Sunday, May 31, 2020

Mong Manh - Thuyên Huy



Mong Manh

Cho một con phố có dòng sông nhỏ chia đôi bờ níu tay nhau bằng cái cầu ba nhịp xi măng màu tường vôi nhạt trắng ở quê xưa

 
 
 











Ở đó
Có những cơn mưa chiều muộn và con phố tàn thu sớm
Có những mối tình vừa chớm
Chưa kịp vui đã vội vã tạ từ nhau
Có những cuộc tình làm lại từ đầu
Sau những ngày tháng nắng mưa bất chợt
Bên này sông
Hàng cây già trên đường khẳng khiu
Hao gầy lá vàng thu thưa thớt
Như người đứng chờ người buổi sáng không dám nói câu gì
Rồi cũng người đứng chờ người trường tan thơ thẩn về
Bên kia sông
Chợ nhóm vội buổi chiều không mấy ai đi
Mặc nước lớn ròng con phố hững hờ thản nhiên tàn thu sớm
Đầu dốc chuông nhà thờ thong thả đổ
Cuối đường nảo nuột tiếng kinh chùa kéo dài ru ngủ
Góc bến xe sáng nắng chiều mưa
Cũng vẫn có người đón người đưa
Cũng nụ hôn tạ từ nụ hôn tái ngộ và cái vẫy tay
Ở một ngả đường quen căn nhà có giàn hoa giấy đỏ hay bay
Đứa con gái ngồi nhìn trời mơ mộng
Tờ giấy mỏng màu thiên thanh vẫn cứ để trống
Lâu rồi mà chưa viết xong ba chữ mới biết yêu
Con phố sớm tàn thu để con phố buồn thiu
Người đạp chiếc xe lôi gầy còm quằn lưng cố đi hết quảng đường
Giữa màn mưa chiều muộn
Trước mái hiên một cái quán ăn vắng khách
Người hành khất run rẫy ngồi bó gối gục đầu đếm tiếng mưa tí tách
Thở dài
Dãy phố bên kia nép dựa sát vào nhau đứa con gái con trai
Hôn nhau vội vàng rồi buông tay bước ra đường đi ngược về đôi ngả
Tưởng chừng như người lạ
Hy vọng không phải tình cuối mà là tình đầu
Đèn đường lập lòe vàng ma quái hun hút ngỏ sâu
Đêm xuống lạnh lùng gọi tên con phố
Chuyến xe ngựa già đầu đêm không ai chờ
Đứng bên lề đường chênh vênh
Con phố ngở ngàng giữa muôn ngàn hạt mưa đục kết sợi mong manh
Con phố không còn ai thức
Cũng đành
Chiếc lá thu cuối cùng khóc một mình bay đi cuốn theo chiều gió
Rồi trong bóng đêm người níu kéo người rũ nhau tìm về ngôi cỗ mộ
Dưới đó
Con phố không còn nữa những phiền muộn hĩ nộ ái ố của vở tuồng đời

 
Thuyên Huy
Đêm một mình trên phố lạ Williamstown tàn đông 2019

 

 

Mơ Bốn Người Yêu - Nguyên Trần


Mơ Bốn Người Yêu

 
 
 
 









Người tôi yêu có tên là THƠ
Nàng đã bắt tôi phải đợi chờ
Những lúc hẹn hò nơi phố vắng
Để nàng thêu dệt mấy cung tơ

 
Người tôi yêu có tên là VĂN
Tôi chớm yêu không chút ngại ngần
Dù có những đêm trường khắc khoải
Để nàng viết truyện ngắn phù vân

 
Ngườ́i tôi yêu có tên là MÂY
Hoa tím tôi giăng khắp lối nầy
Chờ đón Nữ Hoàng khoe bóng săc
Để nàng chắp cánh cao xa bay

 
Người tôi yêu có tên là TRĂNG
Vóc dáng tiên nga giống chị Hằng
Cung ái cài then ngăn lãng tử
Để nàng lơ lửng dưới mưa giăng./.

             
Toronto 26/5/20
Nguyên Trần

Thương Hoài Mê Kong - Nguyên Phong


Thương hoài Mekong - Kỳ 1: Ký ức mùa nước nổi miền Tây
 
 
 

Từ hàng vạn năm nay miệt mài không ngừng nghỉ, nó đã mang biết bao nhiêu phù sa từ cao nguyên Tây Tạng, từ đất Trung Hoa, cả những chất màu mỡ trên đường nó đi qua Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cambot để xuống đến đây. Chính nó đã lấn biển, thêm rừng, bồi đắp nên đồng bằng xứ Nam Việt, nơi chúng ta đang đặt chân lên và gửi gắm cho nó cả cuộc sống

Xa quê đã hàng chục năm trời, tôi chưa có dịp quay lại mảnh đất miền Tây yêu dấu, nhưng trong lòng tôi luôn khắc khoải một nỗi nhớ quê hương. Đêm qua, tôi lại mơ thấy mình được ngồi xuồng cùng ba, lênh đênh giữa cảnh trời nước liền nhau của miền Tây mùa nước nổi, giống như một ngày tháng 9 những năm đầu thập niên 70 thế kỷ trước, lúc tôi lên 12, khi nước lũ về khiến làng quê bồng bềnh trong biển nước; những cánh đồng, những lũng cạn từ từ biến thành trắng xóa mênh mông.

Là người gốc Bắc, làm giáo sư ở một Viện đại học, nhưng ba đã rời Sài Gòn từ hơn nửa thế kỷ trước để về sống ở miền Tây, lúc đầu là ở mảnh đất Đồng Tháp. Người lấy má tôi là một cô thôn nữ địa phương xinh xắn đảm đang. Rồi anh em chúng tôi ra đời trong lúc ba má cứ đi lại dọc ngang trên sông nước miền Tây, vừa để mưu sinh, vừa để thỏa mãn cái thú “xê dịch” mà chính ba tôi - một trí thức yêu tự do, yêu thiên nhiên và những tâm hồn thuần hậu chân chất – đã truyền cho cả gia đình. Cũng có khi chúng tôi dừng lại một thời gian ở một nơi nào đó bên bờ nước, dựng một ngôi nhà tạm vách đất, mái lợp cỏ bàng, cỏ lát, hoặc một ngôi nhà sàn bằng gỗ cây chàm, lợp lá dừa nước. Ở chán rồi lại đi. Miền Tây đủ rộng cho thú ngao du của chúng tôi. Có thể nói, chúng tôi đã sớm coi nơi đây như quê nhà.

Chúng tôi dừng lại một thời gian ở một nơi nào đó bên bờ nước, dựng một ngôi nhà tạm vách đất, mái lợp cỏ bàng, cỏ lát... (Ảnh: Shuttersstock)
Sáng sớm, khi má và các em còn đang ngủ, từ xóm nhà lá, hai cha con tôi đã ngồi trên chiếc xuồng tam bản để chuẩn bị ra đồng. Xóm nhà lá có chừng đôi chục (1) ngôi nhà sàn dựng gần sát nhau. Xưa kia, người dân thường làm nhà trên những gò cao hơn mặt đồng chừng một vài mét, gọi là Giồng. Nhưng khi dân cư đến ở ngày càng đông hơn, số lượng Giồng cũng có hạn, nên để tránh lũ, người ta làm nhà sàn để ở.

Những ngôi nhà sàn sơn màu xanh đỏ hắt bóng xuống dòng nước đục nhờ nhờ thật vui mắt. Lúc này, nước chỉ cách mặt sàn chừng đôi ba chục phân. Xung quanh xóm nhà lá, bên những gốc dừa, có những ông lão ngồi trên xuồng tam bản buông câu lơ đãng như một thú vui chứ chẳng phải vì cá, bởi cá lội dưới sàn nhiều không đếm xuể, lũ trẻ chỉ cần phóng đinh ba xuống nước là trúng cá, các bà ngồi rửa chén cũng có thể tiện tay chém được những con cá lóc lớn.

- Ủa, giáo sư lại ra đồng hén? Một ngư ông da bánh mật, mặt mũi nhăn nheo, cười hồn hậu hỏi ba.

- Chết nỗi, cụ cứ gọi tôi là Hai Hành thôi. Vâng, cha con tôi ra đồng.

- Nếu giáo sư ra đồng kiếm cá thì khỏi, giáo sư sang tui mà lựa tẹt ga, cá bự chà bá, cỡ nào cũng có hết á. Mấy hổm rày, tui bắt được lắm à nhen.

- Tạ ơn cụ. Cha con tôi đi việc khác. Cụ ngồi câu vui vẻ nhé.

Có một vài người địa phương biết ba tôi đã từng làm giáo sư đại học, vậy nên bà con vẫn gọi ba tôi là giáo sư. Những người dân quê chân chất chưa từng biết chữ nhưng lại rất trọng những người có học vấn và đạo đức. Tuy vậy, ba tôi là người giản dị, chẳng bao giờ lên mặt với ai, ba rất yêu quý và sống chan hòa với những tâm hồn thuần hậu nơi đây.

Chiếc xuồng hướng mũi ra cánh đồng nước mênh mông trắng xóa, mái dầm nhịp nhàng khua nước theo sự điều khiển khéo léo của ba tôi. Thân thể ba cao lớn, vững chãi, nước da ngăm ngăm, áo nâu khăn rằn, cánh tay gân guốc và động tác uyển chuyển, thành thử trông ba không khác gì một ngư phủ địa phương; chỉ có vầng trán cao rộng, đôi mắt sáng, ánh mắt sắc và thâm trầm của một người có tư duy và trải nghiệm sâu sắc… phân biệt ba với những người dân quê chất phác. Người ta có thể yên tâm đi với ba trên các kênh rạch đến cùng trời cuối đất.

Nước vẫn đang lên và nắng cũng đang lên màu sóng sánh và ngọt như mật ong rừng, cái nắng hiếm hoi giữa mùa nước nổi. Được cái, nước lụt ở đây lên từ từ, mỗi ngày chừng đôi ba chục phân là nhiều. Ba nói ở mùa nước nổi của miền Tây, nước không dâng lên và rút đi chớp nhoáng như ở Bắc và Trung kỳ để gây nhiều tai hại, trừ một số ít những năm lụt lớn.

Được cái, nước lụt ở đây lên từ từ, mỗi ngày chừng đôi ba chục phân là nhiều. (Ảnh: Shutterstock)
- Sao vậy hả ba? Tôi hỏi

- Chính là nhờ Biển Hồ Tonle Sap ở Cambot (2) và hai cánh đồng lớn: Đồng Tháp và Cà Mau đóng vai trò làm túi chứa nước. Rồi còn nữa, nước mưa trên thượng nguồn của dòng Mekong được rừng giữ lại bớt nên lũ về không ồ ạt. Trước khi nước nổi lại có những báo hiệu trước, ví như nước chuyển màu đỏ đục, gọi là “nước quay”, hoặc khi thấy có những mảng lục bình hay rau muống từ trên những cánh đồng ở Cambot trôi xuống đây mà người ta có thể chuẩn bị trước.

Trước mắt tôi là một mảng lục bình đang dập dềnh dưới chân một cụm dừa nước lớn, những cây dừa nước với tán lá xanh ngắt cao đến 9m đu đưa trong gió. Người dân nơi đây dùng lá dừa nước để lợp nhà; cơm dừa là món giải khát ngọt nhẹ, mềm dẻo, bùi bùi, thanh thanh. Dưới chân đám dừa nước là cả một thế giới thủy sản phong phú.

- Vậy thì đây là nước của dòng Mekong phải không ba? Mekong là sông gì ạ?

- Đúng vậy con ạ. Mekong là con sông lớn của thế giới. Bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Tạng ở Tây Tạng, nơi quanh năm tuyết phủ, nó chảy băng qua những dãy núi trùng điệp của Trung Hoa, nơi nó được gọi là Lan Thương Giang và hạ phần lớn độ cao cũng như trải một nửa độ dài trên mảnh đất ấy. Rồi nó xuyên qua đất Miến Điện trong những khu rừng rậm rạp; mở ra rộng mênh mang đến vài cây số trên đất Luang Prabang của xứ Vạn Tượng – Lào; tạo thành biên giới tự nhiên của Lào và Thái Lan, nơi xuất phát cái tên Mekong của nó; rồi nó đổ sầm sập từ trên cao 18 thước ở thác Khone, gần biên giới Cambot và nghỉ ngơi trên Biển Hồ Tonle Sap của xứ Chùa Tháp trước khi len lỏi trong những vườn trái cây và trên những đồng nước này của miền Tây. Ở Việt Nam ta, nó mang một cái tên khác: Cửu Long Giang, với những phân lưu là Tiền Giang (sông Tiền) và Hậu Giang (sông Hậu).
 
 
 

Rồi nó len lỏi trong những vườn trái cây và trên những đồng nước này của miền Tây. (Ảnh: Shutterstock)
- Con vẫn chưa hiểu ngoài việc đem nước về thì Mekong có ý nghĩa gì đối với cuộc sống của chúng ta?

Ba tôi trầm ngâm một lúc, rồi người chỉ tay xuống dòng nước bảo:

- Con hãy trông dòng nước đục này, mỗi giây con sông Cửu Long đem tới 6000 mét khối nước vào mùa khô, còn mùa mưa là gấp đôi con số đó. Trong mỗi mét khối nước có chừng nửa ký phù sa. Từ hàng vạn năm nay miệt mài không ngừng nghỉ, nó đã mang biết bao nhiêu phù sa từ cao nguyên Tây Tạng, từ đất Trung Hoa, cả những chất màu mỡ trên đường nó đi qua Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cambot để xuống đến đây. Chính nó đã lấn biển, thêm rừng, bồi đắp nên đồng bằng xứ Nam Việt, nơi chúng ta đang đặt chân lên và gửi gắm cho nó cả cuộc sống. Phù sa và nước đã tạo nên cả một thế giới trù phú này. Vậy con nói xem Mekong có ý nghĩa gì với chúng ta không?

Như để chứng minh lời ba nói, hàng đàn cá lớn đi mừng nước mới làm đen cả vùng nước bên dưới xuồng tam bản. Những con cá lóc, cá trê, cá tra… to như bắp vế người lớn nhiều vô số kể. Xuồng chúng tôi bơi ngang qua những giồng cao giữa đồng, trên đó đậu cơ man nào là cò, là trích (3); cả rùa, rắn, cua đinh (baba)… cũng bò lên giồng. Trên trời rộn rã tiếng chim, dưới nước lao xao tiếng cá quẫy. Tôi lại nhớ câu thơ của Tế Hanh mà thi thoảng ba vẫn đọc tôi nghe: “Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu. Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy”.

- Ba, con muốn tấp vào giồng kiếm ít trứng chim.

Ba cười rạng rỡ lộ hàm răng trắng lóa đều tăm tắp, cặp mắt sáng thông minh ánh lên niềm vui.

- Được, lúc về ba sẽ đưa con lên đó nhặt ít trứng chim và bắt rùa, cua đinh về đổi món. Ở đây, ta đâu có lo đói. Người miền Nam nói chung, miền Tây nói riêng chẳng bao giờ lo đói rét. Thọc tay xuống nước có cá, ra đồng có chim trời, rau dại mọc khắp nơi, nhiều loại rau ăn được: từ bông điên điển, bông súng, củ sen, hạt sen đến đọt xoài, bằng lăng… nhiều vô số kể. Còn hoa trái ư? Lên vườn là đủ loại hoa thơm trái ngọt trĩu cành: xoài, cam, chôm chôm, măng cụt, mãng cầu, sầu riêng, sapoche (hồng xiêm), thơm (dứa)... Còn lúa gạo? chẳng phải gieo cấy vất vả, chỉ cần gieo sạ là có lúa ăn. Con xem chẳng phải ông Trời biệt đãi dân Nam chúng ta là gì, thông qua nước và phù sa của sông Mekong đấy.

Thọc tay xuống nước có cá, ra đồng có chim trời, rau dại mọc khắp nơi, nhiều loại rau ăn được: từ bông điên điển, bông súng, củ sen, hạt sen đến đọt xoài, bằng lăng… nhiều vô số kể. (Ảnh: Shutterstock)
- Con trông kìa, ba sẽ cho con thấy.

Ba tấp xuồng vào gần một vùng thực vật trông vừa giống lúa, vừa giống cỏ. Thân cây dài, phần nhô lên khỏi mặt nước cũng đến 2 mét.

- Đây gọi là lúa ma, cũng gọi là lúa Trời, một đặc trưng của đất Đồng Tháp. Nó là lúa dại, tự mọc, thân dài, hạt nhỏ, vỏ đỏ, vị đậm đà, nấu lâu chín hơn lúa thường. Lúa chín vào khoảng tháng 11 và chín vào ban đêm. Khi khai thác thì dùng hai cây sào đập vào bông lúa và hứng mền ở dưới. Con xem, không mất công trồng mà có cái ăn, chẳng phải của Trời cho là gì. Cũng như Trời đã cho người dân miền Tây chim trời, cá nước, rau tươi, hoa trái trĩu cành… con người ngày nay không cần quá vất vả, chỉ cần để cho thiên nhiên được yên, đừng can thiệp thô bạo vào nó là sẽ sống khỏe.

- Vậy người miền Tây sung sướng quá phải không ba?

Ba bỗng trở nên ngậm ngùi, đôi mắt nhìn xa xăm như nhớ về quá khứ.

- Nhưng chẳng bỗng dưng mà có được mảnh đất phì nhiêu màu mỡ này đâu con. Đó là công sức của bao nhiêu thế hệ người Việt, mồ hôi, nước mắt và cả máu của họ đã đổ xuống suốt dọc chặng đường mở đất đó.

- Ba kể cho con đi ba.

- Đi lại khó khăn, ít đường đất, lắm sình lầy. Giữa đồng nước, nắng chiếu trên cao xuống, hơi sình lầy dưới nước bốc lên, cỏ, sậy lại mọc cao quá đầu người nên gió không lọt vào đồng, nóng như hầm và sinh ra nhiều chướng khí. Lá cỏ lắm khi sắc như dao cứa đứt chân tay, lội đìa cũng dễ thụt lún chết người. Đó là cái nguy hiểm của địa hình cây cỏ. Dưới nước đỉa nhiều, mỗi con to như ngón cái; trên bờ bụi muỗi đông như cỏ, đặc như mây; rắn to rắn nhỏ nhiều vô kể; dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua … thiên nhiên nơi đây đã từng cực kỳ nguy hiểm, con người mất mạng cho nó không phải là ít. Mà nào chỉ có thế.

https://img.ntdvn.com/2020/05/ntdvn_...k-35693896.jpg
Rắn to rắn nhỏ nhiều vô kể; dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua … thiên nhiên nơi đây đã từng cực kỳ nguy hiểm. (Ảnh: Shutterstock)
- Thế còn chưa đủ sao ba? Con nghe đã rùng mình ba à.

Ba tôi nhìn những thân lúa dập dờn theo ngọn gió, giọng người vừa có chút thương cảm, lại rất đỗi tự hào:

Rừng thiêng nước độc dù hiểm trở vẫn không gây tai hại cho những người mở đất bằng nhân họa. Kể từ khi các chúa Nguyễn cùng những lưu dân khai khẩn đất này, họ đã phải tốn bao xương máu để bình định các thế lực địa phương: người Miên, người Chân Lạp. Kẻ địch mạnh nhất trong khu vực này là người Xiêm, những người luôn thèm khát vùng châu thổ màu mỡ và sẵn sàng tràn xuống theo lối Biển Hồ. Chỉ chừng 90 năm từ 1690 đến 1780 mà những người mở đất theo chúa Nguyễn đã chiếm cứ hết cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, mở ra cho Việt Nam một cuộc đất rộng lớn hơn mấy trăm năm trước cộng lại. Đất rộng, dân thưa mà ý thức cộng đồng làng xã chưa hình thành và phát triển vững mạnh như phần Bắc và Trung kỳ vốn có thời gian ổn định lâu hơn. Vì vậy, hết Xiêm La và sau này là Pháp quốc, họ đều chọn đánh vào vùng đất khó phòng thủ dễ tấn công này. Con nhớ bài học lịch sử không? Nam Kỳ lục tỉnh bị Pháp tấn công hai lần, lần đầu vào 1860 và những năm kế tiếp, lần sau là 1945… vậy đấy, bao nhiêu xương máu của con người nơi đây mới giữ được vùng châu thổ phì nhiêu này cho con cháu chúng ta thụ hưởng.

Một đàn cá đen nhảy rào rào trên mặt nước, thân đụng cồm cộp vào chiếc tam bản. Mắt ba sáng lên, người sang sảng đọc hai câu ca dao:

“Bao phen quạ nói với diều

Cù lao ông Chưởng có nhiều cá tôm”

Con có biết cù lao ông Chưởng giàu có đó ở đâu không? là ở An Giang đấy, nơi rạch Ông Chưởng nối sông Tiền và sông Hậu. Còn ông Chưởng là danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh, một trong những người có công lớn nhất trong việc khai phá miền Nam từ thế hệ các chúa Nguyễn đầu tiên. Ngoài ông ấy, còn biết bao những danh nhân khác mà cuộc đời đã hiến dâng cho mảnh đất này. Từ những văn thần võ tướng người Bắc kẻ Nam như Nguyễn Cư Trinh, Thoại Ngọc Hầu, Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Tri Phương… đến cả những người Trung Hoa tị nạn như cha con Mạc Cửu, đều có công khai phá, đánh dẹp; lại có những người con của miền Tây sẵn sàng chết trong cuộc chiến với người Pháp để giữ lấy vùng đất yêu dấu như là Thiên Hộ Dương, Thủ Khoa Huân, Trương Định, Nguyễn Trung Trực… con ơi, cứ nhắc đến những cái tên ấy là lòng ba lại trào dâng niềm xúc động và biết ơn.

Còn ông Chưởng là danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh, một trong những người có công lớn nhất trong việc khai phá miền Nam từ thế hệ các chúa Nguyễn đầu tiên. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)
Tôi kéo ba ra khỏi phút trầm ngâm xúc động bằng cách tuốt một cọng lúa ma.

- Ồ hết sảy ba ơi, sao thân lúa dài thế ba nhỉ.

- Nó ngoi lên mặt nước lụt mà. Nước cao đến đâu nó cũng không bị ngập, nó cũng giống người dân miền Tây đấy con: dân dã, tự nhiên, chân thật, rộng rãi và kiên cường.

Vừa lúc đó, một âm thanh từ ngoài xa vẳng đến:

Hò ơ ơ ớ ớ… “Ngó qua sông Tiền thấy mênh mông sông nước. Dòm về Thường Phước thấy sóng bủa lao xao. Thấy cặp cá đao nó nhào vô lưới. Ôi biết chừng nào anh cưới được em?”.

- Cụ Năm Hò đó con. Ba tôi khẽ cười. Ta ra thăm cụ chút.

Giữa cánh đồng nước, một chiếc xuồng tam bản lớn đang trôi dập dềnh. Một lão ngư phủ tráng kiện tay quăng mẻ lưới xuống mặt nước lấp lánh ánh vàng, miệng hò, giọng hò cao vút, ngọt ngào theo gió lan tỏa vào không gian, vang vang trên mặt nước. Chẳng ai ngờ nó là của một ông lão đã ngoài sáu mươi.

Chúng tôi đã đến sát thuyền của cụ Năm Hò.

- Chào cụ Năm, cụ hò hay quá.

Tôi cũng khoanh tay chào cụ. Cụ Năm Hò chào lại:

- Dạ, tui chào cha con giáo sư. Giáo sư quá khen.

- Cụ đang bắt cá gì đó?

- Tui quăng lưới cho zui thôi giáo sư. Mấy hổm rầy tui kéo được đủ rồi. Cha chả, cá linh nhiều quá trời giáo sư ơi. Tui ăn đến mát trời ông Địa, làm mắm không hết. Hổm bữa kéo nhiều quá sợ rách lưới tui lại phải thả xuống. Giáo sư cầm tạm chục ký này về nấu với bông điên điển cho sấp nhỏ ăn.

Những bụi điên điển mọc ở nơi trước kia là bờ ruộng, nay cũng chìm trong nước, lá điên điển xanh um nhưng hoa nở vàng ruộm, tô điểm chút màu sắc tươi sáng cho vùng châu thổ mùa mưa lụt. Tôi bảo đi hái nhưng ba ngăn lại nói: “không ai hái bông điên điển lúc sáng, khi nụ hoa đã nở, ong đến bướm đi, bông không còn mật ngọt, độ bùi thơm nữa. Phải hái vào buổi chạng vạng tối, lúc bông vừa hé nhụy. Khi hái nhớ nâng niu, tuốt nhẹ, để dập cánh mất ngon”.

“Không ai hái bông điên điển lúc sáng, khi nụ hoa đã nở, ong đến bướm đi, bông không còn mật ngọt, độ bùi thơm nữa..." (Ảnh: Shutterstock)
Ba cảm ơn cụ Năm Hò và xách mớ cá về xuồng. Ba bảo: “người nơi đây thực lòng lắm, con không nhận là họ giận đấy”. Rồi ba con tôi bơi xuồng đi tiếp.

Trời đang nắng, bỗng chốc mây đen kéo đến rồi mưa lớn rơi xuống thật nhanh, người nơi đây gọi là “mưa đồng”. Ba dựng mái tam bản lên che mưa. Dưới nước, trâu nối đuôi nhau bơi thành đoàn. Ba bảo: “giờ là mùa len trâu đó con”, những con trâu băng đồng tìm cỏ và chỗ đất cao để tránh nước.

Mưa rơi trắng đồng, sóng gió nổi lên khiến người ta liên tưởng tới khung cảnh hàng nghìn năm trước, lúc nơi đây còn là biển cả. Nhưng mưa càng lớn, nước lên càng mạnh thì tôm cá lại về càng nhiều.

Ba tôi nhìn về phía chân trời, vẻ tư lự buồn, người đọc câu thơ trong bài “Qua sông” của Tô Thùy Yên:

“Mùa mưa như một trận mưa liền

Châu thổ mang mang trời nước sát

Hồn chừng hiu hắt nỗi không tên…”

Không khí thơm phức mùi sen, gió hây hẩy thổi khiến cánh hoa rung rinh, càng đưa hương sen đi xa bát ngát. (Ảnh: Shutterstock)
Chiếc tam bản của chúng tôi vẫn trôi theo dòng. Mưa chừng hai tiếng mới dứt hẳn. Khí trời trong trẻo và hơi lành lạnh. Gió thổi hiu hiu. Trong không gian sực nức hương tràm, hương mù u theo gió từ đâu đưa lại, hình như lại có phảng phất hương sen. Đi thêm chừng một cây số nữa, xuồng chúng tôi đến một hồ sen đang nở. Giữa một vùng lá màu xanh nhạt, to bản, hàng nghìn bông màu hồng đỏ vươn cao, nở ra những đóa hoa cỡ đại rực rỡ; không khí thơm phức mùi sen, gió hây hẩy thổi khiến cánh hoa rung rinh, càng đưa hương sen đi xa bát ngát. Tôi lười nhác nằm gác đầu lên thành xuồng ngắm ráng chiều đỏ hây hây. Sau mưa, nước đã trong hơn, ánh hồng loang loáng, không biết nước phản chiếu màu sen hay màu trời. Ngoài xa xa, một đàn cò trắng muốt bay là là mặt nước. Cha con tôi im lặng tắm mình trong hương sen ngào ngạt, chỉ sợ một lời cất lên sẽ phá vỡ không gian thanh khiết thiêng liêng này của cảnh thiên đàng dưới thế. Ước chi cảnh tượng này kéo dài vĩnh viễn trên vùng châu thổ.

Bỗng tôi giật mình tỉnh giấc. Té ra chỉ là một giấc chiêm bao. Tôi thấy lòng mình như thắt lại. Ba đã mất vài năm trước ở thành phố. Mùa nước nổi giờ cũng không còn nữa.

Và Mekong cũng đang hấp hối.

Kính mời quý độc giả đón xem Kỳ 2: nước mắt vùng châu thổ.

Nguyên Phong


Chú thích:

(1): chục với những địa phương ở miền Tây có số lượng khác nhau, có nơi là 12 hoặc 14 hoặc 16

(2): Campuchia

(3): Một loài chim hình dáng và trọng lượng gần giống như gà; lông xanh và đen, mỏ và mào đỏ, phá lúa.

 

Thursday, May 28, 2020

Tình Bay Xa - Nguyễn Cang


TÌNH BAY XA

 
 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Đếm thời gian,  mấy  ngón tay gầy
Phút chốc đi qua nào có hay
Chợt nhớ ngày xưa lời ước hẹn
Bao năm rồi gió cuốn  mây bay!

Em là cô gái tuổi băng trinh
Áo trắng nữ sinh chưa vướng tình
Ta  lính trận đôi lần nghỉ phép
Yêu người theo vận nước lênh đênh

Tình ta vừa mới chớm hương đầu
Lơ lửng thuyền tình biết tới đâu?
U ẩn mắt huyền sầu viễn xứ
Nghe lòng man mác cảnh bèo dâu

Trời chiều nhạt nắng bến cô liêu
Sông Cái Bè lờ lững hắt  hiu
Bìm bịp ẩn mình  kêu  nước lớn
Nhớ thương  nhiều bóng dáng em yêu

Lần cuối gặp nhau  thề nguyện ước
Mai nầy đất nước hết đao binh
Ta xe  duyên thắm không còn đợi
Tay nắm tay nhau đẹp vẹn tình

Nhưng rồi chinh chiến cũng qua đi
Trường  cũ tìm em nào thấy chi
Ngơ ngác nhìn mây sầu lẻ bạn
Phương trời nào mỏi cách chim di?

Bây giờ lạnh buốt cõi không gian
Màu mắt thơ ngây tóc xõa ngang
Gom góp hương xưa vào bát cú
Ru hồn xao  động thấu tâm can!

Nguyễn Cang (10/2/2020)


Giữ Chút Niềm Tin - vkp Phượng ngày xưa & Còn Lại Quạnh Hiu - Nguyên Trần


GIỮ CHÚT NIỀM TIN
 

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Cảm ý từ bài thơ Còn lại quạnh hiu của Nguyên Trần
Tình xa nào cũng thế thôi
Buồn thương tiếc hận, đổi dời được sao?
Thời gian vun vút qua mau
Khiến  nhân nghĩa bị kéo dao cắt lìa
Không gian vạn dặm cách chia
Nửa vòng trái đất, bên kia chân trời
Thay lòng, dạ có chơi vơi?
Dám đâu trách cứ tình đời đổi thay!
Tại Ai  lỡ một lầm hai
Nên giông bão gieo đắng cay chúng mình
Thôi thì giữ chút niềm tin
Cho nhau lần cuối cuộc tình trái ngang
Vấn vương chi? Thêm bẽ bàng!!!

 
Saigon Tháng 5/2020 
vkp phượng ngày xưa

 
Còn Lại Quạnh Hiu

 
Thơ thẩn nhìn lên mây trắng bay
Đời ta cô quạnh biết bao ngày
Ân tình chốn cũ đà phai nhạt
Nhân nghĩa thời nay cũng đổi thay
Phương ấy em còn vui hạnh phúc
Chốn nầy ta mãi xót chua cay
Thời gian trôi giạt lòng hiu hắt
Vương vấn buồn bay theo bóng mây.

                                  
Toronto 14/5/2020
Nguyên Trần

Một Án Văn Nghệ Ít Người Biết - Nguyễn Thông


Một án văn nghệ ít người biết (Kỳ 1)
 

17-5-2020

Hôm rồi, Ban Tuyên giáo của đảng tổ chức khá long trọng lễ trao giải cho những cá nhân, tập thể, tác phẩm học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách của cụ Hồ. Điều này nhà nước chính quyền thực hiện hằng năm nhưng năm nay là mốc kỷ niệm chẵn hoành tráng (130 năm) nên độ lễ cũng hoành tráng hơn.

Cứ như những hàng chữ “đại tự” và con số cũng to chẳng kém trên phông màn (ảnh kèm theo) thì cuộc lễ này là “Lễ trao giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 – 2020”. Nhiều giải lắm. Trao nhận tíu tít. Nhưng cảm thấy lạ nhất là ban tổ chức lại lần mò quá khứ, trao giải đặc biệt (tức là giá trị trên cả giải nhất) cho một bài thơ chỉ thế hệ tôi (và trước hoặc sau đó mươi năm) biết, bài “Hồ Chí Minh, tên người là cả một niềm thơ” của nhà thơ cộng sản Cuba Felix Pita Rodriguez. Có nhẽ ban tổ chức đã chuẩn bị kỹ lưỡng nên mời cả con gái thi sĩ quá cố tới nhận giải ngay trên sân khấu, do đích thân nhân vật số 2 của đảng, ông Trần Quốc Vượng trao.

Phải nói như này, đó là một bài thơ viết về cụ Hồ vào hạng hay nhất. Mà lại do người nước ngoài viết. Tôi lẩn thẩn cho rằng còn hay hơn cả thơ Tố Hữu về cụ, vốn chỉ ca ngợi một cách thái quá, giọng điệu nịnh nọt lộ liễu. Có nhẽ chỉ bài thơ nội địa “Muôn vàn tình thương yêu trùm lên khắp quê hương” của nhà chính trị-thi sĩ Việt Phương mới sánh nổi. Lứa chúng tôi (sinh giữa thập niên 50) hầu như đứa nào cũng biết, thậm chí thuộc làu bản dịch bài thơ của Phê Lích (thời ấy cứ gọi nôm na tên của Felix Pita Rodriguez thành Phê Lích Pi Ta Rô Đri Ghết). Hình như người ngoài họ nhìn vào ta sẽ khách quan chân thực và táo bạo hơn. Đó là chưa nói thứ tư duy của Tây có những vượt thoát ra khỏi khuôn mẫu tầm thường (mà phương đông hay có), tạo ra những hình ảnh đặc biệt.

Lúc ban đầu, chúng tôi đọc bản dịch thi phẩm trứ danh này do nhà thơ Đào Xuân Quý chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp, thấy đã hay, sau có những người được học hành ở Cuba rành tiếng Tây Ban Nha dịch, cụ thể là bản của Hoàng Hiệp (không phải nhạc sĩ Hoàng Hiệp lá đỏ) thì càng hay hơn. Không phải kiểu hô khẩu hiệu mòn sáo như Tố Hữu “người là cha, là bác, là anh/quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”, mà Felix có cách diễn đạt rất đắt về cụ Hồ, chả hạn “Bởi vì người đã đói mọi cơn đói ngày xưa/Người đã chết hai triệu lần năm đói bốn nhăm khủng khiếp/Bởi vì người đã mặc mọi tấm áo xác xơ/Đã đi đôi chân trần của người dân mất nước”…

Thơ như thế này thì Chế Lan Viên cũng phải lắc đầu lè lưỡi. Ở Việt Nam thời ấy, cụ Chế khi công khai, lúc ngấm ngầm, luôn coi mình là nhất, thi bá trong quần hùng. Đám chúng tôi, học sinh lớp 8 lớp 9, rồi sau này thành sinh viên, cứ đọc đi đọc lại thơ Felix, bảo nhau tài thật, tài đến thế là cùng, cha bố anh Phê Lích.

Hẳn nhiều người nhớ rõ, ông Phê Lích viết bài trứ danh này năm 1968 sau khi sang Việt Nam đang chống Mỹ và được gặp cụ Hồ. Tức là khi cụ còn sống. Nhà thơ chỉ cảm nhận một con người lừng lẫy của cách mạng vô sản và thể hiện ra thôi chứ hoàn toàn chả có ý “học tập và làm theo” gì. Thế giới phe tả khi đó còn mải học tập và làm theo Stalin, Brezniev, Mao Trạch Đông, mấy khi để ý đến người vùng sâu vùng xa. Những năm chiến tranh, nhiều người biết nó (bài thơ), thuộc nó (tôi chẳng hạn).

Kể từ sau 1975, không mấy ai nhắc tới nó nữa, cũng như số phận của rất nhiều tác phẩm văn chương trong dòng ca ngợi, nhất thời. Bây giờ, Ban Tuyên giáo cũng như nhà cai trị xứ này sực nhớ tới nó, cũng là lẽ thường tình. Tuy nhiên, “biết ơn người có công” là một chuyện, nhưng gán cho thi sĩ Phê Lích và bài thơ của ông là kết quả của cuộc học tập và làm theo thì quả thật quá khiên cưỡng, nhất là lại của “giai đoạn 2018 – 2020” thì càng vênh lắm. Ừ, thì khi đã có quyền, người ta muốn làm gì chả được, kể cả những điều phi lý vô lý nhất.

Nhưng tôi vẫn chưa kể vào cốt lõi vụ án văn nghệ ít người biết đâu. Kể luôn thì dài quá, mệt người đọc. Muốn biết đó là gì, ai sống chết thế nào, xem kỳ 2 sẽ rõ.

Một án văn nghệ ít người biết (kỳ 2)

Nước Nam ta xưa nay, án văn nghệ thời nào cũng có. Không kể đến những án ghê gớm liên quan tới Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát…, chỉ riêng thời cộng sản nắm quyền đã nẩy sinh nhiều vụ oan sai, tai tiếng, vẩn đục cả làng văn nghệ.

Những người từng sống ở miền Bắc từ thập niên 50 về sau, chả mấy ai không biết không nghe về những vụ liên quan đến văn nghệ sĩ, đến những tác phẩm bị nhà cai trị “rút phép thông công” như nhóm Nhân văn giai phẩm (với Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu, Phan Khôi, Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Thụy An, Đặng Đình Hưng, Trần Duy…), “Nhãn đầu mùa” của Trần Thanh – Xuân Tùng, “Phá vây” của Phù Thăng, “Hai trận tuyến” của Hà Minh Tuân, “Sắp cưới” của Vũ Bão, “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan, “Tây tiến” của Quang Dũng, “Mở hầm” của Nguyễn Dậu, “Những người thợ mỏ” của Võ Huy Tâm, một số bài ký của Nguyễn Tuân… Sau nữa là “Cửa mở” của Việt Phương, “Cây táo ông Lành” của Hoàng Cát, “Vòng trắng” của Phạm Tiến Duật, “Sẹo đất” của Ngô Văn Phú… Rồi “Đề cương văn nghệ năm 1986” của Nguyên Ngọc, “Ly thân” của Trần Mạnh Hảo, “Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn, những phát ngôn của Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Minh Châu, v.v..

Có cái thành án, thậm chí tác phẩm bị cấm tiệt, tác giả bị tù tội; có cái chỉ do lệnh miệng vu vơ rồi chịu số phận dập vùi, cấm cửa ở các nhà xuất bản, không một tờ báo hoặc cơ quan truyền thông nào dám nhắc tới nữa. Tất cả chỉ bởi vì chính quyền-nhà cai trị không thích, không hài lòng, nhẹ thì cho nó là dao hai lưỡi, lập lờ hai mặt, ám chỉ, xuyện tạc, nặng thì bị quy thành chống đối, phản động, thù địch.

Nhưng như thế đã đi một nhẽ. Đằng này có cả không ít tác phẩm theo dòng chủ lưu ca ngợi, đề cao, tâng bốc, xu nịnh (những điều mà người cộng sản rất thích, rất chú trọng) cũng bị xử luôn. Tôi muốn nhắc ở đây trường hợp một bài hát từng khá nổi tiếng, bài “Khi ta nghe tiếng người” của nhạc sĩ Lê Lan.

Mấy hôm rồi, cả hệ thống chính trị ồn ào việc kỷ niệm 130 năm ngày sinh cụ Hồ. Thôi thì đủ thứ được khai quật để “tưởng nhớ công ơn người”. Tivi, đài phát thanh, báo chí, hội nghị, hội thảo, cả những chuyện gia chuyên ăn theo đời cụ như Hoàng Chí Bảo, Nguyễn Túc… được dịp nổ trời. Người cộng sản lúc nào cũng khẳng định tập thể là trên hết nhưng sự sùng bái cá nhân của họ thì không lực lượng nào sánh kịp. Khi họ đã huy động cả bộ máy nắm trong tay vào cuộc, có nhẽ trên thế gian này không còn thứ gì tồn tại ngoài điều mà họ đang ca ngợi. Tượng đài, khu tưởng niệm, bia nhớ ơn dày đặc trong cuộc đời thực vẫn chưa đủ, mà trong văn nghệ cũng phải tầng tầng lớp lớp mới chịu.

Thế hệ chúng tôi đã trải qua, chứng kiến thời điểm cụ Hồ mất và những ngày sau đó. Nếu ai không hình dung ra như thế nào thì cứ móc vào với Triều Tiên bây giờ sẽ phát lộ kha khá sự giống nhau. Trong thể chế cộng sản, mối liên hệ giữa lãnh tụ với phần còn lại của xã hội chẳng khác gì giữa thánh nhân, hoàng đế, thần tiên, siêu nhân với người trần mắt thịt. Nhiều cán bộ, đảng viên, dân chúng đã khóc thực sự khi được thông báo cụ từ trần. Giới văn nghệ sĩ, những người ăn lộc của cụ được dịp tỏ lòng biết ơn tái tạo sinh thành, nói theo kiểu Nguyễn Tuân là “cuộc tái sinh màu nhiệm”.

Giữa những ngày tháng 9 lịch sử ấy, hạng khóc cao cấp như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông, Huy Cận, Xuân Diệu, Việt Phương nức nở là chuyện đương nhiên, ngay cả chú bé thần đồng Trần Đăng Khoa cũng “cháu buốt ở trong tim này/chỗ đeo tang suốt đêm ngày, Bác ơi”. Hình như viết văn làm thơ mà không có bài về cụ dịp cụ “lên đường theo tổ tiên” này (về sau Tố Hữu tự sửa thành “nhẹ bước tiên” làm hỏng cả câu thơ) thì sẽ không còn cơ hội nào tốt hơn để chứng minh với chế độ lòng trung thành của mình nữa.

Các nhạc sĩ cũng vậy, không thể nằm ngoài vòng quản lý tâm hồn. Hầu như toàn bộ giới son phe đều ráng ít nhất mỗi người một bài, nhiều vị vài ba bài khóc bác. Đỗ Nhuận, Nguyễn Đức Toàn, Huy Du, Trần Chung, Xuân Giao, Nguyễn Văn Tý, Lưu Hữu Phước, Văn Ký… đồng thanh rất cảm động. Không chỉ trông cây lại nhớ đến người mà trong mắt các nhạc sĩ trời đất đều thảm sầu, lòng người buồn héo hắt.

Tôi còn nhớ đám học trò lớp 8 chúng tôi được tập 2 bài để kỷ niệm nhân sinh nhật 19.5.1970, hơn nửa năm sau khi cụ mất. Một bài của Huy Du, “Người sống mãi trong lòng con”, có những câu như trời sụp, chẳng hạn “Rừng Trường Sơn xót xa, bờ biển xanh sóng gào, trái tim nức nở nghẹn ngào”, hoặc “trời đất mây ngừng bay rơi nước mưa sầu, đàn chim xao xuyến bay, ngẩn ngơ bao luống cày, nước non vĩnh biệt cúi đầu”, vừa tập vừa khóc sụt sịt. Bài thứ hai, của một nhạc sĩ không nổi tiếng lắm, tuy nhiên khá cảm động. Cô Thanh chủ nhiệm gọi đó là bài “Khi ta nghe tiếng người”, tác giả Lê Lan.

Phải công nhận, ca từ và giai điệu bài hát của Lê Lan đều rất hợp với sự bi thương, ca ngợi, kính dâng. Dễ hát, xúc động, tình cảm sâu lắng. Trong không khí tang tóc mà viết được như vậy quả đáng nể. Lại càng đáng ghi nhận hơn nếu ta biết rằng Lê Lan là một nhạc sĩ quân đội, chuyên chém to kho mặn, nhiều bài kể lể như vè hoặc tấu hài, chỉ xoáy vào chuyện đánh nhau, chém giết.

Lứa chúng tôi đều thuộc mấy bài của ông thường được phát trong chương trình ca nhạc đài phát thanh, như “Kèn tiến công vang dội”, “Tiểu đội ta đạt 3 danh hiệu”, giờ nghe lại thấy cứ sao sao ấy, chẳng hạn “thằng cầm đầu vừa lóp ngóp ngoi lên, lốc nhốc một bầy quỷ Mỹ theo sau. Một hai ba bốn năm sáu… tên. Bắn thôi. Chớ bắn vội đồng chí ơi, chờ chúng tới một vài mét thôi. Một loạt đạn lia ra bốn phía, khà khà”, đại loại cứ nhẩn nha kể lể vậy, chả ra hát mà cũng chả ra kịch. Nhạc Lê Lan là thế. Mà chẳng riêng gì Lê Lan, thời bấy giờ hầu hết nhạc sĩ đều gân cổ hò hét cho xứng tầm anh hùng thời đại, như Trọng Bằng, Trọng Loan, Hồ Bắc, Phạm Đình Sáu, Lưu Hữu Phước. Chiến tranh đã tạo cho nhạc sĩ cách mạng khuôn mặt thần chết rất dữ dằn.

Lại nói bài của Lê Lan. Tôi dù dốt nhạc nhưng phải tự nhận thuộc nhiều bài thời chiến tranh, ngay cả những bài chả mấy ai để ý cũng thuộc, chả hạn “Khúc hát đảo quê hương” của Phạm Đình Sáu, “Nổi trống lên rừng núi ơi” của Hoàng Vân, “Người Châu Yên em bắn máy bay” của Trọng Loan, “Con cua đá” của Ngọc Cừ-Phan Ngạn, hay mấy bài vè kể lể của Lê Lan đã nhắc. Bài Lê Lan khóc cụ Hồ, tôi thuộc không sót một chữ, đơn giản bởi nó hay.

Vậy nhưng bẵng đi sau hơn 50 năm, chợt lẩn mẩn nghĩ cái bài ấy của cha nào mà mình quên béng tên. Tối 18.5 rồi, điện cho ông bạn Xuân Ba, bộ nhớ của lớp đồng môn, hỏi mày ơi, mày có nhớ cái bài hát viết về cụ Hồ bị cấm hồi xưa không. Y cười xoe xóe bảo quên thế đéo nào được, của Lê Lan, có thế mà cũng không nhớ. Tôi chưa kịp nói thêm, y hát ông ổng trong máy điện thoại viễn liên “Như dòng sông đưa phù sa, bốn mùa xanh một màu đất nước/Người là ánh nắng ban mai, như hoa thơm Tháp Mười/Trọn niềm tin khi ta nghe tiếng người/Thời đại mới đang bừng lên, Hồ Chí Minh sáng mãi tên người/Dìu toàn dân qua chông gai mỗi bước đường…”. Công nhận tài thật, cứ như cái máy cát xét xổ băng.

Tôi cũng nhớ chứ có quên hẳn đâu, chỉ hỏi lại cho chắc ăn thôi. Như đã nói, lời bài hát (bây giờ người ta hay gọi điệu đà là ca từ) rất hay, giản dị, hợp cảnh, hợp người, tràn đầy tình thương yêu. Cô Thanh động viên đám học trò, các em hát bài này thế nào cũng đoạt giải. Đám chúng tôi lại rơm rớm nước mắt, chả biết vì cô Thanh, vì cụ Hồ, hay vì bài hát hay.

Thế rồi đùng một cái, có nhẽ chỉ được gần 1 năm sau khi bài hát ra đời, Lê Lan và tác phẩm nghẹn ngào của ông bị lên đoạn đầu đài. Ca ngợi cụ Hồ cũng mặc. Quân pháp bất vị… cụ.

Thiên hạ đồn ầm lên rằng nhạc sĩ ăn cắp nhạc (hồi ấy nói thẳng là ăn cắp chứ không ne né đạo điếc như bây giờ). Nhạc ca ngợi cụ mà lại là thứ ăn cắp thì càng phải xử nặng. Nghe đâu Lê Lan ăn cắp giai điệu một bản dân ca Trung Á, rồi lại đồn từ bài hát ca ngợi Sa Pa Ép (Sapaev là một tướng lĩnh nổi tiếng của hồng quân Liên Xô, sư trưởng sư đoàn kỵ binh trong binh đoàn kỵ binh của nguyên soái Budioni.

Hồi những năm 60 ở miền Bắc có chiếu bộ phim “Sư trưởng Sapaev” rất hay, ta thắng địch thua, xem khoái lắm). Không biết lệnh cấm, rút phép thông công từ Ban Tuyên giáo của ông Tố Hữu, hay Hội Nhạc sĩ VN của ông Đỗ Nhuận, hay Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật của ông Nguyễn Đình Thi, hay từ cấp nào đó, Tổng cục Chính trị của ông Song Hào chẳng hạn, mà bài “Khi ta nghe tiếng người” với cái tên Lê Lan ngay lập tức chìm vào quên lãng. Không ai nhắc tới nữa. Không một lần phát lại trên đài nữa, mà chả riêng bài này, hình như tất cả những bài khác của Lê Lan cùng chịu chung số phận.

Một khi phiên tòa vô hình của chế độ đã đóng ịch chiếc búa xuống mặt lim thì chỉ từ chết tới bị thương. Không phải ai khác, chắc Lê Lan ngấm được điều đó. 42 năm sau (năm 2012) dù Lê Lan có được chiêu tuyết, được nhà nước nghĩ lại, sửa sai, truy tặng Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật thì cũng quá muộn bởi ông đã “khối hờn mang xuống tuyền đài chưa tan”.

Nghĩ cũng lạ, một bài hát viết về lãnh tụ, ca ngợi hay thế, chỉ khép vào án ăn cắp giai điệu mà tan nát một đời. Nếu thế, thì Đỗ Nhuận cũng phải chịu án ấy khi lấy gần như nguyên giai điệu hò Nghệ Tĩnh để ra đời bài “Trông cây lại nhớ đến người”, rồi còn bao nhiêu bài quan họ, xẩm xoan, chèo ca ngợi cụ Hồ từ những làn điệu cổ xưa. Đành phải chép miệng, có nhẽ Lê Lan đã không gặp may trong sự nghiệp ca ngợi của mình.

Nguyễn Thông

17-5-2020

304Đen – llttm -TD

Bìm Bịp Kêu Chiều - Tú Kép


Bìm bịp kêu chiều

 
 
 

Đảng Cộng Sản Việt Nam luôn luôn vận động toàn dân, nhất là cán bộ, đảng viên, thanh niên, sinh viên, học sinh trong nước, học tập và làm theo gương đạo đức Hồ Chí Minh. Vậy thưa bà con, đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh là gì mà đảng cộng sản lại vận động toàn dân học tập?

1) Hồ Chí Minh từ tên thật đầu đời (Nguyễn Sinh Cung) cho đến biệt hiệu cuối đời (Hồ Chí Minh), có tất cả trên một trăm sáu chục cái tên. Trong gần 80 năm cuộc đời, trung bình mỗi năm Hồ Chí Minh có hai tên, mà còn dư vài tên bỏ túi làm vốn. Mới sanh ra cũng hai tên. Ngồi chễm chệ trên đỉnh cao quyền lực đất nước độc tài, chẳng ai dám vuốt râu cáo, cũng hai tên. 

Đảng cộng sản hãnh diện Hồ Chí Minh có nhiều tên. Tuy nhiên một kẻ quá nhiều tên, và cả khi không cần thiết, đếch còn sợ thằng cóc tía nào bắt bớ giam cầm, mà cũng dùng bí danh, để làm gì, nếu không phải để lừa gạt, dối trá, giấu diếm, làm điều phi pháp, sợ lộ chân tướng? Ngay cả khi đi xem đấu tố bà ân nhân Cát Hanh Long Nguyễn Thị Năm mà chủ tịch nước Hồ Chí Minh cũng bịt râu cáo, hóa trang che mặt. Rồi về viết báo “Địa chủ ác ghê” vu cáo người đã bỏ công, bỏ của giúp “cách mạng”, nuôi giấu cán bộ trong nhà, là địa chủ tàn ác, giết người tàn bạo, và cuối cùng ký bút hiệu là C.B. để đăng báo. Thế là thế nào? Sỉ diện của một viên chủ tịch? Hay là trò ném đá giấu tay? Trò đạo dức giả? Không nỡ đánh phụ nữ bằng một cành hoa hồng, nhưng đem ra pháp trường xử bắn là sao? 

Khi bài báo “Địa chủ ác ghê” được đưa cho báo Nhân Dân đăng, cán bộ cộng sản giải thích C.B, là “của bác”, tức là của chủ tịch đảng CS đó, đừng giỡn mặt, lo mà đăng đi, lo mà đọc đi, lo mà học tập đi! Tuy nhiên trong các độc giả nhân dân anh hùng, lại có người giải thích C.B. là CON BÒ. Con bò đầu đàn trong đám “đàn bò vào thành phố”, mà một gã hát rong đã dùng ẩn dụ kín đáo mô tả. Ca dao thời cộng sản mô tả cảnh đàn bò vào thành phố như sau: “Bảy lăm đàn bò về thành,/ Chúng đã phá nát tan tành miền Nam.” Vậy thanh niên, sinh viên, học sinh, trẻ em có nên học tập thói dối trá, lừa gạt như Hồ Chí Minh hay không? 

2) Hồ Chí Minh làm bồi tàu biển, ra khỏi nước năm 1911. Qua tới Maseille, hải cảng miền Nam nước Pháp, Hồ Chí Minh hăm hở làm liền 2 tờ đơn giống nhau ngày 15-9-1911, gởi tông tông Pháp và gởi xếp sòng bộ Thuộc địa Pháp, xin đặc ơn vào học Trường Thuộc Địa Ba-Lê, nhưng bị từ chối.

Như thế nghĩa là Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nhà, mà không được, nên Hồ Chí Minh lại rêu rao rằng ra đi tìm đường cứu nước cho oai, làm cho đảng cộng sản hít hà xuýt xoa ca tụng náo cả thiên hạ. Nếu Pháp ban cho Hồ Chí Minh đặc ân vào học trường Thuộc Địa Ba-Lê, thì đỡ biết mầy, vì cùng lắm là dân chúng một huyện chịu đựng một viên quan gian ác tham ô mà thôi, toàn dân khỏi bị đại nạn như ngày nay. Thiệt là uổng! Phải không bà con? 

Ra đi tìm đường cứu nhà thì cũng tốt, rất tốt. Nói thiệt ra đi tìm đường cứu nhà cho rồi, thiên hạ còn thương, cần gì lại bịa chuyện nói láo? Rồi bắt trẻ con chổng mông học toàn chuyện láo lếu. Lớn lên, các em biết được sự thực là thằng chả chỉ ra đi tìm đường cứu nhà, thì các em càng cảm thấy bị phỉnh gạt suốt thời trẻ thơ của mình. Ai mà tin cho nỗi? Có nên dạy cho trẻ em nói láo kiểu nầy hay không? 

3) Khi được tin con trai gia nhập đảng Cộng Sản Pháp, theo chủ nghĩa Mác-Lê, cha của Hồ Chí Minh là cụ Nguyễn Sinh Huy, tức Nguyễn Sinh Sắc không bằng lòng, vì lúc đó đảng CS Liên Xô mới thành lập, quảng cáo rùm beng cộng sản là chủ nghĩa tam vô, tức vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo. Các cụ nhà Nho rất kỵ loại chủ nghĩa nầy, đi ngược với tam cương, ngũ thường của Nho giáo, từ bỏ luân lý dân tộc, chỉ phục vụ đảng và chủ nghĩa cộng sản. 

Từ đó, cụ Huy không muốn nói đến thằng con trai hư đốn của cụ nữa, thiếu điều cụ muốn từ con. Chính vì vậy, trong những ngày cuối đời, cụ Huy không trở về Nghệ An, nơi sinh quán của cụ vì xấu hổ với bà con làng xóm về thằng con bất hiếu của cụ. Bà con Việt Nam có muốn những đứa con yêu quý của mình theo tam vô, vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo, đặt đảng CS lên trên tổ tiên, cha mẹ, và học tập tính bất hiếu như Hồ Chí Minh hay không? 

4) Ngoài những cuộc tình lẻ tẻ, tháng 10-1926 tại Quảng Châu (Trung Hoa), Hồ Chí Minh, lúc đó có tên là Lý Thụy, thành hôn với một nữ đảng viên cộng sản Trung Hoa là bà Tăng Tuyết Minh. Khi chiến tranh Quốc Cộng bùng nổ năm 1927, Lý Thụy bỏ trốn nên phải xa Tăng Tuyết Minh. Tháng 5-1950, nhìn thấy hình Hồ Chí Minh trên báo Nhân Dân (Trung Cộng), bà Tăng Tuyết Minh gởi nhiều thư cho Hồ Chí Minh, qua tòa đại sứ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở Bắc Kinh, nhưng đều không được trả lời. “Giàu đổi bạn, sang đổi vợ”? Quân bất nghĩa! Phụ nữ Việt Nam có muốn người tình bất nghĩa vậy không?

Khi cầm quyền năm 1954 ở Hà Nội, Hồ Chí Minh có bà vợ trẻ đẹp là Nông Thị Xuân và có với bà nầy một cậu con trai. Một thời gian sau, bà Xuân bị Hồ Chí Minh ruồng bỏ, và bị thủ tiêu một cách tàn bạo. Vì chuyện nầy, Hà Nội xuất hiện câu ca dao: “Chơi bạn chọn bạn mà chơi, / Chọn chồng có đảng là đời tiêu tan.” Đó là gương sáng cho phụ nữ thời cộng sản. 

Thế mà chưa hết, Hồ Chí Minh với đảng cộng sản còn khoe rằng y sống cuộc đời độc thân giản dị. Đúng là Hồ Chí Minh độc thân mà không giản dị. Độc thân để tự do ăn chơi, hết bà nầy tới bà khác. Theo lời nhân viên phủ chủ tịch Hà Nội kể lại, Hồ Chí Minh phá hoại không biết bao nhiêu đời trẻ em nhỏ dại được cha mẹ bí mật gởi ra Bắc học tập trong thời chiến tranh. Sau 75, có người về nam viết lại tự sự khiến bàn dân thiên hạ mới biết thế nào là “đạo đức” Hồ Chí Minh!

Qua thăm viếng Indonesia năm 1959, Hồ Chí Minh thắt chặt ngoại giao với trẻ em nước nầy “hết sức chặt chẽ” khiến nước chủ nhà phải công khai đăng báo yêu cầu “chủ tịch 68 tuổi của Bắc Việt Nam” chấm dứt hôn hít các cháu gái, râu lão dài, chúng em nhột lắm. 

Thât là DANH GIÁ CHO LÃNH TỤ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, đem râu đi rung xứ người, được báo chí nhắc nhở, giáo dục khỏi phải tốn tiền quảng cáo. Hèn gì đảng cộng sản khoái chí vận động học tập đạo đức Hồ Chí Minh. Học hôn con nít kiểu Hồ Chí Minh khiến đảng viên cộng sản đê mê, học nhà chưa đủ, tranh thủ học thêm ở mấy quán nhậu, ở cầu thang máy. Rồi cán bộ nào cũng vợ lớn vợ bé tùm lum. Giỏi “ný nuận” như tổng lú mà cũng có cô K.H., phụ tá nâng khăn sửa túi (tham), chứng tỏ lão nầy chẳng lú tý nào. “Hồng hồng tuyết tuyết” cho vui cửa ồn nhà. Thủ niểng cũng bắt chước ngay. Giấu đầu lòi đuôi, nên dân Quảng Nam được dịp chứng kiến màn đánh ghen sôi nổi một thời. Cái hậu của câu chuyện nầy là nghe dân Đà Nẵng bàn tán rằng ông bí thư trẻ tuổi đảng ủy cộng sản thành phố Đà Nẵng do biết quá rõ các chuyện thâm cung bí sử nầy và hay ba hoa trong các buổi nhậu với bạn bè mà bị tai bay vạ gió, mất chức bí thư Đà Nẵng. Chuyện nầy xin hỏi lai thì biết rõ sự tình. 

5) Thi phẩm vĩ đại nhất của Hồ Chí Minh là quyển Ngục trung nhật ký, viết bằng chữ Hán (tức chữ Tàu), xuất bản tại Hà Nội, đã được phiên âm và dịch qua chữ Việt, phát hành hàng trăm ngàn bản ở trong nước và cũng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng ở hải ngoại. 

Nghe nói Hồ Chí Minh học tới lớp nhứt niên trường Quốc Học Huế, tương đương với lớp 6 trung học ngày nay. Quốc Học Huế lúc đó là trường dạy quốc ngữ và chữ Pháp, thì làm sao mà Hồ Chí Minh giỏi chữ Tàu để sáng tác hàng loạt thơ chữ Tàu được? Khi nhỏ Hồ Chí Minh học chữ Tàu với cụ phó bảng. Khi phục vụ trong Đệ bát lộ quân của Trung Cộng, học lóm với lính Tàu, thì làm khoảng 10 bài tứ tuyệt là khá lắm rồi, chứ làm gì có nhiều chữ Tàu để sáng tác thơ Tàu.

Nhờ học tập đạo đức Hồ Chí Minh, các đảng viên CSVN khi làm luận án các cấp, kể cả luận án cấp tiến sĩ, đã ăn cắp luôn luận án của người khác, mới thật là kỳ tích chứ. Tuy nhiên thanh thiếu niên, sinh viên Việt Nam chớ dại ăn cắp trí tuệ kiểu Hồ Chí Minh. Hiện nay, nạn ăn cắp trí tuệ đang bị bài trừ triệt để ở hải ngoại. Muốn xin xuất ngoại du học, thì thanh niên sinh viên Việt Nam dứt khoát phải liêm khiết trí tuệ, chớ dại ăn cắp thơ văn kiểu Hồ Chí Minh mà bị đuổi về nước một cách nhục nhã. Chuyện ăn cắp kiểu đó để cho cán bộ cộng sản làm. 

6) Đảng cộng sản còn kêu gọi học tập tư tưởng Hồ Chí Minh. Trời ơi! Hồ Chí Minh có tư tưởng quái gì ngoài việc ăn cắp những danh ngôn của người xưa. Hồ Chí Minh suốt đời làm tay sai cho Nga Tàu mà cũng học tập hở trời? Tại đại hội 2 của đảng cộng sản năm 1951 ở Tuyên Quang, Hồ Chí Minh xác nhận rằng: "Không, tôi không có tư tưởng ngoài chủ nghĩa Mác- Lê nin.” Rồi cũng trong đại hội nầy, Hồ Chí Minh nhiều lần tuyên bố: “Ai đó thì có thể sai, chứ đồng chí Stalin và đồng chí Mao Trạch Đông thì không thể sai được..” Chuyện nầy sách của cán bộ cộng sản hãnh diện viết ra, chứ không phải “Mỹ Ngụy” tuyên truyền đâu nha.

Chính Hồ Chí Minh tự nhận chẳng có tư tưởng, mà còn tự nhận là tư tưởng Stalin và Mao Trạch Đông là số dách, đúng nhất rồi, nên luôn luôn hành động theo lời hai ông nầy, đẩy đất nước Việt Nam vào vòng lệ thuộc Nga Tàu. Ngày nay, tại Nga và tại Tàu, người ta không còn xài tư tưởng hai ông nầy nữa. Người ta quăng vào sọt rác lâu rồi. Thế thì người Việt Nam, thanh niên, sinh viên học sinh có nên học tư tưởng Hồ Chí Minh để tiếp nối kiếp nô lệ cho Tàu hay không? Hãy nhìn Tây Tạng, Tân Cương mà coi chừng.

7) Trong di chúc trước khi chết, Hồ Chí Minh viết: “…tôi để sẵn mấy lời nầy, phòng khi tôi đi gặp cụ Cac Mac, cụ Lênin…” Trời đất quỷ thần! Trước khi chết, Hồ Chí Minh chẳng nghĩ đến cha của y là cụ Nguyễn Sinh Huy, đang yên nghỉ cô đơn ở Sa Đec, và cũng chẳng muốn gặp mẹ y hay tổ tiên dòng họ Nguyễn Sinh ở Nghệ An. Vậy có ai muốn cho con em học tập Hồ Chí Minh, phiêu diêu đi tìm mấy ông tổ cộng sản lạ hoắc ở Nga, ở Tàu mà chẳng thèm nghĩ đến tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em như Hồ Chí Minh hay không? Bà con cô bác tự trả lời.

Vài điểm rất sơ lược trên đây cũng đủ thấy Hồ Chí Minh chẳng có gì đáng để học, nhứt là thanh thiếu niên Việt Nam đừng theo thói Hồ Chí Minh để phản dân hại nước. Thanh thiếu niên Việt Nam cũng đừng dại tin đảng cộng sản, vì đảng nầy do Hồ Chí Minh thành lập, chỉ là một tập đoàn buôn dân bán nước, khấu đầu thần phục Tàu cộng, tham nhũng, cướp nhà cướp đất dân lành…Ca dao thời cộng sản có nhiều câu đặc sắc. “Chiều chiều bìm bịp kêu chiều, / Cộng sản cai trị tiêu điều Việt Nam.” 

Không biết chim bìm bịp có bịp đồng loại hay không, chứ Hồ Chí Minh và đảng cộng sản bịp dân mình quá xá trời đất, cho đến tận bây giờ vẫn còn tiếp tục sự nghiệp bịp dân, đưa tượng Hồ Chí Minh vào chùa quốc doanh, hưởng ké hương cúng Phật, tưởng rằng cũng ké luôn lòng dân tin Phật, không ngờ bà con cô bác chán chùa quốc doanh, lại sợ tên côn đồ chôm luôn thùng phước sương của bà con cô bác, nên bá con cô bác bỏ qua chùa khác.

Ngày nay, chủ nghĩa cộng sản không còn hợp thời. Chế độ cộng sản gặp nhiều khó khăn, nhất là khi Liên Xô sụp đổ, Trung Cộng cải cách, phát triển kinh tế và uy hiếp Việt Nam. Để tồn tại, cộng sản Việt Nam cũng phải cải tổ, nhưng cương quyết bảo vệ quyền lực và quyền lợi, nên vẫn duy trì chặt chẽ hệ thống tổ chức độc đảng độc tài đảng trị và tôn thờ hình tượng Hồ Chí Minh để giữ gìn đoàn kết nội bộ đảng. 

Vì vây, nhà cầm quyền cộng sản kiên nhẫn tuyên truyền về Hồ Chí Minh, tổ chức học tập thường xuyên cái gọi là đạo đức tư tưởng Hồ Chí Minh đều đặn cho cán bộ đảng viên, cho các lớp trẻ mới lớn. Dầu vậy, phải nói rằng hiện nay, nhờ Anh-tẹc-nét, bộ mặt thật của Hồ Chí Minh đã được triển lãm đầy đủ trên mạng xã hội còn hơn cả bảo tàng viện Hồ Chí Minh ở Hà Nôi, nên việc học tập đạo đức tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ làm trò cười cho bàn dân thiên hạ, chẳng ích lợi gì vì ai cũng thích học tên mạng hơn. 

Rõ ràng các đợt học tập Hồ Chí Minh, lúc khai trương kèn trống ầm ỷ. Khi tổng kết chẳng có ma nào tham dự, đành phải âm thầm đâu đó trong xó Ba Đình. Trong khi đó, Hồ Chí Minh lại trở thành đề tài ca dao tiếu lâm dân gian. “Mỗi năm hai thước vải thô / Nếu đem may áo tô hô tên hồ”. Có thể vì vậy, đồng bào tặng thêm cho đương sự một nick mới nữa là Tám keo, vì “bát hồ là tám keo”. (Bát là tám, hồ là keo.) Keo đến nỗi “tô hô tên hồ”. 

Bà con trong nước mới tiết lộ cho biết rằng để kỷ niệm ngày sinh của cáo năm nay, tổng lú và đảng cộng sản vừa họp đại hội, chẳng những chọn lựa thành phần nhân sự mới cho ban chấp hành đảng cộng sản, mà còn đưa ra nghị quyết mới, kết hợp tư tưởng của các nhà lãnh đạo chính trị của hai miền Nam Bắc Việt Nam thành đường lối hòa giải hòa hợp mới của đảng cho người Việt cả hai miền thông cảm nhau là: “Đừng nghe những gì cộng sản nói. Hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý ấy không bao giờ thay đổi.”

Đúng rồi! Đừng nghe những gì cộng sản nói. Vậy thì dẹp mẹ nó đi việc học tập đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh, vì toàn chuyện nói dối, phỉnh gạt, phản dân hại nước, tay sai Tàu cộng. Học làm quái gì cái thứ ấy, thưa bà con.

 
(Tháng 5-2020)

 
Tú Kép
danlambaovn.blogspot.com