Tuesday, March 8, 2016

Một Trời Thương Nhớ - Lê Ngọc Anh



MỘT TRỜI THƯƠNG NHỚ

Thương tặng Pleiku và Người Pleiku




Buổi chiều...thành phố nơi vợ chồng tôi mới đến ở thật giống Pleiku ngày xưa của tôi, thưở còn trẻ. Trời lạnh, sương mù và những cơn mưa nặng hột. Phố xá đi dăm phút lại về chốn cũ, chẳng khác Pleiku tí nào. Người hiền hòa dễ thương và dễ thân thiện, chỉ khác họ là người Mỹ chứ không phải là người Êđê hay Jarai.
Lúc năm tuổi, tôi theo cha mẹ di cư vào Nam. Bước đầu gia đình đến Đà Nẵng, vì có người cháu gọi Bố tôi bằng chú đã đổi vào đây làm Thông Phán Thiên Văn, sau này người ta gọi là Khí Tượng. Người cháu này sấp sỉ tuổi Bố tôi, ông cũng là thân phụ của thầy Lê Quý Trọng dạy học ở trường Bồ Đề. Sau vài lần thay đổi chỗ ở, Bố Mẹ tôi đã chọn Pleiku làm nơi định cư vì một số anh trai đã đổi lên đây làm việc, một phần khác nữa ở tỉnh cũ Mẹ tôi làm ăn thất bại do bị giựt hụi nên quyết định đi theo các anh tôi.
Như vậy tôi không phải sinh ra và sống nhiều năm ở Pleiku. Thời gian tôi ở đấy không lâu như thời gian tôi ở Sài Gòn, không dài như thời gian tôi ở Cali, nhưng đó là thời gian ghi đậm trong tâm khảm tôi thật nhiều nỗi nhớ. Pleiku trong tôi như một quê hương thứ hai, sau quê Bắc nơi Bố Mẹ tôi sinh ra tôi ở một thành phố biển.
Thời gian đầu ở Pleiku tôi học tạm tại trường Minh Đức vì lỡ năm học, và trường hồi đó nằm trong khuôn viên Nhà Thờ. Tôi là người Phật Giáo nhưng không bao giờ bỏ giờ Giáo Lý vì tò mò muốn tìm hiểu thêm. Ở đây tôi có những người bạn đầu tiên ở thành phố nhỏ bé này. Một trong những người bạn đó là cô bạn hiền lành hay cười Lâm Ái Lan, cháu ông Diệp Kính. Lan hay rủ chúng tôi về tiệm đánh bida mỗi khi được nghỉ giữa giờ vì thầy bị bệnh. Tiệm bida sau thành nhà hàng và là nơi vợ chồng tôi tổ chức đám cưới. Lũ chúng tôi sau giờ học thường kéo nhau về nhà Bạch Liên con nuôi thầy Hạ, ở bên kia đường mà sau này là trường Minh Đức mới. Mấy bạn mua bánh tráng về nhúng nước cuộn trứng chiên chấm mắm ngọt. Thế thôi, thật đơn giản, vậy mà Trời Đất ơi! ăn rồi lại mê mới chết. Trong đám tín đồ bánh tráng còn có Diệm, Lê Thị Phước, Thanh Bình nhà ở dốc hẻm cạnh trường Minh Đức mới. Đầu dốc là nhà Hạ, có cô em gái tên là Đông thật là xinh và hát hay nữa. Tôi nhớ mãi em hay hát bài Chiều Lên Bản Thượng. Ngày đó tôi rất thích đi học bằng lô ca chân thay vì đi bằng xe. Anh chàng bạn học cùng lớp tên Tài ngày nào cũng rủ tôi đi học. Đến cổng nhà là hắn réo lên: "Ên ơi! Ên đi học". "Anh ơi!" mà giọng Quảng Trị gọi trại thành "Ên ơi!". Sau này hễ nghe ai nói giọng Quảng Trị là tôi liên tưởng đến anh bạn này. Thời gian đó tôi rất mê món bánh mì paté của bà Thiếu Tá Vũ ở bên cạnh hớt tóc của bác Võ Xuân Chi, là Ba của bạn Võ Thị Nghiệp. Tôi và Nghiệp khác trường khác tuổi, nhưng lúc học ở Sài Gòn hai đứa rất thân nhau. Vì cùng có tinh thần ăn uống nên hang cùng ngõ hẻm nào có món ăn ngon hay tiệm may đẹp là cùng nhau thưởng thức.
Ở góc tam giác Phan Bội Châu và trường Minh Đức cũ có một cô bán nem nướng rất là ngon. Đặc biệt là cô đẹp gái và ăn nói nhỏ nhẹ. Sau này cô mở tiệm trước tiệm thuốc tây Kim Tuấn. Cùng đường có tiệm Đồng Dụng là sui gia với Bố Mẹ tôi. Bên kia là tiệm may Hà Nội Tân Tân mà chúng tôi hay chọc phá là Hà Nội tàng tàng. Bọc qua đường Hoàng Diệu có tiệm Đồng Tín của anh chị Ẩn. Kế đến là tiệm ông Khen. Vòng ngược lên là tiệm Bắc Hương có món bánh cuốn ngon tuyệt. Bên cạnh đó có tiệm mì Nam Hoa, văn phòng bác sĩ Trung, và tiệm bida Xuân Lợi, nơi hội tụ các anh tài cúp cua. Đằng trước tiệm có một bà bán bánh tôm cua chiên đắt hàng vô cùng.
Mải nói chuyện ăn uống,tôi quên khuấy chuyện học hành và thầy cô của trường Minh Đức. Các giáo sư trẻ có thầy Toàn, thầy Thành Kennedy, thầy Ngô Thanh Huấn, và thầy Vinh dậy nhạc có nhà in ở gần đó. Thỉnh thoảng thầy Vinh có làm đặc san và kêu lũ học trò gửi bài. Tôi có đưa thầy một bài thơ. Đọc xong thầy la thất thanh, Trời ơi! mới tí tuổi đầu làm thơ sao bi quan thế con. Thầy Phan Ngọc Nguyên rất hiền. Lũ học trò rất thích thầy Huấn vì thầy vui tính. Thầy dậy chúng tôi hát bè Trường Ca Mẹ Việt Nam của Phạm Duy, nhân dịp kết thúc năm học. Sau niên khóa đó tôi chuyển qua trường Trung Học Pleiku. Khoảng thời gian học ở Minh Đức tôi có những ngày vui và những người bạn dễ thương, mặc dầu thời gian học chung thật ngắn ngủi. Tôi nhớ đến Thúy Phượng, Trác, Chí Thành, Ngô Xuân Hà, Ái, Mạc Đăng Khoa, Lê Thị Nga, Mạnh, Hưởng...




Trường Trung Học Pleiku lớn hơn và có nhiều học sinh hơn. Ở đây tôi có thêm cơ hội nghịch ngợm. Tôi có thêm những người bạn mới mà chúng tôi còn có những liên lạc và tình thân đến bây giờ như là Tôn Nữ Tuyết Nhung, Đinh Thị Mậu, Mỹ Hường, Bê, Quỳnh Chi (Tin Huế), Khánh Thọ...Bạn văn nghệ văn chương thì có Ngọc Hương, Đỗ Thị Dân (Dung), Nguyễn Thị Chi. Bạn Chi bị rớt máy bay mất xác trong mùa hè năm đó.
Nhà trường thường tổ chức những buổi lửa trại trong rừng, phía sau trại Pháo Binh. Mọi người tập trung vòng quanh ánh lửa, ai cũng bị rát mặt vì sức nóng của lửa, nhưng sau lưng thì ướt đẫm sương đêm. Bọn chúng tôi là "đệ tử" của thầy Đàm nên thầy đi đâu là chúng tôi có mặt ở đó. Thầy Hàn là "sư phụ" của các bạn trai như K'sor Phúc, An lừa, Thái Sơn, Đông Hải, Hải, anh Đạn, Lợi, Lê Đình Quang, và còn rất nhiều bạn mà tôi quên tên (thành thật xin lỗi nhé). Trong các buổi cắm trại luôn có sự tham gia của anh Huy, bạn của thầy Đàm, và thầy Jimmy Bigelow. Có một đêm, chúng tôi chọc Chức và Huỳnh Thị Cúc hết cỡ, mọi người cười nghiêng ngả chảy cả nước mắt. Thật là chuỗi cười vô tận, để rồi sau mỗi lần đi cắm trại về là bị mất tiếng và cảm sốt li bì. Ngày đó, bọn tôi thường đi chơi chung với các bạn trai, người mà tôi thường xuyên đấu khẩu là Phạm Tự Cường. Có giờ nghỉ là tôi, Tuyết Nhung, Quỳnh Chi, Khánh Thọ kéo nhau đi Kim Liên chán rồi càfé Văn, càfé Băng, hay lại vào các tiệm ăn uống.
Cuộc đời học sinh thật là hồn nhiên, vô tư lự. Một ngày kia tự nhiên thấy Mỹ Hường vắng mặt lâu quá; Mậu, Tuyết Nhung, và tôi đến nhà mới hay bạn ở nhà để chuẩn bị lên xe bông về nhà chồng. Mấy đứa đội nắng ra về ngậm ngùi ngâm nga: "Rồi mai trong đám xuân xanh ấy. Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi." Tiếp đến là Nguyễn Thị Hường làm đám cưới với anh Thành, bạn cùng đơn vị với chồng tôi. Chúng tôi đã dự một đám cưới vui và có nhiều kỷ niệm khó quên, cocktail rhum ngọt quá cứ vô tư mà uống về đến nhà mấy đứa sật sừ cho đến ngày hôm sau.
Thôi thì các bạn cứ việc đi lấy chồng, còn chúng tôi cứ tiếp tục vui chơi. Trong đám phá phách nghịch ngợm gồm cả trai lẫn gái có Hoàng Long Thái Hà, người này tên thì dài mà người thì ngắn, máu tếu đầy mình, tôi và hắn được thầy Phước chiếu cố tận tình. Tôi nhớ mãi anh Đan cao to nhất trường mà hiền lành ít nói, An lừa với dáng đi lủi lủi, Ksor Phúc đen và cao hay mắc cỡ, Lê Đình Quang bị gọi là gà mái, Thái Sơn nghịch ngầm, Đông Hải hơi cụ non một chút, Hải là em của Tuyết Nhung. Đông Hải là Hướng Đạo Sinh được chọn đi dự trại hè bên Mỹ khiến chúng tôi trầm trồ ngưỡng mộ.
Được nghỉ sớm chẳng bao giờ cả bọn về nhà ngay, nhưng thường hay chun vào mấy quán ngồi nghe nhạc tán gẫu, không dám dạo ngoài đường sợ người nhà gặp lôi đầu về, vì các gia đình đều không muốn cho con gái đi lang thang. Tôi thích nhất là những hôm trời mưa, không có áo mưa, không nón, cứ thế mà đi trong mưa, làm người đi trong mưa gió, về đến nhà lạnh run phải pha một ly trà nóng bỏ mấy giọt dầu Nhị Thiên Đường uống cho chắc ăn. Một đặc điểm của nữ sinh Pleiku là trời nóng mấy cũng diện áo len. Trường học chung nam nữ cũng có nhiều chuyện vui vui, mấy bạn nam sinh ghét mấy chiếc xe jeep đến giờ tan học chờ chực mấy o nữ sinh xớt tay trên. Không ghét mới lạ đó.
Trong số nữ giáo sư các học sinh rất thương cô Hạnh, cô Bích, cô Phước Mỹ. Cô Hạnh và cô Phước Mỹ hiền dễ tính, cô Bích vui vẻ dí dỏm. Học trò sợ cô Nghĩa Chấn vì cô nghiêm quá. Tôi nhớ cô Mỹ Dương có làn da đẹp với vóc dáng thật là sang. Cô Liên Ba xinh xắn. Cô Mười Một đi chân sáo, mái tóc ngắn cứ lúc lắc. Cô Hoàng Lan có dáng đi và khuôn mặt cứ giống như đang trình diễn thời trang, có chiếc áo len, nhưng không mặc mà khoác hờ hững qua vai. Mỗi lần cô bước vào cổng là bị học trò đếm bước, nhưng cô vẫn tỉnh như không. Thầy Sự, thầy Lưu, thầy Lập, thầy Trung, thầy Duy, thầy Tính không lọt vào tầm ngắm của lũ học trò phá phách vì các thầy hiền hoặc vui tính. Ớn nhất là giờ thầy Viêm. Thầy Cư và thầy Thụy hay bị nữ sinh chọc. Bác Vơn làm trên phòng Học Vụ là Ba của bạn Huấn. Bác vui tính hay nói chuyện tếu nên nhiều học trò thích nói chuyện với bác.
Nơi mà tập họp nhiều trai thanh gái lịch là quán bà Cai, chẳng lúc nào quán vắng trừ lúc kẻng vào lớp. Trong nhóm bạn hiền lành tôi nhớ Hảo, có chồng tên là Thức học cùng trường, Hiển, Hương, Hiệp, Kim, Hoàng Lan, Kim Liên, Cúc Bình Định...
Những lúc nhớ về ngày xưa, từng cái tên, từng khuôn mặt hiện ra đánh dấu một đoạn đời của tôi, đó là những kỷ niệm ở Pleiku. Bây giờ họ ở đâu, người còn kẻ mất, có người không còn trên cõi đời này, nhưng họ mãi mãi ở trong ký ức của tôi. Có những chuyện hiện tại tôi quên trong tíc tắc, quên khóa cửa, quên tắt bếp, quên mình đang định làm cái gì, nói cái gì. Đó là những chuyện thường tình xảy ra với tôi bây giờ, nhưng những chuyện ngày xưa thì tôi nhớ lắm, giống như vừa mới xảy ra ngày hôm qua...Chuyện chúng tôi chui vào căn nhà thấp lè tè của bà bán bún riêu sau Ty Nông Vụ cạnh Diệp Kính, leo lên cái giường gỗ của bà chủ. Khánh Thọ và Quỳnh Chi thi đua chiến đấu không mệt mỏi với tô bún riêu, rồi cùng nhau hít hà: "Bún riêu ở đây ngon ác". Tuyết Nhung thì mồ hôi mẹ, mồ hôi con thi đua nhau chẩy...Chuyện trên đường đi học về, ngang qua nhà các sơ dậy trường Thánh Phao Lô, thể nào cũng vào chọc các sơ, trong đó có một sơ trẻ và đẹp lắm. Làm bộ xin nước uống rồi đồng thanh la lớn: "Sơ ơi! Sơ đẹp quá chời!"...Chuyện nghỉ học đi ngang qua Mimosa có tiệm ảnh Uyên mới mở, kéo cả lũ vào chụp hình. Chống cằm, làm duyên, ngẩng mặt, cúi đầu theo lời ông phó nhòm tên Sum đạo diễn. Ít lâu sau bị anh Ánh mắng cho một trận: "Ra tiệm ảnh nói người ta gỡ xuống ngay". Chạy một hơi ra tiệm ảnh thấy hình mình cười toe toét trong tủ kính, xấu hổ quá, năn nỉ anh Sum gỡ xuống dùm: "Em bị mấy ông anh sì nẹc đó"...
Sau đó mỗi đứa một phương, kẻ thôi học, người đi lính hay vào đại học, người đi lấy chồng...Tôi học dốt quá, bèn ở nhà lo chuyện kinh doanh cho gia đình. Nghỉ học rồi, Tuyết Nhung đi làm, nhưng ngày nào cũng phải gặp nhau. Chẳng chuyện nào ra chuyện nào mà cứ có chuyện nói hoài. Nếu gặp thời bây giờ dám người ta sẽ nói tôi và Tuyết Nhung có "Vấn Đề"...hú hồn. Thỉnh thoảng tôi cũng gặp Quỳnh Chi và Chi hay hát cho tôi nghe. Mỗi khi nghe ai hát những bài Ảo Ảnh, Vĩnh Biệt, Thương Một Người...là tôi nhớ đến Quỳnh Chi. Tuyết Nhung và Quỳnh Chi là hai trong số những người bạn dễ thương của tôi.
Pleiku tỉnh nhỏ nhưng công nhận có nhiều người đẹp và dễ thương. Trong những người đẹp hồi đó tôi kết nhất là Rmah Thái Trang. Cô nàng học trường Bồ Đề, nổi tiếng hát hay, có nét đẹp độc đáo, vừa hoang dã và vừa Tây Phương...Nghĩa có nét đẹp ngổ ngáo, da ngăm đen, có duyên với mái tóc demigarcon, diện jean với áo sơmi carô bỏ trong thùng...Em Tôn Nữ Như Hiền với mái tóc ngang vai, có một chút gì Nhật Bản rất ưa nhìn, cùng với giọng nói Huế ngọt lịm...
Tôi yêu Pleiku, vì ở nơi đây gia đình tôi đã có những tháng ngày hạnh phúc vui vẻ với các con cháu xum họp. Dân tình chân thật và đối xử với nhau như người nhà. Phố Pleiku có ba gia đình cùng quê với gia đình tôi ở Kiến An, Hải Phòng di cư vào, gia đình bà Mên cùng với chị Thùy là những người dì của bạn Lê Đình Quang, gia đình hai bác Bắc Hương là ba má của anh Thàng, và gia đình chú thím Riểu là bố mẹ của Tô Quốc Thắng.
Tôi yêu Pleiku, không phải chỉ vì những niềm vui và những tháng ngày hạnh phúc, mà nơi đây tôi còn có những giọt nước mắt. Nước mắt đưa tiễn người chị gái yêu quí của tôi đã mất vì bịnh tim, bỏ lại một đàn con còn nhỏ dại. Nước mắt của một người con gái chưa kịp lên xe hoa đã phải lên xe tang, tiễn đưa người tình về nơi an nghỉ cuối cùng trong một ngày trời mưa tầm tã. Nước mắt và nước mưa chan hòa với nhau trong cảnh người buồn và trời đất cũng buồn. Nước mắt cho đứa cháu thất lạc ở Sông Ba. Cùng những giọt nước mắt của những niềm đau không muốn nói ra...
Cũng tại Pleiku, gia đình tôi đã mang ơn những bàn tay nhân ái và tận tụy của Bác Sĩ Phan Huy Quế đã giúp tôi qua cơn đau tim và đột qụy, của Bác Sĩ Bùi Trọng Căn đã ân cần giúp đỡ thân sinh tôi lúc thập tử nhất sinh, trong suốt chuyến bay đưa ông vào tận Bệnh Viện Saint Paul...Cả hàng ngàn nỗi nhớ và cả một trời kỷ niệm trong tôi.
Tháng ngày dần qua đi, giòng đời cứ bình thản trôi, và trôi thật nhanh giống như em Tuyết Mai, cựu học sinh Minh Đức khi gọi phone thăm tôi, em bảo: "Thời gian trôi nhanh quá hả chị, ngày đó ở Pleiku vui ghê!". Mọi vật, mọi người đều thay đổi, tôi và các bạn cùng cuốn theo vòng quay của thời gian và của xoay vần thời cuộc. Chúng ta không thể quay ngược bánh xe thời gian, nhưng tôi đã đi ngược về quá khứ bằng ký ức. Nhiều kỷ niệm đã hiện ra trong giấc mơ, mà khi tỉnh giấc có cảm tưởng đã mất mát cái gì thật là lớn, và mong được mơ lại một lần nữa.
"Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa..."
Bạn ơi! Tôi cứ muốn yêu Pleiku mãi mãi, và Pleiku mãi mãi ở trong tôi. Tôi chưa một lần trở lại chốn cũ. Chồng tôi hỏi tôi: "Em có muốn xem hình ảnh Pleiku bây giờ không? Trên internet nhiều lắm". Tôi đã trả lời không để tôi còn có cảm tưởng Pleiku vẫn mãi là Pleiku trong ký ức của tôi. Tôi đã khóc hết nước mắt khi nhìn bức ảnh do Sen chụp và Tuyết Nhung cùng với Đức gửi qua cho tôi. Căn nhà ở bên kia cầu Hội Phú, từ trại chăn nuôi Trần Văn Thụ qua cầu chừng mười căn là dãy nhà của cha mẹ tôi ở sát chân đồi. Trên đồi là Tịnh Xá của các Ni Cô Khất Sĩ, có nuôi trẻ mồ côi. Căn nhà của tuổi thơ, của tuổi mới lớn, từ lúc tôi chưa trưởng thành cho đến lúc kết hôn và sinh con gái đầu lòng, chẳng còn một chút dấu tích là căn nhà của tôi. Căn nhà đầy ắp những kỷ niệm trông xa lạ quá. Tôi cảm thấy đau đớn trong lòng.
Tôi muốn cảm ơn những con đường, những góc phố, những tình cảm của những người thân quen, của quý thầy cô, bạn bè, và chủ nhân của các hàng quán. Những điều này và những người này là một phần của đời sống và là một phần làm nên kỷ niệm của tôi.
Nếu được cho làm lại từ đầu và trở lại ngày xưa, tôi vẫn mãi chọn Pleiku là nơi để tôi sống mà không phải đắn đo suy nghĩ gì cả.
Pleiku Ơi! Một Trời Thương Nhớ.

Lê Ngọc Anh
(Wisconsin, một ngày cuối tháng tư 2012

304Đen - Llttm

No comments: