Friday, April 24, 2020

45 Năm Rồi Ư! - Phùng Hi


45 năm rồi ư?
 
 

 Gia đình tôi ở tỉnh Phú Yên. Những ngày tháng 4 năm 1975 tôi mười một tuổi, học lớp năm trường Tiểu học Bình Nhạn. Trường nay nằm trong khuôn viên Ủy ban nhân dân thành phố Tuy Hòa.

Ba tôi là lính văn phòng, chuyên đánh máy chữ, của Phòng Ba Tiểu khu Phú Yên. Ông giải ngũ năm 1969 vì bị thương ở chân, khi tàu lửa qua Đèo Cả dính mìn. Ông nói vậy cũng may, vì mỗi đợt hành quân về phía tây Phú Yên, công lệnh do ông đánh máy, Việt Cộng đều biết, không khéo trước sau gì ông phải ra tòa án binh mất.

Trốn nậu trển

“Nậu trển” là cách nói thầm của người dân Phú Yên (Xứ Nẫu) chỉ người trên núi xuống, tức Việt Cộng.

Nghe bộ đội Bắc Việt chiếm cao nguyên Trung phần, ba tôi đưa cả gia đình vô Cam Ranh, khoảng cuối tháng 3/1975, gọi là chạy giặc hay đi trốn nậu trển. Và để nếu chia lại đất nước ở vĩ tuyến 13 (nghe phong thanh thế) thì mình thuộc về phía Quốc Gia.

Xe ba-lua [xe tải hạng nặng, từ tiếng Pháp poids lourd – Văn Việt] chở gia đình tôi và hai gia đình người bà con đi trong tiếng nổ ì ầm của đại bác, tiếng súng trường khắp tứ phương. Quãng đường đi từ Tuy Hòa vô Cam Ranh chưa đến 200 cây số nhưng đường hư, cầu sập, xe khởi hành từ sáng đến tối mịt mới tới nơi. Trời đêm trăng sao yên bình nhưng dưới đất quá hiểm nguy.

Mấy gia đình ở tạm căn nhà lợp tôn, dừng ván, nằm giữa khu vườn rộng rất nhiều dây leo và hoa thơm. Đó là nhà của người bạn ba tôi, căn nhà nằm trên trục đường Mỹ Ca qua bán đảo Cam Ranh. Vùng đất nhìn đâu cũng thấy cát, trắng phau cùng những bụi hoa dại.

Còn thơ, nỗi sợ súng đạn không lấn được sự thích thú đến nơi ở mới, tôi cùng người anh họ đi loanh quanh khu phố Mỹ Ca. Tôi thấy rất nhiều lính, áo quần đầy bụi đỏ, nằm ngồi ở mấy hàng quán giải khát. Một ông lính già, tay cầm chai bia bể miệng ngửa cổ tu rồi khóc, chửi thề chỉ huy đã ra lệnh rút quân không cho đánh, rút từ Buôn Ma Thuột về. Chai bia bể miệng cắt vào môi ông chảy máu nhìn sợ quá.

Mấy hôm sau, bây giờ tính lại là ngày 31/3/1975, quốc lộ Một ùn ùn xe cộ di tản vô Nam, chạy trốn nậu trển. Xe hai bánh, bốn bánh hết xăng quăng đầy hai bên đường, để lại cả chìa khóa xe. Bán đảo Cam Ranh để đèn sáng suốt hai ngày hai đêm, nhà đèn chạy tới hết nhiên liệu rồi tự tắt.

Ba tôi theo đoàn người qua bán đảo, khiêng về một ít gạo. Ông nói hàng nhu yếu phẩm dành cho quân đội chất cao như núi trong kho, dùng biết khi nào cho hết. Anh họ tôi thì ôm về cà phê và thuốc lá con mèo, mỗi gói chỉ hai điếu, hút thơm lừng cả nhà. Trời mưa lắc rắc cả đêm. Buồn và tĩnh lặng, nghe rõ tiếng xe chạy ì ầm, tiếng súng trường nổ.

Đi trốn nậu trển nhưng chỉ hai ngày sau đó thì thấy họ. Quân xanh màu lá rộng thùng thình, do bộ đội vừa nhỏ con vừa ốm, quân phục thì quá khổ.

Một buổi sáng, đoán là ngày 3 tháng 4, B52 bay ra thả bom, mục tiêu cho sập cầu Long Hồ bắc qua bán đảo. Nhưng cả buổi sáng thả không trúng. Phòng không của bộ đội miền Bắc bắn cả buổi đỏ trời, cũng không trúng chiếc máy bay nào.

Gia đình tôi sau đó về lại Phú Yên. Tôi tiếp tục học lớp 6. Sự giả dối đầu tiên tôi phát hiện từ nền giáo dục cách mạng, là bài toán nói bộ đội bắn rơi hàng trăm máy bay trong một trận đánh.

Phe Quốc Gia sẽ quay lại đánh úp

Ba tôi đi “học tập cải tạo” một tháng, với lời hứa chấp hành mọi chính sách chủ trương nhà nước và “hưởng lượng khoan hồng” của chính phủ, về lại làng quê sinh sống.

Bị gọi đi làm nông giang, tức đào đắp mương dẫn thủy không công nhiều lần, ba tôi trốn ở nhà chặt củi bán. Ông thôn đội tới, hăm: “Anh nhớ đã hứa gì khi đi học tập cải tạo không?”. Ba tôi hết hồn.

Ruộng vô hợp tác xã rồi chia lại. Ruộng xấu vì thiếu phân, thiếu nước do hạn hán, ba tôi lén giữ lại một ít lúa để ăn. Bà chủ tịch xã dẫn du kích và cộ bò tới nhà, nói với ba tôi: “Mày có nhớ đã hứa gì không?”, rồi du kích vô vác hết mấy bao lúa chất lên cộ.

Vì thiếu người biết làm tính cộng, ba tôi bị/được kêu làm thủ kho lúa. Ba từ chối vì sợ, liền bị ông chủ nhiệm hợp tác xã mắng là ngu. Ba làm thủ kho mấy năm, cái được là nhà không còn thiếu gạo ăn.

Khổ quá, và còn bị sỉ nhục, nhất là thiếu thông tin vì không dám nghe BBC, VOA… (có người đang đêm lén nghe bị du kích bắt, phải đi cải tạo mấy tháng) nên ba tôi cứ hoang tưởng phe Quốc Gia sẽ quay lại đánh úp, với lý luận: “Phe Quốc Gia không thể để anh em binh sĩ cơ cực thế này!”.

Năm nào tới giao thừa, ba cũng ngồi lắng nghe tiếng pháo nổ, tiếng súng, tiếng đại bác bắn “mừng đảng, mừng xuân” mỗi lúc một rộ lên, dồn dập. Ông nói nhỏ vô tai tôi: “Chắc đêm nay đánh úp luôn đó con”. Ông cứ hy vọng như thế gần mười năm sau giải phóng. Sau này ba tôi mắc cỡ chuyện mình từng hy vọng đúng là tào lao.

Chia đối tượng

Năm 1984, hai năm sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi mới làm đơn thi đại học. Trước đó và mấy năm sau nữa, học sinh được chính quyền chia lý lịch thành bốn nhóm, mỗi nhóm có bốn đối tượng. Nhóm ba là nhóm con em dính líu chế độ cũ, từ đối tượng 9 đến đối tượng 12. Nhóm bốn từ đối tượng 13 trở lên, không thuộc diện đào tạo, đừng thi chi uổng công. Tôi thuộc nhóm ba, đối tượng 11, tổng điểm ba môn thi vô đại học phải cao hơn thí sinh nhóm hai từ 2 đến 3 điểm. Con gia đình nhóm một, nhóm gia đình cách mạng, càng được cộng điểm ưu tiên hơn nữa.

Tôi đậu Đại học Sư phạm khoa toán ở Qui Nhơn, tôi học rất trầy trật. Ngoài những môn liên quan đến toán, còn phải học các môn Triết học Mác Lê, Tâm lý giáo dục, Lịch sử đảng…  Năm cuối thi tốt nghiệp, năm 1988, tôi rớt vì cái môn Lịch sử đảng này, đau lòng hết biết. Năm sau thi lại với lớp đàn em, môn lịch sử đảng không còn nằm trong nhóm môn thi tốt nghiệp nữa, nhưng tôi phải thi lại một môn mà năm trước đã đủ điểm. Càng đau lòng hơn.

Năm nào cũng phải khai lý lịch vài bận. Ghi mãi hằn vô đầu, rằng mình lý lịch xấu và con lính ngụy, dù không biết xấu là xấu làm sao, ngụyngụy chỗ nào. Chữ “ngụy” thành cửa miệng và vạ miệng như chuyện sau: Tôi có vợ là trẻ lai, năm 2007 tôi làm hồ sơ xin qua Mỹ. Nhân viên Lãnh Sự Quán Sài Gòn hỏi tôi có tài sản gì, tôi nói có chiếc Honda 67 từ thời ngụy. Lãnh sự viên trẻ hơn tôi rất nhiều, sửng cồ và cảnh cáo: “Anh ngồi đây là đang ngồi trên đất Mỹ, anh nói ai ngụy?”. Tôi run, lụp cụp xin lỗi là vì quen miệng, xin bỏ qua cho tôi. Không rõ sao đến nay đã 13 năm, tôi không hề nhận được tin tức gì từ Lãnh Sự Quán.

Con em gia đình cách mạng lẽ ra chỉ nên thưởng tiền, cấp học bổng tương xứng, một lần cho xong. Đằng này lại thưởng điểm thi vào đại học, hóa ra thưởng lại khiến anh dốt cả đời. Người chung chiến hào nhưng ít chữ lẽ ra chỉ nên ghi ơn rồi cấp phương tiện làm ăn, cũng một lần cho xong, đằng này thương quá bèn đem vào làm cán bộ. Thành ra người chỉ đủ sức làm kế toán nhưng lại đi hoạch định chính sách quốc gia, một kẻ đọc viết chưa thông lại đi rêu rao truyền bá tư tưởng nọ kia cho dân, hỏi sao đất nước không tụt hậu. Làm quan mới có bổng lộc chứ lương thì nào có mấy đồng, bảo sao người ta không chạy chức chạy quyền… Chính sách lý lịch đã đi qua ba thế hệ: thời ông, thời con, và bây giờ là thời cháu…

Những quyết sách bất công về lý lịch đó vẫn đang tàn phá khốc liệt con người/đất nước Việt Nam chưa biết tới bao giờ…

Giật mình, tôi tự hỏi: Đã 45 năm rồi sao?

 

Phùng Hi

304Đen – llttm - VV

No comments: