MÙA THƯƠNG NHỚ
Chia tay
không lời từ biệt, cũng không biết đó là lần đi xa, xa lắm. Ba mươi bảy năm,
bao nhiêu con nước qua cầu, sao lòng lữ khách còn hoài về bến cũ. Anh hỏi em
còn nhớ. Câu trả lời là không quên, cũng không nhớ.
Bởi em không
sống với tâm thức của cô bé chớm bước vào tuổi mộng mơ mà mang vết tích buồn
đau trên hành trang đi mãi. Đôi khi em thấy mình nhẹ như lá khô. Cơn gió làm lá
lao chao rồi xoáy mình trở về với đất. Anh cũng nhớ đừng hỏi sao em cười trong
bi quan. Dù bi quan chỉ trong ý nghĩ của anh. Em bây giờ dám nhìn em, như nhìn
mọi thứ quanh mình thay đổi không ngừng. Em nhìn bằng mắt, bằng tâm thầm lặng.
Đời chia như nhánh sông. Trong ly biệt nẩy mầm tương ngộ, bởi chúng mình là
giọt nước, trong biển đời sóng cuộn dập dồn.
Anh có biết,
em đặt tên cho mùa cũ là “mùa thương nhớ”. Mỗi năm, mùa thương nhớ lại về dù
chẳng gọi mời. Em bấm nhẹ ngón tay tắt ti vi. Những hình ảnh đau thương của
tháng Tư khép lại. Em muốn dành khoảnh không gian tĩnh lặng này làm hành trang
riêng cho mẹ. Cầm chuỗi hạt đặt vào bàn tay run, nhận ra có nỗi băn khoăn
– Mẹ lạnh
nên sợ gió. Nhớ khép cửa lại khi con ra ngoài nghen. Đã tháng Tư rồi. Tháng tư
đây sao lạnh quá mà tháng tư ở Bình Long nắng cháy da.
Câu nói bất
chợt thoáng nghe từ mẹ, người không còn ý niệm thời gian. Em hiểu là được khơi
dậy từ hình ảnh vừa chiếu trên màn hình trước mặt. Trong mấy triệu người ra đi
thuở đó, lòng khắc khoải, quặn đau vì tháng Tư xưa. Em không biết còn có bao
nhiêu người như mẹ, như chúng mình đời có hai tháng Tư để nhớ, để buồn, để vọng
về, để mang theo. Trong niềm nhớ quá lớn, anh có muốn cùng em một lần đi trở
lại chốn xưa. Anh sẽ hiểu em không chôn sâu quá khứ. Chỉ là quá khứ không có
chỗ khi em sống quanh những buộc ràng thường nhật. Đêm lạnh, có mưa vỗ về bên
gió lặng thầm. Em nằm cạnh mẹ, lắng nghe chuyện kể về nơi chốn chào đời đã xa.
Có phải những hình ảnh thảm khốc, bi thương qua màn ảnh truyền hình chiều nay,
đã làm người mẹ yếu già thao thức không ngủ được. Từng mảng ký ức tưởng đâu
yên, xóa theo cơn lốc của thời gian, đã nối nhau hiện về khi nhân duyên có mặt.
Năm đứa
trong những đứa con của mẹ được sinh ra ở Bình Long. Sau thời gian ngắn ở
Saigon gia đình chọn miền cao nguyên đất đỏ lập nghiệp. Nơi đến ở đầu tiên là
Quản Lợi, một xã nhỏ cách Bình Long vài cây số. Có con đường hẹp với hàng
phượng đỏ và ngôi giáo đường xinh xinh nằm trên đầu dốc. Thêm vào những căn nhà
lớn xây từ thời Pháp, nơi ở của những chủ nhân đồn điền cao su giàu bạc tiền,
nghèo nhân ái với dân thuộc địa. Trong ký ức nhạt mờ, “Nhà Tây” đẹp và thơ mộng
có lẽ nhờ những cây hoa phượng cho bóng mát dịu dàng, cùng lúc làm rực rỡ
khoảnh không gian chung quanh. Tương phản với cơ ngơi đồ sộ của Nhà Tây, là
những dãy nhà thấp bé, sơ sài. Đó là chốn trú ngụ của những người dân cạo mủ
cao su. Khi em sắp sửa chào đời, ba mẹ cùng năm anh chị rời Quản Lợi ra Bình
Long. Nơi ở mới là căn nhà rộng rãi, khang trang dẫu chỉ là nhà tôn vách ván
cuối con dốc cũng là đường vô Quản Lợi. Trong đêm xưa, mẹ cùng người dì út dìu
nhau với cây đèn bão trên tay. Người sản phụ trong cơn đau quặn thắt từng hồi,
đã bình thản cùng em gái vượt qua con dốc thật cao dẫn tới nhà bảo sanh cho em
cất tiếng khóc đầu tiên.
Xóm nhỏ cả
nhà cư ngụ được gọi tên là xóm “vườn dầu hắc”. Không biết vườn cây trồng từ bao
giờ. Đó là loại cây cao lá to và dài. Mùa mưa đến rất nhiều sâu rớt xuống mái
tôn, rơi xuống đất bò lổn ngổn trên sân. Nghe nói nhà nước cần loại cây này để
làm báng súng. Gần vườn dầu hắc là “công xi heo”, nơi giết súc vật để cung cấp
thịt cho toàn tỉnh. Mẹ gọi nơi này là địa ngục trần gian. Đêm khuya, âm thanh
la hét, dãy dụa bi thương của những con vật bị hành hình làm quặn lòng người.
Nghe kể, mấy con heo mẹ nuôi như tiền bỏ ống để dành, trên đường đưa vào lò sát
sinh đã chảy nước mắt ra. Từ đó Mẹ không còn nuôi thú để bán nữa. Mẹ thôi không
khóc theo đàn heo đã lớn tới ngày đem cân bán. Trong trí nhớ nhạt mờ sót lại,
có hình ảnh mấy chú heo mọi nhỏ, hết ăn lại nằm trong chuồng nhà sau. Người dì
út nhọc nhằn tắm rửa, bào thân cây chuối, trộn cám nấu cho heo ăn từng ngày.
Chưa kể dỗ dành đổ sữa và thuốc mỗi khi heo bệnh. Nuôi đàn heo từ lúc sanh,
trong sự chăm sóc đầy thương mến, để rồi đẩy chúng vào nỗi chết oan nghiệt hãi
hùng. Vòng lẩn quẩn đó không bao lâu dừng lại, dẫu cả nhà vẫn còn tiếp tục chịu
đựng âm thanh của la hét, dãy dụa bi thương hằng đêm.
Có thêm ba
đứa con gái lần lượt chào đời. Người chị lớn mất ngôi vị được nuông chiều vì là
con gái duy nhất với năm anh em trai trước đó. Căn nhà ở vườn dầu hắc đi dần
vào quên lãng, sau khi ba mẹ dọn về dẫy phố mới cất trên đường Đinh tiên Hoàng
, cách chợ mới và bến xe một khoảnh đất còn bỏ trống. Giữa đám cỏ dại mọc cao,
có con đường mòn băng qua bến xe, trước khi vào chợ. Con đường này đã in dấu
bao lần gót chân vất vả, ngược xuôi của biết bao bà mẹ hiền xưa. Nhớ sao là
nhớ, thương sao là thương nụ cười để lộ những hạt răng đen tuyền đều đặn. Mái
tóc dài cuộn trong tấm khăn nhung vấn quanh đầu. Những chiếc nón lá che ngang
mặt có cọng quai bằng vải bạc màu, hay chiếc khăn rằn cột lại dưới cằm, thả hờ
hững hai đầu khăn trước ngực…Nhớ hơn hết vẫn là búi tóc tròn đầy của mẹ và rất
nhiều bà mẹ chưa qua thời xuân sắc, em từng ngắm mỗi ngày mà sao chẳng nhận ra
thuở đó mẹ đang còn rất trẻ. Nhiều buổi sáng sương mờ giăng mỏng, đứng trước
sân nhà chờ gánh bắp luộc đi ngang. Khi chiếc thúng đậy bằng lá chuối mở ra,
những trái bắp nóng hổi bốc khói mùi thơm ngạt ngào trong gió sớm. Mẹ lựa mua
xong bắp, người bán hàng tiếp tục gánh đi ra chợ. Trong trí óc non nớt ngày
nào, em đã băn khoăn. Bà mẹ tảo tần bước thấp, bước cao tất bật trong gió sớm
mưa chiều làm sao bán hết những trái bắp mà lớp vỏ đã bị xé ra phân nửa bởi bị
chê nên bỏ lại. Những người mua sau chỉ cần nhìn vỏ, không mở ra xem vẫn biết
đó là trái bắp bị cào cào ăn, hột bắp quá thưa, bị già quá hay non quá, … có ai
muốn mua thứ tệ vậy đâu! Khác với ở đây, bắp lớn đều hột nhưng vị nhạt hơn cơm
nguội. Ở đây, họ không xé vỏ ra coi, chỉ nhặt đủ số mình cần mua là được. Hương
vị của trái bắp nếp, hột đều, dẽo ngọt tưởng đã quên lâu. Đâu ngờ mấy mươi năm
sau khi về thăm lại, trên chuyến xe về Bình Long, đứa em gái con dì từ Saigon
gọi nhắc.
-Về đó đừng quên kêu bạn chị đãi bắp luộc nghen! Chị nhớ ăn cho đã để khi
về Mỹ không còn mơ tưởng nữa.
Em giật mình
bởi có nhớ gì đâu. Nhờ câu nhắc đó mà cả đám bạn mừng ngày gặp lại, cùng ăn với
nhau những trái bắp ngọt ngào. Chợt nghe có tiếng lao xao
-Mình ở đây bao năm rồi vậy mà phải nhờ người cũ trở về, mới biết bắp luộc
của Bình Long ngon tuyệt.
Như chuyện
xưa kể lại, bà mẹ thay đổi chỗ ở nhiều lần vì sợ con bị ảnh hưởng từ môi trường
đang sống. Mẹ an lòng khi dọn đến nơi ở mới. Hai dãy phố nối liền nhau bằng một
khoảng ngăn đôi ở giữa. Mỗi dãy có mười một căn nhà chung vách với nhau. Cảm
giác thân gần, ấm áp ngay từ lúc mới dọn về, có lẽ nhờ những người bà con xa
gần từ quê ngoại đến Bình Long lập nghiệp ở chung con phố. Khi tới tuổi đi học,
em bắt đầu có bạn vừa chung lớp, chung trường thêm chung xóm. Đi từ đầu con phố
dẫn lên trên dốc, đâu đâu cũng có bạn ở trường của chị, của anh, của em và cả
bà con. Ngược lại với chốn cũ, không gian nơi này yên tịnh giữa những ngôi chùa
và tịnh xá bao quanh. Qua khỏi ngã tư gần nhà là tịnh xá Ngọc Long. Người chị
thường đến tịnh xá vào ngày mồng một hay rằm, bao giờ cũng có đứa em gái nhỏ đi
cùng. Thỉnh thoảng từ tịnh xá, những nhà sư chân đất, ôm bình bát đi khất thực
trên những con đường nhựa nóng, bụi đỏ bay theo gió quyện đầy quanh bước thiền
hành. Từ ngã tư quẹo phải, hướng lên quốc lộ 13 là tịnh xá Ngọc Bình, nơi đứa
em gái út học lớp mẫu giáo đầu đời. Hình ảnh đứa em gái nước da trắng, nổi bật
trong màu áo nâu sồng rất dễ thương. Cũng không hiểu do đâu, người chị 13 tuổi
đã cắt may cho đứa bé lên 4 bộ áo nâu dù trước đó chưa bao giờ may vá. Mẹ ái mộ
cô đào được mệnh danh cải lương chi bảo để rồi tên cô cũng là tên đứa em này.
Nếu biết sau này em gái “khiếu nại” dài dài, khi hiểu từ đâu có tên em, không
biết mẹ đổi ý hay vẫn nhất định là như thế. Thêm ngôi chùa ở về hướng trái
đường đi Lộc Ninh là chùa Từ Quang. Đây là nơi đứa em trai học vỡ lòng trước
khi vào lớp một trường công lập. Em trai lúc nhỏ là thằng bé lười biếng, mè
nheo ỷ lại vì biết được thương. Mỗi lần đưa em đến lớp, các chú điệu phải nắm
tay giữ lại hay đóng cửa lớp học không thôi chú nhỏ xỗng chạy. Một lần thừa lúc
mấy chú điệu ơ hờ, em tông cửa chạy ra, thấy chị đang lửng thửng đi về, nó xô
chị xuống sình rồi ù chạy về nhà. Chú bé trai xấu nết ngày xưa, giờ là người
cha chừng mực, luôn tỏ ra nghiêm khắc trong việc giáo huấn lũ trẻ trong nhà, dù
ở xứ người.
Em cũng có
một mùa hè được mẹ cho đi học thêm ở chùa Từ Quang. Sau buổi học về nhà khóc,
giận cha đặt tên xấu quá, nên đám trẻ học chung ghép chữ trêu đùa. Những tiếng
chuông chùa trong chuỗi ngày thơ vẫn ngân nga văng vẳng, lắng sâu. Dư âm đó đã
theo em từ quá khứ dẫn qua hiện tại. Tiếng chuông ngân nhắc em quay trở về nhà
mỗi khi mê mải rong chơi. Nhà của em bây giờ chính là mảnh vườn tâm cho em bận
rộn, loay hoay chẳng lúc nào ngưng.
Cho đến lúc
rời xa, em mới biết An Lộc thật nhỏ bé với diện tích 4 cây số vuông, với khoảng
20 ngàn người sinh sống trong thị trấn. Đa số là dân từ miền bắc theo đoàn phu
mộ vào nam. Số còn lại gồm công chức, quân nhân từ các nơi khác đổi về. Thêm
một số người, như ba mẹ, từ vùng quê mất an ninh xô dạt về đây và những người
đồng bào Thượng sống rải rác trong buôn sóc quanh tỉnh lỵ. Miền đất đỏ sau cơn
mưa, dẻo quánh làm đứt nhiều quai guốc tuổi học trò. Đám trẻ nhỏ sống trong thị
trấn buồn, bao bọc giữa những rừng cao su ngút ngàn trở nên gần gũi nhau hơn.
Lẩn trong tiếng chuông chùa và tiếng mõ gõ đều đều sớm tối của cha, em còn nghe
được tiếng cầu kinh của cả gia đình hàng xóm cách nhau vài căn phố. Tiếng giục
nhau sửa soạn đi lễ nhà thờ, là phần sinh hoạt gắn liền. Vào mùa hè, người anh
giữa cùng đám con trai hàng xóm mãi mê với trò chơi đánh đáo, đánh trỗng, tạt
lon, thả diều, bắt dế, làm nhà lợp bằng lá chuối để cắm trại, nấu cơm xới chia
nhau, … Thỉnh thoảng còn kéo nhau đi tắm ở hầm đá, ở sóc Thượng bị những cô gái
Thượng đuổi chạy vì quá nghịch. Ba mẹ có vài thửa ruộng gần đồi Đồng Long để
cho thuê, trả bằng lúa sau mùa thu gặt. Nhà có ruộng nhưng chưa bao giờ đặt
chân lên thửa ruộng nào, trừ một lần được đứa bạn học ở ấp Hưng Chiến dẫn về
nhà. Em bước xuống mặt nước lấp xấp, để đôi chân chạm vào những lá mạ non xem
cảm giác ra sao. Lâu lâu mẹ đem lúa đi xay, em được đi theo tới nhà máy xay lúa
gần đồi Đồng Long, kế bên thửa ruộng nhà. Nhờ vậy mà biết được lúa xay rồi,
ngoài gạo còn có thêm tấm, cám, rồi trấu. Kỷ niệm còn giữ lại là những buổi
trưa hè ngồi nhổ những sợi tóc chớm bạc của cha. Không dùng nhíp mà dùng hạt
lúa kẹp giữa hai ngón tay. Đứa con gái hết sức chăm chú, tỉ mỉ để đừng lộn thêm
sợi tóc đen nào trong hạt lúa tí teo.
Em biết hát
nhiều bài hát ru em thuở đó, nhờ mẹ cùng người mợ ở sát vách. Khi cậu đi lính
xa nhà, khuôn mặt đẹp mà buồn của mợ thêm u sầu hơn nữa. Người chồng trẻ hào
hoa, giờ xa cách khiến từng câu hát ru con nghe ngậm ngùi thêm. Mấy chị em cô
bạn láng giềng gần, coi ca hát là niềm vui bất tận. Người cha làm trưởng Chi
Thông Tin, sau giờ làm việc trở về ông uống rượu say, biến gia đình thành chốn
ngục tù. Người mẹ xay đậu nành nấu sữa đẩy xe ra chợ bán, chiều về cùng chung
số phận với đàn con, nghe không ngừng những lời trách mắng, buộc tội vô cớ và
đôi khi thêm đòn roi. Đứa con gái lớn bỏ nhà, bỏ học ra đi. Đứa em trai kế đi
tìm an ủi và tình thương ở hai người anh hàng xóm cận kề. Đâu ngờ chính vì hết
lòng chia sẻ, mến thương đứa trẻ có đời sống gia đình tội nghiệp, mà trong một
lần chở nhau bằng Honda, tai nạn xảy ra cướp đi sinh mạng của chú bé 15 tuổi.
Em thương người bạn gái có nhà chung vách, học chung trường và trên em một lớp,
luôn hứng chịu thiệt thòi vì người cha luôn sống với cơn say. Hai đứa thường
chia nhau những khúc mía vàng ngọt lịm buổi trưa hè. Thường cùng nhau đánh vũ
cầu những khi không phải phụ mẹ nấu cơm hay giữ mấy đứa em. Những đêm trăng
người lớn trải chiếu trên sân ngồi ngắm trời sao. Đám trẻ nhỏ xếp hàng chơi
rồng rắn lên mây, đám lớn hơn ôm đàn hát tình ca và nhạc quê hương đã dần đi
vào kỷ niệm. Thêm người anh nữa xếp bút nghiên đi vào quân ngũ. Đứa em gái nhỏ
bây giờ bắt đâu biết băn khoăn về hai chữ chiến tranh. Có vài chỗ ngồi bỏ trống
trong lớp học. Đám học trò xôn xao vì đứa bạn học mới nhìn thấy hôm qua đã bị
phía bên kia bắt đi theo. Thỉnh thoảng những chiếc xe nhà binh về thị trấn, chở
theo những người lính bơ phờ. Qua làn bụi mù để lại phía sau, thoáng hiện nét
khắc khổ, phong trần trên khuôn mặt còn rất trẻ. Một đôi lần nhìn thấy bước
chân xiêu đổ, ngang tàng. Người lính say chếch choáng trong lòng thị trấn nhỏ,
quẩn quanh không có chỗ vui chơi.
Những buổi
chiều em hay nhìn về chân trời. Rừng cao su đan rào tím thẫm che ngang tầm mắt.
Xa hơn nữa vài cuộn khói bay lên từ hướng Tống Lê Chân. Nơi người chị theo trực
thăng đáp xuống hai lần một tháng để phát lương cho những người lính biệt kích
trấn đóng ven vùng biên giới. Những ngày bình yên cũ không còn. Người chị theo
chồng về xứ lạ. Đứa em gái cùng mẹ đổ cát vào bao xếp thành hầm tránh đạn trong
nhà. Ở sân sau cha cho xây thêm chiếc hầm chìm đúc bằng cốt sắt bê tông, có lổ
thông qua hầm nhà người cậu kế bên. Phía trên là hồ đổ đầy cát thay vì chứa
nước. Đêm bắt đầu có giấc ngủ kéo nhiều mộng mị bởi những trái đạn pháo bắn vào
thị trấn. Ngày theo qua đầy bất an. Những trái mìn chôn trên đoạn đường Bình
Long – Lộc Ninh làm chết biết bao người. Nay thì đường bị đắp mô, mai thì nghe
tin dữ đưa về cầu Cần Lê bị sập. Trái tim những người vợ, người mẹ thời binh
lửa co thắt, đớn đau. Khi nghĩ đến người chồng, người con mình đang dấn mình
trên đoạn đường mà sự sống và nỗi chết không còn ranh giới. Nhà càng ngày càng
quạnh vắng khi người anh thân gần nhất rời nhà đi học thật xa. Trường trung học
Bình Long không có ban B cho lớp 12. Anh và nhóm bạn bắt đầu đi tứ tán. Số về
Saigon học tiếp còn anh ra tận Qui Nhơn sống với người anh đang đồn trú tại
đây. Khoảnh trống ngày càng rộng mãi, khi Thu Hà, đứa bạn chung lớp cũng giã từ
An Lộc về Phước Long cùng chị. Kim Phai một hôm đột nhiên hỏi có bao giờ em bỏ
Bình Long đi sang xứ người không? Em trả lời như thể biết rõ sự chọn lựa của
mình.
Lời đối đáp
của hai cô bé học trò lớp 8 như điềm báo cho bao biến động tiếp nối. Đầu tháng
Tư cả thị trấn xôn xao. Đường đi cắt đứt, Lộc Ninh bị cô lập rồi tơi bời trong
biển lửa. Nào ai biết chẳng bao lâu Bình Long chung số phận. Máu và nước mắt
trộn nhau. Người sống và kẻ chết chia chung nơi trú ẩn. Mười bốn tuổi em nhận
ra con người chỉ là sinh vật nhỏ nhoi. Cuộc sống mong manh tạm bợ, không ai giữ
được hay thay thế cho ai trước đôi bờ sinh tử. Cũng đành cúi mặt bước qua bao
xác chết mà đi, bỏ lại sau lưng một trời đổ nát, tan hoang. Sau chinh chiến nào
ai đếm hết bao nỗi mất còn. Nào ai biết có bao nhiêu bà mẹ khóc con không trở
lại sau khi bị bắt đi ở cổng Xa Cam. Phượng ở lại Bình Long theo cuộc chiến dài
hơn hai tháng. Cả nhà sống cận kề những người lính và chia nhau từng ca nước,
bữa ăn. Mẹ và chị em Phượng bình yên trong lúc người cha ra đi sớm trong những
ngày đầu binh lửa. Người mẹ đó một đời ở lại, từ thanh xuân cho tới cuối hoàng
hôn, dường như muốn sưởi ấm người ra đi trong nỗi cô đơn. Chẳng bao lâu, Kim
Phai mồ côi mẹ. 15 tuổi đã học sống đời tự lập.
Người anh
lớn đóng ở Qui Nhơn đã thuyên chuyển về nguyên quán Bình Long vào tháng bảy mùa
hè năm đó. Trở về vùng đất hầu như không còn sự sống. Buồn, anh mở quán cà phê
cho những người lính xa nhà có nơi tìm đến. Đâu ngờ giữa lòng thị trấn hoang
tàn, em còn lại hai người anh trong quân đội. Anh kể có nhiều ngày hai anh em
rủ nhau về ngó lại nhà xưa. Đưa tay sờ lên xác mấy chiếc xe cha để lại, thoáng
niềm hy vọng một mai gia đình cùng trở lại với đoàn người hồi cư lũ lượt. Hai
người ở hai bên vách nhà xưa, thi thể đã trộn chung vào lá mục. Người cậu bà
con và người cha mượn rượu quên đời, mãi mãi ở lại nơi chốn cũ. Khuôn mặt mợ
càng buồn hơn nữa khi gặp lại nhau trong trại tạm cư Gò Đậu. Người thiếu phụ có
giọng hát ru con buồn da diết, vẫn một mình cho đến bây giờ. Những bà mẹ thuở
xưa em hay dõi mắt nhìn theo, rất nhiều người trở lại ba năm sau đó, cho nỗi
đau chồng chất nhiều thêm. Hai đứa em trai của Hồng Vân cùng lúc ra đi trong
khi cày xới mảnh vườn, gầy dựng lại từ đầu. Ngày về thăm, Hồng Vân vẫn một mình
ngược xuôi con đường Sóc Bế- Bình Long, trở thành người chủ vườn đơn độc, nhìn
tuổi xuân theo mây chiều trôi lãng đãng bên đồi. Em gặp lại người mẹ yếu gầy
ngồi võng đong đưa, trong căn nhà cũ mục còn sót lại, lưu dấu bao chứng tích
của mùa hè năm cũ. Chuyến tàu cuộc đời dừng lại mỗi sân ga. Dù bên đó hay bên
này, những bà mẹ nối tiếp một mình, kẻ trước người sau bước xuống trạm cuối
cùng của đời mình. Buồn vui, hạnh phúc, khổ đau…khép lại theo đôi mắt mẹ
Ba mươi bảy
năm như một giấc mơ buồn. Như trang sách cũ nằm yên lâu lâu được mở ra. Mẹ giờ
ngủ say trong tiếng mưa đêm. Mưa tháng Tư chất ngất thành sầu trong nỗi nhớ,
nỗi đau của kẻ tha hương. Ra đi ai cũng nghĩ ngày về, cho đến lúc mẹ không chờ
đợi nỗi cũng đành xa, xa mãi. Hãy nghe với em bài hát đêm nay- đêm cuối tháng
Tư. Anh sẽ hiểu vì đâu em thao thức.
“Mẹ ơi, con muốn về bên mẹ
Chăm sóc cho lành bao vết thương
Mẹ nằm bất động như cỏ cây
Nào hay con mẹ đến bên giường
“Lòng con, dao cắt thành trăm mảnh
Nhìn mẹ hao gầy như xác ve
Ruột tằm mẹ rút cho đàn con
Xác thân xé mỏng một đêm hè”
Những bà mẹ
xưa lần lượt xa đời, còn ở lại hay phiêu bạt tha hương cùng với đàn con, qua
một đời nhiều nước mắt, nhục nhằn. Trong em bây giờ, tất cả cùng gom lại một bà
mẹ đất- Mẹ Việt Nam muôn thuở mà thôi. Vết thương cũ cách gì chăm sóc cho lành.
Mẹ Việt Nam sau ba mươi mấy năm vẫn “nằm bất động như cỏ cây”. Nhắm mắt lại để
không nhìn thấy những đứa con ra biển, ở lại cùng đại dương sâu thẳm. Những đứa
con từ núi rừng về rút ruột tằm, dẫu thân mẹ tựa xác ve, bị xé mỏng vì tham vọng
của đàn con ở lại. Ba mươi bảy năm sau mùa hè cũ, Bình Long vẫn còn thoi thóp
mảnh thân gầy, một phần thân thể hư hao không ai ngó đến, bận tâm. Thêm biển,
thêm rừng cắt xẻ tan hoang. Những đứa con bên này bật tiếng than buồn “Lòng con
dao cắt thành trăm mảnh”. Những đứa con bên kia cúi mặt lặng yên, trong nỗi ám
ảnh chốn lao tù vẫy gọi..
“Đời con khi vắng tình yêu mẹ
Là những sông cạn, hoa héo khô
Cuộc đời nào khác chi mùa đông
Giá băng buốt lạnh cả tâm hồn”.
Thời gian
qua tựa bóng câu. Những đứa con bên này lòng đã mỏi mòn, sau bao năm chia sớt
áo cơm thân mẹ hiền xưa ngày càng tả tơi hơn. Những đứa con bên kia không giống
một nhà. Đứa sống đời tăm tối, nhục nhằn. Đứa tự nguyện bán thân, đời không
biết về đâu. Đứa tự mãn trên cao chót vót, nhìn anh em mình máu chảy lòng dửng
dưng, bởi tình người không còn chỗ cho tham lam, vị kỷ.
Anh yêu dấu.
Hãy nói cho em nghe. Phải đợi chờ bao lâu nữa mùa thương nhớ không còn, chúng
mình cùng nhau về lại để hoa hạnh ngộ cùng yêu thương nở rộ trên phôi pha mong
nhớ?
Quỳnh My
Thursday, April 30, 2009
304Đen –
Llttm - VT
No comments:
Post a Comment