Tuesday, March 29, 2016

Mua Áo - Đông Hồ


Mua Áo




 
 
 
 
 
 
 
 
"Chiếc áo năm xưa đã cũ rồi,
Em đâu còn áo mặc đi chơi.
Bán thơ nhân dịp anh ra chợ,
Đành gởi anh mua chiếc mới thôi!

-- Hàng bông mai biếc màu em thích,
Màu với hàng, em đã dặn rồi.
Còn thước tấc, quên! Em chửa bảo:
Kích tùng bao rộng, vạt bao dài ?

-- Ô hay! Nghe hỏi mà yêu nhỉ!
Thước tấc anh còn lựa hỏi ai
Rộng hẹp, tay anh bồng ẵm đó,
Ngắn dài, người mới tựa bên vai!"

 Đông Hồ

Một chút về thi sĩ Đông hồ

    Một trong những nét đẹp nhất và cũng đặc biệt nhất trong đạo Nho, không thấy trong các triết học khác là gây được cái truyền thống tiến vi quan, thoái vi sư.
Học là để tu thân, là để giúp nước bằng “chính” và “giáo”. Gặp thời loạn không thể thi thố tài đức để cứu dân được thì trở về dạy dân. Do đó ngành giáo và các thầy đồ vẫn được ưu tiên quý trọng.

Trong số các thày đồ , thì thi sĩ Đông Hồ được giới văn học cảm mến đặc biệt, vì ông tuy là người Minh Hương thế mà lại rất nặng lòng với tiếng Việt.

Đông Hồ mồ côi từ nhỏ được ông bác là cụ Hữu Lân dạy dỗ. Cụ Hữu Lân văn hay chữ tốt lại rất chuộng thơ Nôm, sưu tầm được nhiều trong đó có tập Song Tinh Bất dạ mà Đông Hồ đã phiên âm. Mới 15,16 tuổi ông hâm mộ Phạm Quỳnh qua tạp chí Nam Phong và chịu ảnh hưởng của tờ báo này. Năm 20 tuổi ông làm xong bài Phú Đông Hồ được báo Nam Phong đăng và ca tụng. Từ đó ông thường xuyên góp bài, và trở thành kiện tướng trong làng báo Nam Phong. Đây là một điều hiếm thấy vì ban biên tập Nam Phong toàn là cây viết gạo cội miền Bắc.

Ngoài ra ông cũng chịu ảnh hưởng mạnh của văn hào Ân Độ Rabindranah Tagore, người được giải Nobel văn chương. Nhờ đọc Nam Phong, ông biết được Tagore đã dùng tiếng Bengali mà sáng tác nhiều tập thơ bất hủ, trong đó Tagore phát biểu :
“Có học tiếng mẹ đẻ thì chúng ta mới vỡ trí khôn ra được” càng làm ông vững tin chủ trương của mình.

Ông nối chí phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, mở Trí Đức học Xá dạy Việt ngữ, có những học sinh ở xa, ông dạy hàm thụ theo lối gửi thư, mà tiêu đề in trên đầu trang là :
Ríu rít đàn chim kêu
Cha truyền con nối theo,
Huống là tiếng mẹ đẻ
Ta lẽ nào không yêu ?


Đúng ngày 1 thang 3, 1969, ông ngất đi trong lúc ngâm bài thơ về hai Bà Trưng, giữa giảng đường Văn Khoa , và mất đi trong cánh tay môn sinh. Đúng như câu của Lương Khải Siêu , “Chiến sĩ tử ư sa trường, học giả tử ư giảng toạ”.

304Đen - Llttm

No comments: