Bộ tam
Khi vua Bảo Đại tuyên bố “thà làm dân một
nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ” và trao ấn kiếm cho hai vị đại
diện cách mạng, trong đó có một nhà thơ với những câu thơ buồn hơn cả những cơn
mưa sụt sùi của xứ Huế, ngài cũng đã làm cho các ông hoàng bà chúa sụt sùi
không kém. Bọn họ khóc kể, vật mình vật mẩy trong những lâu đài còn rực rỡ ánh
vàng son vì số phận đã không còn nuông chiều họ nữa. Họ sẽ bị ném ra khỏi kinh
thành, bất ngờ và tàn nhẫn như bị lôi ra khỏi những giấc mơ đẹp.
Cũng buồn không kém, cũng thất vọng lo sợ,
nhưng chỉ dám khóc thầm, đó là những hoạn quan. Như những con gián, sợ mọi
người nhìn mặt như sợ nhìn thấy ánh sáng ngày, ngay buổi tối hôm ấy họ đã lặng
lẽ trèo thành trốn về quê cũ.
Bác cả tôi là một trong số những hoạn quan
cuối cùng của triều Nguyễn.
Ngày bác về, cả làng rùng rùng kéo nhau đi
xem khiến cho con đường vào nhà chật cứng người. Họ đồn thổi, thêm thắt, vẽ
chuyện, cứ như bác là một nhân vật xa lạ nào đó từ đâu tới, chứ không phải do
bà tôi đã từng mang nặng đẻ đau.
Rằng bác không dái không chim, giữa háng
trơn tuột chỉ có mỗi cái vảy nhỏ như lưỡi mèo để thải nước tiểu mà thôi. Bác không
đực không cái, vô duyên và lãng xẹt như thế, không biết sinh ra để làm gì.
Nhưng cũng từ miệng họ, trời đã sinh ra là
ắt có chỗ dùng, nên bác không cần hoạn mà vẫn được vào cung để ngày đêm hầu hạ
thiên tử và các quý nhân, một nơi mà ngoài đức vua và các hoàng tử ra, không
một ai được phép có “cái đó”.
Chính từ nơi cung khuyết ấy trở về với bao
nhiêu bí mật, bao nhiêu diệu vợi bên cạnh các bậc mẫu nghi, các bà chúa, các
công nương đã khiến bác trở thành một người quan trọng còn hơn cả một người vừa
đắc cử quốc hội. Người ta muốn biết vua ăn ra sao, ngủ như thế nào và tò mò
nhất là chuyện “ấy”. Bọn đàn ông trong làng kháo nhau, đêm đêm bác được vua sai
bồng các cung nữ đã được tắm rửa thơm phức lên cho ngài “ngự”, xong việc lại
bồng về. Được kề cận lá ngọc cành vàng, được hít thở mùi hương vương giả những
ngần ấy năm, ai mà không mơ ước.
Nhà tôi không ngớt người tới thăm. Ai cũng
muốn được gặp bác. Nhưng bác thì trốn biệt trong phòng của bà. Đó là một gian
buồng kín bưng, lúc nào cũng phảng phất một mùi là lạ, như mùi của bóng tối. Bà
tôi mất đã mười năm, mang theo nỗi buồn nhớ khôn nguôi đứa con bé bỏng. Bà
thường nói các bà mụ nặn cái đầu bác to quá nên thiếu mất cái chỗ đó để làm đàn
ông. Cho đến khi bà mất, hình ảnh của bác còn đọng lại trong bà, cũng chỉ là
một đứa bé mới lên mười. Đó là năm mà bà khóc tiễn bác đi ra kinh đô xa vời vợi.
Nỗi buồn xa con chỉ được an ủi đôi chút khi làng theo lệnh vua, cấp cho bà một
mẫu công điền.
Đứa bé mười tuổi ấy một lần đi là không bao
giờ được trở lại. Mãi cho tới lúc chết. Vậy mà giờ đây, sau bốn mươi năm, nhờ
cách mạng, bác lại được trở về với cái hào quang tơi tả của một ông quan hoạn,
được vào ra chốn cung đình nghiêm mật nhưng không phải nhờ văn hay chữ tốt,
không ông cống ông nghè, mà chỉ nhờ dưới háng không có “cái ấy”.
Cái sự ồn ào của xóm làng rộ lên ít lâu rồi
cũng lắng xuống. Biết bao nhiêu công việc mới của cách mạng đang chờ. Nào học
tập đời sống mới, nào phá đình, đào đường, rồi phá thành Bình Định. Bác tôi như
một con mèo ốm, lúc nào cũng run rẩy vì lạnh và vì sợ.
Khi sắp xếp những người trong làng thành
đoàn thể, người ta không biết phải xếp bác vào nông dân hay phụ nữ. Vào nông
dân thì các ông không chịu. Nó đâu có cái ấy. Mà vào phụ nữ, các bà lại trề
môi: cái thứ bị trời hoạn ấy ai mà thèm. Thành ra bác khơi khơi ở giữa, khỏi
phải họp hành hoan hô đả đảo, khỏi nghĩa vụ dân công và trăm thứ đóng góp linh
tinh khác.
Không biết cách mạng quên hay vì làng hãy
còn thương bác mà cả mẫu công điền không bị lấy lại. Tuy không còn bổng lộc,
nhưng nhờ vậy bác vẫn sống được. Có điều bác không biết cầm cày cầm cuốc, không
biết cây lúa mọc lên ra sao, nên cha tôi khuyên bác cho người ta làm rẻ, rồi
cất riêng cho bác một ngôi nhà nhỏ ở góc vườn. Bác sống ở đó, cũng biệt lập và
kín đáo như ở trong cung cấm.
Đồ tế nhuyễn của bác đựng trong một chiếc
hộp nhỏ sơn đen cẩn xà cừ óng ánh. Trong hộp chỉ có một chiếc trâm đã gãy, một
vòng ngọc thạch bị vỡ, một ít viên phấn nụ màu trắng lâu ngày đã xỉn và sứt mẻ.
Bác thường bày ra trên một chiếc khăn nhiễu đỏ, nâng niu mấy món đồ vô dụng ấy
với tất cả lòng sùng kính. Có cảm giác như bác đang đứng hầu ai đó một cách
khiêm cung. Một đôi khi bác nói thành tiếng, thưa đức ngài, con trót dại. Có
thể nghĩ rằng đó là những vật trong cung mà bác vô ý làm hư hại nên bị qưở
mắng. Cái kỷ niệm xót xa đó gắn liền với chút vàng son một thuở khiến bác quên
đi cái thực tại nghèo đói tồi tàn. Bác lơ mơ, ngầy ngật giữa mùi hương lạnh lẽo
và xa vắng như đang mộng du. Cầm đôi đũa tre tưởng như đũa ngà, bưng chén đất
tưởng như chén ngọc, nghe gió thổi qua lùm tre kẽo kẹt tưởng như đàn sáo dìu
dặt, thấy ống quần ai vén lên tận háng khi rửa chân tưởng lệnh bà đang tắm…
Trong khi bên ngoài, cả làng cả nước đang
rùng rùng như sóng trào gió giật vì cuộc kháng chiến thì bác vẫn lặng lẽ trung
thành với những hình bóng cũ. Bác quên hẳn chúng tôi và rồi chúng tôi cũng quên
dần bác. Chỉ đến khi giỗ chạp, cha tôi ra mời bác mới vào. Nhưng bác chỉ đứng
xa mà nhìn chứ không vào thắp hương. Cha tôi nói, bác tự cho mình có tội bất
hiếu nên không dám đứng trước bàn thờ.
Năm ấy bác chỉ hơn năm mươi, nhưng vì không
có râu và để tóc dài nên trông bác như một bà lão. Trong những buổi chiều tắt
nắng, bác ngồi trước thềm nhà như một con chó ốm nhớ chủ, nước mắt lặng lẽ rơi
từng giọt không buồn lau. Lẽ ra bọn trẻ chúng tôi, có được một người với rất
nhiều bí mật như thế là cả một kho tàng để đào bới những chuyện kỳ thú, nhưng
với vẻ u buồn lạnh nhạt của bác, chúng tôi ít đứa nào dám tới gần. Cái trò tinh
nghịch nhất mà chúng tôi có thể làm một đôi lần, ấy là nằm rạp trong vườn chuối
để rình xem bác đái ngồi. Bị kiến cắn và bị cha lấy roi phết lên mông nên cũng
chẳng biết gì hơn ngoài cái ống chân xanh rớt và teo nhách không một sợi lông
của bác.
Ấy thế mà cũng có một lần bác phải ra trước
nhân dân.Trong chiến dịch bài phong kiến, không biết vì đùa nghịch hay vì ác ý,
mà chủ tịch ủy ban thôn đã lôi bác ra trong một cuộc mít tinh, để hỏi về cách
sống xa hoa của bọn vua chúa và cách bóc lột của chúng.
Mày làm gì trong cung?
Thưa hầu hạ.
Hầu hạ ai?
Thưa hầu vua và hoàng hậu.
Phải gọi đích danh là thằng Bảo Đại và con
Nam Phương, biết chưa?
Dạ thưa biết.
Nó ăn, mày làm gì?
Thưa đứng hầu.
Nó ngủ, mày làm gì?
Thưa sửa soạn chăn màn.
Nó đái, mày làm gì?
Dạ…
Có cầm c…cho nó đái không?
Tới đây thì cả làng nổ ra một trận cười ầm
ĩ mà chỉ có tiếng hô đả đảo phong kiến mới dập tắt được. Bác đứng đó, ngơ ngác,
run rẩy. Chắc bác tự hỏi đây là nơi đâu? Địa ngục chăng?
Bác mềm oặt ngã xuống. Lại một trận cười
nữa.
Cha tôi bồng bác về, đương nhiên là không
giống như lúc bác bồng các cung tần, mà giống như đang ôm một thằng bù nhìn làm
bằng rơm.
Bác nằm như chết ba ngày đêm. Rồi bác dậy,
bước vào cái từ đường là nơi lẽ ra bác được thừa tự nếu sinh được con trai.
Thầm thì một lúc, bác lại về nhà mình đóng kín cửa, còn cha tôi thì xách cuốc
đi đâu đó.
Một lúc sau, cha tôi về với một cục đất
sét. Ông đập nhỏ, lấy một ít nước ngào trộn như lúc đắp ông táo. Khi đã thật
nhuyễn, ông ngồi nặn một cái “bộ tam”có đủ cả chim dái rồi đem phơi khô. Khi đã
khô cứng ông lấy rơm đốt cho đến lúc thành sành. Dường như sau đó ông có thêm
vào một ít tóc rụng mà mỗi khi chải đầu mẹ tôi thường cuộn lại như một cái kén
dắt lên mái tranh.
Ba tôi đem đến cho bác. Cầm cái vật kỳ lạ
trên tay, khuôn mặt nhăn nheo của bác như căng ra, cái nhìn của bác nửa như
kinh ngạc nửa như hài lòng. Dường như trên đôi môi khô héo xanh xao của bác ánh
lên một nét cười rất nhẹ. Bác nói, chú tốt với tôi quá. Rồi bác về nhà mình
đóng cửa lại.
Hôm sau bác bảo tôi dẫn bác lên thăm mộ mẹ.
Bác ngồi rất lâu, tay luôn bứt những cọng cỏ trên mộ bà. Khi đi về, bác ghé
thăm một vài nhà quen. Những bác Năm, bác Bảy đã từng chơi với bác lúc nhỏ. Tuy
có hơi bất ngờ, nhưng ai cũng ân cần chào đón bác. Lần đầu tiên tôi thấy bác
vui. Trông bác không khác gì những người đàn ông trong làng.
Cứ tưởng như thế là đủ để cho bác vui sống
với tuổi già. Không ngờ bác treo cổ tự tử.
Nhà bác luôn cài kín cửa, nên khi nghe có
mùi hôi, tông cửa vào mới biết là bác đã chết từ lâu. Tấm thân mỏng mảnh của
bác không đủ sức căng phồng lên, nhưng vẫn có những giọt nước chảy xuống đọng
vũng trên nền đất bu đầy kiến. Nhiều con tinh quái còn theo sợi dây cột từ xà
nhà, chui vào mắt vào mũi bác.
Cha tôi khóc, cắt dây đưa bác xuống. Lúc
này bác mới thật giống là con bù nhìn. Cái lưỡi bé xíu của bác không biết cách
thụt vào nên khuôn mặt bác trông vừa buồn cười vừa đáng sợ. Một đời lạnh lẽo
của bác kết thúc như thế đó. Ngoài một vài giọt nước mắt em khóc cho anh, cũng
chẳng còn ai khóc bác.
Cha tôi bảo mẹ lấy lá bưởi và lá é nấu nước
để ông lau rửa cho bác. Mùi thơm của lá làm bớt đi phần nào mùi khăm khẳm của
thịt da mục rữa.
Cha tôi tự mình khâm liệm cho bác. Khi bác
đã được lột truồng, cha tôi lấy cái bộ tam cât trong hộp đặt vào giữa háng rồi
mới mặc áo liệm màu trắng. Cái vật khô cứng ấy không ăn nhập gì với thịt da
bỗng nảy cao lên dưới làn vải như có ai thò tay động đậy. Một vài người đàn ông
đến phụ giúp quay mặt vào vách để giấu nụ cười.
Bác được đem chôn ở chân núi Mò O, vẫn đắp
mộ hình cái chàn như bao nhiêu người đàn ông khác. Cha tôi thở dài nói với mấy
người đào huyệt: thôi thế cũng xong một kiếp người. Mai sau có đầu thai ảnh
cũng không còn làm quan hoạn nữa.
Lúc trở về, mẹ tôi trách cha, sao không
chôn cái hộp theo bác. Cha bảo, đem theo làm gì nữa. Chẳng lẽ còn muốn ảnh làm
con ma bị thiến hoài sao.
Bác được thờ trên một cái bàn nhỏ cạnh bàn
thờ tổ tiên. Không có di ảnh, chỉ có chiếc hộp hình chữ nhật của bác đặt sau lư
hương giống như một cái áo quan còn phủ vải đỏ chưa hạ huyệt.
Mười năm sau, nhà bị đốt, cái hộp ấy cũng
thành tro.
20/10/2010
Người chuyển bài - PH
No comments:
Post a Comment