Thursday, March 31, 2016

Chợ An Đông Và Tiệm Cơm Gà Xiu Xiu (Phần Hai) - Nguyễn Tường Thiết

Chợ An Đông Và Tiệm Cơm Gà Xiu Xiu
 
 
 
 
PHẦN II

Căn trên gác là thế giới của chúng tôi. Chúng tôi là tất cả mọi người trong nhà ngoại trừ mẹ tôi. Rộng 4x12 mét vuông căn gác để mấy thứ sau đây đã chật cứng: một cái sập gụ to bằng gỗ quí, một cái đi văng, một tấm phản, một bộ bàn ăn, một tủ gương đựng quần áo, một cái tủ chè dùng làm bàn thờ. Cạnh chiếc bàn ăn đóng sát vào thành tường là một cái giá đựng sách. Treo trên cao là hai bức tranh chân dung bố mẹ tôi do họa sĩ Nguyễn Gia Trí vẽ, bức họa bố tôi tay cầm bao thuốc lá và mẹ tôi cầm một miếng cau. Ðồ đạc ở trong nhà có bốn thứ mẹ tôi đã mất công thuê chở từ Hà Nội vào, đó là cái cân, cái két sắt để ở dưới nhà và cái sập gụ, cái tủ chè để ở trên gác. Gác là chỗ để chúng tôi ăn ngủ. Còn chỗ để chúng tôi mơ mộng là hai cái ban công nhỏ được làm đẹp bằng những giàn hoa giấy. Những phút mộng mơ hiếm hoi của chúng tôi tuy thế chẳng bao giờ trọn vẹn vì ban công lúc nào cũng thoảng mùi cứt mèo chua loét mà mũi chúng tôi không tài nào làm quen nổi. Chả là chợ An Ðông có cả một đạo quân những con mèo hoang, chúng cứ nhè những khoảng đất trồng cây rất hiếm hoi để đào bới ỉa bậy. Hàng đêm vào mùa động đực những con mèo hoang này thường đuổi nhau trên thành ban công, những ban công nối sát nhau chạy dài suốt dọc lầu hai của mấy chục căn chung cư. Vì nhà mẹ tôi ở góc nên con mèo bị săn đuổi chạy đến trước nhà chúng tôi là cùng đường, nó quay lại cong mình gầm gừ, rồi tiếng mèo gào động đực ré lên chọc thủng giấc mơ của chúng tôi đánh thức chúng tôi dậy nhiều lần trong đêm.

Mẹ tôi có cả một thế giới riêng của bà ở nhà dưới. Quanh bà là những người giúp việc. Một người lo việc cơm nước và một người chuyên làm việc nặng khuân vác cau. Trong số những người giúp việc ấy có bà Hai và chú Tiều là hai người mà tôi nhớ đến nhất mỗi khi hồi tưởng về căn nhà cũ của mẹ.

Bà Hai già lắm, đầu vấn khăn, miệng móm mém, người nhỏ thó, đi đứng lòm khòm vì lưng còng, có tật nói năng lung tung chẳng kiêng nể một ai vì thế ai cũng ngán bà. Mỗi tối bà có thể cong người nằm gọn lỏn như một con tôm trên mặt cái bàn cân. Vì vậy cái cân trở thành giường ngủ của bà.

Chú Tiều ở tuổi trung niên người Hoa, đầu hói, quanh năm mặc cái quần xà lỏn phô tấm thân lực lưỡng, nhưng chú lại bị bệnh khùng, suốt ngày nói năng lảm nhảm không thua bà Hai nhưng nói bằng tiếng Tàu chả ai hiểu chú nói gì. Không như bà Hai được mướn thường trực và ở luôn tại nhà, chú Tiều sống lây lất trong chợ, được mẹ tôi kêu tới mướn mỗi khi cần có người làm việc nặng. Sau này vì tội nghiệp muốn giúp đỡ thêm cho chú nên ngay cả những công việc nhẹ như xấy cau, sàng cau hoặc dọn dẹp nhà cửa mẹ tôi cũng nhất nhất gọi chú tới làm, thành thử chú có mặt ở nhà mẹ tôi hầu như thường xuyên. Chú làm việc gì cũng r
ất kỹ lưỡng từng li từng tí lại rất lương thiện không tơ hào của ai một đồng bạc cắc nên rất được mẹ tôi thương. Không ai biết thật rõ tông tích chú Tiều. Dân trong chợ kháo nhau là chú có gia đình ở đường Nguyễn Trãi nhưng cha mẹ chết hết. Chú ở với anh chị nhưng chị dâu không thương, khinh rẻ hành hạ chú vì thấy chú khùng, chú giận bỏ nhà ra đi, sống lây lất trên các đường phố rồi cuối cùng đến chợ An Ðông lượm của dư của đổ của mấy bà gánh bún cơm phở mà ăn. Tối đến chú ngủ ngoài hiên bên hông nhà mẹ tôi. Mẹ tôi thấy tội nên sai người làm mang cái mền nhà binh đắp cho chú để chú đỡ lạnh và đỡ muỗi cắn. Sau này thì chú tìm được chỗ ngủ tốt hơn ở trong chợ.

Mẹ tôi mặc chiếc áo cánh, đầu vấn khăn, ngồi trên chiếc sập gỗ dưới nhà đôn đốc người làm và tiếp khách. Bà hình như bận bịu suốt này với khách khứa. Khách gồm cả người bán cau lẫn người mua cau. Mẹ tôi từ khi vào Nam không ôm đồm bán bán lẻ bán sỉ cau khô lẫn cau tươi như hồi còn ở ngoài Bắc, bà chỉ chuyên bán sỉ cau khô. Nguồn cung cấp cau chính là tỉnh Quảng Nam ở miền Trung và tỉnh Bến Tre ở miền Nam. Mẹ tôi thường xuyên mua cau từ các đại lý của hai vùng ấy mà người đại diện là bà Năm Dung (chúng tôi thường gọi là cô Năm Dung) ở Hội An và bà Thái Nguyên ở Bến Tre. Ngoài ra mẹ tôi cũng mua cau từ đại lý của ông Cơ Tấn ở trong Chợ Lớn. Qua mấy chục năm buôn bán và giao hảo tốt đẹp những người đó đã trở thành những người bạn cau thân thiết của mẹ tôi. Còn chúng tôi xem cô Năm Dung, bà Thái Nguyên, ông Cơ Tấn như người nhà. Mẹ tôi cũng có nhiều dịp đi Hội An và Bến Tre để tìm hiểu tình hình cau và mua cau thẳng từ nguồn. Cau khô mẹ tôi mua về được phân loại, cau tốt để riêng, cau mốc được tẩy trắng bằng diêm sinh, được đóng bao rồi bán lại cho các bạn hàng chợ trong vùng Sài Gòn - Chợ Lớn.

Mỗi lần xe hàng tới là một ngày bận rộn. Chú Tiều được gọi đến. Chiếc xe cam nhông quay đít vào lề đường (xe bao giờ cũng giao hàng vào buổi chiều vì buổi sáng chợ họp không vào được), cảng phía sau mở, một tấm ván bắc từ sau xe xuống hè làm cầu thang. Quàng một tấm khăn đỏ lên vai chú Tiều lên xe cúi mình kê vai vác từng bao tải cau lớn bước xuống thanh ván. Vào nhà chú nghiêng vai thẩy lên bàn cân để cân trước khi bao cau được chất đống trong nhà. Mẹ tôi lắp cặp kính lão vào mắt đứng bên cạnh bàn cân, cúi xuống xê dịch quả tạ trên cán cân, xê qua xê lại cho tới khi hai cái mũi cân thăng bằng, rồi bà rút cái que chổi cắm trong một lọ mực tím bắt đầu nghệch ngoạc viết lên trên bao cau: “Cau Mỹ Lợi 41,8 ký”. Chú Tiều trong lúc chờ đợi mẹ tôi cân cau thì ngửa mặt nhìn trần nhà, đầu nghếch một bên, ngón tay đưa cao chỉ vào một góc tường, miệng nói lảm nhảm tiếng Tiều Châu, như thể chú đang nói chuyện với một con thạch sùng nào đó trên trần nhà. Mặc dù chú có vẻ hoàn toàn lạc hẳn trong thế giới riêng nhưng chú Tiều tỉnh lắm, chú biết rất chính xác khi nào mẹ tôi cân xong. Mẹ tôi vừa cắm cái que chổi vào lại lọ mực thì tức thời chú cúi xuống sát bàn cân, nghiêng vai vác bao cau lên chất cao trên đống bao tải rồi chú lại lững thững đi ra ngoài, cái đầu nghiêng nghiêng, miệng xùi nước miếng, một cánh tay giơ cao dứ dứ lên trời, chú bước lên tấm ván để sửa soạn vác một bao cau khác.

Mẹ tôi cân và đánh dấu các bao cau xong thì giơ một ngón tay đẩy cặp kính lão xuống sống mũi, khẽ cúi đầu nhướng mắt nhìn quanh quất. “Mấy đứa nó đâu hết cả rồi? Này! Bà Hai, bà lên gác bảo mấy cô cậu xuống tính sổ”. Bà Hai lầm bầm câu gì trong miệng, lững thững đi qua nhà bếp để lên gác. Cầu thang hẹp lại dốc, bà đã cao tuổi nên rất ngại mỗi lần phải lên gác, tiếng lầm bầm chắc là để rủa chúng tôi. Khi chúng tôi bước xuống cầu thang tay cầm sẵn giấy bút thì ở dưới nhà ồn lên tiếng tranh cãi. Quá quen cảnh đôi co về giá cả giữa mẹ tôi và khách nên chúng tôi thường kiên nhẫn chờ cho đến khi đôi bên tỏ vẻ đồng ý nhau mới bắt đầu tính sổ. Hồi đó làm gì có máy tính chúng tôi phải làm hàng chục những con tính nhân. “Cau Mỹ Lợi một bao nặng 41, 8 ký, mỗi ký giá.... đồng... Thành tiền là... Cau Mỹ Lồng 35.9 ký... Mỗi ký giá... Cau Xuồng...”. Vừa tính toán xong thì mẹ tôi và khách lại đổi ý, hai người lại cò kè thêm một bớt hai, khách thì bảo cái cân nhà chúng tôi sai, mẹ tôi thì chê cau đắt, cau xấu, cứ ồn cả lên. Thành thử chúng tôi phải tính lại có khi đến vài lần. “Bà tính đắt thế thì chúng tôi làm sao sống nổi”. Mẹ tôi hay nói thế nếu mẹ tôi là người mua cau. Còn nếu mẹ tôi là người bán cau thì câu nói trên lại được chuyển qua miệng khách hàng. Cứ như thế cảnh đôi co được lập đi lập lại trong suốt mấy chục năm buôn cau của mẹ tôi.

Không ai để ý đến chú Tiều lúc ấy đang đổ cau ra sàng để phơi. Khách đã quen với tính khùng của chú nên mặc kệ chú nói lảm nhảm. Nhưng chú Tiều ngoài bệnh tâm trí lâu lâu lại lên cơn nhức đầu búa bổ. Lúc lên cơn chú thường ôm đầu trợn mắt, miệng rú lên khiến mẹ tôi phải quát: “Tiều, mày điên quá làm khách của tao sợ... Ðây này cầm lấy mấy chục đi đâu khuất mắt, khi nào hết điên trở lại”. Mẹ tôi cũng dốc vào tay chú mấy viên thuốc nhức đầu Opthalidon từ trong một hộp thuốc chúng tôi mua sẵn cho chú để trên nóc cái két sắt. Chú nhét tiền và thuốc vào cạp quần rồi lững thững vừa hú vừa đi vào trong chợ.

Mẹ tôi mỗi khi đi khỏi nhà thì hai cánh cửa sắt ở nhà dưới được khép chặt lại. Cửa ấy khi sập vào nhau thì cái móc sắt ở cánh bên này quàng vào cánh bên kia và cửa tự động khóa. Muốn mở cần một chiếc chìa khóa lớn. Nhưng chiếc chìa khóa này đã bị mất từ thời tám đại nào rồi. Mẹ tôi nhiều lần bảo chúng tôi gọi thợ đến làm cái chìa khác nhưng chúng tôi lười chẳng ai chịu đi. Chúng tôi bảo bà rằng chẳng cần chìa chiếc gì ráo trọi, một con dao phay lớn nậy xoẹt một cái là cửa bung ngay. Vì thế trong bao nhiêu năm cánh cửa sắt của hiệu cau Cẩm Lợi được mở bằng con dao phay. Khách vô phúc đến chơi nhà tôi nhằm đúng lúc cửa đóng đang rung cửa để gọi thì bắt gặp một ông Tàu lừng lững từ trong nhà tiến lại, tay dứ lên trời con dao phay sáng quắc, cảnh tượng ấy trông thật hãi hùng!

Chú Tiều khi không có việc gì làm ở nhà mẹ tôi thì lang thang ngoài chợ. Chú tự động quét sân chợ và lượm rác rất sạch sẽ. Hễ đói bụng là chú la cà mấy gánh phở, bún riêu. Khách ăn xong còn thừa là chú bưng tô húp. Có khi chú lại thò tay vào cả cái sô mà mấy bà bán bún phở đổ đồ ăn thừa để đem về cho heo ăn. Chú bốc đồ trong sô bỏ miệng ăn tỉnh khô. Mấy bà bán bún thấy tội nghiệp nên thường để dành đồ dư trong tô cho chú. Buổi chiều chú phụ dọn bàn dùm cho ông Siu Siu. Ông Siu Siu cho chú 5 đồng uống cà phê và để dành cho chú cơm và thịt gà dư của khách. Vì vậy chú Tiều càng ngày càng béo trắng ra, trông như con nhà giầu vậy.

Thuở ấy tôi có nhiều bạn bè đến chơi lắm. Như tất cả những thanh niên khác cùng trang lứa lũ chúng tôi năm ba mống thân nhau từ thời niên thiếu, cùng trải qua thời trung học, cùng vào đại học, để rồi sau rốt đứa trước đứa sau cùng lên đường nhập ngũ. Mẹ tôi coi những người bạn của con mình như con đẻ nên ai cũng thích đến nhà tôi chơi. Nhiều đứa còn ở lại ăn ngủ dầm dề nhiều ngày. Mẹ tôi thấy bạn tôi ở lại thì rất vui, bà dặn người làm mua thêm thức ăn thức uống. Chỉ “thêm bát thêm đũa” thôi mà. Bà nói. Lòng hiếu khách của mẹ tôi không phải không có lý do: bà rất cần có người giúp bà trong việc tính sổ sách và viết thư cho bạn hàng cau. Bà rất ngại phải sai mấy đứa con trai lười chẩy thây của bà. “Mỗi lần nhờ đến chúng nó là mặt chúng nó nhăn như bị”. Mẹ tôi than thở với mấy thằng bạn của tôi, những đứa mà - cố nhiên - lúc nào cũng tỏ ra rất vui được tính sổ cho bà.

Bà Hai thì trái lại rất ghét mấy đứa bạn tôi, ghét ra mặt, bảo chúng nó là lũ ăn hại. Thằng nào đến chơi gặp bà Hai ở dưới nhà là y như bị bà chặn lại hỏi ngay: “Này cậu Hùng, cậu có ăn cơm không thì bảo cho tôi biết trước”. Thằng bạn cười giả lả: “Ăn cũng được không ăn cũng không sao mà, có gì đâu quan trọng bà Hai” – “Này này tôi bảo cho cậu biết. Ăn thì nói ăn. Không ăn thì nói không ăn. Chứ cái kiểu đến giờ cơm cứ lỉnh lỉnh ngồi vào bàn là không được với tôi đâu nhá” – “Ừ, bà đã nói thế thì tôi ăn vậy”. Nói xong nó lỉnh lên gác. Ðằng sau lưng nó có tiếng lầm bầm: “Ăn thì cứ như hạm ăn ấy. Ðâu có phải chỉ là thêm bát thêm đũa!”. Còn bạn gái của tôi thì – hỡi trời! – năm thì mười họa mới được nàng hân hạnh đặt bước tới thăm, gặp bà Hai thì cạch tới già không bước chân trở lại. Bà Hai hỏi thẳng, sỗ sàng: “Cô gặp cậu ấy để làm gì?”. Lúc tiễn cô bạn ra cửa tôi còn nghe phía sau lưng tiếng nguýt lẫn tiếng lẩm bẩm (may mà cô bạn không nghe thấy): “Thế này thì nát một đời hoa rồi còn gì nữa!”. Anh Triệu tôi sau này lấy vợ anh mua căn chung cư số 41 ngay sát cạnh để ở. Mẹ tôi và anh đồng ý cho thợ đục vách tường chỗ cầu thang để hai nhà ăn thông với nhau. Trước khi đưa vợ về ở anh lo nhất là bà Hai có thể nói điều gì làm phật ý cô vợ trẻ của mình. Anh bèn dúi bà một số tiền, năn nỉ bà giữ miệng không được ăn nói lung tung. Bà Hai nghoẻn nụ cười móm: “Thế tôi khen cô ấy có được không?” – “Không! Khen cũng không!”. Anh tôi la lên. “Bà cứ ngậm miệng cho tôi nhờ!”

Nguyễn Tường Thiết

(Xem tiếp phần chót)

 

No comments: