Wednesday, March 10, 2021

Thanh Kiếm Báu - Hồ Thanh Nhã

 

Thanh Kiếm Báu




 

Tháng 8 năm 1971, Chi Đoàn 2/5 Thiết Kỵ (-) chúng tôi biệt phái hành quân trên đất Miên với Trung Đoàn 48 thuộc Sư Đoàn 18 Bộ Binh trong khu vực Đông–Bắc Cam Bốt. Sáng sớm hôm ấy, chi đoàn cùng với một đại đội Bộ Binh tùng thiết, hành quân lục soát một khu làng mạc gần bờ sông Mê Kong8. Xa xa phía bên kia sông là thành phố Kompong Chàm, một thành phố lớn hàng thứ tư của Miên nằm trên Quốc Lộ 7.

Rời khỏi đồn điền cao su Suông, chúng tôi men theo một hương lộ đá đỏ đi sâu về hướng Bắc. Hai bên đường là khu rừng chồi thấp không có nhà dân . Mục tiêu là một khu dân cư thưa thớt, giữa có ngôi chùa cổ rất lớn. Nhìn cách kiến trúc, chúng tôi phỏng đoán chắc ngôi chùa cổ nầy đã xây dựng hàng trăm năm nay, cổ kính và to lớn.

Sư sãi chỉ có khoảng mười người, phần lớn là các vị sư già. Họ cư xử với chúng tôi chừng mực không niềm nỡ cũng không xa cách. Có lẽ nơi đây các đơn vị Việt Cộng và Khờ Me đỏ thường xuyên lui tới nên dù muốn dù không họ cũng phải giữ một khoảng cách với đoàn quân ngoại biên đang hành quân trên đất nước họ.

Suốt ngày không có cuộc chạm súng nào, chúng tôi chỉ khám phá một số hầm hố cấp đại đội còn mới của địch rải rác trong khu vực .Có lẽ địch vừa rút đi vài hôm trước. Khoảng 5 giờ chiều chúng tôi được lịnh rút về căn cứ Chiến đoàn đóng gần Quốc Lộ 7, cũng theo hướng hương lộ buổi sáng. Chiếc Thiết Vận Xa M113 đi đầu rời vùng hành quân chừng một cây số thì cán phải mìn chống chiến xa.

Quả mìn nổ phía đầu xe, đứt xích, bể guồng kéo xích bên trái, phía bên tài xế. Các xe phía sau phản ứng tức thời khai hỏa hướng hai bên đường rừng chồi thấp. Không thấy địch chống trả như một trận phục kích. Tôi cho chi đoàn vượt hương lộ băng sâu vào hai bên đường bố trí. Như vậy chỉ có một quả mìn chống chiến xa đơn lẻ mà thôi.

Lát sau tôi đến chiếc xe bị mìn quan sát. Hạ Sĩ Năm tài xế M113 chết tại chỗ, Trung Sĩ Vân trưởng xa bị thương ở vai, các binh sĩ khác trong xa đội xây xát chút đỉnh. Lính khiêng người chết và bị thương ra khỏi buồng lái, chờ trực thăng đến tải thương. Chiếc M113 hoàn toàn bất khiển dụng, đứt xích, thủng một lổ gần chỗ tài xế ngồi.

Tôi bước vào trong xe, thấy ngổn ngang vũ khí cá nhân của xa đội, 2 nòng súng đại liên 50 và 30 bị cong vì sức công phá của quả mìn. Lẫn lộn trong đó là một thanh kiếm cổ còn nguyên vẹn. Hỏi các binh sĩ thì họ cho biết là tài xế Năm lấy nó trong chùa ban trưa và đem giấu trong xe. Tôi cầm thanh kiếm lên thì thấy rất nặng, ít ra cũng cỡ 4-5 ký.

Người xử dụng thanh kiếm nầy hẳn phải là tay vũ dũng phi thường. Tay mơ khó lòng múa nổi thanh kiếm nầy. Trước đây chủ nhân thanh kiếm nầy chắc đã đi vào lịch sử của một triều đại Miên nào đó. Tiếc rằng trong chi đoàn chúng tôi không ai đọc được chữ Miên nên đành đoán mò mà thôi. Bao gỗ thanh kiếm màu nâu, lên nước bóng loáng, có chạm trổ hoa văn chim thú, hoa lá.

Rút thanh kiếm ra khỏi vỏ, thấy tỏa ánh sáng xanh. Tôi chặt thử bụi cây ven đường, ngọt sớt, vô cùng sắc bén. Đúng là một thanh bảo kiếm giá trị không sao lường được. Thanh kiếm dài cỡ một mét kể cả cán kiếm. Cán kiếm cũng có chạm trổ hoa văn và chữ Miên . Lát sau trực thăng đến tải thương xong, tôi đem thanh kiếm về xe M113 chỉ huy của tôi. Khoảng 6 ngày sau, chi đoàn chúng tôi rời vùng đồn điền cao su Suông , tiến sâu về hướng Đông Quốc Lộ 7, cách ngả ba Krek chừng 50 cây số thuộc đồn điền cao su Mimot.

Lần nầy chi đoàn đi chung với một tiểu đoàn thuộc trung đoàn 48 bộ binh. Suốt ngày hành quân vô sự. Tối đến chúng tôi đóng quân nghỉ đêm trong vườn cao su ven Quốc Lộ 7. Đêm tháng 8 trời không gió, thời tiết nóng bức nên tôi hạ cầu dốc phía sau M113 xuống, lót ván ngang hông xe, nằm trằn trọc không ngủ được.

Đến khoảng 1 giờ khuya, địch bắt đầu pháo kích và tấn công vào vị trí dã chiến của chi đoàn. Chưa kịp đóng cửa cầu dốc phía sau thì một quả đạn cối 82 ly nổ cách xe chừng 5 mét. Tôi bị miểng pháo xuyên thủng bàn chân trái, Thiếu Tá Luân tiểu đoàn trưởng bị thương ở ngực. Tôi tự băng bó tạm thời vết thương và lên máy truyền tin điều động các chi đội chống trả. Sau chừng một giờ giao chiến, địch rút lui trước sự chống trả quyết liệt của chúng tôi.

Khoảng 10 giờ sáng hôm sau, trực thăng chở Trung Tá Nguyên chiến đoàn trưởng 48 và Chuẩn Tướng Lâm Quang Thơ Tư lịnh Sư đoàn 18 bộ binh đáp xuống gần vị trí chúng tôi, thị sát mặt trận. Một số tử thi địch còn nằm rải rác trong vườn cao su. Chừng 10 phút sau địch lại tiếp tục rót pháo vào vị trí chúng tôi. Hai vị khách chạy vào xe M113 của tôi tránh pháo. Thấy thanh kiếm cổ còn để trong xe chờ đem về hậu cứ trong đợt tiếp tế sau, Trung Tá Nguyên trung đoàn trưởng hỏi xin và tôi cũng đồng ý tặng ông. Sau đó hai vị khách rời vùng giao tranh, Thiếu Tá Luân và tôi cũng theo trực thăng tản thương về binh viện Tây Ninh.

Trung Tá Nguyên nhận được thanh kiếm báu,ông cho người đóng một giá kiếm bằng gỗ cẩm lai rất đẹp và đem tặng cho chuẩn tướng Lâm Quang Thơ. Tướng Thơ lại đem tặng cho Trung Tướng Đỗ Cao Trí tư lịnh quân đoàn. Sau nầy tôi có dịp trò chuyện với Đại Úy Tuấn – sĩ quan tùy viên của Trung Tướng Đỗ Cao Trí, tháp tùng tướng Trí đi thăm Trung Đoàn 48 Bộ Binh đóng ở căn cứ Thùy Dương bên Miên. Đại Úy Tuấn cho biết thanh kiếm ấy vẫn còn treo tại tư dinh Tướng Trí tại thành phố Biên Hòa.

Đầu năm 1972 Tướng Trí cho mở một cuộc hành quân lớn đánh vào sào huyệt Cục R của Việt Cộng tại Chlong thuộc tỉnh Kratie phía Đông Bắc Cam Bốt với một lực lượng hùng hậu gồm Lữ Đoàn 3 Kỵ bBnh và Liên Đoàn 5 Biệt Động Quân trong giai đoạn 1 và thêm Sư Đoàn Nhảy Dù trong giai đoạn 2. Cuộc hành quân mới bắt đầu có 5 ngày thì Tướng Trí tử nạn trực thăng ở Tây Ninh trên đường bay thị sát mặt trận ở Miên.

Sau khi Tướng Trí chết thì 3 Sư Đoàn 5-7 và 9 của Cộng quân bắt đầu phản công, vây hãm và chận đường về của đoàn quân. Hàng ngày phi cơ chiến lược B52 dội bom hai bên đường nhưng địch quân vẫn bám sát. Sau nhờ Đại Tá Trần Quang Khôi – tư lịnh Lữ Đoàn 3 Kỵ Bịnh – điều động đoàn quân cắt rừng chồi sâu về hướng Đông chừng một cây số rồi quay ngược, bọc hậu tấn công vào hông địch tại miếu Thổ Thần, sau đó đưa đoàn quân viễn chinh về đến Tây Ninh, bảo toàn được lực lượng. Thế trận vùng ngoại biên bắt đầu co lại cho đến ngày đoàn quân vượt biên rút hết về nước vào cuối năm 1972.

Sau ngày Tướng Trí chết không còn ai biết thanh kiếm báu ở chùa Miên siêu lạc nơi đâu. Cuối năm 1972 có một phóng viên của tờ báo Tin Sáng có viết một bài về thanh kiếm nầy, cho rằng sau đó bà quả phụ Đỗ Cao Trí tặng thanh kiếm trên cho Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt.

Chuyện nầy cần kiểm chứng lại vì sau nầy ở Mỹ, tôi có hỏi một người bạn cũ theo học khóa 26 Võ bị Đà Lạt. Anh nầy cho biết khi còn học tại trường, khóa anh có dịp tham quan phòng bảo tàng của trường thì chỉ thấy tại đây có trưng bày cây gậy chỉ huy của Tướng Trí bằng gỗ mun thôi. Không hề thấy thanh kiếm nào ở đó và cũng chẳng nghe cán bộ trường đề cập đến chuyện nầy.

Quý vị độc giả, nếu có ai biết ít nhiều về tung tích thanh kiếm báu ở chùa Miên sau năm 1975 thì xin vui lòng cung cấp tin tức cho tác giả, để bổ sung cho bài viết nầy đầy đủ hơn.

Ai cũng biết là người Miên rất giỏi về bùa ngãi, thư ếm. Do đó không rõ có sự huyền bí nào về thanh kiếm báu mà chúng ta thấy những tai họa liên tiếp xảy đến cho những người liên quan hoặc có thời gian sờ mó tới thanh kiếm dù ngắn hay dài, từ ngày vật bất tường nầy rời khỏi chùa Miên -Kompong Chàm vào tháng 8 năm 1971.

Tôi xin tóm lược như sau:

1# Người lấy trộm thanh kiếm từ chùa Miên là Hạ Sĩ Năm, tài xế Thiết Vận Xa M113 chết vì mìn, chỉ vài giờ sau khi sở hữu thanh kiếm.

2# Chi Đoàn Trưởng Vũ Đình Lưu bị miểng pháo xuyên thủng chân trái, nằm viện cả tháng sau khi giữ thanh kiếm được 6 ngày.

3# Trung Tá Nguyên trung đoàn trưởng 48 Bộ Binh bị tướng Trí cách chức tại mặt trận sau khi làm chủ thanh kiếm được chưa đầy một tuần.

4# Chuẩn Tướng Lâm Quang Thơ được tặng thanh kiếm từ Trung Tá Nguyên, sau đó ông lại tặng cho Tướng Trí. Sau khi Tướng Trí chết chừng một tháng, ông cũng bị mất chức T]tư lịnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh, giao sư đoàn cho Đại Tá Lê Minh Đảo.

5# Tướng Đỗ Cao Trí là người giữ thanh kiếm lâu nhất,đâu chừng 4-5 tháng, chết vì trực thăng phát nổ trên không ở Tây Ninh, trên đường bay thị sát mặt trận. Nguyên do chiếc trực thăng phát nổ cho đến nay vẫn còn là một nghi vấn.

 

Hồ Thanh Nhã

304Đen – llttm - tvvn

No comments: