Vàng xưa đầy dấu chân
Chiếc xe
buýt dài chở chúng tôi từ bờ biển cực nam Thái Lan ngược lên phía bắc để vào
trại tị nạn, thỉnh thoảng dừng lại dọc đường. Đoàn xe có ba chiếc. Mỗi khi xe
dừng ở trạm đổ xăng hoặc quán giải khát, chúng tôi ngồi im trong xe, không đưa
đầu ra ngoài, chờ, cho đến khi được lệnh xuống xe, nhưng không đi quá xa. Một
lần xế chiều, xe dừng lại ở quán nước dọc bờ biển. Trong xe có những người kiếm
đâu ra được ít tiền dollars Mỹ hoặc tiền bath Thái, mua nước uống hoặc cà phê,
loại pha sẵn trong ly nhựa, có đá vụn, hồi đó rất lạ, nhưng hầu hết bọn thanh
niên chúng tôi không có tiền, đứng thẫn thờ tụm năm tụm ba ngoài sân, ngơ ngác
như gà mất mẹ.
Trong
quán giải khát, nhạc mở ầm ĩ từ mấy cái loa phóng thanh rất lớn. Bỗng giữa
chừng chúng im bặt một lúc lâu, rồi một bài hát tiếng Việt bất ngờ phát ra. Đó
là bản nhạc khá xưa, nhưng nhiều người trẻ hơn tôi vẫn chưa kịp nghe thì xảy ra
biến cố ba mươi tháng tư, sau đó tất nhiên bị cấm. Tôi nhận ra giai điệu quen
thuộc. Người đi qua đời tôi trong những chiều đông sầu. Mưa mù lên mấy vai
gió mù lên mấy trời. Người đi qua đời tôi hồn lưng miền rét mướt. Vàng xưa đầy
dấu chân đen tối vùng lãng quên. Ríu rít, say sưa, chợt cười chợt khóc, dào
dạt lòng người, trong buổi chiều nắng xế, chim bay về rừng, mây bay về núi. Mắt
tôi nhòa đi, đất trời lay đổ. Giọng hát của ai? Một người trả lời, Thái Thanh.
Đúng rồi. Chỉ có Thái Thanh mới hát như vậy. Phạm Đình Chương phổ nhạc bài thơ Người
Đi Qua Đời Tôi của Trần Dạ Từ. Lời thơ cực tả kinh nghiệm và cảm xúc trong tình
yêu, nhạc và ngôn ngữ hòa quyện mật thiết uyển chuyển, réo rắt, hợp với giọng
người hát. Hình ảnh trong thơ đẹp, sang trọng, giàu chất tượng trưng, vần điệu
trong thơ đã làm nền cho ca khúc. Giọng hát ngây ngất, phát âm tròn chữ, khi
xuống thì xuống hết bực khi lên thì thênh thanh như mây trời. Giọng hát ấy đến
từ những ngày xa xưa Hà Nội thời kháng chiến chống Pháp đến Sài Gòn thủ đô miền
Nam tự do, nâng đỡ bởi âm nhạc của Phạm Duy, Văn Cao, chất melancholy của Phạm
Đình Chương, và êm như tơ trời Ngô Thụy Miên. Bài hát tiếp theo cũng tiếng
Việt, hình như do một ca sĩ khác, nhưng không nghe rõ, có thể vì tôi không nghe
gì được nữa sau Thái Thanh, vỏn vẹn hơn mười phút cả hai bài rồi trở lại nhạc
Thái rock hò hét ầm ĩ như cũ. Trong khoảng vài phút ấy chúng tôi nghe tiếng
động của một thời mới đây vài năm mà nay đã xa nghìn trùng. Người đi qua đời
tôi không nhớ gì sao người. Mưa nào lên mấy vai gió nào lên mấy trời. Người
đi qua đời tôi đường xưa đầy lá úa. Vàng xưa đầy dấu chân đen tối vùng lãng
quên. Em đi qua đời anh không nhớ gì sao em. Thái Thanh thuộc lớp những ca
sĩ đầu tiên của tân nhạc Việt Nam, hát từ khi còn nhỏ tuổi, nhưng đến khi vào
miền Nam mới thực sự tỏa sáng với ban Thăng Long và những Hoài Bắc, Hoài Trung.
Điều đặc biệt là bà không dừng lại ở đó mà tiếng hát dường như ngày một tinh
luyện hơn. Cách phát âm, đẩy hết cung bậc của tiếng Việt, khai thác sâu các
khía cạnh của giọng nói, ở Thái Thanh được nâng lên thành nghệ thuật có một
không ai. Những người trẻ sau này có thể không quen và mê tiếng hát này như các
thế hệ trước đó, thậm chí có người còn cho là khó nghe. Tuy vậy đó là một tượng
đài của nghệ thuật phát âm của tiếng Việt, kẻ tiên phong, có lẽ nhờ Thái Thanh
kết hợp giữa lối hát dân gian như ca trù và nghệ thuật opera. Tuy nhiên đó là
những ý tưởng bàng bạc qua thời gian, chứ vào giây phút ấy, tôi chẳng suy nghĩ
gì cả: tôi chỉ sống, cảm xúc.
Sau này
mỗi khi nhớ lại quán nước chiều vàng, sóng biển nhấp nhô gềnh đá, con đường hun
hút, tôi nhận ra không phải chỉ có âm nhạc Phạm Đình Chương và nghệ thuật Thái
Thanh đã làm chúng tôi xúc động. Có một thứ gì khác nữa, hình như ngấm ngầm
hơn, sâu xa, lặng lẽ khác với âm nhạc, đã làm chúng tôi sống lại những ngày
tháng đẹp đẽ, không khí tự do hít căng lồng ngực, ban mai thanh bình lướt qua
như sương trắng muốt. Tôi nhận ra đó là ngôn ngữ, chính là tiếng Việt. Thơ. Vì
thơ là tinh hoa của ngôn ngữ. Thơ Trần Dạ Từ như tuổi trẻ, như chiến tranh, như
bếp lửa, ở đó bạn từng ngồi xuống giữa những người khác, trước mặt một người.
Tình yêu như công việc: sống là việc khó khăn, sống trong tình yêu lại càng khó
khăn. Những tình nhân phải kết hợp lại để vượt qua nghịch cảnh, nhưng họ cũng
phải vượt qua sự yếu đuối của chính họ, tan rã của chính họ. Chúng tôi già hơn
tuổi của mình, đầy vết xước ly tan, bèo bọt. Đó là một tuổi trẻ bị đánh cắp.
Lịch sử không thuộc về chúng tôi. Chỉ có ngôn ngữ giữ chúng tôi lại, như sợi
dây thừng buộc chặt chiếc thuyền vào bờ, nhấp nhô trên sóng. Gần ba tháng ròng
trên biển, lưu lạc ở một đất nước khác, giữa một văn hóa khác, những thức ăn
khác, trong hình dung rằng suốt cuộc đời có lẽ chẳng bao giờ còn cơ hội dùng
lại tiếng mẹ đẻ. Không bao giờ. Ra đi là bỏ tiếng Việt lại đằng sau. Mother tongue.
Tiếng mẹ đẻ. Ca khúc của Phạm Đình Chương chạm tới cốt tủy người nghe. H. ôm
lấy tôi. Cả bọn bảy tám đứa không biết lúc nào đứng xích lại bên nhau, co ro,
lắng nghe, hồi tưởng. Tôi liếc mắt nhìn người bạn mới quen trên thuyền, anh P,
sĩ quan, khi đi cải tạo về thì vợ và hai đứa con nhỏ của anh, một trai một gái,
đã mất tin tức, thấy trên má anh một giọt lệ, lăn đi. Ca sĩ không bao giờ biết
rằng cô đã hát bài hát ấy trong một quán nước bên đường, đầu những năm tám
mươi, khi người Việt tan tác khắp nơi, khi tiếng Việt là niềm hy vọng cuối cùng
của họ. Tiếng hát nào hơ nóng. Hôm đó trong khi đi tới nhà vệ sinh của
trạm đổ xăng, băng qua một cửa sổ nhỏ, tôi tình cờ nhìn vào, thấy một cái máy
hát, chạy bằng băng cát sét, thấy một người phụ nữ đang rướn mình điều khiển
chiếc máy, kê cao trên kệ. Có lẽ là chủ quán hay vợ con của chủ quán, tôi không
biết, một phụ nữ còn trẻ khoảng gần ba mươi tuổi, tóc xõa ngang vai, quấn khố
dài kẻ sọc xanh đỏ, y phục hoàn toàn theo kiểu Thái. Tôi tò mò đứng nhìn hơi
lâu.
Khi chị
quay lại, ánh mắt của chúng tôi tình cờ gặp nhau. Chị khẽ mỉm cười. Hay là tôi
tưởng tượng thế? Tôi không biết. Tôi sửng sốt chỉ kịp gật đầu, không cất thành
lời. Vào lúc ấy tôi nhận ra rằng, tôi chắc chắn rằng, không nghi ngờ gì nữa,
khuôn mặt ấy là của một người phụ nữ Việt Nam. Tôi đứng im một lúc, rồi sự nhút
nhát của cả hai đã chiến thắng lòng can đảm, chị quay mặt đi, tôi bỏ về phía
đoàn xe buýt, nơi mọi người đã lên gần hết và người cảnh sát tốt bụng nhưng khó
tính đang đứng gần cửa để điểm danh. Tôi đã không còn cơ hội nào để hỏi chuyện
với người phụ nữ tha hương kia. Nhưng tôi tin bài hát tiếng Việt, giọng hát
huyền thoại, một người làm thơ, một người phổ nhạc, một người hát, trong một
lúc đã làm hai chúng tôi gần lại, hai kẻ lưu lạc kia, vốn không hề quen biết,
nhờ một băng nhạc cũ bám bụi vàng thời gian mà vẫn có thể nhận ra nhau giữa
giông bão cuộc đời.
Nguyễn Đức
Tùng
304Đen – llttm - dsc
No comments:
Post a Comment