng Hoà. Có rất nhiều người bên hè phố lặng lẽ tiễn đưa
anh, không ồn ào như những đám tang của những nhà nghệ
sĩ mà ở đây người ta cho rằng đó là những
"nhà nghệ sĩ lớn", nhưng những con người thầm lặng ấy
dõi theo anh với tất cả tấm lòng mình.
Họ không nói gì, không có kèn saxo
như trong đám tang Trịnh Công Sơn, không có giọt nước mắt dài ngắn
thở than của những danh ca nghệ sĩ, không có cả những bài
"điếu văn tưởng niệm" lâm ly bi đát, nhưng đầy ắp những
tình yêu thương từ xa xưa đọng lại, từ bốn phương lãng đãng
bay về phủ kín khung trời Sài Gòn. Thế là đủ, nó vượt lên
trên tất cả.
Văn Quang
Người chuyển bài - HV
No comments:
Post a Comment