Friday, March 25, 2016

Dòng Đời Nước Vẫn Đục - Thuyên Huy



 Dòng Đời Nước Vẫn Đục

Viết để nhớ ngày giỗ của các bạn tôi, những người không phải là nhân vật trong truyện, nhưng đã đóng trọn vai mình, ở màn cuối của vở tuồng đời mà đất trời sắp đặt

 

     Giữa trưa, chở ông bác lớn tuổi, từ miền Tây lên Sài Gòn, vừa ngừng xe cho ông xuống phía bên này góc đường ngã tư Cao Thắng – Phan Thanh Giản, mưa lại trút xuống ào ào, mặc dù cơn mưa lớn từ khuya đêm qua đã tạnh hẳn từ lúc trời hừng sáng, lâu lắm rồi mới thấy Sài Gòn có trận mưa như vậy, nơi mà người ta quá quen với chuyện mưa đến nắng đi bất chợt trong ngày. Thuận nhanh chân, đẩy cái xe Honda cũ, đời của những năm 1967, còn chạy tốt, được người chị gái, con của ông cậu bà con bên ngoại, nhà bên bến Bình Đông, cho mượn làm nghề chạy xe ôm kiếm sống, sau ngày ở tù “tập trung cải tạo” về, leo lên lề đường rộng, trước cửa rạp hát Đại Đồng, tấm bảng quảng cáo cho đêm hát của đoàn “kịch nói Kim Cương” dựng chắn ngang một khoảng lớn, mù mờ trong màn nước, người đi đường, người gánh gồng bán hàng rong, có cả bộ đội, xe đạp, xe gắn máy, đứng nép chật nức suốt một quảng dài dọc theo lề hai bên rạp. Tay vuốt nước trên mặt, tay vịn ghi-đông xe, may mắn tìm được chỗ trống, khuất sau cái máng xối, xem ra khô ráo, dưới mái hiên của căn nhà, sát bên cạnh cái xe bán bò vò viên ngày còn đi học, dựng xe ngoài mưa, Thuận vừa đứng gọn lõn vào, khẻ gật đầu chào ai đó bên cạnh, không biết đàn ông hay đàn bà vì cái bao ni lông dầy che trùm khuất cả mặt, cùng lúc đó, một người thanh niên trong cái áo lính bạc màu, năm sáu lổ vá, dài gần tới nửa đùi, che khuất cái chân trái cụt cao, ướt sủng dù trên đầu có được cái nón tai bèo rộng vành, khập khểnh nhắc từng bước, bằng chiếc nạng gỗ nứt nẻ, đứng xớ rớ giữa mưa, nhìn cái chỗ của Thuận thèm thuồng tiếc rẻ, Thuận nép sát vào tường nhà, làm dấu gọi anh, anh đứng ghé một bên, không ai nói tiếng nào, hai người cùng nhìn một phía ra đường chờ, mưa vẫn kéo dài, vẫn nặng hột, trời lành lạnh dù đã quá giữa trưa.

    Nắng vội vàng hé sáng, rực lên đâu đó, không thèm buồn chờ mưa dứt những giọt cuối trên đường, xe cộ lại nhốn nháo, xuôi ngược hối hả đi như mọi ngày, đám người đứng trốn mưa không còn ai ở đó, họ đã bỏ đi từ khi mưa bắt đầu nhẹ hột. Thấy chưa có chuyện gì phải vội phải vàng, Thuận kéo nón che đầu xuống, không nhìn lên, thong thả rút cái khăn cũ mèm dưới yên xe Honda ra, lau bớt chút nước còn đọng, chưa kịp tan dưới cái nắng mới lên, có tiếng “cám ơn” của ai đó, phía sau lưng không mấy xa, Thuận quay lại, người thanh niên tàn tật, cụt chân, cùng đứng trốn mưa khi nãy, gở nón xuống, gật đầu cười chào lần nữa, vết bầm tím như màu nắng xạm trên mắt trái, như dấu vết thương vừa lành, dài xuống gần nửa một bên mặt nhưng không che kín được cái nốt ruồi đen, ở xế góc chân mày, cánh tay phải hình như hơi cong đi, Thuận bước lại gần, há miệng chết trân “trời ơi, Trọng, mầy đây sao?”, đúng là “cái nốt ruồi, thằng Trọng rồi”, cũng cùng lúc, Trọng lê chiếc nạng gỗ nhích lên kế bên, nhìn không chớp mắt “Thuận, mầy hả Thuận?”. Thuận đở Trọng ngồi xuống, hai người tựa lưng vào bờ tường, nhìn nhau, rồi nhìn ra đường, bên kia cái sân vườn trước của căn biệt thự, sát hông nhà bảo sanh Đức Chính, treo lá cờ đỏ sao vàng, dùng làm quán bán cà phê, vang lên tiếng hát “Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây” của người ca sĩ miền bắc nào đó, vội vàng, lanh lảnh, khó nghe kịp vì nhịp điệu nhạc Tàu, mắt cay xé đỏ hoe, cơn gió nhẹ bất chợt về ngang, lùa chút  nước mưa lẻ loi còn sót lại tạt nhẹ vào mặt, Thuận nhìn Trọng từ đầu xuống chân lần nữa, bổng dưng cả hai muốn khóc.
 
 
 

    Hai người chơi rất thân với nhau, từ những ngày cùng học chung ở trường tiểu học Gò Dầu Hạ, gia đình Trọng nghèo, ba anh làm nghề chạy xe lôi máy, chở người ra chợ, đón người về nhà trong vòng quận lỵ, hình như đôi lần cũng chạy lên tới chợ trời biên giới, mẹ anh có cái gánh bán kẹo bánh nhỏ ở bến xe Gò Dầu Tây Ninh Sài Gòn, ngay ngã ba, sát hàng rào chi khu, nhà Trọng, căn nhà lợp tôn, vách cây, nằm sâu ở cuối xóm nhà lá trong, dọc theo con đường đất mòn, từ quốc lộ, sát bên hông hàng rào gạch, của nhà ông bà năm Dương, chỗ bán vật liệu xây cất, gạch ngói xi măng, giàu có, nhà có ba đứa con, Hiếu, là cô chị lớn, cũng học chung lớp, nhà Thuận thì khá giả hơn, có căn phố đôi bán tạp hóa, ở một bên chợ quận, gần bờ sông. Trọng học giỏi, siêng năng, hiền, vui tính, hay giúp đở bạn bè, trai cũng như gái, được thầy cô thương, năm nào cũng lảnh thưởng cũng làm trưởng lớp, trong đám bạn, Hiếu là người xem ra ngưỡng mộ Trọng không ít, ngày nào cũng mang theo bánh kẹo gì đó trong cặp, vào chia cho bạn bè ăn trong giờ ra chơi, sáng đến trường, chiều tan học, chung đường, hai đứa đi bên nhau, đuổi nắng trốn mưa, vui nhiều buồn ít. Giống như bao nhiêu ngôi trường khác, xa hay gần, lớn hay nhỏ, ở đây cũng có mùa hè, có hoa phượng đỏ bầm màu máu, có tiếng ve, cũng bắt đầu biết buồn, biết sụt sùi ngày cuối chia tay năm lớp nhất, năm tới lên trung học, không biết còn gặp lại nữa hay không, chắc rồi đây sẽ có đứa đi đứa ở. Gần hơn phân nửa lớp nhất, con nhà trong chợ quận năm đó, đều đi học luyện thi ở trường Hữu Đức, không có Trọng, vì không đủ tiền đóng học phí, tự học ở nhà, sau mùa thi, một số lên trường tỉnh trên Tây Ninh, số kia, có Thuận, Hiếu và Trọng ở lại vào trường quận vừa mới được mở, họ lại quây quầng, cười nói bên nhau như những ngày xưa cũ nhưng xem ra đã bắt đầu có chút thẹn thùng và bẽn lẽn.

    Trọng và Hiếu thương nhau từ đầu năm đệ nhị, thỉnh thoảng Hiếu đến nhà Trọng chơi, nhưng Hiếu bây giờ, không còn là con nhỏ Hiếu, tóc chảy vội chảy vàng, sợi trước sợi sau, mê nhảy cò cò, đánh đôi đánh đủa, cũng như Trọng cũng đôi lần vào chờ Hiếu trước cửa nhà và Trọng bây giờ, không còn là thằng cu Trọng tóc hớt cua, quần xà lỏn, tuột lên tuột xuống, ham đánh đáo bắn bi, trèo cây  bắn ná, cả hai gia đình nhìn qua nhìn lại, biết đó nhưng không ai nói gì vì không mấy khi gặp mặt nhau và với ba mẹ Trọng, phận nghèo, cho dù muốn nói thì phải nói cái gì đây. Trọng rớt tú tài hai, bạn bè chưng hửng, không ai ngờ chuyện lại như vậy, buổi trưa hôm gặp nhau ngoài cái quán nước ngay ngã ba, đường xuống chợ quận, sau ngày có kết quả, ngồi bên Trọng, nhìn cặp mắt Hiếu đỏ hoe, lặng thinh, Thuận thấy nghẹn lời, rươm rướm, có nụ cười nhưng ai cũng biết là gượng gạo, lúc ra về, ngay đầu đường lên dốc cầu, chỗ ngã ba, đứng đó nhìn theo, Hiếu và Trọng đi bên nhau về hướng nhà mình, bụi đường mù mờ hắt lên, mặc dù mấy chuyến xe đò lớn về Tây Ninh đã cố tình chậm lại, hai người nói với nhau gì đó, hình như nhiều lắm nhưng không biết họ nói những gì. Nắng nóng hầm, người đàn bà gánh đôi thúng, đựng đầy trái thơm, hấp tấp băng qua đường xuống chợ, nhìn lên phía trên cầu, có chút mây xám đâu đó, lắc đầu, không thấy mưa.

    Cuối cùng, có nấn ná cho lắm, rồi cũng phải chia tay, đã qua rồi một thời rong chơi “mưa đầu sông nắng cuối chợ”, Thuận xuống Sài Gòn vào Phú Thọ ngành Công Chánh, Hiếu cùng Thư cô bạn thân qua đại học Sư Phạm. Trọng ở lại Gò Dầu, bữa chia tay, trời mưa dầm, Hiếu khóc thật nhiều, hẹn chờ nhau như đã hứa. Đầu năm học, có nhiều chuyện phải lo, từ nơi ăn chỗ ở, bài vở nầy nọ, cả hai ba tháng Thuận không về Gò Dầu, dù đường Gò Dầu Sài Gòn không xa bao nhiêu, dưới này, anh cũng có đến thăm Hiếu, bên nhà bà cô, chị của bác năm Dương, ở gần bệnh viện Bình Dân một vài lần rồi thôi, biết tin là Trọng vẫn còn trên đó, vã lại, cũng không có chuyện gì khác để phải gặp nhau thường. Trước tết hơn một tháng, hôm về đám giỗ ông nội vài ngày, Thuận qua nhà thăm ba mẹ Trọng, chú ba Dựng không còn chạy xe lôi máy chừng tháng nay, chú bị đau nhức gì đó ở cột xương sống, đi đứng, khum lên cúi xuống khó khăn, không xách nổi đồ nặng nữa, thiếm Dựng thì buôn bán cũng không khá lắm như xưa, nên bữa có bữa không, giờ theo người quen chạy lên chạy xuống kiếm hàng mua qua bán lại trên chợ trời biên giới Miên, gặp lại họ, Thuận mới biết là Trọng đã tình nguyện vào lính, mặc dù Trọng được hoản dịch vì lý do gia cảnh, vào trường bộ binh Thủ Đức từ ngày đám Thuận xuống dưới Sài Gòn không bao lâu, chú thiếm xem ra không buồn không trách gì anh ta cả, thiếm thì cứ nhắc đi lập lại “thôi ai cũng có phần số mà con”, thấy mà thương, vậy là Trọng cũng đã bỏ Gò Dầu đi, giống như đám bạn cũ, nhưng lại đi theo một lối rẽ khác, một lối rẽ rất buồn và thật buồn.

    Chiều thứ bảy, Sài Gòn đông nghẹt người, nắng của buổi xế trưa vẫn còn nấn ná, chưa chịu đi, nhập nhằng giọt ngắn giọt dài trên ngỏ hè góc phố, gió nhẹ đong đưa một màu phấn bui đường bay, bay xa xuống tận bến sông rồi nuối tiếc trở lại, ngờ ngợ về chuyện biết tin Trọng bỏ vào lính, hôm về Gò Dầu, Thuận đón xe buýt qua nhà Hiếu xem cô nàng có nghe gì chưa, mới biết là Trọng có gởi cho Hiếu một lá thư thật dài, từ quân trường, trong đó anh xin lỗi về quyết định của mình và xin cô nàng thứ lỗi, anh đã không giữ tròn lời hứa sẽ chờ nhau, vì Trọng cảm thấy mình không còn xứng đáng nữa, biết nói gì hơn đây, Thuận bỏ về, Hiếu đưa tới ngoài cửa, thư của Trọng trên tay, mắt nhìn mông lung ra đường, rươm rướm đỏ, có cơn gió nhẹ cũng mang phấn bụi đường đâu đó về ngang, Thuận không nhìn lại nhưng mắt mình cay cay từ lâu lắm rồi.

    Từ ngoài sân trước, tiếng bà tư, chủ nhà, gọi vọng vào bảo có người tìm mình, đang lui cui xếp mớ sách cũ của năm thứ nhất, không cần phải dùng tới nữa, sau mùa thi vừa rồi, trong phòng sau, Thuận ngưng lại vừa đi ra vừa dạ lớn để bà biết, Thuận chưng hửng trố mắt nhìn, Trọng, quân phục Nhảy Dù và nón bề rê đỏ, đang đứng nói gì đó, quay lại cười, hơn một năm rồi không gặp và cũng không có thư từ gì từ ngày Trọng vào quân trường, hai người ôm chầm lấy nhau, muốn khóc. Chiều chầm chậm đuổi nắng đi, đâu đó ngoài kia, người xe chộn rộn chờ đêm xuống trên đường phố, Sài Gòn là vậy đó, sáng vội vã, chiều hôm hối hả như những ngày qua, trời không một chút gió, nóng cứ nóng nung người, chờ mưa mấy ngày rồi không thấy tới, mấy chuyến xe lam chờ khách đi miệt Phú Thọ Hòa, Hương lộ 18, ồn ào trên bến đậu xe, trước cái cổng đóng im lìm của trường đua ngựa, vào phòng không lâu, Trọng bỏ đi ra ngoài trước, Thuận đẩy xe Honda theo sau, kép cái cửa sắt khép lại, nói vọng vào trong dặn bà tư “đừng chờ cơm chiều nay”. Ngồi trong quán cà phê nhìn qua bên kia trường, Trọng giờ đây xem ra ít nói hơn ngày xưa, buồn không thấy buồn nhưng vui cũng không thấy gì gọi là vui, họ nói với nhau, chuyện quê nhà, chuyện trường cũ nhiều hơn chuyện bây giờ, sau ngày ra trường, Trọng về Gò Dầu, ở lại với chú thiếm Dựng vài ngày, có ghé qua thăm ba mẹ Thuận nên mới biết chỗ ở trọ của anh ta dưới Sài Gòn, không tính gặp lại Hiếu vì vẫn còn thấy chưa xứng đáng như những gì đã viết trong thư, Trọng ngồi nghe, không hỏi thêm về chuyện đó, trời nhá nhem tối, đèn lên một màu vàng hắt hiu hai bên đường Nguyễn Văn Thoại từ lâu, Thuận đưa Trọng đi ăn cơm chiều tại một quán cơm bình dân trên đường Trần Bình Trọng, trở lại nhà, bên nhau không lâu, trời dịu lại,  một chút gió man mác lạnh về ngoài sân, đường phố vắng thật vắng, Thuận đưa Trọng về trại Hoàng Hoa Thám, để kịp chuyến bay đưa quân Dù ra chiến trường Quảng Trị giữa khuya nay. Người lính gác lặng lẽ mở cổng, đưa tay chào, Trọng quay nhìn ra ngoài, vẫy tay, lờ mờ trong màn sương đêm vừa bắt đầu xuống thấp, Thuận vẫn ngồi yên trên xe Honda, một lần nữa, cái cổng trại hạ xuống, có chiếc phi cơ vận tải quân sự nào đó vừa cất cánh ở phía phi trường Tân Sơn Nhất, Thuận thở dài, xin cho bạn bình yên, không biết chừng nào mới gặp lại.

    Tốt nghiệp xong, Hiếu lại chọn theo Thư xuống dạy ở Mỹ Tho mặc dù có thể xin về trường trung học Gò Dầu, Thuận cũng xong bằng kỹ sư công chánh nhưng theo lệnh động viên, phải nhập ngủ, theo học khóa sĩ quan Thủ Đức rồi mới xin biệt phái đâu đó. Hôm chia tay nhau ở Gò Dầu, cũng tại cái quán nước đầu ngả ba xuống chợ quận ngày xưa, mưa tầm mưa tả suốt nửa buổi chiều mới chịu ngưng, đường phố chợt dưng tối một màu phượng đỏ bầm của trời đã vào giữa mùa hạ, Hiếu cho Thuận biết, có nhận được thư của Trọng, giờ mang lon Trung Úy, nhắc chuyện hai đứa, hứa sẽ về thăm vào mùa bãi trường năm sau, nghe tin Thuận thấy vừa mừng vừa lo, rồi thêm một lần nữa chia tay, hẹn vu vơ gặp lại mai này, ở đâu đó. Xong mấy tháng quân trường, gữa năm 1972, Thuận về với binh chủng Công Binh của quân đoàn 3, đóng ở Biên Hòa, một thời gian sau lên Thiếu Úy rồi may mắn được biệt phái về làm kỹ sư ở ty công chánh Bình Thuận, Phan Thiết. Chiến cuộc ngày càng tăng dần, quân cộng sản ùn ùn rầm rập, xâm nhập vào nam, đem xe tăng đại pháo của Trung cộng Nga sô, vượt biên giới, tung quân đánh nhau với quân VNCH, quyết tâm chiếm thêm đất, nhất là những ngày của mùa hè đỏ lửa 1972. Lần về Gò Dầu năm sau, thiếm Dựng đã mất, trong một sáng sớm,  chợ vừa lưa thưa nhóm, vì bị trúng đạn pháo kích của quân cộng sản bắn vào chi khu, nhưng rớt ngoài đầu con đường đá, đi vô xã Thạnh Phước, chỗ bến xe lôi, có chừng chục gánh hàng bán thứ này thứ nọ, không may, đạn nổ trúng ngay khoảnh đất có thiếm tư Dựng, hai ba người chết và một số bị thương, thiếm chết sau một đêm ở trong bệnh viện quận, ba mẹ Thuận, hai bác Dương cùng đám em hai nhà, người lớn người nhỏ, phụ giúp chú Dựng làm đám tang, rồi chú đem thiếm về chôn cất bên Gò Dầu Thượng, không có mặt của Trọng, sau đó không lâu, chú thường đi lang thang ngoài đường quanh chợ quận, lúc đứng lúc ngồi nói năng nhãm nhí, không đầu không đuôi, khi cười khi khóc, nhà chú có khi suốt mấy ngày không thấy ánh đèn bên trong, những đêm mưa lớn cũng không thấy đóng cửa.
 
 

     Trong trận đánh lớn giữa năm 1974, cùng với sư đoàn Thủy quân Lục chiến và Nhảy dù, quân VNCH tiếp tục tập trung lực lượng đẩy mạnh nỗ lực tấn công hai hướng đông và tây,  cùng chiếm lại khu vực Ái Tử, Đông Hà, Trọng bị thương khá nặng, ở nửa mặt trái và chân trái, máu ra quá nhiều, bất tỉnh, khi tiểu đoàn Dù của anh tiến chiếm cao điểm 367, động Ông Do và phía nam sông Thạch Hản, dưới mưa pháo của quân cộng sản Bắc Việt, trực thăng tải thương nhào lộn nhiều lần mới đem được Trọng cùng một số thương binh khác về bệnh viện Quảng Trị, bác sĩ y tá cố gắng làm hết sức để tình trạng thương tích của anh tạm ổn, lúc mê lúc tỉnh, nẳm ở đây vài ngày, không khá hơn, người ta quyết định đưa Trọng vào Tổng Quân y viện Cộng Hòa, vết thương ở chân trái càng ngày càng tệ hơn, cứ tiếp tục sưng lên đầy ắp mủ, cuối cùng bệnh viện buộc phải cưa lên tới hơn nửa đầu gối, con mắt trái chỉ còn thấy mù mờ, thường chảy nước mắt, Trọng trở thành người què quặt từ những ngày tháng đó. Nằm đơn độc một mình trong bệnh viện, chán chường nhìn thân thể tàn tật, nhớ Hiếu nhiều, muốn viết một lá thư dài cho trọn ý, nhưng rồi thôi, viết gì đây, cái hình ảnh Trọng ngày xưa, còn gì để cho người, với thân xác rã rời của “một bại trướng cụt chân”như thế này, anh dặn lòng cố mà quên nhưng có những chiều, ngồi trên xe lăn, ngoài hành lang, nhìn hoàng hôn tím đục xuống dần ngoài xa, nhiều lần Trọng đã khóc cho một phần đời đã chết.

    Trong thời gian ở Phan Thiết, Thuận có viết thư cho Trọng, theo địa chỉ KBC mà anh ta cho trước đây, chiến trận lúc này sôi sụt quá, quân VNCH tận lực chống đở trên mọi chiến trường, một mất một còn với quân Bắc Việt, chẳng biết Trọng có nhận được không mà không thấy thư trả lời, Thuận đành chịu, cũng trong thời gian này, Thuận được thư của mấy đứa em từ Gò Dầu cho biết, Hiếu có về, biết thiếm Dựng mất và tình cảnh của chú hiện giờ, Hiếu khóc nhiều lắm, mùa bãi trường Trọng hứa sẽ về đã qua đi, Hiếu đau buồn chờ mùa bãi trường nữa tới. Cũng như Thuận, Hiếu đã gởi không biết bao nhiêu lá thư cho Trọng, cũng cái địa chỉ KBC đó, nhưng thư đi mà không thấy thư về, trời đất vô tình xé nát hồn mình từng mảnh vỡ, Hiếu lặng lẽ đi về với lớp học sân trường, trách thầm định mệnh và xem như đã chết một phần đời. Lần gặp lại nhau hôm về Gò Dầu nghỉ Tết đầu năm 1975, không nhắc gì nhiều tới Trọng nữa, không người nào nói ra nhưng hình như Thuận cũng như Hiếu, ai nấy đều cho rằng, có lẽ Trọng đã nằm xuống, tử trận ở một chiến trường nào đó rồi, trong đám bạn bè xưa, từ nay không còn có Trọng.

    Ba mươi tháng tư một chín bảy lăm, miền Nam thua cuộc, Trọng bị nhà cầm quyền mới tống cổ ra khỏi Tổng Y viện Cộng hòa, cùng chung số phận với hàng trăm thương bệnh binh của VNCH khác, lê lết thân tàn đầu đường xó chợ ở  Sài Gòn, giờ đã đổi tên lạ, may gặp một người lính cũ, cũng tật nguyền, đi ăn xin vòng quanh khu chợ trời Ngã Ba Ông Tạ, dẫn về tá túc tại ngôi chùa nhỏ, của ông sư già bên Gò Vấp, nên tạm có chỗ đi về. Vài tháng sau, hàng ngàn công chức quân nhân các cấp VNCH bị chở vào trại “tù cải tạo” trong đó có Thuận, chắt chiu dăm ba đồng tiền mới có được cộng với phần phụ thêm của người bạn tàn phế vừa quen, Trọng lần mò ra bến xe, chen giữa đám bộ đội, tay xách nách mang đủ thứ đồ đạc, nhí nhố xì xào về lại Gò Dầu, ngoài đường lộ, nhà của Hiếu, không còn là chỗ bán vật liệu, lá cờ đỏ sao vàng còn khá mới treo cao trên cái cột giữa sân, hai ba tên công an, đứng lên ngồi xuống trước mái hiên, căn nhà tôn của gia đình anh ngày nào, cũng không có ai, cửa mở tung, đập qua đánh lại theo chiều gió trưa, trời đứng nắng, bóng Trọng xoảy dài vào trong, không khác gì bóng ma vất vưỡng, Trọng bước vào, vài người lạ, ở mấy căn nhà xa xa chung quanh đứng nhìn, cây nạng gỗ rớt xuống, Trọng ngã người, vịn một bên cạnh cái bàn, chết trân, sướt mướt khóc òa lên, tấm hình thiếm tư Dựng phủ đầy bụi bám nhện giăng, trên bàn thờ xiêng xẹo, nhìn ra lặng yên. Xuống chợ, nhà Thuận cũng còn đó, nhưng không còn bày bán nhiều như trước, ông bà ôm Trọng khóc sụt sùi “trời ơi con ơi”, cho biết, cả nhà bác năm Dương, chị em Hiếu, cùng với hai đứa em của Thuận gởi theo, đã theo tàu ở Trà Vinh, vượt biên từ mấy tuần nay, ba mẹ Thuận đón xe đưa Trọng đi thăm mộ thiếm tư trên Gò Dầu Thượng, người quen trong chợ, sau ngày quân cộng sản vào Gò Dầu, nói rằng, họ thấy chú tư Dựng đi lang thang đâu đó, bên kia cầu một hai lần về phía Gò Dầu Thượng rồi không thấy nữa.

    Được bà chị thương tình, đồng ý, Thuận đưa Trọng về ở chung bên bến Bình Đông, không biết chị ăn nói như thế nào mà đám cán bộ phường khóm không làm khó dễ gì, mỗi ngày, sáng sớm, Thuận lái xe đưa Trọng tới đầu chợ Nguyễn Biểu, nhận vé số bán, chở bỏ anh ta ở đó rồi chạy xuống xa cảng Phú Lâm, kiếm khách đi xe ôm, lòng vòng trở vào Sài Gòn rồi chiều quay lại đón Trọng, thanh toán tiền bạc trước khi về nhà. Vài ba tuần, một hai tháng, người chị bà con thường lên xuống Gò Dầu, ba mẹ anh nhắn cho biết, chú tư Dụng, ba của Trọng không còn thấy lang thang ngoài đường nhưng không ai gặp ở đâu hết cả, mỗi lần thấy Trọng ngồi khóc, không ăn trọn được chén cơm chiều, Thuận cũng rươm rướm mắt, thương bạn không biết bao nhiêu nhưng lặng thinh nhìn, mặc cho lòng mình ray rứt.

    Thuận chạy tới chạy lui, tìm cách vượt biên, khi được tin mấy đứa em, gởi theo gia đình Hiếu đã tới được Mã Lai, nhưng khó quá, vã lại chưa có đủ tiền, ba mẹ anh cũng chật vật sống trên Gò Dầu, tài sản vốn liếng đã tiêu tan sau lần bị “đánh tư sản” của nhà cầm quyền quận, thêm nữa, còn phần của Trọng thì sao, tấm thân tàn phế đó, nếu chết được thì may, còn nếu sống thì, trong tình cảnh này, chỉ có nước “đi ăn xin”, không cách này, cách khác, chớ chẳng làm gì khác hơn, Thuận quyết định nghĩ tới chuyện đem Trọng theo nhưng giữ kín không cho anh ta biết, Thuận về Gò Dầu, lên chợ trời biên giới vài lần, nghe ngóng tình hình, quân Khờ Me đỏ cũng sắt máu dữ dằn, tính chuyện đi đường bộ nhưng xem ra không dễ gì, đành bỏ cuộc.

    Một lần nữa, nhà cầm quyền cộng sản cử hành lễ ăn mừng ngày cái gọi là “mùa xuân đại thắng 30 tháng 4”, cũng cờ đỏ sao vàng, cũng hàng hàng lớp lớp học trò, công nhân, công an bộ đội, ùn ùn theo lệnh khóm phường, hét hò tung hô “muôn năm, anh hùng, thần thánh, vinh quang” như những năm qua nhưng xem ra, nếu nhìn kỹ một chút, mặt mày dân chúng có vẻ kém “hồ hởi phấn khởi” hơn trước đây nhiều. Thuận biết đường dây vượt biên khá an toàn, đi ngay tại Sài Gòn do một bà chị quen, trước làm thơ ký đánh máy ở văn phòng của phân khoa công chánh, trường kỹ sư Phú Thọ, mà đám sinh viên thường nhờ chị đánh máy giùm mấy tập bài nộp cho thầy, giới thiệu, tình cờ lúc gặp lại chị khi ngồi nghỉ chờ khách ngay ngả vào bệnh viện Bình Dân, hai người thăm hỏi nhau khá lâu rồi chia tay, chị không quên chúc Thuận bình an may mắn, chị đi rồi, Thuận đứng nhìn theo, lòng chợt dưng thấy vui.

    Cuối cùng, có vất vả nhưng rồi Thuận cũng đem được Trọng lên tàu, với sự phụ giúp của bà con đi cùng chuyến vượt biên, sau khi lên chiếc ghe nhỏ tại chân cầu Nhị Thiên Đường lúc  vừa rạng sáng. Giữa khuya, chiếc tàu chở chừng năm sáu chục người, trông còn tốt, lặng lờ ra khỏi cửa biển Cần Giờ, trời lất phất mưa, sóng nhè nhẹ nhấp nhô từng đợt thấp, ai nấy nín thinh, ngồi chật cứng bên nhau dưới hầm, nhìn bóng đêm lầm thầm cầu nguyện, ở một góc, gần phía đầu mũi, Thuận nắm tay Trọng nói nhỏ “chắc khỏe rồi”, sau một đêm bình yên, mặt trời sáng rực ở phía đông đường chân trời, mọi người kéo nhau lên trên sàn đứng nhìn, mặt lo âu hơn là vui mừng, sương mù mờ chưa tan, chỉ có trời và nước, con tàu vẫn tiếp tục êm êm đi, biển bắt đầu có những con sóng lớn.

    Máy tàu có vẻ hơi khựng khựng lại, đôi ba lần sau bốn ngày đêm ròng rã trên biển, nước đen một màu sâu thẳm, vẫn còn chạy được nhưng chậm hơn nhiều, tờ mờ sáng ngày thứ năm, đâu đó trên trời, sáu bảy con chim Hải Âu lượn qua lượn lại theo hướng tàu đi, ông tài công già mừng rỡ la lớn “vậy là sắp gần tới đất liền rồi”, ngồi ở cuối tàu, gần bánh lái, lâu lắm Thuận mới thấy Trọng cười, chừng một lúc lâu sau, anh thanh niên đứng bên, nãy giờ cầm cái ống dòm trên tay nhìn qua nhìn lại, chợt vỗ mạnh tay xuống thành gỗ của phòng lái nói thật to “thấy đảo rồi, có màu xanh xanh mờ mờ, chắc là có cây cối”, mọi người ùa lại phía anh ta chờ, xem có gì thêm nữa không, mừng rỡ bàn tán xí xô xí xào, dán mắt về phía trước. Gần tới sắp trưa, mây xám đen và đen xịch, xuống thấp, có chút gió hơi hâm hấp nóng, trời không mưa, trong tầm mắt mình, ai nấy đều thấy xa xa, một cái đảo nhỏ xíu, có cây cối và lưa thưa dăm ba cái nhà, lúc bấy giờ người trên tàu mới thật vui ra mặt, họ thúc hối ông tài công cho tàu chạy lẹ lên thêm, chiếc tàu chậm chạp hơn, không nhanh thêm chút nào, máy nóng, dây kéo máy bơm nước đứt từ sáng nay, ông lắc đầu cười trừ “cầu trời cho nó ráng gần tới bờ đảo”.
 
 

    Trời xế chiều, càng lúc cái đảo, với bải cát trắng phao, rải rác nhiều cái nhà sàn nho nhỏ nằm khuất mình giữa những hàng cây dừa xanh mướt lá, dăm ba chiếc ghe sơn màu xanh đỏ, và lác đác có dáng người đi, được nhìn thấy rõ mồn một, người  ùa lên đứng phía đầu mũi tàu, chỉ chỏ nói cười quên đói, chiếc tàu chòng chành nhấp nhô, bất chợt mây giông từ một phía xa kéo về, gió lớn nổi lên, thổi chiếc tàu nghiêng qua lắc lại, sóng lớn và cao, thành đụng vào bải đá san hô rộng ngầm dưới nước, chạy dài theo ven bờ cát, kêu ken kéc, máy tàu tắt hẳn từ lâu, gió cứ rít lên rờn rợn, càng lúc càng mạnh hơn, không lâu chiếc tàu nghiêng hẳn một bên, thành tàu nứt theo đường dài, bể ra làm hai, làm ba, ai nấy quýnh quáng la hét, cuống cuồng, người lội, người bám ván bám thùng nhựa đựng dầu, đựng nước, cố sức đập tay đập chân, mấy người dân trên đảo, chắc đã thấy chiếc tàu chìm, nên chừng chục người đẩy ghe chèo ra, tiếp vớt, lôi kéo đưa được hết vào bờ, còn lại, Thuận tay nắm cái thùng nhựa lớn làm phao, vẫn còn lội qua lội lại tìm, miệng gọi to “Trọng hởi Trọng ơi”, ông già dân đảo kềm chiếc ghe cuối cùng nằm yên một chỗ chờ, chỉ tay vào phía tấm ván bánh lái tàu, trôi bập bềnh, bên dưới có người chết, Thuận lội nhanh đến, xác Trọng tím bầm, bụng phình lên vì nước mặn, mắt nhắm nghiền, Thuận khóc to, gào lên “trời ơi, Trọng ơi” tiếng thét không áp nổi tiếng gió giông còn hú từng chập. Người đàn ông, xuống ghe, đứng dưới nước, phụ đem xác Trọng lên, cái chân phải còn nguyên xụi lơ, chầm chậm chèo vào, nhìn đám người cùng đi trên tàu, đứng ngồi lố nhố trên bờ cát, Thuận nghẹn đắng cổ họng, nước mắt chảy dài xuống môi, mặn hơn nước biển Nam Dương.

    Người ta đem chôn Trọng tại cái nghĩa địa nhỏ của đảo trên một ngọn đồi cao, đầy những cây dừa xum xuê lá, ngày hôm sau, đám người vượt biên được tàu hải quân Nam Dương đến chở về Jakarta, Trọng lẻ loi nằm lại đó, xứ người, đứng ở cuối sàn, chiếc tàu chiến lần lần xa bờ đảo Pulau Butong, nơi cách xa Gò Dầu một trời thăm thẳm, môt lần nữa, không biết rồi sẽ có một lần nào nữa không, Thuận òa lên khóc, nghèn nghẹn, lâm râm khấn nguyện “xin ngủ yên trong an bình Trọng ơi, nơi đó dòng nước đời sẽ mãi không còn đục, hẹn một ngày ở kiếp sau, vĩnh biệt”.

Thuyên Huy
Đầu tháng mưa xứ người 2015

   

   

   

 

 

 

   

No comments: