Ảo Tưởng Khúc
Monday, September 30, 2024
Vết Thương Cuối Cùng - Nguyễn Thị Hoàng
VẾT THƯƠNG CUỐI CÙNG
một đêm kia trái tim tôi ngừng đập
máu thôi hồng
và tóc sẽ thôi đen
sẽ khô cạn
hết đôi hồ nước mắt
thôi còn ai
âu yếm gọi tên em
đừng xua đuổi tôi đã nguyền trốn tránh
chân thôi đi
và miệng sẽ thôi cười
thôi cô độc
bởi không còn kiêu hãnh
nỗi ê chề đau
đớn của riêng tôi
ở trên đó sao sương mờ mịt lắm
hồn tôi bay
quanh quĩ đạo mặt trời
xin vũ trụ
chút hương nồng lửa ấm
kẻo khi xưa
quen lạnh lẽo trên đời
người ta sẽ cười vui và tiếp tục
trong thiên
đường và địa ngục trần gian
đôi mắt ấy
chưa một lần biết khóc
bởi đôi tay
chưa hứng lấy điêu tàn
em từ giã và mang theo hờn tủi
suốt một đời
như bóng núi chơ vơ
anh dù đến dù
đi, em mòn mỏi
suốt một đời
hấp hối nỗi bơ vơ
em sẽ nói với vì sao thứ nhất
gọi giùm tên
một kẻ dưới xa kia
viên ngọc quí
đã tan tành nước mắt
bởi yêu người
tôi chọn kiếp điên mê
Nguyễn Thị Hoàng
( Tập san VĂN )
Nguyễn Bính Nhà Thơ Bình Dân, Si Tình Và Lãng Mạn - Nguyễn Cao Cang
NGUYỄN BÍNH, NHÀ THƠ BÌNH DÂN SI TÌNH VÀ LÃNG MẠN
Nguyễn Cao Can
Ai đọc thơ của nhà thơ Nguyễn Bính mà
không thấy cái độc đáo của hồn dân tộc đã ấp ủ trong thơ của ông, hay nói cách
khác Nguyễn Bính đã đưa hồn dân tộc vào thi ca Việt nam hiện đại. Ông là người
đã góp công rất lớn vào nền văn học Việt Nam, những câu thơ giản dị, bình dân
đã làm cho người đọc, khi đọc lên chỉ một lần đã thấy lòng mình lâng lâng giao
cảm, dễ đọc, dễ mến và nhất là dễ thuộc. Nhưng có ai ngờ được rằng Nguyễn Bính
lại có một cuộc sống lãng mạn và giang hồ giống như thơ của ông.
Nguyễn Bính thi sĩ lãng mạn và giang
hồ.
Nguyễn Bính tên thật là Nguyễn Trọng
Bính, Bút hiệu của ông là Nguyễn Bính, sinh năm 1918 tại xóm Trạm, thôn Thiên Vịnh,
xã Đồng Đội nay là xã Cộng Hoà, huyện Vụ Bản thuộc tỉnh Nam Định. Ông mồ côi mẹ
lúc mới lên ba, do đó bố ông có một bà kế mẫu, nhưng nhà vẫn nghèo nên ông được
bên ngoại đưa về nuôi nấng dạy dỗ tại thôn Vân Tập cũng cùng xã Đồng Đội.
Cậu ruột Nguyễn Bính là ông Bùi Trình
Khiêm lãnh trách nhiệm nuôi nấng ông. Được biết ông Bùi Trình Khiêm là một nhà
nho có tiếng trong vùng thời đó đã tham gia vào phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục,
ông Khiêm cũng là thầy giáo dậy ông Trần Huy Liệu. Nhờ người cậu giỏi hán văn
mà Nguyễn Bính có môi trường tiếp xúc sớm với chữ nghĩa, thi phú và nghệ thuật.
Khi Nguyễn Bính được mười ba tuổi đã
làm kinh ngạc về tài thi phú của mình nhân vào dịp lễ hội Phủ Giầy (Nam Định)
thường tổ chức vào tháng Ba Âm Lịch hằng năm, trong lễ hội năm này có tổ chức
cuộc thi thơ. Năm đó ban tổ chức chọn đề thi là ” Hãy tả cảnh chọi gà trong
ngày lễ hội”. Đề tài vừa ra, ông lấy bút giấy viết liền, chỉ chưa đầy nửa thời
gian của ban tổ chức ấn định Ban Giám Khảo đã thấy Nguyễn Bính đã lên nộp bài
thi. Mọi người đều ngạc nhiên nhất là những vị trong Ban Giám Khảo. Bài nộp của
Nguyễn Bính dài hơn ba trang giấy , kể ra như vậy là ông đã viết khá dài. Sau
khi Ban Giám Khảo xem xét và cân nhắc, đã quyết định trao giải thưởng hạng nhất
cho bài thơ của nhà thơ Nguyễn Bính.
Liền ngay đó Ban Giám Khảo đã dùng
loa phóng thanh đọc bài thơ được giải nhất ở giữa sân đình cho mọi người nghe.
Nghe xong, tức thì hàng ngàn người đang tham dự lễ hội có mặt, đều nhất loạt vỗ
tay hân hoan chúc mừng nhà thơ thiên tài Nguyễn Bính, có những cặp thanh niên
còn cao hứng công kêng Nguyễn Bính lên vai, làm chàng trai Nguyễn Bính vừa mới
lớn được nhìn từ trên cao hơn người xuống nhìn ngắm những cô gái đang đi dự lễ
hội một cách hãnh diện và thoải mái, trái lại những cô gái xuân xanh mơn mởn
đang ước tấm chồng nhìn lên anh thi sĩ đầy cao ngạo mà ước muốn được lấy chàng
làm chồng . . .
Em như cô gái hãy còn xuân
Trong trắng thân chưa lấm bụi trần
Xuân đến, xuân đi, hoa mận nở
Gái xuân giũ lụa trên sông Vân
Lòng xuân lơ đãng, má xuân hồng
Cô gái xuân mơ chuyện vợ chồng
Đôi tám xuân đi trên mái tóc
Đêm xuân cô ngủ có buồn không?
Bài thơ “Gái Xuân” trên mà Nguyễn Bính mô tả một nàng
thôn nữ diễm kiều đang mơ mộng thật nhiều, cô đang mơ một tấm chồng, si tình một
chàng trai nào đó có thể là thi nhân Nguyễn Bính chăng? Nên chàng hỏi “Đêm xuân
cô ngủ có buồn không?”
Từ ngày chàng được đám đông vỗ tay tán thưởng sau cuộc thi ở Phủ Giầy năm ấy,
Nguyễn Bính lại càng cao hứng để sáng tác những vần thơ trữ tình làm nhiều người
say mê, các cô thiếu nữ thì mê mẩn si tình như trong bài Chờ Nhau dưới
đây:
Láng giềng đã đỏ đèn đâu
Chờ em ăn dập miếng giầu em sang
Đôi ta cùng ở một làng
Cùng chung một ngõ vội vàng chi anh
Em nghe họ nói mong manh
Hình như họ biết chúng mình với nhau.
Ai làm cả gió đắt cau,
Mấy hôm sương muối cho trầu đổ non.
Trong câu ‘ em nghe họ nói
mong manh, hình như họ biết chúng mình với nhau ‘ quả tình là thi vị
và lãng mạn, không còn nề nếp gia phong cổ hủ trai gái thụ thụ bất thân như ông
bà ta thường nói. Tuy thế nhưng với bài Cô Hàng Xóm mà Nguyễn
Bính mô tả rằng nhà chàng ở cạnh nhà nàng mà vì lễ giáo nên còn hơi e ngại.
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,
Cách nhau cái dậu mùng tơi xanh rờn.
Hai người sống giữa cô đơn,
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi.
Giá đừng có dậu mùng tơi,
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng.
Cho nên chàng chỉ dám nhẹ nhàng nằm mơ thôi:
Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng…
Có con bướm trắng thường sang bên này.
Bướm ơi! Bướm hãy vào đây!
Cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi…
Chả bao giờ thấy nàng cười,
Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên.
Cảnh mưa thì thật buồn, nhà thơ Nguyễn Bính mô tả như sau:
Tầm tầm giời cứ đổ mưa,
Hết hôm nay nữa là vừa bốn hôm.
Cô đơn buồn lại thêm buồn,
Tạnh mưa bươm bướm biết còn sang chơi?
Chàng gửi hồn cho bướm trắng để chịu
tang khi biết nàng đã thành người thiên cổ. Nguyễn Bính quả là một người si
tình và lãng mạn, mặc dầu chàng chưa hề mặt mặt cầm tay nàng lấy một lần mà đã
nghẹn ngào, đau sót và nói rằng mình đã yêu nàng. Thật đúng là chàng vừa si
tình lại hết sức lãng mạn.
Hỡi ơi! Bướm trắng tơ vàng!
Mau về mà chịu tang nàng đi thôi!
Đêm qua nàng đã chết rồi,
Nghẹn ngào tôi khóc… Quả tôi yêu nàng.
Kết luận một điều làm người đọc ngỡ ngàng sau khi nàng chết,
Nguyễn Bính còn mơ tưởng rằng nếu hồn trinh của Cô Hàng Xóm còn ở trần gian thì
hãy nhập vào bướm trắng để qua với chàng thì sung sướng biết bao!.
Hồn trinh còn ở trần gian?
Nhập vào bướm trắng mà sang bên này!
Rồi, một câu chuyện thú vị và si tình
khác của Nguyễn Bính nữa mà nhiều người còn nhắc tới: Số là năm ấy ông vừa tròn
mười bốn tuổi Nguyễn Bính đi dự hội Phủ Giầy một lễ hội mà ông rất mê từ thuở
nhỏ. Hôm đó ông đang ngồi xem hát hầu đồng bóng, khi thoáng thấy một cô gái trạc
tuổi ông đi ngang qua. Cô bé người cao ráo mặc áo cánh sen thắt lưng hoa lý
trông rất xinh. Cô ấy đi cùng với một người đàn bà có lẽ là mẹ nàng. Vẻ đẹp sắc
nước nghiêng thành, lạ lùng như nàng vừa thoát ra từ bức tranh Tố Nữ treo ở tường
trong phòng khách của một vị quan mà ông đã đưọc xem khi đi thăm ông quan ấy với
người cậu, vội vàng ông chạy theo cốt nhìn cho bằng được khuôn mặt cô nàng, rồi
ông ngơ ngẩn như người mất hồn khi diện kiến. Cả ngày hôm ấy, ông cứ đi theo
hai mẹ con nàng, ông theo cả vào chùa trong để lạy cùng lạy, khấn cùng khấn với
hai mẹ con nàng đến nỗi ông quên cả thời gian mãi cho đến chiều.
Gió chiều cầu nguyện đâu đây,
Nắng chiều cắt đoạn một ngày cuối thu.
Sư già quét lá sau chùa,
Để thiêu xác lá trước giờ lên chuông.
Si tình đến thế nên ít có người sánh
kip. Ngoài việc lãng mạn si tình, Nguyễn Bính còn được dân gian coi như một vị
thần dùng thơ để bói toán nên người cùng thời đặt cho ông danh hiệu là ‘chú bé
thần đồng ‘, nhiều lời đồn đãi thêu dệt khiến nảy sinh ra nhiều chuyện bất ngờ.
Lúc đầu người ta nhờ Nguyễn Bính gà thơ cho những cuộc thi có hát đối đáp vì
ông có tài đối ứng tức thì, nên thường bên nào có ông giúp thì đều thắng cuộc
thi, làm đối phương tức giận. Tuy nhiên cũng nhờ tài đó mà ông được dân chúng
ngưỡng mộ, thời đó dân trí còn thấp kém nên đã có người tôn ông lên đến tột đỉnh
vinh quang, có người ngờ rằng ông là người của “cõi trên” hiện xuống vì do sự
sùng kính quá đáng mà thành mê tín, tin rằng thơ Nguyễn Bính là thơ Tiên, được
giáng nhập vào cậu bé thần đồng chứ chẳng phải là thơ của người bình thường
sáng tác. Thậm chí đến nỗi người muốn dựng vợ gả chồng cho con cái, hay những cặp
trai gái gặp đường tình duyên trắc trở, hoặc làm ăn xui xẻo v.v. đều đến nhờ
“Câu” cho thơ “Tiên”! “Cậu” tuỳ theo hoàn cảnh của thân chủ lại cho thơ “Tiên”.
Một lần kia, gia đình nông dân nghèo
có một cô gái vừa tuổi cập kê, một thanh niên con nhà giầu ở làng kế bên đến hỏi
xin cưới làm vợ. Nhưng phiền một nỗi nàng đã có một người yêu khác trong làng,
người này tuy nghèo nhưng như cô nhưng cách ăn nết ở cũng khá. Gia đình cô gái
phân vân không biết quyết định ra sao cho phải nên đã tìm đến “Cậu”. Cậu” liền
lấy bút giấy viết ra “dòng thơ phán bảo” như sau:
“Của dẫu nhiều nhưng vẫn chẳng nên
Phù vân, giả dối chẳng lâu bền
Tình em đâu phải trao thiên hạ
Dành để trai làng mới đẹp duyên”
Thế là gia đình người thiếu nữ đành
nghe lời thơ Tiên của Cậu gả cô cho trai làng, mà từ chối gả cho chàng thanh
niên làng bên giầu có. Một chuyện thật độc đáo là có một anh chàng hành nghề đạo
chích nghe nhà Thơ Nguyễn Bính có thơ Tiên linh hiển lắm nên cũng tìm đến xin
thơ Tiên và được Nguyễn Bính “giáng” cho mấy câu thơ, đọc xong thơ Tiên thì anh
đạo chích bỏ luôn nghề ăn trộm.
Trở lại nàng Tố Nữ mà Nguyễn Bính gặp
ngày trẩy hội Phủ Giầy, hết ngày lễ hội thì chàng còn tò tò theo nàng nhiều
ngày nữa, chàng luôn luôn đi theo bên nàng cho đến ngày thứ tư, chàng lén dúi
được vào tay cô Tố Nữ một mảnh giấy có mấy câu thơ sau:
“Em ở cõi trần hay cõi tiên?
Phủ đền nhang khói nức hương em
Xin đi chầm chậm cho theo với
Lộc Thánh dâng người một trái tim”.
Cô gái Tố Nữ nhanh nhẹn cầm lấy mảnh
giấy nhưng nàng thẹn thùng ngó lơ đi nơi khác. Tuy vậy chỉ cần như thế là chàng
đã mãn nguyện sung sướng tràn ngập trong lòng rồi. Như thế phải chăng Nguyễn
Bính đã là một thi sĩ thật lãng mạn và si tình. Cuộc tình vẫn chưa chấm dứt,
nàng sau đó đã theo mẹ về quê và chàng tìm cách đi theo cho đến tận nơi nàng ở.
Tuy nhiên có lẽ mối tình đầu này kết quả chỉ đẩy đưa tới đó mà thôi bởi vì chỉ
chừng ba tháng sau thì gia đình nàng đột ngột bán nhà chuyển đi nơi khác, thế
là người tiên Tố Nữ của chàng đã biến mất, nhưng hình ảnh nàng Tố Nữ trẩy hội
Phủ Giầy đầu chít khăn nhung mỏ qụa, có lúc nàng thả tóc đuôi gà thật xinh vẫn
luôn ám ảnh trong tâm hồn chàng thi nhân Nguyễn Bính, một bóng hình khó lạt
phai.
Nguyễn Cao Can
San Jose – 2007
Nguồn: Chim Việt Cành Nam
Hoàng Thị Ngày Xưa,, Ngày Nay - Phanxipăng
Bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị của thi sĩ Phạm Thiên Thư được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành bài hát cùng nhan đề vào năm 1971, được nhiều ca sĩ lần lượt thể hiện, tạo sức lan toả sâu rộng. Cũng từ đó, đề cập đến nữ nhân vật trong tác phẩm Ngày xưa Hoàng Thị, vì lắm lý do, có những ngộ nhận đã xảy ra khá nực cười.
Thơ bay bằng cánh nhạc
Phạm Thiên Thư có họ tên Phạm Kim Long, chào đời năm Canh Thìn 1940 tại Hải Phòng trong một gia đình Đông y mà cha gốc Thái Bình, mẹ gốc Bắc Ninh. Giai đoạn 1943 – 1951, Phạm Thiên Thư sống ở Hải Dương, rồi theo gia đình vào Nam, cư ngụ tại Sài Gòn từ năm 1954. Lớp đệ tam (tương đương lớp 10 hiện thời), Phạm Thiên Thư học trường Trung học tư thục Văn Lang ở khu Tân Định, quận 1, chung lớp với một nữ sinh gốc Hải Dương là Hoàng Thị Ngọ tuổi Nhâm Ngọ 1942.
Phạm Thiên Thư kể:
-Hoàng
Thị Ngọ dáng người thanh mảnh, tóc thả ngang vai. Xếp hàng vào lớp, nàng đứng đầu
hàng nữ, tôi đứng cuối hàng nam. Vào lớp, nàng ngồi bàn đầu, tôi ngồi bàn cuối.
Ngọ học giỏi, còn tôi thì giỏi… đánh lộn. Thế mà tôi yêu nàng. Yêu đơn phương.
Nhà tôi ở đường Trần Khát Chân. Nhà Ngọ ở đường Trần Quang Khải. Mỗi lần tan
trường, nàng ôm cặp đi bộ về nhà, tôi cứ lẽo đẽo theo sau.
Phạm Thiên Thư thi đỗ tú tài bán phần (1) rồi trở thành sinh viên phân khoa Phật
học thuộc Viện Đại học Vạn Hạnh (2). Từ năm 1964, Phạm Thiên Thư trở thành tu
sĩ Phật giáo với pháp hiệu Thích Tuệ Không, trải qua các chùa Kỳ Quang (3), Từ
Vân (4), Vạn Thọ (5). Mặc dầu ăn chay và khoác nâu sồng, những mỗi lần đi về
khu Tân Định, Phạm Thiên Thư lại bâng khuâng luyến nhớ mối tình đơn phương thuở
học trò. Xúc cảm, Phạm Thiên Thư sáng tác bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị,
âu yếm gọi rõ tên nàng trong khung cảnh mây đỏ, cây đỏ, hoa đỏ, bụi đỏ:
Em
tan trường về
Cuối đường mây đỏ
Anh tìm theo Ngọ
Dáng lau lách buồn
(…)
Mười năm rồi Ngọ
Tình cờ qua đây
Cây xưa vẫn gầy
Phơi nghiêng dáng đỏ
Phạm
Thiên Thư cho biết:
-Năm
1968, tôi ấn hành cuốn sách đầu tay Thơ Phạm Thiên Thư (6) với số lượng ít ỏi,
chỉ 500 bản. Lúc đó, tôi là tu sĩ, ngại bất tiện nên chỉ in bài thơ Ngày
xưa Hoàng Thị theo dạng trích. Đến năm 1971, gặp nhạc sĩ Phạm Duy, tôi
trao trọn vẹn bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị. Ít lâu sau, Phạm Duy phổ
bài thơ này thành bài hát. Năm 1974, tôi in đầy đủ bài thơ Ngày xưa
Hoàng Thị trong thi tập Ngày xưa người tình (6).
Phạm Duy viết trong hồi ký Nhớ (NXB Trẻ, 2005): “Sự gặp gỡ của
tôi với Phạm Thiên Thư – mà thi sĩ gọi là của một ngọn núi với một đám mây – là
do hai chúng tôi vô tình cùng đi thăm một người quen đang nằm trong một bệnh viện.
Gặp Phạm Thiên Thư ở đó, tôi yêu mến anh ngay. Sau đó, thi sĩ luôn luôn tới nhà
tôi đàm đạo. Lúc bấy giờ, tôi đang soạn những bài ca cho tình yêu và tuổi học
trò như Trả lại em yêu, Con đường tình ta đi. Đọc được bài thơ Ngày xưa
Hoàng Thị mà anh bạn trao cho, tôi như bắt được viên ngọc quý và xin
phổ nhạc ngay.”
Trong “nhạc tập 2” Đưa em tìm động hoa vàng (NXB Trẻ, 2006),
trước ca khúc Ngày xưa Hoàng Thị, Phạm Duy ghi: “Sài Gòn 1971. Tôi
gặp Phạm Thiên Thư vào lúc tôi đang soạn những bài ca cho tình yêu và tuổi học
trò như Trả lại em yêu, Con đường tình ta đi. Tôi được vị tu sĩ vừa cởi áo nâu
sồng đưa cho một bài thơ cũng nằm trong đề tài này để phổ nhạc, chỉ khác có một
điểm là cô bé trong bài thơ không mang những cái tên diễm lệ như Tuyết Nhung
hay Dạ Thảo, mà mang một cái tên rất bình dị là Ngọ, Hoàng Thị Ngọ. Tôi dùng một
âm giai ngũ cung và một thể nhạc kể truyện để đưa ra tình khúc rất bụi đỏ đường
mơ này.”
Ca
khúc Ngày xưa Hoàng Thị được Phạm Duy soạn nhịp ¾, tiết tấu
valse (7), âm giai chủ chuyển từ si giáng trưởng sang đô trưởng, tôn vinh kỷ niệm
tình yêu học trò tương ứng mạch thơ của Phạm Thiên Thư. Thế nhưng, khi trở
thành ca từ trong bài hát cùng nhan đề, lời thơ Ngày xưa Hoàng Thị của
Phạm Thiên Thư đã được Phạm Duy linh hoạt chuyển biến khá nhiều về từ ngữ và bố
cục.
Với ca khúc Ngày xưa Hoàng Thị, thoạt tiên, Phạm Duy ghi: “Allegro”
(8). E rằng thuật ngữ tiếng Ý kia chưa diễn tả đủ sắc thái cần thiết, nên nhạc
sĩ chua nghĩa: “Nhanh mà buồn”. Sau này, nhạc sĩ chỉnh lý: “Kể chuyện”.
Giữa năm 1971, nhạc phẩm Ngày xưa Hoàng Thị liền được in rời với
bức ảnh Rừng thu của nhiếp ảnh gia Nguyễn Xuân Tính, rồi tái bản
ngay với tranh màu nước tươi trẻ sinh động của hoạ sĩ ViVi (9). Năm 1974, Phạm
Duy ấn hành tập nhạc Con đường tình chúng ta đi (NXB Gìn Vàng
Giữ Ngọc) gồm 16 ca khúc, trong đó có Ngày xưa Hoàng Thị.
Cũng từ năm 1971, qua làn sóng phát thanh và truyền hình, đồng thời qua băng từ,
ca sĩ Thái Thanh ngân vang Ngày xưa Hoàng Thị. Sau đó, trên các nền
hoà âm phối khí khác nhau, Ngày xưa Hoàng Thị được lần lượt thể
hiện bởi bao chất giọng: Thái Hiền, Julie Quang, Thanh Lan, Sơn Ca, Hoạ Mi,
Hương Lan, Ý Lan, Ngọc Hạ, Quang Linh, Khánh Linh, Đức Tuấn, Quốc Đại, Nguyễn
Hoàng Nam, Thái Hạnh Quyên, Thu Hiền, Thu Thuỷ, Mai Hương, Quỳnh Hương, Đoan
Trang, Phương Vy, Kim Ánh, Thuỳ Dung, Mỹ Huyền, Thanh Ngọc, Thanh Thuý, Thanh Hằng,
Thanh Hà, v.v..
Đừng đổi thay nguyên mẫu Hoàng Thị Ngọ!
Tìm hiểu về nguyên mẫu nhân vật trong các tác phẩm văn nghệ (thơ, văn, nhạc, hoạ,
múa, điêu khắc, nhiếp ảnh, điện ảnh, v.v.) là nhu cầu của đông đảo công chúng
cùng các nhà nghiên cứu tự ngàn xưa đến mai sau. Tác phẩm càng nổi tiếng, nhu cầu
đó càng cao. Bài hát phổ thơ Ngày xưa Hoàng Thị được phổ biến
rộng khắp, trở thành “hiện tượng”, tất nhiên thiên hạ càng muốn biết nguyên mẫu
người phụ nữ mang họ tên mộc mạc chân chất Hoàng Thị Ngọ. Tôi hỏi:
-Hoàng
Thị Ngọ đang ở đâu?
-Nàng hiện định cư tại Hoa Kỳ, Phanxipăng ạ.
Phạm Thiên Thư đáp thế, đoạn tiếp:
-Báo
chí miền Nam trước đây, gồm tờ Bách Khoa và tờ Sống, đã thực hiện đề tài: nhân
vật chính trong Ngày xưa Hoàng Thị là ai? Hình như giai đoạn
đó, đồng bào quá hoang mang vì chiến sự ác liệt nên ít đọc, hoặc đọc xong thì
quên béng, bởi thế sau này mới xảy ra những ngộ nhận nực cười.
Hà Đình Nguyên ghi chép lời của Phạm Thiên Thư rồi đăng báo Thanh niên 6-6-2011,
sau đưa vào tập 1 Những bóng hồng trong thơ nhạc (NXB Thời Đại,
2011): “Sau khi bản nhạc ra đời, ca sĩ Thái Thanh là người hát đầu tiên. Không
những thế, bài hát còn lan rộng trong quảng đại quần chúng, đi đâu cũng nghe
người ta hát, nhất là trong giới sinh viên học sinh. Rồi có vài ba cô gái tự nhận
mình là cô Ngọ trong Ngày xưa Hoàng Thị. Nổi đình nổi đám nhất là
cô bạn gái của nhà thơ Du Tử Lê tên là Thảo nhưng nhất quyết “đòi” quyền làm…
Hoàng Thị Ngọ, đến đỗi nhạc sĩ Phạm Duy phải đến gặp tôi để hỏi cho ra nhẽ.”
Kỳ
thực, Thảo chẳng phải tên thật, mà tắt hoá bút hiệu / bút danh: Hoàng Dược Thảo,
chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Sài Gòn Nhỏ, toà soạn đặt tại California, Hoa Kỳ.
Hoàng Dược Thảo có họ tên tiếng Việt là Huỳnh Thị Châu, họ tên tiếng Pháp là
Brigitte Lauré Huỳnh. Năm 1971, tại Sài Gòn, học lớp đệ nhị (tương đương lớp 11
hiện thời), Châu lấy nhà thơ Du Tử Lê (10), rồi sinh 2 con. Năm 1975, Du Tử Lê
sang Hoa Kỳ. Năm 1978, nhờ có quốc tịch Pháp, Châu đi Pháp rồi qua Hoa Kỳ. Ly dị
Du Tử Lê năm 1980, sau đó Huỳnh Thị Châu mấy lần tái giá. Viết văn và làm báo,
Huỳnh Thị Châu ký các bút danh Hoàng Dược Thảo, Đào Nương, Thuỵ Châu, Nghé Ngọ,
v.v.
Dư luận gần xa vụt râm ran khi Hoàng Dược Thảo tuyên bố rằng bản thân mình
chính là nguyên mẫu nhân vật Hoàng Thị Ngọ trong bài thơ lẫn bài hát Ngày
xưa Hoàng Thị. Phản ứng với vụ việc này, tuần báo Việt (11)
số 24 phát hành ngày 9-7-2005 tại California, Hoa Kỳ, đăng bức thư của thi sĩ
Phạm Thiên Thư do nhạc sĩ Phạm Duy chuyển. Thư nọ cho biết: Hoàng Dược Thảo tức
Huỳnh Thị Châu chẳng phải là Hoàng Thị Ngọ.
Mọi chuyện tưởng đã hai năm rõ mười, ai ngờ vừa qua, tháng 3-2012, tập san Đồng
Khánh – Hai Bà Trưng do trường trung học phổ thông cùng tên ở Huế dịp kỷ niệm
95 năm thành lập cơ sở giáo dục này ấn hành có đăng bài Ngày xưa Đồng
Khánh của Bạch Lê Quang trình bày những suy tư quá ư sai lệch: “Không
hiểu sao, cứ mỗi lần nghe Ngày xưa Hoàng Thị (thơ Phạm Thiên
Thư – Phạm Duy phổ nhạc), tôi cứ nghĩ hình như khúc thánh ca tình yêu tuổi học
trò nầy là riêng dành cho Đồng Khánh, cho Huế và cho những ‘Áo tà nguyệt bạch’
của một thời niệm khúc ngày xưa. Nhưng cũng không thể nghĩ khác hơn. (…) Và nữa,
ngoài cái đường mưa nho nhỏ ướt rượt cả không gian Huế, lại còn ‘Áo tà nguyệt bạch
/ Ôm nghiêng cặp sách / Vai nhỏ tóc dài…’ Chao ơi, ai cũng có thể ôm nghiêng cặp
sách nhưng với style vai nhỏ tóc dài thì đó là hàng độc của một made in Đồng
Khánh ngày xưa trong tâm thức Huế. (…).
Rồi
thì, sau cái vai gầy rất Đồng Khánh kia đó là dáng. Dáng Ngọ. Ngọ của Phạm
Thiên Thư. Và Ngọ của Huế, của lau lách Vĩ Dạ buốt lạnh cả thơ Hàn trong một
đêm trăng sông mộng mị.
‘Anh
đi tìm Ngọ
Dáng lau lách buồn
Tay nụ hoa thuôn
Vương bờ tóc suối.’
(…)
Vâng,
đường mưa nho nhỏ, áo tà nguyệt bạch, vai nhỏ, dáng gầy lau lách… là hình, là
diện. Đồng Khánh nhất trong Ngày xưa Hoàng Thị của Phạm là cái
tình ơi, tình ơi. Đồng Khánh là vậy. Tan trường, biết có người theo sau vẫn ‘Bước
em thênh thang / Áo tà nguyệt bạch’. Quá lắm là cả một lặng im với cái mím môi
rất chi là Huế.
‘Em
tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Trao vội chùm hoa
Ép vào cuối vở
Thương ơi! Vạn thuở
Biết nói chi nguôi
Em mím môi cười
Anh mang nỗi nhớ’.
Biết
làm sao được. Hoàng Thị là vậy. Muôn đời vẫn có một Đồng Khánh ẩn mình trong
tâm hồn Huế để cho đời một thứ tình mà Hà Huyền Chi gọi là tình… nấp. (…) Chàng
Tư Mã họ Phạm (mà không riêng gì họ Phạm) trước thứ tình nấp đó chỉ biết ‘Anh
đi theo hoài / Gót giày thầm lặng’ rồi ‘Anh đi theo Ngọ / Dáng lau lách buồn’.
(…) Đến đây thì không thể nghi ngờ gì nữa, có một Ngày xưa Hoàng Thị dành
riêng cho Huế, cho Đồng Khánh.”
Nhắc một bài hát quen thuộc, nhưng Bạch Lê Quang không dẫn ca từ mà dẫn thơ,
trong khi hai khoản này có những khác biệt nhất định. Dẫu khác biệt, song nữ
nhân vật duy nhất trong thơ lẫn ca khúc Ngày xưa Hoàng Thị vẫn
cùng một người là Hoàng Thị Ngọ. Oái ăm thay, với lối gán ghép cực kỳ khiên cưỡng
và trá mị của Bạch Lê Quang, nguyên mẫu Hoàng Thị Ngọ gốc Hải Dương ở Sài Gòn bị
biến thành nữ sinh trường Đồng Khánh có liên quan hoặc cư ngụ nơi thôn Vĩ, bây
giờ là phường Vĩ Dạ, thành phố Huế. Mà sao lại làng Vĩ Dạ, chứ không phải làng
Nguyệt Biều, bây giờ thuộc phường Thuỷ Biều, thành phố Huế, nổi tiếng với bao
giai nhân dòng Hoàng Trọng, nhỉ? Cụm từ “cái vai gầy rất Đồng Khánh” thể hiện
thói tật ba hoa một tấc đến trời. Vai nhỏ tóc dài há lẽ “là hàng độc của một
made in Đồng Khánh ngày xưa trong tâm thức Huế”, chứ không thể mô tả phần nào
vóc dáng nữ sinh của mọi trường trung học thuở trước lẫn bây giờ trên toàn đất
nước Việt Nam ư? Còn Tình ơi! Tình ơi! (ghi đúng theo nguyên tác của Phạm Thiên
Thư) chẳng chất chứa đặc điểm gì “Đồng Khánh nhất”, nếu gắn chặt với bài
thơ Ngày xưa Hoàng Thị chắc chắn phải “Văn Lang nhất”, bằng
không thì bất kỳ nơi chốn nào trong cõi-người-ta cũng được.
Tại quận 10, TP.HCM, đọc xong bài Ngày xưa Đồng Khánh, nhà thơ Phạm
Thiên Thư bị “sốc toàn tập”. Không thể kìm nén nỗi bất bình nên Phạm Thiên Thư
nói lớn giữa quán cà phê Hoa Vàng:
-Tập
san Đồng Khánh – Hai Bà Trưng ghi rõ rằng Bạch Lê Quang là
giáo viên tổ trưởng tổ Văn trường trung học phổ thông Phan Đăng Lưu, huyện Phú
Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Thế thì đáng buồn thật! Chẳng rõ kiến thức đâu, tư
duy đâu mà Bạch Lê Quang đổi trắng thay đen, tán rằng Hoàng Thị Ngọ là nữ sinh
trường Đồng Khánh ở Huế, lại còn bốc rằng Ngày xưa Hoàng Thị dành
riêng cho Huế, cho trường Đồng Khánh, hả?
Phanxipăng
(1) Tú tài bán phần / tù tái đơn / tú
tài I thi cuối lớp đệ nhị / lớp 11. Tú tài toàn phần / tú tài kép / tú tài II
thi cuối lớp đệ nhất / lớp 12. Tại miền Nam Việt Nam, từ niên khoá 1971 – 1972,
Bộ Quốc gia Giáo dục ban hành Nghị định 939GD/KHPC/HV/NĐ bãi bỏ tú tài bán phần.
(2)
Là đại học tư thục đầu tiên tại Việt Nam, Viện Đại học Vạn Hạnh được Phật giáo
đầu tư và hoạt động từ năm 1964 đến năm 1975 do tỉ khâu Thích Minh Châu làm Viện
trưởng, tỉ khâu Thích Mãn Giác làm Viện phó. Mới thành lập, Viện Đại học Vạn Hạnh
tạm đặt tại chùa Xá Lợi và chùa Pháp Hội; tới năm 1966 thì dời đến cơ sở biệt lập
tại 222 đường Trương Minh Giảng, nay là đường Lê Văn Sỹ, Q.3, TP.HCM. Với chủ
trương “duy tuệ thị nghiệp”, Viện Đại học Vạn Hạnh thuở ấy có các phân khoa: Phật
học, Văn học và Khoa học nhân văn, Khoa học xã hội, Giáo dục, Khoa học ứng dụng.
(3)
Đây là chùa Kỳ Quang I, hiện có địa chỉ 22B Nguyễn Thị Huỳnh, P.8, Phú Nhuận.
Trên địa bàn TP.HCM còn có chùa Kỳ Quang II tại 154/4A Lê Hoàng Phái, P.17, Gò
Vấp; và chùa Kỳ Quang III tại 73 xa lộ Hà Nội, phường Thảo Điền, Q.2.
(4)
Chùa Từ Vân còn được gọi chùa Bà Đầm, chùa Lý Dương Sanh, được Lý Thị Ly sáng lập
năm 1932. Chùa này hiện có địa chỉ 62 Phan Xích Long, P.1, Phú Nhuận, TP.HCM.
(5) Nằm bên bờ kinh / kênh Nhiêu Lộc, chùa Vạn Thọ hiện có địa chỉ 212/158 Nguyễn
Văn Nguyễn, phường Tân Định, Q.1, TP.HCM. Các vị hoà thượng trụ trì chùa này:
Thích Huệ Nhựt giai đoạn 1942 – 1951, Thích Thiện Tường giai đoạn 1951 – 1966,
Thích Bửu Tuyền giai đoạn 1966 – 1980, Thích Thanh Sơn từ năm 1980 đến nay.
Chùa Vạn Thọ đang đặt văn phòng Ban Đại diện Phật giáo Q.1 và cơ sở chữa trị
bong gân, trặc khớp xương.
(6)
NXB Văn Chương, Sài Gòn.
(7)
Tiếng Pháp: valse. Tiếng Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch, Na Uy: vals. Tiếng
Bồ Đào Nha, Latinh: valsa. Tiếng Ý: valzer. Tiếng Hà Lan: wals. Tiếng Anh:
waltz. Tiếng Ba Lan: walc. Thuật ngữ này bắt nguồn từ Walzen trong tiếng Đức cổ
(tiếng Đức hiện đại ghi Walzer), nghĩa gốc là uốn, xoay, lướt đi. Tiếng Hoa: 圓舞曲
mà bính âm phát yuánwǔqǔ, âm Hán-Việt phát viên vũ khúc.
(8)
Theo Thuật ngữ và ký hiệu âm nhạc thường dùng do Đào Trọng Từ, Đỗ Mạnh
Thường, Đức Bằng hợp soạn (NXB Văn Hoá, Hà Nội, 1984) thì thuật ngữ tiếng Ý
allegro mang nghĩa: “Nhanh, vui, sôi nổi”.
(9)
ViVi là một nghệ danh của hoạ sĩ Võ Hùng Kiệt, chào đời năm Ất Dậu 1945 tại
Vĩnh Long; tốt nghiệp trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn năm 1968; vẽ
bìa, vẽ truyện tranh cùng minh hoạ trên các tờ Tuổi Xanh, Tuổi Hoa, Thiếu Nhi,
Ngàn Thông, Bạn Trẻ, Tinh Thần, Trái Tim Đức Mẹ, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Dân Chủ,
Độc Lập, v.v.; trình bày một số sách giáo khoa và vẽ tem bưu chính.
(10)
Du Tử Lê có họ tên Lê Cự Phách, chào đời năm Nhâm Ngọ 1942 tại tỉnh Hà Nam, di
cư vào Nam năm 1954, từng làm thư ký toà soạn nguyệt san Tiền Phong, được trao
giải Văn chương toàn quốc bộ môn thơ năm 1973, sang Hoa Kỳ năm 1975. Du Tử Lê
có nhiều vợ. Với vợ kế Huỳnh Thị Châu / Thuỵ Châu, Du Tử Lê từng sáng tác các
bài thơ Khúc Thuỵ Du (đã được nhạc sĩ Anh Bằng phổ thành ca khúc cùng
nhan đề), Khi trông thư Thuỵ Châu, v.v.
(11)
Việt Weekly
Thursday, September 26, 2024
Qua Phố Chiều Một Mình - Thuyên Huy
Qua Phố Chiều Một Mình
Qua
phố chiều một mình
Một
mình con đường cũ
Chuông
Đức Bà buồn tênh
Mùa
Thu vàng lá đổ
Góc
quán nhỏ bên lề
Nơi
hẹn hò rồi nhớ
Mặn
đắng giọt cà phê
Người
xa người một thuở
Xạc
xào lá me bay
Thả
gió về cuối phố
Đường
quen mòn gót giày
Lê
Thánh Tôn mưa đổ
Phố
đông phố không người
Xót
xa tên thầm gọi
Bên
kia sông chiều rơi
Thủ
Thiêm đò đi vội
Một
mình qua phố chiều
Chuyến
xe lam ngày ấy
Khách
vắng bến điều hiu
Bóng
nắng tàn run rẩy
Thuyên Huy
Trăng Khuya - Vườn Thơ Mới Xướng Hóa
THƠ XƯỚNG HỌA KỲ 155 - VƯỜN THƠ MỚI
Xướng:
Trăng
Khuya
Trăng
khuya vằng vặc sáng lung linh
Cảnh
vật xung quanh thật hữu tình
Thanh
vắng chơi vơi hồn lạc lỏng
Bao
la rộng lớn khắp hành tinh
Dạt
dào thấu hiểu lòng nhân thế
Trong
sáng mơ màng thệ chứng minh
Ngày
ấy xa rồi lòng rộn rã
Dưới
trăng đẹp lắm thuở thanh bình
Hương
Lệ Oanh VA
Họa 1:
Trăng xưa
Rừng rậm âm u cảnh hiển
linh
Tường đông lửa lựu
ngát hương tình
Hồn quê quạnh quẽ đời
dâu bể
Xuân sắc đong đầy nắng
thủy tinh
Cầu Thệ Thủy, đêm
trăng bóng rũ
Bến Vân Lâu đợi, tiết
thanh minh
Hương xưa một thoáng
còn lưu luyến
Núi Ngự tròn trăng đẹp
thái bình.
Nguyễn Cang
Sept. 16, 2024
Họa 2:
Chim
chìa vôi
Văng
vẳng đâu đây tiếng tích linh
Chim kêu báo hiệu rất vô tình
Trăng khuya ẩn hiện nơi đầu ngõ
Tuyết trãi sân nhà chiếu trắng tinh
Động
vật trời sinh ai biết được
Bản
năng thiên phú rất thông minh
Chìa
vôi tên gọi nơi dân dã
Nhảy nhót vui chơi cảnh thái bình
PTL
tích linh 鶺鴒: chim chìa vôi. Người ta còn
gọi nó là Tuyết cô 雪姑 vì
khi nó kêu thì tuyết rơi và nó thich ăn tuyết.
(Double click xem
video)
Họa 3:
Mạt Pháp
Đại Đức Ba Vàng dựng chuyện linh
Cúng dường bá tánh
quá thâm tình
Phước sương tràn ngập Thầy vô đạo
Biến chất sãi sư thái
hoá tinh
Mạt Pháp nhiễu nhương
sầu biến chất
Mãn Thời hỗn loạn kiếp
vô minh
Kẻ còn tim óc lòng
tơi tả
Phép lạ ban cho tựa thủy bình
THT
Phước sương 福廂: thùng chứa đựng phước.
Mạc Pháp: 末 Mạc là cái
ngọn, pháp 法 là giáo lý của 1 nền tôn giáo. Mạc Pháp là thời kỳ
cuối cùng của chính pháp, còn gọi là mạc thế末世
Thủy bình 水平 nước phẳng
Đại Đức Ba Vàng:
https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%ADch_Tr%C3%BAc_Th%C3%A1i_Minh
Họa 4:
Trung Thu Thuở Ấy
Tiếng trống múa
lân đón phước linh,
Đêm rằm tháng tám
đượm bao tình.
Hoa đăng dưới phố
đầy kim tú,
Nguyệt tỏ tầng
không mãn thủy tinh.
Trẻ nhỏ rước đèn
trong bóng tối,
Tao nhân phó hội
tới bình minh.
Trà thơm bánh mứt
bình thơ phú,
Trai gái đàn ca
cảnh thái bình.
Mỹ Ngọc
Sept. 17, 2024.
Họa 5:
Trăng nhớ
Vằng vặc đường trăng
bóng diệu linh
Dáng in bến cũ đượm
thâm tình
Bâng khuâng rảo bước
trên đường vắng
Khắc khoải thả hồn trước lối tinh
Nhớ mãi vòng tay thời
thiện mỹ
Thương hoài nụ thắm
thủa anh minh
Miên man chợt tĩnh dừng
chân hỏi
Đêm đã tàn canh bóng
nguyệt bình
TQ
Sep 16, 2024
Họa 6:
Vịnh trăng
Chú cuội ôm cành đa
hiển linh,
Lên chơi trăng sáng
biết bao tình.
Địa cầu xoay chuyển
xuân - thu - hạ…
Vũ trụ giao hoà nhật
- nguyệt - tinh.
Vầng ngọc khuyết tròn
luôn trác tuyệt,
Máy trời đặt để quá
thông minh.
Che rèm ẩn mặt khi
mưa bão,
Gợi hứng thi nhân mộng
thái bình.
Minh Tâm