MỖI MÙA TẾT VỀ TÔI LẠI
NHỚ DA DIẾt CẢI LƯƠNG
Nhà tôi ở
miệt ngoại thành …..Mấy ngày trước khi đoàn cải lương tới ,bà con quê tôi đã cố
gắng giải quyết xong mùa vụ. Còn không thì xuất vườn, xuất ao , mớ cá, mớ rau
củ, con gà, con vịt… để lấy tiền đi coi hát cải lương. Ngày đó có đèn điện gì
cho cam ! Đèn dầu, đèn cóc, sang hơn thì đèn măng-xông, thậm chí làm sáng đường
đồng, đường đê bằng mấy bó đuốc lá dừa, đuốc rơm con cúi. Ùn ùn kéo đi đông kịt
rợp cả đường quê, …
Hơn 6 giờ
chiều, bà con đã tập trung về bãi diễn mua vé, chọn chỗ ưng ý nhất, dù đến tận
7, 8 giờ mới hát. Nói bãi diễn vì thời đó, đoàn cải lương thường chọn sân vận
động, sân trường học làm nơi dựng rạp che vòng bao bằng tôn để diễn. Vẫn có rạp
hát đấy, nhưng sức chứa của 500-700 ghế không đáp ứng đủ nhu cầu của một, hai
ngàn người xem! Cái thú nhất đối với bọn choai choai là làm sao “lẻn” vào chỗ
trang điểm của đào-kép hát. Dưới con mắt bọn tôi, đào-kép hát là những người
thiệt đẹp, coi tận mặt họ trang điểm còn thú vị gì bằng. Cho nên, lọt thỏm được
vào sân diễn, thế nào cũng phải tìm cho kì được chỗ mấy nghệ sĩ trang điểm. Thế
là khuôn mặt nghệ sĩ từ mặt mộc đến trang điểm thành ông hoàng bà chúa, hay có
nghệ sĩ bị cảm cạo gió giác đầy lưng… đều bị mấy cặp mắt tò mò chăm chú dõi
theo. Nào là nghệ sĩ gạo cội Minh Phụng, Lệ Thủy, Bích Hạnh, Thanh Tuấn, Trọng
Hữu, nghệ sĩ trẻ đẹp Phượng Hằng, Lệ Trinh (em Lệ Thủy), danh hài Thanh Nam…
Lời ca, lời thoại của mấy vở cải lương thì khỏi phải nói, bà con ai nấy thuộc
rành rẽ, hát nhép theo thuộc vanh vách…..
Các đoàn cải
lương thường ghé diễn chừng 1 đến 3 đêm thôi à … Mùng 1, mùng 2, mùng 3 Tết,
suất diễn tăng lên đến hai, ba. Mà sao ngày ấy cải lương có sức cuốn hút kì lạ!
Nhiều lúc, đã coi suất diễn ban ngày, tối lại tiếp tục “coi cọp”: đi theo sau
lưng người lớn, chờ lúc người soát vé lơ đễnh, chạy một mạch vào đám đông, lẫn
vào đấy coi như an toàn; gặp lúc đoàn cải lương diễn trong rạp hát, đi tìm cánh
cửa hông nào he hé hở, hai đứa đẩy cánh cửa ngược nhau để chỗ hé mở to ra cho
thằng thứ ba lách vào, nếu trót lọt thì đến đứa kế tiếp, còn nếu bị phát hiện
thì coi như toi. Bữa đó, thế nào cũng tiu nghỉu bỏ về nhà hoặc ở đâu đó chờ đến
lúc thả giàn mới được dzô coi…
Mỗi mùa Tết về, tôi lại nhớ da diết cải lương. Nhớ nao nức cái không khí la ơi ới ….rủ nhau đi coi cải lương, vô tư, đam mê, ghiền hết sức nói. Mà đâu phải lần nào xin Má cũng được phép cho đi coi liền đâu, phải năn nỉ ỉ …..“Má ơi, lâu lâu người ta mới dzìa hát có một lần, má cho con đi nhe má ! Con đi tối nay nữa thôi hà, tối mai con ở nhà hổng đi đâu… Bữa nay con lỡ hẹn Bọn Thằng “Dũng Cá Lóc” chờ con ở ngoài Chợ rồi…”. Hứa với Má vậy thôi chứ tối hôm sau tui ại tiếp tục kiếm cớ khác,…..cũng cái điệp khúc ỉ ôi mè nheo …xin đi coi cho bằng được…….
Mà Bà con có
biết : “ai” giết chết Cải lương hong ? Chính TV , VCD và Youtube đã hạ thủ món
ăn tinh thần này của tôi …món mà tôi “mê” nhất thời tuổi thơ và …..nhớ “nó” tới
suốt đời !
Nguyễn Văn Hiếu
304Đen – Llttm - DSG
No comments:
Post a Comment