Cam giận run lên.
Từ ngày dời nhà ra chợ đến nay, chị Mít đã thay đổi tánh nhiều lắm chớ không
còn là một người vợ chỉ biết phu xướng phụ tùy như hồi họ còn ở trong làng nữa.
Nhưng chị Mít chỉ đâm ra cứng đầu vì bắt chước cái thói nam nữ bình quyền ở đây
vậy thôi chớ chưa hề dám nổi loạn hẳn như hôm nay.
-Sao, mầy nói sao?
Anh Cam xốc tới, mặt hầm hầm, đôi mắt đỏ ngầu như mắt thằng điên, vừa hỏi gặng
vừa cung tay.
Nhưng chi Mít không sợ hãi chút nào. Chị ấy xon xỏn lập lại câu chọc tức của chị
khi nãy:
-Không ai mà cần thèm ai. Con nầy không sợ đói đâu. Chỉ có ai kia mới là bất
tài, không nuôi nổi vợ con thôi.
-Đ m… tao đánh thấy mẹ mầy.
Anh Cam cũng đã nhiễm thói tục ở chợ, thói của mấy anh phu vác gạo, chớ hồi ở
làng anh đâu có chửi thô tục như vậy. Nhưng căn bản hiền lương vẫn còn sót lại
nơi người anh rất nhiều, thế nên vừa xốc tới trước mặt vợ, anh vừa đưa mắt nhìn
quanh để tìm một cái tộ, hoặc một cái chén, tóm lại những thứ đã dòn, dễ bể như
pha lê hay đồ sứ Lái thiêu để mà đập cho hả giận vì anh không thích trút tất cả
cơn thịnh nộ của anh lên người của chị Mít.
Nhưng ở đây là buồng trước, không có món nào khả dĩ làm bia đỡ giận được cả.
Bình hương và bình bông bằng sứ Lái thiêu trên bàn thờ, cỡ ném xuống đất một
cái thì bể dòn lắm, nhưng đó là của thiêng liêng bất khả xâm phạm. Chỉ còn có bốn
bước nữa thì anh Cam tới trước mặt chị Mít. Chị ấy đang nghinh anh một cách
khiêu khích và anh tuyệt vọng vô cùng bởi không vớ được món nào giúp anh xì hơi
giận hết. Cùng thế, anh đá thật mạnh vào… một cây cột nhà.
Cả hai vợ chồng đều rụng rời vì khủng khiếp: cây cột ấy gẫy làm ba, bốn đoạn,
và rơi xuống nền đất kêu lổn cổn.
Cái tiếng kêu ấy đáng lý phải cho họ chợt thấy cái gì khác lạ, nhưng sự việc bất
ngờ quá khiến họ quên mất chi tiết ấy đi.
Chị Mít chỉ khiếp sợ vì thấy chồng mình sao bỗng dưng mạnh gớm. Anh Cam là một
nông dân lực lưỡng, đã có lần dám chụp sừng của một trâu điên để đè đầu nó xuống
và anh đã thắng nó trong mấy phút cho dân làng kịp vây trói, ngăn nó tác hại.
Nhưng dầu sao sức mạnh của anh cũng còn kém sức mạnh của Lý Ngươn Bá một trời một
vực, cớ sao hôm nay thình lình anh ăn gì mà mạnh lên như thần, đá một cái là
gãy một cây cột nhà bằng bê-tông, to bằng bắp vế người lớn?
Vâng, cột nhà này chắc chắn là bằng bê-tông chớ không thể bằng gạch vì nó tròn
chớ không vuông, lại được quét nước vôi lên, trắng toát. Ngày ra chợ làm ăn để
trốn những cơ cực ở thôn quê, thuê nhà này, anh Cam đã ngạc nhiên tự hỏi sao
nhà vách ván, lợp ngói âm dương, nền đất mà họ lại đúc cột bằng bê-tông làm gì
cho tốn tiền?
Chị Mít kinh sợ vì thế, còn anh Cam thì mất hồn vì nghĩ rằng nếu anh đá vợ, có
phải đã gây án mạng hay không? Cột bê-tông to thế kia mà còn chịu không nổi cái
đá của anh thay, huống hồ gì chơn yếu tay mềm của vợ anh! Nếu lãnh cái đá ấy,
chắc chắn chị Mít đã dẹp như một cục đất sét lò chén bị thợ đạp lên để nhồi cho
nó nhuyễn.
Chị Mít đứng chết sững mấy mươi giây rồi vụt bỏ chạy mất, kẻo chồng chị đạp một
cái nữa mà lại nhè đạp lên chị thì bỏ đời.
Anh Cam thì nư giận cũng đã theo cái đá của anh tan rã như cây cột. Anh nhìn kỹ
lại thì kinh ngạc hết sức. Đây là một cây cột rổng lòng, làm bằng những ống dẫn
nước bằng đất nung, do lò gốm địa phương nầy sản xuất. Những ống đó chấp lại,
trét sơ xi-măng ở những mối ráp rồi quét nước vôi lên, thì trông cứ như là bằng
gạch, hay bằng bê-tông gì ấy.
Anh Cam vụt cười khan lên một mình. Nếu biết thì anh đã đá thêm vài đá nữa cho
gẩy thêm vài cây cột, chắc chưa đến đổi sập nhà mà chị Mít đã mất mật và sẽ tởn
tới già không dám ương ngạnh với anh nữa.
Anh ngồi bẹp xuống đất rồi xoa chân, vì mặc dầu bàn chân anh không nát trong cuộc
va chạm mạnh bởi một vật ngỡ cứng như đá, chớ nó cũng không tránh khỏi đau đớn
phần nào.
Anh lại vụt cười khan lên một mình lần nữa: anh nhớ đến những nếp nhà của thợ
đá dưới chân núi Bửu long trên Biên hòa. Nhà họ là nhà tranh vách đất, nhưng cột
làm bằng đá xanh như những cung điện nguy nga Đế thiên Đế thích. Nếu anh chàng
thợ đá nào giận vợ mà đạp vào cột như anh thì bỏ đời.
Cơn vui này bỗng được một buổi nghĩ ngợi lung tung nối tiếp theo.
Thì ra con người sống với hoàn cảnh nhiều quá.
Con cắc kè đổi màu tùy theo chỗ nó nằm. Nếu nơi đó là rong rêu thì nó lấy màu
xanh, còn như nằm trên tảng đá ong, nó lại tự nhuộm màu đỏ. Dân ở chân núi Bửu
long làm cột nhà bằng đá xanh vì đó là vật liệu họ có sẵn bên tay mà cũng chẳng
tốn kém gì. Còn dân xứ Lái thiêu này mà làm cột bằng ống nước nối lại thì cũng
cùng chánh sách “ở đâu theo đó” như con cắc kè hay dân Bửu long, vì lò gốm ở
đây sản xuất ống dẫn nước bằng đất nung rất nhiều.
Anh đã sống với hoàn cảnh của anh gần ba mươi năm rồi. Hoàn cảnh ấy là ruộng,
là rơm, là rạ, là trâu bò, là phân chuồng, là cấy gặt. Có dầm mưa dãi nắng thật
đó, nhưng cứ thong thả mà làm không bị ai hối thúc như ở đây, cực nhọc nhưng lại
nhàn nhã vô cùng, mới nghe thì có lẽ như là mâu thuẫn, nhưng sự thực là thế!
Ở đây, thiên hạ đến gần như là nô lệ của đồng hồ. Không giờ phút nào là không
có ít lắm là một người đưa tay lên nhìn cái mặt tròn tròn nhỏ xíu ấy một cái rồi
hốt hoảng la lên: “Ý chết”, đoạn vội vàng xách áo ra đi như chạy giặc không bằng.
Thêm vào những cái ấy, nhà cửa chật hẹp và không khí nóng bức làm cho trí óc
con người lúc nào cũng như bị đun sôi, dễ bực dọc, dễ đâm cáu kỉnh. Anh Cam làm
ăn không ra làm sao cả lại cứ bị thúc giục, cứ phải bực mình nên đổ quạu một
ngày không biết mấy mươi lần. Chị Mít là con tằm mà trên đầu chị anh đã đổ trút
cả trăm ngàn dâu bực bội, anh chợt ý thức vậy. Sự cứng đầu của vợ anh thật ra
là phản ứng tự nhiên của một kẻ vô tội thường bị “bố” oan, chớ sự thay tâm đổi
tánh của chị cũng không đến nỗi nào, và chính anh cũng thay tâm đổi tánh kia
mà.
“Mình là một người sanh đẻ, lớn lên ở đồng ruộng, anh Cam nghĩ, vợ mình cũng vậy.
Mình phải sống ở đồng ruộng mới xong”.
Nghĩ xong, anh đứng dậy chạy u đi một mạch: anh đi mua một ống dẫn nước, mua
xi-măng để xây lại cây cột bê-tông giả hiệu hầu trả nhà lại cho chủ nó.
Cột bê-tông giả hiệu. Danh từ này làm anh mỉm cười lúc anh đang chạy. Vì anh
cũng tự thấy anh cũng là kẻ chợ giả hiệu.
Con cái anh về sau mới thành hẳn kẻ chợ được, chớ vợ chồng anh thì không. Luôn
luôn dân quê ra ở chợ phải bị lạc hướng trọn đời của họ và chỉ có thế hệ sau mới
tự nhuộm được màu chợ, chớ họ không thể đổi màu chớp nhoáng như loài cắc kè vậy
đâu. Dân quê ra chợ là những kẻ tự hy sinh mình, trong cái kiếp của mình, cái
kiếp thương nhớ khôn nguôi chơn trời cũ, cái kiếp chịu đựng hoàn cảnh mới mà họ
theo không được.
Trên chuyến về, chạy ngang qua nhà ông chủ tiệm gạo nơi mà anh Cam làm công,
anh thấy vợ anh đang ngồi bó gối trên một bao gạo chỉ xanh.
Chị Mít vừa thấy mặt chồng thì biến sắc, toan đứng lên để tẩu thoát nữa, nhưng
mà giọng anh Cam sao lại dịu quá như là cam ngọt:
-Má nó ơi, con Quít đâu?
-Nó đi chơi rồi.
-Kêu nó về để mẹ con sửa soạn. Mai sáng, ta về quê.
Chị Mít lại càng hoảng hơn khi nghe sự quyết định bất ngờ của chồng chị. Chị sợ
vì chị tin rằng anh đã hóa điên. Ừ, những người vừa nổi cơn điên thường trở nên
mạnh mẽ vô cùng, năm bảy đàn ông lực lưỡng giữ cũng không được. Anh Cam đã
không vừa đá bể một cây cột bê-tông đó à?
Sợ, nhưng thương chồng, chị không tính chuyện chạy trốn nữa. Chị bước ra đường,
dè dặt để kịp tránh né nếu anh ta lại nổi cơn điên.
-Ba nó nè, chị gọi chồng nho nhỏ, giọng vỗ về.
-Gì?
-Ba nó có sao không ?
-Chỉ trầy sơ bàn chân thôi.
-Không, tôi hỏi ba có nghe trong người bực bội, bứt rứt hay không?
-Có
-Từ bao lâu rồi?
-Từ hai năm nay.
-Vậy hả?
Chị Mít ngơ ngẩn không còn hiểu đâu là đâu nữa. Thì ra không phải anh ta mới bực
bội đây rồi hóa điên.
-Nhưng về làng thiệt hả, ba nó?
-Ừ, về làng.
-Bỏ chỗ làm sao?
-Không tiếc. Ở đây ta cũng chỉ đủ ngày hai bữa. Về làng cũng đến thế thôi.
-Về làng mình?
Chị Mít hỏi mà gương mặt đi vắng, đôi mắt nhìn xa lắm.
Chị lẩm bẩm một mình:
-Về làng, gần ruộng… gần trâu bò… rồi tôi sẽ trồng rau…nuôi heo… nuôi gà…
-Với lại, gần mồ mả ông bà nữa…
-Ừ, với lại gần xóm giềng, giúp đỡ lẫn nhau, vui không biết bao nhiêu.
-Và ta sẽ lại thấy cây, thấy cỏ, thấy mùa…
-Ừ, ta sẽ thấy mùa… mùa ve kêu… mùa lá rụng… mùa cá hội… mùa đuổi chim…
Bình Nguyên Lộc
Trích “Cuống Rốn Chưa Lìa“
No comments:
Post a Comment