Saturday, November 23, 2019

Sài gòn Trong Tôi Là Thế Đó - Dân Nhập Cư & Sài Gòn Tử Tế - Trần Khắc Tường



Saigon trong tôi là thế đó !
 
 



 

Saigon là thành phố có 2 mùa mưa nắng, một hình ảnh rất tương phản,

Saigon xưa là sự đối lập giữa Giàu và Nghèo, giữa những biệt thự kiến trúc cổ kính kiểu thuộc địa, cổng khép, tường cao và những căn nhà ổ chuột xây tạm bợ, nham nhở trên những giòng kênh nước đen chằng chịt; giữa sự thanh lịch của Hòn ngọc Viễn đông và những tiếng chửi thề của đám trẻ con lang thang đường phố; giữa sự ồn ào của hàng cơm “bụi” bình dân lề đường và không gian Âu Mỹ yên lắng nhưng lạnh lùng của những Restaurants sang trọng….. Nổi bật hơn cả, là sự đa dạng, rất sinh động của con người Saigon. dù ở tầng lớp nào, họ không sống ” như đã từng được sống”, mà luôn sống cuộc đời mới toanh…”như chưa được sống bao giờ”.

Ẩn mình sau hàng rào bông giấy, thủy tiên đỏ rực, là những ngôi “nhà Tây” lúc nào cũng có vẻ bí mật. Thỉnh thoảng từ bên trong, vang lên tiếng dương cầm thánh thót, thật êm dịu . Không biết những người sống trong đó là ai, làm gì, và cũng chẳng ai thật sự quan tâm … ngoại trừ bọn tôi ….thằng Tí một “băng nhí” Cầu Công Lý….chuyên đi phá làng phá xóm !

Dù gì thì gì, những ngôi nhà to ngói đỏ rêu phong thường bị bấm chuông ….phá giấc ngủ trưa , thì đây vẫn là nguồn cảm hứng vô tận cho hàng tỉ câu chuyện mê ly rùng rợn bọn tôi “bịa” ra…. truyền miệng cho đám nhóc mỗi khi vào buổi tối cả xóm bị cúp điện, không có TV “công cộng” của Chú Tư, Thím Sáu để coi …ké !

Chỉ cách những tòa dinh thự ấy vài trăm mét là một xóm lao động nghèo, suốt ngày văng vẳng tiếng đàn kìm, đàn bầu hòa cùng tiếng ca vọng cổ đầy “tâm sự” và buồn da diết, bên cạnh đó là những ” truyền thuyết” ….về thế giới xã hôi đen, về những tay “anh hùng” du đãng như : Đại Cathay, Hùng James Dean hay Minh Cầu muối, Dũng Đakao… trong tiểu thuyết đường phố của Duyên Anh thấm đẫm mùi dao búa

 Saigon – Thành phố không ngủ

Đúng vậy, Saigon không bao giờ ngủ. Khoảng 9, 10 giờ đêm là các vũ trường bắt đầu hoạt động. Dân nhà giàu tí tởn hẹn hò . Khuya hơn nữa thì ” Ca Ve” Ca Nhạc Sĩ, Taxi , Cyclo máy.. tràn về các quán cơm tấm, mì gõ để ” đá đèn” (ăn đêm). Bọn ” dân quậy” bao gồm lũ nhóc mới lớn lẫn dân giang hồ thứ thiệt cũng tham gia nhậu nhẹt la hét đến 3, 4 giờ ……

Gà gáy sáng, khi lũ “dân chơi” đã phê hết cỡ ….mệt lử.. lũ lượt ra về, thì dân lao động bắt đầu một ngày mới. Tiếng Xích lô máy , ba gác máy nổ pành pành giòn tan quen thuộc hối hả chở rau chở thịt ra chợ bán. Mấy cái lò bánh mì vội vã nắn bột , đốt lò, nướng bánh mì ….”hương buổi sáng” của bánh croissant , sandwich thơm lừng lan tỏa … cả khu phố. Mấy chị bán cà phê vỉa hè cũng bắt đầu nấu nước, pha cà phê cho những gã xích lô còn lè nhè mới tỉnh ngủ, mắt nhắm, mắt mở….đã lo chuyện….tán gái !

 Saigon “quái chiêu”,

Mấy Bà Saigon lúc nào cũng than vãn thiếu tiền, nhưng không tằn tiện bao giờ ! …..Họ hào hiệp với bản thân và gia đình bè bạn; và luôn tìm được cách kiếm tiền !. Nhiều người bảo tôi rằng dân miền Nam được thiên nhiên ưu đãi, sống hôm nay khỏi lo ngày mai, nên họ sống rộng rãi hơn dân miền Trung và miền Bắc. Có lẽ đúng. Nhưng còn cái gì đó hơn thế nữa ! Kiểu ăn xài “xả láng sáng dzề sớm” , dù nghèo rớt mồng tơi, dường như ăn vào máu của dân Sài Gòn, ăn vào không khí họ thở hàng ngày, ăn cả vào cái văn hóa hổ lốn hẩu xực của họ. Dĩ nhiên để ăn xài thì …..đầu tiên ….phải biết chữ : tiền đâu ?

Đừng tưởng dân Sài Gòn chỉ lo làm ăn …..không đọc sách đọc báo à nhen . Sài Gòn có nguyên cái chợ…. bán sách cũ…. tạp chí thế giới cũ , sách giáo khoa cũ ….truyện chưởng cũ …mà dân ghiền sách ngày nào cũng tới lục tung…. đến nhẵn mặt

 Saigon – Thành phố lãng mạn

Saigon xưa là thế đấy, muôn người muôn mặt, đa dạng vô cùng ! Dù chiến tranh , cuộc sống vẫn sôi nổi cuốn trôi, Saigon vẫn có nhiều thằng mới lớn như tui ,mộng mơ làm thơ, viết truyện dễ thương khôn tả,: vẫn làm ăn tay phải, làm văn nghệ tay trái. Hình ảnh con Thơm cái Thắm hàng me gốc điệp không bao giờ phai nhạt trong mắt bọn con trai Saigon …..
Nhà thơ Bùi Chí Vinh từng “Nhớ” Con gái Saigon như sau :

” Cô gái ơi…. anh nhớ em,
Như con nít ….nhớ…. cà rem vậy mà
Như con dế trống …..đi xa,
Lâu lâu lại nhớ quê nhà …gáy chơi
Con dế thường gáy một hơi,
Còn anh gáy hết … một thời con trai, …! ”

Đến đây tôi chợt nhận ra rằng viết về “một thời để nhớ” , về những kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ thì rất dễ, dễ đến mức cái thằng văn dốt chữ nát như tôi cũng “xổ nho” được vài dòng…..Ổi ” Saigon to hơn nắm tay, cơm dày, không ngọt thơm như ổi đào .”….nhưng giòn tan, cắn một miếng là mát lịm, lại có thể chia cho nhiều người ăn, chấm muối ớt nghe qua là chịu hỏng nổi
Con gái Saigon cũng vậy, nghe qua là chảy nước miếng…..

 (Câu “Ghét dễ sợ luôn à” là một trong những ‘tuyệt chiêu “làm bộ giận ” của con gái Saigon ) Chỉ cần một cái liếc nhẹ, hay cái nguýt sắc lẹm thì bọn Con trai Sài Gòn ….lần sau hổng dám trễ hẹn nữa đâu !

Con gái Saigon thời nào cũng biết cách ăn mặc, đi đứng, Tiền có thể thiếu chứ phong cách tiểu thư thì chẳng thiếu bao giờ. Tiểu thư Saigon xưa …..” không ưỡn ẹo không mè nheo, phóng xe vèo vèo ..tan nát tim tui ” ! Giọng nàng ngọt hơn mía lùi. Cái câu “hổng chịu đâu” chu chu cái mỏ…..dân xứ khác mà nói thì ngứa lỗ nhĩ, nghe con gái Saigon nói… thì bọn tui như bong bóng xì hơi, biểu cái gì cũng nghe ráo trọi . Con gái Saigon mềm mỏng và lãng mạn chẳng kém ai, nhưng cũng sẵn sàng ….”cứng giọng” :
“Được thì được hổng được thì thôi, ……làm gì …dzữ dzậy !”

Saigon là vậy đó, ít nhất là từ cái nhìn của Tèo . Saigon dễ thương khôn tả, Con gái thì chân chất bao dung, Con trai thì dễ chơi và rất hào phóng….!
…Còn đòi hỏi gì nữa ? ! …..hả Tèo

 

Theo Dân Nhập Cư ( FB Dan Saigon Xưa)

SÀI GÒN TỬ TẾ

 

 

 


 

Có hôm gặp bạn cũ, chuyện trò quên thời gian, đến lúc quán dọn dẹp, mới hay trời đã khuya, vội chia tay bạn bè, hẹn ngày sau gặp lại.

Trên đường về, bụng chợt cồn cào, đảo mắt nhìn quanh xem có gì ăn đỡ. Xa xa, thấp thoáng một xe đẩy bán thức ăn, phản chiếu qua ánh đèn. Đến gần, thì đó là xe cháo lòng với dăm ba bàn ghế tuềnh toàng, cùng vài thực khách.

Mình tấp vào, làm vội tô cháo. Xong, định kêu tính tiền để về, thì lúc ấy có anh trung niên chạy xe tới, ngừng trước xe cháo, đá chống rồi tiến đến vợ chồng chủ xe.

Anh cảm ơn cô dzí chú nhiều nghen, cho anh gởi thêm tiền. Anh đi làm về trễ, nghe con anh nói lại, nên đến đây liền.

* Dạ, không có gì đâu anh, con nít mà, đói thì ăn chứ có quan tâm đến giá cả gì đâu, cho cháu ăn như cho con em ăn vậy mà.

– Biết vậy, nhưng anh vẫn cảm ơn cô chú đã giúp con anh. Sau nầy, bé có ghé ăn, cô chú cứ bán, anh hứa gởi trả tiền đầy đủ.

* Dạ.

Ba người trao đổi qua lại với “dạ”, “cảm ơn” đặc sản của Người Sài Gòn xưa, mình lắng nghe với nhiều thích thú.

Anh trung niên ra về, mình tính hỏi cho biết chuyện, thì chị chủ xe cháo tiến đến phân trần:

* Hồi chiều con bé đi học về, đói bụng ghé vào ăn, rồi đưa năm ngàn, em vẫn vui vẻ lấy, giờ ba nó ghé trả thêm.

Tận mắt chứng kiến và nghe đối đáp, mình thấy rộn ràng trong bụng, có một cái gì đó tự hào khe khẽ len vào. Một bên cảm thông, phóng khoáng, giúp người không hề so đo tính toán. Một bên tử tế, biết phải quấy, mặc dù trời khuya lắt khuya lơ, vẫn tìm đến nói lời cảm ơn với người đã giúp con mình.

Xe cháo đêm hôm ấy xực nức mùi thơm, mùi thơm của cháo hòa quyện cùng mùi thơm tình người và sự tử tế của Người Sài Gòn.

Cho dẫu năm tháng có qua đi, Sài Gòn với biết bao vật đổi sao dời! thì lòng tử tế của người Sài Gòn vẫn không hề phai nhạt với thời gian.

 

Theo Trần Khắc Tường (đăng trên TÔI YÊU SÀI GÒN XƯA TRƯỚC 1975)

304Đen – Llttm -dsg

No comments: