Friday, September 13, 2024

Lầu 3 Phòng 7 - Bình Nguyên Lộc

 

Lầu 3 Phòng 7




Ục…ục…ục…uột…

Quỳnh vội bịt lỗ tai lại. Chàng rất sợ tiếng nước ở bồn rửa mặt của phòng bên cạnh. Nó kêu như ai ăn phải của khó tiêu, bị ruột kêu sôi ồn ột. Đáng ghê nhứt là cái tiếng “uột” sau cùng, kéo dài bất tận.

Ở đây có những tiếng động khiếm nhã khác nữa. Đó là tiếng giày nện lên gạch, tiếng nước cầu xí, tiếng đàn vĩ cầm ai mới học, kéo ọ ẹ suốt ngày.

Trên đầu chàng, ở cái buồng từng trên, người chiếm ngụ làm gì mà cứ kéo ghế, kéo bàn mãi cả ngày lẫn đêm, như ma dậy nhà hoang.

Người ta hay tỏ ý chê bai đồng bào Thượng trên cao nguyên, ở trong những ngôi nhà công cộng dài nhằng, hai, ba mươi gia đình chồng chất lên nhau rất là mất vệ sinh. Nhưng cái bọn văn minh nầy, bày ra buyn-đin để chen chúc nhau trong đó, thì cũng thế thôi.

Quỳnh thuê căn buồng số 7 để làm chỗ ẩn thân. Ở nhà, khách khứa đông đảo, người nhà rộn rịp, chàng không thế nào làm việc được.

Với lại, con người có đời sống bên trong, luôn luôn mỗi ngày thích dành ra một lúc để quay về với chính mình. Những lúc ấy, hắn cần được yên thân. Ở đây yên thân nhứt: gia đình, bạn hữu, nào có biết để mà theo quấy rầy chàng.

Ngoài ra, chàng được hưởng thêm nhiều thú khác. Chàng nghe như mình đang du lịch ở những nơi xa, sống cô đơn nơi một buồng khách sạn, cái buồng nặc danh với những bức tường trắng không tranh ảnh, không mang một bản sắc nào. Cái mộng viễn du chưa bao giờ thỏa, thế là được ảo tưởng nầy bù cho.

Chàng lại nghe hay hay, nhớ lại thuở thanh xuân, trốn nhà đi chơi lêu lổng, nay ngủ chỗ nầy, mai ngủ nơi khác…

Ục..ục…ục…uột…

Lần nầy, Quỳnh không bịt tai nữa, vì chàng thấy, chàng rất bất công. Chính chàng cũng đã gây tiếng động khiếm nhã. Mỗi lần đến là chàng đánh máy ầm trời.

Những người ở chung quanh buyn-đin với chàng tò mò tìm biết anh chàng nầy làm nghề gì, mà mỗi ngày chỉ đến có mấy tiếng đồng hồ thôi, mà hễ đến, là đánh máy liên tu bất tận. Lắm đêm, hắn bốc đồng, lên đó vào lúc mười giờ, mở đèn sáng choang, rồi đập sành sạch không cho ai ngủ cả.

 

Ở đây có những công chức cao cấp, những sĩ quan, những thương gia chưa sắm nổi biệt thự. Bề ngoài thì như là không ai thèm chú ý tới ai, nhưng chàng tinh mắt, biết họ cố tìm căn cước chàng, một gã khả nghi. Hắn đánh truyền đơn chăng? Chỉ có người quản lý buyn-đin là hơi biết hắn làm gì thôi, vì hắn phải khai sự thật ở đó.

Họ ngạc nhiên là không bao giờ có bạn đến thăm hắn. Lại càng khả nghi hơn nữa.

Nhưng mà rốt cuộc, hắn cũng có bạn. Đó là một người bạn gái, xinh như các thiếu nữ trong cổ tích. Lần đầu tiên, cô bạn ấy lên đây, một viên…gặp cô ta ở chân thang, đã kinh ngạc vì sắc đẹp của cô. Cô bạn leo thang chớ không dùng thang máy. Người ấy không ngại trễ giờ làm việc, leo cả sáu chiếc thang lầu để theo cô ta, cho biết cô ta đi đâu.

Thế rồi, người ta đồn ầm lên rằng, hắn thuê buồng để tiếp nhân tình.

Quỳnh chỉ mong được thế. Nhưng cô ta chỉ là bạn thôi. Đó là một văn hữu mới quen.

Nói văn hữu, thì ra suy tôn cô bạn quá. Thật ra, chỉ là một bạn đọc yêu văn chàng và vốn cũng thích viết văn.

Họ gặp nhau trong một trường hợp kỳ dị hết sức và chính cô gái đã làm quen trước với chàng. Cô gái thông thạo các vấn đề văn nghệ, biết tất cả văn nghệ phẩm Việt và ít nhiều tác phẩm ngoại quốc, nên chi trong buổi đầu gặp gỡ, chàng nói chuyện giỏi một cách dễ dàng, vì khỏi phải ra ngoài địa hạt của chàng. Cô gái ngỏ ý muốn nhờ chàng chỉ dẫn cho công việc sáng tác. À, còn gì sung sướng bằng. Chàng chỉ mong có bấy nhiêu đó, mà không dám đề nghị trước. Chán vạn thằng khác nó dâng công cho gái như vậy và được gái yêu. Chàng khỏi phải lập công với ai, mà kết quả cũng có thể đi đến đó.

Công việc đầu tiên của chàng là đặt cho bạn một biệt hiệu văn nghệ. Không biết ai đó đã đặt dùm nàng một bút danh rất là sáo: cô Song Thu. Sao lại nói đến hai mùa thu trong con người nô nức thanh xuân ấy, nơi con người nồng cháy cả một mùa hè sinh lực ấy !

Quỳnh đã dâng bạn một bút hiệu hơi bí hiểm: cô Long Hoa.

Nhưng, mặc dầu là văn hữu, họ vẫn gọi nhau bằng tên cúng cơm, tên mà người ngoài không ai biết cả.

Nàng nói:

-Biệt hiệu của anh là của muôn người; em chỉ thích kêu anh là anh Quỳnh thôi, vì Quỳnh mới là của riêng em.

Công việc đầu tiên của Lệ, tên nàng, là sắm một tấm vải màu phủ mặt bàn, chiếc bàn độc nhứt dùng làm bàn ăn, đánh máy và ngồi lên đó chơi, mà chàng để trơ trẽn ra đó, không phấn son gì cả.

Cô bạn lại mua tranh, bắt Quỳnh phải treo lên vách.

Cái buồng bây giờ đã có cá tính của nó, chớ không còn là buồng nặc danh của khách sạn hay phòng thuê nữa.

Người ta thấy là đờn bà đã vào phòng đó, hơn thế, một người đờn bà có học, có óc thẩm mỹ và khéo léo tay chơn.

Nhưng Quỳnh lấy làm thất vọng. Họ gặp nhau đã sáu lần rồi, mà cô bạn, xem chừng, không vội học sáng tác cho lắm.

Cô bạn nói rất nhiều chuyện mưa, chuyện nắng, mà nói rất có duyên. Quỳnh, tuy không phải chỉ biết nói về văn nghệ không mà thôi, nghĩa là, tuy chàng, cũng vui được với chuyện chó chẹt, ô-tô và chuyện đờn bà giựt hụi, nhưng chàng không khỏi bất mãn vì người văn hữu chưa đến. Thân thể y có mặt, nhưng người bạn văn của lúc gặp gỡ, thì vẫn chưa thấy bóng hình.

Quỳnh cũng biết thích bạn gái như ai, phương chi đây là một người bạn gái đẹp và thông minh, lại có rất nhiều cảm tình đối với chàng, thì chàng còn mong gì hơn.? Nhưng chàng cứ mong hơn. Vì chàng đã dọn lòng để đón một văn hữu chớ không phải để rước giai nhân.

Sao người văn hữu lại không đến? Mỏi mòn nhìn con đường xa, gió cuốn bụi hồng, mỏi mòn trông đợi một bóng ngựa viễn phương mang đến người bạn văn trễ hẹn, Quỳnh nhẫn nại tiếp đón mỹ nhơn, dầu sao, cũng đang có mặt.

Nếu không đợi người kia, thì chàng đã yêu người nầy từ lúc ban đầu. Người đờn bà đẹp, chỉ để cho người ta yêu thôi, chớ không dùng được vào việc gì cả. Cô bạn nầy, trời sanh ra làm gì và đến đây để làm gì, thật là không có lý do, y như là trời đã sanh ra hoa hồng và hoa hồng lại bị cắm vào miệng lọ, chỉ có một lý do nhỏ thôi, là làm cho vui mắt chủ nhà.

Chủ nhà không thuê buồng để tiếp gái đẹp, thuê buồng xong, không thèm sắm lọ, thì hoa hồng vào đây, có phải là không biết điều lắm chăng?

Nhưng nó đã vào và nó đẹp, chủ nhân đang buồn, bạn không đến, thì không lẽ lại không nhìn nó.

Nó xinh đẹp ghê hồn khiến chủ nhân cũng đến thấy mình ngốc quá, mà đã xem thường nó.

Trời sanh người đờn bà đẹp làm gì, nếu không để cho người ta yêu. Quỳnh yêu nàng vậy. Nhưng không dễ dàng lắm đâu.

Phụ nữ Việt Nam đã bắt đầu bị Âu hóa thật sự. Họ đến buồng đờn ông, nhưng vẫn tự vệ, nếu bên nam giới không khéo xử thế, thì cũng chẳng đi đến đâu được.

Quỳnh đã khéo xử thế. Cuộc đùa giỡn với ái tình gay cấn và cam go quá, khiến chàng say mê, say cái say chiến đấu của văn nghệ sĩ, cái gì dễ dàng quá thì không ham, mà chỉ mê mệt đối với những sáng tạo đau đớn thôi.

Chàng đã thắng.

Nhưng trong giây phút ôm thiếu nữ trong tay, chàng bỗng nghe rỗng không trong lòng và quanh mình.

 

Trời ơi, thật là không có gì cả, cái phút giây mà người ta gọi là thần tiên!

Chàng đã vật lộn với tình cảm, với tư tưởng, đã lao khổ sáng tác, và rốt cuộc, đẻ ra được những cái gì bền vững, mà chàng thích nâng niu lâu ngày.

Ở đây, chàng cũng đã lao khổ chiếm trái tim một giai nữ nhưng khi thành công xong, chàng không thấy được gì cả.

Chắc thiếu nữ đang nằm trong tay chàng, thầm nói:

-Sướng đấy nhé! Anh đã được em rồi đó, có thích hay không?

Không, chàng không thích, hay có thích cũng chỉ như đứa bé được quà, thích như vậy thôi, chớ làm sao mà có được những xúc cảm mê ly của cái phút chấm dứt một văn nghệ phẩm?

Nhưng mà cũng an ủi phần nào. Người văn hữu không đến, nhưng người tình nầy có thể là người văn hữu kia. Văn hữu chậm bước, vì nàng cần phải sống cái đã, sống dưới cái võ ngoài của người phụ nữ thường, sống đầy đủ về tình cảm và xác thịt. Sống thỏa mãn xong, người bạn văn sẽ cởi áo người nhân tình mà thoát ra, và chừng đó, chàng sẽ được cả hai.

Quả thế. Trận giặc ái tình chấm dứt bằng một hiệp ước yêu đương. Lệ bắt đầu học tập. Ông thầy dạy văn làm phận sự rất dễ dàng, vì nàng đã khá thạo kỹ thuật viết.

Quỳnh thấy mình phải dắt bạn bước qua giai đoạn thứ nhì ngay. Chàng nói:

-Viết văn chỉ là một thứ kỹ thuật, tương đối dễ học. Nhưng muốn sáng tác, em cần phải có cái gì trong lòng, để mà nói ra, bằng không, thì giã từ văn chương vậy. Lắm khi, đã có cái ấy trong lòng rồi mà nó không cắn rứt mình, không kêu gào đòi chun ra lắm, thì cũng không thể sáng tác được. Em có cái gì trong bụng không?

Lệ vả vào má chàng một cái đau điếng, cười, rồi đáp:

-Sẽ có thằng con của anh chớ gì. Nhưng mà chưa có, đừng có nghi bậy.

Cả hai cười xòa, rồi Quỳnh lập nghiêm, tiếp tục bài giảng:

-Đứng đắn mà. Em có nỗi niềm gì muốn nói ra chăng? Băn khoăn gì? Thắc mắc vì sao, bứt rứt chuyện chi?

-Không, em không băn khoăn về gì cả. Em chỉ mơ yêu…

-Thế à? Mơ yêu cũng là một chuyện có thể nói ra được, miễn là nói hay.

-Nhưng giờ đã yêu rồi, em hết mơ.

-Cũng vẫn cứ được, sự thỏa mãn trong tình yêu cũng là một đề tài hay.

-Nhưng em không cần nói ra.

Quỳnh kinh ngạc, trừng trừng nhìn người bạn, giây lâu mới hỏi được:

-Tại sao em lại thích viết văn?

Lệ làm thinh rất lâu, rồi cười đáp:

-Khó nói lắm.

-Nhưng mà một văn sĩ tập sự phải nói được, ít lắm, là điều đó.

-Như thế nầy: Viết văn danh vọng lắm. Như anh, ai cũng biết đến cả. Em cũng muốn được như vậy. Nhưng mà, nay học thêm với anh, em thấy là phải khổ thân lắm mới bước tới đài danh vọng được.

Quỳnh bỗng nghe một trận địa chấn quanh chàng. Chàng buông người bạn tình ra, lòng đau xót không tả được.

Người văn hữu đã chánh thức nhắn lời là không đến, không bao giờ đến nữa cả. Hắn chỉ là một ảo tưởng và hắn đã tan trong sương mờ.

Quỳnh nắm lấy cằm bạn, nhìn thẳng vào mắt nàng, nhưng chỉ nói thầm một mình:

-Em bé ơi! Em bé không thích mang nặng, đẻ đau, không chịu hoài thai cực khổ và không chịu chuyển bụng rên la, mà em bé lại đòi có những đứa con nó đưa em bé lên đài danh vọng…

Thôi, em bé đi lấy chồng đi, lấy những người đang ở trên cao, hoặc đang có tương lai nhiều. Một sớm, một chiều, các báo sẽ nói đến phu nhân X…nào đó.

Viết văn, nào phải để leo lên đài đâu? Viết để làm gì, lắm khi, chính anh cũng không biết. Nhưng đó là cái thai đã đến ngày, những thằng bé cứ vặn mình đòi lọt ra. Đau như xé cả ruột gan, không muốn làm cho nó ra, cũng không thể được.

Quỳnh muốn trả ngay căn buồng nầy. Hồn người văn hữu sai hẹn cứ như còn quanh quất đâu đây. Phải trốn không khí nầy, mà bao lâu nay phảng phất tiền hương, tiền vị của người khách mong đợi.

Bỗng có người bước lên thang gác. Đó là tiếng giày đờn bà, nó làm cho chàng giật nẩy mình, dáo dác nghe ngóng.

Không, không trả căn buồng nầy đâu. Mỗi tiếng động khiếm nhã ở đây đều gợi nhớ những giây phút hồi hộp đợi chờ. Mỗi lần nghe tiếng động, chàng sẽ có dịp đi hành hương trong không gian, đi về phía bàn thờ thần “Tình Bạn Văn’.

Cây vĩ cầm của cô hay cậu nào ở buồng số 5 cứ kéo ọ ẹ mãi bản nhạc “Bên Sông vắng” của Tạ Tấn.

Nhưng lần nầy, chàng không nghe bực mình nữa. Chàng lẩn thẩn đặt lời cho những nốt nhạc ấy, lời thật của tác giả, chàng đã quên từ lâu, vì đó là một bản nhạc tiền chiến.

Đêm nay tới bến, năm nào đây,
Tiếng gió vi vu bên sông vắng tanh,
Ngậm ngùi nhớ đến con đò xưa, năm ấy,
Quen nhau bởi một chuyến đò chiều.

Nhớ người năm đó.

Bình Nguyên Lộc

 Từ - E- Book

 

No comments: