Monday, June 6, 2016

Tản Mạn Một Lần Về Thăm Cố Hương - Nguyễn Cang



TẢN MẠN MỘT LẦN VỀ THĂM CỐ HƯƠNG

(Xin cho được một lần về chốn xưa...)

 Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Quận 7 chiều nay thì về
Bao năm cách biệt sông quê
Người xưa cảnh cũ con đê* đâu rồi?
Ngậm ngùi hồn lạc chơi vơi
Lặng thầm chân bước mình tôi chốn nầy!
Bên đường trường cũ** còn đây
Mà sao thấy lạ, nghe ray rức buồn
Em đi gió lạnh mờ sương
Nửa đời chờ đợi ai thương cho mình?!

 Nguyễn Cang (Tân Qui Đông 13/4/16)

Con đê*: Ở Rạch Đĩa sau 75, dân trong xã Tân Qui Đông được huy động làm thủy lợi đắp con đê dài, chạy dọc theo bờ sông, nay con đê biến mất do nước xoáy mòn.

Trường cũ **: là trường trung học Phổ Thông Lê Thánh Tôn nằm trong xã Tân Qui Đông thuộc quận Nhà Bè.  

    Sau nhiều lần do dự, cuối cùng tôi mua vé, làm thủ tục với Sở An Sinh Xã Hội để về thăm quê hương. Điều làm tôi lo lắng là không biết "bên kia" có làm khó dễ gì mình không vì hơn mười ba năm tôi chưa về VN lần thứ hai. Cái lo nầy chắc cũng là tâm trạng chung của những người thua cuộc. Suy cho cùng mình già rồi, gối mỏi chân mòn thì còn gì phải sợ?

Chuyến bay 747 của hãng hàng không EVA lượn một vòng bầu trời Sài Gòn rồi nhẹ nhàng đáp xuống phi trường Tân sơn Nhứt. Sau đó là thủ tục kiểm tra anh ninh cá nhân: tôi đưa giấy passport để nhân viên anh ninh nhận dạng. Tôi thấy cậu ta nhìn vào hình trong máy computer rồi đối chếu với hình thật của tôi, sau đó hỏi vài câu về quê quán, về VN làm gì? v.v. Tôi trả lời câu hỏi mà bụng đánh lô tô. May mắn cậu ta trả lại giấy tờ để tôi bước tới bàn kiểm tra cuối cùng. Tôi mừng hết lớn! thở mạnh một hơi thật dài, lòng khoan khoái, bước qua khâu kiểm tra xách tay , sau cùng bước ra ngoài khu tập trung chờ người thân. Người ra đón tôi là một em học trò cũ , bây giờ đã lớn và khác hẳn hình dáng của một em học trò lớp 9 ngày xua, dẫu vậy tôi cũng nhận ra em nhờ hình ảnh trên internet mà em đã gởi trước cho tôi xem.

    Trên đường về nhà em, tôi thấy đường phố Sài gòn đã thay đổi rất nhiều có thể nói là khác hẳn với 13 năm trước. Tôi từng sống nơi nầy gần nửa đời người mà nay không còn nhận ra hình ảnh và những con đường xưa. Những cái tên Nguyễn Văn Trỗi, Cách Mạng tháng Tám, Lê văn Lương ...tôi nghe thật xa lạ, không còn biết ngày trước con đường nầy tên gì, hỏi tài xế tắc- xi họ cũng không biết. Xe cộ dập dìu, xe máy xe hơi như dính chặt với nhau làm thành một dòng thác lũ giữa đường phố nắng cháy tháng Tư. Vậy mà những chiếc xe nầy không đụng lẫn nhau mới lạ. Tôi bảo đảm không có Việt kiều nào dám lái xe giữa dòng thác lũ nầy. Xe chạy độ một tiếng đồng hồ thì về tới xã Tân Qui Đông thuộc quận Nhà Bè, nơi tôi từng sinh sống hơn 20 năm. Tôi ở trọ nhà đứa học trò gần trường Lê Thánh Tôn.

    Nghỉ ngơi một ngày cho lợi sức rồi tôi đi bộ ra phía trước nhà, nơi con lộ chính có tên là Tân Qui, để nhìn lại cảnh cũ. Nhà tôi ở trước kia chỉ cách trường 200 mét, vậy mà tôi cứ đi tới đi lui hoài cũng không tìm thấy nó ở chỗ nào. Dấu vết căn nhà nhỏ ngày xưa biến mất nay còn lại là những căn nhà lầu 2,3 tầng liền nhau. Sau cùng nhờ con hẽm nhỏ mà tôi xác dịnh được căn nhà xưa của mình. Đúng rồi, chính nó là đây. Tôi đứng trước căn nhà quan sát một hồi lâu, lòng xúc động mạnh làm nước mắt tuôn tràn. Tôi như thấy lại hình ảnh của gia đình trong đó có những đứa con đang ngồi ăn cơm dưới nền xi măng ở nhà dưới, còn nhà trên thì kê một cái giừơng cũ bằng loại gỗ rẽ tiền, cạnh đó là 2 chiếc xe đạp . Ôi, những vật thân thương nầy bây giờ mi ở đâu? Chủ cũ đã về đây mi có hay? Căn nhà bây giờ là một tiệm bán bia, nước ngọt của một chủ nhân nào đó. Thấy tôi đứng tần ngần hơi lâu, một người đàn bà bước ra hỏỉ tôi mua gì? Tôi như không nghe thấy, bà lập lại lần thứ hai, tôi như chợt tỉnh cơn mê , bước vội ra đường, lòng nghe trống vắng mênh mông, bên tai còn nghe lèo nhèo mấy tiếng "Ông già điên!".

Theo chương trình đã định tôi đi thăm người bạn cùng dạy chung trường là anh Nguyễn Ngọc Trác, ở gần nhà thờ bên kia cầu Thị Nghè. Anh là người Bắc 54, đi học tập cải tạo dưới 3 năm, nhờ tham dự lớp Bồi Dưỡng Nghiệp Vụ do Sở Giáo Dục tổ chức nên anh được dạy lại. Anh có vợ và 3 đứa con gái thật xinh. Tôi có kỷ niệm khó quên với anh là vì năm 1980 lúc chương tình HO vừa manh nha thì anh đã có mẫu đơn(quay Roneo)xin đi Mỹ theo diện Cải Tạo. Tôi năn nỉ anh mua dùm một cái, anh tin tôi nên mua cho một cái đơn giá 20 đồng! Chị vợ của anh bão lãnh cho gia đình anh đi Mỹ, nhưng vì một lý do nào đó mà khi tôi lên máy bay đi Mỹ thì anh báo cho biết  bà chị vợ không đủ tài chánh bảo lãnh cho anh vì vậy anh thất vọng bèn thôi dạy học , đi làm nghề tự do, quay phim đám cưới, chụp hình các buổi lễ , đám tang, cho những ai cần.

   Tôi mất gần một buổi mới tìm ra nhà cũ của anh, ai ngờ chủ nhà mới cho biết anh đã đi Mỹ từ lâu rồi! Tôi ngỡ ngàng nhưng cũng mừng cho anh đã đạt được ước nguyện.

Sáng hôm sau, tôi đi thăm hai người bạn đồng nghiệp cũ ở gần nhà, anh Đoàn Thế T.và cô Nguyễn Thị H. Tôi thật bất ngờ vì cả hai cùng tuổi tôi mà nay lại lâm trọng bịnh. Cả hai không còn nhận ra tôi, tôi lặng người không nói nên lời. Một điều lạ là cả hai có cùng chứng bịnh: liệt cả thân người, cái đầu cứng đơ, mặt ngước lên trời,không thể nhấc chân lên nổi. Một ý nghĩ chợt hiện ra trong đầu tôi: hay là họ bị nhiễm độc thức ăn nước uống trong một thời gian dài?   

Tôi từ giã bạn ra về lòng buồn rười rượi, đi giữa đường phố mà nghe hồn lạc chơi vơi. Tôi đang đi giữa dòng đời hay giữa sa mạc hoàng hôn? Tiếng còi xe rít mạnh đưa tôi về thực tế. Tôi đang đứng trước "Ao cá bác hồ"(tên gọi một khúc sông được ngăn lại để nuôi cá phi, khoảng năm 1980) cạnh trường Lê Thánh Tôn mà nay tôi khó nhận ra vì khúc sông bây giờ đã bị người dân lấn chiếm, cất nhà dọc hai bên bờ như muốn nuốt trọn con sông!

Trường LTT giờ nầy học sinh đã vào lớp cả rồi, vài đứa còn lóng ngóng trước cửa trường vì đi trễ. Học sinh nữ bây giờ cùng học chung trường chung lớp với nam sinh nhưng đặc biệt mặc toàn áo quần đầm (jupe serre).

Tôi bước gần tới một bà lão bán xôi bắp, thấy còn lại 5 gói đựng trong hộp mốp gọn gàng sạch sẻ, đặt trên tấm ván của một chiếc xe đẩy có 4 bánh nhỏ thật đơn sơ. Những gói xôi không gói bằng lá chuối như thời xa xưa. Loại nầy hồi nhỏ tôi rất thích ăn vào buổi sáng trước khi tới trường. Hình ảnh những gói xôi gợi lại cho tôi biết bao kỹ niệm của thời thơ ấu. Tôi gợi chuyện hỏi thăm cuộc sống của bà,bà cho biết ở đây chỉ bán trong vòng 1 giờ rưởi mà thôi, khi tới giờ học, trường đóng cửa là phải đẩy xe đi chỗ khác vì "người ta" không cho  bán tiếp. Tôi tính nhẫm: mỗi sáng nếu bà bán hết 30 gói (bà bảo mỗi ngày chỉ "xôi" 30 gói) mỗi gói lời 1000$ , thì tổng cộng được 30000 đồng ( tiền VN, tương đương với 1.05 đô Mỹ). Hôm nào bán ế thì ăn xôi thay cơm. Tôi hỏi bà sao không bán thứ khác có lời nhiều hơn? Bà trã lời: "Biết bán cái gì bây giờ vì mình đâu có vốn, vả lại tôi bán xôi nầy gần 20 năm rồi!"

Bà còn cho biết đang ở trọ nhà người dưng, thuộc con hẽm bên kia đường cái lớn. Bà sống một mình, không thân nhân, con cái, bạn bè. Một mảnh đời rách nát sống giữa xã hội ồn ào tranh đua thì thân bà làm sao đứng cho vững? Tôi nghe lòng đau, thương cảm cho một tấm thân lung lay không chắc ngày mai còn thấy bà đẩy chiếc xe cà tàng nầy ra bán trước trường nữa. Như chợt nhớ ra điều cần làm, tôi quay sang bà bảo: "Bà ở đây đợi tôi, mười phút nữa tôi sẽ ra đây tặng bà một món quà".

Tôi đi nhanh về nhà cách đó độ 100m, đem ra tặng bà một gói quà nhỏ gồm một hộp thịt, một hộp cá mòi, 5 gói mì Ramnen, một cây kem đánh răng và  bàn chải. Hai tay bà run run nhận quà, miệng lí nhí liên hồi hai chữ "cám ơn". Tôi từ giã bà mà lòng thanh thản như vừa chia sẻ với bà cảnh bần cùn thiếu thốn. Tôi tự hỏi: Còn bao nhiêu mảnh đòi rách nát nũa? Ai là người ra tay giúp đở để họ có được một ngày vui?

Ngoài đường xe cộ vẫn dập dìu qua lại. Nắng sớm mai lấp lánh bên hàng rào, xuyên qua kẻ lá của mấy cây phượng trước trường đang đứng im phăng phắt chờ gió.

    Hai ngày sau, tôi bắt đầu một cuộc hành trình mới, đi về Gò Công thăm bạn cũ và tìm lại cảnh cũ xem bây giờ ra sao? Gò Công là nơi tôi dạy học khi mới ra trường nên cũng có nhiều kỷ niệm với miền đất "đi dễ khó về, trai đi có vợ gái về có con". Câu ca dao nầy lại ứng nghiệm đúng với trường hợp của tôi.
 



Tôi tới nơi lúc 12 giờ trưa ngày thứ hai. Xe đổ gần Ao Trường Đua, nên tôi đi bộ dọc theo bờ lộ. Ao Trường Đua bây giờ được xây gạch đá chung quanh rất khang trang sạch sẻ, có ghế đá cho du khách ngồi, trông giống như một công viên. Người ta không còn tới đây để lấy nước uống như ngày xưa nữa. Tất cả đều thay đổi, tôi hướng về Miễu Bà, đi ngang qua ngôi đình xã Long Thuận, tường vôi bên ngoài màu vàng xám xịt,còn in dấu thời gian. Tôi bước qua nhà hàng gần đó, gọi bạn Nguyễn ngọc P. ra chợ uống cà phê và ăn trưa. Mười phút sau bạn P tới, chúng tôi không khó để nhân ra nhau dù cách xa gần nửa thế kỷ! Sau giây phút ngỡ ngàng, chúng tôi vào tiệm ăn phở, uống nước dừa, Vừa ăn vừa hàn huyên tâm sự, nhắc lại những kỷ niệm một thời còn dạy chung trường, thật êm đẹp. Kiểm lại mới biết ai còn ai mất, thật ngậm ngùi luyến tiếc cho những gì đã tàn phai.

    Ăn uống xong xuôi bạn P chở tôi đi dạo một vòng quang chợ Gò Công, Khi tới trường Nam Tiểu học, tôi nhận ra phía trước, cái ao ( Piscine) thật rộng ngày xưa,nay đã lấp mất rồi không còn dấu tích. Tôi không biết ao nầy được xây năm nào. Nó là phần cuối của một con sông nhỏ được ngăn lại thành ao, kích thước gần bằng sân đá banh. Nước ao trong xanh, nhưng không thấy ai tắm giặt chỗ nầy, nó như một công viên nhỏ cho người dân đi dạo, dọc theo hàng lim bóng mát. Hình ảnh "Ao lấp" làm tôi nhớ bài thơ "Sông lấp" của Tú Xương, lòng nghe bâng khuâng, dù hai nơi khác nhau nhưng hai người có chung một tâm sụ não nề:

 Sông kia rày đã lên đồng
Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai
Đêm nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.

Tú Xương nhớ sông Vị Hoàng ngày xưa nay bị lấp, hình ảnh này làm ông luyến tiếc một thời vàng son của mình lúc nho học còn có chỗ đứng trong lòng dân Việt, nay không còn nữa. Còn tôi thì luyến tiếc thời trai trẻ sống thoải mái yên lành nơi đất Gò Công thơ mộng.

    Tôi đi ngang qua trường cũ, thấy trường đã đổi thay, trông đẹp và mới hơn xưa, nghe nói bây giờ là "trường điểm" của tỉnh. Tôi đứng trước cổng trường, ngắm nghía ngôi trường xưa , một thời dạy học nơi đây, mà nay sao thấy xa lạ! Vẫn con đường quen thuộc, cổng trường ,lớp học... nhưng sao tôi cảm thấy mình lạc lỏng ngay trên chính quê hương của mình! Cái cảm giác nầy thật khó diễn tả.

Tôi thẩn thờ, cảm xúc dâng tràn, vẳng đâu đây có tiếng hát  bài "Trường Cũ Tình Xưa" làm tôi lâng lâng niềm thương nhớ, nhớ bạn bè, nhớ học trò, và nhớ mối tình đầu ở chốn nầy...

"Hôm nay tôi trở về thăm trường cũ, nhiều nét đổi thay từ mái rêu mờ, bên hiên hàng giờ tìm những bạn xưa, may ra có còn đôi đứa vẫn yên vui sống đời học trò.

Bâng khuâng đợi chờ người sao chẳng đến hỏi lá hỏi hoa chỉ thấy im lìm, cây dương đầu trường còn khắc hàng tên, hoa leo phũ phàng đan kín ,tiếng ve ru nghe gợi buồn thêm..."

    Niềm cảm xúc sâu xa nầy , có lần gợi hứng tôi làm một bài thơ, xin viết ra đây tặng bạn đọc để chia sẻ:

 VỀ THĂM LẠI TRƯỜNG XƯA GÒ CÔNG

(Cảm tác nhân đọc bài thơ "Về ngang trường cũ" của Hoàng Yến, và mượn ý từ bài hát "Màu hoa bí" của Võ Đông Điền. Để nhớ trường xưa nơi tôi ngồi học suốt tuổi thơ...giờ tìm đâu thấy?!)

 

Chiều cuối hạ tôi về thăm trường cũ
Nơi  một thời tuổi nhỏ học ở đây
Sáu mươi năm ôm kỷ niệm  thật đầy
Theo  vận nước bồng bềnh trôi muôn ngả

 
Đâu  thể nào quên những ngày êm ả
Mái trường yêu hình ảnh của ngày thơ
Bao năm qua còn đó  tuổi dại khờ
Cho mãi đến giờ vẫn hằn  nỗi nhớ!

 
Ngoài kia hoa "lim" vàng đang rực nở
Theo gió đong đưa ngập cả sân trường
Trước mái hiên còn đọng dáng em thưong
Trang sách cũ  ghi vần  thơ dệt mộng

 
Tôi trở lại đây một chiều gió lộng
Như thấy người xưa , ánh mắt thơ ngây
Tóc xỏa vai gầy vạt nắng bay bay
Áo trắng phất phơ, lá lay xào xạc

 
Chiều dần xuống hương hoa "lim" thơm ngát
Nhớ lúc tan trường  anh bước theo em
Đuổi bướm tung tăng nắng đổ bên thềm
Bướm bay mất em  rưng rưng  nước mắt

 
Anh đền em hoa bí vàng mới ngắt
Thay con  bướm vàng, thương nhớ mênh mang
Nay trường xưa hoa bí vẫn nở vàng
Nhưng thiếu em, anh ngỡ ngàng héo hắt

 
Cảnh cũ đã hiện ra ngay trước mắt
Còn em đang lưu lạc  phương trời nào
Em thiên thần có lạc chốn trăng sao
Nghe  vang mãi giọng ngọt ngào em hát

 
Hoa bí  tươi màu, trời xanh bát ngát
Tôi lặng nhìn hoa, thương mối tình đầu
Trường cũ giờ, có phải Hoàng Hạc Lâu?
Bướm vàng bay mất còn  đâu tìm thấy?!

Nguyễn Cang

hoa lim*: hoa màu vàng, cánh nhỏ như hoa mai, mọc dọc teo bờ lộ cạnh trường Nam Tiểu Học Gò Công, gọi là "bờ lộ lim", để phân biệt với "bờ lộ dương" cũng ở Gò Công.

       Thời gian qua mau, mới đó mà đã xế trưa, tôi giục bạn mau ra bến xe cho kịp chuyến chót trong ngày. Xe chạy ngang qua con đường xưa lối cũ : dinh Tỉnh Trưởng, trường trung học Gò Công, bờ Lộ Dương, nơi nào cũng đầy ắp kỷ niệm một thời in dấu chân tôi, nhất là những khi rãnh đi dạo mát quanh phố chợ. Những dãy nhà, những con đường từ từ chạy lùi về phía sau , tôi sắp xa nơi nầy không biết bao giò mới có dịp trở lại...

++++

      Về lại Sài Gòn, tôi nghỉ ngơi vài bữa rồi tiếp tục đi thăm nơi khác. Lần nầy tôi về Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, thăm lại "chiến trường xưa" nơi mà một phần đời gắn liền trong những năm khói lữa chiến tranh trước 1975.

Mất gần 3 tiếng đồng hồ để tới Cái Bè. Nầy đây là cầu Bà Đắc, Bà Tồn, Thông Lưu, Hòa Khánh...những địa danh quen thuộc in dấu bước chân hành quân thuở nào nay chỉ còn lờ mờ trong ký ức,tôi phải ra sức nhớ lại mới nhận ra chúng. Cảnh vật thay đổi nhiều quá tôi không thề nào hình dung ra được chỗ ngày xưa tôi đóng quân giữ mấy cây cầu chiến lược đừng để sập vì phá hoại.

Nhưng đây rồi, chính chỗ nầy là đồn trú quân, chỗ kia là trung đội 3 của tôi trấn giữ chân cầu, và còn nữa... chỗ nọ là hầm cá nhân cũng là giừong ngủ của tôi. "Nhà tôi" thật đơn sơ, chỗ nằm chỉ là cái võng treo tòn ten, trên căng một tấm poncho lâu ngày bạc màu mốc thếch. Tôi đứng một hồi lâu ngắm nhìn cảnh cũ: đồn đóng quân bây giờ là hai tiệm tạp hóa đồ sộ,tất cả đã thay đổi không còn một chút gì là dấu vết của thời chinh chiến. Tôi bùi ngùi xúc động, nhớ đồng đội ngày xưa, bây giờ ai còn ai mất, ai lưu lạc phương trời nào?

Dưới chân cầu, dòng nước vẫn lững lờ chảy mặc cho dòng đời đổi thay. Cạnh đó là eo trũng, ngập đám lục bình xanh đang trổ hoa, màu tím ngắt. Một vài cụm  tách khỏi bờ, trôi theo dòng  nước, đi về đâu nào ai biết! Một vài chiếc ghe máy chở đầy trái cây chạy ngang, khuấy động mặt nước lấp lánh dưới  ánh mặt trời trải dài trên mặt sông,  phá tan cái yên lặng của không gian buổi trưa hè oi bức .

Xế trưa tôi đón xe ôm về thị trấn Cái Bè, thăm lại chiếc cầu sắt và  phố chợ bên kia sông. Tôi ghé lại bên nầy cầu tìm dấu vết quán nước giải khát tại bến xe lam cũ, nơi đây ngày xưa, bữa nào không lội bộ hành quân, tôi cùng bạn thân  đến quán  vừa uống nước vừa ngắm người đẹp "Thanh Xuân" ở đây. Em có nét đẹp thơ ngây của đứa học trò tuổi mười bảy, làm say mê bao thầy giáo trẻ dạy tại trường Trung học Cái B . Nhưng tất cả đều hụt hẫng khi em lên xe hoa ở tuổi  trăng tròn lẽ. Quán nầy giờ không còn nữa và người xưa cũng đã xa rồi, còn chăng là kỷ niệm của một thời dấu yêu. Sau đây là bài cảm tác khi nhắc đến kỷ niệm nầy:

 

TÌM EM Ở ĐÂU

 
(Đốt lò hương cũ: nhớ cô em học trò bé nhỏ T. Xuân, Trung Học Cái Bè thời chinh chiến trước 75... em "sang sông" lúc tuổi đời chưa vướng bụi trần, áo trắng trinh nguyên chưa phai màu mực tím. Con sông Cái Bè đưa em về Cai Lậy để lại bao tiếc thương cho bạn bè, thầy cô giáo và những chàng sĩ quan trẻ tuổi...)




Chiều hành quân, đơn vị qua sông
Dòng nước buồn thiu ngập cánh đồng
Quán nhỏ bên kia cầu sắt cũ
Thẫn thờ tôi đứng mỏi mòn trông

Trường em gần chợ, bến đò đưa
Thấp thoáng lầu cao dưới bóng dừa
Tan học em về vui hớn hở
Tôi  chờ em suốt buổi trời  mưa!

Rồi chiều thứ bảy thấy bâng khuâng
Muốn đến thăm em nữa một lần
Thương nhớ làm sao hình dáng ấy
Nghìn năm  em đẹp  nét thiên thần

Biến cố bảy lăm khóc ngậm ngùi
Tôi lui quân, bỏ tuyến về xuôi
Sóng xô thuyền vỡ đành ly biệt
Chẳng biết trần gian em có vui?

Mang mối tình si tôi bỏ đi
Tha hương lưu lạc có hơn gì?
Thương người ở lại sương khuya lạnh
Kỷ niệm bên trời tôi vẫn ghi

Chiều nay thuyền đỗ bến sông xưa
Tôi đứng bên cầu lúc giữa trưa
Quán nhỏ tìm đâu tên để gọi?
Mất em rồi giọt nắng đong đưa!

Em về đâu lối nào tìm thấy?
Phượng tím trường yêu còn ở đây
Sông Cái Bè rì rào  sóng vỗ
Em đi rồi sao mắt tôi cay?

Ngập ngừng chân bước qua cầu sắt
Chốn cũ từ đây hết đợi chờ
Trường lớp còn in màu áo trắng


Trọn đời nhớ mãi dáng em thơ.

Nguyễn Cang

 
    Trở lại nhà chị Hòa, chủ nhân blog "Hoài niệm Tây Ninh" và "Những người bạn sư phạm Sài gòn", vào một buổi trưa nắng cháy của tháng tư. Cuộc họp bất ngờ vậy mà vẫn tươm tất, tràn đầy tình bạn đồng môn  của thuở học chung một trường. Bữa tiệc chào mừng người bạn phương xa trở về tuy đơn sơ mà đầy đủ và ấm áp tình người. Chủ nhân đãi khách thật chân tình, tự nhiên như người trong nhà. Xin cảm ơn chủ nhân. Hiện diện hôm đó có K. Phụng, Trần Hữu Lễ, (Lễ là phu quân của Hằng, bạn thân của Hòa, Phụng nhưng vắng mặt vì bận việc phải về Tây Ninh) tôi và chủ nhân. Cơm, canh chua cá lóc, thịt kho, bánh trái đầy đủ, rất ngon và thú vị. Khi tiễn khách ra về, chủ  nhân còn gọi con lấy xe hơi đưa đi, tôi cám ơn, từ chối không muốn làm phiền thêm. Thật ít có người nhiệt tình như chị. Đã thế chị còn hứa  sẽ rũ bạn Khánh, Đức, và tôi đi dạo quanh Sài gòn một vòng bằng xe hơi của con chị nếu tôi có rãnh, nhưng tôi từ chối vì thời gian còn lại không nhiều. Nhà chị Hòa thật khang trang rộng rãi, hai tầng lầu thật đẹp, có thể nói còn tiện nghi và đẹp hơn nhà mướn của tụi nầy bên Mỹ. Điều đáng khen là mặc dầu một thân một mình nhưng chị cũng chu toàn nhiệm vụ người mẹ, người cha, nuôi con ăn học thành tài, đứa nào cũng có nhà có xe, cuộc sống ổn định, mấy ai làm được như chị?
 Lời kết cho bài viết:
     Lần nầy về VN tôi không chọn được một chỗ ở cố định. Vì một lý do ngoài ý muốn, tôi phải dọn khỏi nhà trọ thân quen trong những ngày cuối ở quê nhà, nên chưa kịp giã từ bè bạn thân mến mà lẽ ra tôi còn họp mặt lần cuối. Xin cáo lỗi cho sự thất hẹn nầy.
 
Nguyễn Cang (5/15/16)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

No comments: