Saturday, November 30, 2019

Chinh Chiến Tàn - Nguyễn Cang


CHINH CHIẾN TÀN
 
 
 

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
(Cảm tác theo ý thơ của Thuyên Huy bên dưới, là một bài thơ rất hay, có hồn và truyền cảm, sử dụng từ ngữ  thật điêu luyện, xuất sắc) 

 
Chiều nắng hạ ngày tàn cuộc chiến
Lịnh đầu hàng  áo giáp buông trôi
Hết rồi mấy trận thư hùng sát
Những lúc dừng quân súng gác trời

 
Nhớ thuở tung hoành say chiến thắng
Hạ Lào bảy mốt* pháo mưa tuôn
Bình Long anh dũng ma trơi gọi
Một trận xung phong giặc mất hồn

 
Những tưởng ngày mai vui chiến thắng
Ai ngờ thất trận trắng khăn tang
Dăm ba lính trẻ  ngồi vây lại*
Hoa dù áo bạc gói thân tàn

 
Hồn tử sĩ xuôi theo ngọn gió
Nghe đâu đây tiếng khóc lê thê
Giang sơn chẳng giữ cho bền vững
Nước mất đành thôi hết lối về

 
Chiến hữu năm xưa giờ tóc bạc
Nhớ mùa chinh chiến đã đi qua
Thương ai thân phận giờ lưu lạc
Còn có nghe hồn gọi thiết tha?!

 
Nguyễn Cang ( 29/11/2019)
*1. Hạ Lào bảy mốt: hành quân sang Hạ Lào 1971
*2. Có mấy người lính trẻ ngồi vây quanh, tự vận bằng lựu đạn năm 1975

 
Tàn Cuộc

 
Cho bạn tôi, bỏ trường sớm vào lính rồi nằm xuống ở chiến trường Bình Long An Lộc 1972

 

Anh buông súng trận ngồi bật khóc
Hết rồi một thuở chiến trường xưa
Áo hoa dù đẫm màu máu đục
Hồn rã rời đau mắt lệ đùa

Bạn bè tức tưởi thiên thu hận
Nón sắt vành nghiêng vọng bóng cờ
Hồn nương theo gió rừng biên trấn
Gởi người nằm xuống huyết lệ thơ

Còn đâu chiến hào đêm Thạch Hãn
Trưa gió lùa nung nắng Hạ Lào
Bình Long rừng hú ngồi chờ sáng
Chiều mưa Đồng Tháp muỗi gọi nhau

Gió hờn căm réo hồn tử sĩ
Người đi mang theo cả quê hương
Dặm trường mờ xa đường thiên lý
Tưởng chừng ai đợi ở chiến trường.

Thuyên Huy
Bendigo sang mùa không mưa nhưng trời vẫn còn mưa 2018

Friday, November 29, 2019

Vĩnh Biệt Sài Gòn - Jean Larteguy


Vĩnh Bit Sài Gòn
 
 
 

 


L’Adieu À Saigon – Vĩnh Biệt Sài Gòn – của Jean Lartéguy có lẽ là cuốn sách đầu tiên được viết bằng ngoại ngữ, nói về cái chết của nam Việt Nam sau ngày 30/04/1975. Ông là một nhà văn-nhà báo nổi tiếng của Pháp, tác giả của gần 20 tác phẩm, hầu hết đều nói về chiến tranh, khi thì tại Á châu, khi thì thuộc khu vực Trung Đông.
Từ căn phòng quen thuộc của khách sạn Continental, Lartéguy ghi lại từng giờ, từng phút hấp hối của Sài Gòn.
Theo Phạm Kim Vinh, “Vĩnh Biệt Saigon là lời đoạn tuyệt của Jean Lartéguy cựu sĩ quan thuộc địa, của Lartéguy thực dân, của nhà văn Lartéguy bị nhiễm độc vì làn sóng khuynh tả lãng mạn của một thế giới hèn nhát trốn tránh sự thật với một Lartéguy phản tỉnh của mùa hạ 1975.
Hơn thế nữa, Vĩnh biệt Saigon chính là lời thú tội và chuộc tội của Jean Lartéguy.

Sau hết, Vĩnh biệt Saigon là lời sám hối của Lartéguy trước cái chết của hàng trăm ngàn người VN trong chiến tranh VN mà Lartéguy đã gián tiếp gây ra trong một thời kỳ đen tối của một kẻ cầm bút lâu năm, quá nửa đời người còn ngu dại để trở thành con mồi chính trị cho một chủ nghĩa man rợ.”
Ta hãy đọc “lá thư tình” của Jean Lartéguy qua các trích đoạn từ bản dịch của Phạm Kim Vinh ấn hành năm 1979 tại California.


27/05/1975

Màn đêm vừa buông xuống Saigon và khép kín luôn cả 25 năm của đời tôi tại đó. Tôi đặt chân đến Saigon lần đầu tiên vào năm 1950. Tôi bị đuổi khỏi thiên đường ấy vào ngày 28 tháng Năm, 1975. Cái thành phố từ đó tôi bị xua đuổi không còn cái tên Saigon nữa. bây giờ tên nó là Hồ Chí Minh. Mỗi ngày thành phố ấy lại càng thêm xa lạ với tôi. Tôi thấy không còn gì để làm ở đó nữa.
Còn thành phố kia, thành phố mà tôi hằng yêu dấu thì đã chết khi các xe tăng Nga chở các toán lính Bắc Việt phá tung cánh cửa sắt của Dinh Tổng thống. Ba người hoả tinh từ Hanoi tới, dáng nhỏ bé, mặc đồng phục xanh, nón lá trên đầu, hông mang súng. Họ làm như vẻ đọc bản án trục xuất tôi vì những “bài báo” của tôi. Họ không biết rằng tôi đã quyết định sẽ đáp chuyến bay ngày mai và tôi không muốn dùng dằng hơn nữa bên giường một người chết. Tôi đã bắt tay họ như bắt tay những người làm xe đòn sau khi họ đã làm xong bổn phận.
Đây không phải là một cuốn sách. Có lẽ một ngày nào đó, tôi sẽ viết cuốn sách ấy. Đây chỉ là lời vĩnh biệt Saigon.

Ngày 26/04/1975

Đêm nay, dường như Tổng thống Thiệu đã bay đi Đài Loan….. Tờ Courier D’ Extrême Orient chạy dài 8 cột trang nhất: “Tổng thống Pháp Giscard D’Estaing nói chuyện điện thoại với đại sứ Pháp tại Saigon.”
Ngoại trưởng Pháp tuyên bố: “Hy vọng một giải pháp chính trị vẫn còn có thể có được.”
Chỉ còn một mình tướng Dương văn Minh chạy ở cuộc đua chính trị tại Saigon. Nhưng vì Tổng thống Trần Văn Hương mới cầm quyền được 5 ngày, do đó ông ta muốn ngồi ở ngôi cho đủ một tuần đã. Ngài tổng thống đề nghị cho Minh Cồ giữ chức Thủ tướng có toàn quyền, nhưng Minh Cồ từ chối.
Tướng Kỳ, đối thủ bất hạnh của Thiệu, viên phi công mặc bộ đồ phi hành huy hoàng tái xuất hiện. Ông ta ở đâu ra vậy? Kỳ tuyên bố ủng hộ tướng Minh. Theo ông ta thì cần có một chính phủ mới để lấy lại lòng tin của dân và đề ra một kế hoạch để đạt cuộc ngưng bắn. Ông ta sẽ cùng với một số tướng lãnh, “những viên tướng giỏi nhất của miền nam”, tìm cách ổn định tình hình quân sự.
Đệ nhất phó thủ tướng (chắc đó là tướng Trần văn Đôn), kiêm tổng trưởng quốc phòng đã ra những biện pháp cương quyết để trừng phạt những công dân nào tìm cách trốn ra khỏi nước.
Biện pháp nào bây giờ? Ai sẽ thi hành? Chẳng còn gì nữa. Quân sự thì rối loạn và chính trị thì trống rỗng. Tướng Đôn thì chẳng có gì để mất mát nhiều. Sanh tại tỉnh Bordeaux, ông ta là dân Tây. Và mặc dầu ông ta đã đốt giấy thông hành và đốt cặp lon quân đội Pháp để làm đẹp lòng ông Diệm và bà Nhu, nhưng ông ta biết là không thể mất cái quốc tịch Pháp. Những trò hề!
Tình hình quân sự tuyệt vọng. Người Mỹ di tản nhân viên và những người Việt thân tín của họ một cách thanh thản như thể họ có rộng rãi ngày giờ.
Cảm thấy bị người Mỹ bỏ rơi, người dân nam Việt Nam và nhất là người dân Saigon, theo linh tính, hướng về người Pháp…. Ở khắp nơi cờ Pháp bắt đầu bay. Người ta sơn mầu cờ Pháp trên mái nhà, trước cửa tiệm. Đối với các tờ báo còn phát hành, người ta gọi cộng sản là phiá bên kia và người ta đành hy vọng một cuộc ngưng bắn.
Tôi nhậu với một đại tá VN, trước phục vụ tại một đơn vị nhảy dù, bây giờ phụ trách báo chí tại bộ Tổng tham mưu. Tôi hỏi:
“Ngày mai, ông làm gì? Chúng ta có thể gặp nhau được không?”
“Tôi bận lắm, không thể gặp ông. Tôi phải lo để đưá con tôi đi ngoại quốc.”
Chính ra là ông lo chuyến đi của ông.
Đồng thời với chuyện nhậu whisky để nói chuyện lập chiến khu, ông ta chuẩn bị chuồn.

Ngày 27/04/1975

3 giờ 30 sáng. Tôi thức giấc vì những trái hoả tiễn nổ làm rung chuyển thành phố. Một trái nổ quá gần. Tôi không thể ngủ lại được. ….
Trong buổi sáng ngày 27 tháng Tư này, tin tức đưa về càng ngày càng tồi tệ. Sư đoàn 18 giữ Xuân Lộc đã phải rút và bị tan rã. Sư đoàn 5 cũng vậy. Để bảo vệ Saigon, chỉ còn có một sư đoàn, vài đơn vị Dù… và một số lính tự vệ chiến đấu Hố Nai. Quốc hội nhóm từ sáng nay. Thảo luận 10 giờ, nhì nhằng để rồi xác nhận tín nhiệm Tổng Thống Trần Văn Hương, mời ông ta nếu cần, chỉ định một nhân vật để thay thế ông đạt tới “một nhiệm vụ hoà bình trong danh dự và trong phẩm cách và với sự chấp thuận của Quốc Hội”…. Nhân vật ấy chỉ có thể là Dương văn Minh. Danh dự và phẩm cách đáng kể gì khi cộng quân đã ở cửa ngỏ Saigon.
Các tướng trình bày tình hình. Có mặt tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng, Trần Văn Đôn, tổng trưởng quốc phòng, ông tổng trấn Saigon và ông tư lệnh cảnh sát. Tất cả đều nói rằng đã hết cả rồi, rằng những đơn vị cuối cùng đã bị bao vây và chạy tan nát, rằng cần phải thương thuyết với bất cứ giá nào và thật sớm. Nhưng Quốc hội lại không chịu nhận Minh Cồ vì ông ta không phải là người của bọn họ. Trần Văn Đôn lại can thiệp lần nữa. Anh chàng dân Tây ở xứ Bordeaux ấy giữ vai trò phát ngôn cho nước Pháp và bênh vực chính sách của đại sứ Pháp Mérillon. Đôn rất gắn bó với viên đại sứ ấy.
Đôn thắng. Toàn quyền được trao cho tướng Minh. TT Hương chống cây gậy rời ghế. Đã gần như mù, ông vấp phải một bậc thềm.
Minh cùng với Vũ Văn Mẫu trở về nhà để sửa soạn lập chính phủ. Sau cùng, giờ của Minh đã điểm, nhưng đã trễ quá rồi. Trễ cho Việt Nam, trễ cho nước Pháp và nước Pháp đã ngây thơ hy vọng rằng có thể đóng vai trò trung gian qua Minh.
Trước khi đi ngủ, tôi đọc mục điểm báo Việt Nam bằng Pháp ngữ. Có lúc, tôi thấy cần phải dụi mắt. Tờ Tiền Tuyến chạy dài tám cột: “VN Cộng Hoà sẽ không bao giờ đầu hàng cộng sản chừng nào quân đội vẫn còn đó và vẫn còn sự ủng hộ của nhân dân… Tướng Nguyễn Cao Kỳ đã tuyên bố trong một cuộc mít tinh quy tụ 10,000 người rằng các lực lương của VNCH vẫn còn mạnh và sẽ mang lại hoà bình trong danh dự cho xứ sở.”
Tờ Chính Luận: “Không có chuyện thương thuyết đầu hàng.”
Đêm sẽ còn dài.

Ngày 28/04/1975

Thế là rốt cuộc Minh Vồ cũng lập được chính phủ của ông ta. Thực ra thì cái chính phủ ấy chỉ có hai người: Ông Nguyễn Văn Huyền, một người Công giáo ôn hoà, sẽ là Phó Tổng thống và ông Vũ Văn Mẫu, nghị sĩ theo đạo Phật, sáng lập viên của Mặt Trận Hoà Giải, sẽ là Thủ tướng.
Trễ quá rồi. MTGP vừa từ Paris cho biết (dường như cái Mặt Trận ấy chỉ có ở Paris) sẽ không nói chuyện với chính phủ của tướng Minh.
Sáng nay Saigon sao yên tĩnh lạ!
Nhiều chiến sĩ của một Lữ đoàn Dù đang bố trí trong thành phố, sau các bức tường. Những người lính này không chán nản, không tuyệt vọng. Họ bình thản điều động như lúc thao dượt. Đôi khi họ cười vui vẻ và chuyền cho nhau những chai coca. Nhưng họ không nuôi một ảo tưởng nào về số phận của họ hoặc về kết quả của trận đánh cuối cùng này. Tôi có cảm tưởng họ quyết định đánh đến cùng và quyết định sẽ tự chôn dưới những đống đổ nát của Saigon. Và họ vẫn còn giữ được các cấp chỉ huy của họ. Một trong những cấp chỉ huy ấy là một đại tá, trông dáng mệt mỏi và tuyệt vọng. Tôi đã từng cùng ông ta và vài người bạn ăn Tết năm 1971. Lúc đó ông biết là sắp tham dự cuộc hành quân vượt biên giới Lào để cắt đường mòn Hồ Chí Minh và ngay tối hôm đó, ông ta đã không nuôi ảo tưởng về kết quả trận đánh.
Ông đưa cho tôi một hộp la-de. Tôi hỏi:
« Tình thế ra sao? »
« Chúng tôi sẽ chiến đấu và có lẽ, chúng tôi là những người cuối cùng còn chiến đấu. Nên nói rõ là chúng tôi chết không phải vì Thiệu, vì Hương hay vì Minh. Thiệu là đồ bỏ, Hương là bù nhìn, còn Minh là kẻ quá mềm yếu, cứ đứng một chỗ mà phụng phịu, thay vì dùng sức mạnh để lật đổ Thiệu…. Những kẻ sắp tới sẽ không để cho chúng tôi suy nghĩ theo ý riêng….Những con cá bự đã chuồn rồi. Chúng tôi là cá nhỏ nên kẹt trong rọ… »
Tân Sơn Nhất cháy. Biên Hoà thất thủ. Lửa cháy lớn, sánh rực ban đêm.
Cuối cùng vào lúc 22 giờ 51, lệnh di tản bằng trực thăng được ban ra. Ám hiệu là Option 4.
Tại Mỹ bộ trưởng quốc phòng Schlesinger nhân dịp này ca ngợi quân lực Mỹ: « Ở chiến trường, các bạn là những người chiến thắng, các bạn đã rời sa trường trong danh dự. Viêt Nam sụp đổ vì những áp lực nặng từ bên ngoài, nhưng các lực lượng Mỹ đã cho VN một cơ hội phải chăng để sống sót. » Kissinger thì nói: « Chúng tôi hy vọng người Bắc Việt sẽ không tìm một giải pháp tuyệt đối bằng phương tiện quân sự. Họ đã đổi thái độ, và chúng tôi vẫn không hiểu tại sao. »
Cơn hấp hối của Saigon bắt đầu. Sau bao nhiêu, bao nhiêu ngày nữa nó mới chết?
Ngày 29/04/1975

Giới nghiêm trong 24 giờ để người Mỹ di tản số người Mỹ sau chót (chừng một ngàn người) và hàng chục ngàn người VN được người Mỹ hứa hẹn cho đi theo.
Cuộc bàn giao quyền hành ngày hôm qua: lại một màn hát bội vụng về….
Trực thăng không ngừng đáp xuống và cất cánh tại sứ quán Mỹ. Trước cửa sứ quán, người Mỹ và một số người Việt được họ chọn lựa vứt bỏ xe hơi của họ cho những người bất lương xâu xé. Có cả trăm cả ngàn đang xô nhau trước tấm cửa sắt có lính Thuỷ quân Lục chiến canh giữ. Một người đàn bà khóc trong khi nhiều người mổ xẻ chiếc Mercedes của bà. Bà ta cứ nói đi nói lại: “Thế mà tụi nó hứa sẽ cho chúng tôi đi.”…
11 giờ chúng tôi lái xe tới Tân Cảng.
Thời tiết càng lúc càng nóng. Đàn ông, đàn bà, trẻ con mình đầy bùn, chui qua những rào gỗ có mắc kẽm gai… Họ lội bùn để chui vào những kho hàng Mỹ. Các bà già răng đen bắt đầu ngồi xổm, dạm bán những món hàng vừa mới vồ được, bán để lấy những tờ giấy bạc từ nay trở thành vô dụng!…
Một phái đoàn chính phủ do phó TT Nguyễn Văn Huyền hướng dẫn (ông được Minh Cồ ủy thác thương thuyết) đã tới trước hàng rào kẽm gai căn cứ Tân Sơn Nhất. Bọn cộng sản không tiếp. Chúng không muốn bàn cãi nữa: chúng chỉ nhận sự đầu hàng vô điều kiện.
Graham Martin đến thăm xã giao đại sứ Pháp. Lý do chính là để từ biệt. Và để tặng đại sứ Pháp món quà Mỹ: chiếc xe Cadillac lộng lẫy màu đen. Đại sứ Pháp có lẽ chẳng cần đến món quà ấy nữa. Nhưng Martin mãi tới 3 giờ 30 sáng hôm sau mới ra đi, sau khi bất lực chứng kiến tai hoạ: tai hoạ vì chính sách của ông ta, tai hoạ cho VN.
Nguyễn Cao Kỳ, con người chủ trương “đánh tới cùng” cũng ra đi trên chiếc trực thăng riêng của ông ta. Ông ta nguyền rũa Thiệu vì ít ra, khi chuồn, Thiệu cũng còn có thời gian mang theo nhiều hành lý.
Súng bắn ở khắp nơi.
Đêm chót ở Saigon là đêm điên loạn. Chung quanh thành phố những cây xăng bốc cháy, khi đạn nổ tung. Lúc đáp xuống các mái nhà, trực thăng mở đèn chiếu trông như đôi mắt của những quái vật gớm ghiếc đang tìm mồi.
Tù nhân chính trị đã được trả tự do. Tù thường phạm cũng nhân dịp này trốn luôn. Họ chỉ cần cúi xuống thì sẽ lượm được ngay một vài cây súng. Và những phần tử ghê gớm ấy đã tự võ trang cùng mình….
Saigon không hấp hối. Sau khi đã trút hết chất liệu, Sai gon đang rẫy chết trong thối nát, giữa các đám cháy và cướp bóc. Những kẻ may mắn đã chuồn nhờ các trực thăng của Mỹ. Những người khác thì lo trốn. Có những người thiểu não từ Tân Sơn Nhất trở về. Đó là nơi lại bị hoả tiễn rót vào….
Và chúng tôi, những nhân chứng bị bó tay, phẫn uất. Chúng tôi là những người đã từng yêu dấu thành phố này mà chẳng làm được gì để giúp nó. Saigon bắt đầu sám hối vì những sự mất trật tự, vì sự ưa kiếm chác, vì những quán rượu, những ổ điếm, vì những sòng bạc, vì những đêm điên loạn, vì những cơn mê. Và cũng vì những lúc say mê của trìu mến và của nhiệt tình. Và cái tinh thần độc lập đã từng đôi khi biến cái thành phố này thành một nữ chúa của tự do.
Vì Saigon đã bị kết án tử hình.
Chúng tôi vừa được biết tin ấy. Đài phát thanh của MTGP nghe được ở Tân Gia Ba tuyên bố rằng
tên của Saigon từ nay là Hồ Chí Minh. Tên của một người chết. Cái tên ấy không thích hợp với thành phố này.
Tôi trở về phòng. Đại bác 130 ly đã im tiếng. Và hoả tiễn không nổ nữa. Nhưng còn em nhỏ kia đang làm gì? Em đang tắm trong vũng nước lầy ở lề đường, em nhập bọn với những trẻ em trần truồng khác, giỡn chơi dọc theo những bức tường của khách sạn, giống như những con mèo hoang.

Ngày 30/04/1975



Graham Martin và những cộng sự viên cuối cùng đã dùng trực thăng tới mẫu hạm Blue Ridge đang ở ngoài khơi, cách Vũng Tầu 30 cây số.
Mệt mỏi và sầu thảm, ông ta từ chối mọi lời tuyên bố và chui vào phòng riêng. Ông ta còn không mang theo nổi được lá cờ Mỹ như đại sứ Mỹ tại Nam Vang đã làm. Martin bỏ lại cả tấm hình chụp của gia đình Nixon có chữ ký của Nixon tặng.
TT Ford: “Cuộc di tản đã chấm dứt… Cuộc hành quân này đã khép kín một chương trong lịch sử Mỹ.” Henry Kissinger thì cho rằng đây là “một thành công”: di tản được 950 người Mỹ và đưa đi 5,800 người Việt.
Lúc này là 10 giờ 15 sáng. Tướng Minh đọc lời kêu gọi đầu hàng vô điều kiện trên đài Saigon….
11 giờ 30, Long, một đại tá cảnh sát tự bắn vỡ sọ trước bức tượng Thuỷ Quân Lục Chiến đối diện trụ sở Hạ viện. Ông nằm sóng sượt, chiếc nón kết có hoa lá bạc đặt trên ngực. Máu và óc chảy từ bên tai trái ra. Ông vẫn còn thở. Lúc ấy có tiếng sè sè của máy quay phim và máy chụp hình. Một lát sau, ông tắt thở tại bệnh viện Grall.
12 giờ 5 phút, một xe jeep chạy tới đường Catinat, trên xe cắm lá cờ VC lớn, trong khi nhiều xe tăng tới chiếm Dinh Độc Lập. Cờ VC được trưng lên trước tiền đình. Một chiếc T-54 húc tung cánh cửa sắt vì người ta chậm mở cửa, rồi bắn một phát đại bác và vài tràng súng đại liên để thị oai. 14 xe tăng khác theo sau, pháo tháp mở , cành cây cắm đầy xe. Binh lính đội mũ lợp lá theo kiểu mũ thuộc địa, quân phục xanh và đi dép HCM chế tạo bằng võ xe hơi, võ trang bằng tiểu liên AK-47 của Trung quốc, nhẩy ra khỏi xe tăng, chạy vào Dinh.
Trên bao lơn, cờ của chính phủ cách mạng lâm thời được kéo lên. Saigon bị chiếm và không cháy. Chỉ thiếu chút nữa thôi.
Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền, thủ tướng Vũ Văn Mẫu và tướng Minh là những diễn viên và cũng là những nhân chứng của những giờ chót của Saigon. Họ kể cho tôi nghe những giờ chót ấy.
Và số phận của Saigon đã được định đoạt trong vài phút của ngày 30 tháng Tư, trong khoảng từ 10 giờ 30 đến 11 giờ sáng….
Không còn chút hy vọng nào để thương thuyết nữa. Hỗn loạn ngự trị ở đường phố và những đơn vị đầu tiên của cộng sản đã vào Saigon.
Nhưng ở khắp nơi đều có những ổ kháng chiến, những đơn vị ưu tú bám lấy lãnh thổ.
Gần Lăng Cha Cả, các chiến sĩ Dù đã đánh trận chót. Họ chiến đấu tới 11 giờ rưỡi,
cho tới khi các cấp chỉ huy của họ từ cuộc gặp gỡ đau thương với tướng hoa lan Dương Văn Minh trở về thuyết phục họ từ bỏ cuộc chiến. Họ đã dùng bazooka làm nổ tung 5 xe tăng Nga T-54 nặng 54 tấn. Một chiếc nổ tung cùng với đạn dược trong xe….

Ngày 1/5/1975

Cô gái ngồi ngoan ngoản gần một toà nhà của bệnh viện Grall. Kế bên cô là một chiếc vali còn mới bằng plastic và một chiếc giỏ mây mà ta thấy người Thượng quen dùng. Cô ta mặc áo dài màu đen kiểu của người Thượng nhưng tóc của cô màu hung và nước da trắng: một cô gái Thượng lai Pháp.
Cô ta bao nhiêu tuổi? 18? 20? Làn sóng tị nạn ghê gớm đã cuốn cô ta đi, nhưng cô ta vẫn còn giữ mình nguyên vẹn tới được nhà thương dùng làm nơi tạm trú này, nhà thương có treo một lá cờ Pháp.

Tôi phải đến gần mới nhìn thấy được những giọt nước mắt trên má cô ta. Trong khi đám người tị nạn bên cô ồn ào như đàn ong vỡ tổ quanh những gói đồ ngổn ngang, cô gái im lặng. Những đứa trẻ ngủ gục giữa những người tị nạn. Người ta vừa cho họ biết rằng họ phải trở về nhà. Saigon không bốc cháy. Saigon chỉ đổi chủ thôi…. Cô gái ấy là kết quả của một mối tình giữa một người Pháp và một thiếu nữ người Rhadé. Người cha đã trở về Pháp. Cô làm viêc tại một phòng thí nghiệm của một y viện Mỹ vùng cao nguyên. Người ta đã di tản cô ta cùng với số nhân viên của nhà thương và hứa sẽ đưa cô đi Mỹ. Từ Mỹ, cô sẽ tìm được cách tới Pháp và sẽ tìm được Chalons-sur-Marne là nơi ở của người cha. Nhưng người Mỹ đã ra đi một cách hỗn loạn. Họ đã bỏ rơi cô ta. Cô đã chạy tới bệnh viện Grall vì cô nghe nói đó là nơi trú ẩn của những người có quốc tịch Pháp. Cô gái tưởng mình là người Pháp.
Có hai xác chết nằm bên nhau trong nhà thương Grall. Đó là hai viên tướng nam VN, tự tử bằng thuốc Nivaquine: tướng Phạm Văn Phú, tư lệnh vùng cao nguyên, và tướng Nguyễn Khoa Nam tư lệnh vùng 4 và quân khu 4….
Tôi vẫn không tin là Saigon vừa mới rơi vào tay những người cộng sản. Đó chỉ là một cơn ác mộng. Ngày mai tôi sẽ tỉnh dậy và nó chẳng có gì xảy ra hết.
6 giờ sáng tôi giật mình thức giấc vì những tiếng hú trong loa phóng thanh truyền đi một thứ nhạc quân hành, xen kẻ là những khẩu hiệu…
Mọi tờ báo đều bị đóng cửa, kể cả tờ Courrier D’Extrême-Orient của người Pháp. Chỉ có một tờ Saigon Giải Phóng in chữ đỏ và hình HCM chiếm hết nửa trang nhất.
Tôi tới nhà MinhCồ. Ông ta chưa được về nhà. Người tài xế của ông cho biết đã nhận được tin của bà Minh, nói rằng ông ta được đối xử tử tế và chắc sẽ được về sớm.

Ngày 3/5/1975

Chúng tôi tới Hố Nai, chiến luỹ của người Công giáo chống Cộng di cư. Một gác chuông nhà thờ chịu hư hại nặng vì đạn đại bác. Vậy là đã có giao tranh ở đây. Tôi ngừng xe và xin gặp Cha sở. Một người đàn bà chừng 40 tuổi đề nghị hướng dẫn chúng tôi tới gặp Cha sở. Tôi hỏi bà ta: “Thưa bà, tình hình ra sao?”
Bà ta cúi đầu: “Con trai tôi và 17 người bạn của nó vừa bị xử bắn. Tôi mới đi chôn chúng nó xong.”
“Câu chuyện xảy ra như thế nào?”
“Chúng nó là tự vệ và chúng nó đánh đến cùng. Chúng nó đứng cả trên gác chuông bắn xuống. Thế là rồi chúng nó bị bắn chết hết.”
Cha sở ngồi yên lặng trên chiếc ghế gỗ, hai tay để trong chiếc áo dòng. Phòng rất rộng, chắc được dùng làm nơi hội họp hàng ngày. Cha sở chừng 60 tuổi. Cha từ Phát Diệm di cư cùng các con chiên. Khi tôi hỏi Cha thì Cha bảo người thông ngôn rằng Cha không biết tiếng Pháp. Ở một góc phòng có một người cầm súng ngồi. Chắc hắn không phải là lính chính quy vì hắn mặc bọ đồ bà ba đen.
“Thưa Cha mọi sự tốt đẹp chứ?”
“Phải.”
Tôi nhấn mạnh: “Thưa Cha, mọi việc bình thường?”
“Phải.”
“Có thể phỏng vấn Cha trước máy thu hình?”
“Không, không được.”
Không hiểu vì sao lúc ấy tên lính gác lại ra ngoài xem có chuyện gì không. Lúc ấy thì Cha sở nói với tôi bằng thứ tiếng Pháp rất giỏi.
“Tình thế của chúng tôi rất ngặt nghèo. Tai hoạ đã giáng xuống đầu chúng tôi. Xin hãy nói với các bạn người Pháp của chúng tôi để họ cầu nguyện cho chúng tôi. Chúng tôi cần có những lời cầu nguyện ấy. Xin vĩnh biệt.”

Ngày 15/5/1975

Có diễn binh kỷ niệm sinh nhật HCM. Dự trù có ba ngày liên hoan mừng chiến thắng. Biểu diễn các khí giới tối tân của Nga. Lần này có thêm vài đơn vị mặc đồ đen của bưng biền. Một phần trong số đó là người Nam, nhưng tỷ lệ này không bao giờ quá 30 phần trăm. Rốt cuộc tôi tìm thấy cái huyền thoại MTGP trên khán đài danh dự. Bác Thọ, bác Phát và bà Bình “thân mến” những nhân vật quan trọng tại Paris, nhưng ở đây họ đã tụt xuống hàng thứ 11….. Rồi tới vụ đàn áp các ký giả ngoại quốc ở nhà hàng Continental. Vô tuyến viễn ấn và những liên lạc với nước ngoài đều bị cắt đứt. Những hộp phim và những cuộn phim nằm chờ và chất đống ở đó, vô dụng… sau khi đã cấm chúng tôi đi ra ngoài Saigon, kể từ sáng nay, người ta lại cấm chúng tôi cả chụp hình nữa. Hai chuyên viên thu hình của Nhật bị còng tay giải đi vì họ quay phim cảnh đường Catinat. Các ký giả của các nước “anh em” như Nga, Hung Gia Lợi, Đông Đức, Ba Lan và đặc phái viên của AFP từ Hà Nội được gửi tới để chứng kiến vụ diễn hành chiến thắng….

Ngày 29/5/1975
Vĩnh biệt Saigon.

Tôi tới Saigon lần đầu tiên vào năm 1950. Tôi đã yêu dấu Saigon và đã ghét thành phố ấy hai mươi lăm năm. Đó là một cô gái làng chơi tồi tệ, tham lam, ưa khoái cảm, ưa đồ gia vị và ưa những hương thơm ngát, nghe theo người này ngã theo người kia, nhưng không bán mình cho ai. Một thành phố tự do, và bây giờ không còn được tự do nữa.
Màn đêm đã buông xuống thành phố ấy, và buông xuống quãng đời 25 năm lính, ký giả và nhà văn của tôi.
Tôi đã bay trên thành phố ấy lần chót, trong chuyến bay Aeroflot của cộng sản để tới Vạn Tượng….
Saigon ơi vĩnh biệt

Jean Lartéguy – Phạm Kim Vinh

304Đen – Llttm - OVV

Bao Giờ Người Mới Về - vkp Phượng tím (Họa Thơ Nguyễn Kinh Bắc)


HỌA THƠ NGUYỄN KINH BẮC 

 

HẸN MỘT NGÀY VỀ

  

Ta ước mơ và em ước mơ
Rồi xa biền biệt đến bao giờ
Dẫu hương tình cũ còn sâu đậm
Mà chốn quê xưa đã mịt mờ
Nhớ buổi ra đi sầu mắt lệ
Mong ngày trở lại thắm duyên thơ
Em ơi, gắng đợi ngày mai ấy
Khắp cả non sông rợp bóng cờ.

 

Nguyễn Kinh Bắc

 

HỌA KHÁC Ý:  BAO GIỜ NGƯỜI MỚI VỀ?

 
 
 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
Thao thức hằng đêm cứ ước mơ
Người về, không biết đến bao giờ?
Tóc vôi ghi dấu đời dâu bể
Phượng tím tàn phai sắc nhạt mờ!
Nhớ mãi sân bay giờ tiễn biệt
Tiếc hoài huyền thoại cuộc tình thơ
Hận người xem nhẹ tình xưa cũ
Thương kẻ chịu thua một ván cờ!!!

 
vkp phượng tím

 

Giá Trị Của VNCH - Trần Trung Đạo


Giá Trị Của Việt Nam Cộng Hòa
 
 
 

Nhân chuyện Trần Long Ẩn phát biểu: “…Văn học, nghệ thuật độc hại của nó xuyên tạc đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ở miền Nam và hiện nay không thể tẩy xóa”, mời đọc GIÁ TRỊ CỦA VNCH một thời bảo bọc ông ta và nếu không có những giá trị đó thì mồ ông đã xanh cỏ từ lâu rồi.

Thật vậy, hãy hỏi các “lãnh tụ sinh viên”, các chuyên viên biểu tình gây rối trong thành phố còn sống, ai đã bảo vệ, che chở cho họ dù biết họ hoạt động dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Sài Gòn Gia Định? Câu trả lời mà một người có nhận thức chính trị căn bản nào cũng biết, đó là Hiến pháp VNCH. Họ còn sống sót đến hôm nay cũng nhờ hiến pháp đó.

Đảng Cộng sản Việt Nam trấn áp 44 năm liên tục, các ông bà thử ném một trái bom xăng vào trụ sở Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản xem sao?

Từ 1954 tại miền Bắc và sau 1975 trên phạm vi cả nước, bộ máy tuyên truyền của đảng CS đã không ngừng vẽ trong nhận thức của bao nhiêu thế hệ Việt Nam một VNCH chẳng khác gì một con ma, ghê sợ, hung dữ và tội lỗi nhất trong thế gian này. VNCH là hiện thân của mọi thứ tội ác. Trong nhận thức không chỉ tuổi trẻ Việt Nam sinh sau 1975 mà ngay cả các tầng lớp cán bộ, đảng viên, nhà văn, nhà thơ thì VNCH có ba đặc điểm lớn là “tham nhũng”, “trấn áp” và “ôm chân đế quốc Mỹ”.

Trong tiểu luận “Khám nghiệm một hồn ma” trên Talawas hơn mười năm trước người viết đã có dịp phân tích thể chế cộng hòa tại miền Nam. Xin trích một phần bài viết đó ở đây để chia sẻ với các độc giả chưa đọc.

Miền Nam trước 1975 có tham nhũng không? Có.

Miền Nam có đàn áp biểu tình, đối lập không? Có.

Miền Nam trước 1975 có lệ thuộc vào viện trợ Mỹ không? Có.

Nhưng các đặc điểm đó có đại diện cho Việt Nam Cộng hoà (VNCH) không? Không.

Cho đến nay, một số người hoặc vì không có cơ hội nghiên cứu sinh hoạt chính trị tại miền Nam, không phân biệt được sự khác nhau giữa chính quyền và chế độ chính trị hoặc vì nghe riết những lời tuyên truyền của đảng đến độ nhập tâm, đã đồng hoá chính quyền của các ông Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Dương Văn Minh với VNCH.

Như một viên ngọc nằm trong lòng lớp rong rêu của vỏ con trai, trên tất cả, giá trị đích thực của VNCH không nằm trong tham nhũng, trấn áp và đồng đô la Mỹ mà nằm trong Hiến pháp VNCH đặt nền tảng trên một thể chế dân chủ do dân và vì dân.

Lời mở đầu của Hiến pháp 1967 do chủ tịch Quốc hội Lập hiến Phan Khắc Sửu ký ngày 18 tháng 3 năm 1967, xác định Việt Nam là một chế độ cộng hòa “Dân chủ độc lập, thống nhất, lãnh thổ bất khả phân, chủ quyền thuộc về toàn dân” phát xuất từ:

“Ý thức rằng sau bao năm ngoại thuộc, kế đến lãnh thổ qua phân, độc tài và chiến tranh, dân tộc Việt Nam phải lãnh lấy sứ mạng lịch sử, tiếp nối ý chí tự cường, đồng thời đón nhận những tư tưởng tiến bộ để thiết lập một chánh thể cộng hòa của dân, do dân và vì dân, nhằm mục đích đoàn kết dân tộc, thống nhất lãnh thổ, bảo đảm Độc lập Tự do Dân chủ trong công bằng, bác ái cho các thế hệ hiện tại và mai sau.”

Ngoài phần mở đầu hùng hồn nêu trên, chuyên chở trong suốt 9 chương và 117 điều của Hiến pháp 1967 là nền tảng của chế độ cộng hòa, qua đó, quyền lãnh đạo đất nước như chỉ rõ trong điều 3, được phân quyền rõ rệt: ”Ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp phải được phân nhiệm và phân quyền rõ rệt. Sự hoạt động của ba cơ quan công quyền phải được phối hợp và điều hòa để thực hiện trật tự xã hội và thịnh vượng chung trên căn bản Tự do, Dân chủ và Công bằng xã hội”.

Hiến pháp 1967 tốt đẹp đến nỗi ông Lý Quý Chung, trong Hồi ký không tên, xuất bản tại Sài Gòn trước ngày ông qua đời, dù chê bai các chính quyền miền Nam tàn tệ, cũng không thể nói xấu bộ luật tối thượng của chế độ cộng hoà như một diễn đàn để ông ta thực thi dân chủ: “Quốc hội lập hiến kéo dài một năm đã cung cấp cho tôi một môi trường học tập đấu tranh chính trị tại nghị trường và từ diễn đàn này, tôi cũng có cơ hội bày tỏ công khai qua mạng lưới báo chí Sài Gòn các quan điểm của mình đối với chính quyền, đối với các vấn đề dân chủ, chiến tranh, hoà bình v.v…”

Về căn bản, không có nhiều khác biệt giữa Hiến pháp VNCH 1967 và Hiến pháp Nam Hàn 1948 được tu chỉnh lần cuối vào năm 1987. Cả hai hiến pháp đều dựa trên chế độ cộng hoà, phân quyền rõ rệt, thích hợp với đà tiến hoá của văn minh nhân loại.

Dân chủ không phải là món quà của ông thần tài đem đặt ngay trước cửa nhà mà là chiếc máy lọc từ nước đục sang nước trong, từ phong kiến lạc hậu đến văn minh tiên tiến, và trong quá trình đó hai quốc gia VNCH và Nam Hàn, đều phải trải qua những kinh nghiệm máu xương trên con đường dân chủ hoá đất nước. Giống như người dân Nam Hàn, người dân miền Nam Việt Nam cũng vừa học dân chủ và vừa tập sống dân chủ với tất cả những khó khăn thử thách.

Điểm khác nhau chính giữa Nam Hàn và Nam Việt Nam là cơ hội.

Nam Hàn có cơ hội để biến những ước mơ của dân tộc Triều Tiên gói ghém trong hiến pháp của họ để ngày nay là nước giàu mạnh nhất nhì châu Á. Miền Nam Việt Nam thì không. Chế độ cộng hoà tại miền Nam Việt Nam ra đời và lớn lên trong một hoàn cảnh chiến tranh tàn khốc, trong đó các nguyên tắc dân chủ đã trở thành con dao hai lưỡi. Chính con dao dân chủ hai lưỡi đó đã đâm vào thân thể của chế độ cộng hoà hàng trăm vết thương đau đớn từ ngày mới ra đời cho đến gục xuống trong tức tưởi.

Ngay cả những quốc gia tiên tiến như Pháp, Mỹ cũng phải bước qua con đường đầy máu nhuộm để có được nền dân chủ như hôm nay.

VNCH cũng vậy. Miền Nam có đàn áp chính trị nhưng cũng có đấu tranh chính trị, có ông quan tham nhũng nhưng cũng có nhiều phong trào chống tham nhũng hoạt động công khai, có ông tướng lạm quyền nhưng cũng có ông tướng trong sạch, có nghị gà nghị gật nhưng cũng có những chính khách, dân biểu, nghị sĩ đối lập chân chính.

Nếu trước 1975, vì thiếu cái nhìn về cả hai bên của cuộc chiến và bất mãn trước xã hội nhiễu nhương, việc kết án chính quyền là “trấn áp” có thể còn thông cảm được, thế nhưng sau 42 năm sống dưới chế độ độc tài đảng trị vẫn có kẻ biện minh cho hành động đốt xe, bắt cóc, ném bom xăng vào thương xá, ném lựu đạn vào nhà hàng ăn uống trước đây thì quả thật là vô cảm.

Đặc điểm thứ ba đảng tuyên truyền là miền Nam chỉ biết “ôm chân Mỹ”.

Thật mệt mỏi nếu lại phải lần nữa đem so sự lệ thuộc vào Mỹ của chính quyền miền Nam và sự lệ thuộc vào Liên Xô, Trung Cộng của đảng CSVN và cũng chẳng sướng ích gì khi phải đọc lại bảng kê khai vũ khí, quân trang, quân dụng mà hai đế quốc cộng sản đổ xuống Việt Nam.

Cho dù sự lệ thuộc vào cường quốc là điều không tránh khỏi trong thế giới phân cực của thời kỳ Chiến tranh Lạnh vừa qua thì chọn lựa cường quốc nào sẽ mang lại nhiều lợi ích cho đất nước hơn?

Lịch sử đã chứng minh một cách hùng hồn, hầu hết các nước chọn lựa hay do điều kiện chính trị thế giới đẩy đưa, đã đứng về phía tự do dân chủ như Nhật Bản, Tây Đức, Nam Hàn, Đài Loan, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ v.v. đều trở nên các quốc gia ổn định và phát triển nhờ chính sách đối ngoại thân Mỹ một cách khôn khéo, trong lúc các nước theo chân Liên Xô, Trung Cộng như Bắc Việt, Cu Ba, Bắc Hàn thì kết quả ra sao không cần phải phân tích.

Không ai từng chống Mỹ quyết liệt hơn cố tổng thống Anwar Sadat nhưng để mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân Ai Cập, năm 1976, ông đã bỏ đồng minh Liên Xô để bước sang phía thế giới tự do cho dù ông biết trước sự chọn lựa đó có thể trả giá bằng nhiều rủi ro như ông tiên đoán trong diễn văn đọc trước Quốc hội Israel ngày 20 tháng 11 năm 1967.

Một số người có thể cho rằng Hiến pháp VNCH cũng do người Mỹ nhúng tay vào. Dù điều đó đúng thì đã sao. Hiến pháp của quốc gia Nhật Bản hiện đại cũng do bàn tay của Mỹ nhưng ngày nay tướng McArthur chẳng những không bị oán ghét mà còn được nhân dân Nhật xem như là một trong những người có công lớn trong việc xây dựng nước Nhật hiện đại.

Dân chủ là một kỳ quan được nhân loại bồi đắp qua nhiều thời đại chứ không phải là tài sản riêng của quốc gia nào.

Học hỏi cái hay cái đẹp của các nước tiên tiến để áp dụng vào cuộc cách mạng dân tộc và phát triển đất nước như cụ Phan Chu Trinh từng thống thiết kêu gào gần trăm năm trước, luôn luôn là điều đáng khuyến khích.

Phân tích để thấy, chế độ cộng hoà tuy không còn hiện diện tại miền Nam nhưng các giá trị dân tộc, nhân bản và khai phóng thể hiện trong Hiến pháp VNCH vẫn còn đó. Gia tài quý giá đó chẳng những không rã mục theo chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, Dương Văn Minh mà ngày nay đã vượt ra khỏi biên giới Bắc Nam để trở thành ước vọng chung cho cả dân tộc.

Nếu ai cho người viết cường điệu hãy tạm gác qua bên các định kiến Bắc Nam, khuynh hướng chính trị, đảng phái, tôn giáo, tả khuynh, hữu khuynh, thù hận riêng tư và thậm chí che luôn bốn chữ Việt Nam Cộng hoà trên trang đầu của Hiến pháp mà chỉ đọc một cách nghiêm chỉnh nội dung của Hiến pháp VNCH 1967 thôi, người đọc sẽ công nhận đó chính là mục tiêu mà dân tộc Việt Nam cần phải đạt đến.

Việc lặp lại những lời tuyên truyền cũ mèm của đảng cho rằng chế độ cộng hoà tại miền Nam là “sản phẩm do chính quyền Mỹ tạo ra trong Chiến tranh Lạnh” chẳng khác gì chê lớp rong rêu ngoài vỏ một con trai.

Hiến pháp VNCH có thể chưa hoàn chỉnh nhưng là một văn kiện tham khảo cần thiết để kiến tạo một Việt Nam dân chủ cường thịnh. Hạt giống dân chủ khơi mầm tại miền Nam cũng không chỉ bắt đầu sau khi đất nước bị chia đôi mà đã có từ hàng trăm năm trước.

Lợi dụng chính sách Nam kỳ tự trị của thực dân, các nhà cách mạng tại miền Nam có cơ hội học hỏi và áp dụng phương pháp đấu tranh nghị trường, tiếp cận các tư tưởng dân chủ Tây phương, mở mang dân trí làm nền tảng cho chế độ cộng hoà sau này.

Đó không phải là sản phẩm của Tây hay Mỹ mà là vốn quý của dân tộc đã được đổi bằng mồ hôi nước mắt của nhiều người. Những ai biết gạt bỏ định kiến Bắc Nam, gạt bỏ lòng “căm thù Mỹ Ngụy”, sẽ thấy đó chính là hành trang cần thiết cho nỗ lực mưu cầu một xã hội công bằng và tốt đẹp hơn cho các thế hệ mai sau.

Tiếc thay, viên ngọc và viên sỏi khác nhau khi nằm trong tay người thợ bạc nhưng lại giống nhau khi nằm trong tay mấy cậu bé bắn chim.

Do đó, phục hưng VNCH không có nghĩa là phục hưng chính quyền miền Nam. Chính thể không đồng nghĩa với một chính quyền và do đó không sống hay chết theo một chính quyền.

Giá trị của VNCH được xây bằng xương máu của bao nhiêu người và ngày nay đã vượt qua khỏi vĩ tuyến 17 để trở thành ước vọng chung cho cả dân tộc.

Lịch sử Việt Nam như một dòng sông, có khi cuồn cuộn lúc âm thầm, có chỗ sâu chỗ cạn nhưng chưa bao giờ ngưng chảy.

Đó là sự thật. Khoảng thời gian từ khi Mã Viện, danh tướng nhà Đông Hán, đánh bại Hai Bà Trưng (năm 43) đến khi Lý Nam Đế đánh bại quân Lương Vũ Đế và dựng nước Vạn Xuân (năm 543) là tròn 500 năm. Biết bao nhiêu lớp người đã sinh ra và chết đi trong suốt 5 thế kỷ sống trong bóng tối nô lệ nhưng sức sống Việt Nam vẫn tồn tại và lớn lên.

Đối mặt với một kẻ thù Trung Cộng đông hơn nhiều và mạnh hơn nhiều, chưa bao giờ sức mạnh tổng hợp của 90 triệu người Việt trong nước và 3 triệu người Việt ở hải ngoại cần thiết như hôm nay.

Chỉ có sức mạnh toàn dân tộc phát triển trên cơ chế dân chủ tự do mới mong thắng được Trung Cộng và mọi kẻ thù có âm mưu xâm lược Việt Nam. Tổ tiên Việt Nam đã làm được rồi các thế hệ Việt Nam ngày nay cũng sẽ làm được.

Người viết biết rằng, đối với một số người Việt đã bị bộ máy tuyên truyền đầu độc quá lâu và các bạn trẻ bị nhào nặn hoàn toàn trong hệ thống giáo dục một chiều CS, để có một nhận thức đúng về lịch sử là một quá trình đấu tranh tư tưởng khó khăn.

Nếu vậy, tạm gác qua chuyện thế kỷ trước mà hãy nhìn thẳng vào thực tế đất nước sau 42 năm vẫn là một nước lạc hậu về mọi mặt từ kinh tế, chính trị, quốc phòng và đời sống. Việt Nam còn thua xa những nước ở châu Phi như Ghana, Sierra Leone, Namibia vì những quốc gia đó còn nghèo nhưng hãnh diện vì chính phủ họ do nhân dân họ bầu lên.

Nếu vậy, tạm gác qua chuyện thế kỷ trước mà hãy nhìn vào cách giải quyết tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa với Trung Cộng của lãnh đạo CSVN. Ngoài những lời phản đối đọc như kinh nhật tụng họ không có và cũng không thể có một chọn lựa dứt khoát nào chỉ vì quyền lợi trước mắt của một nhóm người cầm quyền được đặt lên trên quyền lợi lâu dài của đất nước.

Sau mỗi cơn giận hờn, lãnh đạo CSVN lại lên đường sang Bắc Kinh triều cống, lại 16 chữ vàng, lại ca ngợi tình đồng chí, nghĩa anh em thắm thiết. Cơn hờn giận giữa hai đảng CS theo thời gian có thể sẽ nguôi ngoai nhưng trên các vùng biên giới, trong lòng biển Việt Nam, máu của ngư dân Việt Nam, của người lính biển Việt Nam sẽ không ngừng chảy.

Thảm trạng xã hội Việt Nam hôm nay, những lạc hậu kinh tế hôm nay, những yếu kém về quốc phòng hôm nay, những cô đơn trong bang giao quốc tế hôm nay là những câu trả lời cho những ai còn do dự, còn một chút tin tưởng nào đó ở lãnh đạo đảng CSVN.

Giống như hầu hết các nước cựu CS ở Đông Âu và khối Liên Xô, thể chế Cộng Hòa là chọn lựa đương nhiên và dứt khoát.

Các quốc gia sẽ bình đẳng trước công pháp quốc tế. Những khẩu hiệu tuyên truyền rất sến như “16 chữ vàng”, “hữu nghị Việt Trung” sẽ bị chôn sâu theo xác của ý thức hệ CS.

Dân tộc Việt Nam sẽ vượt qua những khó khăn để phát triển thành một quốc gia hiện đại về cả kinh tế lẫn quốc phòng.

Các nhà lãnh đạo VNCH trong cuộc đấu tranh mới trên mặt trận ngoại giao sẽ hành xử xứng đáng với tư cách của một cấp lãnh đạo chính danh, thay mặt cho một nước VNCH thống nhất, dân chủ, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và chắc chắn sẽ được sự ủng hộ của đại đa số con người yêu chuộng tự do, hòa bình trên thế giới. Giành lại Hoàng Sa và bảo vệ Trường Sa là một cuộc tranh đấu gian nan, gai góc, bị chi phối bởi nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, nhưng chính nghĩa và chân lý cuối cùng sẽ thắng.

Trần Trung Đạo

304Đen – llttm- OVV