Friday, November 1, 2019

Tưởng Nhớ Trần Hoài Chí - Nguyễn Văn Kiễm


TƯỞNG NHỚ TRẦN HOÀI CHÍ


 

 Vì nhu cầu chiến trường, Giang đoàn 62 tuần  thám được lệnh tăng cường cho lực lượng đặc nhiệm 211 dưới quyền Phó Đề Đốc Hoàng cơ  Minh – dạo đó vẫn còn là Đại tá.  Lệnh hành quân đưa xuống, đoàn Giang tốc đỉnh (PBR) lên đường ngay trong đêm tối mịt mùng im   lặng đến rợn người của rừng rậm U Minh. Rời   Rạch Sỏi  với   những  trận  ác  chiến  chưa  tan  mùi  thuốc súng  trên áo  trận, giang  đoàn của  tôi  trực  chỉ   Cà   Mâu   nhiều   hứa   hẹn   với   phong   ba.  Đoàn   tàu   nối   đuôi   nhau   đi   dọc   theo   con   sông   Năm   Căn   quanh   co   khúc   khỉu, hai   bên   bờ   toàn   là   dừa   nước, đầm   lầy. Tiếng chim nơi đây nghe như xao xát chứ không trong trẻo vui tươi như những chỗ thanh bình. Tôi đi trên chiến đỉnh dẫn đầu bởi vì tôi không xa lạ gì với con sông này. Ngày còn phục vụ trên Trợ Chiến Hạm (LSS) HQ230 với NT Lẽ Châu An Thuận, con sông này tôi đã … quen đi lại lắm lần. Đó là những lần HQ230   được biệt phái về đây chờ   hộ   tống   những   Duyên Vận Hạm   hay   Y   Tế   Hạm   tiếp   tế   thực   phẩm, nước   uống   hoặc   thuốc   men   cho   căn   cứ   HQ   Năm   Căn.   Dòng   sông   đục   ngầu này, nước   mặn   chảy   xiết   quanh   năm, bề   rộng   có   nơi   chỉ   vừa   đủ   cho   một   chiến   hạm   đi   qua   với   những   hàng   đáy   của   dân   nằm   la liệt   vô   trật   tự   và   ban  đêm thì chỉ được thắp sáng bởi những   ngọn đèn dầu leo lét, chập  chờn ẩn hiện sau   lớp sương khuya dày đặc.  Đòan PBR có khi lầm lũi đi trong đêm, có khi thì giang hành trong tiếng   đạn đại liên bắn trực xạ hai bên bờ lau sậy um   tùm rồi cuối cùng thì đoàn   tàu   cũng   đến   Cà   Mâu, nơi   bộ   tư   lệnh   của   lực   lượng   đặc   nhiệm   trú   đóng. Mệt   mỏi   sau   hai   ngày   trời   không   ngủ   vì   giang   đoàn   phải   di   chuyển   giữa   vùng   sông   rạch   đầy   dẫy   mìn   trôi   và   nguy   hiểm   không   biết   đến  lúc nào, tôi  tính  lên  phòng  hành  quân  “chấm”   xem   qua   cho   biết   tình   hình   chiến   sự   rối   kiếm   chỗ   ngủ   một   giấc   thật   dài   thì   bỗng   nhiên   bên   tai   có   tiếng   gọi   mừng   rỡ:

– Tôi đoán   không   lầm   mà, nghe   trên   máy   từ   hôm   kia   đã   nghĩ   là   ông   rồi.

Quay lại nhìn, tôi nữa mừng nữa bỡ ngỡ. À, té   ra mấy hôm nay một hai lần nói chuyện với Charlie của phòng hành quân “chấm”mà không biết đó là Chí, người bạn cùng khóa ở trường Hàng Hải. Tôi bắt tay Chí thật chặt:

– Hèn chi tôi cũng ngờ ngợ, nhưng không hỏi trên tần số làm việc được. Ông nằm đây lâu chưa?

– Đã một năm nay rồi, có cả con nhà Vinh nửa, tối nay nó sẽ từ vùng về dưỡng quân.  Nó ở 72 Thuỷ  Bộ đang xử lý thường vụ Chỉ huy phó vì  ông phó vừa lên chức…  cố!

Tôi đề nghị chờ Vinh về đến, ba đứa lấy xe jeep ra phố kiếm vài ba chai bia lẻ tẻ bởi mấy ngày nay đã khát nước lắm rồi! Chí dẫn tôi vào phòng hành quân, lấy cái handset nơi tay người trung sĩ vô tuyến gọi cho Vinh.

– Victor, đây Charlie.

– Victor nghe! Tiếng của Vinh trả lời nho nhỏ trên máy,

– Ngày xưa còn bé đi Victor.  (Máy PRC 25 hay PRC 46 có hai nút đổi tần số từ 0 đến 9, chỉ cần tăng nút bên trái lên 2 nất, nút phải lên 3 nất như thuở còn 2, 3 tuổi là chúng tôi ra khỏi tần số làm việc để nói chuyện riêng mà không sợ quấy rầy ai cả).

– Nghe chưa Victor. Về nhanh lên, Kilo vừa đến Charlie Mike (Cà Mâu). Đố ông biết Kilo là ai?

– Kilo ở 2 lần Hotel (Hàng Hải) phải không?

Chí không trả lời, đưa handset cho tôi. Tôi cầm lấy trả lời Vinh:

– Tao Kilo đây, hai đứa tao chờ mày về sẽ ra phố đổ vài két ăn mừng mày còn sống sót trở về. Nhanh lên đi thằng con dại.

Ngày xưa tôi và Vinh chơi rất thân trong trường, khi biệt phái về Hải Quân, mỗi đứa về một chiến hạm, hoạ hoằng lắm mới được cùng về bến một lần, thôi thì túy luý với nhau cho đến khi một thằng tách bến. Rồi sau đó tôi được lệnh thuyên chuyển về Đà Nẵng lãnh chiếc Coast Guard 709 thuộc Hải đội I Duyên phòng còn Vinh thì về HQ 605. Từ ngày ra trường, đã 5 năm tôi không hề gặp lại Chí, giờ đây trông Chí hơi gầy nhưng khoẻ hơn daọ còn đi học nhiều lắm. Nước da rám nắng nên hơi đen và tóc vẫn hớt ngắn, nụ cười hiền hòa không bao giờ thấy vắng trên môi. Chúng tôi chơi thân với nhau nhưng không hiểu sao từ khi còn ở trong trường đã không xưng hô mày tao chi tớ như với các bạn khác mà từ bao giờ đã “Ông Ông Tôi Tôi”! Đêm hôm đó 3 đứa ngủ lại ngay… trên bàn đầy cả vỏ bia. Chí không uống được nhiều như Vinh và tôi, cũng không hút thuốc liên tục như Vinh và tôi nhưng Chí có nhiều chuyện tiếu lâm để kể rồi cả ba đứa cùng ôm bụng cười. Cà Mâu về đêm, đèn đường không sáng, đèn trong quán đã mờ theo khói thuốc, mấy dãy bàn chật ních vừa quan vừa lính của hai giang đoàn được nghỉ dưỡng quân. Đêm hôm đó, một nửa quan quân được đi bờ, nữa kia dẫn tàu tản mác khắp nơi để phòng địch pháo kích gây thiệt hại cho nhiều chiến đình. Đoàn kết thì chết hết, chia rẽ chỉ chết lẻ tẻ mà thôi! Nơi vùng lửa đạn, chúng tôi đã thuộc nằm lòng “bài học khôn ngoan” đó những lúc ra quân. Con đường chính của thành phố có hơn mười quán nhậu, quán nào cũng vang vọng tiếng cười và tiếng cụng chai. Tụi tôi được mấy thằng em tiếp tế cho những dĩa thịt gà xé phay thơm phức, những con gà mà có lẽ sáng hôm nay vẫn còn ưỡn ngực đứng gáy hiên ngang như chưa bao giờ được gáy, bây giờ nằm đây lạc lõng giữa   đống vỏ chai vô tri, giữa tiếng cười nói thân tình của nhiều đám bạn bè gặp lại nhau sau nhiều năm tháng lang thang khắp vạn nẽo sông hồ, của những người không thể “hẹn với nhân gian kiến bạch đầu” bởi vì ở nơi đây chuyện sinh tử cách nhau chỉ một đường tơ kẻ tóc ! Gặp nhau thì uống, rồi ngày mai mỗi đứa một phương trời mà có  khi là vĩnh biệt.

Từ đâu trong góc quán, một giọng hát nghe đã “rè” nhưng vẫn còn mang âm hưởng thật ngọt ngào, ấm áp, và đủ sức làm xao xuyến lòng người: “quán nửa khuya đèn mờ theo hơi khói, trút tâm tư vào đêm vắng canh dài”. Chí nhìn tôi “ngày mai tôi vô vùng, ra đây mới đó mà đã một tuần rồi, nhanh quá!” Rồi không đợi tôi trả lời, Chí nói tiếp “ra đây không uống trà, chỉ uống bia, vào trong đó, không có bia, chỉ có trà để uống mà thôi, Ông nhớ đó nghe”. Ngày mai Chí vào Chương Thiện, một tỉnh nhỏ dưới quyền kiểm soát của địch. Chí là một trong những sĩ quan hành quân của bộ tư lệnh lực lượng đặc nhiệm 211, họ thay phiên nhau vào đó để trực tiếp liên lạc với những giang đoàn Thuỷ bộ, Xung phong, Ngăn chặn và Tuần thám hoạt động trong vùng, củng cố an ninh cho Chương Thiện. Tôi cười bảo Chí:

– Ông nói đùa chứ thằng con nhà Vinh cũng từ trong đó mới mò ra tối nay mà sao miệng toàn cả mùi bia, hồi nảy gặp nó, chỉ nghe mùi, tôi đã muốn say rồi!

Chí nói qua chuyện khác:

– Mới đó đã 5 năm rồi, từ khi tụi mình ra trường!

Rồi ba đứa tụi tôi ngồi kể cho nhau những kỷ niệm trong trường. Chí nhắc lại giờ học sextant với Thầy Ducasse, từ trên lầu trước cửa lớp, Thầy chỉ cho tụi tôi cách xử dụng sextant cho đúng cách, thằng Vinh loay hoay chĩa sextant xuống bên kia trường Hoá học, nơi có mấy cô sinh viên đang thơ thẩn, nhởn nhơ trò chuyện. Thầy Ducasse không nói một lời, lặng lẻ đưa tay nâng nhẹ cái sectant trong tay Vinh chĩa thẳng lên trời. Cả bọn không dám cười thành tiếng! Chí kể lại chuyện cả bầy rủ nhau bỏ học, xuống ngồi làm reo dưới sân cỏ trước trường, chỉ mình Lê tấn Thành vào lớp học giờ legislation! Sau đó cả bọn bị Thầy Giám đốc quạt cho một trận tơi bời hoa lá. Chí nhớ rất nhiều những chuyện nghịch ngợm hồi còn ngổ ngáo, coi cái mark sinh viên HH to như cái thúng! Tôi kể lại chuyện Thầy Ducasse hỏi bài một đứa, thằng trên bục gỗ chưa nói, Phạm kế Thắng ngồi dưới lớp đã xầm xì “tàu lùi lái theo hướng gió, tàu lắc lư, tàu…chìm luôn!” Thầy Ducasse không nói một tiếng, Thầy xếp sách vào cặp rồi chậm rãi bước ra khỏi lớp. Té ra Thầy nói và hiểu rành tiếng Việt. Thầy đọc cả Tam Quốc chí và gối đầu giường những tập truyện của Kim Dung nhưng dạo đó tụi tôi đều không đứa nào biết! Ba đứa vừa uống bia, vừa nhắc lại chuyện ngày xưa và cười nghiêng ngửa, quên bẵng ngày mai đây không biết chuyện gì sẽ đến cho mình. Lâu ngày quá mới gặp lại nhau mà, phải không Chí, Vinh?

Năm năm rồi không gặp, từ khi… Ông ra trường!”

Cuối đường đạn bay

Thấm thoát cũng đã được 8 tháng, từ khi Giang đoàn tôi về tăng cường cho lực lượng đặc nhiệm 211. Khi thì yểm trợ cho căn cứ hỏa lực Rạng Đông, Bừng Sáng, khi trở về lục xét, trấn giữ Thới Bình, Chương Thiện, đêm về nằm lặng lẽ trong rừng tối U Minh. Những chuyến kích đêm có khi trời trở lạnh, càng lạnh thêm vì đẫm ướt nước mưa. 2, 3 giờ sáng, qua chiếc máy truyền tin mở nhỏ, nghe gịong Chí hỏi han, thấy lòng ấm lại thật nhiều. Có khi ba đứa gặp nhau ngay trong vùng hành quân, chỉ nói năm ba câu trên máy rồi phải trở về tần số làm việc, tiếp tục lao đầu vào lửa đạn. Cũng có khi một hai thằng vô vùng, thằng nằm hậu cứ, suốt ngày ngồi nghe ngóng tin tức hai đứa kia, chờ mong có thằng rời vùng để rồi rủ nhau ra Cà Mâu la cà nhậu nhẹt. Tôi và Vinh đi nhiều, còn Chí có bổn phận ngồi phòng hành quân, họa hoằng lắm mới cùng hai đứa tụi tôi tham dự một vài trận đụng độ. Tuy Chí không đi nhiều nhưng luôn luôn nắm vững tình hình địch quân, chỗ nào “hắc ám” Chí đều biết rất rõ ràng. Những lần chia tay, Chí hay nhìn tụi tôi ân cần căn dặn đủ điều, “nhớ khi qua khúc “cùi chỏ” đó, ở bên phải có những ụ đất cao, phải coi chừng. Cứ nổ trước đi cho chắc ăn nghe!“

Tôi và Vinh đều biết, ở nơi đây, tuy là vùng tác xạ tự do, nhưng khi chưa cần thiết thì chưa thể ra lệnh bắn vì để tiết kiệm đạn dược cho những khi thật sự cần đến. Tuy vậy để cho Chí yên tâm tụi tôi vẫn luôn luôn gật đầu, “đừng lo mà!” Mỗi bận giang đoàn vào Thới Bình dừng quân, Chí cũng nhắc cho mấy câu thơ :

Gái Thới Bình chung tình chung thủy,

Trai bạc tình, một cẳng về quê!                                                              

Con gái Thới Bình phải nói là trắng trẻo xinh xắn lắm, nhưng không biết có phải vì bạc tình mà thật nhiều chàng Hải Quân đã để lại những phần thân thể nơi vùng đất mang cái tên thật êm đềm này chăng? Nghe kể rằng đây là lời nguyền của một thiếu nữ bị tình phụ nên trước khi quyết định quyên sinh nàng đã lập lời thề “sắt máu” đó. Có thật hay không, tôi thật sự không hề nghĩ đến chuyện chứng minh cho mình, chỉ biết rằng mấy thằng em của tôi nhiều đứa cũng đã mang thương tật, vài đứa còn để lại xác nơi chốn thiên đường này! Dù sao tôi vẫn thích Thới Bình với những quán tranh xiêu vẹo, những buổi sáng từ trong rừng, theo ánh nắng ban mai, đoàn chiến đỉnh kéo nhau về ủi ngay trước chợ Thới Bình mãi mãi vẫn  là những hình ảnh đẹp rạng rỡ trong lòng tôi. Thường thường thì ở nơi đây, tụi tôi tha hồ vừa uống bia, vừa ngắm những bông hoa của vùng nước đục ngầu, lơ lớ mặn, chỉ cần đừng quên mang áo giáp, nón sắt và súng ống bên hông. Nhưng buổi sáng hôm đó, không hiểu sao tự  nhiên  tôi chẳng thích ai quấy rầy mà chỉ muốn ngồi một mình trên nóc chiến đỉnh, lặng lẽ theo dõi cuộc hành quân của Vinh và Chí bên phía Chương Thiện. Tôi vào Thới Bình đã hơn tuần nay. Chí mới đi phép về và được lệnh vào vùng thay thế cho một sĩ quan khác tới ngày ra Cà Mâu công tác. Ba ngày trước đây, Chí lên máy liên lạc với tôi. Chí kể chuyện SG và những ngày đẹp tuyệt vời với người yêu sắp sửa làm cô giáo. Chí than phiền “tôi về đây , gấp quá để quên cái nón képi ở nhà rồi!” Tôi đùa với Chí “khi nào chào cờ, Ông hãy xuống tàu núp với tôi”. Chí bảo có mang mấy món nhậu thật ngon, chờ tôi về sẽ cùng nhau nhậu cho đã… Hôm đó tôi bồn chồn ngồi nghe giang đoàn 72 Thủy bộ của Vinh và giang đoàn Xung phong đang chạm địch nặng nề, tiếng của Vinh và Chí thỉnh thoảng vang lên trong máy PRC 25 xen lẫn tiếng đại liên nỗ dòn và nhiều khi cả tiếng B40, chứng tỏ địch quân không cách xa những chiếc Tango của Vinh và Chí là bao nhiêu. Bỗng nhiên tôi linh cảm như có một điều gì không may sắp xảy ra. Bất giác tôi rùng mình vì một thứ hơi lạnh buốt từ đâu như đang len lỏi vào cột sống dù lúc bấy giờ trời đang nắng chói chang. Tôi thấy trong lòng hồi hộp lạ thường. Chiếc máy PRC 25 nằm bên cạnh tôi chợt vang lên tiếng gọi của Vinh.

– Kilo, đây Victor.

– Victor, Kilo nghe đây!

– Charlie bị trúng đạn! Tao đang chạy đến coi thử đây.

– Nhanh đi, và nhớ cho tao hay liền nghe Victor.

Nhưng Vinh không đến kịp và Chí cũng đã đi rồi!!! Chí đi trên chiếc Soái đỉnh Thuỷ bộ (Command Communication Boat) dẫn đầu đoàn tàu mở rộng vòng đai an ninh cho Chương Thiện và tiến thẳng vào căn cứ hoả lực Rạng đông. Nước ròng xuống thấp, bờ sông cao hơn nóc chiến đỉnh là điều tối nguy hiểm. Khi chiếc Soái đỉnh đi ngang khúc quanh ngặt về phía trái, từ bên bờ hữu mạn, địch quân thình lình khai hỏa tới tấp mong đánh chìm tàu, chận bít lối đi. Chí đã bình tĩnh ra lệnh cho tàu đổi hướng, tay lái về hết bên mặt để trực diện với quân thù. Thay vì cố gắng xả máy vượt khỏi vùng phục kích, chiếc chiến đỉnh vừa đổi hướng vừa bắn thật gắt vào bờ khiến địch quân lập tức bị rối loạn và tiếng đạn trên bờ vì thế đã giảm đi rất nhiều. Đây là một quyết định rất can đảm và thông mình bởi vì khi đổi hướng tàu, Chí đã chuyển từ thế thụ động sang thế công và nếu trường hợp chiến đỉnh bị đánh chìm cũng sẽ không làm nghẻn dòng sông qúa hẹp, cản trở đường đi của  những chiếc đằng sau khiến tất cả bị dồn đống trên khúc sông nhỏ bé này để rồi trở thành những “mục tiêu vĩnh biệt sớm mai hồng”! Đứng trước sân mủi của chiếc Soái đỉnh, Chí điều động đoàn tàu đằng sau và đồng thời phản công để cố dành đường sống cho tất cả thủy thủ trên tàu. Một viên đạn B40 đã vô  tình kết liễu cuộc đời của người Sĩ quan anh dũng đó. Chiếc đầu theo lằn đạn oan nghiệt, văng ra từng mảnh nhỏ nhưng thân hình Chí trong bộ quân phục màu tím đã nhuộm đỏ máu đào, vẫn còn đứng thẳng hiên ngang, tay cầm chắc chiếc handset. Tiếng súng của địch quân trên bờ đã tắt, chiến đỉnh đã ủi bãi an toàn, và đoàn tàu bình yên vượt qua khúc quanh đẫm máu. Khi Vinh đến đó thì những người lính đã bồng cái xác của Chí đặt nằm trên chiếc poncho tạm thời làm nơi yên nghỉ cho người Sĩ quan mà họ thương mến vô cùng. Họ vừa khóc vừa kể :

– Tàu trúng đạn thật nhiều, chòng chành dữ dội nhưng cái xác của Ổng vẫn đứng vững cho đến khi tàu ủi bãi, chấn động mạnh mới làm Ổng ngã xuống!

Tối hôm đó tôi được phép về Cà Mâu, ra nhà xác để thăm Chí. Khi tôi đến nơi, những nhân viên ở đó đã phải dùng bông gòn và băng làm tạm một chiếc đầu và đặt lên cổ cho Chí rồi sau đó xác của bạn tôi được bỏ vào hòm sắt chờ đưa về cho gia đình. Dưới ánh nến chập chùng, lạnh lẽo, những người lính nghiêm trang trong tư  thế  bồng súng chào, đứng canh suốt đêm bên xác của “Ông Thầy” .

Thắp lại nén hương

Khi tôi và Vinh từ vùng hành quân được phép về Saigon để tiễn đưa Chí đến nơi an nghỉ cuối cùng thì quan tài đã được đưa về đó. Các đồng môn huynh đệ trường Việt Nam Hàng Hải đã đến rất đông và chia phiên nhau túc trực bên quan tài. Các em của Chí còn nhỏ dại nhưng cũng đã đủ khôn để biết rằng từ đây người anh cả không bao giờ còn đó nữa để săn sóc cho bầy em! Mẹ Chí khóc sụt sùi, qua tiếng nấc nghẹn ngào Bà hỏi tôi rằng Chí đã chết như thế nào, có toàn thây hay không? Tôi đành phải nói dối rằng thân xác của Chí vẫn còn nguyên vẹn, nhưng Bác gái vẫn quả quyết: – Tôi cứ nằm mơ thấy anh ấy về nói rằng không còn chiếc đầu nữa! Một ngày trước hôm họ đưa xác đến, anh ấy cũng về báo với tôi là ngày mai sẽ về tới!

Bác trai ngồi im lặng cả mấy ngày trước quan tài đứa con trai yêu quý. Bác không khóc nức nở như mọi người trong gia đình, Bác ngồi đó, nhìn đăm đăm vào tấm hình của Chí với hàng chử “Cố HQ Đại Uý HHTT Trần Hoài Chí”. Bác  nghĩ  gì, tôi  không  biết, chỉ biết rằng sau đôi mắt kiếng lão, những giọt nước mắt cứ lặng lẽ tuôn ra. Bác nói với tôi rằng “ tuy đau lòng lắm nhưng Bác rất hãnh diện vì anh ấy”.

Hôm nay tôi ngồi đây viết lại những giòng này không phải để vinh danh người bạn cùng khóa đã Vị Quốc Vong Thân bởi vì cũng như những Anh Hùng Tử Sĩ khác, bạn tôi không cần những tầm thường đó của cuộc đời. Tôi chỉ muốn dùng trang giấy này như một nắm hương thắp lên để tưởng niệm người bạn hiền hòa đã sớm lìa xa cõi đời tạm bợ,  bỏ lại đằng sau biết bao nhiêu thương nhớ của gia đình, bè bạn và của người yêu đã khóc ngất, rũ rượi bên quan tài.

Xin một lần nữa nghiêng mình trước anh linh của Chí.

Chí ơi !

Nguyễn Văn Kiệm
Cà Mâu 1973
304Đen – Llttm - Nguồn: http://vnhanghaiphap.free.fr/?p=382

 

 

No comments: