Wednesday, September 28, 2022

Trên Dốc Mơ Thu Về - Thuyên Huy

 Trên Dốc Mơ Thu Về

Nhớ con dốc Bông Trang quê xưa mà nhớ người

 













Ngựa chở thu về trên dốc mơ

Vàng rơi lá trải phố đôi bờ

Dìu dặt bên sông bài ca cũ

Bến vắng khách chờ thu ngẫn ngơ

 

Thấp thoáng cuối đường bóng dáng xưa

Cũng đôi tà mỏng gió thu đưa

Chân ở chân đi chân ngượng ngập

Người qua hỏi khẻ biết thương chưa

 

Ngựa chở thu về chở cả thơ

Bài thơ người viết tặng người mơ

Nắn nót chữ tình chưa trọn nét

Mộng mơ đã chết tự bao giờ

 

Thu xót xa sầu đếm lá rơi

Thương cho một kiếp mọn xa đời

Ngựa thẩn thơ chùng chân bước mỏi

Dốc mơ người đứng đó buông xuôi

 

Thuyên Huy

Geelong 2022

Hột Mận Của Lan Khai - Nguyễn Vỹ

 

HỘT MẬN CỦA LAN KHAI

 

Một trích đoạn trong cuốn “Văn thi sĩ tiền chiến” của Nguyễn Vỹ do nhà sách Khai Trí xuất bản, viết về Lan Khai, có biệt danh là văn sĩ “đường rừng”.
Chị Lan Khai (thứ hai) bảo tôi: 
– Cái ông Lan Khai nhà tôi, anh phải biết! 

Nguyễn Vỹ

 


 Biết thế nào? Lan khai cười hỏi lại vợ. 

Thế nào, thì cậu biết chứ! (1) 

Chị Lan Khai cầm quyển sách lên xem lại. Rồi chị lại bỏ sách xuống, ngó tôi và tủm tỉm cười: 

  Nhà tôi thì khoái các cô ấy lắm, anh à. Lan Khai cười rủ lên. Tiếng anh ấy cười khàn khà mà rất lẳng. Đôi mắt anh lại còn cười nhiều hơn cái miệng nữa. Cười ra tận hai đuôi mắt, cười dài đến hai mang tai. Anh bảo tôi: 

– Này, anh Vỹ à, tôi hỏi anh nhá: Mình viết truyện đường rừng cho nữ độc giả xem. Họ xem rồi họ viết thư về khen mình, thì mình làm thế nào? 

Tôi cười: 

– Thì mình khen lại họ.

– Còn như họ yêu mình?

– Thì mình yêu lại họ. 

Lan Khai cười hả hả, đứng dậy nghiêng mình chồm qua bàn, chìa bàn tay xương đến tôi: 

– Tôi bắt tay anh một cái. Bravo! 

Quay sang chị Lan Khai ngồi trên bục gỗ, nhà văn đường rừng đắc chí, bảo vợ: 

– Đấy mợ nghe không?Anh Vỹ bảo thế đấy.(1) Tôi phải đính chánh ngay: 

– Tôi bảo cho anh, chứ không phải cho tôi. Tôi thì, chẳng yêu ai cả, 

Chị Lan Khai cãi lại rất duyên dáng: 

– Anh Vỹ thì chắc có nhiều người yêu, chứ cậu thì có ma nó yêu cậu! 

Lan Khai cười rũ rượi: 

   Phải đấy, trước nhất đã có ma… femme yêu tớ, rồi đến ma chère X… ma chère Y… một tá “ma”, chi vì họ mê tiểu thuyết đường rừng của tớ, nhất là quyền “Hột Mận”. 

Quay lại tôi, Lan Khai ngó tôi với đôi mắt cười ranh mảnh dưới cặp kiếng cận thị: 

– Vỹ, toa đọc quyển “Hột Mận” của moa chưa?

 – Chưa!

– Sao toa không đọc? 

– Moa đợi cho tất cả các cô nữ độc giả thân yêu của toa đọc hết, xong rồi moa mới đọc. 

– Gớm! Anh nịnh đầm vừa vừa chứ! Anh lười đọc rồi anh khéo bào chữa lắm. Tôi bảo anh hôm nay hãy đọc quyển ấy nhé. Đọc xong chính anh cũng sẽ mê tôi, chứ đừng nói là các cô ấy. 

– Sao anh đặt tên sách là “Hột Mận”? 

– Ấy thế mới hay! Thế mới có khối các cô mê Hột Mận của tớ đấy, cậu à. Hôm nay về cậu phải xem nhé? 

 

Tôi cười, không hứa. Mãi đến nay, nằm trên giường viết bài Hồi Ký này, tôi vẫn chưa đọc quyền “Hột Mận” của anh bạn “Đường rừng”. 

*

Ba hôm sau, Lan Khai gặp tôi. Anh không bắt tay tôi như mọi lần. Anh cười, thò tay vào túi áo, lấy ra một bao thư, đưa tôi: 

– Toa đọc đi!   

– Thư của anh mà.., 

– Toa cứ đọc đi. Moa chỉ xin toa một điều là giữ kín hộ moa nhé! Đừng bảo cho ma femme biết. 

Tôi xem qua nét chữ ngoài phong bì: nét chữ của một cô gái. Bao thư xanh, đóng dấu nhà dây thép Hà Nội. 

Thưa ông Lan Khai,

Tác giả quyển “HỘT MẬN”. 

Em xin gửi lời thành thật hoan nghênh tất cả các quyển truyện đường rừng của ông. Riêng quyển Hột Mận, ông vừa xuất bản, thật là một kiệt tác. Em ao ước được hân hạnh gặp ông để tỏ lòng ái mộ của em. Vậy, nếu ông không bận gì, thì 8 giờ tối thứ Bảy tuần này, xin ông vui lòng quá bộ đến Hồ Trúc Bạch, khỏi chùa Trấn Quốc một tí. Em sẽ chờ ông tại đấy. 

Thưa ông, ông sẽ trông thấy một thiếu nữ 18 tuổi, đứng chờ ông bên gốc cây, mặc áo màu bordeaux, tay cầm quyển Hột Mận. Em đấy ông ạ. Em sẽ đến đâu đúng 8 giờ, là lúc vắng người. Nếu quá 8 giờ 30 ông không lại, thì chắc là ông bận việc, em sẽ đi về. 

Trời! Em ước mong sao được gặp nhà văn tài hoa mà em thường mơ tưởng! 

Em xin dừng bút nơi đây với tất cả hy vọng tốt đẹp ngập tràn trề lòng em. – Bella Nhung. 

Tôi trao thư lại Lan Khai. Anh ta cười khoái trá: 

  Nàng có chữ ký đẹp quá nhỉ. Toa xem chữ ký giỏi lắm và xem tướng số được, toa hãy xem hộ moa chữ ký ấy đi. Rồi hôm nào moa giới thiệu nàng cho toa đề nhờ toa xem tướng hộ nhé. 

– Chữ ký cô nầy… lãng mạn.

– Thế thôi à?  Cô này 18 tuổi.

– Trong thư nàng có nói.

– Thế thôi, hết.

– Người tính tình thế nào chứ? 

– Vui vẻ, trẻ trung. Người mập chứ không gầy, (vì nét chữ mập), đẹp chứ không xấu, nét chữ bay bướm… 

  Cậu thật là…! 

– Thật đấy mà. Nếu tối thứ Bảy anh gặp cô nào xấu chứ không đẹp, thì chắc là không phải cô Bella Nhung. Hoặc cô nào gầy chứ không mập, cũng không phải… Gặp gỡ như thế nào, rồi nói chuyện lại cho tớ nghe với nhé. 

– Toa đừng cho ma femme biết, nghe chưa?

 – Khỏi dặn. 

Lan Khai chải tóc láng mướt. Chàng đã thắt cra-vát màu đỏ, mới tinh, vừa mua lúc chiều. Quen lệ, chải tóc xong là chàng đánh phấn. Chàng có tật đánh phấn như đàn bà, vì da mặt hơi ngăm ngăm đen, và đã có vết nhăn. Tôi nhớ năm ấy chàng đã lớn tuổi hơn tôi nhiều lắm, vả lại chàng bị bịnh ghiền thuốc phiện, cho nên mau già. Người gầy còm, lại dong dỏng cao, môi thâm. Nói thật, người không đẹp. Chàng đánh phấn phớt qua một lớp mỏng thôi mà chỉ đánh ban đêm. Chàng rưới nước hoa, diện quần áo tây mới may, đi giày tây đen, bóng lộn. Xong ngó đồng hồ 8 giờ kém 5, chàng ra gọi xe kéo. 

Chàng khấp khởi mừng vì chị Lan Khai đi vắng, chàng khỏi phải nói dối vợ. 

Đến trước cổng chùa Trấn Quốc, Lan Khai trả tiền xe, rồi đi bộ một quãng đường trên đê hồ Trúc Bạch. Chàng hồi hộp mừng thầm, xa xa, dưới bóng cây chàng đi thấy bóng “nàng”. 

Chàng nghĩ thầm: “Ta sẽ nắm tay nàng, và nhoẻn một nụ cười duyên…” Nàng chưa thấy chàng, vì nàng quay lưng ra đường đê, đang đứng mơ màng ngó mặt nước hồ phẳng lặng, phản chiếu một vòm trời lóng lánh muôn sao. Gió mát lạ! 

Chàng có ý đi mạnh, cho nàng nghe tiếng giày để nàng quay mặt ra. Chàng đã biết đích là nàng, vì dưới ánh điện lờ mờ chàng đã phân biệt màu áo bordeaux và tay nàng đang cầm quyền “Hột Mận”, như đã dặn kỹ trong thư. 

Chàng đi nhè nhẹ đến gần… Tuy chàng chưa thấy mặt, nhưng dưới ánh đèn điện lờ mờ, bóng nàng uyển chuyển thướt tha tuyệt đẹp. 

Chàng đến sát bên cạnh, nghĩ rằng nàng mắc cỡ, nên chàng đánh bạo đặt bàn tay dịu dàng trên vai nàng, và giọng nói run run cảm động: 

– Em Bella Nhung?

 Nàng quay lại. 

Lan Khai hoảng hốt, biến sắc mặt ngay, bỗng giận dữ hét lên: 

– Mợđứng chờ ai đây?

Nàng chính là… vợ Lan Khai, mỉm cười ngạo nghễ:

– Thưa ông, em chờ ông Lan Khai , tác giả Hột Mận ạ.

– Mợ đánh lừa tôi hả? 

Lan Khai giận run cả người lên, nghẹn miệng nói không được nữa. Chàng bỏ vợ đấy, đi thật nhanh ra đường Quan Thánh gọi xe về nhà. Chị Lan Khai mỉm cười đắc chí, đủng đỉnh theo sau. 

– Ai viết hộ thư cho mợ? Chứ nét chữ đâu phải của mợ? 

– Nét chữ của con Mão đấy.

– Con Mão nào? 

– Cháu của cậu, con gái của chị Phán, cậu không biết à? Tôi đọc cho nó viết đấy. Tôi phải năn nỉ mãi nó mới chịu viết đấy. 

– Mợ mặc áo màu bordeaux của ai? 

– Áo cũng của con Mão chớ còn của ai nữa. Mợ chơi xỏ tôi làm gì thế? 

– Để cho cậu một bài học về Hột Mận đấy, cậu à! Quả mận chua lắm phải không cậu? 

Lan Khai làm thinh, mãi ba tháng không nói với vợ một tiếng.

Nguyễn Vỹ

(1) Vợ chồng Lan Khai gọi nhau bằng cậu mợ. 

304Đen – llttm - sgtc

 

 

Kiếm Pháp Phù Du Của Người Điên - (Phần 2) - Fujisawa Shuhei

Kiếm Pháp Phù Du Của Người Điên

Phần 2 



2

Tiếng đồn rằng Sahashi Hannojo có những hành trạng quái gở bắt đầu loan truyền rộng rãi từ khi tuyết tan, những cây anh đào ven hào thành bắt đầu nẩy chồi non bụ bẫm. Nghe đâu anh ta vào thành làm việc mà suốt ngày cứ lơ mơ ngủ gật, hay đem theo đến hai khối cơm nắm to bằng đầu đứa con nít, chưa đến trưa mà đã ngang nhiên giở ra ăn nhồm nhoàm. Có hôm trên đường vào thành, thấy dưới chân cầu Yoroibashi có người ăn mày, anh ta đến trước mặt người ta, cứ đứng khoanh tay nhìn suốt cả nửa ngày như thế. Hoặc một đêm khuya, người đi tuần trong thành đến nơi làm việc của tổ Kỵ binh thì phát hiện ra Hannojo đang ngồi Thiền im lìm trong bóng tối.

Phía thượng nguồn sông Gomagawa có một đồng cỏ chưa khai khẩn, khoảng giữa đồng cỏ ấy có con sông nhỏ, dòng nước nông chảy vào dòng chính Gomagawa, hai bên bờ đã bắt đầu phủ cỏ tươi xanh. Lẫn trong đám cỏ non, đây đó điểm vài hoa cỏ tươi nở.

“Những lời đồn đại ấy đều là bịa đặt cả, phải không anh?”. Cô Otoe hỏi. Không nghe tiếng trả lời, cô quay lại thì thấy Hannojo nằm dang tay dang chân trên cỏ. “Anh có nghe em vừa nói gì đấy không?”.

“Hả? Em vừa nói gì thế?”

“Lời người ta đồn đại rằng anh Hannojo làm những chuyện quái gở trong thành đấy”.

“Có làm chuyện quái gở gì đâu!”.

“Chứ người trong võ đường cũng bảo là sắp đến mùa cây cối đâm chồi thì đầu óc Hannojo xem chừng điên loạn lên đấy thôi!”.

“Ha ha ha! Chẳng làm sao mà đóng cửa miệng thiên hạ được. Cứ để cho họ nói”.

Otoe từ bờ sông khoan thai bước trở lại chỗ Hannojo. Cô mới 16 tuổi. Thân hình thon nhỏ, lời nói cũng còn nét ngây thơ của một thiếu nữ. Dù vậy, khoảng ngực và hông đã nẩy nở tự nhiên nét yêu kiều của người con gái xuân thì, như nụ hoa sắp bừng nở. Vẻ quyến rũ e ấp ấy ép nghẹn con tim Hannojo.

Otoe đến, khép nép quỳ gối xuống bên Hannojo. “Em không muốn lên Edo đâu!”.

“Nhưng mà, mệnh lệnh của phiên trấn đấy. Không thể làm khác được đâu”.

Otoe im lặng. Cô đã nghe lời Hannojo bảo cùng ra đồng cỏ này chơi mà nói chuyện, nên đã ra đây.

Hannojo nhỏm dậy, ngồi ôm đầu gối. Ðây đó có dáng người bứt cỏ chơi. Không thấy có cặp trai gái trẻ nào như bọn anh, nhưng đám các cô đi chung hoặc phụ nữ dắt trẻ con theo thì nhiều. Ðằng xa có dáng người đàn ông lẻ loi, chỉ đeo thanh kiếm ngắn, có vẻ là một cụ già đang đi tìm vần thơ, lững thững tản bộ bên sông. Nắng ấm chan hoà trên mọi người, mặt nước của dòng sông nhỏ lấp lánh phản chiếu ánh nắng chói lọi.

“Chỉ cần nói không thể làm khác được là xong chuyện sao anh?”.

“……”

“Ðến cha em cũng bắt đầu bảo là Sahashi đầu óc loạn lên rồi. Cả hai người, xin hãy dẹp những lời nói dối không lừa gạt được ai ấy đi nào!”.

“……”

“Ðể em phải chán nản mà bỏ đi, anh cùng cha em bí mật bàn nhau chuyện giả bộ điên khùng đấy chứ gì! Em không bị lừa đâu nhé”.

“Em đừng nói chuyện vô ích thế”. Hannojo cảm thấy lòng mình đau đớn khôn xiết. Cho dù Otoe có gắng sức đến đâu đi nữa, con đường đưa đến việc hai người thành vợ chồng với nhau thì đã bị đóng chặt lại mất rồi. Otoe không hiểu như thế, vẫn hy vọng còn lối thoát nào đấy khỏi số phận này, khiến anh càng khó chịu đựng nổi.

“Anh lại có thể bình thản mà nói như thế được nhỉ?”. Otoe nói, có chút mai mỉa. “Thế anh có biết là cha em sẽ được cấp 200 hộc, trở thành võ sĩ thuộc hạ của Lãnh Chúa đấy không?”. Hannojo bất giác quay nhìn Otoe đăm đăm. “Tất nhiên là nếu chấp thuận đưa em lên Edo ấy. Cha em mờ mắt vì chuyện này đấy”.

Hannojo nhìn lảng ra đồng cỏ phía xa. Lần đầu tiên anh nghe đến điều này sau lưng câu chuyện ép duyên ấy. Anh có chút cảm giác bực bội sao Tozaemon hoàn toàn chẳng đả động gì về điều ấy với anh cả. Nhưng cũng chẳng phải Tozaemon đã nhắm đến món bổng lộc 200 hộc ấy mà bán con gái cho nhà Lãnh Chúa. Anh hiểu là có kẻ nào khác đã sàm tấu ngăn chận đường nhân duyên của anh với Otoe.

“Em đừng nói thế về cha em chứ!”. Hannojo khuyên Otoe, rồi hỏi: “Trước khi em hứa hôn với anh, đã có nhiều kẻ làm ồn ào lên rồi đấy. Về chuyện ấy, anh nghe nói là đã có người trao thư cho em, hoặc thổ lộ với em gì đấy. Em cho anh biết những người đó là ai, được không?”.

“Ðến nước này rồi, anh còn hỏi những chuyện ấy để làm gì nào?”. Otoe phụng phịu nói.

“Cũng chẳng để làm gì, nhưng có điều làm anh bận tâm”.

“Ngài Hata có trao thư cho em. Thư đầy những lời tán tụng đến tận trời xanh, đọc mà xấu hổ quá”.

Hata à? Có lẽ chẳng phải là hắn. Hannojo nghĩ thầm. Hata Tatsunoshin là kẻ thường lui tới các xóm chơi bời, con trai thứ ba của một nhà võ sĩ hạng thường lãnh lương 80 hộc, chẳng phải là kẻ có thể mon men tới các ghế cao trong giới quyền chức trong thành, cho dù có gắng móc nối cách mấy đi nữa. Cho dù hắn có căm hận bị rẻ rúng mà muốn trả thù bằng cách mách lên Thế tử đi nữa, cũng chẳng có đường dây nào để làm chuyện đó cả.

“Ngoài ra, còn ai nữa không?”.

“Ngài Tsumura có lần đã đón đường em trước cổng nhà. Và ngài Noge đã hai lần nắm tay em đấy. Người đâu mà vô lễ quá!”.

Noge Yujiro! Một tên có bộ mặt ngơ ngáo mà tay thì nhặm lẹ lắm! Còn Tsumura Shichizo, kiếm thuật bết bát mà cũng bày đặt lắm trò! Hắn có người bác làm trưởng tổ, nên có lẽ cũng cần điều tra xem có đúng là hắn không.

“Ngoài ra, không còn ai nữa sao?”

“Còn nhiều người nữa, nhưng không có gì đặc biệt đáng để nhắc lại cả”.

“Thế sau khi hứa hôn với anh rồi, có tên nào nói ra nói vào gì không?”

“Tại sao anh cứ phải hỏi mãi chuyện như thế mà thôi?”

“Bởi có kẻ đã phá nát quan hệ của chúng ta. Anh muốn vạch mặt hắn ra mà cho một trận để đời”.

“Chuyện anh có thể làm cho em, chỉ có thế thôi sao?”. Otoe nói, giọng nhỏ nhẹ. “Có nghĩa là, anh đã đành cam chịu như thế rồi chứ gì?”.

Hannojo im lặng đứng lên. Lời nói của Otoe đâm xuyên qua tim anh, không sao ngồi yên được. Anh nghĩ Otoe cuối cùng đã hiểu ra là không còn cách nào khác hơn là chia tay nhau.

Bước ra đến bờ sông, Hannojo nhìn quanh. Ánh nắng sáng đến chói mắt chiếu khắp cánh đồng cỏ, những người lúc nãy cúi nhặt cỏ đã dời ra xa từ lúc nào rồi, chỉ còn thấy những chiếc bóng nhỏ di động. Vậy mà lòng anh cảm thấy có một màu xám áo não trùm phủ lên khắp khung cảnh ấy, như thể mặt trời đột nhiên bị che khuất. Otoe lên Edo rồi thì mỗi ngày sống của anh sẽ như thế này đây. Hannojo đứng sững, nhìn đăm đăm phong cảnh một màu ảm đạm trải rộng trước mắt. Mất Otoe trở thành nỗi đau xót không sao chịu đựng nổi.

Bây giờ có lẽ cũng chưa muộn chăng? Bất giác, anh nghĩ thế. Chỉ cần quay lại chỗ đã ngồi lúc nãy, ôm chặt lấy tấm thân mảnh dẻ của Otoe mà bảo: anh sẽ không rời xa em, là được. Otoe sẽ mừng rỡ mà nói sẽ theo anh đến góc biển chân trời. Còn chuyện sau này ra sao, chỉ có Trời biết. Nỗi kinh hoàng của ông Miyake Tozaemon, cơn tức giận của Lãnh Chúa,… chắc sẽ kinh khủng lắm.

Hannojo định quay lại nhìn Otoe. Nhưng thân thể anh cứng đờ, không động đậy gì được. Như có kẻ nào ghì chặt anh lại, không cho quay đầu về phía sau. Hannojo hoang mang, tâm thần phiêu lạc mất. Chợt cảm thấy như có ai đẩy lưng anh tới trước thật mạnh đến nỗi anh phải nhảy chồm tới. Cú nhảy khinh khoái dễ dàng. Nghe “ùm” một tiếng nước tung toé, Hannojo đã đứng trong dòng sông. Phong cảnh chung quanh anh đã có lại vẻ tươi sáng cũ.

“Anh sao thế?”. Otoe hốt hoảng chạy đến, thấy Hannojo đang đứng giữa sông, nước ngập đến đầu gối. Cô hỏi, có phần ngao ngán.

Hannojo ngẩng mặt xanh xám nhìn lên cô. “Vì sao thì anh cũng chẳng hiểu”.

“Anh thấy có con cá lớn nào đấy chứ gì?”. Vừa dang tay ra, Otoe vừa nói, điềm nhiên: “Có lẽ anh định chứng tỏ cho em thấy là anh điên khùng như người ta đồn đại đấy, nhưng chỉ vô ích thôi. Em không tin đâu. Nào, bước lên đi anh”.

Hannojo định cãi: không phải thế đâu, nhưng rồi ngậm miệng lại. Anh cảm thấy hơi hoảng sợ. Giả điên một hồi thì không chừng hoá thành điên thật mất. Ðã 2, 3 lần rồi, Hannojo đã thoáng thấy chỉ một chút xíu nữa là anh vượt qua bên kia biên giới giữa sự giả điên và sự điên loạn thật sự. Tất nhiên anh đã lập tức gượng lại được để không vượt qua bên kia. Nhưng anh hiểu, đã một lần nhìn thấy thế giới bên kia mất rồi thì lần sau, tiến lại gần đấy, lòng anh sẽ bị thu hút vào đấy, không cưỡng lại được nữa. Lúc nhìn thấy như thế, thân người anh nẩy ngược, lùi lại, hay ghì chân đứng khựng lại một hồi, lòng anh rúng động vì đã đùa giỡn với nguy hiểm trong chuyện giả bộ làm người điên, chỉ còn cách thế giới điên loạn thật sự một khoảng chỉ chừng một tờ giấy mỏng. Thế nhưng, mới lúc nãy đây thì khác. Chỉ trong một thoáng thôi, cảm giác vượt qua hàng rào, chân bị kéo tuột qua phía thế giới bên kia, còn lưu lại kinh hoàng trong lòng anh. Anh nhớ lại lời Tozaemon bảo “đùa giỡn chuyện điên khùng thì không nên“. Phải đề phòng mới được! Anh tự dặn mình. Nhưng đã đến nước này rồi thì cũng không thể ngừng chuyện giả điên được nữa. Vừa nghĩ thế, Hannojo vừa nương cánh tay của Otoe mà bước lên bờ nước.

Fujisawa Shuhei

Nguyên tác: Yokyoken - kagero

(Còn tiếp phần 3)

Ông Bà Bút Trà Và Báo Sài Gòn Mới - Nguyễn Ngọc Chính

 

ÔNG BÀ BÚT TRÀ VÀ BÁO “SÀIGÒN MỚI”





 

 

“Sàigòn Mới” trong suốt 30 năm không ngừng phát triển, ấn bản có lúc lên đến 100.000 với sự hợp tác của nhiều nhà văn, nhà báo có tiếng như Bà Tùng Long, Bình Nguyên Lộc, Hoàng Hải Thủy, Nguyễn Vỹ, Dương Hà, Trọng Nguyên… Ngoài ra còn có các thân hữu của ông Bút Trà như các nhà thơ Đông Hồ, Vũ Hoàng Chương, Bàng Bá Lân…

Nguyễn Ngọc Chính

 

Trước 1975, làng báo Sài Gòn có nhiều chuyện lạ, phải nói là hi hữu mới đúng. Hồi đó có tới 3 ông làm văn, làm báo có cùng họ, cùng tên và ngay cả tên đệm: Nguyễn Đức Nhuận.

    Ông Nhuận thứ nhất sinh năm 1900 và chết năm 1968 là chủ nhiệm tuần báo “Phụ nữ Tân văn”, tờ báo với phương châm “Phấn son tô điểm sơn hà, làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam”.

    Ông thứ hai, cũng là Nguyễn Đức Nhuận (1901 – 1970), bút hiệu Phú Đức, với khoảng hơn 70 tiểu thuyết thiên về trinh thám võ hiệp, ăn khách nhất là các cuốn “Châu về hợp phố” (1926) và “Lửa lòng” (1929).

    Thứ ba là nhà báo, nhà thơ Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận (1900 – 1982), sinh quán Quảng Ngãi; nguyên quán Quảng Nam. Ông chọn bút danh Bút Trà là để nhớ đến núi Thiên Bút và sông Trà Khúc ở tỉnh Quảng Ngãi.

    Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận có bài thơ khóc đồng nghiệp cùng tên họ với mình là nhà văn Phú Đức Nguyễn Đức Nhuận khi ông qua đời:

“Cùng họ, cùng tên lại một nghề,
Cùng trong tòa soạn thưở nào hê?
Bốn mươi năm trước còn ghi dấu!
Bẩy chục xuân nay đã vội về.”
Vắng bạn văn đàn trông thấy thiếu,
Có mình thế giới tưởng như dư.
“Lửa lòng, “Hiệp phố” lần tay giở,
Sách đó, người đâu? luống não nề!”

    Đến khi gặp “người yêu”, ông Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận cũng có một bài thơ kỷ niệm:

“Từ ngày gặp được em
Muôn sắc màu hoa gấm
Muôn đường tơ tươi thắm
Cùng hòa nhịp đôi tim.”
“Từ ngày gặp được em:
Đời càng thấy yêu thêm
Những khi em vắng mặt

Là lúc đời tẻ ngắt!”
“Từ ngày gặp được em:
Thấm thoát đã ba năm
Giấc điệp mơ màng đủ…
Một ngàn tám chục đêm!”
“Từ ngày gặp được em:
Năm, tháng trong mong đợi
Nay xuân đã về tới…
Đâu những phút êm đềm?!”

“Người yêu” của nhà thơ là Tô Thị Thân, mà sau này người ta thường gọi là Bà Bút Trà khi hai người thành gia thất. Chồng trước của bà Thân là một thương gia người Hoa, thường được gọi là “Chú Xồi”, điều hành 20 tiệm cầm đồ.

    Cơ duyên run rủi và cũng do thời cuộc đẩy đưa, báo chí ở Sài Gòn lúc đó đang cạn đề tài giựt gân ăn khách nên họ moi óc tìm chuyện để khuấy động người đọc. Rất nhiều tờ báo đua nhau phê phán các tiệm cầm đồ với lý do “tiệm cầm đồ hút máu dân nghèo”. Và vợ của “Chú Xồi” vào cuộc.

    Khi người ta chế diễu bà là “Thím Xồi”, bà đáp lại: “Ừ, tôi tên là thím Xồi thì đã sao kia chớ? Thím ấy có làm hại xã hội bằng những bài vở khiêu dâm chăng? Có nêu gương đồi phong bại tục chăng?”.

    Khi các báo xoay qua chê trách bà làm nghề cầm đồ, bà đáp thẳng thừng, “Hàng ngàn người khác cho vay cắt cổ, sao cứ bà họ Tô mà chửi?”

    Số trời đã định nên “Thím Xồi” mới bước vào làng báo trong việc “thương thuyết” với báo Công Luận (tờ báo tấn công các tiệm cầm đồ mạnh nhất). Khi đó, ông Phú Đức Nguyễn Đức Nhuận làm chủ nhiệm và nhà thơ Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận thư ký tòa soạn.

    Ông Bút Trà tiếp bà Tô Thị Thân để “nói chuyện phải trái” tại tòa soạn báo và sau này, chuyện “không tưởng” lại trở thành “sự thật” khi “Thím Xồi” trở thành “Bà Bút Trà” sau khi ly dị với “Chú Xồi”.

    Trong “Hồi ký văn nghệ”, nhà văn Bình Nguyên Lộc viết về cuộc tình giữa hai “Ông Bà Bút Trà” có sự “đóng góp” của ông, khi đó mới 17 tuổi!

    Một hôm, bà Tô Thị Thân kêu ông Tô Văn Giỏi là kế toán của bà: “Em Giỏi nè, em có biết ông nào viết nhựt trình thật giỏi, mà ăn lương rẻ hay không?… Chị muốn lập ra một tờ nhựt trình để chửi lại cái tụi đã chửi chị”.

    Ông Giỏi lại không hề quen một ký giả nào hết nên tìm đến người em bà con là Tô Văn Tuấn (tên thật của nhà văn Bình Nguyên Lộc), đang là học sinh trường Petrus Ký vì ông biết thằng em mình vì ham văn chương, chắc quen với một số nhà văn, nhà thơ nên nhờ Tuấn giới thiệu giùm.

    Cậu học sinh 17 tuổi trình bày yêu cầu của Bà Thân và ông Bút Trà đồng ý gặp. Hóa ra anh chàng Tuấn lại là cầu nối giới thiệu ông Bút Trà cho ông Giỏi và sau cùng là cuộc hội ngộ của Ông và Bà Bút Trà để tạo ra một “câu chuyện có một không hai” trong làng báo Sài Gòn xưa!

    Bình Nguyên Lộc viết: “Có thể nói mà không sợ sai là chính tôi đã tạo ra bà Bút Trà. Và ngược lại chính bà Bút Trà đã tạo ra Bình Nguyên Lộc. Duyên văn là như thế. Bà họ Tô ấy quả đã có công thật lớn với kẻ họ Tô là tôi đây”.

    Về nhan sắc, ông mô tả: “Bà là người đàn bà Việt Nam thuộc vào hạng phụ nữ Việt Nam cao lớn nhứt nước. Bà có đẹp hay không vào thuở đó? Tôi bảo đảm là bà ấy rất đẹp. Nhưng tình trạng giàu có của bà với lại sắc đẹp của bà thật ra chẳng có gì đáng kể đối với tài tháo vác của bà…”

    Báo “Sài Thành” (1932) đổi tên thành “Sài Gòn” (1933) rồi lại thành “Sàigòn Mới” kéo dài hơn nửa thế kỷ. Bà Bút Trà Tô Thị Thân một tay quán xuyến cơ đồ, dù ít học mà cũng chẳng có kinh nghiệm làm báo. Ông Bút Trà thực ra không làm gì khác ngoài nhiệm vụ “làm chồng” và làm thơ Đường!

          Ông Bà Bút Trà còn có 2 tờ báo khác là “Phụ nữ Diễn Đàn” và “Phụ nữ Ngày Mai” giao cho 2 người con là Nguyễn Đức Chiến (Hai Chiến) và Nguyễn Đức Khiết (Sáu Khiết) trông coi. Hai tờ báo này rất được độc giả là nữ giới yêu thích.

    Cả 3 tờ báo còn có những sáng kiến tạo ra những tiết mục đặc biệt rất hấp dẫn người đọc. Mục “Gỡ rối tơ lòng” do Bà Tùng Long phụ trách, “Giải đáp pháp luật” do luật sư của báo đảm nhận và “Giải đáp y tế” giúp người đọc hiểu biết về sức khỏe của mình.

    Riêng tiết mục “Vận số trong tuần” do vị sư sáng lập Tam Tống Miếu và cũng là người anh thứ ba của Bà Bút Trà tiên đoán vận số theo tuổi tác. “Sàigòn Mới” còn độc quyền phát hành lịch Tam Tống Miếu trên toàn quốc.

    Ông Bút Trà cũng tham gia hoạt động xã hội như là sáng lập viên Hội Ái hữu Trung Việt còn Bà Bút Trà cũng là Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam. Phong trào Phụ nữ Liên Đới của bà Ngô Đình Nhu được thành lập để ủng hộ chính quyền sau vụ “đảo chính hụt” vào cuối năm 1960, Hội Phụ nữ Việt Nam phải sáp nhập vào Phụ nữ Liên Đới.

    Sự thành công của Ông Bà Bút Trà không ít thì nhiều cũng gây ra sự ghanh tị trong cạnh tranh nghề nghiệp với các báo khác. Họ tìm đủ cách để triệt hạ một khi thấy báo có sơ suất. Chẳng hạn như tin “giựt gân” về chuyện “người lấy khỉ” ở Cà Mau đăng trên “Sàigòn Mới”. Các báo khác thi nhau gọi đây là một tin thuộc loại “lá cải”, câu khách.

    Sau cuộc đảo chính năm 1963 tờ báo phải đình bản một thời gian vì bị kết tội “thân với chế độ của Tổng thống Ngô Đình Diệm”. Đến năm 1972 “Sàigòn Mới” phải đình bản hẳn khi có luật báo chí quy định các chủ báo phải ký quỹ 20 triệu đồng.

    Sau năm 1975, rạp chiếu bóng Kim Châu (mang tên của người con gái lớn) bị nhà nước quản lý vì gia đình có liên quan đến 3 diện: vừa là nhà báo lại vừa là tư sản, gia đình lại có con là sĩ quan cao cấp thuộc chế độ cũ. Bà Bút Trà mất năm 1979, thọ 76 tuổi, hai năm sau, ông qua đời, hưởng thọ 76 tuổi.

    Nhà văn Hoàng Hải Thủy với 50 năm trong nghề báo, nhắc đến cả hai ông bà với những dòng tưởng niệm thật cảm động:

    “… Tôi đã làm việc với khoảng trên dưới 10 chủ báo, chỉ có ông bà Bút Trà được tôi coi như chủ nhân của tôi. Trong suốt 9 năm trời tôi không một lần thấy bà xẳng giọng với nhân viên, bà không rầy la nhân viên trước mặt đồng nghiệp của anh ta, bà cũng chẳng bao giờ than phiền một nhân viên nào làm việc bê bối với người trong tòa soạn, cần nói gì bà mời riêng nói chuyện…”

    Đó là điều chứng tỏ sự thành công của báo “Sàigòn Mới” nói chung và Ông Bà Bút Trà nói riêng. Nói rộng ra, tờ báo đã có tác dụng hơn cả Bộ Giáo dục trong việc phổ biến văn hóa đọc trong mọi tầng lớp dân chúng miền Nam.

    Thành quả này đã biểu hiện rõ ràng nếu đem so sánh trình độ dân trí và ý thức dân chủ của người dân của hai miền Nam-Bắc.

Nguyễn Ngọc Chính

304Đen – llttm -sgtc