Monday, October 30, 2017

Tiếng Còi Tàu - Hoàng Long Hải


Tiếng còi tàu!

 


 

Gởi mấy cô cậu học trò Quảng Trị

“Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu,

Ngàn đời không đủ sức đi mau”

Tế Hanh

Hình ảnh nước ta đấy!

hoànglonghải

Lần họp mặt “Đồng hương Quảng Trị” ở Houston, tôi có nói chuyện với một số anh em về “Ô Châu ác địa”. Hai năm sau, lại mặt “Đồng hương Quảng Trị” ở Atlanta, tôi lại nói chuyện về “tiếng còi tầu” trên những ga xe lửa ở Quảng Trị, Đông Hà. Tôi khẳng định rằng bởi vì “tiếng còi tàu” đó mà một số “eng, ả” (anh chị) Quảng Trị có “máu văn nghệ”, ưa làm thơ, làm văn. Ít thì vài ba bài, tham gia làm báo làm bung cho lớp, cho trường hay báo chí ở Saigon, có người in vài ba tập thơ.

Trong các tác phẩm của họ thấp thoáng hình ảnh những “con tàu đen đi lầm lũi” hay thoảng nghe đâu đó trong những “trang văn nghệ” có tiếng còi xe lửa.

Dĩ nhiên, cũng có người không đồng ý với tôi. Nhạc sĩ Trúc Phương quê ở Cầu Ngang, tỉnh Bến Tre, nhạc sĩ Lam Phương quê ở Rạch Giá, mấy nơi nầy có xe lửa đâu mà nhạc của họ cũng có nghe “tiếng còi tàu thét vang” vậy.

Điều đó không là vấn đề! Họ là nghệ sĩ. Họ chỉ cần nghe tiếng còi tầu trong… văn chương hay nghe ở ga Saigon hay ga nào đó, cũng có thể làm họ xúc cảm và làm cho sáng tác của họ có hình ảnh những người đưa tiễn ở… sân ga. Sân ga là nơi ly biệt và gặp gỡ. Ly biệt hay trùng phùng là đề tài của thơ nhạc, v.v…

Thông thường, ngoại cảnh có tác động ít nhiều đến tâm tình con người. Không ai phủ nhận ca dao, thậm chí cả chuyện cổ tích trong Văn chương Bình dân không thiếu phần lãng mạn. Cái lãng mạn đó từ đâu ra? Không phải từ những cánh đồng lúa, con sông nhỏ, lũy tre làng, những đêm trăng, tiếng gió rì rào… gây nên lòng yêu mến trong tâm hồn người nông dân Việt Nam; không những chỉ yêu mến mà có khi còn say đắm, làm cho tác phẩm văn chương của họ, ca dao và truyện cổ tích có ít nhiều lãng mạn và tình yêu quê hương đậm đà! Các quí vị thử nghe “Chiều làng em”, “Lối về xóm nhỏ”… mà xem. Nghe những bài hát loại như thế mà dửng dưng với quê hương thì nước ta sẽ bị Tầu đô hộ lần nữa, mau lắm.

Vậy thì “tiếng còi trên sân ga” không ít nhiều làm xoáy động tâm tư những “eng, ả” học trò Quảng Trị, để từ đó, họ làm ra những câu thơ, bài văn, ngoại trừ những “anh chị nào “vô tri bất mộ.”

Những tiếng còi tầu đó, không chỉ làm xúc động những cô cậu học trò Quảng Trị mà thôi đâu. Tế Hanh chẳng hạn, có lẽ ông từng nghe tiếng còi tầu đó ở Quảng Nam – Tế Hanh quê ở Quảng Nam – Đà Nẵng hay Huế, nơi ông “đi học”. Ông cũng thấy tiếng còi tầu “réo” gọi lòng ông: “Lâu lâu còi rúc nghe rền rĩ, Lòng của người đi réo kẻ về!” Tiếng “réo” ông dùng ở đây là hay lắm. Réo là réo gọi, nghe mãnh liệt và tha thiết, gợi buồn, gợi nhớ hơn khi người ta dùng một danh từ nào khác, như “gọi kẻ về” hay “nhắn kẻ về” chẳng hạn. Chữ réo là hay nhứt.

Ngày xưa, tầu thủy cũng chạy bằng máy hơi nước, còi tầu thủy cũng giống như còi tàu xe lửa, cũng gọi mời, cũng réo rắt như còi xe lửa vậy:

            “Tàu Cờ-Lốt Sáp trước khi nhỏ neo, theo lệ thường, rít lên ba hồi còi. Còi rúc thật dài, hùng dũng bao nhiêu thì ai oán bấy nhiêu….”

Đó là tiếng còi tầu ở Bến Sáu Kho, Hải Phòng do nhà văn Lê Văn Trương mô tả lại trong tiểu thuyết “Tôi là mẹ”. Sau đây là tiếng còi tầu ở “bến Bắc Cần Thơ”:

Tàu “xúp-lê” một còn thương còn nhớ!

                        Tàu “xúp-lê” hai còn đợi còn chờ!

                        Tàu “xúp-lê” ba, tàu ra biển Bắc.

                        Tay vịn song sắt, nước mắt chảy ròng ròng!

                        Đôi ta mới ngộ mà ông trời không thương!

Đâu phải “ông Trời” không thương! “Ông Tây” không thương thì đúng hơn. Bấy giờ bên Tây có chiến tranh Pháp – Đức. Tây Thực dân ở Đông Dương bắt lính, bắt người Việt Nam đi đánh giặc Đức ở bên Tây, làm “bia đỡ đạn” cho Tây. Người thanh niên “mới ngộ” – ngộ là gặp –  người yêu thì đã bị bắt đi “nghĩa vụ quân sư” hay “đi quân dịch” như thời bây giờ vậy.

Năm 1956, đường tầu thống nhất Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu có tầu chạy. Ga đầu là Saigon, ga cuối là Đông Hà. Chín giờ tối, khi chuyến “xe lửa thống nhứt” sắp tới ga Đông Hà thì người tài xế “kéo ba hồi còi” như báo tin mừng “tàu đã về tới nơi”. Hồi thứ nhứt thật dài, ngưng lại một tíc-tắc, rồi tiếp theo hồi còi thứ hai, ngắn hơn, và hồi còi thứ ba, ngắn nhứt. Tàu xình xịch dừng lại ở sân ga, xịt ra một làm hơi nước trắng và dài, như tiếng thở mệt nhọc sau một tuyến đường xa.

Ba giờ sáng, tàu lại xình xịch móc toa, lại ba hồi còi dài rít lên, trước khi rời ga Đồng Hà cho kịp nối toa ở Huế, thực hiện một chuyến đi mới, cho một ngày mới, dài về phương Nam, “về thủ đô Việt Nam Cộng Hòa”. Tiếng còi tàu giữa đêm hôm khuya khoắt, có những “tác dụng” khác nhau: Người học trò học bài thi biết “trời đêm dần tàn”, gắng ngủ một chút để sáng mai còn đi học. Người đi ngủ sớm thấy mình đang ngon giấc, bị tiếng còi tàu đánh thức, lên tiếng cằn nhằn.

Trên đường tầu “Thống nhứt” hồi ấy, Quảng Trị – Đông Hà được coi như hai ga cuối cùng của con đường sắt xuyên Việt. Ga cuối cùng. Hai tiếng cuối cùng, hay cuối đường tàu mà lại là “hai ga nhỏ” thường làm cho người nghe có môt chút gì bâng khuâng.

Cuộc tình nào rồi cũng đi qua
Một đường tàu biết mấy sân ga
Xin em, xem anh như một ga nhỏ dọc đường (1)

Cái lãng mạn của các cô cậu dẫn dắt họ đến những cuộc tình nào rồi đấy, mà cuộc tình nào không có “những lời đắng cay”, như trong câu ca dao: “Gió đưa cây cải về trời. Rau răm ở lại chịu lời đắng cay.” Sân ga nào là nơi tiễn nhau đi mà anh chỉ là cái ga nhỏ, mỗi ngày chờ em đi qua, để được nhìn em, và em lạnh lùng rời ga trong tiếng còi tàu nức nở, xé lòng người?

Văn chương lãng mạn nhiều khi lãng… xẹt. Độc giả thử đọc mấy câu thơ nầy của Tế Hanh xem:

Những chiều nghỉ học, tôi hay tới,

 Đón chuyến tầu đi, đến những ga.

Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt,

Lòng buồn đau xót nỗi chia xa

Tác giả chẳng có đón đưa ai mà đến ga. Rồi lại “bơ vơ xem tiễn biệt”, mắc mớ chi mà “đau xót” vì sự chia tay của… người khác. Kiều khóc mộ Đạm Tiên còn bị cho là “vô duyên” nữa kia, “khéo dư nước mắt khóc người đời xưa”, huống chi đây chỉ mới là “chia xa”, chưa hẳn chết chóc, mệnh bạc.

Lãng xẹt là chuyện thông thường nhưng nhiều khi không phải là không có lợi, biết đâu nhờ lửng thửng ở sân ga mà gặp một… người nào đó.

Như Quỳnh giải bày cái không hẹn mà gặp đó, của nhạc sĩ Thượng Ngàn, ông nhạc sĩ may mắn hơn ông thi sĩ Tế Hanh:

Tôi quen biết anh giữa một đêm thật tình cờ
Sân ga vắng thưa người và ngoài kia vẫn mưa rơi
Tình chưa thành lời vì còn ngại tình gian dối
Rồi ta đã quen nhau và cho nhau phút hẹn hò

Có lẽ các “cậu” học trò Quảng Trị chẳng có anh nào lên sân ga để “cua” gái. Việc ấy dễ bị… thất bại, nhưng đến sân ga vào những lúc chiều tàn, tình cờ, – tôi nói là tình cờ – đón một chuyến tàu mà không quen biết ai về trên chuyến tàu chiều đó là cái vớ vẩn của những người đứng ở ngưỡng cửa tình yêu:

 chuyến tàu cuối ngày
Tôi đến sân ga trời chiều lộng gió,
Hun hút đường tàu, lất phất mưa bay
Ga vắng thưa chưa người nào đến,

mới một mình tôi

Cảnh tượng “mưa chiều sân ga” dễ làm cho người ta nhớ đến những ngày mưa phùn dài lê thê ở sân ga Đông Hà, Quảng Trị, vùng “Châu Á gió mùa” có những cơn mưa bấc làm “lạnh buốt tâm hồn”.

&

Tôi từng gặp những “đứa” bạn mới trên mười tuổi đến chơi nơi nầy vào “những ngày nghỉ học”. Ngồi trên “goòng” để những đứa bạn khác đẩy chạy trên đường sắt là cái thú vui nghèo nàn của đám trẻ con ở thành phố nhỏ, thành phố không có chỗ giải trí cho trẻ con. Tôi và Nguyễn Cẩm, và Trương Văn Thông, Lê Văn Tịnh đã chơi cái trò nghịch ngợm bất đắc dĩ đó. Thế hệ sau, có “Hùng móm” với những đứa bạn của nó như Định và Hoài…

Thế rồi đi xa!

Vì sinh kế – như tôi chẳng hạn – và vì “trai thời loạn”, như Lô, Hàm, “Hùng móm” và bạn của nó lần lượt lên xe lửa đi về phương Nam, theo một con đường tàu dài hun hút, hy vọng tìm ở phương trời xa xôi đó, có bao nhiêu điều mới lạ, hấp dẫn hơn ở thành phố quê hương quá quen thưộc, nhỏ bé, quen hết ngõ ngách của những con đường phố không dài, và những khuôn mặt “cô nường” nào đó, quá quen, quen đến nỗi không dám nói một lời bông đùa, chọc ghẹo…

Bọn trẻ sau thế hệ tôi có lý tưởng cao cả hơn, thỏa chí “tang bồng hồ thỉ”, như những mũi tên được bắn lên bốn phía trong đêm “khai trường” trên dỉnh Lâm Viên.

Vậy mà chúng nó – cũng như tôi vậy – có người đưa, người tiễn, khi chúng muốn mang “hành trang người lính” đi đây đó “trên bốn vùng Chiến thuật”.

Có kẻ ra đi lại về:

Một đêm mùa hè tôi đến sân ga
Vui đón người trai lính trở về
Tàu cũ năm xưa mang về trả cho tôi người xưa…

Không hẳn ai đi rồi cũng về, những người ra đi “chinh chiến địa”, như “Hùng móm” chẳng hạn, không thấy về, hay chỉ “về tới sân ga” thì lại ra đi bằng một chuyến tàu cuối cùng, chuyến tầu cuối cùng trong đời “Hùng móm”.

Người ta cũng nghĩ tới những người “tiễn người đi”.

            Trở lại sân ga đón tàu tôi về một mình
Bao nhiêu ước mơ đầu chìm vào cơn nước trôi mau

(bài đã dẫn)

Những con tàu đã đưa “người đi không về, chắc rằng có người nhớ”. Không chỉ một người nhớ mà vạn người nhớ, nhớ những người vì đất nước nằm lại trên chiến trường.

&

Tôi sinh ra ở thị xã Quảng Trị, bên bờ sông Thạch Hãn, nhà tôi ở bên bờ sông Thạch Hãn, trường tôi học cũng bên bờ sông Thạch Hãn, và tôi từng nghe tiếng còi tàu vang dội trên sông nầy khi tôi còn tuổi ấu thơ.

Khi con tàu sắp rời ga để đi ra phía Bắc – Đông Hà, tàu rít lên một hồi còi. Khi tàu đang ngang cầu ga – cầu trên sông Thạch Hãn – còi tàu lại rít lên một hồi nữa, để chuẩn bị qua cầu Bầu Vịt, kế cầu ga. Những khi thanh vắng, tôi có thể nghe thêm một hồi còi tàu nữa, khi tàu sắp qua cầu Ái Tử. Có lẽ còn những tiếng còi tàu khác nữa, trước khi qua cầu Lai Phước hay tiếng còi tàu giục giã, khi tới ga Đông Hà.

Đêm khuya, khi trời thanh vắng, nghe một hồi còi tàu từ xa vẳng lại, tôi đoán chừng tàu từ Đông Hà đi vào. Tiếng còi hơi xa, từ phía cầu Ái Tử, rõ hơn, khi tới cầu Bầu Vịt, và mấy hồi thúc hối khi tới cầu ga; con tầu từ từ đi vào ga Quảng Trị.

Từ những năm cuối thập niên 1940, đầu thập niên 50, khi còn là học sinh, tôi từng bị tiếng còi tàu ám ảnh. Nằm trong chăn ấm, nghe tiếng còi tàu từ xa vọng, tôi tưởng chừng như tiếng còi tàu gọi tôi ra, biểu tôi đi, đi càng xa, người càng vui… như dó là tiếng gọi của thiên nhai, tiếng gọi của “chân trời viễn mộng”.

Tiếng còi tàu nếu không là tiếng gọi của Saigon thì cũng là tiếng gọi của cố đô; nếu không là “Ra khơi biết mặt trùng dương, biết trời mênh mông, biết đời viễn vông…” thì đó cũng là tiếng gọi của người ngàn xưa “Bên hào Vạn Lý” của Lê Minh Hoàng Thái Sơn. Tiếng gọi mơ hồ ấy khiến tôi thường ưa hát những bài hát về những tiếng còi tầu, về những ga nhỏ: “Chuyến tàu hoàng hôn”, “Tàu đêm năm cũ”, “Chiều sân ga”, “Ga chiều phố nhỏ”… Có bài nào trong những bài hát nầy không mang hình ảnh những ga nhỏ ở quê tôi?!

Chỉ vài năm sau, tôi đã lên đường, “bỏ nhà ra đi”, khi tôi chưa tròn 16 tuổi.

Và cuộc đời đưa tôi đi thật xa: Gò Công, Cà Mâu, Hà Tiên, Hòn Phụ Tử… Rồi những đêm trong trại tù Xuân Lộc, nằm nghe tiếng còi tàu réo gọi khi con tàu từ phương Bắc về tới ga Giá Rây bên chân núi Chứa Chan – Núi Chứa Cha! Chán Chưa? Chưa Chán hay Chán Chứa tình hoài hương?! Đêm trong tù nghe tiếng còi tàu từ chân núi xa vẳng lại, tôi lại nhớ về Quảng Trị, nhớ tiếng còi tàu khi tàu sắp qua cầu Bầu Vịt, khi sắp tới cầu ga, và cả những tiếng còi tàu ở sân ga Đông Hà, sân ga cuối cùng trên “đường tàu thống nhất”, nơi tôi đứng kế căn nhà lầu có khắc ba chữ T (TTT) thật lớn, để nhìn con đường tàu hun hút chạy về phương Nam mù mịt.

Có tiếng ai gọi ai từ cuối chân mây!

hoànglonghải

304Đen – llttm - VT

 

No comments: