Monday, November 12, 2018

Hà Nội - Song Thao


Hà Nội
 
 

Tôi xa Hà Nội năm tôi 16 ngơ ngác như một con ngỗng đực. Hà Nội mà tôi mang theo khi rời xa chỉ là những thứ vụn vặt cùng mằng.

Năm đó tôi đang học lớp Đệ Tứ trường Dũng Lạc, ngay bên hông nhà thờ chánh tòa mà dân Hà Nội ngày đó gọi là nhà thờ Lớn. Hà Nội của tôi nằm trên con đường từ nhà ở bên hông chợ Hôm tới trường và vùng phụ cận. Dọc đường tới trường có đường tàu điện mà chúng tôi thỉnh thoảng quá giang không mất tiền. Không phải đây là loại tàu thí mà vì chúng tôi gian! Tàu có vài toa, mỗi toa có người bán vé đi dọc trong toa. Người này cầm một tấm bảng lớn hơn tập vở trên đó có cái thanh giữ những tập vé dày cộm. Vé nhỏ bằng hai đốt ngón tay có nhiều màu trông rất vui mắt, mỗi màu là một chặng đường. Khi mua vé, người bán sẽ xé vé đưa cho người mua, cùi vé vẫn dính vào thanh ngang. Thường thì ba mẹ tôi vẫn cho tiền mua vé tàu đi học mỗi ngày nhưng ngày đó chúng tôi đã biết quý đồng tiền nên chẳng dại gì mà đưa tiền cho người bán vé. Chúng tôi đi tàu quịt bằng cách tử tế nhất là xin những chiếc vé còn giá trị cho đoạn đường kế tiếp của những hành khách xuống tàu hoặc, bặm trợn hơn, nhảy tàu đang chạy, hay truyền từ toa tàu này qua toa khác để tránh ông soát vé. Tiền đó chúng tôi làm văn hóa bằng cách đưa cho cô hàng sách để nhận một tập giấy 32 trang, khổ sách in, truyện kiếm hiệp như Long Hình Quái Khách hoặc Hỏa Thiêu Hồng Liên Tự hoặc truyện trinh thám của Phạm Cao Củng hay truyện đường rừng của Lê Văn Trương được in cóc nhẩy vài ngày một tập, mỗi tập chỉ đúng có 32 trang. Đọc vèo một cái là xong, mong chờ từng ngày để đọc tiếp. Ngày nào cũng phải tạt qua tiệm sách, chăm chú đọc tấm bảng đen viết bằng phấn trắng thông báo truyện mới ra ngày hôm đó. Tôi khá Việt văn chắc là nhờ những tập giấy 32 trang này. Đọc xong, đóng thành tập bằng cách dùng chỉ khâu lại. Tập sách này giúp chúng tôi làm thương mại bằng cách cho bạn bè thuê. Bạn bè cùng lớp toàn những thứ đứng hàng thứ ba sau quỷ và ma nên việc buôn bán này luôn bị trục trặc gây nên những cuộc cãi vã chửi bới và có khi trầm trọng hơn phải vận dụng tới chân tay. Nhiều khi chúng tôi xa rời văn chương để dùng tiền mon men tới những tấm truyện bằng hình tarzan hoặc zorro, chữ thì ít, hình thì nhiều nhưng có thể dùng làm đơn vị tiền tệ trong những trận đánh quay, đánh khăng hoặc bắn bi, đánh đáo.

Nơi chúng tôi bắn bi, đánh đáo, đánh quay, đánh khăng là sân trường hoặc vỉa hè trước nhà. Ngày đó vỉa hè không được lát gạch, chỉ toàn đất nên rất tiện cho việc chơi đùa của chúng tôi. Hiện tôi còn một anh bạn bắn bi đánh đáo ngày đó sống tại Montreal này. Nhà anh ở trước cửa nhà tôi trên đường Phùng Khắc Khoan nhỏ hẹp nối liền phố Hòa Mã với đường Trần Xuân Soạn. Mỗi lần gặp nhau, anh luôn hồi tưởng lại những trận thư hùng ngày đó và còn tức tối khi nhắc lại là tôi bắn bi rất mả, ăn hết bi của anh. May mà bây giờ anh không còn quý những viên bi như ngày xưa, nếu không thì chắc đã có một trận cãi vã ra gì giữa hai ông già mà còn vương vấn chuyện xưa khi còn… ngỗng đực!

Ngã tư Trần Xuân Soạn và phố Huế có một rạp xi nê nhỏ chuyên chiếu những phim giải trí cho nhi đồng. Phim kiếm hiệp Trung Hoa mà các hảo hán đằng vân giá vũ, áo quần bay phần phật, tay giữ chuôi kiếm, nhưng anh quay phim chĩa máy quay hơi thấp nên khán giả thấy cả bức tường nơi họ đứng vững vàng khi đang bay. Phim Tarzan hú vang trời vang đất đu rễ cây rừng giải cứu cô Jane thoát khỏi nanh vuốt của con khỉ đực. Tôi phải thú nhận là ngày đó đã ngây người ngắm cô Jane trong y phục rừng rú sơ sài chỉ có chút lá cây. Phim Zorro bịt mặt phi ngựa rầm rập kịp tới chỗ cứu người đẹp lúc kết phim làm chúng tôi vỗ tay vang rạp một cách thích thú. Trong một bài viết, tôi đã thú thật là quên tên rạp hát nho nhỏ này. Một độc giả từ bên Arizona phôn qua nhắc tôi đó là rạp Hà Nội. Chuyện quanh về khu phố Huế ở Hà Nội xưa, chúng tôi mới biết là hai đứa ở chung trên một con đường nhưng hai phía khác nhau ngăn cách bởi phố Huế, phía bên nhà tôi là Trần Xuân Soạn, phía bên kia phố Huế con đường đổi tên thành phố Huyền Trân Công Chúa. Lan man đấu láo, những nơi chốn thân quen xưa cũ như rạp xi nê Đại Nam, tiệm kem Cẩm Bình, nhà sách của bà Hồ Dzếnh được nhắc tới với muôn vàn kỷ niệm xưa. Song song với đường Trần Xuân Soạn, cắt ngang phố Huế là phố Hàm Long, nơi có ngôi nhà thờ mà trường tiểu học Trần văn Thưởng của tôi nằm trong khuôn viên.

Một nơi mà chúng tôi hay đạp xe tới là Bờ Đê và Rặng Ổi. Bờ đê Yên Phụ để đá bóng trên những bãi cát, Rặng Ổi để leo trèo hái trộm ổi. Bãi cỏ trước Viện Bảo Tàng, sau Nhà Hát Lớn, để tụ tập đấu láo. Bờ Hồ để câu cá, ăn bánh mì ba tê của những người bán dạo, thăm quán kem Mụ Béo và mua phát xa húng lìu của ông tàu già ngồi trong tháp Hòa Phong bên hồ Gươm. .

Hà Nội ngày đó chứa tuổi thơ của tôi. Khi rời Hà Nội tôi quả không có một chút phiền não nào. Tuổi thơ là thứ để sau này nhớ về chứ không phải thứ lưu luyến khi đó. Rời Hà Nội, tôi háo hức trước viễn ảnh được tới một phương trời mới, bồi hồi khi lần đầu tiên được leo lên máy bay. Phi trường Gia Lâm (hay Bạch Mai?) bữa đó là nơi tôi đặt chân tới đầu tiên. Những chiếc máy bay Dakota cánh quạt nằm phủ phục như những thớt voi đã thuần hóa. Khi anh lính Pháp, với giọng ngọng nghịu đọc những cái tên Việt Nam làm chúng tôi cười thoải mái, đã đỏ mặt giơ tay đếm đầu người cho lên máy bay mà chẳng cần tên tuổi. Ngày 26 tháng 7 năm 1954, sáu ngày sau ngày ký Hiệp Định Genève, là ngày tôi xa Hà Nội.

Ngày Hà Nội được chôn sống, tôi không còn có mặt để tiễn đưa thành phố thân yêu vào tay Cộng sản. Đó là ngày 10 tháng 10 năm 1954, tính tới nay đúng 60 năm. Một người Hà Nội, cỡ tuổi tôi, cũng ngụ tại phố Hàm Long trong khu phố cũ của tôi, ông Lê Phú Khải, đã hồi tưởng lại. “Đêm 9-10-1954 cả thành phố thiết quân luật. Đường phố như chết, không một bóng người, không có tiếng rao đêm quen thuộc. Nhưng hầu như tất cả Hà Nội đều thức trắng đêm đó, hồi hộp chờ đến sáng…Nhà tôi ở đầu phố Hàm Long, gần ngã năm Phan Châu Trinh, Hàn Thuyên, Lò Đúc, Lê Văn Hưu… Mấy chị em tôi hay dán mắt nhìn qua khe cửa, trong ánh sáng vàng đục của những ngọn đèn đường, tôi nhìn thấy những tên lính Pháp cao lớn mang súng đi tuần. Gần sáng, lính Pháp chốt lại ở đầu phố nhìn ra ngã năm. Khi trời chưa sáng hẳn, từng tốp bộ đội vai đeo súng từ từ tiến đến chỗ lính Pháp đứng. Những tên lính Pháp cao lớn đứng bên những anh bộ đội bé nhỏ, chỉ cao đến ngang vai lính Pháp. Họ nói với nhau những điều gì đó, bàn giao cái gì đó… rồi lính Pháp từ từ rút lên phía Nhà Hát Lớn thành phố theo đường Phan Châu Trinh. Khi lính Pháp rút rồi, chỉ còn bộ đội ta thì các cánh cửa hai bên phố đều bật tung, dân chúng ùa ra đường với cờ đỏ sao vàng trong tay reo mừng, hoan hô bộ đội”.

Mười một năm trước, năm 2003, tôi trở về Hà Nội sau gần nửa thế kỷ xa cách và thấy một Hà Nội khác. Khác ngay từ căn nhà cũ mà nửa thế kỷ trước tôi đã rời xa. Tòa nhà hai tầng, sáu phòng trước đây có hai gia đình: gia đình bác tôi và gia đình tôi. Nay đã được chia ra cho tám “hộ” trú ngụ. Mỗi gia đình một phòng, còn hai gia đình chiếm cái garage để xe và nhà kho nằm phía trên garage. Hành lang, cầu thang là nơi công cộng, cha chung không ai khóc, nên dơ dáy như một bãi rác. Tôi cố mường tượng lại những ngày sống trong tòa nhà này nhưng thực tại đã phá hỏng hồi ức của tôi.

Nhưng cái tôi tiếc nhất là vỉa hè trước nhà, thiên đàng của lũ nhỏ chúng tôi hồi đó. Con phố Phùng Khắc Khoan yên tĩnh ngày trước, nay đã biến thành một khu phố chuyên bán vải. Vải từ trong nhà tràn ra vỉa hè. Người người chen lấn ồn ào như một cái chợ. Chợ đứt đuôi chứ còn “như” nỗi gì. Dân Hà Nội gọi đó là khu chợ vải. Tôi len lỏi trên vỉa hè, va bên này vấp bên kia những bàn vải nặng mùi hóa chất mà cái bụng sôi sùng sục. Họ đã ăn cắp vỉa hè của tôi. Tôi tiếc cái thay đổi ở vỉa hè hơn là cái vỡ vụn trong nhà. Bởi vì ngày đó tôi ở ngoài vỉa hè nhiều hơn ở trong nhà. Cái ồn ào chợ búa trên vỉa hè làm tôi tức muốn khóc. Tưởng là chỉ có mình tôi thương tiếc vỉa hè nhưng ông nhà văn Nguyễn Quang Lập cũng chung tâm sự với tôi. Trong bài “Thương Nhớ Vỉa Hè” ông đã ca cẩm: “Thương nhớ gì lại đi thương nhớ vỉa hè, có mà dở hơi. Nhưng mà thương nhớ thật, nhiều khi tay chống cằm nhìn qua cửa sổ thấy vỉa hè nhốn nháo ngày nay bỗng nhớ thương da diết vỉa hè ngày xưa. Ở góc phố nào cũng có tụi con nít chạy loăng quăng đá bóng, nhảy dây. Mấy thiếu phụ vắng chồng, dắt con nhỏ tha thẩn đứng hết góc này sang góc nọ, gió thổi tóc bay váy lộng, vào mùa lá rụng cảnh ấy đẹp lịm người. Bây giờ thì không còn nữa, một khi hàng hóa túa ra thì vỉa hè teo lại nhường chỗ cho mưu sinh, ô tô chiếm hết lòng đường thì xe đạp xe máy nhảy lên hết vỉa hè. Mỗi đường phố chỉ còn vài khúc thảnh thơi, còn thì mất sạch. Mai mốt có lẽ không còn cái vỉa hè nào cho đúng nghĩa vỉa hè Hà Nội”.
 
 
 

Tôi còn mất nhiều thứ khi trở về lại Hà Nội. Mất rạp xi nê Hà Nội nay thành một cửa hàng bán áo cưới. Mất ngôi chợ Hôm nay trùng tu lại diêm dúa như một cô gái về già. Mất bờ đất cắm cần câu quanh hồ Gươm nay đã gạch đá phẳng lì. Mất ông Tàu già bán phát xa húng lìu nóng bỏng ngồi trong cái tháp cổ bên hồ Hoàn Kiếm. Mất những toa tàu điện chạy dọc phố Huế lên tới Bờ Hồ ngày nhỏ ăn gian vé. Nhưng cái mất nhiều nhất là mất con người Hà Nội.

Người Hà Nội ngày nhỏ của tôi đi đâu mất tiêu hết? Người Tràng An thời tôi còn nhỏ đã được khắc nét trong hai câu thơ: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài / Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An. Dân thủ đô Hà Nội từ ngày còn cái tên Thăng Long là những con người lịch lãm với lối nói rất…Tràng An yểu điệu lượt là. Những thêm thắt vào câu nói với “dạ vâng, dạ thưa” nhẹ nhàng; những rào đón trước khi nói ra ý nghĩ của mình với “nói vô phép” “nói khí không phải”; những lời cám ơn suýt soa “quý hóa quá”. Ngày nhỏ tôi đã sống trong những lời nói điệu đàng đó khiến nhiều lúc, như một thứ tinh nghịch, muốn phá vỡ những âm thanh mà nhiều khi nghe như giả dối, khách sáo, thiếu chân tình. Bây giờ, về lại phố xưa, tôi hối hận vì ngày nhỏ đã không trân trọng lời ăn tiếng nói của dân Hà Nội ngày đó. Chợ vải trên vỉa hè xôn xao những âm thanh lạ lẫm. Tiếng Hà Nội bây giờ nghe ngang ngang với những âm thanh như chọc vào lỗ tai người nghe. Đó là một sự pha trộn những phát âm không thể là tiếng Hà Nội. Muốn nghe lại tiếng Hà Nội nguyên thủy, người ta phải tới…Sài Gòn! Như ông Ngô Triệu Phong đã từng. Ông kể lại: “Cuối năm 1978, tôi vào Sài Gòn, được gặp một số người Bắc lớn tuổi di cư năm 1954. Họ vẫn giữ chất giọng và cách nói rất Hà Nội cho dù họ sinh hoạt với cộng đồng người phía Nam một thời gian khá dài.Thực ra cũng chưa có văn bản nào xác nhận tiếng Hà Nội là chuẩn mực. Có lẽ người ta mặc định đó là tiếng của thủ đô? Nhưng điều tôi muốn bàn ở đây là lời ăn tiếng nói của người Hà Nội nói riêng, tiếng Việt nói chung, đã thay đổi nhiều. Việc này hiển nhiên vì ngôn ngữ có đời sống của nó. Nhưng thay đổi theo hướng biến dạng và méo mó thì không thể chấp nhận”.

Ý nghĩ của ông Ngô Triệu Phong có thể lý giải một phần việc mai một của tiếng Hà Nội ngay giữa lòng Hà Nội: người Hà Nội đã bỏ Hà Nội! Ngoài cả trăm ngàn người Hà Nội di cư, người Hà nội còn bị xua đuổi bởi những người tiếp quản thủ đô. Những kẻ chiến thắng đã tràn vào Hà Nội. Họ là những người từ nhiều địa phương khác nhau, mang vào Hà Nội nhiều phương ngữ khác nhau. Tất cả trộn lại thành một thứ tiếng hổ lốn định hình cho tiếng Hà Nội hiện nay.

Tôi có một anh bạn ở Montreal. Cha mẹ, anh em di cư vào Nam hết, riêng mình anh ở lại với bà nội để giữ nhà. Họ tưởng là hai năm sau, theo hiệp định Genève, đất nước sẽ thống nhất, gia đình sẽ đoàn tụ lại. Vài năm sau khi Cộng sản xâm lăng miền Nam, anh được gia đình bảo lãnh qua Montreal. Nói chuyện với anh, không ai nghĩ anh là người ở lại Hà Nội sau ngày di cư. Anh vẫn nói tiếng Hà Nội rất chuẩn, không một chút méo mó. Hỏi chuyện, anh cho biết, sau ngày tiếp quản, thành phần chủ chốt của những người cầm quyền mới là những người từ ngoài vào Hà Nội. Ngay trong nhà trường, các giáo viên cũng là những người từ những địa phương khác được phái về Hà Nội. Họ không nói tiếng Hà Nội. Cả một thế hệ người trẻ theo họ, bắt chước tiếng nói của họ. Những thế hệ sau, ảnh hưởng của việc thay đổi tiếng nói càng trầm trọng hơn. Xã hội phải theo thời, đó là định luật xã hội. Ít người cưỡng lại được. Anh là một trong số những người ít ỏi đó. Vì anh có cái may mắn là gia đình ở trong Nam chu cấp thừa mứa tiền bạc, vật dụng cho bà cháu anh qua ngả Pháp. Anh không phải lệ thuộc vào xã hội.
 
 

Biến dạng theo tiếng nói, người Hà Nội ngày nay biến dạng cả trong cách cư xử. Hết rồi phong cách của người Tràng An: lịch lãm, hào hoa phong nhã, ngôn ngữ trong sáng. Một ông Tiến sĩ ở thủ đô đã nhận xét: “Người Hà Nội bây giờ tiết kiệm với nhau cả những cái gật đầu, cả những nụ cười và thay vào đó là lối nói xô bồ, tục tĩu huỵch toẹt, thiếu văn hóa, kiểu ăn nói “lệch chuẩn”, nhất là ở giới trẻ. Họ quên hẳn những chữ “cám ơn” hay “xin lỗi”.

Ông Lê Phú Khải, người Hà Nội xưa không di cư, ở lại với Hà Nội, kể về trường hợp nhà thơ Hoàng Hưng. Nhà thơ ba đời là người Hà Nội. Sau 1975, vào sinh sống tại miền Nam. Nay về hưu muốn quay trở lại Hà Nội. Ông Khải viết: “Bây giờ mười người Hà Nội thì có đến tám người từ các nơi khác đến “ngụ cư”! Họ làm quan, làm thợ, làm dân thường. Họ mang lối sống “hỗn tạp” (từ dùng của nhà thơ Hoàng Hưng) đến đất ngàn năm văn vật! Chính vợ nhà thơ Hoàng Hưng kể với vợ chồng tôi rằng, hai vợ chồng bà đi chợ mua một ngàn đồng lá chè tươi, được người bán vốc cho một nắm. Thấy một ngàn mà cũng được một vốc, nhà thơ Hoàng Hưng khen: “ Được nhiều đấy nhỉ !”. Bất ngờ cô bán hàng chửi : “ Mua có một ngàn mà còn nói cái đéo gì, cút mẹ nó đi cho người ta bán hàng!”. Ít lâu sau tôi được biết vợ chồng nhà thơ Hoàng Hưng đã bán căn hộ ở bán đảo Linh Đàm để quay về Sài Gòn. Chấm dứt “ước mơ” cuối đời quay về cố đô sau nhiều năm lưu lạc (!)”.

Mới đây, tôi đọc được một bài viết của một người Hà Nội, nay đã vượt biển qua sống bên Mỹ, nhớ lại cái Tết đầu tiên khi Hà Nội bị sa vào tay Cộng sản: “Âm thầm, tôi dạo bước bên bờ Hồ Gươm, tối 30 Tết. Tháp Rùa, Cầu Thê Húc nhạt nhòa, ảm đạm, đền Ngọc Sơn vắng lặng. Chỉ có Nhà Thủy Tạ, đêm nay có ca nhạc, lần cuối cùng của nghệ sĩ Hà Nội. Ðoàn Chuẩn nhớ thương hát “Gửi người em gái miền Nam,” để rồi bị đấu tố là tư sản, rạp xinê Ðại Ðồng phố Hàng Cót bị “tịch thu.” Hoàng Giác ca bài “Bóng ngày qua,” thành “tề ngụy,” hiệu đàn nhỏ phố Cầu Gỗ phải dẹp, vào tổ đan mũ nan, làn mây, sống “tiêu cực” hết đời trong đói nghèo, khốn khổ. Danh ca Minh Ðỗ, Ngọc Bảo, nhạc sĩ Tạ Tấn, sau này làm gì, sống ra sao, “phân tán,” chẳng ai còn gặp nhau, sợ thành “phản động tụ tập.”

Những tao nhân mặc khách Hà thành đó vẫn không xa được Hà Nội, dù là một Hà Nội vong thân.

10/2014

 

Song Thao

304Đen - Llttm

No comments: