Mặc dù chê trách tôi về mặt lập luận, nhưng sau bài tôi viết lần trước
ngày 23/5/2019, không ít bạn đã đồng tình với tôi về việc con người Việt Nam
hôm nay đang bị làm hỏng một cách toàn diện.
Chúng ta chẳng bao giờ nên bi quan một cách tuyệt đối, song sự làm lại
con người hiện nay thì quả thật là khó. Lý do là vì như chúng ta đều biết, mặc
dù chưa từng được tổng kết, nhưng hoàn cảnh lúc ấy nhất là cuộc chiến tranh
1945 – 1975 thật quá đặc biệt nó khốc liệt vượt qua sức tưởng tượng và khả năng
chịu đựng của con người.
Chỉ cần nói thêm là tôi đã nói điều này chủ yếu dựa trên kinh nghiệm quan sát những con người miền Bắc, từng được sống được giáo dục như tôi và trải qua chiến tranh theo kiểu chúng tôi. Trong khi đó thì nếu nhìn cả thực tế nước Việt Nam sẽ thấy còn có những con người được giáo dục theo kiểu khác, có những niềm tin khác, bị những quy luật khác chi phối, và nay nhiều người vẫn đứng vững trước mọi biến động để làm ăn sinh sống rất tử tế.
Xét trên đại thể, trong tình thế ngổn ngang của cả nước hôm nay, những
người còn được cái căn bản của con người ấy mới chính là cái tương lai, là niềm
hy vọng của cả xã hội.
Có một sự việc xảy ra mấy ngày hôm nay, nó làm tôi thấy thêm cụ thể về cái kết luận trên.
Ngày 22/5 và mấy ngày sau trên mạng, dày đặc những bài viết về cái chết của nhà thơ Tô Thùy Yên (1938 – 2019). Con người đã từng tham gia nhóm Sáng tạo bên cạnh Thanh Tâm Tuyền Mai Thảo, con người từng có mặt trong các trại tù cải tạo tổng cộng 13 năm và đã từ biệt cõi đời trên đất Mỹ xa xôi. Con người đó có dịp hiện ra trước cả những người còn biết rất ít về ông như bản thân tôi, một chân dung với niềm tin sâu sắc, bộc lộ ở những nét tình cảm như ủ kín mà vẫn tuôn trào, trong những dòng thơ miên man, đôi khi khúc mắc nhưng thật ra là từng dòng đều chắt lọc, nói lên cái khắc khoải cuối cùng của cuộc đời ông, đó là bài thơ “Ta về” mà rất nhiều người thú nhận rằng đã đọc lên là không thể bỏ xuống được.
Trước tiên cái đáng ghi nhận nhất của bài thơ “Ta về” là nó cho ta thấy cái cao thượng của những con người bị rơi vào hoàn cảnh bên thua cuộc, và sau đó là tù đày cực khổ mà vẫn giữ được lòng mình trầm tĩnh, nhìn ngẫm về cuộc đời, trong đó có đủ cả sự trân trọng những gì tưởng như đơn sơ nhưng gần gũi nhất của ngày hôm qua, lẫn sự tha thiết sống tiếp cuộc sống hôm nay và muốn lây truyền đạt những điều tốt đẹp ấy cho các thế hệ sau. Ở đây con người trong cảnh khốn cùng tuyệt đối không thấy bộc lộ ra một chút nào gọi là oán thù căm giận trách móc. Thay vào đó là sự tin yêu trầm lắng mà lại dai dẳng đầy sức ám ảnh.
Cái sức mạnh tinh thần của con người ở đây tưởng như muốn ghìm xuống ẩn giấu mà vẫn ngời ngời, khiến cho cái hoàn cảnh tưởng rất bi đát lại vẫn hiện lên với đủ vẻ tươi tắn và đầy hy vọng.
Con người tưởng như đã đi hết mọi nỗi cực khổ và đau đớn của đời sống, hóa ra vẫn còn lại với tâm thế bình tĩnh, nghĩ lại về cuộc đời đã qua, và muốn truyền lại những thể nghiệm sống của mình cho những người khác.
Trong những năm chiến tranh, nhiều người ở miền Bắc chúng tôi thường tự nhủ rằng mình đã đi đến tận cùng của sự đau khổ, và tự hào là những hoàn cảnh khó khăn không làm gì được mình trước sau mình vẫn nguyên vẹn. Hóa ra chúng tôi nhầm. Một cái gì đó rất tốt đẹp đã chết đi trong chúng tôi, bởi sang thời hậu chiến nhiều người tự cho là mình có quyền làm tất cả những điều không được phép làm, và coi đó là sự đền đáp, đúng hơn là sự vớt vát lại chút hạnh phúc trần thế mà chúng tôi đã bị tước mất. Cái sự bị làm hỏng mà tôi nói trong bài trước gần như được mọi người miền Bắc coi là tự nhiên.
Đọc bài thơ của Tô Thùy Yên, tôi nhớ lại nhiều cuộc gặp gỡ tiếp xúc với con người ở miền Nam sau ngày 30/4/1975. Tôi nhớ lại những trang văn bài thơ mà tôi đã đọc, những công trình nghiên cứu khoa học xã hội được làm trước 1975. Và tôi nhận ra rằng cũng trong sự bao vây của chiến tranh, nhưng con người nơi đó không bị hoàn cảnh làm cho tê cứng về mặt tâm hồn, liều lĩnh về cách sống, bất cẩn về mọi hậu quả gây ra cho mọi người.
Tôi hiểu rằng ở xã hội đó, văn
hóa vẫn còn, vẫn chi phối người ta trong mọi mặt đời sống. Cái sức mạnh tinh
thần của Tô Thùy Yên hôm nay cũng như của bao nhiêu người khác là kết quả của
một nền giáo dục nhân bản và giữ vững chuẩn mực.
Người ta không những biết sống để thích nghi với hoàn cảnh, mà còn biết
giữ được cả những gì tốt đẹp nhất được bồi đắp từ nhiều thế hệ và chuẩn bị cho
người ta ra tiếp xúc với thế giới.
Qua nhiều tài liệu về các trại tù cải tạo được thiết lập sau 75, tôi biết có một nguyên tắc chi phối các trại tù này, là làm cho những người bị giam trong đó mất hết cảm giác và suy nghĩ của một con người bình thường, không còn đớn đau mà cũng không còn hy vọng. Tóm lại là chỉ biết sống qua ngày như một thứ súc vật bị làm nhục.
Trường hợp con người trong Tô Thùy Yên sau khi ra tù bộc lộ qua bài thơ "Ta
về" chứng tỏ mọi ý
đồ loại đó đã phá sản. Đây không phải trường hợp cá biệt ở một hai người, mà
phổ biến ở rất nhiều người. Sau khi bị tù đầy trở về họ vẫn giữ được lòng khao
khát yêu đời, và có đủ khả năng gia nhập vào cuộc sống hiện đại khi ra sống ở
hải ngoại.
Chính họ là niềm hy vọng của
dân tộc chúng ta. Mà điều đó không phải là ngẫu nhiên, vì nó đã được chuẩn bị từ
trong cuộc sống hai mươi năm 1955-1975.
26.05.2019
(Blog Thuy My )
Trích từ - NGBSPSG
No comments:
Post a Comment