Monday, November 12, 2018

Bình Bài Thơ Hoàng Hạc Lâu Của Thôi Diệu Với Bản Dịch Của Hương Lệ Oanh - Nguyễn Cang


BÌNH BÀI THƠ HOÀNG HẠC LÂU CỦA THÔI HIỆU VỚI BẢN DỊCH CỦA HƯƠNG LỆ OANH

  


Hoàng Hạc Lâu là bài thơ nổi tiếng của Thôi Hiệu (崔顥), ông là một nhà thơ danh tiếng thời nhà Đường. Tương truyền rằng, Lý Bạch (cũng là một nhà thơ nổi tiếng cùng thời với Thôi Hiệu) khi đến Hoàng Hạc Lâu định làm thơ cảm tác, đã thấy thơ Thôi Hiệu đề trên vách, đọc xong, vứt bút, ngửa mặt than rằng:

Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu.

Dịch nghĩa:

    Trước mắt thấy cảnh không tả được

    Vì Thôi Hiệu đã đề thơ trên đầu.

[Chú thích: "Theo giáo sư Wei Shang đại học Colombia thì Lý Bạch bị ám ảnh bởi bài thơ tuyệt tác của Thôi Hiệu làm ở lầu Hoàng Hạc mà đành im lặng mặc dù không nói ra nhưng trong lòng không phục, Lý Bạch không thể bình tâm trước sự kiện nầy nên ông đã gián tiếp ngấm ngầm tạo ra một cuộc đối thoại với Thôi Hiệu bằng cách sáng tác những bài thơ tương tự đề cập đến Lầu Hoàng Hạc với ý và cách dùng luật tương tự Hoàng Hạc Lâu như: Anh Vũ Châu, Hoàng Hạc Lâu Tống Mạnh Hạo Nhiên Chi Quảng Lăng, Đăng Kim Phụng Hoàng Đài"].

Sau đây là nguyên tác bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu:

    Chữ Hán:      Hán Việt

    鶴樓         Hoàng Hạc Lâu

 
昔人已乘鶴去  Tích nhân [1] dĩ thừa hoàng hạc khứ
此地空餘鶴樓  Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu
鶴一去不復返  Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
白雲千載空悠悠  Bạch vân thiên tải không du du
晴川歷歷漢陽樹  Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
芳草萋萋鸚鵡洲  Phương thảo thê thê Anh Vũ[2] châu
日暮關何處是  Nhật mộ hương quan hà xứ thị
煙波江上使人愁. Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

    (崔顥/ 704-754)         (Thôi Hiệu)

 Dịch nghĩa:      

     Lầu Hoàng Hạc

    Ngày xưa, người tiên đã cưỡi hạc vàng bay đi mất rồi,

    Nơi đây, còn trơ lầu Hoàng Hạc trống vắng.

    Hạc vàng một khi bay đi thì không trở lại nữa,

    Mây trắng ngàn năm vẫn dằng dặc trên không.

    Mặt sông lúc trời tạnh, phản chiếu vẻ sáng của cây cối vùng

    Hán Dương,

    (Cũng thấy) cỏ thơm trên bãi Anh Vũ tốt tươi mơn mởn.                                                                

    Chiều  tối, nhìn mãi mà chẳng thấy quê nhà nơi đâu?

    Chỉ có khói tỏa trên sông khiến buồn lòng người!

Chú thích từ ngữ:

Hoàng Hạc Lâu:(鶴樓) là tên một ngôi lầu danh tiếng ở Trung Quốc, tọa lạc tại quận Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc trên núi đá nổi cao của dòng sông Trường Giang. Lầu nầy là một trong những kiến trúc nổi tiếng của Trung Quốc . Trong thời kỳ chính biến loạn binh, Hoàng Hạc Lâu bị hủy hoại tất cả 12 lần . Truyền thuyết cho rằng tiên ông Phí Văn Vi thường cỡi hạc vàng ngao du nơi đây . Một hôm tiên ông cỡi hạc bay ngang qua Vũ Hán rồi dừng lại trên Đồi Rắn để ngắm cảnh, một bên là Trường Giang bên kia là Ngũ Hồ . Sau nầy từ nơi ấy người ta xây lên một ngọn tháp đặt tên là Hoàng Hạc Lâu . Đây là một thắng cảnh tuyệt đẹp, bao la hùng vĩ, thơ mộng . Lầu được bao phủ bởi một lớp sương mù mờ ảo làm tăng thêm vẻ đẹp và sự hấp dẫn, các tao nhân mặc khách thuờng viếng nơi nầy để đề thơ, ngắm cảnh trong đó có Thôi Hiệu và Đỗ Phủ .

Tích nhân (昔人): Theo Lục Du trong Nhập Thục ký, quyển 5 thì Phí Văn Vi thành tiên, thường cưỡi hạc về nghỉ ở Hoàng Hạc lâu.

Du du: dài dằng dặc , mãi mãi.

Lịch lịch (歷歷): vẻ sáng đẹp rực rỡ.

Hán Dương: là một quận của Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc. Hán Dương nằm về phía tây nam của Vũ Hán, đông giáp Trường Giang, nhìn sang Vũ Xương, có 2 cầu Trường Giang, Vũ Hán nối liền nhau. Phía bắc giáp Hán Giang và Hán Khẩu . Tại quận nầy có các hồ nước: Nguyệt Hồ, Liên Hoa Hồ và các núi Quy Sơn, Phượng Hoàng.

Anh vũ (鸚鵡): Khu bãi bến khúc sông thuộc Vũ Xương tỉnh Hồ Bắc. Chữ khứ : bấy lâu nay, theo wikipedia, ta vẫn hay đọc với thanh Trắc (dấu sắc). Có nhiều người đã cho là một bài thơ luật Đường 'phá thể', hoặc 'lạc vận'...Lại có nhiều người cố dịch ra quốc ngữ (abc) bằng cách dùng thinh trắc ở câu Phá (câu thứ nhất).

Chữ khứ : thời của Thôi Hiệu, hay vùng miền của ông có khi đọc ra là"khâu" hoặc "khu". Trong Hán Việt Từ điển - Thiều Chửu (trang 76) cũng cho biết như thế:

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khu/khâu

Thử địa không dư hoàng hạc lâu.

Bản dịch của Hương Lệ Oanh:

   LẦU HOÀNG HẠC


    Người xưa cưỡi hạc bay khuất bóng,
    Hoàng Hạc lầu trơ ở chốn nầy.
    Biền biệt hạc vàng không trở lại,
    Ngàn năm mây trắng hững hờ bay.
    Hán Dương sông tạnh trông cây rõ,
    Anh Vũ cỏ hương tốt mọc dầy.
    Chiều xuống quê nhà đâu chẳng thấy!
    Khói vương trên sóng gợi sầu tây.
    (Hương Lệ Oanh)

Tiểu sử tác giả Thôi Hiệu (704-754): người Biện Châu, tỉnh Hà Nam, là một hiện tượng lạ trong thơ Đường, đậu tiến sĩ niên hiệu Khai Nguyên (725, đời Đường Huyền Tông) làm tới chức Tư huân viên ngoại lang . Thơ Thôi Hiệu phóng túng, tao nhã, mà gợi cảm sâu xa. Ông sáng tác không nhiều, còn lại hơn 40 bài. Hai bài nổi tiếng của ông là khúc nhạc phủ Trường ca hành và bài thơ Hoàng Hạc Lâu đã đưa ông đến đỉnh vinh quang sáng chói của nghệ thuật thơ Đường mà tên tuổi ông cũng được lưu danh thiên cổ .

Phân tích và những lời bình :

Bài thơ Hoàng Hạc Lâu viết theo thể thất ngôn bát cú, thể hiện tâm trạng u hoài, nỗi lòng thầm kín của tác giả về nhân tình thế thái về sự được mất trước thời thế tác giả đang sống . Thôi Hiệu sống từ thời Khai Nguyên Đường Huyền Tông, đất nước thanh bình thạnh trị, kinh tế phát triển, cuộc sống người dân được ấm no, nhưng đến khi Đường Minh Hoàng lên kế vị thì đất nước Trung Hoa đi vào thời kỳ suy thoái, dân tình khổ sở lầm than . Triều đình là giai cấp thống trị, vua quan lo ăn chơi xa hoa trụy lạc, trong triều thì rối ren lục đục, bên ngoài thì mặc cho dân tình đói khổ. Chính những hình ảnh nầy đã gây xúc động mạnh mẽ trong lòng tác giả, tạo cảm hứng nguồn thơ khiến tác già viết lên lời thơ đầy truyền cảm Hoàng Hạc Lâu !

Lời thơ thật trầm buồn, chậm rãi như tiếc nuối cho một cái gì đã mất. Âm vang trải dài trên từng câu từng chữ vừa tha thiết êm đềm vừa ngậm ngùi luyến tiếc, như đang cứa miết vào tim người đọc vậy.

Câu đầu mở ra một viễn cảnh êm đềm, nhàn nhã trong lòng người du khách, thể hiện sự trống vắng, hụt hẫng trong tâm hồn (Người xưa  cưỡi hạc bay khuất bóng). Nguồn cảm hứng khơi lên từ huyền thoại về một tiên ông cỡi hạc vàng dạo chơi, ngắm cảnh, khiến tác giả xúc động khi đến thăm nơi nầy. Hình ảnh nầy xưa kia tựơng trưng cho một đất nước thanh bình, dân tình ấm no hạnh phúc. Kiến trúc công phu độc đáo của lầu khiến ta nhớ tới một thời vàng son chói lọi của một dân tộc từng hiện hữu nơi đây. Nhưng nay bất ngờ (câu thứ hai) một hình ảnh khác tương phản với hình ảnh trên đó là cảnh tiêu điều hoang vắng. Lời thơ trầm lắng khiến lòng ta chùng xuống nghe lạc lõng chơi vơi. Lầu đứng trơ trụi giữa khung trời vắng lặng lạ thường, nghe thương cảm biết chừng nào ! Ngày xưa rực rỡ bao nhiêu thí nay hoang tàn đổ nát bấy nhiêu. Biện pháp tu từ so sánh có tính cách đối lập, đối lập giữa cũ và mới, đối lập rực rỡ /điêu tàn, lộng lẫy/trơ trụi, được/mất v.v. được tác giả sử dụng một cách cách triệt để  phát huy tối đa tác dụng của nó khiến cho người đọc thêm bùi ngùi xót xa lẫn luyến tiếc:

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.

(Thôi Hiệu)

Người xưa cưỡi hạc bay khuất bóng,
Hoàng Hạc lầu trơ ở chốn nầy.

(HLO)

Tiên ông, ngày ấy cưỡi hạc vàng đậu lại trên lầu cao, bây giờ thì hạc vàng bay xa khuất bóng về phía chân trời , để lại lầu trơ một cảnh điêu tàn . Từ "trơ" trong bản dịch thay thế cho từ: trống vắng, trống không, trơ trụi của bản gốc ( "không" dư hoàng hạc lâu)  là tĩnh từ diễn tả trạng thái, tính chất của lầu hoàng  được sử dụng thật hay, đặc sắc . Chính hình ảnh lầu "trơ" ( bản dịch) đã gây thêm cảm xúc dạt dào trong lòng người đọc bằng những ý tưởng được diễn tả rất xác thực, cô đọng, khẳng định sự nuối tiếc và chua xót khôn nguôi:

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.

(Thôi Hiệu)

Biền biệt hạc vàng không trở lại,
Ngàn năm mây trắng hững hờ bay.

(HLO)

Câu thơ "Biền biệt hạc vàng không trở lại" như một lời khẳng định. Sự không trở lại của hạc vàng ngụ ý thời vàng son một khi đã tàn lụi tan biến thì không sao phục hưng lại được. Thôi Hiệu thương tiếc triều đại Đường Huyền Tông, một thời thái bình thạnh trị nay không còn nữa, ông tiếc nuối vì hiện tại nó trở nên tiêu điều hoang phế đến não lòng! Trong khi đó trên trời, mây trắng vẫn lững lờ trôi, trôi mãi ngàn năm, bất chấp tình huống xảy ra bên lầu Hoàng Hạc, về nơi phương trời vô định . Hình ảnh mây bay vô tình nầy tạo nên sự tương phản với nỗi đau trong lòng tác giả khiến lòng ông như bị chùng xuống, nặng trĩu đau thương . Hai câu thơ nầy nóí lên lòng hoài niệm thương tiếc cho những cái đã qua, đã mất, càng nghĩ càng xót xa đau lòng ! Bằng vài nét chấm phá, Thôi Hiệụ đã khéo léo đưa ta về chốn xưa bằng những nỗi niềm luyến tiếc cứ chồng chất làm nặng trĩu trái tim, chứa đầy u uất thầm kín về thế thái nhân tình về tang thương đất nước . Động từ "phản" () (tr li; bt phc phn: không tr li) nhấn mạnh sự mất mát, luyên tiếc, xót xa của thi nhân.

    Ta lại thấy một biện pháp tu từ về điệp ngữ . Thơ Đường rất kỵ việc lập đi lập lại một từ hay môt ngữ trong 3 câu liên tiếp. Ở đây Thôi Hiệu đã "phá cách" bằng cách lập lại ba lần điệp ngữ  với dụng ý sâu xa, cân nhắc cẩn thận chứ không phải vô tình . Hạc vàng trở lại trong tâm hồn người đọc, làm rộn lên niềm khắc khoải ưu tư, sau đó hoàng hạc bay đi mất khiến ta ngỡ ngàng, hụt hẫng, tiếc nuối khôn nguôi .

Chỉ trong 3 câu thơ ở phần đầu mà điệp từ "Hoàng Hạc" xuất hiện 3 lần cùng lúc với mây trắng bay lơ lững trên trời tạo thành một cảnh sắc hài hòa làm tăng thêm vẻ đẹp của lầu hoàng hạc cũng tô điểm thêm nét đẹp mỹ lệ cho bài thơ.  Riêng điệp từ "khứ" được lập lại hai lần trong câu 1 và 3, để nhấn mạnh ý "một đi không trở lại" rất hay, tuyệt vời! Đặc biệt câu thứ 3 "Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản" tác giả xử dụng liên tiếp 6 thanh trắc, mạnh tay "phá cách" luật thơ Đường truyền thống làm cho lời thơ như bị nghẹn lại, phản ảnh cảm giác nghẹn ngào, ngẩn ngơ, tức tưởi, nuối tiếc . Đúng theo luật thì chữ thứ 4 "khứ" phải thanh bằng, nhưng tác giả lại dùng trắc. Không những phá cách ở câu 3 mà tác giả còn mạnh dạn phá luật ngay từ câu đầu khiến độc giả ngỡ ngàng, choáng váng, nhưng khi đọc kỹ lại thấy hay ! (Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ). Toàn bài thơ là luật bằng vần bằng mà chữ "khứ" lại vần trắc và chữ "hạc" cũng trắc; chữ thứ tư "thừa" theo lẽ trắc lại bằng! Tác giả còn dùng cách hòa thanh phối trí giữa các vần điệu và âm thanh tạo nên nhiều cảm xúc mạnh mẽ cho người đọc

Hai câu luận :

Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.

(Thôi Hiệu)

Hán Dương sông tạnh trông cây rõ,
Anh Vũ cỏ hương tốt mọc dầy.

(HLO)

Hán Dương, Anh Vũ là hai địa điểm của Lầu Hoàng Hạc, đó là những thắng cảnh rất đẹp, hoang sơ giữa khung trời lồng lộng mây bay sớm chiều. Xa xa lúc trời quang mây tạnh, phản chiếu vẻ sáng của cây cối vùng Hán Dương . Gần hơn là cỏ thơm mơn mởn ở bãi Anh Vũ đang khoe màu sắc xanh tươi .

Cảnh vắng lặng đìu hiu khiến lòng người thêm buồn, nhớ, sầu, thương . Hai câu thơ vừa tả cảnh vừa ngụ tình thật khéo léo, đặc sắc, thi vị ! Cảnh xa cảnh  gần được lồng vào tình cảm vừa mông lung vừa trầm lắng . Những cặp từ láy: lịch lịch, thê thê là những nét vẽ tinh tế, khắc họa rõ nét hồn thơ thật sinh động, cảnh đẹp thiên nhiên hòa quyện với lòng người tạo thành một tổng thể hoàn hảo .

Hai câu kết của bài thơ  mới thật là xuất sắc, cô đọng trong một chữ "sầu" . Câu thơ có nhịp điệu chậm dần, trầm lắng thich hợp với tình buồn, nhịp thơ thay đổi đột ngột từ 4/3 truyền thống trở thành 2/2/1/2 trong bản gốc và cũng đúng cho bản dịch, khiến nỗi buồn như khắc sâu vào tim, kéo dài vô tận !  Màu sắc của thơ Đường được sáng tỏa trong 2 câu kết nầy . Trước cảnh trời chiều vắng lặng, nhìn về quê cũ bất chợt trong lòng tác giả dâng lên mãnh liệt nỗi buồn nhớ nhà khôn xiết . Nỗi nhớ nhà cuồn cuộn như sóng Tràng Giang dâng lên bát ngát che khuất cả quê nhà, không biết phương nao mà tìm . Xin trích 4 câu thơ nói lên tâm sự nầy của nhà thơ Huy Cận để chúng ta cảm thông nỗi buồn của người xưa:

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.

Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

(Tràng Giang / Huy Cận)

Ta còn bắt gặp trong lòng tác giả rộn lên niềm thương nỗi nhớ như có tiếng sóng trong lòng . Tiếng sóng ở đây là tiếng thổn thức của nhịp đập con tim, muốn tuôn tràn . Tiếng sóng nầy có khác tiếng sóng lòng của nhà thơ Thâm Tâm trong bài Tống Biệt Hành hay không, xin trích ra đây để độc giả so sánh:

Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?

Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong!

Đọc hết 2 câu kết của bài Hoàng Hạc Lâu, ta thấy lòng chùng xuống xuống rồi dãn ra như trút hết niềm tâm sự nhưng lại  cứa vào tim ta làm hằn lên nỗi nhớ quê hương, nhớ nhà:

Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

(Thôi Hiệu)

Chiều xuống quê nhà đâu chẳng thấy!
Khói vương trên sóng gợi sầu tây.

(HLO)

     Bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu đã ghi một dấu ấn tuyệt đẹp, góp phần nâng cao nghệ thuật sáng tác thơ Đường lên một tầm vóc  mới cao hơn có tính cách đột phá sáng tạo trong cách dùng từ ngữ  kể cả "phá cách" trong thơ cổ điển Đường thi. Bài thơ  gieo vào lòng người mộ điệu thơ văn nhất là thơ Đường những cảm xúc rất thật làm trăn trở biết bao con tim khi đọc bài thơ bất hủ nầy.

Nhận xét về phép đối gây nhiều thắc mắc và tranh luận:

Trong thơ Đường luật khó nhất là phép đối. Các thi nhân Việt Nam thuộc lớp tiền bối đã sử dụng phép đối rất tài tình, điêu luyện, già dặn như Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Trần Tế Xương, Nguyễn Khuyến v.v.

Thử xem Thôi Hiệu đã "đối" như thế nào qua bài thơ Hoàng Hạc Lâu?

Xét cặp thực (3&4):
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.

Xét vế thứ hai của mỗi câu:

"bất phục phản" (không trở lại) không đối chỉnh với "không du du"

(vẫn bay bay, hững hờ trôi)

Cặp luận (5&6):
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.

Hai câu nầy thoạt nhìn, đối rất chỉnh nhưng xem kỹ thì "Tình xuyên" đối không chỉnh với "Phương thảo" về thanh (Tình" thanh bằng, nếu trắc như "Tỉnh" thì đúng luật,"Tỉnh xuyên" đối rất chỉnh với "Phương thảo". Suy cho cùng thì đây không phải là một lỗi đáng kể vì tác giả đã áp dụng "luật tùy chọn": nhất, tam, ngũ bất luận!

Những nhà nghiên cứu ngôn ngữ học đã phân tách và gọi hiện tượng trên là "song hành đối và không đối". Nhà thơ trong lúc cảm hứng đã phá luật, múa bút một mạch cho ý thơ tuôn tràn lai láng một cách tự nhiên mà tạo ra cái gọi là "tự đối tự phi đối", làm cho bài thơ tự nó có một sự lôi cuốn hấp dẫn lạ lùng.

Dịch thơ :

Đôi điều về dịch thuật:

Bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu được "thiên hạ" dịch ra quốc âm không biết bao nhiêu lần . Vì là một bài thơ hay, mặc dù phát xuất từ Trung Quốc, nhưng tình cảm trong thơ lại gần gũi với người Việt Nam nên được người Việt ưa chuộng. Cho tới nay không biết có bao nhiêu người đã dịch bài thơ nầy ? Cả trăm, cả ngàn hay chục ngàn...chưa có thống kê cụ thể . Tại sao có nhiều người dịch như vậy ? Câu trả lời là vì thơ hay, vì người dịch trước còn thiếu sót chỗ nào đó mà kẻ đi sau muốn lấp đầy chỗ trống đó cho tròn nghĩa nên cũng muốn dịch thử xem sao . Càng muốn lấp đầy thì lỗ trống càng trống thêm ở chỗ khác, cứ thế mà tiếp tục mãi chưa biết bao giờ mới dứt, nhờ vậy mà chúng ta mới có dịp thưởng thức những bản dịch khác nhau, đem lại nguồn cảm hứng vô biên cho người đọc lẫn người dịch .

Liên hệ giữa thơ và nhạc:

Trong thơ phải có nhạc thì thơ mới hay, ngược lại trong nhạc cũng phải có hơi thơ thì bản nhạc mới có hồn: khi ca lên nghe réo rắc du dương hoặc sầu vương man mác khiến người nghe cảm động. 

Bài Hoàng Hạc Lâu còn được các nhạc sĩ Việt Nam đón nhận rất nhiệt tình bằng cách phổ nhạc bài thơ hoặc sáng tác hẳn một bài khác dựa vào ý chính của bài Hoàng Hạc Lâu. Nhạc sĩ Thanh Trang phổ nhạc bài thơ dịch của Tản Đà, nhạc sĩ Cung Tiến phổ nhạc bài thơ dịch của Vũ Hoàng Chương qua tiếng hát của Hương Lan, Quỳnh Giao; nhạc sĩ Mai Đức Vinh phổ nhạc bài thơ dịch của Hải Đà. Bản nhạc Màu Hoa Bí sáng tác của Võ Đông Điền dựa vào ý bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu được nhiều ca sĩ nổi tiếng trình bày: Như Quỳnh, Hương Lan, Thanh Tuyền, gây nhiều xúc động, nhận được nhiều lời khen là một trong những bài hay nhất.

Xét bản dịch của thi hữu Hương Lệ Oanh, tôi có vài ghi nhận sau đây : Tác giả trong những lần sinh hoạt xướng họa thơ Đường trong nhóm "Vườn Thơ Hương Xưa" đã "trình làng" cho nhóm bài dịch nầy, lúc đó có vài người phê bình là bài thơ phạm luật, sai vần . Cá nhân tôi cho rằng ông tổ Thôi Hiệu sai luật có sao đâu? miễn bài thơ đạt được ý chính ( mặc dù thơ Đường đòi hỏi luật lệ nghiêm nhặt) và đọc lên nghe truyền cảm . Trong tinh thần đó tôi  đưa bản dịch vào bài bình . Bản dịch thật nhẹ nhàng trầm bổng theo cung bậc và nhạc điệu bản gốc, đặc biệt dịch sát nghĩa và sát cả những chỗ sai niêm luật bằng trắc, thử đọc lại hai câu đề:

    Người xưa cưỡi hạc bay khuất bóng,
    Hoàng Hạc lầu trơ ở chốn nầy.

Bài phỏng dịch Hoàng Hạc Lâu của Hương Lệ Oanh,  thật truyền cảm, tác giả bắt chước sư tổ Thôi Hiệu, phá cách ngay câu đầu, cố ý làm sai luật để gây chú ý nơi người đọc ! Mời các bạn thưởng thức :

(Bản dịch của Hương Lệ Oanh, được ghi lại trong phần đầu của bài bình ở trên)

Toàn bài thơ là luật bằng vần bằng mà tác giả đi vần trắc ở cuối câu 1 (câu 1 niêm với câu 8), đồng thời sử dụng chữ thứ 6 "khuất" cũng vần trắc mà theo lẽ phải bằng . Chữ "khuất" nghĩa rất hay,    tĩnh từ chỉ sự không trông thấy nữa vì bị che lấp hay mất dạng vì bị vướng ngăn sau một vật gì. Từ "khuất" kết hợp với động từ "bay" tạo thành động từ ghép chính phụ, trong đó từ tố "khuất" bổ nghĩa cho "bay". Những từ nầy kết hợp với một số từ khác làm thành cụm từ " Cưỡi hạc bay khuất bóng "  chỉ sự bay mất của chim hoàng hạc mà cũng chỉ sự sụp đổ của một triều đại . Một màu vàng chớp lên trên trời rồi vụt tắt, cánh chim hoàng hạc bay đi không bao giờ trở lại, nó đã vĩnh viễn ra đi rồi... còn chăng là ảo ảnh trong tâm tưởng của kiếp nhân sinh mà thôi!

Những ưu điềm khác về mặt nghệ thuật dùng chữ đã được trình bày trong phần phân tích ở trên .

Về tứ thơ thì HLO đã trình bày rất súc tích, cô đọng bởi không khí mang mang trong cảnh sương mờ bao phủ khắp lầu Hoàng Hạc làm tăng thêm tình cảm ray rức bơ vơ của thân phận con người giữa một không gian của buổi trời chiều tắt nắng làm mờ cả lối về, không biết quê nhà nơi đâu ! Cảnh và tình nầy được HLO trình bày một cách nhẹ nhàng cô đọng bằng những vần thơ gợi cảm khiến lâng lâng lòng người nhất là 2 câu kết của bài thơ:

Chiều xuống quê nhà đâu chẳng thấy!
 Khói vương trên sóng gợi sầu tây.

 

Dịch thơ / Nguyễn Cang

 
LẦU HOÀNG HẠC

 
Người tiên cưỡi hạc bay đi mất
Hoàng Hạc còn trơ ở chốn nầy
Vàng hạc một đi không trở lại
Ngàn năm mây trắng lững lờ bay
Hán Dương trời tạnh cây lồng bóng
Anh Vũ cỏ non mọc ngập đầy
Chiều xuống nhìn quê nào có thấy
Chỉ còn khói tỏa khiến buồn lây .

 
Nguyễn Cang (2/10/18)

 

 

 

 

 

   

           

 

   

 

No comments: