Tuesday, November 12, 2019

Một Phần Của Tuổi Đời - Thuyên Huy


Một Phần Của Tuổi Đời
 



 

    Tôi ngồi lặng im trên cái ghế, kê gần tủ thờ ông bà giữa nhà, nghe ba tôi kể lại câu chuyện mà tôi muốn biết của mười bảy năm trước đây. Giọng ông trầm trầm, mẹ tôi ngồi trên bộ ván gỏ nung bên cạnh, đăm chiêu nhìn không thêm không bớt lời nào. Mới xế trưa mà ễnh ương đã kêu dài ngoài đám ruộng sau vườn, cây bưởi góc sân rụng đầy hoa trắng. Tách nước trà cạn dần theo từng lời ông nói.

 - "sau khi đứa con đầu của ba mẹ bị bệnh chết trên tay của mẹ con trên đường từ Gò Dầu xuống Sàigòn vào bệnh viện. Mẹ con buồn bả như người mất hồn, ba quyết định đi xin con nuôi. Nghe vài người quen chỉ, ba lên Tây Ninh, tìm trúng nơi nhà cô tư Hòa. Ba kể lại chuyện và cuối cùng cô tư đồng ý cho con làm con nuôi. Gia cảnh cô tư hay mẹ ruột của con lúc đó có vẻ thiếu thốn. Ba nhận ẳm con về, gởi lại cho cô tư số tiền 600 đồng thời đó, số tiền này tuy không nhiều, nhưng trong thời buổi đó tiền có giá lắm. Lương công nhân chắc chừng hai ba chục gì đó một tháng. Hôm đó cả nhà mẹ ruột con khóc sướt mướt. Ba có hứa với cô tư khi con 20 tuổi, vào đại học ba sẽ cho con biết chuyện này, giờ thì con hỏi, thôi cũng đến lúc con cũng cần biết, đó chuyện là như vậy..".

    Ba tôi ngưng ở đó, mẹ tôi kéo vạt áo bà ba xám lên lau mắt. Cả ba người chúng tôi lặng thinh, tôi cúi đầu khóc rấm rứt, không dám ngước nhìn lên như một tên tội đồ phạm thượng. Mẹ tôi bước xuống ván, chậm rải đi về phía bên hông tủ thờ, mở cái hộp thiếc củ lấy ra một tấm hình đen trắng, giấy in đã ngả sang màu vàng đục, bà đến gần đưa cho tôi, tấm hình chụp lúc tôi vừa về nhà ông bà, tròn ba tuổi. Bà vuốt đầu tôi nhè nhẹ:

- Chuyện gì mặc chuyện gì, con lúc nào cũng là con dễ thương của ba mẹ.

Tôi không kềm lòng được nữa, òa lên khóc nức nở, ba tôi vẫn ngồi yên trên bộ ván:

- Chuyện là vậy đó, bây giờ tùy ở con, hồi nhỏ ba mẹ thương con bao nhiêu thì bây giờ ba mẹ cũng vẩn thương con bấy nhiêu. Cả đời này con vẫn là con của ba của mẹ.

    Nghe ba tôi nói đến đây, mẹ tôi cũng kềm lòng không nổi, bà nắm tay tôi khóc ròng. Tiếng ễnh ương vẫn còn kéo dài ngoài ruộng, trời sắp về chiều. Anh năm Thương tay xách đục cá từ phía sau vườn bước vào, mẹ tôi một lần nữa kéo vạt áo lên lau mắt. Ba tôi lúc bây giờ mới bước xuống ván, anh năm Thương không để ý gì, nhìn tôi cười thoải mái hỏi:

- Mai chừng nào em đi?

- Dạ chắc  độ chín mười giờ. Tôi trả lời mà không nhìn anh vì tôi vẫn còn thúc

thích.

Anh năm đi ra rồi, tôi đưa tấm hình lại cho bà, tôi nắm tay mẹ tôi:

- Con xin lổi ba mẹ là đã hỏi chuyện này làm ba mẹ buồn, ba mẹ suốt đời vẫn là ba mẹ của con, không ai có thể thay thế được.

Ba tôi bưng tách nước trà lên uống một hơi rồi cười thật tươi dù nụ cười không thành tiếng. Nhà tôi ăn cơm chiều trể hơn ngày thường, dù chị năm Thương thúc hối ba lần bảy lượt, chị cứ sợ để lâu mấy con cá lóc mà anh năm bắt về từ xế trưa không còn tươi ngon nữa. Tôi thao thức một mình trong bóng đêm, cố dặn lòng đứng để con sông đời mình có ngỏ rẽ. Tôi chợt mình thức giấc, có tiếng ba tôi tằng hắng ngoài sân sau, trời đã hơn sáu giờ sáng. Ở một góc nào đó cạnh bờ rào, tiếng dế gáy vang rân. Hình như đêm qua không có tiếng súng.

Rồi cũng như mọi lần, ba mẹ tôi đưa tôi ra bến tàu, trên sông sương mù giăng kín, mẹ tôi cũng dúi vào tay tôi thêm vài trăm bạc. Tàu ra khỏi bờ, nhìn bóng ông bà mờ mờ trong màn sương, nước mắt tôi ứa ra dù tôi chưa bật thành tiếng khóc.
 
 
 

    Sàigòn mấy ngày nay không thấy mưa, nắng nóng chang chang,  đường phố mịt mù bụi. Vài hôm nữa thì trời vào hạ, chiến trận ngày càng tăng dần, không thấy dấu hiệu gì giảm bớt. Đám bạn ngày xưa giờ đã chết cho chiến trường gần phân nửa, cộng sản Bắc quân công khai dùng đất Lào và Cam Bốt mở đường, đấp chiến khu xua quân vào Nam, phụ tay với quân Việt Cộng nhất định chiếm miền nam cho bằng được dưới sự hổ trợ đắc lực của Trung Cộng, Liên Xô và khối công sản Đông Âu. Miền Nam ra sức cố thủ nhưng cũng đành mất một số đất thuộc mấy tỉnh Bình Long, Quảng Đức, dọc theo biên giới. Nghĩa trang có thêm nhiều bia mộ mới, trắng một màu vôi. Chiếc xe tang, khăn sô góa phụ, khan tắng con thơ giờ trở thành cái gì quen thuộc trên đường phố Sàigòn hay con lộ đất ngoại ô. Trong cái không khí ngột ngạt của cuộc chiến không hẹn ngày an bình, Sàigòn vẫn vội vàng sống, dù người đã nhập cuộc hay kẻ còn đứng bên lề. Đôi lần tôi chợt nhớ đến Tường, nhớ cái kỷ niệm vui buồn bất chợt của những ngày mới tập làm thơ thương vay khóc mướn, những ngày chập chửng yêu, chạy xe honda lên xuống qua lại nhà ai đó không dám vào, không dám ngỏ, những ngày hai thằng ngồi yên lặng cả giờ đồng hồ trên đồi, nhìn trời xa xa mơ một ngày mai công thành danh toại. Gần một năm trời, tôi chưa nhận được là thư nào của hắn, nhưng tôi luôn mong Tường ở đó được bình an. Chuyện Tường yêu Chiêu làm tôi lo nhiều hơn là buồn, sợ một ngày nào đó, chúng tôi sẽ mất nhau vì định mạng trớ trêu này. Tôi hối tiếc là đã không nói thật cho Tường biết, giờ thì muộn mất rồi.

    Chiều thứ sáu, sau giờ học cuối, Tùng qua phòng thí nghiệm tìm kiếm gì đó, buồn quá, tôi đón xe buýt ra chợ Sài Gòn. Đi lòng vòng cũng không thấy gì vui, tôi bỏ đến ngồi uống cà phê tại quán vắng bên lề đường Lê Thánh Tôn, nhìn kẻ qua người lại trong cái nắng chiều thoi thóp đổ dài theo từng chiếc lá me bay. Chợt dưng tôi nhớ Bến Cầu vô hạn, nhớ cái giọng trầm trầm mà ba tôi đã kể lại chuyện của mười mấy năm xưa, để trả lời cho câu tôi hỏi, nhớ tấm hình đen trắng chụp ngày tôi mới lên ba mà mẹ tôi đã nâng niu như bảo vật trong suốt hai mươi năm trời. Tôi nuốt chửng ngụm cà phê thật nhanh để lòng mình không kịp khóc, nhưng đôi giọt còn đọng lại trên môi nghe như mằn mặn. Trả tiền xong, vừa lửng thửng định băng qua đường, thì gặp Thảo Ly và Xưa từ hướng tòa đô chánh đi tới. Hai cô cùng thốt lên một lượt:
 
 
 

- Ủa Anh Ngữ, làm gì ở đây có một mình vậy?

Tôi gật đầu chào, chưa trả lời thì Xưa tiếp lời:

- Chiêu đang ở tiệm bà chị, tụi em cũng từ đàng đó lại, định đi kiếm chè bánh lọt về ăn.

Tôi thật sự không thấy vui trong lòng nhưng cũng ráng gượng cười:

- Mấy cô hết giờ sớm vậy sao?

- Có anh đây, thôi mình trở lại tiệm gặp Chiêu đi, rồi tính đi đâu thì đi, như vậy vui hơn. Thảo Ly nhanh nhẩu nói.

    Hai cô nàng bỏ đi trước, tôi chầm chậm theo sau. Phố đông người và lá me vẫn cứ lả tả rơi. Về đến tiệm, tôi chỉ kịp chào bà chị thì Chiêu đã nắm tay tôi đi ra, Thảo Ly và Xưa tủm tỉm cười đứng trước cửa chờ. Hai ba người khách bước vào, bà chị đành nhìn theo mà không nói thêm gì được. Băng qua mấy cái quán nhạc trên đường Nguyễn Huệ, tôi đứng lại chờ ba cô nàng đi lại chổ giữ xe gắn máy lấy xe. Từ đầu này nhìn về bến Bạch Đằng, phía bên kia sông Sài gòn chiều bắt đầu xuống thấp dần, mây lưa thưa từng cụm tím ngắt. Theo lời đề nghị của Xưa, bọn tôi lái xe honda ra Phú Lâm ăn hủ tiếu Nam Vang Kim Tháp. Quán đông nghẹt người, chúng tôi chọn cái bàn ngoài mái hiên, nhìn ra quốc lộ bốn đi miền Tây. Gió chiều thổi ngược về thơm mùi rạ khô của mấy cánh đồng chạy dọc theo đường làm tôi chợt nhớ nhà quá, tôi ngồi trầm ngâm nhìn xa xa không biết là từ nảy giờ ba cô nàng cũng đang nhìn tôi dò xét. Tôi quên mất cái cười mà tôi có thường ngày, cái chuyện của đêm nào ở Bến Cầu đã làm cho hồn tôi cứ ray rứt. Chiêu ngài ngại nhìn tôi, trong khi chờ người bán hàng bưng hủ tiếu tới :

- Anh Ngữ hôm nay sao thấy buồn vậy? Tụi em có làm gì để anh giận không?

Thảo Ly vừa đó thêm vào :

- Thật tình mà nói, em để ý thấy anh hơi là lạ từ khi về tới tiệm của chị hai kìa!

Tôi cố vui đáp lời :

- Đâu có gì đâu. Tôi ngưng ở đó, không dám nói gì thêm vì mắt tôi đã rươm rướm đỏ.

Cả ba cô, ai nấy đều ngồi lặng thinh, chờ người bán hàng bưng mấy tô hủ tiếu tới xong rồi bỏ đi, tôi đành xuống giọng vì không thể dằn lòng khi nhìn Chiêu buồn rười rượi.

- Thôi mình ăn xong đã, anh cũng có chút buồn, ăn đi rồi anh nói cho nghe.

Cả ba cô cùng thở phào một lượt. Mặt trời chỉ còn ửng đỏ hơn phân nửa ở phía bên kia cánh đồng. Gió thổi nhẹ vào mái hiên quán ăn, bắt đầu lành lạnh.

    Người bán hàng một lần nữa bỏ đi sau khi đặt ly cà phê sửa đá trên bàn. Tôi bưng ly lên uống vài ngụm nhỏ, mùi thơm cà phê làm tôi có phần tỉnh táo và dễ chịu. Ba cô nghiêm nét mặt chờ. Tôi chậm rải kể lại câu chuyện đời mình, chuyện của một thằng bé bị cho đi từ năm mới lên ba và cho đến hơn mười mấy năm sau mới biết sự thật. Tôi kết thúc ở đoạn ba mẹ tôi đưa ra cầu tàu Bến Cầu, môi tôi mằn mặn, không ai nói lời nào. Lờ mờ qua ánh đèn điện vừa lên, Chiêu ôm mặt khóc rấm rức, Thảo Ly không khác gì Xưa, mắt hai cô đỏ hoe, chúng tôi cùng nhìn một phía ngoài quốc lộ, giờ này đường vắng tanh. Bất chợt mưa về ngang hết sức tình cờ, một cơn mưa lẻ loi trái mùa.

    Trên đường về, không ai nói câu nào, Tùng đứng lang thang trước cửa vẫy tay chào. Chiêu đi rồi, Tùng nhìn tôi ngài ngại. Phố bắt đầu vào đêm, phía nhà bên cạnh có tiếng đứa con gái quen hát nho nhỏ bài tình ca nào đó.

     
Thuyên Huy
Trích từ truyện dài  “Bất Chợt Thu Về Đầu Hạ”

No comments: