Saturday, August 31, 2019

Hoa Hồng Nở Muộn - Nguyễn Hồng Vân



HOA HỒNG NỞ MUỘN
 
 
 
 

Tôi im lặng nhưng lờ mờ hiểu, từ nay tôi sẽ chẳng còn dịp được ép mặt vào tấm lưng nóng ấm mỗi khi được ba cõng; không còn cảnh tôi nhõng nhẽo với ba và những đêm ba thức trắng canh chừng khi tôi bệnh. Giờ, chỉ có tiếng thạch sùng vọng suốt canh thâu.

Còn lại một mình, mẹ phải gò lưng trên máy may nhiều giờ hơn để kịp hẹn giao đồ cho khách, cho tôi đóng học phí, cho tôi chiếc áo dài, cho tôi ngày mai đàng hoàng bước vào cổng trường đại học. Có những khuya tỉnh giấc, tôi thấy mẹ còn cặm cụi ngồi may, tiếng đạp máy rè rè; ngoài kia, tiếng vạc sành kêu hiu hắt, buồn như muốn vỡ lồng ngực...

Ba đi theo người đàn bà ấy vì bà đang mang trong bụng đứa con trai mà ba hằng mong mỏi, bởi mẹ đã không còn khả năng sinh nở sau căn bệnh tai biến bất ngờ. Lúc đó ba mất việc, hàng ngày thường ra quán cà-phê đầu ngõ ngồi buồn. Cô chủ quán ngỏ lời hỏi han, an ủi khiến ba ngã lòng và dần xa cách gia đình khi cô chủ báo tin về cái bào thai ba tháng. Đến khi biết đó là con trai, ba mừng vui phấn khởi, về chia tay mẹ êm ái rồi ra đi không một lần ngoái lại. Mẹ giận hờn, tủi thân nhưng đành gạt nước mắt mà đau. Đứa con gái ngoan ngoãn là tôi không thể giữ được chân cha.

Sau này, tôi biết thêm nhiều đêm chờ con ngủ say, mẹ một mình khóc thương cho phận mình bạc phước. Nhưng nén chặt trong lòng bao uất ức, mẹ không muốn con buồn lòng mà sa sút việc học hành. Nỗi hờn ghen đàn bà gặm nhấm thanh xuân, nên trông mẹ già hơn tuổi. Vết chân chim trên khóe mắt mẹ như hằn sâu thêm nỗi giận ba trong lòng tôi, tôi quyết tâm học thật giỏi để có thể chăm sóc mẹ sau này và chứng tỏ cho ba thấy “con gái không hề vô dụng, con gái cũng làm được những chuyện mà con trai có thể làm”.

Mẹ hy sinh tuổi xuân cho con gái, dồn hết tình thương vào tôi. Cũng có vài người đàn ông muốn gá nghĩa, nhưng mẹ từ chối hết.

Tôi quyết tâm thi vào Đại học Y, vì thấy sức khỏe của mẹ sau bao năm lao lực đã giảm sút rất nhiều, mỗi khi trái gió trở trời là mẹ than đau lưng, nhức mỏi vai gáy. Ngồi may lâu ngày, cột sống của mẹ bị thoái hóa, lại vò võ canh thâu nên mẹ gầy ốm hẳn. Mẹ là thợ may nhưng lại không dám may áo mới cho mình. Mẹ hay nói dối “ăn rồi” khi mâm cơm dọn lên chỉ có khúc cá hay miếng thịt nhỏ, bởi mẹ xót con đang dần thành thiếu nữ mà cơ thể không phổng phao bằng chúng bạn, làn da xanh xao vì tàn dư của sự suy dinh dưỡng dạng thấp còi khi còn bé.

Những khi ấy, ba còn mải mê nâng niu, bồng bế con trai cưng của ba. Ba làm ngựa nhong nhong cho con trai leo lên cưỡi cười khanh khách. Ba lo từng ly sữa, từng chén cơm cho con trai để con cao lớn, thông minh.

Lâu lâu ba cũng có ghé qua nhà nhìn tôi một chút rồi đi. Tôi không biết ba nói với mẹ những gì, vì tôi ghét ba nên hay tìm cớ lảng tránh qua chơi nhà bạn. Những lần đó, tôi thấy mẹ có thêm chút sinh khí sau bao ngày lặng lẽ.

Mẹ vẫn mòn mỏi chờ đợi ba hồi tâm quay về. Ngày tháng vô tình trút lên tóc mẹ màu mây trắng mông lung. Ba như lãng khách phiêu du theo những chuyến đi vô định, theo nỗi lo cơm áo gạo tiền oằn trên vai áo sờn phai.

Nghe đâu, người đàn bà ấy đã bỏ ba khi em trai lên năm tuổi vì một người đàn ông khác giàu hơn. Ba ngậm ngùi gửi em về bên ngoại. Em lớn lên không có sự dạy dỗ của ba và tình thương của mẹ nên thành một đứa con trai ngổ ngáo, bất cần đời. Ba vì mải mê cuộc sống mưu sinh và những cuộc tình phù phiếm nên cũng dần xao lãng em, nhất là khi em đến tuổi dậy thì với biết bao khó khăn tâm sinh lý, trong khi bà ngoại đã già không thể hiểu hết tâm tư của đứa cháu trai mới lớn, cậu dì thì ai cũng có gia đình với những nỗi lo riêng.

May sao tôi còn có mẹ nên không mấy ngỡ ngàng, hoảng hốt khi thấy cơ thể mình thay đổi vào cái ngày tôi trở thành thiếu nữ. Trên mỗi bước đường đời, tôi luôn có một “người bạn lớn” là mẹ thấu hiểu, cận kề và chỉ dạy mọi điều. “Mẹ ơi! Con yêu mẹ” - dẫu tôi có thốt lên vạn lời cảm ơn hay ngàn câu yêu thương như thế cũng không thể diễn tả hết nỗi lòng tôi dành cho mẹ. Yêu thương như thanh âm lặng lẽ lan tỏa vào tận từng tế bào, như mạch nước ngầm cuộn chảy vào những ngóc ngách vi tế, sâu thẳm nhất tâm hồn - hạnh phúc mỗi ngày đang lớn dần lên trong con.

Sau khi ra trường, tôi được nhận vào làm tại một bệnh viện lớn của thành phố nhờ kết quả tốt nghiệp loại giỏi và nhờ có sự nâng đỡ của anh - người bác sĩ tận tâm dìu dắt tôi khi tôi xin vào thực tập trong bệnh viện. Anh là một bác sĩ rất giỏi về chuyên môn và hết lòng vì bệnh nhân, mải học tập và làm việc nên dù đã hơn ba mươi tuổi vẫn chưa lập gia đình. Nhưng không phải vì thế mà tôi yêu anh, nếu không có lần chứng kiến cảnh anh đưa người bệnh vào cấp cứu. Trong cơn mưa chiều, anh vừa từ bệnh viện ra về, vậy mà khoảng ba mươi phút sau lại thấy anh bế xốc đứa bé còm cõi trên tay lao nhanh vào phòng, thăm khám và hô hấp cho em mau lấy lại nhịp tim, tiếc là số phận không may do vết thương quá nặng nên em đã qua đời. Anh bất lực vò đầu trong im lặng.

Sau đó tôi nghe anh kể lại: trên đường về nhà, trời bỗng đổ mưa to nên anh trú tạm ở một mái hiên, vô tình chứng kiến em bé bán vé số bị tai nạn khi băng qua đường nên chạy ra tiếp cứu. Hai cha con người bán vé số từ Quảng Bình lặn lội vào Sài Gòn mưu sinh, khi gặp nạn không có nổi một trăm ngàn về quê nên anh đã bỏ tiền thuê xe chở cả thi hài em bé và người cha khốn khổ về tận nhà. “Xót xa lắm em, khi mình bất lực chứng kiến cảnh khổ của người khác. Ba thằng bé cứ cố quỳ xuống lạy tạ ơn. Anh càng thấy mình phải cố hơn nữa trong chuyên môn vì những mảnh đời nhỏ nhoi cần giúp đỡ”.

Cảm phục anh, tôi dần yêu anh lúc nào không hay, yêu trong sự ngưỡng mộ và tôn thờ, yêu một tấm lòng nhân hậu. Khi đã thành vợ chồng rồi, tôi hỏi: “Sao anh lại chọn em khi em nhỏ bé và không có gì nổi bật?”. Anh búng mũi tôi, nhẹ nhàng trả lời: “Vì cô thực tập sinh nhỏ nhắn đã không ngần ngại máu thấm ướt hết cả áo khi cùng anh cấp cứu cho cậu nhỏ bán vé số ngày xưa”. Tôi dụi đầu vào anh hạnh phúc, vòng tay ấm áp này sẽ mãi mãi che chở cho tôi trước phong ba bão táp cuộc đời.

Mẹ tôi đã không còn là thợ may mấy năm rồi. Mắt mẹ mờ và tay không còn khéo léo như trước nữa. Mẹ vui tuổi già bên hai đứa cháu trai ngày ngày quấn quýt đòi bà kể chuyện, pha sữa và gãi lưng cho cháu ngủ.

Còn ba tôi, một lần lên cơn tai biến và bị té ngoài đường, người ta đưa ba vào viện cấp cứu. Lục trong túi thấy địa chỉ và số điện thoại của mẹ nên bệnh viện gọi về, mẹ tức tốc vào viện chăm sóc. Sau cả tháng dài điều trị, ba xuất viện về với ngôi nhà cũ của mình. Mẹ vốn bận rộn vì hai đứa cháu, nay lại phải chăm thêm ba nên công việc cứ xoay tít cả ngày.

Mẹ nói: “Thôi con ạ, hết tình thì còn nghĩa. Giờ ba trở về rồi, con đừng giận ba nữa, tội nghiệp cho ổng. Tha thứ cho người cũng chính là tha thứ cho chính mình đó con. Dù sao cũng là ba của con, dòng máu trong con là nhờ ba truyền cho, dù không dưỡng nhưng công sinh cũng cao như trời bể. Mẹ đã không giận thì con cũng nên cởi bỏ cho nhẹ lòng nghen con”.

Mẹ tôi đó, vẫn bao dung như lòng mẹ thủy chung dù bao nhiêu bạc bẽo mà đời dành cho mẹ. Tôi đã có tình mẹ vô bờ bến và tình yêu chân thành của chồng, sự ngoan ngoãn của các con, nên sự giận hờn nông nổi ngày xưa cũng dần tan biến. Ba ơi, ba vẫn là người cha ngày nào thức hát ru con trong đêm dài thinh vắng!

Tôi thấy mình thật hạnh phúc khi mùa Vu lan này được trân trọng cài lên ngực mình bông hồng đỏ thắm - tình thương vô bờ bến của mẹ cha phủ kín tâm hồn.

Nguyễn Hồng Vân 

Người chuyển bài – HHM - USA

Giàn Khoan Nô Dịch - Phan Huy


Giàn Khoan Nô Dịch

 
 
 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Mũi khoan giặc đâm vào lòng dân tộc
Nỗi uất hờn chua xót bốn nghìn năm
Kẻ đại thù truyền kiếp quá vô nhân.
Đeo đẳng mãi trên thân gầy mẹ Việt.

Từ ngàn xưa cha ông ta từng viết:
“Hỡi cháu con hãy cảnh giác từng giây
Giặc bắc phương vẫn rình rập đêm ngày
Cái tham vọng xâm lăng phường đại Hán.”

Bất hạnh thay! Tên tặc Hồ khốn nạn
Đã xung phong tình nguyện rước sài lang
Xây cơ đồ cho cái đảng “vinh quang”
Trên độc lập và chủ quyền đất nước.

Tổ quốc hôm nay đau buồn bạc phước
Đảng cầm quyền là một lũ tay sai
Dân tộc đang chìm đắm giấc ngủ ngày
Hoạ mất nước cận kề trong gang tấc.

Tiếng giàn khoan có làm dân tỉnh giấc?
Hay bùa mê Các mác hãy còn say?
Mặc quê nhà rên siết phận bi ai
Và tổ quốc trong tủi hờn bắc thuộc.

Một dân tộc thờ ơ cùng vận nước
Một giống nòi vô cảm với tương lai
Thì chắc chắn là mồi ngon xâm lược
Và đời đời ô nhục kiếp tay sai!

Phan Huy


Nhạc Sĩ Trúc Phương - Nguyễn Trung



Nhạc sỹ Trúc Phương – Người tài nhưng số phận bi đát
 
 
 
 
 

Phải nhìn nhận một điều là, hầu như các bài hát của ông có một sức thu hút mãnh liệt trong suốt hơn bốn chục năm qua và mãi cho đến ngày hôm nay ở bất cứ nơi nào có người Việt Nam đang sinh sống.Tài năng của ông thì vô cùng nổi trội, có thể nói là đạt đến đỉnh cao của nền âm nhạc mang âm hưởng miền Nam. Nhưng đời sống của ông thì lại trải qua quá nhiều bất hạnh và đau thương, khốn khổ cho đến tận những giờ phút cuối cùng.

Nhạc sĩ Trúc Phương tên thật là Nguyễn Thiện Lộc. Ông sanh năm 1939 tại xã Mỹ Hoà, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh (Vĩnh Bình) ở vùng hạ lưu sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam. Cha ông là một nhà giáo sống thầm lặng và nghiêm khắc. Nhưng tâm hồn của chàng trai Thiện Lộc thì rất lãng mạn, yêu thích văn nghệ nên đã tự học nhạc, và bắt đầu sáng tác những bài hát đầu tiên lúc vừa 15 tuổi. Xung quanh nhà ông có trồng rất nhiều tre trúc, nên từ nhỏ ông đã yêu mến những âm thanh kẽo kẹt của tiếng tre va chạm với nhau và sau này đã chọn tên là Trúc Phương để nhớ về thời thơ ấu của ông với những cây tre trúc. Cuối thập niên 1950, ông sinh hoạt văn nghệ với các nghệ sĩ ở ty Thông Tin tỉnh Vĩnh Bình một thời gian ngắn, rồi lên Sài Gòn dạy nhạc và bắt đầu viết nhạc nhiều hơn. Bài hát “Chiều Làng Quê” được ông sáng tác vào thời gian này để nhớ về khung cảnh thanh bình ở làng xóm của ông ,một bài khác cũng rất nổi tiếng với giai điệu trong sáng, vui tươi là “Tình Thắm Duyên Quê”.

Không tiền bạc và không một ai thân quen ở đô thành Sài Gòn, ban đầu Trúc Phương ở trọ trong nhà một gia đình giàu có bên Gia Định và dạy nhạc cho cô con gái của chủ nhà. Không bao lâu sau thì cô gái này đã yêu chàng nhạc sĩ nghèo tạm trú trong nhà, vì con tim cô ta đã dần dần rung động trước tài năng của Trúc Phương. Biết được chuyện này, ba mẹ của cô gái bèn đuổi Trúc Phương đi nơi khác. Sau chuyện tình ngang trái này, Trúc Phương càng tự học thêm về âm nhạc và càng sáng tác hăng hơn. Nhưng những bài hát sau này lại nghiêng về chủ đề tình yêu đôi lứa với những nghịch cảnh chia lià.

Trúc Phương sáng tác rất dễ dàng, nhưng với bản tính trầm lặng, bi quan và khép kín sau những cuộc tình dang dở, những bài hát sau này của ông thường mang âm điệu u buồn, thê lương như phảng phất nỗi sầu của cổ nhạc miền Nam. Nổi tiếng nhất là “Nửa Đêm Ngoài Phố” với tiếng hát liêu trai Thanh Thúy. Sau đó là “Buồn Trong Kỷ Niệm” với những câu hát đớn đau, buốt nhói tim gan người nghe như “Đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn. Đôi khi nhầm lẫn đánh mất ân tình cũ, có đau chỉ thế, tiếc thương chỉ thế. Khi hai mơ ước không chung lối về …”. Có người cho là bài hát này ông đã viết ra sau khi bị thất tình một cô ca sĩ lừng danh thời đó.

Nhạc của Trúc Phương có một giai điệu rất đặc biệt của riêng ông, mà khó lầm lẫn với người khác được. Nhạc của ông có âm hưởng cổ nhạc miền nam, nó có vẻ trầm buồn, ray rứt, ưu tư trước thời cuộc dạo đó (là chiến tranh triền miên) và buồn phiền vì những mối tình dang dở, trái ngang. Nên khi soạn hòa âm cho những bài hát của Trúc Phương, nhạc sĩ hòa âm phải sử dụng ít nhất là một trong vài loại nhạc khí cổ truyền của miền Nam như đàn bầu, đàn tranh, hay đàn cò (hoặc violon) thì mới có thể diễn tả hết cái hay của dòng nhạc Trúc Phương và người nghe lại càng thấm thía với nỗi muộn phiền, nhức nhối tim gan của ông sau này.

Điều trớ trêu là tuy tên tuổi và tài năng sáng chói, nổi bật so với những người viết nhạc thời bấy giờ, nhưng tình duyên của nhạc sĩ Trúc Phương thì vô cùng lận đận. Khoảng năm 1970, Trúc Phương được một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp, cao sang đài các đem lòng yêu thương ông, do sự rung cảm truyền đạt từ tài năng và những tác phẩm tuyệt vời của ông. Kết cuộc là cả hai đã nên duyên chồng vợ. Tuy sống trong cảnh nghèo nàn, nhưng đời sống của họ rất là nghệ sĩ. Đó là những năm tháng hạnh phúc nhất trong cuộc đời của Trúc Phương và sức sáng tạo nghệ thuật của ông càng sung mãn hơn bao giờ hết với hàng chục bài hát ra đời mỗi năm. Nhưng niềm vui của đôi uyên ương này lại không kéo dài được lâu bền. Bởi vì sau một thời gian chung sống với nhau, những tình cảm ban đầu trở nên phai lạt dần theo năm tháng và hai người đã lặng lẽ chia tay nhau. Câu hát ngày nào lại rơi đúng vào trường hợp này “khi hai mơ ước đã không cùng chung hướng về” và “đường vào tình yêu có trăm lần vui, nhưng có vạn lần buồn”. Giờ thì nhạc sĩ Trúc Phương âm thầm đau khổ trong cô đơn và lại vùi đầu vào men rượu để sáng tác thêm nhiều bài hát trong nỗi đau thương cùng cực, pha chút chán chường cho nhân tình thế thái.

Bạn bè thường gặp ông ngồi yên lặng bên những ly rượu nơi một quán nhỏ ở đường Tô Hiến Thành, quận 10, gần nhà của ông. Có lẽ đó là một cách làm cho nhạc sĩ tạm quên đi những cay đắng của tình đời. Đó cũng chính là lúc bài hát “Thói Đời” được sáng tác với những câu như “Bạn quên ta, tình cũng quên ta, nên chung thân ta giận cuộc đời, soi bóng mình bằng gương vỡ nát, nghe xót xa ngùi lên tròng mắt”… và “Người yêu ta rồi cũng xa ta… “Cỏ ưu tư” buồn phiền lên xám môi …”. Thực ra phải nói là “cỏ tương tư” tức “tương tư thảo” là tên gọi văn hoa của thuốc lá. Khi những người đang yêu nhau, nhớ nhau, hẹn hò nhau thì châm điếu thuốc thả khói mơ màng, nhìn rất thơ mộng và nghệ sĩ (ngó trên tay thuốc lá cháy lụi dần, anh nói khẽ gớm sao mà nhớ thế – Hồ Dzếnh). Nhưng đối với Trúc Phương trong “Thói Đời” thì điếu thuốc lá “cỏ tương tư” lại biến thành ra “cỏ ưu tư” làm cho đôi môi trở nên màu xám xịt qua những nỗi đau thương, nhung nhớ ngập tràn. Những giọt rượu nồng của cõi “trần ai” này lại càng gợi thêm “niềm cay đắng” để cho nỗi ưu tư “in đậm đường trần” và ông đã than thở “mình còn ai đâu để vui khi trót sa vũng lầy nhân thế ”.

Bài hát “Thói Ðời” đã gây xúc động cho hàng triệu con tim cùng chung số phận nghiệt ngã của cuộc đời. Với riêng bản thân Trúc Phương thì “Thói Đời” lại như là một lời tiên tri thật chính xác cho quãng đời còn lại của ông suốt gần 25 năm sau đó (1971-1995).

Sau năm 1975 thì sự nghiệp sáng tác nhạc của ông dừng lại, tất cả những ca khúc của ông đều bị cấm phổ biến và trình diễn… Không có nghề nghiệp gì trong tay, ông làm đủ mọi việc để sinh sống. Với hai bàn tay trắng, ông trở về quê cũ sống nhờ vả bạn bè, mỗi nơi một thời gian ngắn. Có người hỏi sao ông không về quê ở hẳn với thân nhân, Trúc Phương đã trả lời “Má của tôi thì già yếu đang ở dưới quê Cầu Ngang (Trà Vinh), nhưng bà nghèo quá, lại phải nuôi đám cháu nheo nhóc, không đủ ăn… nên tôi không thể về đó để làm khổ cho bà thêm nữa.”

Ở dưới tỉnh nhà Trà Vinh với bạn bè xưa cũ một thời gian, Trúc Phương lại tìm đường về Sài Gòn. Ban ngày ông làm thuê, làm mướn đủ mọi thứ nghề và lang thang khắp nơi.

Ông có tâm sự lại vài lời xót xa, nghẹn ngào, xúc động trên một đoạn video clip ngắn ngủi về đời sống của chính bản thân ông lúc đó như sau:

“Sau cái biến cố cuộc đời, tôi sống cái kiểu rày đây mai đó,”bèo dạt hoa trôi”… Nếu mà nói đói thì cũng không đói ngày nào, nhưng mà no thì chẳng có ngày nào gọi là no… Tôi không có cái mái nhà, vợ con thì cũng tan nát rồi, tôi sống nhà bạn bè, nhưng mà khổ nỗi hoàn cảnh họ cũng bi đát, cũng khổ, chứ không ai đùm bọc ai được… đến nữa lúc đó thì vấn đề an ninh có khe khắt, lúc đó thì bạn bè tôi không ai dám “chứa” tôi trong nhà cả, vì tôi không có giấy tờ tùy thân, cũng chẳng có thứ gì trong người cả. Tôi nghĩ ra được một cách… là tìm nơi nào mà có khách vãng lai rồi mình chui vào đó ngủ với họ để tránh bị kiểm tra giấy tờ… Ban ngày thì lê la thành phố, đêm thì phải ra xa cảng thuê một chiếc chiếu, một chiếc chiếu lúc bấy giờ là một đồng… thế rồi ngủ cho tới sáng rồi xếp chiếc chiếu trả người ta… thế là mình lấy một đồng về… như là tiền thế chân… Một năm như vậy, tôi ngủ ở xa cảng hết 9 tháng… Mà nói anh thương… khổ lắm… Hôm nào mà có tiền để đi xe lam mà ra sớm khoảng chừng năm giờ có mặt ngoài đó thế rồi thuê được chiếc chiếu trải được cái chỗ lịch sự chút tương đối vệ sinh một tí mà hôm nào ra trễ thì họ chiếm hết rồi, những chỗ sạch vệ sinh họ chiếm hết rồi, tôi đành phải trải chiếu gần chỗ “thằng cha đi tiểu vỉa hè”, thế rồi cũng phải nằm thôi. Tôi sống có thể nói là những ngày bi đát… mà lẽ ra tôi nên buồn cho cái hoàn cảnh như thế nhưng tôi không bao giờ buồn… Tôi nghĩ mà thôi, còn sống cho tới bây giờ và đó cũng là một cái chất liệu để tôi viết bài sau này.

Có thể nói rằng một điều là suốt mấy chục năm trời và cho đến hôm nay đã có rất nhiều ca sĩ, trung tâm băng nhạc, hãng đĩa đã thu âm, hát lại nhạc của ông, nhưng chắc chắn là ít có người đã biết tin ông âm thầm từ giã cõi đời trong cảnh nghèo nàn, bi đát và cô đơn trong căn phòng trọ tồi tàn, nhỏ hẹp ở quận 11, Sài Gòn vào ngày 18 tháng 9 năm 1995, tài sản của ông có được lúc đó chỉ là một đôi dép.

Nhạc Trúc Phương, bên cạnh những bản viết về quê hương, còn ghi lại biết bao cuộc tình lãng mạn ướt át nồng nàn. “Nửa đêm ngoài phố” lang thang, tình cờ làm quen một người con gái lạ, rồi để lòng vương vấn mãi: “Buồn vào hồn không tên, thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời. Ðường phố vắng đêm nao quen một người..” hoặc “Trở lại chuyện hai chúng mình. Khi em với anh…” làm quen, hẹn hò cùng nhau đi tới mòn lối, khiến nó trở thành “Con đường mang tên em”. Cũng có những lúc cô đơn, rút về nhốt mình nơi nhà trọ, nhưng Ðêm gác trọ chỉ nói lên nỗi buồn bâng quơ có vương chút phấn chấn nhờ thể điệu Tango, mà Trúc Phương ít khi dùng trong hầu hết các nhạc phẩm của mình. Rồi có lúc người yêu xưa tìm đến, cùng nhau ôn chuyện cũ, nhắc lại Chuyện ngày xưa, được ghi lại như sau: “Hôm nào em đến thăm, mà quên mang tiếng cười, lặng yên không nói. Hai mươi tuổi đời qua mất rồi… (ÐK): Thôi em nhé, xin trả về niềm cô đơn trước, cho anh bước xuôi ngược, khi hai chúng mình, vòng tay trót buông xuôi, dù gặp nhau ta cúi mặt bước mà đi”.

Tâm hồn Trúc Phương như luôn vương vấn điều gì u uất cho nên hầu hết nhạc ông lúc nào cũng có âm điệu buồn buồn. Ta thử ca lại vài bài nhạc tình khác, như Buồn trong kỷ niệm: “Ðường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn. Ðôi khi nhầm lỡ đánh mất ân tình cũ… (đoạn kế) Mình vào đời nhau lúc môi còn non, tuổi mộng vừa tròn. Hương thơm làn tóc, nước mắt chưa lần khóc. Ðến nay thì đã, đắng cay nhiều quá. Thơ ngây đi mất trong bước buồn giờ mới hay..” Dường như hình ảnh người tình trong nhạc Trúc Phương không phải là của một người, nhưng tất cả đã xa. “Ai cho tôi tình yêu, của ngày thơ ngày mộng. Tôi xin dâng vòng tay mở rộng, để đón người đi vào tim tôi bằng môi trên bờ môi…”. Thế nhưng không biết đã yêu thương được bao lâu thì Trúc Phương lại “Xin giã biệt bạn lòng ơi, trao trả môi người cười. Vì hai lối mộng hai hướng trông. Mình yêu nhau chưa trót. Thì chớ mang nỗi buồn theo bước đời. Cho dù chưa lần nói… thì đành xa nhau. Ðể chốn nao với chiều mưa gió lộng. Ta dừng vui bến mộng… Bao lần đi, gối mỏi chân mòn. Tâm tư nặng vai gánh, đường trần cho đến nay, chỉ còn, bờ mi khép kín. Giấc ngủ nào tìm quên? Giấc ngủ nào gọi tên?.” Ðôi khi ông có chút cay đắng cho Thói đời, vì Người yêu ta rồi cũng xa ta nhưng không oán trách người mà chỉ than thân một mình. Những Chiều cuối tuần đã xa: “Hôm nao tôi lên đường phố cũ, chiều xưa, lần hẹn hò. Trao nhau, niềm vui cuối tuần…”. Trên gác nhỏ, cô đơn, trằn trọc: “Ðêm chưa ngủ, nghe ngoài trời đổ mưa từng hạt rơi. Gác nhỏ đèn le lói bóng dáng ai trên tường loang…”. Trong lúc Mưa nửa đêm: “Ai biết ai vì đời, cùng ngược xuôi chung lối mòn. Ngày tôi hai mươi tuổi, em đôi tám trăng tròn. Ðêm lạnh còn nghe chăn gối lẻ nằm thao thức…” nhớ về Bóng nhỏ đường chiều, chỉ còn là kỷ niệm: “Ta đến nơi hẹn hò, cùng gặp nhau trên phố nhỏ. Ta nhẹ dìu nhau trong tiếng thở…”

Buồn vào hồn không tên.Thức giấc nửa đêm, nhớ chuyện xưa vào đời. Ðường phố vắng đêm nao quen một người. Mà yêu đương trót trao nhau trọn lời. Ðể rồi làm sao quên. Biết tên người quen biết nẻo đi đường về. Và biết có đêm nao ta hẹn hò. Ðể tâm tư những đêm ngủ không yên.

Nửa đêm lạnh qua tim. Giữa đường phố hoa đèn. Có người mãi đi tìm. Một người không hẹn đến. Mà tiếng bước buồn thêm. Tiếc thay hoài công thôi. Phố đã vắng thưa rồi. Biết rằng chẳng duyên thừa. Ðể người không gặp nữa. Về nối giấc mơ xưa.

Ngày buồn dài lê thê. Có hôm chợt nghe gió lạnh đâu tìm về. Làm rét mướt qua song len vào hồn. Làm khô môi biết bao nhiêu lần rồi. Ðời còn nhiều bâng khuâng. Có ai vì thương góp nhặt ân tình này. Gởi giúp đến cố nhân mua nụ cười. Và xin ghi kỷ niệm một đêm thôi.

Các sáng tác nổi tiếng: Ai Cho Tôi Tình Yêu, Nửa Đêm Ngoài Phố, Thói Đời, Buồn Trong Kỷ Niệm, Mưa Nửa Đêm, Hai Chuyến Tàu Đêm, Chiều Cuối Tuần, Đêm Tâm Sự,… và còn rất nhiều những sáng tác rất tuyệt vời.

 

Nguyễn Trung

(Nguồn: http://forum.englishtime.us)

Để Trả Lời Một Câu Hỏi - Linh Phương



Để Trả Lời Một Câu Hỏi (Kỷ Vật Cho Em)
 
 
 
 
 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời mai mốt anh về
Không bằng chiến thắng trận Pleime
Hay Đức Cơ – Đồng Xoài – Bình Giã

Anh trở về hàng cây nghiêng ngã
Anh trở về hòm gỗ cài hoa
Anh trở về bằng chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng

Mai trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh
Mai trở về bờ tóc em xanh
Vội vã chít khăn sô vĩnh biệt

Mai anh về em sầu thê thiết
Kỷ vật đây viên đạn màu đồng
Cho em làm kỷ niệm sang song
Đời con gái một lần dang dở

Mai anh về trên đôi nạng gỗ
Bại tướng về làm gã cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa xuân
Bên người yêu tật nguyền chai đá

Thì thôi hãy nhìn nhau xa lạ
Em nhìn anh – ánh mắt chưa quen
Anh nhìn em – anh cố sẽ quên
Tình nghĩa cũ một lần trăn trối

Linh Phương

Trăm Năm Một Kiếp Chưa Vừa Nhớ Thương -vkp Phượng tím


TRĂM NĂM MỘT KIẾP CHƯA VỪA NHỚ THƯƠNG

                                                                            

 


          










MỘT lần gặp lại cố nhân
HAI hàng mi ướt bần thần xốn xang!
BA năm tình muộn đi hoang
BỐN phương tám hướng, bàng hoàng mộng du
NĂM nào trời cũng mưa ngâu
SÁU bầy ô thước bắt cầu chưa xong...
BẢY mươi bảy tuổi long đong
TÁM mươi lội suối băng đồng... còn mê
CHÍN mong mười đợi... người về
MƯỜI đôi (20) năm kế, vẹn thề ước xưa
TRĂM năm một kiếp chưa vừa...
NGÀN câu ân ái... đong đưa bến tình!
TRIÊU Thương,
TỶ Nhớ..
Lung linh!!!

 

Saigon tháng 8/2019
vkp phượng tím

 

Monday, August 26, 2019

Thương Về Miền Tây (Thơ Xướng Họa) - Nguyễn Cang, Minh Tâm, Kim Trân & Nguyên Triêu Dương


VƯỜN THƠ XƯỚNG HỌA

Chủ đề: Thương về miền Tây

 
 
 
 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
Bài xướng:


THƯƠNG VỀ MIỀN TÂY

Trời chiều mưa đổ nhớ Tiền Giang
Sông nước miền Tây lúa trỗ vàng
Bìm bịp kêu chiều con nước lớn
Chàng bè vỗ cánh bến đò ngang
Nhà ai  bếp khói mây lơ lửng
Buổi tối mâm cơm trẻ rộn ràng
Lắt lẻo cầu tre qua mấy nhịp
Có cô thôn nữ đợi đò sang.


Nguyễn Cang


Họa 1:
 


DÒNG SÔNG QUÊ

Thong thả lên đò chuyến quá giang.
Nắng chiều lấp loáng ánh tơ vàng.
Đây làn thanh thủy lung linh sóng,
Kia đám lục bình lơ lửng ngang.
Hồi tưởng những ngày xa lắm lắm
Mà sao như chuyện mới ràng ràng.
Sông xưa đã mấy cơn bồi lở ?
Nghe tiếng thở dài gió kéo sang…

Minh Tâm

 
Họa 2:

 
NHỚ QUÊ

 
Miền Nam nổi tiếng Cửu Long giang
Đồng ruộng mênh mông biển lúa vàng
Quê Nội ngày xưa cài nỗi nhớ
Rừng dừa bến nước ngắm phà ngang
Cánh cò trắng điểm chiều loang loáng
Hoa mướp vàng mơ nắng rỡ ràng
Mộc mạc chân tình bên chiếc võng
Dưới trăng tâm sự đón mùa sang.

 
Kim Trân

 
Họa 3:

 
CHỜ

 
Mòn mỏi trông chờ đợi quá giang
Bên hiên chiều vắng nhuộm mây vàng
Một vành trăng khuyết vừa treo ngược
Bảy sắc cầu vòng đã vắt ngang
Kia chiếc xuồng con đang vật vã
Mà cơn sóng lớn mãi chàng ràng
Hoàng hôn nặng trĩu chim về tổ
Lây lất đêm tàn có được sang.

 
Nguyên Triêu Dương

 

 


Sao Anh Không Về Thăm Trà Võ - Thuyên Huy


Sao anh không về thăm Trà Võ

Nhớ một nơi cứ nhớ mà chưa về và chắc cũng không về

 
 
 










Sao anh không về thăm Trà Võ
Cao su rừng thay lá lâu rồi
Bến Đình chuông chùa chiều vẫn đổ
Sông Vàm cứ sáng lớn chiều vơi

 
Cây điệp già lẻ loi trước chợ
Khẳng khiu cứ mưa nắng hai mùa
Người vẫn đông chợ phiên ngày cũ
Sân trường làng cũng tiếng trống xưa

 
Dân lầm lũi đời phu cạo mủ
Gốc cây già gầy guộc trốn mưa
Leo lét ngọn đèn dầu cuối phố
Gió hững hờ lùa liếp cửa thưa

 
Ngày anh đi không người đưa tiễn
Trà Võ buồn giấu lệ tiễn đưa
Nhớ ai như sông về với biển
Cao su rừng ngủ muộn dưới mưa

 
Anh đi rồi Trà Võ vẫn vậy
Mưa Bông Trang nhớ nắng Bến Mương
Mực mồng tơi tím như ngày ấy
Chờ người về viết trọn chữ thương

 
Thuyên Huy
Ballarat giữa thu 2018