Friday, June 21, 2019

Chén Rượu Bên Mồ - Minh Tâm Xuân Đổ


CHÉN RƯỢU BÊN MỒ
 




Phượng sắp đồ cúng lên trên nấm mồ, cố bật que diêm thắp mấy cây nến, nhưng những cơn gió mạnh thổi tắt những que diêm vừa bùng cháy. Anh làm mướn còn đứng xa xa, tránh nắng bên lùm cây, chạy đến giúp Phượng thắp được hai cây nến và những cây hương, cắm lên nền đất khô cằn. Phượng quỳ bên mồ, khấn vái:

- Anh ơi, …

*1-

Phượng khóc nức nở, ruột đau quặn thắt. Hơn hai mươi năm trở về quê hương, tất cả đều đổi thay. Phượng có cảm tưởng như mình là người ngoại quốc trên chính quê hương mình mà Phượng nhớ từng gốc cây, ngọn cỏ, con đường. Bây giờ, quì bên nấm mộ của chồng, vừa do người tìm mướn, tìm được trong đám cây cỏ rậm rạp, trong đổ nát tan thương, trong lén lút thăm viếng.

Gió càng thổi mạnh và có tiếng sấm chớp nổ ở đâu xa xa. Anh làm mướn chạy lại, nói:

- Thưa chị, trời sắp mưa to, chị cúng nhanh và chạy về nhà, không trời mưa ướt cả.

Mấy cây nến đã tắt từ lâu, mấy cây nhang còn cháy, những sợi khói yếu ớt bay tan vào gió lộng. Những giọt mưa đã bắt đầu rơi lộp độp trên tóc, trên áo chị. Chị vội vã mở bình rượu, chúc bình, rót rượu xuống chung quanh nấm mộ. Mưa đổ xuống rào rào, Phượng chạy lại núp bên tàn cây khá lớn, mưa ít tạt đến.

Anh làm mướn tìm đâu ra tấm ni lông, vội vã mang ra đưa cho Phượng, nói:

- Chị che tạm tấm áo mưa này cho đỡ ướt, mời chị về nhà tôi nói chuyện.

Phượng đi theo anh ta, bước vào chiếc nhà tranh nho nhỏ, ngồi vào chiếc ghế gỗ. Anh người làm đứng dựa vào cây cột nhà, nói:

- Trước 75 tôi cũng từng là lính Cộng Hòa, sau 75 tôi cũng đã từng chịu đói khổ, tù đày. Nhà tôi ở gần nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa này, nên tôi đã chứng kiến sự tàn phá của họ trên các mồ mã những người đã nằm xuống, một cách không xót thương. Các mồ mã bị đập nát, không cho thân nhân vào thăm viếng. Chỉ trong vòng vài ba năm, cỏ cây mọc lên như một khu rừng vô chủ. Bây giờ tình hình có vẻ dễ thở hơn nhiều, nên tôi đã giúp nhiều thân nhân của những nấm mộ hoang tàn trong nghĩa trang, hoặc làm sạch cỏ, sửa sang lại bia mộ và gần đây, có thể chạy chọt, chỗ này, chỗ kia, để di chuyển hài cốt về quê quán, hoặc gần gia đình, dễ dàng sự săn sóc, cúng giỗ. Cho nên nếu chị muốn cải táng cho anh, tôi có thể tìm cách chạy chọt vài nơi giúp chị.

Phượng cảm thấy sự mỏi mệt như lan tràn trong người. Chị không thể hiểu được những con người có đầu óc trả thù ngay với người đã chết một cách khủng khiếp như vậy. Chị thở dài:

- Cảm ơn anh. Thực sự về đây tôi như người trên cung trăng rớt xuống đất. May nhờ anh tìm được mộ chồng tôi, cảm ơn anh hết sức. Chắc tôi phải nhờ anh thêm trong việc bốc mộ, cải táng cho chồng tôi về gần với gia đình, cha mẹ, ông bà ở ngoài Trung, quê tôi. Xin anh giúp cho chúng tôi.

- Dạ, tôi sẽ lo hoàn tất mọi việc cho chị như tôi làm cho các gia đình ở nước ngoài về. Về phí tổn, chị cho xin hai ngàn đô la, để tôi chạy chọt các nơi cho dễ dàng trong việc làm, chỉ xin chị lo cho việc liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ cải táng ở dưới Sài Gòn, hiện có đầy đủ. Ngay cả việc bốc mộ, tôi cũng mang về tấm mộ bia, ghi ngày sinh, ngày tử của anh như một bằng chứng, cũng như để chị đem về nơi an nghỉ mới của anh. Thưa chị nghĩ sao?

- Cảm ơn anh. Anh cho tôi bàn với vợ chồng cô em họ của tôi và trở lại gặp anh ngày mai, để xúc tiến mọi việc vì thời gian tôi về đây cũng không rộng rãi lắm.

- Dạ xin chị quyết định gấp cho, vì nếu ngày mai chị không trở lại, tôi sẽ nhận làm mối khác cho những người đến nhờ tôi.

- Dạ, tôi sẽ lên đây gặp lại anh sáng ngày mai.

Cô em khi thấy Phượng về, mặt buồn rười rượi, hỏi dồn dập:

- Sao chị, tìm thấy mộ anh không?

Phượng gật đầu, thở dài:

- Tìm được, nhưng đau lòng quá, chị không ngờ, chị không ngờ… Trời ơi! Tất cả đều bị tàn phá, thật hết tình người. Trời ơi! Con người có thể đến mức tận cùng như vậy được sao? Người chết vẫn còn bị trả thù đến như vậy!

Phượng khóc nức nở trên vai cô em. Khá lâu, cô em nói:

- Thôi quên đi chị ạ. Bây giờ, chị tính sao?

- May chị gặp cái anh làm mướn trông hiền lành lắm, tìm được ngôi mộ của anh trong đám cây cối, gạch đá ngổn ngang, và sẵn sàng lo việc bốc hài cốt. Anh ta bảo giá mình phải trả là hai ngàn đô la. Mình lo việc xe cộ tống táng đưa về quê và phải trả lời sáng ngày mai, nếu không, anh ta làm cho đám khác. Tiền nong không thành vấn đề với chị, miễn sao công việc xong xuôi hoàn hão, để anh có nơi an nghĩ.

Phượng lại khóc nức nở. Cô em an ủi chị:

- Thật sự em cũng không biết khuyên chị quyết định ra sao. Cái xã hội này, cái xứ sở này dạy em không còn tin tưởng vào ai, vào cái gì nữa. Thật đau lòng chị ạ. Thôi thì mình trông vào sự hiển linh của anh, gặp kẻ hiền lành, lương thiện. Ngày mai vợ chồng em ở nhà, đi với chị lo mọi việc, cũng như đi Biên Hòa gặp người làm mướn đó, để công việc cải táng anh được chu đáo.

*2-
Đi học về, Quế Phượng mở cặp vở, lấy lá thư Bảo gởi qua đứa bạn, đọc vội vã.

“ Quế Phượng,

Nhận được thư anh, em đừng ngạc nhiên nhé em. Mới gặp nhau chủ nhật tuần rồi, nói với em đủ chuyện trên trời, dưới biển nhưng anh chưa dám nói một chuyện quan trọng mà anh nghĩ, em sẽ không vừa ý, anh vừa nhận được giấy gọi nhập học của trường Võ Bị Đà Lạt. Chỉ còn ba tuần lễ nữa anh sẽ bước vào một ngã rẻ mới của cuộc đời, chọn binh nghiệp, thay vì nhẩn nha trên ghế nhà trường đại học khoa học… “

Phượng nghe tim mình như đập chậm, lạc đi vài nhịp. Bảo bỏ ghế nhà trường đi lính sao? Hình ảnh cái chết của người anh họ cuả Phượng và vợ anh thất thểu trong áo tang, bên hai đứa con nhỏ dại còn ám ảnh Phượng chưa nguôi.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà cha mẹ là những nhà giáo, suốt đời vui thú với đám trẻ con, nên Phượng vẫn không hiểu sao, đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam, lịch sử Việt Nam lại luôn luôn chìm đắm trong chiến tranh. Yêu Bảo, Phượng không nghĩ có ngày xa Bảo. Bây giờ chỉ còn mấy tuần lễ nữa Bảo ra đi, xa cách nhau biền biệt. Bao nhiêu câu hỏi lẩn quẩn mãi trong đầu Phượng. Tại sao Bảo lại chọn binh nghiệp? Bảo muốn làm anh hùng? Bảo thích chiến tranh, thích đánh nhau?

Có một lần trong giờ Việt Sử, Phượng e ấp, giữ cho không run rẩy trước bạn học, nhất là đám nam sinh, đứng lên hỏi cô giáo dạy sử:

- Thưa cô, em không hiểu được, tại sao dân tộc Việt Nam vốn rất hiền lành mà đất nước ta từ thuở xa xưa cho đến bây giờ, lúc nào cũng đã luôn luôn đánh nhau, chiến tranh triền miên?

Đám nam sinh, đứa thì vỗ tay liên hồi, đứa thì đánh thùng thình trên bàn học, nhao nhao lên nói “Trời ơi! Con gái gì mà nhát như cáy. Con người, nhất là con trai, đàn ông mà không biết đánh nhau thì cuộc đời còn gì là hứng thú nữa, làm gì cho hết thời trai trẻ?”. Cô giáo có vẻ bực mình vì sự ồn ào, làm mất trật tự trong lớp học của đám nam học sinh, gõ thước lên bàn, xẵng giọng:

- Xin các em giữ yên lặng. Cô sẽ cho điểm số không em nào ồn ào trong lớp. Em nào có ý kiến phát biểu, giơ tay lên, cô chỉ định từng em phát biểu.

Có ba bốn tên đưa tay lên. Cô giáo chỉ một tên ngồi bàn trên, một tên học giỏi trong lớp, đứng lên, nói:

- Thưa cô, nhìn lại lịch sử dân tộc Việt Nam từ thời thượng cổ, tổ tiên ta là sắc dân Lạc Việt, sinh sống bên bờ sông Dương tử,Trung Hoa, luôn luôn bị giống dân Hán tộc, nhiều hơn, mạnh hơn chèn ép. Người Lạc Việt chống cự lại và để sinh tồn, đã phải lui mãi về phương Nam, cuối cùng định cư bện cạnh sông Hồng, lập lên nước Việt Nam ngày nay. Người Hán tộc vẫn không để cho nước ta yên ổn, họ vẫn luôn luôn nuôi mộng xâm chiếm và sát nhập làm một tỉnh, quận của nước Tàu, đã đô hộ Việt Nam trong ba thời kỳ, gần một ngàn năm. Tuy chịu sự đô hộ trong một thời gian lâu dài như vậy, dân tộc Việt Nam vẫn giữ gìn bản sắc bất khuất của dân tộc, vẫn đứng lên đánh đuổi quân xâm lăng ra khỏi bờ cõi, dành lại nền độc lập, tự chủ cho đất nước. Cho nên chúng ta, hậu duệ của một giòng giống oai hùng, phải lấy chiến tranh như một phương cách giữ nước. Chiến tranh để tự vệ, tự tồn.

Vẫn còn nhiều cánh tay đưa lên. Một tên ở bàn dưới, không chờ được cô giáo chỉ, nói oang oang:

- Xin lỗi, vì tự vệ mà có chiến tranh, chỉ đúng một phần thôi. Nhiều khi đất nước đã độc lập, đã lớn mạnh, chiến tranh vẫn có như thường, để xâm chiếm nước láng giềng yếu hơn, như trường hợp ta chiếm đất Chiêm Thành và suýt chiếm luôn Cao Miên, nếu lịch sử không xoay vần. Hoặc nhiều khi các triều đại tranh nhau quyền hành, tranh nhau ngôi vua như dưới triều Lê, triều Mạc, triều Tây Sơn, triều Nguyễn. Tóm lại nước ta, dân Việt Nam là giống dân oai hùng, thiện chiến, hiếu chiến, lâu lâu không đánh nhau, cảm thấy tay chân ngứa ngáy.

Đám nam sinh các dãy cuối lớp lại vỗ tay ầm ĩ, vỗ bàn thùng thình, cười vang dội qua đến các lớp bên cạnh. Cô giáo la hét một hồi mới yên. Một tên khác, đứng lên nói:

- Thực sự ra, trong lịch sử nước ta và lịch sử thế giới, chiến tranh không phải chỉ do phái nam chủ trương, mà có những vị nữ anh hùng, cũng đánh đấm dữ dội, làm kẻ địch, kẻ xâm lăng hồn bay, khiếp vía như Hai Bà Trưng, Bà Triệu hoặc những nữ hoàng của các xứ Pháp, Đức, Nga, Anh, Ai Cập, Ba Tư. Lịch sử nhân loại là lịch sử của các cuộc chiến tranh. Nói chung, con người luôn luôn thích làm khổ người khác, thích bạo lực, thích chiến tranh. Con người chính là nạn nhân của con người. Thế thôi.

Tiếng chuông hết giờ học reo vang. Cả lớp nhốn nháo chạy ra khỏi lớp. Quế Phượng và đám bạn gái còn ngẩn ngơ, vẫn không hiểu được con người, tại sao trong khi đi tìm kiếm hạnh phúc, lại phải đánh nhau triền miên?

Suốt tuần lễ không gặp Bảo, Phượng thấy thì giờ dài ra lê thê, chán nản cùng cực. Cuối tuần gặp Bảo, Phượng cắn môi cho nước mắt khỏi tuôn trào. Bảo cầm tay Phượng nói như năn nỉ:

- Phượng, em hiểu cho anh. Làm trai trong thời loạn ly, anh không thể ngồi trên ghế nhà trường mãi được. Em biết anh không chấp nhận chế độ độc tài. Anh muốn làm một con người tự do.

Phượng bặm môi, nói lên điều bực tức:

- Chứ khơng phải anh muốn làm người hùng à?

Bảo bật cười, nói khỏa lấp:

- Em quên rằng, Nước thanh bình ba trăm năm cũ. Áo nhung trao quan vũ từ đây. .Bà Đoàn Thị Điểm trong Chinh Phụ Ngâm Khúc đã viết như vậy. Thôi em vui lên, để anh mang theo một hình ảnh đẹp của người yêu khuyến khích anh làm tròn bổn phận người trai trước đất nước đang bị lâm nguy.

Còn tiếp ...

Tiếp theo và hết ...)

*3-

Làm vợ của một người lính chiến, xông pha ngoài mặt trận, trước hòn tên, mũi đạn, Phượng luôn luôn sống trong phập phồng lo sợ. Lo sợ trong những đêm dài cô quạnh, ra vào một mình. Lo sợ khi nghe tin chiến sự bùng nổ nơi anh đang đưa quân đến truy lùng địch. Lo sợ khi có chiếc xe jeep nhà binh sịch đổ trước cổng nhà. Người lái xe bước xuống, không phải anh, không phải người đưa tin dữ, Phượng thở ra nhẹ nhỏm. Những lần anh bị thương, Phượng ra vào bệnh viện Cộng Hòa, bệnh viện Duy Tân Đà Nẵng, Phượng đã chứng kiến biết bao cảnh thương tâm, những bà vợ thất thểu, tay bồng con nhỏ dại, tay dắt đứa bé khác, khóc sướt mướt, chạy qua, chạy lại, da`o dát tìm chồng. Trong mười năm xông pha trận mạc, anh cũng đã bị thương đến bốn lần. Ba lần tương đối nhẹ, bạn bè anh cười đùa, như gai cào sướt da. Anh thuộc loại mình đồng, da sắt, súng đạn không làm thủng da thịt anh. Phượng nghe những lời đùa cợt đó mà rùng mình. Lần bị thương thứ tư, không còn nhẹ như gai cào sướt da nữa mà sau ba lần giải phẩu cấp tốc, anh sống sót như một phép lạ.

Ngày anh xuất viện trên cây nạn gỗ, làn da rám nắng, sương gió chiến trường, đổi qua màu xanh xao. Bạn bè đến thăm, mừng anh còn sống, vẫn cười đùa trong chén rượu ngất ngưỡng. Ông đại tá Lữ Đoàn Trưởng ôm anh trong vòng tay rắn chắc, tiếng nói oang oang:

- Bảo, mừng chú em sống sót. Chú em đúng là một thiên thần. Uống cạn với ta chén rượu tái ngộ hi hữu này.

Bảo đứng lên cụng ly với Đa.i Bàng, người anh cả trong Lữ Đoàn:

- Chính chai rượu Đại bàng cho thả xuống trên nóc hầm của tôi, báo cho tôi biết, giờ phút sống hay chết trên chiến địa sắp đến. Tôi phải đưa “con cái” vào dứt điểm, rồi bỏ chạy vì biển lửa sắp đổ xuống trên đầu. Ba chục mạng của tiểu đoàn còn lại sau mấy ngày quần thảo với địch, chia nhau mỗi tên một ngụm rượu tử biệt, rồi xông vào lửa đạn. Tôi cũng không hiểu sao, tôi và hai tên nữa chạy về đến cuối chân đồi, mỗi tên lãnh trên sáu, bảy viên đạn trong người, rồi ngã quị. Trước khi hôn mê, nhìn trở lên đồi, bom lữa đã biến ngọn núi thành lò lửa đốt cháy địa ngục trần gian.

Ông Đại tá đứng lên, cầm ly rượu, cụng ly với bạn bè, nói:

- Xin bạn bè cạn ly rượu tiễn đưa các bạn bè chúng ta đã nằm xuống và mừng Bảo còn ở lại với chúng ta.

Bảo cụng ly với ông đại tá và bạn bè, nói:

- Xin cám ơn đại bàng. Đây là những chén rượu sống chết của tình đồng đội huynh đệ. Sau này nếu tôi không còn may mắn sống sót trong cuộc chiến tranh ác liệt này, xin bạn bè đến bên mộ tôi nâng chén rượu tiễn biệt, Xin cho tôi một chén, đổ bên mộ tôi, để tôi cùng vui trong lúc chia tay.

Đại bàng lại nói oang oang:

- Sau cú chết hụt này, chú em có còn sức lực để ra trận chiến nữa không? Xin chờ thời gian sẽ trả lời sau. Thôi chúng ta cùng cạn chén mừng Bảo, vui ngày nào hay ngày ấy. “Cổ lai chinh chiến kỹ nhân hồi”. Khi nào tàn cuộc chiến rồi mới biết, ai còn, ai mất.

Phượng ngầm vui trong yên lặng, hy vọng anh sau cơn chết hụt, anh sẽ nằm lại hậu cứ hay hơn nữa được giải ngũ về lại cuộc sống dân sự. Chỉ bốn, năm tháng sau, khi sức khỏe của Bảo bình phục nhanh chóng hơn mọi người dự tưởng, anh như con hổ bị giam trong chiếc lồng thương yêu của vợ. Bảo đi ra, đi vào trong buồn bực, thấp thỏm theo từng tin chiến sự trên các mặt trận, nhất là khi binh chủng của anh đụng trận.

Ngày ra Hội Đồng Y Khoa tái khám, Phượng thầm van vái cho anh được rời khỏi quân ngũ, trở về trong vòng tay yên bình của vợ. Trái lại, khi một bác sĩ hỏi anh như có vẻ khiêu khích lòng tự áí người chiến binh xem cái chết nhẹ như trò đùa:

- Trên phương diện chuyên môn của một y sĩ, tôi thấy sức khỏe của thiếu tá tốt lắm. Tuy nhiên nếu thiếu tá cảm thấy tinh thần mỏi mệt sau bốn lần thương tích ngoài chiến trường, Hội Đồng Y Khoa có thể chứng nhận cho thiếu tá được về hậu cứ, để chờ giải ngũ. Thiếu tá nghĩ thế nào?

Anh cương quyết:

- Cám ơn các bác sĩ và Hội Đồng Y Khoa. Tôi không thể bỏ đồng đội trong lúc chiến tranh đến hồi quyết liệt, khi tôi còn khỏe mạnh và còn có thể cầm cây súng bảo vệ nền tự do này. Nếu tôi chưa tàn phế, cho tôi trở lại chiến trường.

Anh đến trường đón vợ sau giờ tan trường,học sinh ra về. Anh ôm vai vợ. Phượng ngập ngừng hỏi:

- Sao anh? Hội đồng Y khoa quyết định thế nào?

- Anh xin lỗi em. Sức khỏe anh tốt, anh vui lòng trở lại chiến trường với đồng đội.

Phượng thấy như có luồng gió lạnh thổi vào sống lưng chị. Chị không dám thở dài, nhưng anh hiểu qua sự yên lặng của vợ. Anh nói như phân trần:

- Anh xin lỗi em, nhưng anh mong rằng em yêu anh và hiểu anh. Em biết anh không thể nào bỏ anh em đồng đội trong lúc này.

*4-

Anh làm mướn nói:

- Thưa chị, mọi việc đã hoàn tất.

Anh làm mướn ngập ngừng một chốc, rồi nói tiếp:

- Khi bốc mộ, mọi việc bình thường, nhưng… nhưng… có một việc nho nhỏ tôi thấy lạ, tôi xin nói để chị rõ.

Phượng yên lặng chờ anh ta nói. Anh làm mướn kể:

- Tôi có thấy, thấy… một chai rượu còn y nguyên nằm bên các đốt xương bàn tay mặt. Mức rượu trong chai vơi đi khoảng một phần ba chai, mặc dù nắp chai còn đóng kín. Có lẽ khi khâm liệm anh, gia đình lúc đó, để chai rượu bên anh.

Phượng ngạc nhiên đến há hốc miệng. Như có tiếng sấm nổ dữ dội bên tai. Tai chị như nghe tiếng u u của các con ve sầu trong mùa hè…

Tháng tám năm 1972, Phượng đang nghỉ hè. Chỉ còn vài tuần nữa đến ngày khai giảng niên khóa mới. Phượng muốn trở lại bảng đen, lớp học, bận rộn trong dạy học, để quên đi bớt nỗi lo lắng về anh. Chiến trường lại nổ lên sôi động khắp các nơi. Tiểu đoàn anh vừa về hậu cứ nghỉ ngơi và bổ sung quân số chưa được mấy tuần lễ, lại được bốc bằng trực thăng đi ngay vào chiến trận mới.

Sau ngày khai giảng niên khóa mới, Phượng vui trong việc giảng dạy học sinh. Chị giao bài đã soạn sẵn cho trưởng lớp, chép lên bảng. Chị thẫn thờ đi lại cửa sổ lớp học nhìn ra sân trường. Các cây phượng vẫn còn hoa đỏ thắm, lưa thưa trên nền lá xanh. Chị thở dài, nỗi cô đơn như lúc nào cũng vây quanh chị.

Có tiếng mở cửa, ông giám thị bước vào lớp, đi lại pjía Phượng đứng bên cửa sổ. Ông ngập ngừng:

- Thưa cô giáo, có mấy sĩ quan hậu cứ đến xin gặp cô, có tin quan trọng.

Phượng như muốn té quị xuống đất, tấm màng đen như buông xuống trước mặt chị. Đi lên văn phòng nhà trường như một tử tội đi vào pháp trường. Viên trung úy sĩ quan hậu cứ đứng lên chào chị theo lối nhà binh, nói:

- Chúng tôi vừa nhận được công điện từ bộ tư lệnh, báo thiếu tá Bảo tử thương, sau hai ngày đụng độ với địch. Ngày mai thi hài của thiếu tá sẽ được đưa về hậu cứ. Chúng tôi xin chia buồn với bà về sự mất mát lớn lao này.

Phượng ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh như cái xác không hồn. Nỗi lo sợ tích đọng bao lâu nay như lan tràn khắp châu thân Phượng làm chị như tê điếng, không còn cảm giác nữa.

Những ngày kế tiếp, các sĩ quan trong lữ đoàn và chính ông lữ đoàn trưởng đích thân lo lắng việc tẩm liệm và cử hành đám tang cho anh.

Bây giờ hơn hai mươi năm sau, nghe anh người làm mướn nói đến chai rượu nằm bên anh trong huyệt mộ, Phượng mới biết. Phượng nghĩ, chắc ông đại tá và những bạn bè đồng đội, chiến hữu của anh, đã gởi theo anh chai rượu để bầu bạn với anh, nhớ một thời sống chết bên nhau.

Anh làm mướn hỏi:

- Thưa chị, xin chị cho biết, bây giờ tôi vẫn để chai rượu bên cạnh anh như cũ?

Phượng gật đầu:

- Vâng, xin anh vẫn để chai rượu nguyên vị trí cũ. Cám ơn anh.

Những người bạn anh bây giờ ở đâu, Phượng không biết rõ, nhưng ông đại tá đàn anh đã tự kết liễu đời mình trong những ngày cuối cuộc chiến. Không biết thân xác ông có được một nấm mộ để vợ con thăm viếng hay không? Chắc chắn trong những ngày định mệnh tháng tư năm 75 đó, không còn bạn bè nào tẩm liệm theo xác thân ông một chai rượu như ông đã dành cho Bảo.

Tất cả như gió bụi đã trở về hư không.

Lễ cải táng diễn ra trong thầm lặng với sự tham dự của anh chị em trong gia đình. Mộ anh nằm bên cạnh mộ ông bà, cha mẹ, như đứa cháu, đứa con lưu lạc lâu ngày trở về sum họp trong đại gia đình.

Khu nghĩa địa nằm trên mãnh đất thoai thoải trên sườn đồi, cỏ cây xanh mơn mởn trong mùa xuân ấm áp. Bên dưới con sông nhỏ không tên, dòng nước trong veo lững lờ chảy. Tiếng chim hót líu lo hòa với tiếng gió rì rào trên những cành cây chung quanh. Vài ba con chim sẻ nhaỷ nhót trên các tấm mộ bia.

Phượng sắp các dĩa hoa quả, bánh trái bên mộ, thắp hương đèn, khấn vái:

- Anh ơi! Hơn hai mươi năm xa cách, lúc nào em cũng mong có ngày về nhìn lại nấm mộ anh. Nay mong ước đó em đã mãn nguyện. Anh về nằm cạnh ông bà, cha mẹ, nơi anh sinh ra đời, lớn lên và vui chơi trong một thời thơ ấu. Một ngày nào đó khi em nằm xuống, em cũng mong được về nằm cạnh anh, trong một khung cảnh an bình, thanh thản nơi quê hương.

Những cây hương đã cháy gần tàn. Hai cây đèn cầy cháy nghiên một bên, do những làn gió thổi đến. Phượng cầm chai rượu rót vào các chén nho nhỏ, đi một vòng mời các anh chị em tham dự buổi lễ, cùng chia chén rượu với anh, với Phượng. Phượng rót thêm hai chén, nói thầm thì, chén này cho anh, chén này, em lần đầu tiên trong đời uống rượu với anh. Phượng đổ rượu mời anh chung quanh mộ. Chất cay của rượu, chất nồng của men làm Phượng ngất ngây.

Hình như một vài con chim bay từ trên cành cây, sà xuống mộ bia, cất tiếng hót líu lo trong khoảng không gian yên tỉnh./.

MINH TÂM XUÂN ĐỖ

304Đen – Llttm

No comments: