Friday, June 21, 2019

Vết Nám (Bài 11), Cũng Những Thằng Nịnh Hót - Hoàng Long Hải


Vết Nám (Bài 11) “Cũng những thằng nịnh hót”

Dạ, dạ, thưa anh…
Dạ, dạ, em, em…”
Gãi cổ
Gãi tai:
… anh quên ngủ
quên ăn
nhiều quá!

(Cũng những thằng nịnh hót – hữu loan)
 
 
 

Tháng 6 năm 1976, tôi lại bị đưa đi, chưa biết đi đâu.

Lên xe Molotova lần nầy thì vẫn đông, nhưng những bạn bè cũ từ Trảng Lớn ra đi “rơi rụng” cũng nhiều, phần đông đều được đi “thăm lăng bác Hồ”. Nhiều khi tôi nhớ thương Phạm Ngọc Hiền, Phạm Quang Chiểu, Trần Hữu Bảo, Hoàng Hữu Chung! Họ bị đày đi “Si-bê-ria của Việt Cộng”, biết bao giờ về, có ngày về hay không hay bỏ thân nơi núi rừng Việt Bắc?

Tôi “biết” Việt Bắc theo sách Địa Lý Việt Nam mà tôi đã từng học rồi dạy học trò. Trước đó, tôi cũng “biết” Việt Bắc qua các tiểu thuyết mà tôi “ngốn” không ít, đến nỗi mẹ tôi cầm cuốn Tự Điển Pháp Việt của Đào Duy Anh ném vào tôi vì tội “ham đọc tiểu thuyết bỏ học.” Cuốn tự điển dày lắm, may tôi phóng kịp qua cửa sổ chạy mất tiêu.

Việt Bắc là “Mắt Thần” hay “Lệ Hằng Phục Thù” của Trường Xuân, “Ai hát giữa rừng khuya” của Lan Khai, “Vàng và Máu” của Thế Lữ hay “Thần Hổ” của TCHYA, “Trường Đời” của Lê Văn Trương. Nhớ lại những “tiểu thuyết đường rừng” ấy mà không biết bạn mình đang ở đâu, gian khổ như thế nào, “ma thiêng nước độc” như thế nào?! Hy vọng họ sẽ sống còn, bởi như Trần Phú Trắc thường “khẳng định” và cười với tôi: “Nhưng không chết người trai khói lửa”.

“Ăn theo” tôi kỳ nầy chỉ còn Đào Sơn Bá, đại úy cảnh sát đặc biệt; Trần Phú Trắc, đại úy, Huỳnh Văn Khánh, đại úy quân cảnh.

Kỳ chuyển trại nầy cũng khá kỹ, có nghĩa là mui xe đóng bít bùng, chẳng thấy được gì bên ngoài cả. Cuối xe, một vệ binh cầm Aka đạn đã lên nòng. Thấy anh đóng khóa an toàn nên tôi đoán chừng vậy. Người trong xe chật ních, lẫn lộn với hành trang, không nhúc nhích gì được.

Dù ở trong xe bít bùng nhưng vài anh em đoán hướng xe chạy, nói to: “Về Saigon! Mấy ông ơi!” Biết là về Saigon nhưng người nào ngu lắm mới hy vọng được đem về Saigon để tha.

Xe chạy khoảng gần nửa ngày thì ngừng, mở mui và có lệnh xuống. Nhìn quanh, có người nói to: “Trại Suối Máu”.

Lần đầu tiên tôi nghe hai tiếng Suối Máu.

Ghê thật!

Máu chảy thành suối! Trận đánh nào xảy ra ở đây mà ghê thế! Lịch sử hai tiếng Suối Máu như thế nào?! Té ra tên Suối Máu nầy có từ lâu. Trước 1975, đây là “Trại tù binh Cộng sản”.

Đường từ cổng đi vào phải đi qua ba khu trại giam 1, 2 và 3 bên tay trái. Một số “tù cải tạo” ra đứng sát hàng rào nhìn chúng tôi. Có người quen biết từ trước nhận ra nhau nhưng không dám gọi to cho nhau.

Bên tay phải là nhà thờ, chùa. Dĩ nhiên, “tù cải tạo” không ai được đi nhà thờ, đi chùa. Còn cán bộ Cộng sản thì vô thần, vô tôn giáo, đã được giáo dục rằng “tôn giáo phản động”. Có ai đi lễ bao giờ. Chùa, nhà thờ đều hoang phế. Phật, Chúa cũng không ở được với Dziệt cộng đâu, cũng đã “vượt biên” cả rồi, chẳng còn vị nào ngồi lại trên tòa sen hoặc trên thánh giá!

Khi mới vào trại tù cải tạo, thỉnh thoảng đọc báo “Quân Đội Nhân Dân”, thấy không ít bài đã kích đạo Thiên Chúa. Hồi có cuộc di cư năm 1954 thì họ nói rằng các linh mục bảo với con chiên: “Chúa đã vào Nam”. Giáo dân nên vào Nam với Chúa.

Tới 30 tháng Tư thì Cộng Sản gọi là “Chúa đã đi Guam”, nên “di tản” theo Ch úa.  Có câu thơ đùa:

Ngày xưa Chúa đã vào Nam,

Ngày nay Chúa lại đi Guam mất rồi.

 

Trong trại, chúng tôi thường đọc báo “Quân Đội Nhân dân” do bộ đội đem xuống cho. Ngoài ra, “Saigon Nhật báo”, báo “Tin sáng” của Ngô Công Đức, khi thăm nuôi, gia đình có mang theo cho vài tờ, hoặc lấy từ trong các giấy gói quà. Người viết thường chỉ có một chiều, một bài bản, đọc “chán thấy mẹ”.

Tương đối những bài viết của Thành Tín (tức là ông Bùi Tín) đăng trên báo Quân đội Nhân dân là có một ít kiến thức, hiểu biết tình hình miền Nam ít nhiều, hơn các người khác, và ít “đường một chiều”. Báo Tin Sáng, phần nhiều chỉ là “nâng bi lập công” như anh em tù cải tạo nói vậy.

Nghĩ tới “anh chàng” báo Tin Sáng nầy, là người tôi từng có cảm tình, đã gặp một lần ở văn phòng của anh ta ở đường Nguyễn Huệ, khi tôi đến nhờ giúp cho một ông anh rể họ bị ông thị trưởng Đà Nẵng chiếm nhà, tôi thấy ái ngại cho anh ta. Một người như thế mà có đủ “sĩ diện” để làm cái nghề “nâng bi” thì cũng “buồn tình đời” thật đấy!

 Anh ta mong được cái gì ở chế độ mới?

            Không lý một “trí thức”, một “tiểu tư sản thành thị” như Ngô Công Đức, “con chủ điền”, lại là một người “theo đạo Thiên Chúa”, “cháu giám mục Nguyễn Văn Bình”, lại không biết Cộng Sản là cái gì hay sao?

            Những “lý do đặc biệt” như tôi vừa nói ở trên, là những điều Cộng Sản không bao giờ cho anh ta “nhập chung môt bọn” với Cộng Sản được!

Anh ta biết cả đấy, nhưng vì một miếng đỉnh chung đã làm lu mờ cái nhãn quan của anh ta hay sao: Một chức “dân biểu” là nhỏ quá, “Ơn Trên” phải cho anh ta một cái gì cao hơn, một cái ghế bộ trưởng Dương Văn Minh dành cho anh ta chẳng hạn. Tiếc một điều, trên đường từ Pháp về để nhận cái ghế bộ trưởng do Dương Văn Minh chia cho, vì máy bay của hãng Air France bay chậm quá, nên khi anh ta về tới Saigon thì Trần Văn Trà đã ngồi trong Dinh Độc Lập, thành ra cái ghế được dành cho anh ta trở thành cái ghế “Bộ trưởng không bộ nào”.

            Sau 1975, mặc dù Trần Bạch Đằng không mặc váy, anh ta vẫn “núp dưới cái váy của Trương Gia Triều”. Trương Gia Triều làm sao chống lại nỗi Lê Đức Thọ, nhất là khi “Công Đoàn Đoàn Kết” của Lech Walesa được “Giáo hoàng Giăng Pôn Hai” và Tổng Thống Reagan hỗ trợ tích cực (1) để đánh đổ chế độ Cộng Sản của Tướng Wojciech Jaruzelski thì Thọ thấy hãi trước sức mạnh của đạo Thiên Chúa ở Việt Nam. Thế là Thọ vạch cái váy của Trần Bạch Đằng mà lôi đầu Ngô Công Đức ra, đóng cửa báo Tin Sáng, biểu Ngô Đức Đức về làm sơn mài.

Khả năng của Ngô Công Đức chỉ làm được ông chủ hãng sơn mài, không thể vói tới cái ghế bộ trưởng được.

Một “đồng chí của Ngô Công Đức” cũng “chui như chuột không kém gì anh ta.

Một hôm, người ta thấy có một mục nhắn tin trên báo Tin Sáng như sau, cho thấy có con chuột (cái) ló mặt ra khỏi hang. Nội dung: “Kiều Mộng Thu, tìm một người anh theo kháng chiến, tập kết năm 1954. Xin liên lạc về với gia đình theo địa chỉ… gì đó ở Long Xuyên”

Cô dân biểu “Nàng Kiều lá đổ” bây giờ không còn gọi “Anh Châu ơi” nữa, không biết có tìm được người anh tên Phong không? Phong là tên do tôi bày đặt cho gia đình “Nàng Kiều lá đổ”, đặt cho ông anh của “Nàng Kiều thời đại”. Tôi dựa theo cuốn tiểu thuyết trinh thám “Lê Phong Phóng Viên” của Thế Lữ. Thám tử Lê Phong trong tiểu thuyết trinh thám của Thế Lữ bị Phạm Cao Củng ghẹo, đề nghị nên đổi tên ra Lê Phong vì hay bắt hụt, bắt gió, bắt không trúng “địch thủ” như cầu thủ “đá gió” vậy.

“Người anh” của “Nàng Kiều lá đổ” chỉ là người “anh gió” mà thôi! “Nàng Kiều lá đổ” tưởng tượng ra một “người anh tập kết” để hù thiên hạ, nổ với thiên hạ rằng cô ta cũng “gia đình cách mạng”, bằng vài phát đại bác đạn rơm chơi. Có phải đó là trò hù thiên hạ của mấy “ông to bà lớn ưa nổ” chế độ cũ hay chăng?!

Trương Ngọc Thu là một cô học trò sắc đẹp trung bình, lãng mạn, đa tình, ưa làm thơ tình, và ưa đặt tên “cải lương”: Đã Kiều, còn Mộng, còn Thu?!

Cô Thu ưa lấy chồng làm quan, dù quan hơi “già”. Nhân vật đó là ông phó tỉnh trưởng Nguyễn Chánh Sắc, đảng Đại Việt. Thế rồi chán cảnh “Đêm đêm bên cạnh chồng già”, cô Thu Mộng Kiều đi làm chính trị, vừa làm chính trị vừa cặp kè kè với ông trung tá con ông Thượng Thư thời vua Khải Định mang “ngù vai, đội nón dấu có chóp vàng”. Khi ông trung tá ngồi tù vì vụ gián điệp Trần Ngọc Hiền, nàng Kiều mỗi ngày đổ không biết bao nhiêu nước mắt, “gọi thầm tên anh”: “Anh Châu ơi!” như báo chí hồi ấy hay đem ra làm trò vui!

            Người ta cũng bàn tán về việc nhờ ông Trí Quang mà nàng kiều lá đổ, – tác giả tập thơ “Lá đổ trên mười đầu ngón tay” – quê ở bên bờ sông Bassac phù sa đỏ lòm đắc cử dân biểu ở miền sông Hương núi Ngự.

Hồi ở trại Trảng Lớn, Phan Hải thường lên khu bộ đội chuyện trò, cho biết có một anh trung úy bộ đội theo đạo Thiên Chúa. Anh ta có cái thánh giá nhưng phải dấu tuốt dưới đáy ba-lô. Anh ta sợ bị đồng đội phát hiện! Dĩ nhiên. Anh ta dấu đồng đội nhưng không dấu với “tù cải tạo”.

&

Anh em chúng tôi được đưa vào một khu mới: Khu 4. Trước 1975, chỗ nầy là khu thể thao của trại tù binh. Bây giờ “trường cải tạo” phát triển nên khu thể thao biến thành khu “nhà trường” của “tù cải tạo”.

Khu 4 gồm một chục gian nhà “tôn” mới được nhà thầu dựng lên, cái nằm ngang, cái nằm dọc, trông giống khu lao động Saigon cũ, tuy nhà tôn ở đây có dài hơn. Gian nhà “tôn” đầu tiên, tách riêng với toàn bộ nhà Khu 4 bằng một hàng rào chăng giây kẽm khá kỹ.

Bên gian nhà ấy là nơi điều trị bệnh nhân. Một người nằm trên giường, bụng to như bụng trâu. Người ta thường nói là bệnh cổ trướng; có người gọi là viêm gan.

Cổ trướng và viêm gan có bà con gì với nhau?! Tôi mù tịt về y khoa!

Một người đứng sau tôi, có lẽ tới đây trước tôi mấy tháng, nói: “Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đó.” Nhiều người “à” lên vui mừng!

Người vừa nói tỏ ra rành chuyện: “Bác sĩ nói chắc không qua khỏi. Kim Cương có lên thăm ông ta!”

Nguyễn Uyên, họa sĩ, đứng bên tôi nói: “Bác sĩ Dziệt Cộng thì biết gì. Khám tầm bậy không!” Người lúc nãy cải chính: “Bác sĩ “của mình”, không phải “cách mạng”. Có anh chưởi thề: “Cách mạng cái con cặ…”

 Nói xong, anh ta cười hề hề. Mấy người khác cũng cười theo… Thấy vui vui, tôi bỗng hát hơi to một chút, cũng mong ông nhạc sĩ nghe được cho vui: “Chiều mưa biên giới anh đi về đâu…”

Nguyễn Thụy Hiền, đại úy giải ngũ, từ quân lao Gò Vấp được tha hai năm nay, người tôi mới quen, nói đùa: “Anh hát tầm bậy không! Sao lại “đi về đâu”. Anh phải hát “Chiều mưa biên giới anh đi về… đây!”  Đang nằm chình ình ở đó mà còn hỏi “đi về đâu” nữa. Không chừng về dưới đó.”

Họa sĩ Nguyễn Uyên, đại úy cục Tâm Lý Chiến, cự nự: “Người ta sắp chết mà mấy ông còn đem ra đùa. Bậy! Bậy quá.”

Mọi người tản đi.

Người miền Nam có nhiều cái buồn cười. Tình nguyện đi lính, chọn những binh chủng đánh giặc thật dữ: Cọp Ba Đầu Rằn, Trâu Điên, Sói biển, Nhảy Dù, v.v… nhưng lại phản chiến hay thích phản chiến, ưa hát bài ca của Nguyễn Văn Đông.

Ngay “Hùng móm” em tôi cũng vậy. Ra trường, cố chọn cho được Nhảy Dù, sợ bị người ta chê, không cho đi Dù. Mậu thân, “loon” thiếu úy mới toanh, đánh một trận nổi tiếng gan lì ở Vạn Kiếp rồi về giữ Bộ Tổng Tham Mưu ở trại Trần Hưng Đạo. Tôi cũng mới nhập ngũ, lính mới tò te ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, cuối tuần đi phép. Hai anh em đi dạo phố Lê Lợi, Hùng ghé quán nhạc mua một tập nhạc của Trịnh Công Sơn vì trong đó có bài “Cho Một Người Nằm Xuống”, một bài hát phản chiến: Trịnh Công Sơn khóc Lưu Kim Cương.

Trước khi nhập ngũ, Hùng rất thích hát những câu như “Anh đến thăm, áo anh mùi thuốc súng…” Hà Thanh hát những bài hát nầy của Nguyễn Văn Đông thì tuyệt, trước nay chưa ai bằng. Nhưng thằng em út của tôi cũng “mâu thuẫn không ai bằng”.

Té ra có một điều dễ hiểu. Họ không thích chiến tranh, nhưng hăng hái tham gia Quân Đội VNCH để bảo vệ tự do.

Nguyễn Thụy Hiền hỏi tôi:

– “Anh Hải, người ta nói Kim Cương hoạt động cho Cộng Sản có phải không?”

– “Hoạt động mẹ gì!” – Tôi nói. “Con mẹ ấy chính cống là Dziệt Cộng. Hồi Nguyễn Văn Đông làm chánh văn phòng hay bí thư gì đó cho tướng Nguyễn Văn Là, y thị bắt cặp với Nguyễn Văn Đông để vào ra Tổng Nha Cảnh Sát lấy cắp tài liệu chuyển ra bưng. Sau nầy nó cặp với Nguyễn M., cũng để tái diễn cái việc tình báo đó.”

Hiền hỏi:

– “Ông M. nầy làm gì?”

– “Trưởng khối Đặc Biệt ở Tổng Nha. Ông biết không, mấy thằng chả nầy bậy lắm.” Tôi nói.

– “Bậy sao?” Hiền hỏi.

– “Thằng cha M. khoe với nhân viên ông ta có con cu bự nên Kim Cương mê lắm. Té ra nó có cần cu đâu! Nó vào ngủ với thằng chả ngay trong Tổng Nha là để chôm tài liệu. Thằng chả cứ nghĩ vì cái củ cải mà nó mê. Mất nước là phải!” Tôi giải thích.

– “Anh làm cảnh sát ở dưới ruộng, sao mà biết rõ trên nầy vậy?” Hiền nói.

– “Hồi đó thì ai biết gì. Sau 30 tháng Tư mọi chuyện mới tá hỏa ra. Một đám ở Trảng Lớn với mình là sĩ quan khối Đặc Biệt. Mấy ngày sắp đứt phim, tụi nó lôi tài liệu ra đốt mà khóc. Coi như thế là xong! Tới đó, trong Tổng Nha nhiều ông mới lộ ra nhiều điều mà trước nay câm như hến. Người ta sợ mấy ông lớn ghét, trả thù.” Tôi giải thích.

– “Vậy chớ Kim Cương tình nghĩa gì mà lên thăm Nguyễn Văn Đông!” Hiền lại hỏi.

– “Lòng con người ta phức tạp lắm, không biết hết được. Yêu nhau mà coi thường nhau, lợi dụng nhau. “Trong khi chắp cánh liền cành, Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên.” Đọc xong câu Kiều, tôi cười.

Tới đó, Hiền mới tin tôi. Thật ra, Hiền nhỏ hơn tôi ít ra cũng gần mười tuổi, thấy tôi hay làm “thầy bàn” nên tin tôi lắm. “Bàn trật hay trúng nghe cũng… vui.” Hiền nói với tôi vậy!

Tôi hỏi Hiền:

– “Bữa kia ông có xem tuồng “Lá sầu riêng” của Kim Cương không?”

– “Tối đó tôi bị bệnh, không coi TV. Tuồng nầy có hay không?” Hiền trả lời.

– “Hay hay không để nói sau, nhưng bây giờ Kim Cương “giác ngộ” rồi!” Tôi nói.

– “Giác ngộ đạo Phật?” Hiền hỏi.

– “Đạo Phật cái con khỉ! Cô ta “giác ngộ chủ nghĩa Mác”. Cái đó mới nhục cho Kim Cương.” Tôi nói.

– “Tôi chưa hiểu, anh giải thích rõ đi.” Hiền đề nghị.

– “Như thế nầy nè!” Tôi nói. “Tuồng nầy của Kim Cương viết trước năm 1975, nhưng đặt tên tác giả là Hoàng Dũng, con của cô ta. Hồi xưa, Kim Cương mê Anh Tứ dữ lắm, không rõ có đẻ đứa con nào không? Nội dung tuồng có hai người yêu nhau, một cô gái nhà quê miền Nam, yêu một thanh niên nhà quê miền Nam. Anh thanh niên giã từ người yêu lên Saigon học, để ít lâu về làm thầy giáo làng. Hứa hẹn hai người sẽ cưới nhau sau khi học xong.

Dzậy rồi dòng đời đưa đẩy, hai người không lấy được nhau. Người con gái làm lẻ một ông phú hộ thôn quê, sinh một đứa con gái; còn anh chàng kia ra làm thầy giáo, rồi cũng có vợ, sinh một cậu con trai. Cuối cùng, hai người đều góa bụa. Trời xui đất đẩy, họ lại gặp nhau, gã con cho nhau. Anh xui chị xui cũng bắt tay nhau, vui vẻ, âu yếm nhìn nhau nhưng “không trào máu họng”!.

Các tác phẩm cũ, tiểu thuyết hay tuồng tích, thường có kết quả nhân hậu như thế. Đó là truyền thống người Việt, ưa một kết cục có sum họp, có đầm ấm, có thương yêu, như truyện Kiều chẳng hạn, dù cô Kiều phải lưu lạc 15 năm.

Bây giờ theo Dziệt Cộng, Kim Cương bèn thay đổi cái kết cục đó khác đi. Bậy vô số.”

– “Bậy vô số là sao?” Hiền hỏi.

– “Bậy vô số” là chữ của ông Võ Phiến, là bậy lắm, bậy vô cùng. Kết quả vở tuồng bây giờ bị Kim Cương sửa lại, hai đứa con của hai người ấy không lấy được nhau, mà hai người ấy cũng không còn là “anh xui, chị xui” nắm tay nhau vui vẻ. Bậy vô số.”

– “Vì sao?” Hiền lại hỏi.

– “Kim Cương bị nhuộm đỏ lòm, viết tuồng theo cách “đấu tranh giai cấp”. Ông giáo làng bây giờ là một nhà tư sản, giàu có. Giàu có là thuộc giai cấp “bóc lột nhân dân lao động”, làm sao kết sui gia với chị nông dân nghèo khổ. Nông dân nghèo khổ là “giai cấp tiên tiến, là đội tiên phong của đảng”.

– “Vậy thì có chi thắc mắc?” Hiền nói.

– “Ngòi bút. Viết như thế là “bồi bút”. Tại sao lại phải sửa. Viết rồi là không sửa. Nó có “tính thời gian” của nó. Kim Cương có muốn phục vụ Dziệt Cộng thì viết tuồng khác. Sửa như thế, người ta gọi là “bẻ cong ngòi bút” để phục vụ “hệ tư tưởng Mác, đấu tranh giai cấp”. Đáng chê lắm.”

– “Hồi xưa, người ta cũng phải viết theo cách phục vụ cho vua chúa vậy. Tui học chương trình Pháp, không rành văn chương Việt Nam nên không cải lý với anh được.” Hiền bày tỏ.

– “Tui hiểu, tui hiểu. Ví dụ như “Chinh Phụ ngâm”, trong đó, ca tụng người lính phục vụ cho vua. “Áo chàng đỏ tựa ráng pha, Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in.” Hình ảnh đẹp quá chớ gì? Nên người ta đi lính phục vụ cho vua. Nhưng đi đánh giặc, giữ gìn an ninh, chống ngoại xâm không là phục vụ cho đất nước hay sao? Ông nhớ rằng, “trung quân, ái quốc” hay “trung hiếu tiết nghĩa” là cái luân lý của người xưa, của dân tộc. Người ta có soạn tuồng hát trong đại nội, hay hát ở thôn quê, hát đình, hát miễu thì cũng viết như Đồ Chiểu “Trai thời trung hiếu làm đầu, Gái thời tiết hạnh là câu trau mình”. Đó là tiêu chuẩn văn hóa người Việt thời kỳ đó, đâu có phải đó là tiêu chuẩn do ông vua bày đặt ra. Có thể nó có lợi cho ngai vàng của vua, nhưng văn hóa đó là của dân tộc. Người viết truyện, soạn tuồng, chọn tiêu chuẩn cho tác phẩm của họ là tiêu chuẩn của văn hóa dân tộc, đâu có phải phục vụ cho ông vua nào, triều đại nào.

So việc làm đó của tổ tiên với việc làm của Kim Cương bây giờ hay Tố Hữu nó khác nhau lắm chớ. Tiêu chuẩn Dziệt Cộng đưa ra cho văn nghệ sĩ viết sách, soạn tuồng là “đấu tranh giai cấp”, là “cải cách ruộng đất” là “Giết! giết nữa bàn tay không ngừng nghỉ, Cho ruộng đồng mau tốt, thuế mau xong.”

Văn hóa người Việt Nam không có chuyện “Giết! giết nữa.” Đúng không? Bà Bảy Nam là người mộ đạo Phật, khi bả biết con bà đi theo cái đám “Giết! giết nữa!” thì bà vui hay buồn? Kim Cương lo phục vụ cho đảng mà quên chữ hiếu đối với mẹ.”

– “Nghe anh nói, tui muốn gặp con mẹ Kim Cương để chưởi vào mặt nó cho bớt tức.” Hiền nói, đúng là dân Nam bộ nóng tính, bộc trực.

hoànglonghải

  • Liên minh Thần Thánh, tác giả dịch từ “Times”

304Đen – Llttm -YD

 

No comments: