ÁO XƯA DÙ NHẦU
Một bạn trẻ nhận xét về tùy bút của
tôi: Viết chuyện nọ xọ chuyện kia, quá dài nhưng lại quá ngắn. Đọc dễ hiểu
nhưng đọc lại lần nữa thì lại hiểu khác. Văn chương như bóc củ hành nhiều lớp.
Tôi không biết bạn đấy khen hay chê, nhưng nhận xét đó đúng.
Vũ Thế Thành
Tôi không có khả năng tả tình, tả cảnh.
Từ hồi còn đi học đã thế. Văn nghị luận thì còn kiếm chác điểm số chút đỉnh, chứ
đề luận mà bảo tôi tả cái cặp, tả cánh đồng lúa, hay cảm giác nhớ nhà khi đi xa
thì coi như… thua đậm.
Sau này tôi còn khám phá thêm hai khiếm
khuyết lớn nữa của tôi trong viết lách, đó là: khả năng thuật chuyện và mô tả cảm
xúc. Những mẫu chuyện tôi kể, giỏi lắm là viết được 2-3 dòng, nói tình tiết lớp
lang là tôi bắt đầu viết lộn xộn đầu đuôi. Mô tả cảm xúc còn tệ hại hơn nữa.
Tôi thiếu trầm trọng khả năng mô tả diễn biến để đưa đến cảm xúc, nên không thể
truyền tải cảm xúc của mình cho độc giả. Tôi chỉ nêu sự kiện, cùng lắm thòng một
câu nhận xét ngắn ngủi. Độc giả tự mình cảm xúc nếu đồng cảm với câu chuyện. Đó
là thứ văn chương miễn cưỡng nén chặt, ngoài ý muốn. Goi là văn chương củ hành
cũng có lý.
Bài “Áo xưa dù nhầu” tôi viết cách
nay 13 năm ở Đà Lạt, đưa vào sách “Những thằng già nhớ Mẹ”. Hôm nay tình cờ đọc
được bài này từ trang blog khác share lại. Không ngờ sau 13 năm đọc lại, tôi
cũng đang bóc những lớp vỏ hành cuối cùng với bài viết của chính mình. (Vtt)
Áo xưa dù nhầu
Đầu thập niên 70, dân Sài Gòn xôn xao
với bộ phim Doctor Zhivago. Tôi đã đọc truyện và xem phim. Hồi đó
tôi không hiểu vì sao ông bác sỹ này lại yêu một lúc đến hai bà, mà yêu thiệt
tình chứ không phải chơi. Nói theo ngôn ngữ thời đại, đó là “tình yêu chất lượng
cao”. Có cao, thì có cái ít cao hơn. Ai cao, ai ít cao hơn? Hai chữ “thủy
chung” coi bộ dễ hiểu mà sao rắc rối quá chừng.
Báo Dân Việt cuối năm 2010 kể lại câu
chuyện của ông Bàn Văn Bảng ở Bản Thảo, xã Ma Le, Hà Giang. Vợ chồng ông Bảng sống
với nhau bốn mươi lăm năm, chưa hề to tiếng dù họ không con cái. Bà mắc bệnh
nan y. Những ngày cuối đời, tinh thần bấn loạn, bà nhớ đến mối tình đầu, mê sảng
gọi tên người tình cũ. Ông Bảng nhắn tin trên báo đài, bắt xe về Nam Định tìm
người tình cũ cho vợ. Không kết quả. Bà mất, ông ray rứt vì chưa giúp
vợ toại nguyện mong ước sau cùng.
Hồi trẻ, tôi thấy tình yêu đâu có gì
khó hiểu, mà sao thiên hạ cứ than thở: Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?
hay như Lý Mặc Thu trong Thần Điêu Đại Hiệp suốt ngày ngâm
nga:
… Hỏi người dưới thế tình là vật
chi?
Hẹn nhau sinh tử cùng đi…
Tình yêu là gì? Dễ ẹc! Tình yêu là…
chịu lấy nhau, mà chịu lấy nhau chưa chắc đã là tình yêu. Triết lý quá, phải
không? Nhưng đó là thứ triết lý của thằng nhãi, điếc không sợ súng. Theo thời
gian, mỗi giai đoạn của cuộc đời, tôi hiểu tình yêu khác đi một chút, rộng lượng
hơn một chút. Bước vào tuổi “tri thiên mệnh” thì chẳng còn hiểu nổi tình yêu là
cái thứ gì nữa. Thôi, để lại hai chữ đó cho thế nhân bàn luận.
Một trường hợp khác, đôi trẻ yêu nhau
hồi còn trung học, tưởng như trời gầm không nhả. Vậy mà xa nhau vì chuyện
hờn giận lãng nhách nào đó. Sau 75, hai đứa hai nơi, chàng ở Canada, nàng bên
Úc… Mỗi khi gặp chuyện gia đình riêng tư muộn phiền, cả hai lại hồi tưởng “ngày
xưa tươi đẹp” mà hối tiếc. Ba mươi bốn năm sau, họ gặp lại nhau tại Sài Gòn.
Thôi thì những gì ấm ức, chuyện lớn chuyện nhỏ, chuyện xưa chuyện mới xả ra hết…
Ba mươi bốn ngày mưa ngâu, lô cốt ngập nước. Họ chia tay nhau, email, chát
chít, hàng tuần, hàng ngày…, rồi thưa dần. Cả hai nhận ra rằng, cái “bất hạnh”
riêng tư của mỗi người, tuy cay đắng nhưng chưa đến nỗi phũ phàng. Nếu họ xáp lại,
có khi lại phũ phàng, còn tệ hơn là cay đắng. Họ đã thanh toán xong cái quá khứ
đầy hối tiếc.
Nói thiệt, tôi mê nhạc… sến, mà cũng
chỉ mới “ngộ” ra đây thôi. Nghe nó… sến, nhưng lại thấy gần, bay xa chịu không
nổi. Những dòng nhạc trữ tình với ca từ đầy tính ẩn dụ, giàu hình tượng, triết
lý cao, chỉ cần một hai câu cũng tạo ra sự đồng cảm với tâm trạng “khó
nói nên lời” nơi người nghe. Sướng là ở chỗ đó! Nhưng nhiều khi ca từ điệu
nhạc hay quá lại đẩy người ta bay bổng vào thế giới mộng mị, và không chừng lại
hoang tưởng với “chữ nghĩa” cũng nên.
Nhiều người lấy nhau do cha mẹ đặt
đâu ngồi đó, do mai mối, có khi coi mắt một lần, chịu đèn là tới… luôn. Vậy mà
họ đẻ con lia lịa. Có bà, áo chưa nhầu, tóc chưa bạc, chồng đã qua đời. Bà ở vậy
nuôi con. Thằng con đang tuổi lớn, quậy phá. Bà vợ thắp nhang, ngồi bệt trước
bàn thờ chồng than thở, trách móc, rồi lại khóc, thấy không có chồng bên cạnh
là sự mất mát hơn bao giờ hết. Đâu cần phải “gọi mùa thu tới”, hay nhờ tới
“sỏi đá”? Chữ nghĩa hoang tưởng tới đâu cũng thừa. Tình yêu lẩn đi chỗ nào rồi?
Tình và Nghĩa liệu có gì khác nhau?
Nói theo “Ngũ Thường” (Nhân, Nghĩa, Lễ,Trí, Tín), Mạnh Tử cho rằng, Nhân là
trái tim, Nghĩa là cách sống. Nghĩa trong Nho giáo, hiểu rộng là cách hành xử
trong mối quan hệ giữa người và người, trong đó có nghĩa phu thê. Cái Nghĩa
ràng buộc và thấm sâu đến độ nhiều khi người ta hờ hững với những cái gọi là
lãng mạn ái tình. Mức ly dị ở Tây cao chắc một phần là do Tình nhiều Nghĩa ít,
hay họ đã sống đời thực dụng một cách văn minh?
Bà Bảng đã sống hầu như trọn nghĩa với
chồng. Nếu thời gian có lùi lại vài chục năm, chưa chắc bà đã dám đổi Nghĩa lấy
Tình. Cái sâu thẳm của niềm tin qua trải nghiệm bền vững hơn nhiều so với khoảng
khắc “đột biến”. Phải có gì ray rứt lắm bà mới đem theo một góc trái tim về
bên kia thế giới. Bà mặc hai áo: một áo phẳng phiu, một áo đã nhầu. Tôi không
biết bà mặc áo nào vào trong, áo nào ra ngoài, nhưng dù thế nào, tôi vẫn
tôn trọng và thương cảm cho bà.
Tình yêu là cái gì có tính… sở hữu.
Chắc là vậy quá! Cư xử với “đối tác” như đôi bông tai, cà rá… Anh là của tui,
chỉ của riêng tui, léng phéng là tui… chơi tới cùng, và ngược lại. Tính sở hữu
đã phức tạp hóa mọi vấn đề, lẽ phải thuộc về người này, lẽ trái do người kia… Với
ông Bảng, thì lẽ phải thuộc về trái tim, không có một ego (cái tôi) nào cả. Văn
hào George Sand nói, Đơn sơ là điều khó nhất trên đời. Đó là giới hạn
cuối cùng của sự từng trải, và là nỗ lực sau cùng của thiên tài. Ông Bảng
không phải là người từng trải, cũng chẳng là thiên tài, nhưng ông đạt tới sự
đơn sơ một cách thoải mái, như bản chất tự nhiên thường thấy ở đồng bào thiểu số.
Nếu xem bằng cấp (tính luôn bằng giả
thứ thiệt và bằng thiệt học giả) là thước đo trí tuệ, thì ông Bảng có cái trí
quá nhỏ. Nói theo Kant, bổn phận là mệnh lệnh của lý trí, thì ông Bảng
lại thực hành bổn phận theo mệnh lệnh của trái tim. Một trái tim đơn sơ, một
tâm tình hiến dâng mà ông không hề biết, mà cũng chẳng cần biết mình đã dâng hiến.
Trái tim của ông là bản nhạc không cần
ca từ.
Vũ Thế Thành (trích từ “Những thằng già nhớ Mẹ,
tái bản 2022)
304 – Llttm- sgtc
No comments:
Post a Comment