Saturday, April 27, 2019

Chợ Đời - Cò Mẹ



    Nối tiếp những dòng thơ THÁNG TƯ ĐEN, hôm nay tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một bài viết mới của thi hữu CÒ MẸ. Bài Hồi Ức CHỢ ĐỜI có thể nói là đặc sắc nhất của tác giả được ấp ủ từ lâu nay mới ra mắt bạn đọc. Tác giả kể lại nỗi niềm tâm sự của một người vợ trẻ lấy chồng thời chinh chiến. Sau 1975, nàng lâm vào cảnh bế tắc trong cuộc sống, tiếp  theo đó là những bất hạnh cay đắng dồn dập như muốn đốt cháy cuộc đời của nàng và của các con. Không nghề nghiệp chuyên môn, muốn làm thợ cạo mũ cao su cũng không được, buôn bán cũng không xong, nghèo khổ lên đến đỉnh điểm, hụt hơi.  Tưởng nàng sẽ gục ngả ở thời điểm nầy nhưng không: hình ảnh của  mất đứa con nhỏ bò lổm ngổm dưới đất, hình ảnh của chồng đói rét ở đâu đó trên rừng, hình ảnh của cha mẹ già lọm khọm mót từng củ mì vụn, thêm vào đó là ý chí quật cường khiến nàng bừng lên sức sống. Nàng đi lên tỉnh xin làm xin làm nhân viên bán thuốc ở phòng y học dân tộc. Người ta chấp nhận, một trang đời mới mở ra, nàng mừng rỡ như đang thấy một tia sáng hy vọng ở cuối đường hầm chợt lóe lên... nàng hăng hái vượt qua trở ngại, hoàn thành cuộc hành trình, đưa con cái bình yên vào vùng đất mới xây dựng lại cuộc đời ấm no hạnh phúc. Với lối hành văn mộc mạc bình dị tác giả dẫn ta nhớ lại cảnh nghiệt ngã đau thương của cuộc đổi đời sau khi miền Nam thất thủ năm 1975. Đọc bài để thông cảm với hoàn cảnh ngặt nghèo của tác giả mà thương  cho người vợ lính phải vật lộn với cái ăn cái mặc để sinh tồn: vừa nuôi con vừa nuôi chồng ở trại tù cải tạo, qua đó ta thương cho nàng cũng là thương cho chính mình vì nỗi đau và sự mất của nàng cũng chính là  nỗi đau chung  của một dân tộc sau 1975. 
 
Xin trân trọng giới thiệu
(NC).

 
Hồi ức: CHỢ ĐỜI 

 
 
 

(Bài viết như một nén hương lòng kính dâng hương linh Ba Má đã vì con mà hy sinh cả cuộc đời, làm chỗ dựa  để  con cái đứng vững trên đôi chân trước nghiệt ngã của cuộc đời. 

Tiếc rằng Ba Má không còn sống để vui hưởng tuổi già bên cạnh con cháu nơi xứ người tràn đầy vật chất và tự do. 

Bài viết cũng để tặng những người cùng cảnh ngộ, vợ lính và Góa phụ trẻ thời chiến chinh.)

 

Mới đó đã 44 năm qua...

Ngẫm lại đời người như bóng câu qua cửa . . . !

Hồi mới "giải phóng “ tôi  cũng không biết ai giải phóng ai?! Thì cứ nghe họ nói giải phóng thì giải phóng chớ biết chi!? 

Tôi lấy chồng được hơn 3 năm, khi có chồng cứ mỗi năm tôi sanh một  đứa con, đứa đầu lòng là con trai, do lần đầu sanh tôi không kinh nghiệm hay gặp bà mụ dở tôi cũng không biết! Bà dùng máy hút em bé ra đầu bị chấn thương đỏ bầm chết ngộp, bà làm hô hấp nhân tạo vài phút thì bé khóc ré lên, khóc hoài suốt cả tháng trừ khi bú là nín , tôi và má tôi thay phiên nhau ẵm bồng (nói phần nầy để tả nỗi niềm người con gái sinh con đầu lòng, vắng mặt chồng, đúng với câu ca dao: Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình.)

Năm sau 1972 chiến tranh ác liệt các vùng Tam giác sắt tỉnh Tây Ninh gồm những địa danh Cầu Khởi, Bời Lời, Suối ông Hùng quận Khiêm Hanh chồng tôi là đại đội trưởng một đơn vị tác chiến nên khi có chồng 1971 đến ngày 30/4/75 tính đi tính lại vợ chồng tôi chưa được 100 đêm gọi là chăn gối!. . . 

Khoảng tháng sáu năm 1972 gần ngày sanh nở tôi đi khám thai bác sĩ cho biết có thể tuần sau bé chào đời . . . 

Bỗng chiều hôm ấy từ chiến trường báo tin chồng tôi tử trận! 

Nghe tin bất ngờ tôi loạng choạng không còn đứng vững trời đất tối sầm tim tôi như ngừng đập nghẹt thở nghẹn ngào. . .!

Tôi rán bình tỉnh hỏi thêm, họ báo tôi đến nhà xác nhận diện thân nhân!

Tôi đi nhanh vào phòng thay đồ đến nhà xác cùng bạn của chồng tôi là đại uý Tài không quân lái trực thăng, ngoài trời mưa lâm râm mây xám âm u phủ trùm!

Tới nơi tôi thấy thi thể binh sĩ nằm la liệt trên băng ca và trải luôn poncho dưới đất, người đầy máu me ràng rụa, tôi run quá nói thầm “các anh chiến sĩ phù hộ cho tôi sớm được gặp chồng ”, tay tôi  đụng vào xác người lạnh ngắt khiến  tôi cũng lạnh run, hơn mười mấy xác người không phải chồng tôi!? 

Tôi thầm khấn : “Anh ơi, anh ở đâu ? Anh có sống khôn thác thiêng thì cho em biết tin”.

Cứ mỗi lúc nghe tiếng còi xe Hồng thập tự rú lên lòng tôi tan nát . . . 

Thấy tôi bệ vệ mang cái bụng bầu to anh bạn của chồng tôi nói: 

- “Bà Kỷ, tôi đưa bà về nhà nghĩ ngơi bà cũng mệt lắm rồi, để tôi tìm cách liên lạc xem sao tôi cho bà biết sau, đừng để ảnh hưởng thai nhi” anh ấy dìu tôi ra khỏi nhà xác lên chiếc xe Jeep lùn, trên trời trực thăng bay lên đáp xuống liên tục, cõi lòng tôi như chết lịm! Không gian quanh tôi đầy thần chết!

Gần 8g tối anh bạn trở lại báo : “Thằng Kỷ chưa chết nó bị thương nặng trực thăng đưa về Tổng Y Viện Cộng Hoà rồi bà yên tâm đi,  anh bạn an ủi tôi vài câu vội vả quay đi.

Tôi đứng ngồi không yên cứ ra vào ngoài ngỏ như chờ đợi. . . tôi thấy mấy người lính tiểu đoàn 352 đóng quân gần nhà đi hành quân vừa về còn đang loay quoay với cái ba lô màu xám xịt,  mình mẩy đầy cát bụi,  thấy tôi vội nói : “Chiều nầy lúc trận chiến ác liệt, tôi thấy xác của đại uý mặc bộ đồ bệt nằm dưới đám cây mì, mình đầy máu.” 

Nghe qua lòng tôi rối bời hụt hẫng! tin chắc là vậy vì chú lính nầy biết rỏ chồng tôi. Sau đó tôi lấy lại bình tĩnh: hai tin tức trái ngược từ 2 người quen khiến tôi nửa tin nửa ngờ. Chờ hừng sáng tôi đón chuyến xe đò đầu tiên đi Sài Gòn, tôi nôn nóng phải chờ phá mô VC đấp ở Suối Sâu nên gần 8g  mới tới TYVCH. Trong Y viện rất nhiều thương binh, vẫn còn nằm trên băng ca vì không đủ giường, thấy chồng tôi đang oằn oại mảnh đạn trầy xước đầy người, vết máu khô còn đọng, bác sĩ cho biết 9g30’ sẽ giải phẫu gan vì còn mảnh đạn trong đó. 

Sắp tới giờ vào phòng mỗ chồng tôi bảo tôi đi về và an ủi tôi vài câu . Tôi đứng chết lặng không nói ra lời! Nước mắt chảy quanh làm cho tôi bồi hồi xúc động muốn té xĩu vì quá kiệt sức từ hôm qua đến giờ, kết hợp lời khuyên của bác sĩ bảo tôi về nhà nghĩ ngơi gìn giữ thai nhi.  Khi y tá đẩy chồng tôi vào phòng mổ, tôi bơ vơ trơ trọi lủi thủi quay về! 

Đêm ấy tôi đau bụng dữ dội khoảng hơn 3g sáng tôi sanh được một bé gái bụ bẫm, bao nhiêu đau đớn trong tâm hồn trôi qua để đón nhận hạnh phúc mới từ đứa bé sơ sinh! 

. . . . 

Thế rồi ngày tháng dần trôi, năm sau tôi sanh thêm một bé gái trắng trẻo dễ cưng. . . 

Rồi từ đó bom đạn cứ giày xéo quê hương tôi, mỗi đêm nghe vẳng bên tai tiếng súng nổ tạch đùng , nhìn qua khe cửa sổ thấy hỏa châu soi sáng một góc trời!

Tôi thường an ủi mình bằng câu hát “Súng ru em ngủ bằng câu chuyện tình,  7000 đêm giấc ngủ chưa tròn,  giấc ngủ hao mòn, cơn mơ thành bại bây giờ là đây“.

Tôi phân vân lo lắng chiến tranh còn giầy xéo quê hương không dứt chắc tôi sớm trở thành goá phụ,  tôi rất sợ không dám nghĩ nữa! 

 

Đến tháng 3/75 chồng tôi bảo mẹ con tôi về quê nội miền biển Phan Thiết để lánh nạn tránh xa tầm đạn pháo của giặc cho anh yên lòng làm tròn nhiệm vụ nơi chiến trường.

Thế là tôi lo thu xếp bồng bế các con về quê nội. . . 

 

Làm dâu miền trung tôi phải làm nhiều việc mà ở nhà cha mẹ ruột tôi chưa từng làm,  tôi chỉ cầu mong hết chiến tranh về lại quê nhà gần cha mẹ anh em.

Càng trông càng xa, càng cách biệt . . . 

Hàng ngày nghe ba chồng đi làm về nhà nói hôm nay đường Sài Gòn - Phan Thiết đấp mô xe đò không ra vào được, dân buôn bán phải đi bằng đường biển. . . 

Đến một hôm vào lúc nửa đêm tôi nghe tiếng súng từ xa vẳng lại, có tiếng chân người chạy rầm rập ngoài đường đất, ba má chồng tôi ở nhà trên rù rì to nhỏ chuyện gì tôi không nghe được!

Đến hừng sáng má chồng bảo tôi:

- Con hai lấy bị mang khoai khô theo, mì gói,  quần áo vài bộ cho mỗi đứa nhỏ chạy giặc,  lên nhà cô ba ở (cô ba là em gái kế của ba chồng tôi, chồng cô là trưởng ty cảnh sát PT thời đó), nhà cô tại chợ PT trên đường Gia Long.

Đoạn đường từ nhà ba má chồng tôi đến nhà cô ba khoảng 3km phải ngang qua cầu đúc dài khoảng 50mét,  má chồng tôi thúc giục: 

- Tụi bây nhanh lên!

Gia đình gồm ba má chồng và 5 đứa em chồng còn đi học, cùng 4 mẹ con tôi, đứa con lớn của tôi 3 tuổi,  đứa kế 2 tuổi cô chú nó bế,  còn đứa nhỏ nhất vài tháng tuổi tôi bế để rủi khi bị lạc bé có sữa mẹ bú.

Sau khi chờ ba chồng tôi khoá cửa chính nhà lớn và khoá cửa rào xong, cả nhà cùng chạy theo đoàn người trong xóm,  họ gánh gồng bồng bế vừa đi vừa chạy,  dọc theo đường thấy quần áo lính, nón sắt, ba lô, giầy vứt bừa bãi.  Trong số người cùng chạy họ hối nhau: 

- Chạy nhanh lên Việt cộng vào tới Phan Rí rồi.

Chen lẫn theo đám người chạy về hướng chợ, qua khỏi cầu chạy thêm một đoạn nữa tới nhà cô ba, thì vừa lúc đó trên trời xuất hiện 2 chiếc phản lực,  cô ba thét lớn:

- Chui xuống ván tránh bom. 

Thì ngay khi đó 2 tiếng nổ kinh hoàng long trời lở đất.

Tiếng la hét trước nhà - Bom nổ trên cầu.

Cô ba la lớn - Chạy ra biển !

Cả nhà theo ba má chồng tôi,  trà trộn đám đông chạy ra biển.

Chiến tranh thật là kinh hoàng! 

NGÀY ĐÓ LÀ NGÀY 20/4/75 PHAN THIẾT THẤT THỦ!!! 

Đến khi VC chiếm dần các tỉnh tiến về SG thì tôi cùng gia đình trở về nhà, chợ búa hoàn toàn tê liệt không ai mua bán gì, ở nhà thì cứ ăn khoai luộc, nhà còn ít gạo nên nấu độn khoai khô! 

Đến 30/4/75 SG thất thủ! Miền nam loạn lạc! 

Sau khi chờ đắp một đoạn đường bị hỏng, xe chạy thông thương,  mẹ con tôi bồng bế về quê ngoại.

Về nhà thấy tường nhà nứt nẻ  do đạn pháo kích, chồng tôi bị bắt tập trung  cải tạo, mẹ con tôi không có tiền để sinh sống, đồ đạc trong nhà bàn ghế bán chẳng ai mua, cứ nhờ ngoại lên rẫy mót củ mì về nấu ăn, có bà xóm dưới bán cá thấy tôi bế tắc cuộc sống, thương hại mấy đứa nhỏ, bảo tôi 4giờ khuya ra chợ cá bà cân cho 2kg,  bán hết rồi trả vốn cho bà lấy lời về trang trải mà sống.

Tôi nghe lời, khuya  dậy sớm lúc con tôi còn say ngủ, tôi khoá cửa để chúng trong nhà, nhà tôi gần cạnh nhà ngoại mà ngoại phải thức sớm cùng mấy đứa em lên rẫy mót củ mì đâu có ai ở nhà trông cháu.

Đợi vựa cá cân cho bạn hàng xong bà mới cân cho tôi 2kg , đến 6 giờ sáng tôi tìm chỗ trống ngồi chồm hỗm bán,  hơn 7g mới có người đi, chợ bắt đầu nhóm người qua kẻ lại ít ai hỏi mua,  trong lòng tôi buồn rầu vô cùng sợ con thức dậy không có mẹ sẽ khóc!

Chốc sau chợ đông có người mua 2 - 3 con cá trào, vài con cá trê. Khi bán xong, đếm tiền lại còn bị lỗ! Mình nhớ rõ ràng mình lời 1kg được mấy đồng mà tại sao lại lỗ ?! 

À , thì ra mình không biết cân,  quá dư nên mất ký, thì thôi móc tiền túi ra đền trả người ta, bữa sau rút kinh nghiệm cân yếu một chút nhưng vẫn thiếu.  Hôm nay hơn 8g giờ sáng mới về tới nhà, vừa mở cửa thì thấy con bé nhỏ nhất 8 tháng tuổi bò dưới nền gạch ỵ , trét đầy mình mặt mày tay chân! 

Thương con quá!

Tôi nghẹn ngào nức nở muốn gào thét thật to cho đã cơn hận!

Tôi giận mình sao sanh ra trong thời buổi đau thương khổ sở như vầy để con thơ nheo nhóc tội nghiệp!

Hôm sau tôi không đi bán nữa ở nhà giữ con chờ má tôi về để phụ mài củ mì gói bánh ít, bánh tầm cho má đi bán. 

Sống nhờ bà ngoại mấy bữa, bà ngoại cũng già rồi còn nuôi 3 đứa em mới nghỉ học vì giải phóng vô các trường học đều đóng cửa!

Tôi tìm người bán đồ đạc trong nhà mà chẳng ai mua. thậm chí tôi mang quần áo của tôi ra chợ trời bán, cái áo dài nào họ không mua tôi sửa lại áo bà ba mặc, đồ đạc bán từ từ lấy tiền đi thăm nuôi chồng, đến khi còn cái tủ áo cuối cùng tôi bán để lấy tiền làm vốn.  Hôm đó tôi mướn con bé xóm trên phụ tôi coi em, sáng theo tôi bán bún riêu vì tôi không biết gánh nên  để  cho nó gánh vì nó ở miệt quê nên giỏi gánh gồng. Mới ngày đầu gánh từ nhà ra đường bán được 2 tô,  tới trưa ế quá nó đòi gánh lên đường Băng-ca-lô bán, hai thầy trò đi được một đoạn tôi nói: một chút tới nơi tìm chỗ ngồi rồi ăn đi cho đở đói.  Rán đi tới dốc Toà hành chánh Tây Ninh, con bé vấp cục đá đỗ cả nồi nước lèo,  thịt văng tứ tung.  vừa mắc cỡ vừa tiếc của,  nếu không lượm lại thì về sẽ đói!  Hai cô cháu hốt bún và rau vô rổ,  lượm thịt để vô nồi về nhà rửa sạch nấu lại mà dùng.

Lúc bấy giờ chỉ cần được ăn để mà sống! 

Thử thách có mấy ngày tôi không làm được nghề mua bán hàng rong, tôi cứ suy nghĩ tìm phương kế khác làm việc để nuôi con, còn ba má và em tôi thì đi mót củ mì tạm thời vì ông bà cũng gần 70 tuổi mà chủ mì người ta giàu kinh nghiệm cày xới đâu bỏ sót củ nào đâu mà mót hoài! 

Tôi chợt nghĩ ra cách:  đem sức lực ra làm mướn mà không  cần bỏ vốn, là học cạo mủ cao su,  vừa cạo mủ vừa lượm củi khô về nấu cơm cũng  đỡ cho gia đình, nhưng khi tôi tới xin việc thì họ đã vô tổ hợp rồi, nên họ từ chối . 

Vì phải sống, tôi ra chợ bán tạp hoá nhỏ như xà bông, kim chỉ, trà v.v. . . Mấy món nầy không cân đo nên tôi bán được, không bị lỗ.

Rồi từ đó trôi nổi theo nhịp sống giữa chợ đời. . . 

Chưa kể những phiền phức ban đêm hợp tổ sau một ngày lao động mệt mỏi vì tôi là "vợ ngụy" nên người ta luôn chờ sơ hở để làm khó, người chế độ cũ thì không dám gần gủi sợ vạ lây, còn người mới đến thì tránh xa sợ ảnh hưởng! Cuộc sống hằng ngày không yên ổn bởi cái đám đục nước béo cò luôn rình rập chờ sơ hở lập công!

Ai đã từng sống trong giai đoạn nầy như tôi ắt cảm nhận được ngay việc ăn uống đói khổ,  khi mua từng lạng thịt cho mỗi hộ phải xếp hàng ở Hợp Tác Xã cả buổi,  người trí thức thì về quê cày sâu cuốc bẩm, kẻ ít học lại lên lãnh đạo tổ, ấp, phường!

 

Chồng tôi bị chuyển trại cải tạo nhiều nơi,  đến khi tôi không còn khả năng nuôi chồng đành bỏ phế, để lo  sinh kế nuôi đàn con dại.  Ba tôi già tuổi 70, thấy vườn nhà có ít trái cây nên bẻ bán để mua gạo.  Một hôm ba tôi, lúc thân gầy bụng đói, leo bẻ trái cây, vói hái trái chín xa chót vót ngoài cành, trượt  tay té xuống đất, chấn thương sọ não,  má tôi chở đi nhà thương được ba hôm thì ba tôi mất.  Cha mẹ tôi vốn hiền lành, thấy người  nghèo khổ,  cho ở đậu trong đất nhà, thừa cơ hội giải phóng họ cướp đất luôn! 

Có người hiểu đạo lý thì trả đất lại,  về quê  sinh sống,  còn kẻ tham lam thì dựa vào chính quyền mới cướp luôn đất, mấy anh trai tôi là người làm việc chế độ cũ cũng đi tù biền biệt ! Tôi là đứa lớn nhất trong đám con còn lại chịu nhiều áp bức nên  đứng ra thưa kiện gần 30 năm,  cứ mỗi lần mời họp giải quyết đất đai thì họ lập biên bản hoà giải, mất cả thời giờ mà chẳng được gì!

Luật pháp không nghiêm minh!

Thời gian trôi qua nhanh . . . 

Khi con tôi lớn lên được 4-5 tuổi tôi xin cho con đi học mẫu giáo,  hiệu trưởng phán rằng: không nhận con lính ngụy!  tôi căm hờn tức giận trào dâng,  nhìn con trẻ mà nước mắt tuôn trào, lệ tôi rơi còn nhiều hơn nước mưa! 

Còn rất nhiều và thật nhiều những nỗi khổ không sao kể xiết!

Mỗi năm đến tháng tư,  những người hiện diện thế hệ ấy đều chạnh lòng nhớ lại những ngày đầy ảm đạm thê lương! lòng se thắt những nỗi đau tột cùng trong tâm não!. . . 

Đau thương nhất là các vị tướng lãnh tuẩn tiết,  nêu cao chí hùng không hàng giặc! Tôi chạnh lòng thương tiếc và kính trọng những vị tướng chết theo thành của những ngày tháng tư đen năm 75.

Lịch sử Việt Nam trải dài nhiều thế kỷ cứ lập lại sự trả thù dân tộc mình, khi triều  đại mới lên thay, thì lập tức trả thù triều đại cũ một cách tàn bạo! Tại sao triều đại nhà Lý phải qua tới Hàn quốc để lánh nạn ? vì triều đại nhà Trần đã tàn sát khốc liệt! Tới khi nhà Nguyễn lên ngôi thì tàn sát nhà Tây Sơn cũng rất tàn bạo, cho voi dầy ngựa xé bà Bùi Thị Xuân và chồng là Trần Quang Diệu ( một Đô Đốc của vương triều Tây Sơn) lẫn đứa con gái . Còn binh sĩ thất trận thì bị chém đầu cả dòng họ !

Năm 1975 miền Nam thất thủ, hàng trăm ngàn quân dân cán  chính VNCH bị tù đày, vợ con bị tịch thu tài sản,  dồn lên kinh tế mới là nơi rừng thiêng nước độc, một cách  trả thù ác hiểm, khiến vợ xa chồng con xa cha một cách tàn nhẫn. Nhiều sĩ quan chế độ cũ đã bỏ mạng nơi rừng núi âm u tại  trại  cải tạo Cổng Trời ( Lạng Sơn , Bắc Việt) . Có người bị xử tại chỗ không cần cải tạo như đại tá Hồ Ngọc Cẩn bị xử bắn ở Cần Thơ, trước khi chết ông thốt lên những lời đanh thép:

- Chúng tôi không có tội, các anh muốn bắn thì cứ bắn đi!

- Nếu chúng tôi thắng chúng tôi sẽ không bắn các anh, chúng tôi sẽ không bỏ tù các anh. 

Quý vị thấy không ông HNC ngay lúc bị xử bắn, vẫn lịch sự gọi kẻ chiến thắng bằng anh, và xưng là  chúng tôi,  ông không dùng từ chúng mầy, bọn mầy, tụi tao. . . . 

Con người nhân bản là như vậy.. . 

Tháng tư nhắc chuyện buồn còn vướng đọng !

 
Tôi mong sao thời kỳ nầy, tuổi trẻ tài giỏi, ý thức được sự tồn vong của dân tộc mà vững tay lái, đưa đất nước Việt Nam thoát khỏi ách độc tài đảng trị để toàn dân Việt sống trong tự do, hạnh phúc, sánh kịp các nước tư bản văn minh trong vùng Đông Nam Á, cho những người trải qua cuộc đổi đời kinh hoàng 30/4/75 được thấy thanh bình thực sự trên quê hương yêu dấu. . . 

 

CÒ MẸ 2019 

 

 

 

 

 

 

 

 


No comments: