Lá Gió Cành Chim
Sở dĩ gọi được là nhà “bên
cạnh” cũng vì gian nhà gỗ ấy ngăn đôi ra không phải bằng tường không phải bằng
vách, cũng không bằng cót hẳn, nhưng một nửa cái hàng rào thì là bằng cót, còn
nửa nữa chỉ là cái mành mành mà muốn khỏi để thông thống, bà chủ nhà đã treo
vào mành mấy bức tranh Hàng Bồ với hai đôi câu đối... không có chữ, thế là
xong.
Cho nên cứ từ bên này để ý tò mò, tôi
cũng có thể biết được mọi sự xảy ra ở gian bên cạnh.
Bà Ách lúc này còn lúi húi dưới bếp
làm cà phê cho tôi. Không hiểu bà Kiểm lâm đã tiến cử tôi bằng những câu khôn
khéo thế nào mà bạn bà ta, tiếp đãi tôi một cách cảm động. Cũng may là hiện nay
bà ta nghỉ việc – chết, quên! nghỉ chồng – mà cái tuổi trẻ của tôi chỉ vào hạng
con bà nên bà không sợ ai nghi. Chứ gì?
Những thị nào dù có ngọn lưỡi rắn độc
đến đâu chăng nữa, dễ đã dám nghi một kẻ như tôi lại đi lôi thôi với một bà
già. Nhất là Suzanne, cô con gái bà, tuy đương độ phơi phới 17 cái xuân, song
lúc tôi có đây, may sao lại đi Hà Nội.
Không phải tự nhiên tôi có cái tính
xấu: tò mò. Nếu khi bà Ách dọn giường cho tôi nghỉ tạm mà chẳng thì thào: “Này,
bên cạnh cũng có mấy đám đang tìm chồng đấy!” thì tôi đã chẳng phải nhịn thở
mạnh, vén bức câu đối để nhòm sang...
Có hai me. Một me nằm đắp chăn uể oải
đọc một tờ báo cũ. Còn me kia ngồi thừ trên ghế, khoanh tay co ro, cái quần
trắng cái áo len xanh, đôi bít tất hoa đào cũng không thể bài trí nổi cho mặt
có được lấy một vài nét... me. Cũng răng trắng cẩn thận đấy, song nó vẫn quê
kệch thế nào! Chỉ được cái bình tĩnh là đáng phục! Ôi! Lã Vọng! Cụ thử sống lại
mà xem vẻ mặt một người đàn bà khi ngồi bó tay chờ... công danh mà thản nhiên
đến thế, rồi cụ nghĩ lại những lúc có cái tâm thần thư thái lúc ngồi câu, xem
cụ có phải kính phục cái “triết học” của me ấy không!
Một tiếng cùi rìa chạm cốc đánh keng
một cái khiến tôi quay lại.
Bà Ách đã bày lên bàn mẩu bánh, cốc
cà phê sữa và gật đầu gọi tôi. Tôi ra ngồi bàn. Bà Ách nháy mắt một cái, đoạn
khẽ hỏi:
- Bên ấy có mấy người ở nhà?
- Hai.
- Hai thôi á? Thế thì họ đi đâu vắng
mất hai đấy. Mới có hai ả nhảy đầm ở Hà thành sang vài hôm nay.
- Sang đây nhảy đầm hay tìm chồng?
- Chắc là để kiếm chồng đấy chứ nhảy
với nhót gì! Thế ông có thấy bà già nào cũng độ tuổi tôi ngồi đấy không?
Tôi lắc đầu. Bà Năm cau mày một lát
rồi:
- Bà ấy là bà Cẩm, nghĩa là hồi ở
Chùa Thông đã lấy nhầm ông cẩm. Con cái chả có, nay trở về già đành phải làm
cái nghề bà Nguyệt rồi lấy hoả hồng để độ thân. Nghĩa là cũng như bà Hai Yểng
bên này. Song bị khốn đốn hơn bà Hai Yểng nhiều, vì không có vốn. Phải lắm, đến
bà Hai Yểng là người sống đã thâm căn cố đế bên này, cửa hàng cát-cút (casse
croute) đắt, cửa hàng xe đạp chạy, mà chỉ bao số chị em bị chạy làng cũng đến
lệch nghiệp nữa là trần như bà ta. Đã ít xu lại cờ bạc thì tất phải chết!
Vừa lúc ấy có tiếng guốc ở ngoài vào.
Rồi thấy những câu hỏi, đáp:
- Thế nào me, được hay thua?
- Được ba hào! Tao đói lắm mà có hàng
miến ngon quá cũng không dám ăn, sợ không có tiền tiêu vặt. Mày xem trong
bíp-phê còn gì không? Hình như còn cái bánh hai đấy. Lấy ra đây, cả hộp bơ nữa,
mau! Con Duyên kia, đứng lên!
Vậy thì ra bà Cẩm của tôi đã là người
quen thân mất nết đi rồi! Vào cái cảnh ngộ ấy, giá biết điều thì bà nên hỏi cơm
nắm tay hay cơm nguội với niêu dừa kho. Song le... thói quen! Bơ với phó mát đã
vượt trùng dương qua đây, đã chinh phục được nhiều kẻ thù ở đủ các giai cấp.
Chợt thấy tiếng bà Cẩm gắt:
- Làm gì mà lâu thế? Lúi húi mãi thế?
Có thấy mẩu bánh không?
Đến cái giọng thản nhiên không run sợ
đáp lại:
- Thưa cô, có bánh, nhưng hộp bơ đặc
cả kiến rồi...
- Cái gì? Kiến vào bơ à? Tiên nhân mẹ
nhà mày nữa! Làm với ăn! Chỉ được cái bộ ngồi lỳ ra như mẹ người ta ấy, chứ
không còn biết trông đến một cái gì cả!
Một... nàng tên Duyên là đến nỗi bị
chửi như thế việc ấy khiến động lòng... trắc ẩn của tôi. Tôi chỉ muốn can
thiệp. Chưa thể can thiệp được ngay, tôi hãy chạy ra chỗ cái mành mà nhòm. Thế
cũng đủ tỏ lòng săn sóc rồi: tôi đã bỏ cốc cà phê.
Lúc này cô ả nằm đắp chăn cũng bỏ tờ
báo cũ, xướng hoạ:
- Chị Duyên cứ lơ đễnh như thế thì
không thể lấy thằng nào bền được. Chị phải biết lo mới được chứ! Đến như tôi
cũng còn khốn đốn đây nữa là...
Rõ thật lửa đã cháy lại có kẻ tưới
thêm dầu, Bà Cẩm làm một hồi nữa:
- Sao không ở làng mà lấy thằng cổ
cày vai bừa nào thì lấy có được không? Thân phận đã thế lại còn chê chồng!
Không biết bố mẹ mày ăn uống gì mà đẻ ra mày như thế chứ? Xào một xanh rau thì
bắc lên hai con đỉa! Một tháng chưa tắm, rận chấy lúc nào cũng như sung! Ngồi
ăn cơm, ho một cái bắn vung cơm ở mồm ra như mưa ấy! Chồng nó đã không chê thì
thôi chứ lại còn chê chồng! Tưởng ta... vàng... ngọc lắm đấy!
Duyên chỉ đứng im cúi đầu. Không cãi
là nhận lỗi.
Ấy một người như thế mà người ta nuôi
để chỉ chờ đến lúc là... quăng cho Tây phương.
Tôi đã quay về bàn với cốc cà phê của
tôi để nghĩ đến các ông lính lê dương, những vị hoặc anh hùng, hoặc có khối óc
ngang tàng, đã ở một đảng cướp hay một đảng vô chính phủ, đã nậy đường sắt để
làm đổ một chuyến hoả xa trên có một ông tổng trưởng ngoại giao, hoặc đã ra
lệnh cho mấy chục phát súng lục cùng nổ tại một ngân hàng, đã vượt ngục, đã
tránh thoát viên đạn trượt ngang tai tại một biên thuỳ, để rồi lạc loài đến Thị
Cầu này, ôm lấy một người có giá trị đến như thế mà nỉ non, rền rĩ: “Tôi yêu
mình lắm, mỹ nhân ơi!”.
Tôi không được mục kích thấy Duyên
chê chồng. Tôi cũng không được biết lúc Duyên bị ba ông chồng lính lê dương
chê.
Nhưng mà... đôi bít tất hoa đào, cái
vẻ mặt thản nhiên vì ngu đần của Duyên. Với những câu kê khai tam đại Duyên của
bà Cẩm.
Vậy thì tôi thử cứ phác hoạ cái đoạn
đời của Duyên từ khi Duyên còn là cô gái quê...
Một buổi chiều...
“Hỡi anh
đi đường cái quan…
Dừng chân
đứng lại em than một lời!”
Đương bó lúa với mấy chị em, Duyên
thấy một chàng quần lụa, áo xa hoa, giày đế kếp, đội nón dứa, tay xách cái
va-ly tre, bước thoăn thoắt trên đường Duyên đã cất giọng oanh hát ghẹo. “Anh
đi đường cái quan” đi ba bước rồi dừng lại, nhìn... Dưới ruộng chiêm, tiếng mấy
người đàn bà cười khúc khích. Chợt khách bộ hành cũng hát:
“Nếu không
duyên số thì thôi,
Xin đừng
chuốc tiếng là người lẳng lơ!
Dù anh đã
có con thơ,
Nếu còn đú
đởn anh cũng vơ lên lòng!
Hay em là
gái chưa chồng?
Lên đây,
anh sẽ cho bồng... cho mang!”
Mấy chị em bạn càng cười già hơn, riêng Duyên chỉ đứng cúi mặt. Duyên đã
có chồng rồi. Người khác, không có ý gì thì mới bông lơn được. Sự im lặng này
đã tố cáo một tội của Duyên: không yêu chồng!
“Anh đi đường cái quan” đáo để ấy mỉm
cười đắc chí rồi đi.
Đêm, về nhà, nằm cạnh anh chồng đi
ngủ không rửa chân, Duyên thấy chán. Trời! Con người bần tiện, ngồi ăn thì đầu
gối quá tai, chán làm sao, trời ơi, buồn làm sao! Nói thì giọng nhát gừng, chỉ
những ấy với lại nhà mày ơi, có phải không nhẩy! Đã thế, có việc ra đình lại
ngôn bất xuất khẩu, trên các cụ ghét, dưới bọn đàn em khinh.
Chán ơi là chán!
Một tháng ấy, Duyên đã dùng thời giờ
để chê chồng.
Tháng thứ ba, Duyên về ở nhờ chị: hai
bên cùng bỏ lửng.
Trốn chúa lộn chồng thì còn ai lấy,
Duyên đã ra Hà thành. Một hôm, tại kinh đô, Duyên may sao đã gặp một người
trông y như “anh đi đường cái quan” vậy. Người ấy đã nói với Duyên những câu
ngọt ngào làm sao, bùi tai làm sao. Người ấy mời Duyên vào nhà kia “trò chuyện”
một đêm, Duyên đã gật đầu. Sáng hôm sau người ấy không biết bảnh mắt đã đi đâu,
làm cho Duyên phải tháo đôi khuyên bạc.
Thế rồi thì... những ngày sống vất
vưởng tại kinh thành.
Không chịu nổi nữa, Duyên đã... bò
lên Chùa Thông tìm cô là bà Cẩm.
- Lạy cô cháu đã dại dột, cô thương
cho.
Duyên tuy thú tội dại dột, song vẫn
không hối hận, phải không hối hận một tí nào cả! Bà Cẩm chép miệng:
- Rõ đồ voi dày! Tiên nhân mẹ mày nữa!
Thôi được! Cứ ở đây hầu hạ bà rồi tiện dịp thì bà gả cho Tây cho xong!
Hôm sau, bà Cẩm tống con sen đi vì nó
hay ngủ gật.
Rồi bà Cẩm dạy cô cháu đánh phấn, bôi
môi, kẻ lông mày. Bà thương cháu bà lắm: cái cóoc-xê lụa cũ còn dùng được mà bà
cũng cởi ra cho. Bà chỉ dặn là lúc thổi cơm, rửa bát thì đừng có mặc đến. Xóm
các me ở Chùa Thông mới ít lâu đã đồn nhau biết cô Duyên là gái quê đi kiếm
chồng.
Hôm ấy, me sừ Giăng đến chơi...
- Ki e xen là? (Thị kia là ai?)
- Ma ni-et. Bay dan, dơn, bố cu tốt!
Toa vù loà ê-pu-dê? (Cháu tôi đấy. Nhà quê, trẻ, tốt lắm. Có muốn lấy không?)
- Bay-dan? Vre? Đăng noa? Phét voa!
(Nhà quê thật? Răng đen à? Xem nào).
Bà Cẩm quay lại bảo cháu:
- Mày nhìn nó mà cười tình đi ta xem!
Duyên liếc mắt một cái rồi cười, Me
sừ Giăng gật gù:
- Xa và xa và. Giơ viêng đê. Ô voa
com me. (Được lắm, được lắm. Tôi sẽ quay lại. Chào mụ thôi).
- Chiêng! Giăng! Phô mơ đồ nê vanh
biết cẩm bua boà! Xăng qua ba lạp ben rơ vơ nia! Hánh? (Này, Jean, phải biếu
tôi hai chục bạc hoa hồng. Nếu không đừng lại nữa. Thế chứ?).
Me sừ Giăng lại gật gù một hồi rồi
mới ra đi. Thế là xong. Bao nhiêu tin đi mối lại của hai bên nhà gái nhà trai,
trầu cau, chạm ngõ, sêu tết, bánh chưng bánh giầy, đại lễ, dẫn cưới, chỉ là mấy
câu tiếng tây giả cầy ấy. Ba hôm sau, Duyên đã thành: Madame Jean. Bà Cẩm có
hai chục bạc bỏ hòm... Chả lỗ vốn...
Tôi tính đến chuyện đi tìm bà hai
Yểng, tìm bà Đội Tứ là người chôn các me, với bà Ách Nhoáng xem độ này còn hùng
hổ như hồi ở Việt Trì không. Tôi đã đứng lên, toan đi:
- Chào ông!
- Không dám, chào cô.
Suzanne đã về. Cô ăn mặc ta. Chao ôi!
Đẹp đâu có đẹp! Thế thì tôi đi làm sao?
No comments:
Post a Comment