Chào
mừng Tân Sửu – Chuyện Con Trâu
Trời đất sang mùa, Canh Tý ra đi mang theo K 15 mình 3 người: Chỉ trong hai tháng cuối năm Tý mà 3 bạn Hữu Lễ, Quan Minh, Minh Sơn giã biệt, đi không kịp đón năm Tân Sửu. Xin một khoảnh khắc tưởng nhớ các bạn.
Sau con giáp tới, Sửu kỳ tới là Quí Sửu
, quí niên trưởng Thu, Trừng, Mẫn, Khoan, Chị Đào dã quá ngưởng 100 , đủ một
thế kỷ “Nhân sinh bách tuế chi kỳ”, rồi tiếp theo là anh Khoát, còn tôi và đa
số anh em nằm ở ngưởng cửa 90! Thời gian qua mau quá! “Còn ngày nào
nữa dư ngày ấy thôi”!
Nằm nhà mùa dịch Vũ Hán này riết cũng
chán, đi ra, đi vào, sân trước, sân sau, mấy con chim trong chuồng, mấy cành
hoa trong tiết lạnh….Sức khỏe kém đi, chữ nghĩa dần dần cũng mất hết. Thôi thì
còn chử nào viết chử nấy, lang thang anh em rỗi rảnh xem chơi, không thì thôi
chẳng chết thằng Tây nào!
Năm tới là Tân Sửu thôi thì viết
chuyện Con Trâu !
Chuyện nói về Con Trâu thì dài dòng, mà
ngắn gọn cũng được.
Con Trâu là thú nuôi nhà , giúp nhà
nông việc nương rẩy, rất là thân thiện và gần gủi với đồng ruộng Cửu Long năm
xưa. Nay thì trâu mất dần ở miền Nam, số ít còn ở Đông Nam Bộ, đồng bằng Bắc
miền Trung, Thanh Hóa, Nghệ An, hai bờ Sông Cả, Song Mã …và một số tỉnh phía
Bắc còn khá hơn. Mấy con trâu Kubota bên Nhật sang chạy đầy đồng nên trâu dần
dà biến mất.
Trâu thì có hai sắc da: Trâu đen và
trâu trắng, trâu đen thì nhiều hơn, nhưng cộng đồng trâu trắng trâu đen một bầy
thì không có “kỳ thị” gì hết . Trâu lội nước lội sình rất giõi nên cày ruộng
sâu thì phải dùng trâu chứ không dùng bò đươc. Trâu mà lún sình không lên nỗi
thì chỉ
có mấy con trâu già.Trâu “mắc sình” thì
chịu thua , chỉ có giết thịt tại chổ, không ai kéo lên được.
Khoảng cuối thập niên 40 và đầu thập
niên 50 tôi còn nhỏ ở thôn quê hay theo đàn anh đi chăn trâu chơi. Chỉ có Ông
Phạm Duy là nói “chăn trâu sướng lắm chứ” (Em Bé Quê) mà thôi, thật ra chăn
trâu chẳng sướng chút nào Ông Phạm Duy ơi! Chịu nắng nôi mưa gió, mà nhất là
con trâu đực theo cái rồi thì không chịu nỗi với nó, trời tối rồi mà muốn bắt
nó về chuồng thì chẳng phải dễ dàng, có khi anh chăn trâu phải khóc
Thật ra, làm kiếp trâu là khổ lắm! Mới
lớn lên thì chủ xỏ lổ mũi, dùng một cây cau hoặc tre già vọt nhon, nhỏ
bằng ngón tay nắm mũi trâu lên xỏ ngang, gọi là “xỏ dàm”, rồi buộc sợi dây dàm
quấn ra sau hai lỗ tai. Thế là dẫn đi đâu trâu theo đó. Lớn lớn một chút thì
tập kéo cày, kéo bừa, kéo xe. Cổ trâu mang một cái ách (giống cây cung hơi lơi,
cổ bị vòng quanh sợi dây lớn gọi là ’dây niệt” cột vào cái ách). Nếu đi cộ, đi
cày , bừa hay kéo xe bằng hai trâu thì cái ách dài hơn, ngáng ngang qua cổ hai
con trâu, mỗi con đều có một “dây dàm”, con bên phải là “dí” con bên trái là
“thá”, người lái xe hay cộ la “dí” thì giử dây dàm con” thá” thì con thá chậm
lại , con “dí’ tiến lên, thế là cộ hay xe quẹo theo ý muốn người chủ. Có khi
không cần giữ dây dàm, chỉ la dí, thá thì trâu biết đi đùng hướng của chủ.
Trâu làm việc một đời vất vả : cày,
bừa, kéo xe, đạp lúa, chủ có khi còn tận dụng sức trâu kéo che ép mía, kéo cối
xay lúa…uống thì nước mương , nước đìa, ăn thì cỏ mọc ngoài dồng, có gì ăn nấy,
tối về cho được cho ăn thêm rơm khô…thiệt khổ ơi là khổ!
Khoảng đầu thập niên 50 tôi có theo
Ngoại đi vô Cà Mau, vùng Thới Bình, Chắc Băng,… vùng U Minh ngày trước,…nơi mà
“muổi kêu như sáo thổi, đĩa lội lềnh như bánh canh”, trâu ban đêm được
ngủ
trong mùng (vải mùng làm bằng mấy bao
bố rách nối lại) có khi không có mùng thì trâu nằm dưới nước trong mương để
tránh muổi đốt. Mấy cha thấy khổ chưa?
Lúa gặt để ngoài đồng , nếu người không
gánh lúa về nhà bằng “đòn xóc” (thường làm bằng thân cây cau hay tre, hai đầu
nhọn), thì cho trâu xe hay “cộ” về. (Cộ thì không có bánh xe). Lúa đem về nhà
chất đó lật ngược hạt lên cho rỏ nước mau khô rồi chất lại, quây thành
hình vòng tròn kính chừng 5, 7 , 8, 10 m tùy sân rộng hẹp, gọi là “bả lúa”,
thường thì ban đêm cho trâu lên đạp đi vòng vòng trên lúa cho rơi hạt lúa
ra, có người cầm roi theo sau, có khi tới nửa đêm mới cho trâu nghỉ! Mệt
thiệt!Những cảnh ấy bây giờ không còn nữa.
Khi lúa rụng hết hạt, người ta
dùng 1 cây dài , dầu hơi cong như cây cung gọi là “đòn xải” để bới rơm
lên giũ giũ cho rơi hạt lúa rồi đem chất quây tròn thành đống rơm để dành cho
trâu ăn, cao có khi đến 5, 6 m
Ở VN ngày nay vẫn còn lễ hội “đâm trâu”
(đăc biệt là dân tộc Jarai tỉnh Gia Lai, hoăc Xê Đăng ở Kontum ) và một
số dân tộc khác vùng cao nguyên. Lễ hội này là để cúng tạ trời đất hoặc theo lễ
tục của họ hoặc nhân ngày ăn gạo mới.
Ngoài ra ở Hải Phòng (Đồ Sơn) ngày nay
vẫn còn lễ hội “chọi trâu”. Hai con trâu “chiến” được chọn nuôi quanh năm chỉ
dùng cho việc này. Hai con ra sân húc nhau có khi trâu chết tại chỗ. Nói chung những
hình ảnh lễ hội này rất dễ gây “phản cảm”, thiển nghĩ không nên duy trì.
La cà chuyện con trâu chắc dài dòng,
thôi chuyễn chuyện khác.
Đố các bạn “Nước Trâu” ở đâu? . – Ngày
xưa , nước Trâu là một nước nhỏ bên Tàu, thuộc tỉnh Sơn Đông, quê nhà của Mạnh
Tử.
Ca
dao hay thành ngữ hoặc lời nói trong dân gian có liên quan đến con trâu:
1- Trâu
gần gủi trong đời sống ruộng đồng VN mà trâu còn hiện trong thi ca nửa.
Lúc còn nhỏ học tiểu học, tôi còn
nhớ mấy câu ca dao:
“Trâu ơi ta
bảo trâu này,
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta,
Cấy cày vốn nghiệp nông gia,
Ta đây
trâu đấy ai mà quản công.
Bao giờ
cây lúa còn bông,
Thì còn
ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.”
Hoặc là :
“Trên đồng cạn, dưới đồng
sâu,
Chồng cày vợ cấy con
trâu đi bừa”
2- Về
thành ngữ, từ “Trâu” cũng được
thấy:
2/1 :Trâu cũng là loài có trí nhớ
dai nên có câu:
“Lạc đường nắm đuôi chó,
Lạc ngỏ nắm đuôi trâu”
2/2 : Những thằng lưu manh ưa
kiếm lưu manh chơi với nhau:
“Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”
2/3 :Phàm việc gì cũng nên
nhanh bước, ăn cổ đi trước, lội nước đi sau nên có câu “Trâu chậm uống nước
đục”. (mấy cha hồi nhỏ phải lòng ai thì nên lẹ lẹ, trể thì mất tiêu!)
2/4 :
“Đầu trâu mặt ngựa” hay “Ngưu đầu mã diện”: (Ngưu đầu mã diện là bọn quỉ
sứ ở âm ti, kẻ hung hiểm, đê tiện, lưu manh…)
Trong thơ Kiều hay Lục Vân Tiên, trâu
cũng phảng phất mấy câu:
“Người nách thước, kẻ tay dao,
Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi” (Kiều)
2/5:
“Làm thân trâu ngựa” : chỉ cuộc đời vất vả:
“Tái sinh chưa dứt hương thề,
Làm thân trâu ngựa đền nghì
trúc mai” (Kiều)
2/6 “Sắm sanh nếp tử xe
trâu, (xe do trâu kéo)
Vùi nông một nấm mặc dầu cỏ hoa”
– ( Bản Kiều của Cụ Bùi Khánh Diễn), nhiều bản khác chép là “Sắm
sanh nếp tử xe châu (xe có che rèm châu).
Vùi nông một nấm mặc dầu cỏ hoa” .
( Kiều)
2/7 : “Trâu già còn ham cỏ
non “ : Ý nói mấy tay già quá date rồi mà thấy em út nhỏ nhỏ còn thèm! Xin kể
chơi chuyện cười của BS Đỗ Hồng Ngọc (có thêm chút đỉnh) :
“… Có người em ở miền Tây lên thăm Ông anh ỏ SG. Vào nhà thấy người anh
ngồi viết gì đó bèn lại xem.
- Ủa
? anh viết gì mà đơn xin li dị với Chị Hai vậy?
Mặt người anh hầm hầm : “Tao hết chịu nỗi rồi, đàn bà gì 60 tuổi rồi mà chiều
nào cũng la cà mấy quán bia ôm! “
- Ủa,
Chị Hai mà đi bán bia ôm à?
- Bả
mà bán bán cái gì? Bả đi kiếm tao! Rồi bả còn chửi tao là trâu già …. Bửa
đó bả gặp tao đang ngon trớn với mấy nhỏ, bả vô la lối om sòm rồi chỉ vào
mặt tao nói” Còn Ông hả? đồ trâu già ham cỏ non! “
(Tôi không thấy BS Đỗ Hồng Ngọc nói
quan tòa xử ra sao?!)
2/8 : Chuyện sau đây cũng
có liên hệ với Con Trâu là chuyện Hứa Do – Sào Phủ:
Hứa Do là một hiền nhân đời vua Nghiêu,
chán việc đời, sống ẩn dật, được vua mời truyền ngôi. . Ông nghe qua chán quá
ra bờ suối rửa tai . Sào Phủ đang dẫn trâu uống nước dưới dòng bèn dẫn trâu lên
trên dòng nước. Hứa Do thấy lạ bèn hỏi, Sào Phủ nói: “Ngài rửa tai nước dơ rồi
, ngại trâu tôi uông nước dơ miệng nên tôi phải dắt lên trên dòng uống nước
sạch!
“Quán rằng Nghiêu Thuấn thuở xưa,
Khó ngăn Sào Phủ , khôn ngừa Hứa
Do” (Lục Vân Tiên).
2/9 : “ Đàn khải tai trâu”
:Nói với kẻ điếc hay giả bộ điếc không biết nghe thì mất công.
“Uổng thay đàn khải tai trâu,
Nước xao đầu vịt gẫm âu nực
cười”. (Lục Vân Tiên).
2/10 : “Trâu cột ghét trâu
ăn” nói sự ganh tị giữa người có, người không, …bất bình đẳng , giàu nghèo
người có ăn người không có.
2/11 : “Lọt lổ chân trâu” :
Chỉ người đi đông về tây, lên bắc xuống nam không sao, về nhà lọt lổ chân trâu
gặp nạn.
2/12 : Người con gái đẹp
nết na đức hạnh lấy nhầm người chồng bất xứng thì ví như “Bông hoa lài
cắm bãi cứt trâu”. Nam bộ ngày xưa các bà mẹ ru con có câu hát ru (Ngoại tôi
hay hát câu này”) “ À …ớ
…ơ..….Chớ tiếc con gái khôn lấy thằng chồng dại …ờ .. Chớ ..ơ …tiếc cái
bông hoa lài …cắm bãi cứt ơ trâu !’
3 - Con trâu trong thi ca và âm nhạc:
Trong
bài NƯƠNG CHIỀU Phạm Duy cũng có nhắc đến từ Trâu:
“Chiều ơi, lúc chiều về rợp bóng nương khoai,
Trâu bò về giục mỏ xa xôi….ơi…chiều “
Còn trong “Em bé quê” thì: “ Trâu
hỡi trâu ơi đi cày trâu ơi đi cấy nhé…Đồng ruộng kia với đồng cỏ kia là của
những dân quê…” hay “Ngồi mình trâu phất ngọn cờ lau …” hay”Lùa trâu nhốt
chuồng gánh nước nữa là xong…”
Nói chuyện TRÂU thì phải nói qua bài
Vịnh Con Trâu của Học Lạc, có liên hệ đến “Đàn khải tai trâu”.
Học Lạc, tức Nguyễn Văn Lạc, người vùng
Thuộc Nhiêu , thuộc Sầm Giang , Mỹ Tho . Ông cùng thời với Nguyễn Huỳnh Đức,
Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa …Ông học giõi nhưng thi hoài không đỗ, người đời
thường gọi Ông là Học Lạc chứ không Ông Tú, Ông Nghè, Ông Cử gì cả . Năm xưa
học thơ Đường, trên kệ sách của Ba tôi có quyễn sách nhỏ in mấy bài thơ của Ông
, của Cụ Phan Thanh Giản, Cụ Thủ Khoa Huân. …Riệng Học Lạc có bài Vinh Con Trâu
tôi rất thích nên học thuộc lòng đến bây giờ còn nhớ, xin ghi lại anh em
xem chơi
VỊNH CON TRÂU
Mài sừng cho lắm cũng là trâu ,
Ngẫm nghĩ mà xem thật lớn đầu.
Trong bụng lem nhem ba lá sách,
Ngoài mồm lém đém mấy chòm râu.
Mắc mưu đốt đít tơi bời chạy, (1)
Làm lễ bôi chuông dớn dác sầu.
(2)
Nghé ngọ ngàn đời kêu nghé ngọ,
Năm dây đàn khải biết nghe
đâu!
Tôi thấy cần giải thích thêm cặp luận
bài thơ:
(1) Năm xưa thuở nông nhàn
khoảng giũa tháng giêng âm lịch, rồi tháng hai, mùa vụ ruộng nương đã xong (chỉ
gieo cấy một mùa), dân trong làng rỗi rảnh hay bày trò chơi dân gian như đua
trâu, đánh trỏng, đá banh, u ranh, tát đìa, thả diều…Khi trâu xếp hàng ngang chạy đua, người ta hay cột mảnh
vải nhỏ vào đuôi trâu. Cờ phất thì mảnh vải được dốt cho trâu bị nóng đít,
nài trâu cầm roi quất thêm cho trâu chạy lẹ.
(2): Những người đúc chuông đồng xưa ,
muốn cho tiếng chuông kêu vang rền đi xa thì phải lấy huyết trâu quét vào
chuông phơi nắng. Vậy nên trâu được dắt ra tế lễ trước khi mỗ thịt lấy
huyết. Thế nên trâu chờ mổ thịt phải “dớn dát sầu”.
Nhớ hồi học Trung Học, Thầy có
trích giảng Lục Súc Tranh Công có trâu , ngựa, chó, dê, gà, heo. Tôi khoái nhất
là phần kể công của trâu.
Bài này khá dài, lâu quá chỉ còn nhớ
“lõm bõm” đoạn đầu, năm con trâu sắp đến rồi, viết lại anh em xem chơi,
có trật thì bạn bè sửa chửa:
“ Trâu mõi mệt trâu liền than thở
Một mình trâu chịu nỗi gian nan.
Tiếng canh gà vừa mới gáy tan,
Chủ đã giục thằng chăn vội vã.
Dạy rằng đuổi trâu ra thảo dã,
Cho nó ăn ba miếng đở lòng.
Chưa bao lâu trời đã rạng đông,
Lại đến buổi cày bừa bua việc.
Trước cổ đã mang hai cái niệc,
Sau lưng thêm kéo một cái cày,
Miệng
đã giàm mũi lại vòng dây,
Trên
lưng ruồi bu, dưới chân đĩa cắn
Trâu
mõi mệt thở dài thở vắn,
Người
còn hò hét mắng ngược mắng xuôi,
Liệu
vừa đứng bóng mới thôi,
Đói
và mệt bước không dời bước.
Trâu
vất vả ai bì cho đặng,
Trâu nhọc nhằn ai dễ thế cho,
Cày
ruộng sâu ruộng cạn cho no,
Lại
vườn đậu vườn mè khiến trở.
Làm
không kịp thở,
Ăn
chẳng kịp nhai,
Tắm
mưa chải gió chi nài,
Đội
tuyết dầm sương bao xá.
Có
trâu sẳn tằm tơ lúa má,
Không
trâu không rau quả đậu mè,
Lúa
gặt chất lên thì đã có trâu xe,
Lúa
chất trử lại để dành trâu đạp.
Từ
tháng giêng cho đến tháng chạp,
Kế
xuân hè rồi nhẫn tới thu đông,
Việc
cày bừa nông vụ vừa xong,
Lại xe gỗ dầm công liên khối.
Bất luận xe rào xe củi,
Nhẩn đến loài phân bổi tranh che,
Hể bao nhiêu nhất thiết của chi,
Thì đã có mặc trâu chuyên chở.
Bao quản núi non hiểm trở,
Chi nài khe suối dầm dề,
Cong lưng chịu cực nặng nề,
Cay đắng những lời dứt lác
(?)
Thưa các bạn, bài này còn một
đoạn khá dài, tôi chỉ nhớ đến đây thì nhớ “hết nỗi”, cố nhớ thêm mà quên
mất! Xin thông cảm!
Cũng lại chuyện con trâu. Đây là chuyện
bên lề, chuyện có thật, có dính dấp đến con trâu.
Cách nay chừng hơn tháng, tôi có xem
qua báo điện tử VN Express (VN), có tin ở vùng rừng núi Trường Sơn Nghệ
An có sắc dân Ơ
NU, cuộc sống còn bán khai, nghèo khó.
UB phát Triển dân tộc miền núi gì đó của Nghệ An được anh Niển cấp cho hơn 110
tỷ VNĐ
từ
ngân sách giúp phát triển đời sống sắc
dân này. UB bèn ra kế hoạch làm 62 chuồng trâu bò, mỗi chuồng có thể nhốt 4 con
trâu hay bò, kinh phí 181 triệu VNĐ /chuồng, vị chi tổng số tiền làm chuồng
trâu bò trên là 11.2 tỷ! Tồi không biết ăn chia thế nào lại đến tai Ban Thanh
Tra TƯ. Rồi lại điều tra, tôi có ý đón xem kết quả nhưng hình như chìm xuồng!
….. Thiệt tình! … Dân Ơ NU không biết có trâu bò gì không hay họ dọn nhà ra mấy
cái chuồng trâu bò đó ở cho sướng!
Chuyện con trâu hơi dài dòng có gì sai
sót mong các bạn thông cảm miễn chấp.
Ngày đầu năm âm lịch đang tới,
mấy con “chuột” lo chạy trối chết tìm chổ chém vè để cho mấy anh Trâu mạnh mẽ
(như Trâu Điên TQLC năm xưa!) hùng dũng bước vào.
Viết đên đây, chỉ còn một chút
nữa thôi trời đất sẽ sang mùa. Trong đêm trừ tịch này xin anh em dành một
khoảng khắc tưởng nhớ đến anh em đồng đội mình năm xưa đã nằm xuống , “lấy máu
tươi tô thắm núi xanh…” như bao tử sĩ anh hùng đi trước, xin tỏ lòng tưởng tiếc
những bạn bè mới ra đi, mong các bạn được an nghỉ trong cõi thanh nhàn.
Riêng anh em còn lại, chúc các bạn mùa
Xuân mới an vui, một năm mới vạn sự tốt lành. Riêng tôi nhất định mạnh như
TRÂU!
San Jose, 11 Feb 2021
NVN
ĐS 15 - CSVQGHC
(Đêm
Trừ Tịch Canh Tý)
No comments:
Post a Comment