Thử nhìn lại nền giáo dục của đất nước
này từ vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang
Nếu có một ai đó chịu khó ngồi làm
một phép tính về số tiền mà họ đã bỏ ra để đầu tư cho một đứa
nhỏ đi học từ lúc mẫu giáo cho đến lúc tốt nghiệp đại học, thì
không khó để nhận ra rằng đó là một số tiền không nhỏ chút nào. Tôi
biết khá nhiều em học ở trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt mà gia đình
phải chắt chiu từng đồng xu cắc bạc để các em có tiền thuê phòng
trọ, đóng học phí, tiền ăn v.v. Có nhiều gia đình ở Đaklak, Đak Nông
phải bán gà vịt, trâu bò để mấy em có tiền trả những khoản phí
này, có những gia đình chấp nhận ở căn nhà lụp xụp, không vội sửa,
để lấy tiền đầu tư vào việc học của con em mình.
Sự đầu tư nào cũng thế, nó bao hàm,
ấp ủ một niềm hy vọng, một ước mơ nào đó. Đầu tư vào chuyện học
hành cho con cái cũng vậy. Ai cũng muốn đứa trẻ lớn lên thành người,
có công ăn việc làm ổn định, có ích cho xã hội. Sự đầu tư vào bất
cứ lãnh vực nào cũng có yếu tố may rủi dự phần. Và gần như khó
có một sự đầu tư nào mà yếu tố rủi ro lại cao cho bằng đầu tư tiền
của cho con cái đi học vào cái thời buổi này. Sự rủi ro gần như đã
được tiên liệu trước.
Cuộc sống nay đây mai đó của tôi cho
phép tôi quen không biết bao nhiêu đứa trẻ chớm tuổi trưởng thành, có
đứa tốt nghiệp đại học, có đứa tốt nghiệp cao đẳng, chúng phụ việc
trong những quán café, làm thuê, làm mướn cho qua ngày đoạn tháng như
một thứ công việc bất đắc dĩ. Chúng phải làm những công việc mà ai
cũng có thể làm được, không nhất thiết phải đi học, quá lắm chúng
chỉ cần biết viết, biết đọc là được rồi.
Có một lần tôi hỏi một em gái quê ở
Kontum đang phụ việc trong một quán café ở Đà Lạt: “Sao con không xin đi
dạy mà làm việc ở đây?”. Em trả lời: “Không có chuyện xin đâu, chú
ơi! Phải có tiền mới có một chỗ dạy được”. Tôi hỏi: “Có tiền là bao
nhiêu?”. Em than: “Nếu đồng ý dạy trong một cái trường huyện ở sâu
trong núi thì giá khoảng bốn chục triệu. Dạy ở ngay huyện thì giá
khoảng bảy chục triệu. Còn muốn về thành phố thì khoảng hai trăm
triệu”. Nói tắt một lời là phải mua một chỗ dạy, nó đã trở thành
một thứ hàng hóa giống hệt như băng vệ sinh mà phụ nữ mua về để
chuẩn bị cho những ngày có kinh.
Có em tốt nghiệp Đại học Tin học, xin
được việc làm trong một thời gian rất ngắn là bị sa thải vì kiến
thức tin học mà chúng học được ở nhà trường đã bị lỗi thời. Nhiều
sinh viên tỏ ra mịt mờ ngay cả những kiến thức cơ bản nhất có liên
quan đến cuộc sống hàng ngày. Chúng học quá nhiều những thứ vớ vẩn
để rồi không biết gì cả. Hãy giả định rằng, nếu những vụ gian lận
điểm ở Hà Giang, Sơn La không bị phát hiện, thuận buồm, xuôi mái, tất
cả những đứa được nâng điểm đều được vào đại học, thì chúng cũng
chỉ tiếp thu một nền giáo dục đang rệu rã từng ngày, đã bị thời
đại bỏ xa, chúng vẫn chỉ là nạn nhân của một nền giáo dục lỗi
thời, chuộng thành tích, thích hư danh, chúng phải học đi, học lại
một mớ những kiến thức rỗng ruột, nặng từ chương.
Nói một cách khác, có một sự tương
thích lạ lùng giữa cái chuyện gian lận điểm ở Hà Giang, Sơn La với
cái cấu trúc giáo dục thảm hại này. Chúng chỉ là hai mặt của một
vấn đề. Gian lận điểm ở Hà Giang chỉ là một đứa con hoang thai của
một bà mẹ vốn tật nguyền. Thầy và trò không ai có lỗi gì trong
chuyện này, họ chỉ là nạn nhân của một cơ chế giáo dục, con đẻ của
một guồng máy đã quá cũ kỹ, lỗi thời.
Mục đích cuối cùng mà tất cả những
nền giáo dục của loài người đeo đuổi hàng ngàn năm nay đều biểu thị
một cái gì đó gần như là một thứ chân lý phổ quát mà con người
hướng đến, bất kể màu da, phe phái, chủng tộc, ý thức hệ, chủ
thuyết, đó là TỰ DO, CHÂN LÝ VÀ NHÂN TÍNH. Ngay cả khi vì một lý do
nào đó làm khuất lấp cái chân lý này, như cái thời đại mà chúng ta
đang sống chẳng hạn, thì không vì vậy mà chúng ta có thể phủ nhận
cái chân lý giáo dục cao cả, siêu tuyệt này. Nó tìm tới cái vóc
dáng đích thực có đeo mang cái hình bóng con người với cái ý nghĩa
toàn vẹn nhất, trác việt nhất. Còn nền giáo dục của chúng ta, của
dân tộc này đang ở chỗ nào khi mà sự gian lận, dối trá vẫn còn chỗ
tựa lưng?
Tôi biết là mình sẽ còn nhớ mãi
hình ảnh những nhà lụp xụp ở những vùng cao, vẫn âm thầm chờ đợi
những đứa con ra trường, có công ăn việc làm mang tiền về sửa lại
khang trang hơn, và tôi cũng không thể không nghĩ đến khuôn mặt thẫn thờ
của 114 em, con của những gia đình nghèo bị rớt oan vì cái chỗ của
chúng đã bị 114 em khác, có cả con gái của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang
đoạt mất. Sự vô liêm sỉ, trơ tráo đến đây đã là cùng tận, cướp đi cơ
hội của những đứa trẻ phải lội suối, băng rừng trước lúc mặt trời
mọc để kịp đến trường. Ngôn ngữ con người bất lực để có thể mô tả
một cái mẫu người lãnh đạo kiểu này. Sự can thiệp thô bạo của quyền
lực cùng những định hướng của ý thức hệ, chủ thuyết áp đặt quá
sâu vào lãnh vực giáo dục đã làm biến dạng, lệch lạc cái diện mạo
mà lẽ ra giáo dục phải có.
Con người vốn là sản phẩm của giáo
dục. Cứ nhìn cách hành xử, cách suy nghĩ, cách chúng đi, đứng, nằm
ngồi, cách chúng phản ứng trước một sự kiện nào đó là đủ để nhận
ra chúng được nuôi dưỡng từ một nền giáo dục nào. Nền giáo dục hôm
nay đang góp phần làm chai lì mọi cảm xúc, làm tê liệt mọi phản ứng
đúng ra phải có trước những bất công.
Giáo dục là vấn đề của con người.
Vì thế đến lúc nào mà những tay lãnh đạo, kiểu như Bí thư Tỉnh ủy
Hà Giang cùng đám lâu la vẫn còn bị huyễn hoặc với cái quyền lực
rác rưởi của mình, thì tất cả những biện pháp, giải pháp nhằm có
được sự thi cử nghiêm túc chỉ là chuyện trẻ con.
Đà
Lạt, 22-7-2018
Lê Công Tư
304Đen
– Llttm - VV
No comments:
Post a Comment