CUỐI ĐỜI NHÌN LẠI
Năm 1985 tôi bắt đầu viết truyện ngắn và gởi đến Nguyệt san Văn của ông Mai
Thảo, ký bút hiệu Ý Ngôn, bài được đăng với lời giới thiệu là người viết mới.
Không hiểu sao lúc đó tôi lấy bút hiệu như vậy, sau này nghĩ lại thấy bút hiệu
đó có vẻ gì ... hơi "trúc trắc"... (nhưng biết đâu chừng, mình viết
gì họ không nhớ, lại nhớ cái bút hiệu... không giống ai).
Tôi cũng thử gởi truyện ngắn cho một vài tờ
báo văn học thời đó, nhưng bài không được đăng, chắc họ chê cách kể chuyện của
tôi có hơi quê mùa, và lời văn thì thô sơ mộc mạc.
Tôi nghĩ sao viết vậy theo cảm xúc, không cố
gắng trau chuốt câu văn sao cho kêu, cho sáng đẹp lấp lánh. Duy có một lần khi
viết truyện ngắn "Kiếp nào có yêu nhau" tôi bắt chước cách viết của
nhà văn Tuý Hồng. Chẳng hạn có nhiều câu tôi viết như sau: "Kim Anh muốn
biết Thu Cúc có cái gì chưa với thằng mắc dịch đó. Sao lúc rày bả mê bả lú đố
ai cản được, trời gầm cũng không nhả. Lúc rày hai tụi nó dính đeo như hai con
chó đang làm tình..."
Đây là một truyện ngắn tôi khá ưng ý, tôi sửa
chữa lại để lên blog của mình và đổi nhan đề là "Chim xa rừng", mặc
dầu tôi thích cái nhan đề cũ hơn.
Tôi viết sao ông Mai Thảo để vậy, không biên tập lại, duy chỉ có một lần tôi viết một truyện ngắn chạy theo tính thời sự lúc đó, chuyện kể về một người vợ trẻ, chồng là lính VNCH bị tù "cải tạo", nàng vượt biên rồi dính líu tình cảm đến một người đàn ông khác. Chàng ra tù rồi cũng đến Mỹ, hôm chàng đến cô nàng cũng ra tận phi trường đón chồng, nhưng rồi hai người ra về hai ngã khác nhau, coi như không còn gì nữa. Cô nàng âm thầm dọn sang thành phố khác, chạy trốn cả người chồng cũ lẫn người tình mới. Người tình trẻ đi tìm, gặp nhau nàng ôm mặt khóc, "yêu anh hơn cả người đến trước, sao giờ này em lại buồn hơn ai". Đó là một câu hát trong bản nhạc "Gửi người ngàn dậm" của nhạc sĩ Lam Phương, tôi bê nguyên câu hát đó làm nhan đề cho truyện ngắn của mình. Chắc ông Mai Thảo thấy cái nhan đề như vậy không ổn, nên ông đổi là "Phi trường".
Có một lần ông Mai Thảo lên San Jose để gặp nhà làm báo, làm truyền thông Đỗ Vẫn Trọn, ông "gửi lời nhắn" tôi đến chơi, nhưng tôi có hơi ngại đến chỗ đông người nên lặng lẽ làm thinh. Sau này nghĩ lại, thấy tiếc là mình đã lỡ một cơ hội gặp người coi như đỡ đầu cho mình trên con đường viết lách.
Trong một vài truyện ngắn tôi có nhắc đến quê nhà Sa Đéc của mình, nhà văn Nguyễn Văn Ba ở Canada cũng là dân Sa Đéc, anh viết thư cho ông Mai Thảo hỏi địa chỉ của tôi. Tôi trả lời thư nói tôi biết anh tên thật là Thái Minh Kiệt, là bạn học cùng lớp với anh trai tôi.
Khoảng đầu thập niên 90 (của thế kỷ trước, tôi
không nhớ rõ năm nào), nhà văn Nguyễn Văn Ba có đi một vòng nước Mỹ, hôm anh
đến San Jose (California) tôi có đến tham dự buổi ra mắt "tuyển tập truyện
ngắn" của anh. Hai anh em nói chuyện tâm tình, tôi nói có một vài truyện
ngắn tôi ký bút hiệu khác và viết có hơi tầm bậy tầm bạ, anh thấy viết như vậy
có "tầm bậy" lắm không. Anh trợn mắt, "quá sức tầm bậy, tầm
bạ". Trời đất! Tôi đã mang mặt nạ, thay tên đổi họ vậy mà anh cũng nhận
ra.
Anh nói anh dự định làm một tuyển tập truyện
ngắn của các nhà văn hải ngoại (đang nổi đình nổi đám thời đó). Anh nói tôi
chọn cho anh truyện ngắn của người này người kia. Tôi chỉ là người mới tập tành
viết lách chút đỉnh, đâu có làm báo và nhất là làm công việc biên tập, nhưng
anh chân thành nhắc lại đôi lần, tôi hào hứng góp ý. Nhưng truyện nào tôi đưa
anh cũng lắc đầu, nói thế này thế kia. Tôi nhớ có một truyện ngắn tôi rất
thích: "Ngày tháng không rời" của Lý Hùng Hà. Truyện kể về đoạn đời sau
khi đi tù về của một người lính chế độ cũ, về những tình cảm đan xen giữa những
người bạn học cũ. Một truyện ngắn khác mà tôi chọn là của nhà văn Phan Thị
Trọng Tuyến: "Ngày xưa" đăng lần đầu trên Làng Văn. Chuyện kể về
những người bạn học cũ gặp nhau trên đất khách quê người, cùng nhau nhắc lại kỷ
niệm vui buồn của những ngày học ở trường nữ trung học Lê văn Duyệt ở Gia Định.
"Ngày xưa"... có cô học trò nhỏ chiều chiều đạp xe đạp, ngang qua nhà
cô giáo len lén nhìn vào bên trong, cô giáo Khanh đang ngồi im lặng trong bóng
tối, nhìn ra phía ngoài đường lao xao người qua kẻ lại.
Trước khi chia tay, nhà văn Nguyễn Văn Ba kéo tôi lại chụp một tấm hình, anh nói "để đem về cho bà xã tôi coi ", (bởi vì chụp hình đề cho ba xã anh coi cho nên tôi nhớ mãi... tới bây giờ). Không biết anh có thực hiện tuyển tập truyện ngắn đó như dự định, tiếc là sau đó vài năm anh bị bệnh và qua đời khi còn rất trẻ.
Giờ đây trên văn đàn hải ngoại, ít thấy nhắc
đến nhà văn Nguyễn Văn Ba, nhưng anh còn có được chút an ủi, một số truyện ngắn
của anh trôi nổi trên các trang mạng Internet, một số truyện ngắn khác thì trôi
nổi trên YouTube qua giọng đọc Thanh Phương rất hay.
Tôi viết truyện ngắn được vài ba năm thì ngưng không viết nữa, cũng không đọc, không theo dõi văn học của người Việt ở hải ngoại. Năm 2015, khi đã nghỉ hưu, một hôm tình cờ tôi thấy truyện ngắn "Lục bình" của Nguyễn Thạch Giang trên trang mạng Internet, thấy cái tên tác giả trùng với bút hiệu của mình trước đây. Đọc qua thì biết đó chính là truyện ngắn "Yêu nữ" của tôi đăng trên Văn thời ông Mai Thảo. (Ấn bản Hoa kỳ).
Cảm hứng chợt ùa về, tôi bắt chước thiên hạ lập trang "blog Nguyễn Thạch Giang", đánh máy lại những truyện ngắn cũ khá ưng ý của mình, bỏ lên trang blog làm của để dành. Và tôi bắt đầu viết trở lại. Mở màn với truyện ngắn "Quán không tên" tôi gởi đến trang mạng "Sáng Tạo" do anh Bắc Phong coi sóc. Từ đó tôi viết lai rai, và vẫn như thuở nào, lúc có lúc không khi trồi khi sụt.
Truyện ngắn "Bộ tứ thầy chạy" Sáng
Tạo không đăng, tôi thử gởi cho tuần báo Trẻ ở Dallas xem sao, Trẻ không chê
nói truyện cũng OK mà. Anh Hoàng Định Nam nói tôi gởi cho một tấm hình và địa
chỉ để Trẻ gởi nhuận bút. Tôi trả lời nói không có hình. Anh Nam nói hình phác
họa mờ mờ ảo ảo cũng được. Nghe vậy tôi thử soạn lại mớ hình cũ của mình. Hình
chụp lúc còn trẻ sao tấm nào cũng thấy bảnh bao trẻ và đẹp, còn hình chụp thời
hiện tại thì thấy rầu quá "ba má nhìn không ra". Đăng lên tấm hình
thời trẻ, bạn đọc biết được sẽ thất vọng ê chề, người ngoài đời và người trong
ảnh khác nhau một trời một vực. Tôi phân vân chưa biết tính sao, chợt nhớ ông
Mai Thảo có một tấm hình rất ấn tượng, một ông già đang ngồi chờ chuyến xe sắp
đến. Tôi bắt chước, ra bến xe bus nhờ người bạn chụp cho mình đủ kiểu lúc đứng
lúc ngồi, một ông già tóc bạc phơ đôi mắt nhìn xa xăm đang mong chờ một chuyến
xe cuối cùng sắp đến. Nhưng tôi không phải là một diễn viên, nên mấy tấm hình
đó chỉ là một sự sao chép vụng về. Thành ra ba cái vụ hình ảnh... quên nó đi.
Truyện ngắn này là truyện ngắn đầu tiên tôi có
nhuận bút, mặc dù chỉ đủ ăn sáng uống cà phê (như lời anh Nam nói), nhưng cũng
làm cho tôi sướng râm ran suốt ngày hôm đó.
Viết được một thời gian tôi chợt nhận ra mình hay viết về ba cái vụ "tình dục", một số truyện ngắn khác thì lại mang nhiều hơi hám vui cười hài hước. Nhưng trong đời thật tôi lại là một người dở ẹc, đứng chót đội sổ trong việc giường chiếu. Tôi cũng không có tánh hài hước, không có tài ăn nói trước đám đông, thường ngồi một chỗ làm thinh nghe thiên hạ nói.
Nhà văn Hồ Trường An có làm một cuộc
phỏng vấn với nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn đăng trên báo Làng Văn (Canada), Hồ
Trường An có hỏi là sao ông Ngạn ít viết truyện tình. Ông Ngạn trả lời:
"truyện tình tôi viết như vậy mà anh vẫn thấy chưa đủ sao? Tôi chỉ không
viết truyện tình đồng tính".
Tôi nhắc lại chuyện này không phải vì câu trả
lời mà bởi câu hỏi, bởi có lúc tôi nhận ra mình không có truyện tình, và tôi
hiểu tại sao. Lúc tôi còn đi học, một hôm anh bạn ngồi gần bên bảo tôi vẽ ba
tấm hình, mặt trời, ngôi nhà và con rắn. Theo đó anh sẽ đoán cuộc đời và tâm
tính của tôi. Tôi vẽ con rắn bị cây gậy đập chết. Có lẽ anh hơi bất ngờ với
điều này, anh trầm ngâm nói con rắn tượng trưng cho tình yêu. Hèn gì, tôi suốt
cuộc từ lúc còn trẻ cho tới giờ đầu bạc chỉ thuộc mỗi bài hát "Một mình".
Người suốt đời không có được một cuộc hẹn hò thì làm sao có thể viết được một
câu chuyện tình cho ra hồn.
Nhắc đến ông Nguyễn Ngọc Ngạn, tôi xin ba điều bốn chuyện nói lan man lạc đề một chút. Đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, khi làn sóng người Việt bốn phương tám hướng ùa ra thế giới, sinh hoạt văn học của người Việt hải ngoại nhộn nhịp hẳn lên. Nhiều người viết mới xuất hiện, trong đó có ông nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn. Ông Ngạn khởi đầu sự nghiệp viết văn đầy danh giá, một tiểu thuyết của ông được dịch sang tiếng Anh và được một nhà xuất bản Hoa Kỳ phát hành. Sau đó thì truyện ngắn truyện dài của ông xuất hiện đều đều hết quyển này đến quyển khác. Tính về "số lượng" thì không một nhà văn nào sánh kịp.
Khi ông Ngạn cộng tác với trung tâm Thuý Nga
trong vai trò người dẫn chương trình sân khấu thì không còn thấy tác phẩm của
ông xuất hiện trong sinh hoạt báo chí của người Việt hải ngoại. Không phải ông
ngưng viết mà trái lại sức sáng tác của ông sung mãn hơn cả lúc đầu, hết truyện
mang tính thời sự của cộng đồng người Việt hải ngoại đến truyện của người Việt
trong nước (mặc dù ông chưa từng về Việt Nam). Rồi ông nhảy sang viết truyện
kinh dị, truyện ma và tiểu phẩm hài.
Từ rất sớm ông Ngạn không phát hành sách in mà
nhảy ra phát hành "sách nói" (audio book). Khi dịch vụ internet nở
rộ, sự lan toả của truyện Nguyễn Ngọc Ngạn cùng khắp năm châu bốn biển. Số
người nghe ông Ngạn đọc truyện của chính mình tăng dần theo năm tháng. Có thể
nói về độ ăn khách, truyện Nguyễn Ngọc Ngạn không hề kém cạnh nhà văn nào.
phàm ở đời, hễ có tiếng là có tiền. Kênh đọc truyện trên YouTube của ông Ngạn chắc cũng kiếm được kha khá, không bạc trăm thì cũng bạc cắc. Và một lẽ thường tình trên cõi đời này, hễ mình kiếm được chút cháo thì có nhiều người nhảy ra "ăn theo". Tôi không biết chính xác trăm phần trăm nhưng tin rằng truyện của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn do chính tác giả diễn đọc. Giờ đây xuất hiện tràn lan trên kênh YouTube truyện ngắn truyện dài Nguyễn Ngọc Ngạn do một quý ông quý bà nào đó tuốt bên Việt Nam diễn đọc, cũng đính kèm hình ông Ngạn đàng hoàng. Nghe qua thì biết đây là hàng giả, Nguyễn Ngọc Ngạn giả, từ truyện ngôn tình cho đến truyện kinh dị, truyện ma, thậm chí truyện khiêu dâm rẻ tiền cũng... Nguyễn Ngọc Ngạn. (Trước đây ở Sài Gòn từng có tiểu thuyết Quỳnh Dao giả mạo, xem ra hàng giả thời nào cũng có).
Khi dẫn chương trình trên sân khấu Thuý Nga, lúc chờ hậu trường sửa soạn cho màn trình diễn tiếp theo, ông Ngạn kể một câu chuyện vui nho nhỏ. Những chuyện vui vui này được nhiều người ưa thích. Có một anh chàng ca sĩ trẻ bên Việt Nam cũng "ăn theo", thay vì chỉ kể nội dung những gì ông Ngạn kể, anh ta bắt chước phong cách Nguyễn Ngọc Ngạn, làm đúng y chang những gì ông Ngạn làm, từ cách dẫn truyện cho đến cách nhấn nhá từng câu từng chữ.
Nói là hiện tượng Nguyễn Ngọc Ngạn cũng không
có gì quá đáng.
Truyện ngắn "Yêu nữ" của tôi đăng lần đầu trên Văn được Trần Vũ giới thiệu lại trên Hợp Lưu với nhan đề "Lục bình". Thành ra truyện ngắn này có hai nhan đề, trên nhiều trang mạng cho phổ biến lại có chỗ thì "Lục bình", chỗ khác lại "Yêu nữ". Truyện ngắn này đặc biệt được hai kênh đọc truyện bên Việt Nam diễn đọc. Năm 2019 ông Khánh Trường, Nguyễn Vy Khanh, Luân Hoán có thực hiện một tuyển tập “44 Năm Văn học Việt Nam hải ngoại”, Trần Vũ có gợi ý cho tôi tham gia với truyện ngắn “Yêu nữ” này. Nhưng tôi có hơi ngại khi phải viết phần “lý lịch trích ngang”, tên gì bao nhiêu tuổi trước kia làm gì và bây giờ ở đâu. Tôi tự nghĩ, gia tài vốn liếng của mình có chút xíu, thôi thì cứ đứng sau cánh gà, chỉ mong độc giả xa gần đồng cảm với những gì mình viết là đủ vui rồi.
Một truyện ngắn khác khá ưng ý của tôi ít người biết là truyện “Người tình Part time” đăng lần đầu trên Văn thời ông Mai Thảo. Truyện này có cái nhan đề nửa Tây nửa Ta vì thời đó bước lên xe mở radio là nghe Stevie Wonder hát Part-Time lover. Nhiều năm sau, khi đánh máy lại bỏ lên trang blog của mình, tôi sửa chữa lại nghĩ là cho nó bớt “dơ” và bớt “thô”. Trần Vũ thấy vậy mới gởi email cho tôi nói là bản sửa chữa này dở tệ so với bản gốc, sao lại tự kiểm duyệt chính mình, sao lại đánh mất cái chất “spontaneity “. Tôi thấy Trần Vũ nói cũng có lý, nên tôi bỏ bản sửa chữa giữ lại bản gốc. Sau đó truyện ngắn này được Trần Vũ cho phổ biến lại trên tuần báo Trẻ với lời giới thiệu “một quậy phá bằng ngôn ngữ không kiêng dè mỹ tục”. Thật sự ra khi viết tôi viết theo cảm xúc, không hề đem ra cân đo đong đếm, Chẳng hạn truyện ngắn “Giăng bẫy Tình “ tôi viết lúc gần đây, đọc lại tôi thấy truyện này phải dán nhãn là người dưới 18 tuổi không nên đọc.
Một hôm tình cờ tôi thấy truyện ngắn "Xấu dây nhưng tốt củ" của mình được ông "Tám Tình Tang" diễn đọc, mặc dầu kênh đọc truyện của ông phần lớn là truyện về những người lính Việt Nam Cộng Hoà. Tôi thử gởi một vài truyện ngắn của tôi nhờ ông diễn đọc để "bà con xa gần có dịp thưởng thức". (Cám ơn ông Tám Tình Tang). Tôi nhận thấy mấy truyện vui vui hài hước của tôi được nhiều người nghe hơn là mấy cái truyện có chút mùi tình dục. Đặc biệt truyện ngắn "Leo lưng cọp" được nhiều người nghe và bấm "like" mặc dù cũng có vài người comment là chuyện xàm xí. Đây chỉ là một câu chuyện hư cấu, đôi lúc tôi thầm nghĩ, nếu sự thật xảy đến với mình như truyện kể, không biết tiền bạc sẽ biến tôi thành một người bần tiện đến cỡ nào.
Nhìn chung, số lượng người nghe truyện
của tôi thuộc dạng ... "trung bình thấp".
Trong số những truyện ngắn tôi viết, tôi yêu quý truyện ngắn "Máu me cây bài lá bạc" hơn tất cả, không phải vì đây là một truyện ngắn hay, mà bởi vì truyện ngắn này ghi lại một cách chân thật thói ham mê cờ bạc của tôi, đã khiến cho tôi mang một nỗi ân hận day dứt nhiều ngày tháng. Hôm đó chiều thứ sáu, đi làm ra tôi chạy thẳng đến sòng bạc ở đó suốt đêm, mà cũng tệ không gọi điện thoại cho mẹ ở nhà đang mong đợi. Buổi sáng về nhà, tôi thấy mẹ nhìn tôi bằng một cặp mắt buồn bã, hết sức buồn bã, và nỗi buồn như tỏa ra khắp người của bà, người mẹ nhìn thằng con trai, lúc nhỏ rất ngoan được mọi người trong nhà thương mến, giờ đây lớn lên lại vướng vào con đường nghiện ngập.
Truyện ngắn "Cô dâu 68 tuổi" tôi
viết khi sắp sửa bước vào tuổi 68, và ở tuổi đó tôi thấy thấp thoáng hình như
mình vẫn còn mong đợi một tình yêu.
Một người bạn thân gợi ý cho tôi xuất bản một tập truyện ngắn làm của để đời. Nhưng tôi ngại sách in ra bán không hết, đem về nhà chỗ đâu mà chứa. Tự nghĩ, từ lâu truyện ngắn của mình trôi nổi trên các trang mạng Internet như vậy cũng đủ rồi. Mà không chừng nó dễ dàng đến với người đọc hơn, và sự lan tỏa của nó rất nhanh có thể đi khắp hang cùng ngõ hẻm năm châu bốn biển. Và tôi thích, nếu được, nhờ người diễn đọc tất cả truyện ngắn của mình, gom lại một chỗ bỏ lên trên trang đọc truyện Nguyễn Thạch Giang trên YouTube, lâu lâu có người mở ra nghe là tôi mãn nguyện lắm rồi. Và sau này, nhiều năm sau này khi tôi đã qua đời, có người vẫn còn đọc truyện của tôi, nghe truyện của tôi viết, chia xẻ những cảm xúc vui buồn cùng tôi, thì đó là niềm an ủi rất lớn cho người cầm bút.
Nguyễn Thạch Giang
No comments:
Post a Comment