CHUYỆN CHÚ A TỶ VÀ TIỂU THANH
Hồi mới vô
Sài Gòn, tôi thuê căn nhà nhỏ trên kênh Nhiêu Lộc ở cùng với mấy người bạn. Đầu
hẻm ở mặt tiền đường có một tiệm tạp hoá của một gia đình người Hoa. Có người
gọi là tiệm chạp phô. Chắc là gọi theo tiếng Quảng.
Chủ tiệm là một người đàn ông trung niên, lúc nào cũng mặc chiếc áo thun ba lỗ
với cái quần chỉ ngắn đến đầu gối. Chú đi chiếc xe Honda Dame màu đỏ, loại bán
cho quân nhân hồi xe Honda mới nhập vào miền Nam. Có hai lý do mà đám sinh viên
chúng tôi để ý đến tiệm tạp hoá này. Thứ nhất tiệm này cần mua gì cũng có, bán
giá rẻ hơn nơi khác, dù chỉ vài đồng, nhưng sinh viên nghèo mà, rẻ hơn đồng nào
đỡ đồng đó. Tiệm lại luôn mở cửa để bán hàng cho khách. Nhiều lần đi chơi đêm
về khuya lắc lơ, muốn mua mấy gói mì hay chai bia con cọp, đập cửa rầm rầm, chú
vẫn vui vẻ mở cửa bán hàng. Thứ hai là chú có cô con gái khá dễ thương. Tóc bím
hai bên, da trắng hồng, lại hay mặc áo cắt theo kiểu người Hoa, nhìn ngộ lắm.
Cô bé chắc nhỏ hơn tụi tôi vài tuổi. Thằng nào đi đâu về trước khi vào hẻm cũng
liếc vào xem cô bé có ở tiệm không, dù chưa đứa nào tán được cô bé một câu. Chú
tên A Tỷ, cô bé tên Tiểu Thanh. Biết tên cô bé là do công của tôi. Một lần vào
tiệm mua đồ, chú A Tỷ lấy hàng, cô bé ngồi học bài ở gần kệ thu tiền, tôi thấy
trên nhãn vở đề tên Tiểu Thanh bằng tiếng Hoa. Tôi là dân học Việt Hán, hai chữ
này cũng dễ đọc nên tôi đọc được ngay. Tôi hỏi: Em tên Tiểu Thanh à? Cô bé
ngước lên nhìn tôi, đôi mắt tròn xoe ngạc nhiên, cười rồi lại cúi xuống không
trả lời. Chú A Tỷ đưa hàng, tôi không có lý do gì nán lại đành đi về. Về nhà,
tôi nổ với mấy đứa cùng phòng là đã nói chuyện được với cô bé, biết được tên cô
bé, mấy đứa phục tôi lắm.
Chú A Tỷ cũng được mọi người chung quanh và cả những người ở trong xóm sâu thương
yêu vì chú lúc nào cũng nhẹ nhàng, mua bán đàng hoàng, biết gia đình nào khó
khăn có khi chú không lấy tiền, lại cho thêm vài món. Nhờ thế, chú buôn bán
phát đạt, hàng hoá càng ngày càng phong phú. Tết đến, chú mang tặng những gia
đình nghèo trong xóm bờ kênh nước đen gói quà có mứt, bánh và lạp xưởng. Họ
biết ơn chú lắm nên mua gì cũng ra tiệm của chú. Ăn Tết xong chú sửa nhà, xây
thêm hai tầng, cửa tiệm bây giờ không còn là tiệm tạp hoá nho nhỏ nữa mà là một
cửa hàng rộng rãi với hàng hoá chất đầy. Đàng sau chú làm cái kho, chứa gạo,
đường , sữa... đầy nhóc. Mà quên, chưa nói đến vợ chú. Đó là người đàn bà Hoa
có khuôn mặt phúc hậu, ít nói nhưng hay cười. Cũng là người tốt như chú. Chiều
chiều, ngồi bán hàng thấy mấy đứa nhỏ đi học về, bà hay kêu vào lúc cho cái
bánh, khi cho cái kẹo nên mấy đứa nhỏ thương bà lắm. Lúc nào gặp bà cũng vòng
tay chào rất lễ phép.
Từ hôm biết tên cô bé là Tiểu Thanh, tôi lại càng siêng ghé tiệm của chú
mua đồ, có khi mấy đứa bạn cần mua gì tôi lại xung phong đi mua giúp. Nhưng
cũng hiếm khi gặp cô bé, nhất là khi nhà có thêm tầng lầu, chắc là cô bé ngồi
học trên đó. Mà hoạ hoằn có gặp, tôi cười chào thì cô bé cũng chỉ nhoẻn cái
miệng rất xinh cười lại thôi, chứ chẳng nói được gì. Nhưng rồi tôi cũng gặp may
một lần. Hôm đó trên đường từ Đại học Văn Khoa về, xe bus thả tôi xuống đầu
đường Trương Minh Giảng. Vừa xuống xe thì gặp Tiểu Thanh đang loay hoay với
chiếc xe đạp tuột xích. Trưa nắng gắt, cô bé sửa hoài mà không gắn được sợi
xích vào ổ líp, mặt đầy mồ hôi, má ửng hồng vì nóng. Thế là tôi ra tay hiệp sĩ,
sửa xe cho nàng rồi luôn tiện xin đi ké chở nàng về luôn. Từ đó, tôi thường gặp
cô bé hơn qua những cuộc hẹn. Thì cũng chỉ đi loanh quanh bằng chiếc xe đạp của
Tiểu Thanh, bởi lúc đấy tôi chẳng có xe xiếc gì, đi đâu cũng cuốc bộ hay đi xa
hơn thì có xe bus vàng. Đi ngồi quán thì cũng chỉ là những quán chè, quán nước
bên đường hay mấy quán gỏi đu đủ, bột chiên. Có lẽ cô bé cũng biết tôi là sinh
viên nghèo nên em chẳng bao giờ có ý kiến chi. Nói chuyện với nhau thì cũng là
chuyện nắng mưa, chuyện học hành, luẩn quẩn lần nào cũng từng đấy chuyện. Tôi
cũng hay hỏi em về những chữ Hán, những bài thơ Đường dù lúc đấy em mới học lớp
mười một theo chương trình của Đài Loan. Tình thì cũng đã bén rồi, nhưng cả hai
chẳng ai đề cập đến. Đến cái nắm tay, cái vuốt ve cũng chưa có dù cả hai đã có
mấy lần vào Rex xem phim. Thế nhưng mấy đứa trong phòng thường được nghe tôi kể
xạo như trong tiểu thuyết Quỳnh Giao, lãng mạn lắm, tình cảm lắm, thằng nào
cũng phục lăn, lè lưỡi thèm thuồng.
Cuối năm đấy, tôi có được một học bổng của Bộ Giáo Dục đi du học ở Pháp. Mừng
vì được đi nước ngoài học nhưng cũng buồn vì xa Tiểu Thanh dù tình cảm cũng
đang lửng lơ nửa vời. Tôi và Tiểu Thanh ngồi với nhau ở kem Bạch Đằng, đây là
lần đầu tiên tôi xài sang thế. Và cũng lần đầu tôi cầm tay Tiểu Thanh để thông
báo cho nàng tôi sắp đi học xa. Tiểu Thanh vẫn để yên bàn tay của em trong bàn
tay tôi và em khóc. Tôi hỏi: Em chờ anh được không? Em bảo: Em chờ, bao lâu em
cũng chờ. Ba em đang chuẩn bị cho em sang Đài Loan học Đại học, nhưng chắc em
không đi. Em không muốn sống xa Ba Má, không nỡ để Ba Má ở một mình. Em ở lại Việt
Nam chờ anh về.
Và thế là tôi đi. Hành trang tôi mang theo chẳng có gì chỉ là chiếc va li nhỏ.
Tiểu Thanh gởi tôi món quà là chiếc khăn tay có thêu tên tôi và tên nàng và một
lá bùa nhỏ gói trong chiếc khăn màu đỏ rực. Nàng bảo đó là lá bùa hộ mệnh giúp
tôi luôn được mạnh khoẻ và sẽ thành công. Mấy năm ở Pháp, tuần nào tôi cũng gởi
thư về cho nàng, và tuần nào tôi cũng nhận được thư của Tiểu Thanh. Tôi cũng
thường gởi quà cho em, sinh viên nghèo, học bổng chẳng là bao chỉ đủ chi tiêu
tằn tiện nên quà cũng chỉ là những món đồ kỷ niệm ít tiền, nhưng Tiểu Thanh rất
vui. Nàng cũng báo tin là Ba Má nàng đã chấp nhận không qua Đài Loan học nữa.
Và Tiểu Thanh trông ngóng tôi về.
Giáng sinh năm 1974, tôi về nước. Tiểu Thanh bây giờ là một cô gái hăm mốt
tuổi, xinh hơn nhiều trong ý nghĩ của tôi. Chú A Tỷ vẫn vậy, vẫn cái áo thun ba
lỗ và chiếc quần ngắn ngang đầu gối và vẫn cỡi chiếc xe Honda Dame màu đỏ. Tôi
và Tiểu Thanh bàn cách để nói chuyện với chú A Tỷ xin cưới Tiểu Thanh làm vợ.
Bởi phong tục người Hoa không muốn con gái lấy trai Việt, nên đó là cản trở lớn
nhất của chúng tôi. Chưa có dịp để nói chuyện thì chiến sự càng ngày càng gay
cấn. Và rồi 30.4.75, bộ đội miền Bắc chiếm được Sài Gòn. Chú A Tỷ vẫn bình thản
vì chú bảo mình làm ăn lương thiện, chế độ nào cũng cần phải ăn để sống, chú
cũng chẳng tham gia chính quyền cũ, chú sống tốt với mọi người, chú không có kẻ
thù, chú không có gì phải ngại chính quyền chế độ mới. Nhưng rồi tai hoạ ập
xuống gia đình chú. Vợ chú bị đau ruột thừa, vào bệnh viện, tình hình đang lộn
xộn, bác sĩ cũ lớp thì di tản, lớp thì còn đang e ngại, lớp thì đi học tập chưa
về, đa số là các bác sĩ và y tá trong rừng ra và ngoài Bắc vào. Chẳng biết họ
chữa làm sao mà thím A Tỷ bị vỡ phúc mạc, chết trên bàn mổ. Tiểu Thanh khóc
sưng cả mắt, chú A Tỷ thì như người mất hồn cứ đi ra đi vào và hỏi sao lại thế,
sao lại thế? Lúc đấy xã hội lộn xộn lắm, ai cũng thu mình lại, dấu mình đi vì
sợ. Bang hội của chú cũng đến giúp tang ma. Tôi cùng bạn bè và bà con trong xóm
cũng lặng lẽ đến để đám tang được trọn vẹn. Chú A Tỷ ngơ ngẩn cả tháng trời,
Tiểu Thanh cũng buồn bỏ cả ăn uống, người gầy rạc đi. Thế là chúng tôi chưa có
dịp để nói chuyện cưới xin, mà phải đợi ít năm nữa sau khi mãn tang mới bàn
tính được
Nhưng tai hoạ không chỉ dừng lại đó, mấy tháng sau gần ngày tết Trung thu năm
bảy lăm, lúc đó khoảng bảy giờ tối, Tiểu Thanh hốt hoảng đạp xe đến báo cho tôi
hay là bộ đội vào nhà, đang kiểm kê và niêm phong hàng hoá, kết tôi chú A Tỷ là
tư sản bóc lột, làm giàu trên xương máu nhân dân. Tôi chở nàng chạy về thì thấy
bộ đội súng ống kè kè đi với một đám tay đeo băng đỏ cũng rần rộ súng ống đang
lùng sục trong cửa hàng, mặt ai cũng đằng đằng sát khí. Chú A Tỷ thì vẫn áo ba
lỗ và quần ngắn thường ngày, ngồi gục đầu như tượng, họ bảo ký vào đâu thì ký
vào đó, không nói một lời. Tiểu Thanh thì run rẩy đứng tựa vào người tôi, đôi
mắt mở to, uất hận đầy nước mắt nhưng cũng chẳng nói gì. Đến nửa đêm thì họ đọc
quyết định tịch thu hàng hoá và căn nhà, ra lệnh gia định chuẩn bị để đi vùng
kinh tế mới. Lúc đó chú A Tỷ ngã ra bất tỉnh, Tiểu Thanh cũng gục trên vai tôi,
mặt xanh như xác chết. Cả một đời gầy dựng, cả một đời làm ăn lương thiện chỉ
một lời quyết định, người ta đã lấy hết, tịch thu hết lại còn kết án là kẻ bóc
lột, đuổi đi vùng kinh tế mới. Chú A Tỷ vừa lai tỉnh, chú nhìn quanh, hét lên
một tiếng lớn, đẩy căm hờn như tiếng thú trong cơn tuyệt vọng cùng đường rồi
lại ngã ra sàn bất tỉnh lần nữa. Tiểu Thanh cũng thét lên tiếng thét ai oán: Ba
ơi! rồi gục trên thân thể lạnh giá của cha. Tình trạng thảm thương đó chẳng làm
động lòng đám người thi hành lệnh, họ vẫn mặt lạnh như tiền, súng gờm gờm trên
tay như sẵn sàng nhả đạn những ai có hành động phản kháng. Hàng hóa ngổn ngang,
không khí như nén lại. Tôi bất lực chẳng biết phải làm gì ngoài việc cứ xức dầu
cho chú A Tỷ.
Sáng hôm sau, đoàn xe đến chở người đi vùng kinh tế mới. Tiếng loa oang oang
như nhói vào tai, bộ đội, du kích súng ống kè kè đưa từng hộ gia đình lên xe.
Những người bị đưa đi ngơ ngác nhìn, đau khổ nhìn, uất ức nhìn nhà cửa, tài sản
của mình đóng dấu niêm phong với dấu đỏ loè loẹt như những vết máu. Tôi ngồi
theo xe cùng chú A Tỷ và Tiểu Thanh, đồ đạc chỉ được phép lầy mang theo là mấy
cái nồi niêu, xoong chảo và mùng mền chiếu gối. Tài sản bao nhiêu năm giờ chỉ
là một đống đồ chẳng giá trị gì. Chú A Tỷ vẫn im lặng gục đầu. Tiểu Thanh vẫn
đầy nước mắt, ngơ ngác không biết ngày mai sẽ ra sao? Nhiều người quay đầu nhìn
lại, họ biết tất cả sẽ chẳng còn gì, tất cả đã bị tịch thu.
Xe chạy gần một ngày, qua những đoạn đường đầy bụi, xe dằn xốc liên tục,
mặt mũi ai cũng bơ phờ đầy bụi đỏ. Đến chiều khi mặt trời đỏ như máu đang dần
xuống ở đầu ngọn cây thì đoàn xe dừng lại. Mọi người bị lùa xuống một khoảng
rừng thưa, trước là một bãi đất đầy cỏ dại ngút ngàn, khô cằn, hoang vu trong
hoàng hôn. Có lác đác mấy lều tạm bợ đã được dựng sẵn. Loa lại kêu từng hộ gia
đình vào lều, nhìn cảnh tượng như cảnh nhập trại tù binh của người Do Thái thời
phát xít Đức. Buổi cơm tối được nấu tạm bợ trong chập choạng mờ tối với những
ánh lửa hiu hắt. Nhưng chẳng ai nuốt nổi. Cả ngày đi đường quá mệt, tâm trạng
lại rối bời, lại nhìn cánh rừng mà một mai phải sống ở đây, ai cũng lắc đầu
ngao ngán. Nghe mọi người bảo đây là vùng Đắc Nông, Phước Long gì đó. Nghe như
chốn xa vạn dặm nào. Tôi thu xếp cho Tiểu Thanh và chú A Tỷ có một chỗ tạm ngụ,
sáng hôm sau tôi lại bu mấy xe đò chạy than về lại thành phố.
Lúc này tôi đã nộp đơn xin đi làm mấy cơ quan, nhưng chẳng chỗ nào nhận. Họ bảo
lý lịch của tôi có nhiều điểm bất minh, cần làm rõ. Đặc biệt là sao tôi lại trở
về Việt Nam vào tháng 12 năm 1974. Họ cho công an điều tra xem tôi trở về để
làm gì? Có nhận nhiệm vụ gì của tổ chức nào không v..v? Cũng may, cuối cùng tôi
cũng được Sở Giáo dục nhận, nhưng cũng do lý lịch, họ đẩy tôi về dạy học ở Củ
Chi. Có lẽ lúc này nhà nước đang thiếu giáo viên quá. Nhìn ngôi trường, tôi quá
ngao ngán. Đó là một ngôi trường quê, chỉ có một dãy khoảng năm phòng làm lớp
học, một dãy nhà lợp tole khác gồm hai phòng làm phòng ban giám hiệu và kho
chứa đồ. Ban đêm thầy cô giáo xếp bàn làm giường, giăng mùng nằm ngủ. Các tiện
nghi sinh hoạt thiếu thốn trầm trọng. Tôi tự nhủ cố gắng cho qua rồi tính tiếp.
Tôi không có giờ dạy ngày thứ hai, nên hai tuần một lần thứ bảy tôi qua mấy
chặng xe lên Đắc Nông thăm Tiểu Thanh và chú A Tỷ, sáng thứ hai hoặc tối chủ
nhật lại bu mấy chặng xe về. Có mấy thứ nhu yếu phẩm cỏn con, có khi chỉ vài
muỗng bột ngọt, miếng vải mùng, nhúm hạt tiêu, vài ba gói thuốc lá đen, tôi
cũng để dành mang lên cho họ. Họ sống khó khăn quá. Toàn dân thành phố mà bây
giờ phải vào rừng chặt cây dựng nhà, học cách trồng cây, gieo mạ, cấy lúa trên
miếng đất khô cằn. Lác đác đã có người trốn về. Nhưng về thành phố rồi làm gì,
ở đâu? Họ biến thành những kẻ đầu đường xó chợ. Lương thiện thì đi ăn xin, bất
lương thì đi ăn trộm, móc túi để sống. Tôi thấy Tiểu Thanh và chú A Tỷ ở đây
không ổn rồi, tôi đang tính cách để đưa họ về lại thành phố mà tính mãi chưa
ra. Tính chưa xong thì lần thứ ba tôi lên lại Đắc Nông, tôi chứng kiến Tiểu Thanh
bị rắn độc cắn cùng hai người khác khi đi rừng. Ba nạn nhân được dân chúng gánh
về bệnh viện bằng cái võng và thân cây tre làm đòn khiêng. Chẳng có phương tiện
nào khác. Tôi vừa chạy theo vừa niệm khẩn cầu Quan Thế Âm Bồ Tát, nhưng người
không đoái hoài. Và cả ba đã chết trên đường đi. Nửa người của Tiểu Thanh tím
đen vì nọc độc, mắt Tiểu Thanh không nhắm, mở trừng trừng như muốn nhìn thấu
nỗi oan khiên. Chú A Tỷ một lần nữa ngã quỵ, chú bây giờ như bộ xương khô, đôi
mắt lạc thần, khuôn mặt như kẻ điên dại. Tiểu Thanh được chôn trong nghĩa địa
vừa mới hình thành, lác đác đã có gần chục nấm mồ mới mọc, cỏ chưa kịp xanh vì
tuần nào cũng có người chết. Kẻ bị rắn cắn, người bị cây đè, người khác bị bom
mìn còn sót nổ khi cuốc đất, người thì thấy bế tắc quá, tự tử chết, đủ cách để
chết. Tôi khuyên chú A Tỷ trốn về, nhưng chú bảo bây giờ còn mộ Tiểu Thanh ở
đây, con mới mất, chú đi không đành, ở lại để chiều chiều, sáng sáng thắp cho
nó cây nhang, đêm đêm chuyện trò với nó, kẻo nó buồn, nó tủi thân. Tôi chỉ biết
khóc, tội nghiệp Tiểu Thanh quá. Và tội cho chú A Tỷ nữa. Cũng tội nghiệp cho
mọi người bị lùa lên đây. Họ làm gì nên tội. Đã lấy tài sản một đời gom góp của
họ, đã cướp nhà của họ, có người chồng đã đi vào trại cải tạo không có ngày về,
sao lại đày đoạ họ đến đây với rừng rú, với hoang địa, với đói nghèo và cận kề
cái chết như thế này? Cùng một dòng máu đỏ da vàng mà sao người ta tàn nhẫn
thế, ác nhân thế? Mà thật ra có thù hằn gì nhau đâu mà phải trả thù. Họ có tội
gì đâu mà bắt họ đền tội.
Tôi vẫn tiếp tục đi dạy học ở trường quê đấy. Hàng ngày phải gào giọng rao
giảng những điều giả dối, hàng ngày phải tuôn ra những lời ca tụng thời đại đẹp
nhất trong lịch sử, ca ngợi những con người đang đày đoạ nhân dân mình trong
đói nghèo và lạc hậu. Thỉnh thoảng đôi tuần, tôi lại bu xe về Đắc Nông thăm chú
A Tỷ. Có nhiều đêm hai chú cháu nằm nói chuyện suốt đêm trong nước mắt. Chú bảo
chú biết con và Tiểu Thanh thương nhau, nếu ngày xưa chắc hôn sự khó thành,
nhưng thời buổi đảo điên này, chú định bỏ qua lệ ấy mà tác thành cho hai đứa,
không ngờ mẹ nó chết rồi đến nó cũng không sống được. Chú quý con lắm, thôi thì
số phận đã thế thì mình phải chịu phần số thế thôi. Rồi chú lại khóc. Chú ôm
chặt vai tôi mà khóc, nước mắt đẫm vai tôi, rồi chú uống rượu, uống nhiều lắm
dù trước đây chú chưa bao giờ biết đến rượu bia.
Mấy tháng cuối năm học, luyện cho học trò thi tốt nghiệp, rồi bận gác thi, chấm
thi, tôi không ghé thăm chú được. Lúc công việc đã vãn, lên thăm thì nghe người
ta bảo chú bị lên cơn điên, đưa vào bệnh viện huyện rồi chú trốn về mất biệt,
không biết đi đâu. Tôi về thành phố, tìm khắp không gặp chú. Cuối cùng tôi nghĩ
bụng chắc chú về khu nhà cũ. Đúng y như thế. Chú về căn nhà cũ, tối nằm ở vỉa
hè trước nhà, ngày đi lượm ve chai, đói ai cho gì ăn đấy. Căn nhà của chú cấp
cho gia đình cán bộ ngoài Bắc vào. Cũng có vài lần họ đuổi chú đi, nhưng chú
lại về, ngủ ở đấy mặc họ la hét, chửi rủa, riết rồi họ chán, họ im. Lâu lâu có
dịp về thành phố, tôi lại tìm đến chú, hai chú cháu ra quán, kêu vài món, vài
ly bia hơi nhạt nhẽo, lần nào chú cũng khóc. Chú càng ngày càng gầy, áo quần
rách rưới. Giờ chú không còn mặc áo thun ba lỗ với chiếc quần ngắn đến đầu gối
nữa. Chú mặc bất cứ thứ gì kiếm được hoặc của mọi người mang đến cho. Dân ở khu
đấy đã từng biết chú cũng hay giúp chú miếng ăn khi đói, viên thuốc khi bệnh.
Nhưng mà lúc đấy ai cũng khó khăn,ai cũng túng bấn, không có gạo trắng để ăn,
lương thực toàn bo bo với bột khoai mì với vài ba ký gạo hẩm. Nhiều khi nhiều
người muốn giúp chú mà cũng chẳng có gì để giúp. Lúc đấy tôi cũng chẳng có chỗ
nương thân ở Sài Gòn, dạy học rồi ăn ở luôn trong trường, nên cũng chẳng giúp
chú dược gì. Lâu lâu về gặp, gởi chú ít tiền trong số lương thầy giáo còm cõi
thế thôi. Mà chú thì dứt khoát chẳng chịu dời đi đâu. Chú bảo đây là nhà chú,
không ở trong được thì ở ngoài. Khó xử lắm.
Mùa mưa năm 1977, không hiểu sao Sài Gòn cứ mưa mãi thế. Nhiều lúc mua từ nửa
khuya cho đến hết ngày. Mưa như trút nước. Mưa như trời giận dữ loài người. Lại
thêm bệnh ghẻ ngứa. Không biết sao mà người bị bệnh đó lắm thế. Mọi người cứ
gãi sồn sột. Gãi đến tróc da, chảy máu. Con nít ngứa khóc suốt đêm, người lớn
ngứa không ngủ được. Vào bệnh viện toàn cho thuốc xuyên tâm liên. Bệnh gì cũng
xuyên tâm liên. Xuyên tâm liên là thuốc tiên, chữa bá bệnh.
Buổi chiều hôm đấy trời mưa, một trận mưa lịch sử. Đường sá Sài Gòn ngập lên
đến bụng, cả thành phố như một biển nước. Lại thêm gió ào ạt, nghe đâu có bão
rớt. Lo cho chú A Tỷ, đêm hôm sau tôi ghé chú vì chú chỉ về đó ban đêm. Đến nơi
không thấy chú, hỏi thăm thì mọi người bảo chú chết rồi, chết đêm qua, trong
cơn mưa bão. Xác chú dập dềnh suốt đêm trước cửa nhà. Sáng sớm bà giúp việc mở
cửa định tát nước ra thì thấy xác chú lừng lững trôi vào nhà. Bà giúp việc
hoảng quá la hét rầm trời bỏ chạy. Bà chủ nhà trên lầu bước xuống thấy xác chú
vào đến giữa nhà, xoay mòng mòng theo con nước dội vào nhà khi có xe qua, bà sợ
quá hét lên một tiếng rồi ngất xỉu. Ông chủ nhà là một cán bộ lãnh đạo của
thành phố cũng từ trên lầu chạy xuống, thấy xác chú quay tròn giữa phòng khách
thì cũng cứng đơ người, sai bà giúp việc lấy cây đẩy ra, nhưng càng đẩy ra, xác
lại dạt vào. Ông ta hoảng quá gọi công an. Một giờ sau công an có mặt, xác vẫn
xoay tròn. Công an làm biên bản, gọi xe cứu thương đến nhận xác. Lúc đấy, nước
bắt đầu rút, xác chú A Tỷ xoay dến chân câu thang, nằm lại đó, đôi chân như
muốn bước lên. Người ta chở xác chú đi đâu không rõ.
Từ đấy, người ta đồn nhà ấy có ma. Đêm đêm có người đàn ông đi lên đi xuống cầu
thang. Có người còn kể thấy chú đứng ở balcon, mặc áo thun ba lỗ với chiếc quần
ngắn đến đầu gối nhìn xuống đường. Gia đình cán bộ hãi quá, xin đổi nhà khác.
Những gia đình đến sau đấy cũng ở không yên, đêm thì nghe tiếng khóc, đêm thì
nghe tiếng người đi, đêm thì thấy bóng người ngồi thu lu trên ghế. Người không
ở được, nhà nước chuyển thành văn phòng của ủy ban phường, sau đó thành đồn
công an phường. Mấy anh công an kể đêm nào cũng thấy ma.
Đến thời kỳ đổi mới, nhà nước bán cho một công ty nước ngoài đập bỏ xây cao ốc.
Không biết chú còn vất vưởng ở đó không hay đầu thai kiếp khác rồi. Và cũng từ
đấy, ngôi nhà, cơ nghiệp cả đời của chú A Tỷ đã biến mất, chẳng còn dấu tích gì
trên cõi đời này nữa
Saigon. Tháng mười.
DODUYNGOC
Nguồn:
https://thuymyrfi.blogspot.com/2023/10/o-duy-ngoc-chuyen-chu-ty-va-tieu-thanh.html
No comments:
Post a Comment