Monday, November 13, 2023

Đừng Cười Tôi Nghe Nhạc "Sến" - Trần Văn Lương

 ĐỪNG CƯỜI TÔI NGHE NHẠC "SẾN"

Dạo:

Theo dòng nhạc "sến" ngân nga,
Ngậm ngùi nhớ đến quê nhà năm nao.

**

Đừng Cười Tôi Nghe Nhạc "Sến"

(Cho người, cho ta, cho người ta)

















Này người hỡi, đừng mỉm cười châm biếm,
Khi nhìn tôi nghe nhạc "sến" say sưa,
Gửi hồn về những ngày tháng xa xưa,
Lúc đất nước ta chưa thành địa ngục.

Tôi xui xẻo, Trời không ban cho phúc
Được học hành, thành "trí thức" như ai,
Nên xin người đừng dè bỉu chê bai,
Hãy cho phép tôi dông dài giây lát.

**

Có gì "sến" trong trăm ngàn khúc hát,
Mà từng lời bát ngát đượm tình quê,
Và từng câu luôn nhắc nhở tôi về
Một nơi chốn đà muôn bề xa cách?

Có gì "sến" với mối tình trong sạch
Của chàng trai đang cắp sách đến trường.
Thoáng nhìn ai mà lòng dạ vấn vương,
Giờ tan học trên đường về lẽo đẽo?

Có gì "sến" khi hè vừa bén nẻo,
Đám học trò buồn héo hắt chia tay,
Đứa thị thành, đứa trôi giạt chân mây,
Năm tới biết ai còn quay trở lại?

Có gì "sến" chuyện những người con gái,
Kẻ đưa đò, kẻ náu tại rừng sâu,
Trót yêu nên phải mang nặng khối sầu,
Chết hay sống vẫn buồn đau duyên số?

Có gì "sến" trong muôn vàn cảnh khổ,
Lớp nhớ về một thành phố mưa bay,
Lớp đêm dài cùng chim sắt rẽ mây,
Lớp men lối biệt ly đầy cay đắng?

Có gì "sến" trên sân ga quạnh vắng,
Những chiều buồn gội nắng đợi người xưa,
Nhưng qua rồi chẳng biết mấy mùa mưa,
Mà bóng dáng ai kia chưa về được?

Có gì "sến" khi vì lòng yêu nước
Vạn chàng trai phải cất bước lên đường,
Bỏ phố phường, gác lại chuyện yêu đương,
Sẵn sàng đổ máu xương nơi tiền tuyến?

Có gì "sến" khi những người lính chiến,
Phải đương đầu nguy hiểm chốn rừng sâu,
Mắt đăm đăm nhìn ánh lửa hỏa châu,
Miệng lẩm bẩm không ngừng câu đoàn tụ?

Có gì "sến" với người theo đội ngũ
Lội bùn dơ, lam lũ khắp chiến trường,
Nhưng đêm ngày vẫn nghĩ tới người thương
Quay quắt nhớ màu sương nơi quê cũ?

Có gì "sến" với cảnh người chinh phụ,
Năm canh khuya mất ngủ nhớ thương chồng,
Miệt mài ngồi đan áo ở bên song,
Cho chồng được ấm lòng khi giữ nước?

**

Người ơi chẳng bao giờ tìm lại được,
Thời vàng son của ngày trước Bảy Lăm,
Với hàng ngàn ca khúc của Miền Nam
Mà nhựa sống còn miên man tuôn chảy.

Người có thấy những bài ca ngày ấy,
Lời nhiều khi không bóng bảy văn chương,
Nhưng chính là hình ảnh của quê hương,
Thuở chưa chịu cảnh đoạn trường khốn khó?

Quê hương đó, là nỗi buồn phượng đỏ,
Là nhịp đàn khúc tân cổ giao duyên,
Là bước chân ngoài phố lúc nửa đêm,
Là nhức nhối triền miên nơi gác trọ,

Là ánh mắt mãi trông chờ đầu ngõ,
Là tiếng chuông, tiếng gió, tiếng nguyện cầu,
Là cành sim tim tím chốn rừng sâu,
Là chiếc bóng cây cầu đà gãy đổ,

Là day dứt nhìn cơn mưa tỉnh nhỏ,
Là nỗi vui vườn Tao Ngộ cuối tuần,
Là poncho, là mưa nắng hành quân
Là hạnh phúc của những lần đi phép..
.
Dù số mệnh Miền Nam giờ đã khép,
Những bài ca, hình ảnh đẹp tuyệt vời,
Những cung sầu, những xúc cảm đầy vơi,
Những tình tự... sẽ muôn đời tồn tại.

**

Người nếu nghĩ mình thượng lưu quý phái,
Hãy ngủ yên thoải mái giữa tháp ngà,
Mặc sức dùng kiến thức nhạc bao la
Để tán tụng những bài ca "sang cả".

Và nếu muốn, cứ âm thầm hể hả
Mỉa mai tôi dốt đặc chả biết gì,
Nhưng xin người hãy tạm ngoảnh mặt đi,
Hé mở chút tâm từ bi hỷ xả,

Cho tôi được, trong nắng chiều tơi tả,
Mắt mơ màng mà tấc dạ tái tê,
Tạm quên đi bước lữ thứ ê chề,
Nghe nhạc "sến" để nhớ về quê cũ.

Cali, 11/2023

Trần Văn Lương

Nguồn: Tiếng Thông Reo

2023-11-07

 

No comments: