Sunday, August 12, 2018

Những Trang Viết Cũ Về Những Ngày Cuối Tháng 4. 1975 - Đổ Duy Ngọc


Những trang viết cũ về những ngày cuối tháng 4.1975

6-8-2018

Bỗng dưng tìm được những trang viết này trong một cuốn sổ. Cuốn sổ bị bỏ quên im lìm trong một góc tủ mấy chục năm. Tui cũng không còn nhớ mình đã viết những trang viết này. Những hàng chữ vội vã ghi chép lại những ngày cuối cùng của Sài Gòn. Đăng lại ở đây để nhớ về những giây phút chót của miền Nam, của một Sài Gòn đã mất tên.


 

NHỮNG NGÀY CUỐI THÁNG 4.1975

Đó là những ngày cuối cùng. Cuối cùng của một nhà nước, một chế độ, một quốc gia. Lúc đấy hắn chưa nghĩ được điều đó. Hắn chỉ nghĩ tụi Việt cộng này đánh rát quá. Đánh tới tận Long Khánh rồi. Hắn thấy có người ra đi. Đã có một vài nhà bỏ trống. Có tiếng súng ậm ì lác đác. Hắn chẳng biết làm gì. Loanh quanh. Hàng ngày hắn không đến trạm xe chờ chở đến nơi làm việc nữa. Hắn bỏ việc. Hắn thấy trống rỗng và không biết ngày mai sẽ như thế nào nữa. Hắn chẳng biết tin tức gì của gia đình ở Đà Nẵng. Không biết gia đình hắn có xuống tàu đi vô Nam không? Anh em hắn đông quá, đi kiểu ấy làm gì cũng có kẻ thất lạc. Mấy năm rồi hắn không viết thư về nhà. Hắn là thằng con đi hoang. Bỗng dưng hắn lại nhớ nhà.

Buổi chiều xuống chậm, trời oi bức chờ mưa. Cả thành phố ngơ ngác làm sao ấy. Hắn nhớ đến số tiền gởi ngân hàng. Người người xếp hàng rút tiền. Hắn cũng xếp hàng nhưng rồi không đủ kiên nhẫn đợi. Đi về. Những chuyến xe vội vã, những căn nhà vắng chủ. Đã qua ngày 26. Hắn vẫn chưa nghĩ ra được gì, đầu óc trống rỗng. Có khi lại hỗn loạn mù mịt. Hay là kiếm mối nào di tản một chuyến. Đi chơi thôi. Hắn thèm đi chơi đâu đó. Quanh đi quẩn lại chẳng ai quen. Hắn nhớ lời của một thằng bạn, nó bảo nghe đài khi có bản nhạc Tuyết rơi giữa mùa hè thì đến chỗ này, chỗ nọ để trực thăng đón đi. Hắn muốn qua Chợ Lớn gặp ông anh. Không biết ông anh có đi không? Làm nghề luật sư lại là sếp của một cơ quan dân vận, chắc có mối bay rồi. Nhưng thôi, phận ai nấy lo, hắn qua nhiều khi lại thêm phiền người khác.

Vẫn cơm chợ Trương Minh Giảng. Ngày hai bữa. Lê la quán vỉa hè. Bạn bè đi đâu mất hết. Tình hình có vẻ căng. Nghe nói Việt cộng đã về đến Biên Hoà. Rồi sao nữa ta? Kệ mẹ, đến đâu hay đó. Sáng định mua tờ báo xem tin tức thế nào, nhưng rồi không mua. Biết cũng thế mà không biết cũng vậy. Làm được chi. Có nước đâu cho cá vẫy. Nghe đồn ông Thiệu bay đi rồi. Nghe nói ông Hương lên. Ai lên ai xuống thì cũng vậy. Biết chi cho mệt. Hoá ra không như hắn nghĩ, mỗi nhân vật có ảnh hưởng đến vận nước khác nhau. Người ta bảo có tay pilot nào đó cướp máy bay quay lại thả bom Dinh Độc lập và phi trường Tân Sơn Nhứt. Hắn vẫn chưa rút được tiền nhưng ngân hàng đã đóng cửa. Bỏ mẹ, kiểu này dám mất tiền sao? Một gia tài chứ ít chi. Rồi làm sao tiếp tục sống đây. Bây giờ hắn mới ý thức nguy cơ khi trắng tay.

Chiều hôm trước hắn đã lên xe như một tình cờ ở một cơ quan của Mỹ góc Hiền Vương, Trương Minh Giảng. Một gia đình lếch thếch đi vào đấy vừa lúc hắn đi tới, một thằng bé rời tay mẹ, loạng quạng ngã, hắn dắt cậu bé theo đoàn vào và nghiễm nhiên trở thành người trong toán di tản. Xe chạy về hướng phi trường, nhưng bị quân cảnh chặn xét ở cổng xe lửa số 6 Trương Minh Ký, lệnh Tổng thống mới là không cho thanh niên ra đi. Hắn xuống và đi ngược đường xe chạy. Ghé tiệm cơm, ngồi nghĩ lung tung. Hắn liên tưởng đến cánh bèo giạt, hắn đang giạt như bèo.

Chiều 29 lúc đang đứng hút thuốc trước sân thì thấy chủ nhà hấp tấp ra đi. Cả một đoàn con cháu. Nhà có con là sĩ quan hải quân, tàu đang đợi ở cảng. Hắn dịnh đi theo. Cả chiếc tàu thêm một người thì có làm sao. Bà cụ bảo ối giời ơi, một lần đi tàu há mồm vào đây, bây giờ lại xuống tàu đi nữa. Khổ thế! Rõ là giời đày. Chúa cứu giúp chúng con. Lên đến cầu Trương Minh Giảng thì hắn dừng lại, bỏ đoàn quẹo qua đường. Hắn thấy mình ăn theo vô duyên. Trời chực mưa. Có tiếng nổ lớn hướng Bà Quẹo hay ngã tư Bảy Hiền. Có cột khói đen ở phía đó cuồn cuộn lên. Hắn vào quán kêu một ly bạc xỉu đá, đốt một điếu thuốc và tự nghĩ mình bỏ cuộc vậy đúng không? Cô chủ quán nói trong trỏng: Nghe tụi nó nói mấy cha Việt cộng vô rút hết móng tay sơn màu xanh đỏ, mấy hổm rày kiếm cái cắt móng tay mà không biết để đâu, tìm hoài không thấy. Có tiếng cười hề hề: Kiếm cái kềm tui cắt cho.. Bà lo lấy chồng đi chứ Việt cộng vô là bắt lấy lính của họ đó nghe, lấy Bắc kỳ là mạt phận rồi…Hắn lại nghe mà chẳng nghĩ gì, hắn cũng chẳng thèm nghĩ rồi thân phận hắn ra sao nữa. Nhà thuê, chủ nhà đi rồi, trước mắt tháng này khỏi trả tiền nhà là vui rồi. Một đoàn xe lính chạy ngang, những cây súng vươn ra, đoàn xe vội vã chẳng biết đi đâu. Không khí như đông cứng lại. Hắn chợt nhớ nhà bên cạnh có hai cô bé dễ thương hình như cũng đi hôm qua rồi. Cửa nhà đóng im ỉm.

Hắn ra cảng Sài Gòn, thuyền bè, tàu lớn tàu nhỏ lung tung, người ta ra đi vội vã, chen lấn nhau. Hắn lại về. Hắn leo lên một chiếc xe đạp trong đống ngổn ngang xe cộ. Đạp như một kẻ an nhàn. Ngang Trần Quý Cáp, hắn chợt nhớ đây cũng là một địa điểm đón người. Hắn tạt vào, hoà lẫn với dòng người đang lúc nhúc ở đó. Chẳng ai hỏi giấy tờ, kiểm soát gì. Ai cũng dáo dác, mặt ai cũng thẫn thờ. Kệ mẹ. Đã bảo là bèo giạt thì cứ để cho nó giạt. Lại chất lên xe, chở qua tòa nhà cao ở Lê Văn Duyệt. Chở đó suốt đêm. Trực thăng lên xuống trên bầu trời, súng lác đác nổ. Mờ sáng thì tan hàng. Hắn lầm lũi đi về. Phố vắng. Giấy tờ bay trắng đường. Nhiều công sở bị phá tan tành và đầy người hôi của. Hắn đi trong phố giấy bay ngập dưới chân hắn cũng không nghĩ gì. Bèo chưa trôi thì đứng lại.

Ở bên kia dãy nhà trước hẻm 220, cả một toán nhảy dù án ngữ, súng lăm le ở mấy cửa sổ. Hắn lo cho mái tóc dài chấm vai của hắn, hắn nhờ bạn cắt ngắn bớt. Hẻm lao xao. Trời vẫn không nắng nổi. Thằng bạn hải quân thắng chiếc xe Jeep cái két trước cửa: Giờ này còn ngồi đây. Đi. Thì đi. Chạy ra Bason ở Cường Để, tàu vừa nhổ neo. Chiếc tàu hàng đầy chặt người lừ đừ trôi. Vẫn còn người bám dây leo lên. Lại về.

Đến dốc cầu Trương Minh Giảng đã thấy xuất hiện đám cầm súng mang băng đỏ. Thất thểu xuống xe. Chiếc xe bị trưng dụng ngay. Hai tiếng đồng hồ sau, có lệnh buông súng đầu hàng. Đầu ngõ có nhiều người khóc. Những người lính cởi áo quần, ở trần giữa phố. Đường đầy quân trang. Bên trụ đèn, một bà già lặng lẽ đứng khóc, người lính cũng quẹt nước mắt. Có tiếng người rú kên: Trời ơi!!!

Thỉnh thoảng vẫn những tràng súng nổ và tiếng pháo đì đùng. Rồi đoàn quân với xe tăng tiến vào. Tiếng xích sắt nghiến mặt đường. Hắn thấy tê tái. Hắn nhận thức Sài Gòn đã mất. Và số tiền trong ngân hàng của hắn cũng chẳng còn. Hắn đứng ở đầu dốc hẻm 220 và cũng khóc. Hắn thấy tiếc.

Tháng 4.1975

Đổ Duy Ngọc

6-8-2018

304Đen – Llttm - TD

No comments: