Thursday, November 9, 2023

Dạ Hương Cầu - Tam Bách Đinh Bá Tâm

 

 

DẠ HƯƠNG CẦU

 


 

 

Mỗi buổi sáng, tôi thường đi bộ trên con đường nhỏ quanh nhà. Thói quen đó bắt đầu từ ngày tôi dọn về khu nhà yên tĩnh, mát mẻ, nhiều “hoa thơm cỏ lạ”này. Tôi đi chậm rãi, thư thả như kẻ “cỡi ngựa xem hoa”. Bởi tôi muốn tận hưởng cảm giác thích thú dưới hàng cây Magnolia đơm hoa màu trắng; với cánh hoa to, dày; với mùi hương ngọt ngào quyến rũ. Những cây hoa trắng ấy vốn được trồng dọc con đường cùng tên – Magnolia Street. Chúng nằm ngay trước khu nhà tôi, chạy dài từ vùng đồi núi phía bắc quận Cam, mãi đến bờ Thái Bình Dương phía nam. Khi xây cất khu-nhà-trăm-căn, người chủ đã trồng những cây Magnolia, nối tiếp hai bên tiểu lộ chạy vòng bên trong khu nhà này.

 

Ngắm những đoá hoa trắng, mùi thơm ngọt dịu, nhẹ nhàng, quyến rũ – như mùi  Nước hoa Jo Malone Star Magnolia, sản xuất tại Anh quốc năm 2019 - tôi liên tưởng đến một loài hoa ở quê nhà miền Nam Trung Việt. Đó là hoa Dủ Dẻ, với hình dáng và mùi thơm giống như hoa Magnolia.

Trong một tùy bút của Nguyễn Bá Trạc, tác giả có đề cập đến hoa Dủ Dẻ: 

“…Dưới các rặng tre, đâu đó phảng phất mùi thơm của   một thứ hoa dại miền quê: hoa Dủ Dẻ. Hoa này đi trên đường ít thấy vì nó nằm kín trong lá, mọc thấp trên mặt đất, khuất trong bụi rậm. Hoa mầu vàng, không rực rỡ, cánh nhỏ mà cứng, có mùi thôn dã dễ chịu.

Lúc bé mỗi lần ngửi thấy mùi hoa ấy, bọn chúng tôi sục sạo tìm kiếm vì thế nào cũng còn thấy cả những trái dủ dẻ chín mọc thành chùm tám trái hay mười trái, ăn ngọt mà thơm.

Những đóa hoa Dủ Dẻ ấy, tôi không thấy ở miền Bắc Việt Nam, nơi tôi lớn lên, hoặc ở miền Nam Việt Nam, nơi tôi đặt chân gần khắp. Có lẽ cũng không thấy ở bất cứ nơi nào khác trên mặt đất này ngoài cái vùng quê miền Trung Việt nơi tôi sinh ra như một gã thiếu niên sung sướng vô tư…”

 

Cũng như tác giả bài tùy bút, tôi vốn sinh ra và lớn lên ở miền Nam Trung Việt. Sau đó cùng gia đình di chuyển vào Sài gòn và rồi định cư ở đất nước Tự Do này sau 30-4-1975. Nơi quê hương thứ hai, vào những buổi mai nắng vàng lấp lánh trên cánh hoa Magngolia, với mùi hương thơm dịu dàng, tôi lại nhớ đến những cánh hoa Dủ Dẻ màu phơn phớt vàng, nhỏ nhắn, toả hương thơm dịu dàng của một loài hoa ở miền quê Trung Việt.

 

Tuy nhiên, ngoài mùi thơm hoa Dủ Dẻ còn nhắc nhớ đến những kỷ niệm của thời niên thiếu của tôi tại quê nhà. Hồi ấy, trong những năm kháng chiến cùng khổ, các gia đình  ở vùng quê chưa có hầm cầu để đại tiện. Cho nên, cứ đến chiều tối, hai anh em trai chúng tôi đến phóng uế trên các gò đất hoang. Tôi thường đến ngồi cạnh bụi cây Dủ Dẻ, tìm hái một bông hoa,  cốt lấy hương thơm che lấp mùi thối bốc lên từ mảnh đất vô chủ ấy.

                                                            ****

Cuối năm 1954, ba mẹ tôi đưa cả gia đình “dinh tê” về Huế. Với cuộc sống văn minh nơi vùng quốc gia, anh em chúng tôi được trở lại học đường , với sách vở thơm tho, với bạn bè tử tế, với thầy cô đáng kính. Phòng học của tôi ở trên tầng lầu.  Vào những buổi tối nóng bức, tôi thường mở cửa sổ để đón gió mát từ sông Hương. Những lúc ấy, mùi hôi thối lại bốc lên.

Từ trên cao, nhìn qua nhà láng giềng, tôi thoáng thấy chiếc cầu tiêu nơi góc vườn, với mái và vách lợp tôn cũ kỹ sơ sài. Mặc dù cửa cầu tiêu đóng kín, nhưng cũng không ngăn cản được mùi hôi thối bốc lên. Cũng may, cạnh cửa sổ phòng tôi có cây hoàng lan trổ hoa thơm ngát. Cho nên khi gió đêm thổi đến, hai thứ mùi hoà lẫn vào nhau, tạo thành một loại mùi đặc biệt khó ngửi. Tôi thường nói đùa với em trai tôi, đó là mùi Dạ Hương Cầu (Mùi cầu tiêu lúc ban chiều).

 

Năm ấy tôi đang học lớp Đệ Tứ, ngày đêm ráo riết “trau dồi kinh sử”, chuẩn bị thi lấy bằng Trung học Đệ Nhất cấp. Để khỏi bị “trượt vỏ chuối”, tôi ghi danh ở lớp luyện thi hai môn Toán và Pháp văn. Trong lớp này có cô Ánh, nữ sinh Đồng Khánh xinh đẹp, tóc thề ngang vai, mắt bồ câu đen láy, giọng Huế nhẹ nhàng thanh thoát, tôi như “nghe tiếng suối rócrách trôi hoa lừng hương gió…” trong bài hát Suối Mơ của nhạc sĩ Văn Cao. Thỉnh thoảng cô bạn học xinh đẹp đến nhà tôi, mỉm cười duyên dáng, nói: “ Nhờ anh giải dùm bài toán ni cho Ánh…”; hay “ Anh dịch dùm bài tiếng Pháp cho Ánh hỉ?”. Dĩ nhiên tôi không bao giờ để nàng thất vọng!

 

Một hôm, Ánh đến tôi hơi muộn vào buổi chiều. Chúng tôi ngồi vào bàn để “cùng học bên nhau”. Trời khá nóng nên tôi mở rộng cửa sổ để đón chút gió từ sông Hương. Trái với thường lệ, hôm ấy Ánh cứ đưa chiếc khăn tay nhỏ xíu lên che mũi. Tôi nghĩ có lẽ mùi Dạ-Hương-Cầu đã theo gió heo may đến quấy rầy khứu giác của cô.

Cho nên, mặc cho Ánh tròn mắt  lo sợ, tôi liều lĩnh bước ra ngoài cửa sổ, bò trên mái ngói , hái hai cánh hoa hoàng lan thơm ngát trao cho nàng. Nàng thở dài khoan khoái khi thấy tôi trở vào bình an. Rồi mỉm cười, nàng cài một đoá hoa lên mái tóc. Đoá hoa kia, nàng ủ vào chiếc khăn tay để tiếp tục … che mũi!

 

Sau lần đó, Ánh không đến nhà tôi nữa. Những đêm ngồi học, tôi cảm thấy nhớ nàng. Phải chăng đó là dấu hiệu của “mối tình học trò” ở tuổi niên thiếu? Tôi có ý nghĩ tiêu cực rằng, có lẽ cô gái khuê các miền đất Thần kinh này chê nhà tôi kém vệ sinh, nên không đến ôn bài với tôi chăng ? 

 

Hồi ấy, tôi có đọc một truyện tình của đôi trai gái, thường hò hẹn nhau bên một cầu tiêu công cộng. Cái mùi “khó ngửi” bốc lên từ cầu tiêu đã không ngăn cản mối tình nồng thắm của họ. Về sau, vì nhu cầu mở rộng đường sá, cơ quan kiều lộ phá bỏ chiếc cầu tiêu quen thuộc của hai kẻ yêu nhau. Từ đó, cặp tình nhân không còn mặn nồng trong tình yêu nữa. Có lẽ vì thiếu vắng mùi Dạ Hương Cầu quen thuộc chăng?

 Cả hai mối tình - tình thuở học trò của kẻ viết bài này và tình bên cầu tiêu công cộng của hai kẻ yêu nhau - đều có sự can dự của mùi Dạ Hương Cầu. Cả hai đều đi đến kết thúc đáng buồn như  một vở bi kịch. Nhưng dẫu sao, đôi tình nhân hò hẹn bên chiếc cầu tiêu công cộng cũng đã có một thời gian yêu nhau thắm thiết. Còn tôi, cậu học sinh mơ mộng năm xưa, đã để mối tình đầu bay đi.  Như cánh chim di bay xa khi gió chuyển mùa. Cũng chỉ vì mùi Dạ Hương Cầu đã quấy rầy cái “khứu giác nhạy bén” của cô bạn nữ sinh xứ Huế khuê các năm xưa!

 

                                                     *****

Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, của chiến cuộc, của đất nước đau thương, buổi trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi ngồi ôm mặt dấu những gịọt nước mắt uất hận, tủi hờn. Bởi tôi đã nghe qua đài phát thanh Sài gòn, tướng Minh kêu gọi “Quân lực Việt Nam Cộng Hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện...”! Ngoài đường, kẻ hiếu kỳ kéo nhau đi xem những “kẻ thắng cuộc”. Họ háo hức tò mò như đi xem “đàn bò vào thành phố”.

 

Trong bài hát Du Mục của nhạc sĩ phản chiến Trịnh Công Sơn có câu “…Đàn bò vào thành phố/ Không còn ai hỏi thăm…” Nhưng hôm ấy, nhiều người đã đến thăm hỏi “đoàn quân giải phóng” với những câu ngô nghê. Họ được xem một hoạt cảnh kỳ dị. Một đoàn người với quần áo nhàu nát bụi bặm, phủ đầy lá cây “ngụy trang” tiến vào thủ đô Sài gòn hoa lệ văn minh. 

Đường phố Sài gòn, Hòn - Ngọc-Viễn- Đông đẹp đẽ một thời, bỗng chốc tràn ngập đoàn người “không mời mà đến” từ rừng núi Trường Sơn! Bộ đội trai có, bộ đội gái có! Những chiếc nón tai bèo xa lạ, những chiếc khăn rằn quê kệch…đã khiến người Sài gòn trố mắt đứng nhìn. Họ không ngờ những “bộ đội anh hùng” của “bên thắng cuộc” này, trong gần hai mươi năm qua đã giật mìn, bắt cóc, ám sát lương dân; bắn giết đồng bào vô tội ở Huế; pháo kích vào trường tiểu học Cai Lậy; pháo kích vào người dân trốn chạy Cộng Sản trên Đại lộ Kinh hoàng ở Quảng Trị….

Sau màn diễu hành của những “kẻ thắng cuộc”, họ chia  nhau đi “tác động quần chúng” bằng những mẩu chuyện khoe khoang siêu thực về xã hội Miền Bắc.  Sau đó đi  “tiếp thu” các khách sạn sang trọng từng có người Mỹ cư ngụ. Tại đây, họ bở ngỡ trước những máy móc “tân kỳ” như cầu thang máy, vòi nước máy, máy vô tuyến truyền hình…

Họ thích thú khi sử dụng chiếc bồn cầu trắng trẻo để rửa những bó rau muống “đặc sản Miền Bắc”. Nhưng chắc chắn họ sẽ thất vọng vì không có một khu đất trống vắng như ở rừng núi Trường Sơn- chỉ để thực kiện cái thú thứ hai của câu tục ngữ “Thứ nhất quận công/Thứ nhì ị đồng”. Bởi nơi đó có gió mát, có tự do. Quý nhất là Tự do, như lời “Bác” đã dạy ! Riêng những chú bộ đội đã lớn lên ở tỉnh thành miền Bắc, họ mong có cái “hố xí  cổ truyền” ở quê hương họ để thoả mãn cái khoái thứ tư trong tứ khoái của người dân Việt từ cổ xưa “ Ăn,ngủ, làm tình , ị ”!

Một tháng sau ngày “giải phóng”, chúng tôi  vào nhà tù đầu tiên ở trại “cải tạo” Long Thành. Để rồi một năm và tám tháng sau, tôi bị đưa xuống tàu thủy ra Bắc, đến “học tập” ở một trại tù thứ hai bên giòng sông Mã, Thanh Hoá. Nơi đây, tôi mới biết cái “hố xí cổ truyền” của người dân Miền Bắc….Và cũng nơi đây, tôi mới cảm nhận lại mùi Dạ Hương Cầu mà từ lâu tôi hầu như đã quên lãng!

 

Mỗi sáng sớm, trong mỗi phòng giam chúng tôi phải ngừng phóng uế xuống “hố xí cổ truyền” khoảng mươi lăm phút. Mục đích để người tù hình sự đến lấy phân tù nhân. Tất cả phân của ba trăm tù nhân toàn trại được tập trung vào một cái hố lớn. Nước tiểu của toàn trại, theo ống cống chảy vào một cái ao.

Những chất thải ấy, lãnh tụ họ Mao của Tàu cộng cho rằng có “giá trị hơn trí thức tiểu tư sản”! Riêng với cuộc sống vô cùng thiếu thốn trong trại “cải tạo” trên thượng nguồn sông Mã này, chất thải ấy vô cùng hữu dụng. Bởi chúng có thể làm xanh tươi vườn rau trước cổng trại, góp phần nuôi sống anh em tù nhân chúng tôi.    

Tuy nhiên , hàng đêm mùi Dạ Hương Cầu bốc lên, khiến chúng tôi khó chịu vô cùng.  Người tù hình sự có nhiệm vụ hốt phân trong mỗi hố xí cổ truyền ở trại chúng tôi là kẻ chịu đựng lâu dài mùi hôi thối ấy. Bởi anh ta làm cái công tác “lao động là quang vinh”  này trước khi chúng tôi đến đây.  Một hôm, chúng tôi gặp người tù hình sự bên hố phân, bèn hỏi:

-Cậu làm công tác này có thấy hôi thối khó chịu không ?

Anh ta đáp , giọng buồn rầu:

-Làm mãi rồi cũng quen Bố ạ. Ấy thế mà nhiều người ở làng Cổ Nhuế làm giàu cũng nhờ cái nghề hốt cứt đấy chứ!

Nói xong , anh ta vội đổ sọt phân vào hố, rồi gánh sọt đi ngay. Có lẽ anh ta sợ cán bộ trại trừng phạt vì tội “tiếp xúc với tù nhân cải tạo ngụy” chăng?

Mười năm sau, khi tôi sang Mỹ tị nạn, tôi đã thấy những điều người tù hình sự hốt phân đã nói năm xưa, bàng bạc trong bài viết NGHỀ TỔ của Thuy Anh Tran:

 “…Lúc tôi còn nhỏ, mẹ thường đe tôi: “Nếu không học hành tử tế thì sau này chỉ đi hót cứt thôi con ạ”. Hình ảnh người gánh phân suốt ngày lang thang trong cái thị trấn nghèo quê tôi làm tôi rùng mình. Cái tương lai có mùi khó ngửi này chẳng quyến rủ được ai. Nhưng mẹ tôi lầm. Thời tôi lớn, đây là cái nghề hái ra tiền. Ít nhất cũng hơn hẵn cái sự kiếm ăn với cái bằng Tiến Sĩ của tôi. Anh biết đấy, viện Khoa Học của tôi nằm cạnh làng Cổ Nhuế, tôi có đủ cơ sở để  khẳng định với anh điều đó. Làng này sống bằng nghề hốt cứt, có đền thờ Thành Hoàng hẳn hòi. Thành Hoàng làng Cổ Nhuế là một vị hốt cứt chính hiệu. Trong đền người ta thờ đôi quang và chiếc đòn gánh cùng hai mảnh xương trâu cầm tay…

                                                            ****

            Sống nơi xứ sở Cờ Hoa này trong suốt bao nhiêu năm, khứu giác tôi cũng cảm nhận được nhiều mùi khác lạ. Mùi xăng nhớt khi xe hơi bị kẹt đường; mùi khói của trận cháy rừng từ xa bay đến…Nhưng tôi không ngửi thấy mùi Dạ Hương Cầu của những năm còn sống trên đất Việt mến yêu của tôi.

            Thế nhưng , trong một lần trở về quê cũ , tôi bắt gặp lại  cái mùi khó ngửi ấy, khi đến nhà một người bạn cũ ở ngoại thành Sài gòn. Là một Dược sĩ trước năm 1975, anh A. đi trình diện “cải tạo” khi CS chiếm Sài gòn và “được học tập” hai năm. Đến năm 1978, vì cần “Dược sĩ Ngụy” có kiến thức chuyên môn để điều hành ngành Y Dược Miền Nam, anh A được cho về sớm, tiếp tục làm việc ở nhiệm sở cũ.

            Ngoài lương bổng chết đói của Nhà nước cấp phát, anh A lo kinh doanh thuốc Tây, nên tậu được căn nhà hai tầng, sát vách với những căn nhà trong khu cao ốc khang trang này. Sau nhà anh, có một ngôi nhà cũ kỹ, với mái ngói âm dương. Tuy nhà nhỏ nhưng sau nhà có khu vườn bỏ hoang khá rộng. Anh A ngỏ ý muốn mua khu vườn ấy để mở rộng mặt sau ngôi nhà của anh. Mặc dù đã trả giá cao, nhưng gia chủ nhất định không bán!

            Bà mẹ già và những người con đã lớn sống chung trong ngôi nhà nhỏ bé ấy, cuộc sống của họ rất khép kín. Quanh năm suốt tháng, cánh cổng trước nhà đóng im ỉm. Những người láng giềng cho biết, cô con gái lớn đã “thoát ly” gia đình trước năm 1975. Sau ngày “giải phóng” cô gái trở về sống với mẹ, trong ngôi nhà khép kín như xưa. Khi biết người mẹ của họ qua đời, anh bạn tôi có đến viếng để phân ưu, nhưng họ không muốn tiếp đón.

            Thỉnh thoảng về Việt Nam, tôi hay ghé thăm anh A. Có khi tôi ở lại nhà anh vài hôm để hàn huyên tâm sự. Tôi được người bạn thâm tình này dành cho một phòng ngủ trên lầu, có cửa sổ thoáng mát, nhìn thẳng xuống khu vườn nhà bên cạnh . Mỗi chiều, tôi đến tựa cửa sổ để đón chút gió từ sông Sài gòn thổi đến.  Thoang thoảng đâu đó, tôi cảm thấy một mùi khó ngửi từ bên vườn nhà láng giềng  bay sang.  Cùng lúc, một thiếu phụ -cỡ tuổi sồn sồn trên dưới sáu mươi - từ trong nhà tôn nhỏ ở góc vườn bước ra.

Thiếu phụ bận bộ đồ bà ba lụa trắng, khăn rằn vắt vai, đủng đỉnh đi vào nhà trên con đường gạch sắp xếp sơ sài trên mảnh vườn hoang phế. Tôi tò mò hỏi anh A. về cái nhà tôn đơn sơ ở góc vườn ấy. Thì ra đó là cái “hố xí cổ truyền”. Cái mùi khó ngửi bốc ra từ đó chính là mùi Dạ Hương Cầu!

                                                            *****

 

Đã lâu tôi không có dịp về thăm lại quê cũ, bởi Mẹ tôi đã mất gần năm năm rồi. Thỉnh thoảng, anh A và tôi vẫn liên lạc bằng điện thoại viễn liên để trao đổi tin tức trong và ngoài nước. Sài gòn -cái thành phố đã thay tên đổi chủ, đến bây giờ vẫn thế. Đại gia, tư bản đỏ giàu có vẫn cứ giàu. Bần cố, nghèo nàn vẫn cứ nghèo. Nghèo đến nỗi trên răng dưới…không còn cái gì đáng giá cả!

Trước năm 1975, cái chiêu bài tuyên truyền về sự “bất công xã hội tại Miền Nam” của CS đã lôi kéo một số thanh niên, trí thức Miền Nam “thoát ly” gia đình. Họ rời bỏ “Hòn Ngọc Viễn Đông” đẹp đẽ ấm no để trốn vào bưng biền với chúng. Thế rồi, sau bao nhiêu năm nằm rừng nằm rú, tiếp nhận vũ khí từ Miền Bắc tiếp tế để đánh phá Miền Nam, giết hại đồng bào…bỗng một ngày tháng Tư oan khiên của đất nước, họ biến thành những “kẻ thắng cuộc”. 

  Một trong những kẻ “thắng cuộc” ấy, trước năm 1975 đã trốn vào bưng  để “chống Mỹ cứu nước”, chính là người phụ nữ láng giềng của anh bạn Dược sĩ A.  Trong bài thơ Chân Quê của Nguyễn Bính có câu: “Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. Còn người phụ nữ láng giềng ấy đã “thoát ly” đời sống văn minh để vào sống nơi hoang dã trong bưng biền rừng núi. Nhưng khi trở về với cuộc sống tỉnh thành, vẫn còn mang theo cái sở thích “ị đồng”;  hay văn minh hơn nữa, là cái sở thích ngồi “ị” trong “hố xí cổ truyền”.

Dẫu ngồi ở đâu chăng nữa, họ vẫn nhớ mùi Dạ Hương Cầu quen thuộc trong những năm sống trong bưng biền. Phải chăng ngồi “ị” ở chốn bưng biền năm xưa có nhiều “tự do, hạnh phúc” hơn ngồi  trong cái cầu tiêu có  bồn cầu trắng trẻo sạch sẽ ở chốn thị thành văn minh của Miền Nam nước Việt?   

                                                                   

Tam Bách Đinh Bá Tâm

Từ trang DđQGHCTC

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

No comments: