Wednesday, February 14, 2024

Chấp Nối - Thuyên Huy

 

Chấp Nối

Tình tiết, bối cảnh và tên người được viết bằng tưởng tượng

 

    Từ siêu thị Woolworth đi ra, sáng chủ nhật, giờ này còn sớm, tiệm quán cửa hàng trong khu thương mại còn chắc cũng gần nửa tiếng nữa mới mở, ngang qua mấy cái quầy bán thức ăn, cà phê, bánh mì bánh ngọt cho ai đi làm sớm, đặt vòng quanh tròn vườn cây kiểng, thấy con bé gái ngồi cầm cái bánh mì ngọt, ngó qua ngó lại tại cái bàn sát bên chậu lá trầu bà to xanh, cười cười ăn ngon lành, người ra vào thưa thớt, có cô gái ngồi đối diện, quay lưng ra đang chăm chú coi gì đó trong cuốn tạp chí nhiều màu.




    Thấy con bé chừng bốn năm tuổi, tóc dài đen mướt ngang lưng, có cái nơ hồng thắt trên đầu, tiệp với cái áo đầm cũng hồng, mặt quá dễ thương, Huy chậm lại, đứng nhìn nó cười “cha sáng sớm đói bụng rồi hả con, bánh ngon hông?”, anh nói đại tiếng mình, lở nếu không hiểu thì cười trừ làm huề thôi, cũng cùng lúc, con bé cứ cười mà ăn, thì cô gái đối diện, chắc là chị nó, quay ra vừa nhìn nó vừa nhìn Huy, nhỏ nhẹ gật đầu chào “dạ chờ mở cửa dẫn nó đi lòng vòng chơi”, nói mà nhìn Huy trân trân như cảm thấy quen quen.

   Huy chưng hửng ngạc nhiên, bỏ túi xách xuống, kéo cái ghế trống của bàn bên cạnh ngồi xuống, trong đầu mình, cô này chắc là “con bé Thư” rồi, ở cùng quê ngày xưa, còn nhỏ xíu, chừng tám chín tuổi, tóc kiểu nửa con trai “demi garcon”, hỏi ngay “phải Thư, em của chị Thủy không?”, Thư bỏ cuốn tạp chí xuống bàn, rươm rướm mắt “anh Huy anh Huy hả, em đây”, thì ra cái nhìn trân trân lúc nãy làm Thư ngờ ngợ nhưng không dám hỏi. Con bé nhìn qua nhìn lại, rồi ngước lên ngước xuống tìm con chim sẻ nhỏ lạc đường, bay lượn kiếm lối ra, dù cánh cửa kiếng cứ mở ra khép lại, vô tư tiếp tục ăn, hỏi qua hỏi lại chuyện ngày đó chuyện bây giờ, Thư cho biết, con bé là con của Thủy, chị của mình. Bải đậu xe đã đông nghẹt, người bắt đầu vào tấp nập, cửa tiệm rục rịch mở đèn, tiếng nhạc êm êm vang lên như thường ngày.

*

    Huy tới ở trọ tại căn nhà bà dì, bà con của má, ăn chay trường, chồng mất hơn cả chục năm nay, cũng như bà, má Huy ở vậy, sau khi  ba Huy chết một chiều mưa dầm vì bị xe chở hàng ai đó miệt trên rừng biên giới về, tông vào lúc ông đạp xe đạp về nhà từ đám đất trồng rau cải, bị thương nặng, người ta đem ông vào nhà thương, năng quá nên ông không qua nổi sau mấy ngày, lúc Huy vừa lên lớp Ba trường tiểu học xã, tại dãy nhà tường gạch, xen kẻ mấy cái có lầu, cuối phố chợ quận, gần chân cái cầu bạc màu vôi, không mấy xa trường, trên con đường một bên là hàng cây phượng già, một bên là cửa hàng tiệm quán đủ thứ, dọc theo ngã ba, năm đệ Tứ sau ba năm ở nhà một người chú, bạn của ba anh, cái nhà vách ván vụn mái tôn, xa tít ngoài ngoại ô quận, cũng có anh con trai học cùng lớp tại trường trung học quận, chú làm nghề chạy xe lôi, nhà cũng nghèo, chỉ có hai cha con, năm nay chú không còn khỏe, nên bán nhà gom góp chút đỉnh, về lại quê quán cũ, đâu đó miệt dưới Cái Bè Cái Lậy.

    Trong lớp, Huy tuy ít nói nhưng được bạn bè mến mộ vì nhờ có đôi ba tài lẻ, thơ văn, và học thì thường đứng nhất nhì, nhất là mấy cô nàng vừa biết làm dáng tuổi mười bốn mười lăm. Riết rồi quen, nói gì thì nói, năm đầu còn lớ ngớ chưa biết gì nhưng từ mùa hè năm Đệ Ngủ, Huy cứ nhìn lén nhìn trộm Thủy, một trong số mấy cô nàng thường tụm năm tụm ba bên anh, chuyện học chuyện hành chuyện thơ chuyện văn, không “TTKH thì cũng Đinh Hùng, không Duyên Anh thì cũng Nguyễn thị Hoàng, Túy Hồng, Thụy Vũ”, nhìn mà mơ nhưng cũng chẳng biết mơ cái gì, đôi lúc ngồi bên bàn bên sách nhìn ra cửa sổ những chiều tím bảng lảng hoàng hôn bên kia sông, ngơ ngẩn nhớ người, vậy thôi, gần sát bên ngày này ngày kia, trong lớp ngoài sân trương mà cứ lặng thầm, ấp ôm mộng mị.

*

    Nhà Thủy, căn nhà giống như cái biệt thự Tây, có hàng rào tường gạch thấp lưng chừng, cái sân nhỏ trải sỏi trắng, và những cụm bông Cúc vàng dọc theo bờ tường, cách chỗ Huy ở trọ chừng bảy tám căn, sáng đi học thì anh chàng phải đi ngang qua, lúc nào cũng có cô bạn, cặp bài trùng của Thủy như bạn bè trong lớp gọi, nhà bên kia phố đầu đường ngã ba, đứng chờ, mấy ngày đầu về nhà trọ, sáng sáng từ nhà ra, hể thấy thì đứng lại chờ hai cô đi một khoảng hơi xa trước rồi mới đi nhưng sau đó không mấy lâu, hai cô lại đứng chờ, nói cười chờ Huy tới rồi bên nhau, không trước không sau, vui vẻ tới trường.

   Nhà Thủy khá giàu, có cửa hàng bán vật liệu xây cất đủ loại, chiếm một khoảng đất lớn, nằm sát bên quốc lộ và cây xăng duy nhất ngay ngã ba quận, nhân công trên dưới cả chục người. Nhà có hai chị em, Thư cô em nhỏ chừng tám chín, còn học tiểu học, con nhà giàu nhưng cô nàng khiêm tốn, nói năn nhỏ nhẹ, hiền lành, hay giúp bạn, tươi cười luôn miệng, nên ai cũng mến, tính luôn cả thầy cô, nhà còn có chiếc xe hơi “trắc xông” đen, thường hay đi Sài Gòn.

   Nhìn nhà người ta, nhất là đám bạn con nhà phố quận, Huy có những lúc buồn bất chợt, buồn rưng rức nhưng rồi cũng qua mau, gia đình vốn đã nghèo, sau ngày ba anh mất, còn lại má một mình bương chải sáng nắng chiều mưa, cũng vẫn nghèo, may mà hai má con còn đủ ăn, đủ mặc tạm lành, cho dù vậy bà vẫn lo cho Huy ăn học, những năm tiểu học trường xã Thạnh Phước, thì không sao, từ ngày anh ra quận học lên trung học, bà lại vất vả, lam lũ hơn, suốt ngày quần quật, cuốc xẻng, đạp cái xe đạp cà tàng đi về với đám đất trồng rau cải, khoai mì khoai môn, cách nhà ba bốn cây số, rồi chở về, mang ra bán chợ xã, trời còn thương và bà con trong xã cũng thương nên ít khi bị ế ẩm. Căn nhà thiếc, vách ván, nhỏ nhoi nằng bên rìa ấp chợ, từ nào tới giờ cũng vậy, vẫn miếng hở miếng thưa, vẫn gió lùa gió tạt mỗi khi trời nổi giông nổi bão.

    Bạn bè Huy chờ hè như chờ thú vui phố xá còn Huy cũng vui nhưng vui với luống cải gốc khoai, vui với mùi đất gió đồng, và náo nức chờ ngày nghỉ cuối tuần, hè về nhưng mong nó cứ kéo dài. Hể chiều thứ sáu tan trường, thì hối hả chào đáp lễ bạn bè, về nhà quơ vội mấy cuốn sách cuốn tập, cắm đầu cắm cổ đạp xe, cũng cái xe đạp cũ mèm như cái của má anh, chạy lẹ về Thạnh Phước, nhà mình, cách phố quận chừng mười mấy cây số, sáng thứ Hai, dậy sớm, mặt trời chưa lên, đạp xe trở ra phố trước khi trời rựng hé nắng, kịp nghỉ một chút trước giờ học, bải trường cũng cứ như vậy. Về nhà, sáng sáng theo má ra đám đất tưới rau nhổ cỏ, đào khoai, khai mương đậy liếp mà vui, một má một con bên nhau cười đùa to nhỏ, thương hoa cải vàng trên mấy luống thơm mùi đất mới.

    *

    Rồi thì, ngày qua dần, hết năm học này tới năm học khác, từ đầu năm đệ Tam, bạn bè trong nhóm càng lúc càng thân, nhưng thân nghèo cứ đeo đuổi, đã nhiều lần từ chối lời họ kêu tới nhà chơi, cuối tuần ngày nghỉ thì Huy phài làm gì, mới đầu không biết lý do, thật tình không phải viện cớ này cớ nọ nhưng sau đó, họ đều biết, biết mà thương bạn, nhất là có lần, cũng chiều thứ sáu, tan trường ra, thấy Huy hấp tấp, đi lẹ, chào tiếng mất tiếng còn, không lửng tha lửng thửng bên nhau trên đường như ngày thường, Thủy và cô bạn băng qua bên kia ngã ba, đứng nép ở một góc tiệm cơm quen chờ, nhứt định xem cho được lý do tại sao, chiều thứ sáu nào cũng hấp ta hấp tấp về trước. Huy cắm cổ đạp xe quẹo qua hướng con đường đất đỏ, không màng ngó tới ngó lui, anh không biết là có ai đó nhìn theo, trở ra đường về nhà, Thủy quyết định hỏi và nhất định sẽ hỏi cho được, tại sao phải hỏi, thì ra, lòng Thủy cũng đã biết thương biết nhớ ai đó rồi.

    Thủy biết vì Huy không giấu, gia cảnh nghèo nàn và rồi cả bọn cũng biết nhưng không một ai nói tới, vẫn mến Huy như ngày nào, vẫn tiếp tục học chung và chung vui chia buồn với nhau. Từ chối riết rồi cũng không được, Huy tới nhà chơi, có khi ở lại ăn cơm chiều, đôi ba lần ngày thường, không hề là những ngày cuối tuần hay lễ lộc, gia đình cô nàng ai cũng tử tế, thân mật thăm hỏi, nhất là cô em gái Thư một hai “anh Huy anh Huy” ngọt xớt, nhiều khi còn chạy qua kêu réo, mời ăn cái này cái nọ, làm anh bớt ngại ngùng, tự nhiên hơn. Về phần Huy, thì đã có nhiều đêm, tên của Thủy hiện ra quanh quẩn trên mấy trang sách thay vì mấy định lý toán khô khan, đã nhiều lần nhớ nhung bất chợt mỗi khi đứng nhìn trời, sau một ngày mệt nhọc với rau cải củ khoai ở Thạnh Phước, ở đó mà nhớ về phố quận. Huy đã yêu nhưng yêu thầm, không và chưa dám nói ra, phận đời nghèo cách biệt xa xăm quá, vời vợi quá, buồn mà chịu vậy thôi.

    Đậu tú tài Một, lên đệ Nhất, năm cuối trung học, Huy vẫn chưa dám nói ra, Thủy cũng thầm chờ, đám bạn chơi chung nghi nghi đó nhưng nghi vậy thôi, không chắc lắm vì chưa thấy hai người có dấu hiệu gì khi bên nhau, cũng cười cũng lo dù “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Nhưng chỉ có một người biết chuyện của cả hai, cả hai cùng trải bày tâm sự mình và biết chắc là người đó sẽ giữ kín, không cần hứa hay thề thốt, là cô Kim Châu, cô dạy toán lớp Huy năm đệ Tứ và có điều ngạc nhiên, cô lại là cô giáo lớp Nhì trường tiểu học Thạnh Phước, năm lên lớp nhất thì cô rời trường, không biết tin gì, nay lại dạy ở đây. Là người kín miệng, cô Kim Châu thương hoàn cảnh của Huy, từ nhỏ ở xã, cô biết rõ và đã từng giúp anh vượt qua nhiều khó khăn về tiền bạc, sách vở cho Huy từ năm đệ Thất. Cô là người dễ mến dễ gần gũi để “tâm sự đời tôi” không chỉ của đám học trò lớp Huy mà của cả trường, dù trai hay gái.

   *

   Tan trường, đám bạn chơi chung, con gái thì không nói gì, bận rộn nhưng không có gì lo cho lắm, chỉ lo là lo cho đám con trai, rũi mà rớt kỳ Tú Tài Hai này, nếu không có đường nào khác thì, cửa quân trường rộng mở chờ đâu đó, vì chiến cuộc mấy năm qua xem ra ngày càng lớn rộng và căng thẳng hơn, có vẻ chưa thấy giảm bớt, một vài anh năm trước đã về thăm lại trường trong bộ đồ lính trận, vài anh khác cùng lớp cũng vào lính nhưng không may đã vĩnh viễn nằm xuống không thấy về. Cho nên bạn bè cũng ít gặp nhau hơn, ai nấy đầu tắt mặt tối với bài vở ngổn ngang, nhức đầu nhức óc, có gì đó, có nhớ có nhung ai cũng phải cố quên để mà học trắng đêm, chong đèn quên sáng, Huy cũng vậy.

    Rồi đến lúc phải chia tay, hàng cây phượng già, hoa đã nở rộn màu thắm đỏ, từ lâu, tiếng ve sầu cũng đã rộn rã ngoài sân, ngoài phố, trường lớp, học trò lớn nhỏ nhìn nhau, bịn rịn người thương kẻ nhớ. Cổng trường hửng hờ khép, sân trường cỏ úa bùi ngùi ở lại một mình, vắng tanh và lắng im buồn xa xăm buồn vời vợi nhớ. Buổi trưa hôm chia tay, sau khi thu dọn đồ đạc sách vở, Huy cám ơn và từ biệt bà dì, không dám hẹn chừng nào về thăm nhưng hứa sẽ về, rồi tới quán cơm đầu ngã ba, chỗ hẹn với Thủy và đám bạn, có cả cô Kim Châu. Hẹn mà không ai nói gì nhiều, cứ buồn buồn nhìn nhau, chúc nhau may mắn “thi cử công thành”, để ý hơn người ta thấy Thủy xem ra sầu tư biếng lự dù có cười có nói như xưa. Cuối cùng, nhắc lại lời chúc đã nói, Huy đẩy xe đạp ra đường, đám bạn đứng sau chờ, cô Kim Châu theo ra, cô trò nói nhau gì đó rồi trở vô, cùng đứng nhìn, Huy rươm rướm đạp xe đi, không quay lại, bóng Huy khuất dần cuối khúc quanh, đám học trò lần lượt ra về khá lâu, Thủy và cô Kim Châu còn đứng bên lề trước quán nhìn theo, lặng thinh, không khóc thành tiếng nhưng mắt Thủy đỏ hoe ươn ướt, nghẹn giấu nổi niềm riêng mà buồn se thắt.

*

    Một tuần, trước ngày thi, buổi sáng, má Huy trở bệnh nặng, ho dai dẳng và thường bị nóng quá, người mệt lả, rủ rượi, xem ra không còn sức, bà không buồn ăn, cái bệnh vốn có từ hôm Huy về nhà, nhưng hai má con cứ nghĩ là cảm cúm sao đó, bà vẫn ra đám đất mỗi ngày, tuy có vẻ mệt và yếu sức, mớ thuốc cảm viên trứng nhện, mua ngoài chợ quận khi học ngoài đó, vẫn còn xài được, bà uống theo như người bán ở tiệm thuốc tây dặn, tuy vậy cái nóng sốt mỗi khi chiều về khi hết khi còn cứ như vậy làm Huy lo lắng, lo cho má mà cũng lo cho ngày thi gần kề sát bên,  Huy đưa bà ra trạm y tế xã, ngay hôm có người bác sĩ ngoài quận vô khám như thường lệ, kết quả là má Huy đã bị lao phổi nặng, cần phải đưa ra nhà thương quận, để chụp hình quang tuyến gấp, vì theo bác sĩ, có vẻ nặng lắm. Và kết quả hai lá phổ bà bị nám gần hơn phân nửa, do đã lao tâm lao lực quá sức.

   Nhờ cái xe lam quen đưa khách ra quận đi chợ, buôn bán, ngay chiều đó, chở má Huy xuống nhà thương Chợ Rẫy dưới Sài Gòn. Số trời không thương, nằm được hai ba ngày, Huy không còn tâm trí đâu nữa mà thi với cử, cứ ở suốt ngày, thức suốt đêm nhưng không qua được phần số, bà mất trong nhà thương, một ngày trước ngày thi. Quặn đau, đất trời nghiệt ngã, khóc không còn nước mắt mà khóc, đưa xác bà về, bà con lối xóm phụ nhau làm đám tang nhỏ, gọn, rồi đem chôn bên cạnh mộ ba Huy, ở cái nghĩa địa làng ngoài khu đất, đồng khô cỏ cháy. Mấy nén nhang, chén cơm cá mặn, tách nước mẻ miệng, bên ba bên má, Huy đi về, sáng lên chiều xuống, mùa thi qua rồi, mớ sách ngổn ngang trên cái bàn chênh vênh đã trở thành vô nghĩa, hết rồi ước mơ, hết rồi thương yêu, Huy từ đó dặn lòng, cố quên dù có nhớ.

    Cuối hè năm đó, Huy âm thầm lặng lẻ bỏ làng đi, vào lính, Huy gởi lại cái nhà mái tôn, vách nửa kín nửa hở, miếng đất trồng rau cải khoai củ, hai cái xe đạp cà tàng và hai nấm mồ cho vợ chồng chú thiếm Đặng, người hàng xóm, cách bên con đương mòn lớn cở một sải tay, cũng đã là người thường chạy qua chạy lại, phụ giúp má Huy, từ trồng tỉa tới những hôm tối lửa tắt đèn, chú thiếm không con nên thương anh như con. Nói gởi lại chứ thật ra đã xem như của chú thiếm rồi, đời lính không biết chừng nào về một khi, chiến trận vẫn còn dai dẳng khắp miền, chỉ cần chú thiếm, và chú thiếm hứa sẽ chăm sóc mồ mả ba má được “mồ yên mả đẹp” là đủ rồi. Nguyên một ngày trước khi đi, người trong xã trong làng ngang qua đường đều thấy Huy ngồi bên hai nấm mồ từ sáng tời chiều, xa quá không ai thấy anh đã khóc và khóc thành tiếng “lạy ba má con đi và con sẽ về” trong màn sương đục mờ nhang khói.

    Buổi sáng ra đi, trời vẫn còn sương, sương đầu thu, chuyến xe đò lỡ sớm đầu ngày rời khỏi phố quận, khuất ở khúc quanh ra quốc lộ về Sài Gòn khá xa, Huy mới quay lại nhìn phía sau, con đường ngang nhà Thủy và nhà bà dì, nơi anh đã sống mấy năm tuổi đời mới lớn, trời không còn sương, mù mờ dần xa, không phải vì sương trời mà vì sương nước mắt.

*

    Hai người ngồi trước hiên quán, cùng nhìn một phía bên kia đầu ngã ba, chỗ rẽ con đường đất bui đỏ, lặng im, không ai nói gì, ngồi cũng đã lâu, chợ chiều cũng thưa người, những gì muốn nói thì cô Kim Châu và Thủy kể ra đã nói hết rồi, vài ngày nữa, ve thôi gọi sầu, phượng thưa thớt từng cánh đang nấn ná tàn trên phố, mùa học mới, đám bạn quen cũng như Thủy sẽ tạm bỏ phố xuống Sài Gòn làm quen với giảng đường đại học, làm quen với son phấn ngựa xe, đèn màu xiêm áo, hai ly nước ngọt chưa vơi phân nửa vẫn còn đó trên bàn, hai ba người khách ăn cơm chiều nhìn ra, hai người vẫn lặng im, cuối cùng, chia tay, ra đường, đứng bên lề, không biết cô Kim Châu nói gì nhưng người ta nghe tiếng Thủy nói nho nhỏ, buồn rưng rức “em sẽ chờ”.

    Huy rời quân trường theo đơn vị, hết năm này qua năm kia, đời lính cứ miệt mài băng rừng lội suối, từ cao nguyên lên địa đầu giới tuyến, hết Kontum Dakto Tân Cảnh tới Triệu Phong, Quảng Trị, dọc Bình Định An Nhơn, nằm Chu Pao, Thường Đức, băng Ha Lào, cũng đở, ngày đêm sống chết với địch nên quên dần chuyện cũ, tuy có những đêm nằm dưới hố cá nhân, ghìm súng nhìn hỏa châu thôi rơi chờ sáng cũng chạnh lòng nhớ, nhưng chỉ nhớ thoáng qua rồi mau chìm vào quên lảng giữa khói đạn mịt mùng. Ngày theo đơn vị trong chuyến hành quân qua đất Miên, hôm tạm đóng quân ở phố quận chờ, Huy đươc phép vội vã về Thạnh Phước thăm nhà, vơ chồng chú thiếm Đặng mừng mà rơi nước mắt, bữa cơm nấu vội nấu vàng cúng ba má và cũng mấy nén nhang thơm xưa, một lần nữa, ngồi bên mộ mà khóc, hai giờ phép ngắn ngủi, Huy từ biệt chú thiếm mà đỏ hoe ngấn lệ. Buổi sáng ngồi trên xe chuyển quân lên biên giới, ngang qua con đường quen và nhà Thủy, Huy cúi mặt nhìn trời cao mà dặn lòng “cố quên”.




   Thủy xong năm thứ hai trường Luật, vẫn chưa có tin gì về Huy, vẫn mù khơi thăm thẳm, khóc thầm cũng đã nhiều lần rồi cũng nguôi dần, tiếng chờ vẫn còn đâu đó trong đầu nhưng xem ra cũng đã mờ nhạt vì biết sẽ chờ cho đến bao giờ, đôi lúc cô cảm thấy mỏi mòn vô vọng. Cô Kim Châu không còn dạy ở trường quận, đã đổi lên trường tỉnh, cô ít khi về lại dưới này và từ đó Thủy không còn ai tâm sự, đám bạn cũ cũng chẳng mấy khi gặp nhau, với Thủy, phố quận không còn gì vui.

 *

   Giữa năm thứ ba Luật, theo dòng đời mà đi, cũng đã quá mòn mõi, cười mà buồn, Thủy đính hôn với Quân, con người quen với gia đình mình, ở Thủ Đức, cũng gốc quê nhà, trong niềm vui của cha mẹ, anh tốt nghiệp kỹ sư Hóa học Phú Thọ, con một, đang làm việc tại công ty bột giặt VISO trên khu kỹ nghệ Biên Hòa. Xong năm cuối, hai bên làm lễ cưới, mùa hè, xe hoa và khách khứa rộn ràng, đèn màu cổng hoa, phượng rực rở đỏ một trời phố quận. Cô Kim Châu không tới dự dù đã nhận được thiệp mời từ lâu, vì tới thì cô phải chúc cho cô dâu cái gì đây khi lòng mình thật không vui và cũng không muốn làm Thủy mất cái vui trọn vẹn dù trọn vẹn hay không, chỉ có hai người hiểu.

   Cuối năm sau, Thủy sanh đứa con gái đầu lòng, hai vợ chồng ở Sài Gòn, ẳm bồng con về thăm ông bà ngoại, Thủy chưa tính chuyện đi làm vì con còn nhỏ, cuốc sống của họ, bình thản, yên bình theo ngày tháng. Qua tết 1975, con bé vừa lên một, chiến cuộc trở nên sôi động, khói lửa tràn lan từ giới tuyến địa đầu xuôi xuống miền Tây sông nước, rồi vùng 1 vùng 2 lần lượt rút quân xuôi Nam, mất đất, không may Quân, chồng Thủy bị trúng đạn pháo chết, vì đại pháo Bắc quân trút vào khu kỹ nghệ Biên Hòa cùng với năm sáu người khác. Cũng tang trắng khóc chồng, tiễn người vào huyệt mộ, người ở lại, già trẻ hai bên gia đình ngậm ngùi bên di ảnh, xót thương cho đời góa phụ còn quá trẻ.

   Huy cùng tiểu đoàn mình, trong những ngày này, cũng theo chân các đơn vị của binh chủng bạn trên đường rút về nam và tan hàng sau mấy ngày đêm đánh chận quân địch trên chiến trường Xuân Lộc, vòng đai cuối cùng bảo vệ Sài Gòn. Ba Mươi Tháng Tư Miền Nam thua cuộc, Sài Gòn mất vào tay quân địch, cảnh vật, đường phố hổn loạn, nón cối dép râu rầm rập ngơ ngáo tiến vào, lợi dụng tình thế còn nhiễu nhương, nhập nhằng, thay bộ đồ dân kiếm được đâu đó, Huy vét mớ tiền lương còn lại trong túi quần, chen xe đò, về Thạnh Phước, gặp lại chú thiếm Đặng, như một thằng lính quèn, đám cán bộ từ rừng về, còn lu bu, chưa làm gì dữ, nên cũng tạm yên thân, thăm hỏi chú thiếm, mừng gặp lại nhau nhưng mừng trong câm lặng, với mấy nén nhang thơm, cái tách bể, Huy đạp xe ra ngồi bên mộ ba má, nước mắt nhạt nhòa, rớt từng giọt trên hai nấm đất khô cằn giữa cơn nắng trưa trời vào hạ, biết không thể ở lâu, anh quay trở lại nhà, giã từ chú thiếm đi, nhờ coi sóc sóc giùm mồ mả, không biết khi nào sẽ về lần nữa. Huy rời Thạnh Phước ngay chiều hôm đó, leo lên xe đò vội vã ngược xuống Sài Gòn, cứ xuống rồi đời sẽ như thế nào, liệu mà tính sau.

   Trong lúc này, hai ba tuần lễ sau, hai bên gia đình bàn chuyện vài lần, gia đình chồng quyết định ở lại, ba má Thủy giao lại nhà cửa và tài sản làm ăn cho họ, sau khi thăm mộ Quân, lạy tạ ba má chồng, Thủy bồng con cùng ba má và em Thư xuống Cần Giờ và, cả gia đình theo chiếc ghe cào quen, như đã hẹn mấy hôm trước, ra khơi, bỏ Sài Gòn đi cùng lúc với hàng chục chiếc lớn nhỏ khác, từng chiếc rời bờ. Họ đến Mã Lai, ở trại tỵ nạn một thời gian rồi rời đó qua Úc.




   Lang thang ở Sài Gòn không hơn một tháng, Huy cùng với người hạ sĩ theo mình ở đơn vị cũ, theo xe hàng xuống Rạch Giá, len lỏi tới Hà Tiên, nhập đám người dân có lính cũ có, xuống ghe đánh cá, vượt biển qua tới đất Thái, vào trại tỵ nạn, cũng như Thủy, Huy bỏ Sài Gòn đi.

*

    Chiều thứ bảy, ở đây đã vào thu, trời lành lạnh nhưng cũng còn có chút nắng, những cái nắng muộn nấn ná cuối hạ, Huy đến thăm gia đình Thủy như đã hứa với Thư hôm gặp ở khu thương mại mấy ngày trước. Nhà cũng dễ kiếm, căn nhà gạch màu gỗ nâu vừa nằm gần cuối con đường chạy dọc theo bên này bờ sông, rợp bóng hàng cây khuynh diệp đang chần chừ thay lá. Thư dẫn bé gái đi đâu đó về, cũng là lúc Huy vừa ra khỏi xe, từ đằng xa Thư dắt con bé chạy nhanh tới chào, con bé cũng nghe lời dì, khoanh tay cúi đầu thỏ thẻ “dạ con chào chú”, con bé lấp xấp đi trước, hai anh em theo sau, tới cái cổng nhỏ, bên cạnh cái cổng sắt lớn màu trăng trắng, chưa vào sân, Thư nói vọng lớn vào “má ơi Anh Huy tới”.

   Thư đứng ở một góc phòng khách, Huy ngồi đối diện ba má Thủy, hai bác giờ tóc ai cũng pha màu muối tiêu, vẫn hiền từ, ân cần như ngày đó, mừng mừng rươm rướm, cứ nhìn nhau mà không nói được gì, nghe có tiếng xe vào nhà xe bên hông, con bé đang ngồi chung với bà ngoại, nhảy thót xuống “mẹ mẹ”, chạy ra cửa sau, Thư đứng yên, cười cười nhìn Huy, bác gái lên tiếng “Thủy đi làm về đó con”, bà thêm “biết con chiều nay tới nhưng vì có bán đấu giá nhà gấp nên phải đi, bác dặn ráng về sơm sớm”.

   Thủy ẳm con bé, miệng nói nhí nhô nhí nha tiếng mất tiếng còn gì đó, lên tới vừa lúc Huy đứng lên, Thủy bỏ con bé xuống, đứng khựng tựa lưng vào tường bên cạnh Thư, con bé níu tay mẹ, Thủy bật khóc, Thư cũng khóc theo, Huy cố cười, mắt đỏ hoe cay xé, căn phòng im lặng, không tiếng nói, chút vạt nắng muộn chiều còn sót lại lùa xuyên qua cửa sổ, đong đưa ngang qua mặt Thủy, mắt cô nàng ướt sủng. Bữa cơm chiều hôm đó, chuyện cũ chuyện xưa nói không hết, bác gái ít nói hơn, nhìn Huy cười một mình mà nhớ tới lời Thủy nói với bà trước lúc vừa thi xong năm cuối trung học “con biết anh Huy thương con má ơi, mà ảnh không dám nói thôi”, Thư cũng lâu lâu xen vào chuyện chạy đem bánh kẹo qua nhà kêu Huy ăn cho được, con bé hết nhìn người này rồi ngó người kia, thấy người lớn cười cũng ngặt nghẽo cười theo. Tô canh, chén cơm nóng chờ, không ai đụng tới, trừ con bé, đã nguội từ lâu, cứ vậy mà vẫn không hết chuyện, đèn đường trước nhà vừa lên, trời trở lạnh hơn, năm ba chiếc lá nâu vàng rụng sớm, nhấp nhô thả mình theo sóng trên sông, xuôi giòng ra phố lớn.

   *

    Biết nói gì bây giờ, gặp lại thì mừng nhưng lòng vẫn có cái gì đó lấn cấn, chần chừ, nên suốt mấy tuần qua, cứ suy nghĩ loanh quanh, ngập ngừng nửa đi nửa ở, nên Huy đã không trở lại nhà Thủy như đã hứa sau buổi chiều thứ Bảy đó. Nhưng rồi, cái mối tình yêu thầm đầu đó cứ chập chờn lẩn quẩn, vờn quanh hồn mình trong những đêm mưa giữa thu rả rích không ngủ, cũng một chiều thứ Bảy, trời bây giờ lạnh hơn, có chút mưa lất phất nhẹ ngoài đường, Huy lái xe đến nhà Thủy. Trong lúc này, sau buổi chiều thứ bảy đó, trong nhà, không nói chi Thủy, ai cũng mong mong chờ chờ, đi ra đi vô, dù không nói ra, ai cũng biết mình chờ cái gì.

*

   Cũng bữa cơm chiều, trong nhà không thiếu một ai, họ nói với nhau nhiều lắm, không biết nói gì nhưng lúc Huy ra về, cả hai bác, Thư và Thủy, ẳm con bé trên tay, theo ra tới ngoài cái cổng nhỏ tiễn, con bé đưa bàn tay nhỏ nhắn vẫy vẫy, qua ánh đèn đường vừa lên, bên kia đường Huy quay lại, người ta thấy cả người đi và những người đứng lại cười, những nụ cười vui hơn cái vui mà họ có trong tháng ngày qua. Huy đi rồi, hai chị em và con bé vẫn còn đứng trước cổng nhìn theo tới cuối đường, Thư cười, ẳm con bé lên tay, nựng cái má đỏ hồng như màu áo hồng nó mặc, hôm gặp Huy trong khu thương mai sáng hôm đó, “mai mốt ba về dẫn Nhật An đi nhà trẻ, rồi đi ăn kem, con chịu hông?”, hai mẹ con nhìn nhau cười, con bé gât đầu lia lịa, chắc nó cũng biết dì út Thư nói gì rồi.

 

Thuyên Huy

Bendigo, sáng đầu thu chờ xe lửa về phố chính 2022   

   

   

  

 

   

No comments: